Đằng-Giao/Người Việt
WESTMINSTER, California (NV) – Cô Grazyna Szymanska, giáo sư người Ba Lan làm việc tại Đai Học UC Riverside, đang tổ chức một cuộc nghiên cứu về hoạt động xã hội và chính trị của cộng đồng gốc Việt tại Mỹ và nhiều nơi khác trên thế giới, vừa đến thăm nhật báo Người Việt hôm 8 Tháng Tư, 2019.
Về ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư của người Việt, cô Szymanska, với tâm trạng là người dân từng bị Liên Bang Xô Viết chiếm đóng nhiều năm, cho hay: “Tôi hoàn toàn hiểu tinh thần chống Cộng Sản của người gốc Việt tại Little Saigon. Nỗi đau mất nước của họ tuy đã 44 năm nhưng vẫn còn rất mới, cũng như tâm trạng nhiều người Ba Lan bây giờ đối với người Nga.”
Ngay từ hồi còn tiểu học, cô Szymanska đã học chung với những học sinh gốc Việt.” Tôi đến nhà họ chơi và bắt đầu thắc mắc về hoàn cảnh của họ khi còn ở Việt Nam. Hoàn cảnh của họ lôi cuốn tôi nên dần dần, tôi có rất nhiều bạn gốc Việt,” cô kể. “Người gốc Việt ở thủ đô Warsaw của Ba Lan bây giờ lên tới từ 20 đến 30 ngàn người.”
Thời gian đầu tiên, người gốc Việt ở Ba Lan là giới “con ông, cháu cha” ở Hà Nội vì chỉ có họ mới hội đủ điều kiện ra nước ngoài sinh sống. “Nhưng sự kiện này được thay đổi dần và sau này, có đủ tầng lớp người từ Việt Nam đến Warsaw. Và cộng đồng người Việt ở đây có vẻ đoàn kết hơn,” cô nói.
Cộng đồng gốc Việt ở Warsaw thay đổi nhiều lần. Từ lúc thành phần “con ông, cháu cha” ở Hà Nội chiếm đa số đến khi họ trở thành hiếm hoi. Lúc này, rất nhiều người từ Sài Gòn đến Ba Lan.
Cô kể: “Tôi nhớ có lần, một người bạn của tôi không dám phát biểu tại các buổi hội họp của người Việt vì sợ lộ giọng Bắc quá đặc.”
Đồng lòng với đồng bào trong nước và ở mọi nơi trên thế giới, người gốc Việt ở Warsaw vô cùng quan tâm đến quê hương và người dân Việt Nam.
“Ngày nay, người gốc Việt ở đây rất đa dạng và họ rất quan tâm đến chuyện trong nước, nhất là chuyện chống Trung Quốc về vụ Trường Sa, Hoàng Sa, rồi Formosa, rồi Luật An Ninh Mạng và vụ cho thuê đặc khu 99 năm.”
Cô Szymanska từng du học ở Việt Nam. “Lần ở Việt Nam lâu nhất của tôi là 12 tháng. Những lần khác thì ít hơn, mỗi lần chừng, 3 tới bốn tháng. Tôi có thể viết và nói tiếng Việt sơ sơ,” cô cười. “Vì học tiếng Việt ở Hà Nội nên khi nghe giọng Sài Gòn hay miền khác, tôi hơi bị khó hiểu.”
Trong những cuộc nghiên cứu về cộng đồng người Việt ở Warsaw, thủ đô Ba Lan, cô Szymanska nhận thấy những người có lòng với tình hình chính trị Việt Nam ngày càng trẻ đi.
“Hồi đó, những người hay tham gia biểu tình cho những gì mà họ cho là bất công ở Việt Nam ở lứa tuổi từ 35 đến 40. Phần đông họ là giới kinh doanh, người thì mở cửa hàng bán đồ, người thì mở nhà hàng. Dĩ nhiên họ không tập trung thành một khu lớn như ở Little Saigon, Westminster,” cô nhận xét.
Cô lắc đầu: “Khó có nơi nào có những khu thương mại của người gốc Việt lớn và đông như ở đây.”
Tuy nhiên, số sinh viên gốc Việt ở Warsaw tham gia biểu tình chống chính sách Cộng Sản Việt Nam càng ngày càng đông đảo. “Đây là một hiện tượng rất lý thú đối với tôi,” cô cho biết.
Ban đầu, nhân viên Tòa Đại Sứ Việt Nam tại Warsaw làm ngơ cho các cuộc biểu tình chống Việt Nam. “Nhưng dạo sau này, họ bắt đầu lên tiếng. Họ không có thẩm quyền cấm đoán ai cả. Nhưng họ có những răn đe ngầm như, ‘Các anh chị đừng nên làm quá, sẽ có ảnh hưởng đến việc về Việt Nam rồi xin giấy tờ qua lại đây,’ hoặc, ‘Xin đừng làm gì có ảnh hưởng không tốt cho gia đình của quí vị ở Việt Nam,” cô kể.
Nhưng nói gì thì nói, làm gì thì làm, tinh thần chống Cộng Sản của người Việt ở Ba Lan vẫn không suy suyển.
Ngày Quốc Hận 30 Tháng Tư mang lại một cảm xúc mất mát và đau đớn cho bao nhiêu người Việt ở khắp nơi trên thế giới. “Là nạn nhân của Cộng Sản, tôi chia sẻ nỗi đau này,” cô Szymanska bộc lộ.
Cuốn sách viết bằng Anh ngữ với tựa đề “Vietnamese in Poland, From Socialist Fraternity to the Global Capitalism” của cô sẽ được phát hành nay mai tại Đức. (Ðằng-Giao)