Nguyễn Văn Lục
18.10.2019
Sau 1975, một số nhà văn miền Bắc, như Dương Thu Hương, ngoài sự nhìn thấy Sài Gòn như là một đô thị phát triển mà mức sống hẳn vượt xa miền Bắc, còn nhìn thấy Sài Gòn còn là một đô thị có nền văn học “mở” tự do, dân chủ, đa dạng, đủ mầu sắc.
Từ ngạc nhiên đến thán phục, họ có thể tìm thấy ở Sài Gòn tài liệu báo chí, thơ văn, truyện đủ loại của các nhà thơ, nhà văn phía cộng sản như: Huy Cận, Thế Lữ, Chế Lan Viên, Tú Mỡ, Xuân Diệu, hay tác phẩm của các nhà văn tiền chiến như Vũ Trọng Phụng, Nam Cao, tác phẩm của thế hệ Tự Lực Văn Đoàn như Trần Tiêu, Nguyên Hồng, ồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp nhạc Văn Cao, Đoàn Chuẩn được Thái Thanh hát trên đài truyền hình Sài Gòn.
Trong tủ sách riêng, tôi còn có giữ được khá nhiều ấn bản rất quý về Thế Lữ, về Chế Lan Viên, về Nguyên Hồng, Trần Tiêu, Tô Hoài, v.v.. Đặc biệt một tập thơ mỏng tanh của nhạc sĩ Văn Cao nhan đề có một chữ: Lá.
Xin trích một đọan thơ của con người tài hoa của đất nước.
Khuôn mặt em
Giữa những ngày dằng dặc
Chỉ còn khuôn mặt em
Sáng trong và bình lặng…Dù hai đứa chúng ta
Chưa lúc nào sung sướng
Những ngày đau khổ ấy
Khuôn mặt em
Như mảnh trăng những đêm rừng cháyTrên đường đi
Anh đặt em trên đồng cỏ
Thấy em đẹp mãi màu xanh cỏ dạiTrên đường đi
Anh đặt em trên dốc núi
Để tìm lại những đường mềm của núiTrên đường đi
Khuôn mặt em làm giếng
Để anh tìm làm đáy ngọc châuÔi khuôn mặt sáng trong và bình lặng
Tôi được đầu tiên và còn lại cuối cùngVăn Cao
Xin cho phép tôi hoang phí thêm một bài nữa.
Những Bó hoa
Những bó hoa mang tới chúc tụng
Thành công một con người
Hằng ngày hằng ngày
Xây thành cái mồ chôn
Con người thành công ấy
Người ta đôi khi bị giết bằng những bó hoa.
17-3-1974Văn Cao
Tôi hy vọng có một ngày nào đó, tôi còn đủ thời giờ viết về những nhà thơ, nhà văn cao quý này. Viết về những nỗi khốn khổ của họ. Tôi đã có dịp viết về Nam Cao, một nhà văn lớn của chúng ta qua truyện ngắn thật hay: Chí Phèo. Riết rồi tôi mơ được làm Chí Phèo thay vì làm Kim Trọng hay Từ Hải. Chí Phèo đã thực hiện được giấc mơ đời người –hạnh phúc– qua cái hớ hênh của Thị Nở. Mà không phải trả giá bằng cái đã được bày binh bố trận.
Bởi vì, tôi nhìn ở nơi họ như một giá trị. Coi họ là của chung của Việt Nam. Chẳng phải của Hà Nội mà cũng chẳng phải của Sàigòn.
Còn lại các tài liệu về chính trị viết về Hồ Chí Minh, Võ Nguyên Giáp phần lớn do các tài liệu viết bằng tiếng Pháp của Paul Mus, Jean Lacouture, Jean Lartéguy, v.v.. Và không biết bao nhiêu tài liệu sử học, chính trị đủ loại. Trên thư viện Đại Học Đà Lạt, được biết có 5000 cuốn sách, tất cả bằng tiếng Pháp. Người sinh viên giỏi nào nghiền ngẫm được 100/5000 cuốn đã trở thành đắc đạo và có thể xuống núi hành hiệp giang hồ.
Nhất là chủ nghĩa Mác-Xít được dậy công khai trên giảng đường Đại học do tinh thần tự trị đại học.
Thế nhưng, có thể còn một góc cạnh khác mà chính người miền Nam cũng không lưu ý cho đủ. Đó là ngay cả những người cộng sản, nhất là Đệ IV thì họ có tên chính thức trên các đường phố Sàigon.
Nhân tiện đây xin đưa ra một chứng liệu là, dù chống cộng sản, miền Nam Việt Nam trước và sau 1954 đã có một thái độ chính trị cởi mở và khoan hòa. Vì thế đã có những người yêu nước thuộc cộng sản Đệ IV Quốc tế đều có tên trên đường phố tại Sài Gòn.
Nó khác với cộng sản Hà Nội, sau 1975 đã dẹp tên những người cộng sản Đệ IV ra khỏi tên các đường phố ở Sài Gòn. Cái tinh thần nhân bản của miền Nam ấy đã làm ngạc nhiên một người cộng sản Đệ IV, sống cả đời bên Pháp, sang Pháp từ những thập niên 1940 cho đến hiện nay, như Hoàn Hoa Khôi nhớ lại những con đường ở Sài Gòn đã đưa ra nhận xét:
“Trong quá khứ, Sài Gòn ngắn ngủi của tôi: từ lúc còn nhỏ, qua những lần đi học, đi chơi, đi xi nê, đi mua sách, tôi thắc mắc khi ngang qua các con đường mang tên Tạ Thu Thâu, Phan Văn Hùm, Trần Văn Thạch. Họ là ai, sao không thấy trong những trang sử học ở trường; họa hoằn lắm, trong những lần nghe lóm truyện người lớn, hay đọc sách báo, thoáng thấy những nhắc nhở rời rạc, đó là những người đệ tứ Trốtkit, bị cộng sản tức Việt Minh thủ tiêu, vì là “Việt gian” mà đệ tứ cũng là cộng sản.
Sao họ lại được tổ quốc (miền Nam chống cộng) ngày ấy ghi ơn? Người lớn nghiêm trang, trầm trọng, bí mật và ít lời. Vì không biết hay không dám/muốn nói.
Nhưng năm 1975, khi đất nước thống nhất, tại sao những người đệ tứ này, qua những con đường đổi tên, một lần nữa bị thủ tiêu?”
Nhìn lại 60 năm tranh đấu cho Việt Nam. Hồ sơ đệ tứ, Nhóm đệ tứ Việt Nam tại Pháp, trang 275.
Thật vậy, ở miền Nam, nhất là sau 1954, chính phủ đã cấp tốc thay thế tất cả các tên phố Tây — xóa sạch dấu vết thuộc địa — đổi ra các phố Việt. Việc này đã giao cho một công chức tòa Đô Chánh, ông Ngô Văn Phát, tự Tuần Phong (1) — Trưởng Phòng Họa Đồ, tòa Đô Chánh. Công việc làm gấp rút chỉ trong ba tháng đã hoàn thành.
Ông Ngô Văn Phát vẫn giữ lại một số tên phố cũ đã có từ lâu đời như Cầu ông Lãnh, nhà thờ Huyện Sĩ, các đường Bà Hạt, bà Chiểu, Bà Điểm, Bà Quẹo, Bà Hom..cũng như Lăng Cha Cả. Tên các nhóm đệ tứ cũng vẫn được giữ lại như các đường Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Trần Văn Thạch, v.v.. Và đặc biệt giữ lại đường Pasteur. Cũng như ở Đà Lạt vẫn giữ lại đường Yersin. Thật đáng trân trọng.
Các đại lộ chính nay nó trở thành một tiêu biểu cho một chủ trương chính trị của miền Nam như các đường Tự Do, Công Lý, Thống Nhất, Dân Chủ, Cộng Hòa.
Các đường dành cho các vị anh hùng nắm giữ những trục lộ chính và gián tiếp đánh giá và vinh danh công trạng như Trần Hưng Đạo, Lê Lợi, Lê Lai, (Lê Lai chỉ là công thần của Lê Lợi nên con đường dành cho ông nhỏ và ngắn thôi), Nguyễn Huệ, Trần Quốc Toản, Hai Bà Trưng, Đinh Tiên Hoàng.
Các vị vua Chúa nhà Nguyễn như Gia Long, Minh Mạng, Thiệu Trị, Tự Đức cũng vậy. Riêng nhà vua Duy Tân chiếm giữ một đường phố sau trở thành huyền thoại của giới sinh viên và giới ca nhạc sĩ với Phạm Duy.
Đường Khổng Tử, Trang Tử dành cho người Tàu Chợ Lớn.
Các bến sông dọc bến tàu nay trở thành những công trạng lừng danh của cuộc kháng chiến chống Tàu như bến Bạch Đằng, bến Chương Dương, bến Hàm Tử.
Các nhà cách mạng chống thực dân Pháp cũng đều có tên như Nguyễn Thái Học, Hoàng Hoa Thám, Phan Thanh Giản,Trần Quý Cáp, Cường Để, Phan Bội Châu, Phan Châu Trinh, Tạ Thu Thâu, Nguyễn An Ninh, Bùi Viện, Bùi Thị Xuân, Huỳnh Thúc Kháng, Phó Đức Chính, Cô Bắc, Cô Giang, Phan Văn Trị, Tôn Thọ Tường.
Các nhân sĩ, văn sĩ thi hào như Nguyễn Du, Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Đồ Chiểu, Tú Xương, Tản Đà, Hồ Xuân Hương, Bà Huyện Thanh Quan.
(Đọc thêm các tác giả Vũ Linh Chiêu và Nguyễn Văn Luân: “Thuần Phong–người đặt tên cho đường phố Sàigòn trước 1975, Diễn Đàn trí thức Việt Nam, ngày 03-04-2019)
Cái khôn ngoan, cái cân nhắc, cái hiểu biết đánh giá lịch sử chính trị, cái độ lượng của người đặt tên đường đến độ chỉ cần xem tên dường, vị trí của nó trên bản đồ, con đường dài hay ngắn, nơi đô thị sầm uất hay không? Nhờ đó biết được phần nào vai trò quan trọng của nhân vật lịch sử đó trong lịch sử dân tộc.
Đọc tên đường của thành phố Sài Gòn là đọc lại lịch sử của Việt Nam trong ngàn năm chống Tàu và 90 năm chống Pháp.
Trong khi đó, ngoài Bắc, trừ một số đường đã được đặt tên từ 1945-1947 nay vẫn để nguyên. Nhất là các tên đường trong khu Phố Cổ hầu như không thay đổi.
(Xem thêm Nguyễn Loan–Nguyễn Hoài. Tự điển đường phố Hà Nội nxb Thế giới, 1994).
Nhưng tên các vua Chúa Nhà Nguyễn và các anh hùng dân tộc chống Tầu, nhất là chống Pháp là không có tên tuổi. Tên các nhà văn, thi sĩ cũng vậy.
Tuy nhiên, còn biết bao nhiêu tên tuổi bị bỏ quên? Bao nhiêu người đã hy sinh xương máu, bao nhiêu nhà văn hóa không có tên tuổi? Trong khi các lãnh đạo cộng sản thì tên tuổi nhan nhản, không thiếu mặt người nào cả, ngay cả những kẻ đại gian, đại ác!
Và người lãnh đạo cộng sản nào khi chết cũng chỉ mơ ước có tên trên đường phố Hà Nội. Nhưng trong tương lai lấy đâu ra chỗ? Rất có thể, họ sẽ dẹp bỏ tất cả các con đường có sẵn trong Phố Cổ như các phố Hàng Ngang, Hàng Đào, Hàng Bạc, Hàng Than, Hàng Trống, Hàng Quạt, v.v. ( Xem Nguyễn loan–Nguyễn Hoài. Tự điển đường phố Hà Nội.)
Vì thế, người ta có cảm tưởng, đọc tên đường phố Hà Nội không phải để đọc lịch sử đất nước này. Mà là đọc lịch sử 90 năm sự thống trị của chế độ cộng sản từng ngày đã một thời cai trị đất nước và nay còn tiếp tục chưa biết đến bao giờ? Mỗi năm kéo dài là thêm mỗi năm xác chết cộng sản còn đó vẫn canh chừng người sống. Nó thiếu hẳn cái tinh tự dân tộc, đất nước, con người miền Nam trước 1975!
© 2019 DCVOnline
Nguồn: DCVOnline minh họa và chú thích
(1) Nhà văn, chuyên viên họa đồ Ngô Văn Phát, bút hiệu Thuần Phong, Tố Phang, Đồ Mơ, sinh ngày 16-10-1910 tại huyện Vĩnh Lợi, tỉnh Bạc Liêu.
Thuở nhỏ học ở Bạc Liêu, Sài Gòn, đậu bằng Thành Chung rồi nhập ngạch họa đồ ngành công chánh. Ông ham thích văn chương từ ngày còn đi học, từng có thơ đăng trên Phụ nữ tân văn, họa mười hai bài Thập thủ liên hoàn của Thương Tân Thị… Có lúc ông dạy Việt văn tại trường Petrus Trương Vĩnh Ký ở Sài Gòn.
Năm 1957 ông có bài đăng trên bộ Tự điển Encyclopedia – Britannica ở Luân Đôn (Anh Quốc). Đó là chuyên đề Khảo cứu về thành phố Sài Gòn. Năm 1964 chuyên đề Ca dao giảng luận in trên tạp chí Trường Viễn đông Bác cổ ở Paris (sau in thành sách ở Sài Gòn). Ông cũng có chuyên đề Nguyễn Du et la métrique populaire (Nguyễn Du với thể dân ca) đăng trong bộ sách nhan đề: Mélanges sur Nguyen Du (Tạp luận về Nguyễn Du) trong dự án Nguyễn Du do tổ chức Nghiên cứu Việt học của trường Đại học Sorbonne thực hiện năm 1965.
Những năm 70 ông được mời giảng môn Văn học dân gian tại Đại học Văn khoa, Sư phạm Huế và Cần Thơ.Ông mất năm 1983 tại Sài Gòn.
Tác phẩm:
- Ngụ ngôn Việt Nam I, II (thơ)
- Bức tranh vân cẩu (nt)
- Bóng người qua (1928)
- Giữa Đồng Tháp Mười.
- Giọt lệ phòng đào (1929)
Và nhiều tác phẩm kịch, giảng luận văn chương Việt Nam khác.
Nguồn: Tố Phang (Wikipedia)