DTDB
Mấy hôm nay thời tiết dễ chịu, gió sáng mát vương hơi sương lành lạnh, cái lạnh the the mát mẻ quét lên da thịt… của vùng trời sắp sang xuân. Cho nên khi ra ngoài phải mặc thêm áo khoác nhẹ để giữ ấm. Vùng làng Yub City nầy cây cỏ lá hoa đã đâm chồi nẩy lộc nở nụ bán khai, và nắng bình minh trong sáng lung linh như sẵn sàng chào đón cái ấm áp rạng rỡ của đầu mùa xuân sắp đến, củng tạ từ cái lạnh vớt vác cuối mùa đông ở California miền Nam nước Mỹ.
Có phải chăng đây là sự sắp xếp an bày của Thượng Đế cho thế nhân? Bởi bôn đào khỏi quê hương sau ngày Tàu và Việt Cộng cưỡng chiếm miền Nam, gia đình nhỏ bé của chúng tôi bốn người, thừa chết thiếu sống, hết sức khốn đốn, trầy vi trốc vẩy và phải qua hai ba nước tự do như: Mã Lai, Nam Dương, Singapore rồi mới vào được nước Mỹ. Và chúng tôi được qua tận chốn xa xôi định cư, ở tận vùng Chicago tiểu bang Illinois, thuộc miền Trung Tây Hoa Kỳ.
Chicago lạnh lắm, lạnh nổi tiếng nhứt nhì của nước Mỹ, lạnh gần tám tháng trong năm. Nơi đó lạnh khởi đầu giữa mùa thu, đến mùa đông chồm qua mùa xuân có năm cả tháng trời, thì thời tiết mới bắt đầu ấm áp. Trong mùa đông nhiều khi nhiệt độ xuống trừ 10 độF, 20 độF là sự hết sức bình thường ở Chicago (Illinois) Bầu trời vùng nầy vào mùa đông luôn có mây xám ngắt hạ thấp, bên ngoài tuyết rơi trắng xóa ngập đường ngập lối. Tuyết trắng giăng mắc các cây, trên mái nhà, trên sân cỏ… ít khi trời nắng dù có nắng cũng lạnh tái lạnh tê…
Ấy vậy mà gia đình năm người (tôi có thêm một bé trai) chúng tôi cư ngụ hơn 24 năm trời. Cho đến bây giờ hồi tưởng, và đôi khi tôi tự hỏi: “Nơi đó lạnh quá là lạnh, tại sao mình không dời đi tiểu bang khác có khí hậu ôn hòa, ấm áp hơn nhỉ?” Cũng không lấy chi làm lạ, bởi chân ướt chân ráo đến xứ người, không có đồng su dính túi, không nơi ăn chốn ở lúc khởi đầu. Không quen biết ai thì đến nơi đâu, và biết nơi đâu mà đến… Nhứt là vấn đề lời ăn tiếng nói, thông thường cũng không dễ nói được cho người ta hiểu mình và cũng không hiểu gì của những người chung quanh nói… Khác biệt đủ mọi thứ, vả lại nơi nầy còn có vợ chồng em gái tôi với hai đứa con, theo gia đình chồng rời quê hương trong lúc tranh tối tranh sáng… Khi bọn Tàu, và Việt cộng miền Bắc ào ạt vừa pháo kích, vừa tràn vào cưỡng chiếm miền Nam! Mới đến làng Addison nầy không bao lâu, thật là may mắn chỉ hai tuần thì ông xã tôi xin được vào làm ở nhà làng trong vùng, lương 4$60/1giờ. Thời buổi bây giờ như vậy là khá lắm so với những người làm cu-li như tôi, (một năm sau) bắt đầu làm ở hãng chỉ có 3$19/1giờ. Chúng tôi lại ở gần sở làm của ông xã, nên may mắn tiện lợi cho việc đi bộ đến sở làm và về cũng không gì trở ngại dưới cái lạnh khắc nghiệt của mùa đông.
Hai vợ chồng tôi làm lương ít, phải nuôi gia đình năm miệng ăn, hàng tháng phải trả tiền nhà mướn, tiền ăn, tiền xăng linh tinh mọi thứ… Cũng nhờ hội từ thiện trong làng có bà Nancy Travenicek (đã qua đời) làm ở phòng xã hội trong làng tuần nào cũng mang cho những quần áo cũ của mỗi mùa, cho bánh trái, rau, cải, gà lôi, thịt (ham), đồ hộp, mì, gạo… gần quá hạn, các cửa tiệm trong làng cho dân nghèo để trừ thuế.
Một phần nhờ vào đó và một phần tôi tằn tiện, chắc mót chi tiêu, để cứ 2 tháng gởi về gia đình một lần, còn người già yếu, ốm đau… kẹt bên kia bức màng tre.
Gần tới mùa hè, hôm đó hai đứa con lớn đi học về nhà, con chị sụt sùi khóc! Khiến tôi chưng hửng mở to mắt nhìn. Con nhỏ mếu máo:
– Anh ngữ của con và em kém quá, nên nhà trường bắt phải học hè mới được lên lớp… Nhà mình đâu có tiền, thôi mẹ đóng tiền cho em học, con ở lại năm tới lên cùng lớp với em cũng không sao…
Con khóc, mẹ vuốt tóc con cũng nghẹn ngào! Mấy hôm sau ông xã tôi đi làm về, lấy bao thơ tiền trong túi đưa cho vợ! Tôi vô cùng ngạc nhiên vì chưa tới ngày lảnh lương?
Ông cười nhẹ, nói với mẹ con tôi:
– Trong sở anh làm, nghe ban xã hội cho biết hai đứa nhỏ con mình cần học hè, nên nhân viên khuyên góp tiền giúp cho…
Quay qua hai đứa nhỏ, ông ôn tồn bảo:
– Mấy đứa con nên nhớ “Một miếng khi đói bằng gói khi no” mai kia học hành xong, có công ăn việc làm thì nhớ giúp người gặp lúc hoạn nạn để trả phần nào ơn người ta giúp gia đình mình, nghe chưa….
Bên ngoài ánh nắng trong sáng, từng cụm mây trắng in nền trời xanh bát ngát nhẹ bay về nơi vô định. Những con chim mùa đông trốn tuyết bay qua miền ấm áp, nay đã trở về. Chúng đậu dầy trên dây thép trụ đèn trước nhà, trên cây còn đang đâm chồi kết nụ… xòe cánh, vui tươi ca hót véo von. Vùng trời Chicago vẫn rét mướt giá băng, nhưng trong lòng tôi cảm thấy nơi đây là “Vùng đất lạnh tình nồng”.
Thời gian trôi mãi trôi, mới đó mà đã hai mươi bốn năm! Ba đứa con chúng tôi đã lần lượt ra trường Đại học. Hai đứa lớn thì còn học nghề, hai ba năm nữa mới xong, thằng út có việc trước khi ra trường.
Con gái lớn chúng tôi vừa ra trường thì lập gia đình. Cháu nhận việc ở Yuba City (gần Sacramento) thuộc Thủ Phủ của tiểu bang California. Hai năm sau cháu sanh con đầu lòng, thì chúng tôi nghỉ việc, dời về ở gần nhà con gái vào mùa xuân năm đó.
Ở lâu sinh tình, trước khi dời đi chúng tôi cũng nhiều nỗi đắn đo và bịn rịn lắm! Ông xã tôi thì ngần ngừ không muốn bỏ công việc tốt của mình, mà chàng làm đã 24 năm nay (sau khi đến Mỹ 2 tuần).
Ông chồng tôi lấy lý do nầy nọ để không chịu dời đi như ý muốn của vợ, nên bảo với vợ rằng:
– Chỗ anh làm tốt, lương cao… Tự bấy lâu nay tiền làm ra dùng cho ba đứa nhỏ học hành hết rồi. Giờ chúng ra đại học đi làm, không còn nhờ mình nữa, vậy mình cố gắng làm thêm vài năm nữa có tiền dư để dưỡng già em à! Vả lại chúng ta chưa đến tuổi hưu trí, thì tiền đâu để trả bảo hiểm sức khỏe hàng tháng nặng lắm… Rồi tiền chuyên chở nhà cửa dời đi, linh tinh mọi thứ phải tốn kém, đến đó phải mua sắm lại những thứ bỏ trước khi đi… anh còn nghe nói ở California giá sinh hoạt rất là đắc đỏ nữa!
Ông chồng tôi nói nghe cũng “tầm phải” lắm! Nhưng đàn bà mà, đa số độc tài, độc đoán và lúc nào cũng muốn làm quyền! Tôi cũng không ngoại lệ, nên dùng mọi lý lẽ “Tô Tần” để thuyết phục chồng mình nghỉ việc, dời nhà theo con! Nhưng nhiều lý lẽ tôi đưa ra đều bị chàng “bát” hết! Tôi lại bực bội và không bằng lòng với lý do biết rằng chính đáng của chàng!
Nhưng tôi vẫn giữ nét mặt điềm đạm, ôn tồn ngọt giọng kể lể:
– Anh nói cũng phải, nhưng hãy nghĩ lại xem. Năm 20 tuổi em đã ra làm việc, sau đó lấy chồng, sanh con… Anh thì đi lính biền biệt vắng nhà, cả năm mới về mấy ngày, rồi bị thương! Sau 30 tháng 4 – 1975 lại bị tù đày, ra tù thì vượt biên… qua biết bao nhiêu thăng trầm khốn khổ của cuộc đời! Đến xứ người sau khi sanh thằng út chưa đầy tháng thì em đi làm đầu tắt mặt tối, làm 2 việc 16 giờ/1 ngày. Các con nay đã đi làm không cần tiền cha mẹ nữa, thì mình làm ra tiền để dành làm chi? Vợ chồng mình chỉ có 3 đứa con, con gái vừa sanh đứa cháu ra thì bị bịnh, rồi đây ai sẽ giữ gìn con cho nó đi làm… Anh không thương con cháu chớ “tui” (Chữ tui dùng với chồng là chàng biết tôi giận rồi đa!) thì không thể để mặc chúng nó như vậy được…
Nhìn sắc mặt chồng mình có vẻ tư lự, mắt ông nhìn trời xa mông lung qua cửa sổ ra chiều suy nghĩ… Tôi liền trở giọng quyết liệt hơn, ra tuyệt chiêu cuối cùng liền:
– Thôi thì bây giờ thế nầy, anh cứ ở lại đây đi làm để dành tiền anh dùng đi, tui hứa là khỏi đưa tui một su nào hết! Tui qua bên đó giữ cháu, đôi ba tháng sẽ về thăm một vài ngày, như vậy là lưỡng toàn cho cả hai bên rồi… Anh thấy có “OK” không…?
Thế là ba tháng sau, vào ngày 30 tháng 4 năm 2004 chúng tôi rời thành phố gió Chicago đất lạnh tình nồng, dời về làng Yuba City gần Sacramento (thủ phủ của tiểu bang California) cho đến nay.
Làng Yuba City được bao quanh bởi những núi đồi hùng vĩ chận chắn được gió bão. Là thung lũng rộng lớn màu mỡ có trái ngọt, cây lành và nhiều sông, rạch… Làng nằm trên xa lộ 99 là một trong những xa lộ dài xuyên qua các tiểu bang khác trên đất nước Hoa Kỳ. Về mùa đông hơi sương vân vê phủ ngập, nhận chìm thành phố Yuba City trong dầy đặc sương mù màu trắng đục như bông gòn. Những kẻ có tâm hồn hay thơ thẩn “lơ thơ tơ liễu buông mành” đặt cho cái tên nghe hết sức mát mẻ và êm tai “Yuba City Thành Phố Sương Mù”.
Thời gian qua mau quá, năm nay là 2020, chúng tôi đến đây mới đó mà cũng tròm trèm mười sáu (16) năm qua cái vèo! Vùng chúng tôi ở nhiều người hưu trí sống an ổn, mùa lạnh cho chí mùa nóng có nghĩa là quanh năm đường phố sạch sẽ, yên tịnh ít khi nghe động cơ xe hơi ầm ầm vùn vụt chạy qua xóm. Cũng ít khi nghe thấy trẻ con hò hét chạy giỡn trên đường về mùa hè… Hoặc cuối tuần có những người đàn ông ở trần trùi trụi thay nhớt xe, sửa xe, rửa xe… ngoài đường, hay trước sân nhà họ như nhiều nơi khác.
Nhớ hôm mới đến đang chuyển đồ vào nhà, thì gia đình hàng xóm hai bên qua hỏi thăm. Họ chúc mừng người mới đến và còn hỏi nếu cần: ghế cao, thang, búa, kềm… cứ tự nhiên qua hỏi nếu có họ sẽ cho mượn… Với tôi, ở cái xứ giàu vật chất, thiếu chút tình, mới đến đây đầu hôm sớm mai mà được chòm xóm vui vẻ tốt bụng, niềm nỡ như vậy… Thật là hữu hạnh chúng tôi vui mừng vô cùng…
Yuba City cách Sacramento (Thủ Phủ California) cả giờ lái xe. Dân số đông trên 40,000 người (hơn dân cả tỉnh Mỹ Tho, năm 1975). Ở làng nầy chiếm 40% người bổn xứ (có người da đỏ). Người Ấn Độ chiếm gần 30%. Còn lại là người Mễ, Việt, Miên, Lào, Nhật, Phi… cùng các nước khác. Họ sống bằng nghề trồng lúa, trồng khoai, nuôi gia súc như: gà, bò, heo, trừu… và trồng cây ăn trái tươi và trái khô. Ở Yuba City có hãng Sunsweet nổi tiếng xấy các loại trái khô, các loại hột, như: almon, Walnut… ngon có tiếng và giữ được lâu. Những trái hột khô từ hãng nầy sản xuất, được tiêu thụ trong khắp nước Mỹ, và xuất cảng ra các nước khác trên thế giới.
Người Ấn Độ sinh sống ở đây, lấy thành phố của làng Yuba City làm tiêu biểu cho người nước họ ở ngoại quốc. Cho nên Làng Yuba City có rất nhiều người Ấn sinh sống, họ làm việc trong mọi ngành nghề, gần như công, tư sở… đều có người Ấn làm việc, làm chủ các cơ sở, như: Ngân hàng, chợ, nhà hàng, trồng cây trái, dạy học, bưu điện, khách san, cây xăng… nhứt là ngành y: bác sĩ, y tá, nha tá, nha sĩ, thí nghiệm… Dân Ấn ở đây thuộc thành phần có học, trí thức. Vì muốn vào Mỹ, họ phải qua tòa Đại xứ, thông thạo và viết rành chữ Anh, có nghề nghiệp vững chắc.
Mỗi chiều, quanh năm suốt tháng ở chùa Ấn Độ có cho ăn miễn phí, không phân biệt dân bổn xứ hay người nước nào.
Đại lễ “Sikh Festival” còn gọi là lễ “Nagar Kirtan”của người Ấn Độ vào ngày cuối tuần, đầu tháng 11 mỗi năm, đều có tổ chức đại hội. Người Ấn sống trên thế giới tựu về làng Yuba City, có khoảng 50,000 – 60,000 (ngàn) người để tham dự lễ hội. Cho nên người Ấn Độ đã thấp sáng làng Yuba City không những ở nước Mỹ mà cả thế giới.
Những ngày lễ ở đây các khách sạn không phòng trống, vui lắm đi đâu cũng gặp ngươi Ấn. Vào tối những ngày lễ có đốt pháo bông, ban ngày trên không gian có máy bay biểu diễn, trên đường phố có xe hoa diễn hành… Thời gian những ngày lễ, họ phát đồ ăn miễn phí dọc theo những con được chánh quyền địa phương ấn định. Người Ấn quan niệm và tin tưởng rằng: “Đãi những phẩm vật như nước uống, trái cây tươi tốt, ngon, những món ăn hảo hạng… Vì nếu mình cho người ta đồ quý thì Thương Đế mới bố thí ban nhiều ơn phước cho mình…”
Vợ chồng tôi cũng đi hội chợ, nơi buôn bán có giá cả tượng trưng… Vì mục đích của người Ấn bán là để quảng bá nhiều mặc hàng của nước họ, hàng vải, tiểu công nghệ… nhứt là những món cỗ ngoạn trưng bày trong nhà bằng gỗ, bằng sành… rất đẹp. Chúng tôi cũng không quên ăn ké những món chay lạ, ngon… khỏi trả tiền mà người Ấn Độ thành tâm nấu nướng đãi thế nhân để bòn vét những phước đức từ Thượng Đế ban cho.
Năm nay, vào tuần cuối tháng 12, 2019 sau khi đưa tiễn em gái tôi qua đời vì bịnh tim ở Chicago trở về Yuba City, tôi bị cảm cả hai tuần vẫn còn đang eng eng chưa hết. Thì cơn ác dịch Corona Vũ Hán rầm rộ bùng nổ nổi rải rác các tiểu bang nước Mỹ, và tràn lang các nước từ Âu, sang Á.
Tôi sanh ra và lớn lên ở một đất nước chiến tranh, những khổ đau tang tóc đã từng nghe, thấy chung quanh mình. Nhưng chỉ đôi ba ngày, hoặc một hai bữa ở chỗ nầy, vài bửa ở chỗ khác… còn giới nghiêm gần như năm nọ tháng kia liên tục. Hai bên bắn nhau, Việt cộng pháo kích, gày hầm chông, giựt mìn, đào lộ, đáp mô… Dù vậy nhưng vẫn còn có chổ ẩn nấp, chỗ trốn, chạy, trong lo sợ lắm… nhưng tâm trạng tôi vẫn dễ chịu! Bởi có lẽ Việt cộng cứ gây hấn giết chốc triền miên… riếc rồi tâm tư tôi chắc bị lờn đi, hoặc trở thành thói quen nên gần như vô cảm chăng?
Bôn đào khỏ quê hương, mấy mươi năm nay sống trong nước tự do, an bình, bây giờ tôi đã vào tuổi hoàng hôn ý chí phấn đấu hao hụt, không còn mạnh mẽ như xưa nữa. Nên sự âu lo, sợ hãi dễ xâm nhập vào tâm tư… tôi cần có thời gian thì những nỗi âu lo mới nhạt phai đi rất chậm! Vì thế ác dịch gây ra bên Tàu bên Tây, ở vùng Yuba City nhỏ bé nầy vẫn chưa có ai bị nhiểm bịnh, nhưng có một người là tôi đây đã rất lo và sợ! Vì tôi không biết ác dịch đang ở đâu, có thể ở trong người mình rồi mà nó chưa bộc phát, hoặc ở gần bên, trong không khí, dưới đất, trong xe hay đâu đó quanh bên mình… mà chưa phát tán?
Ở các thành phố lân cận như San Jose, Sanfransico và nhiều thành phố bị phong tỏa từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng. Chỉ nghe mà dân làng Yuba City của chúng tôi bắt đầu xao động, họ bắt đầu mua đồ ăn, nước uống, các nhu yếu phẩm dự trữ trong nhà để dùng lâu dài.
Tối đêm 20 tháng 2, 2020 Yuba City bị phong tỏa từ 11 giờ đêm đến 5 giờ sáng như những vùng lân cận. Các cơ quan công tư sở, trường học, đều đóng cửa… chỉ có phòng mạch bác sĩ gia đình mở cửa cho những người bịnh cần thiết phải khám, ngân hàng, chợ, bưu điện.
Lệnh cấm:
– Ngoài nhà mỗi người phải đứng xa hơn một thước.
– Nhà hàng nấu bán cho khách hàng mang đi, chớ không được ngồi ăn bên trong như trước.
– Đám tiệc (cần thiết) không quá 30 người phải đứng, ngồi cách xa.
– Họp mặt không quá 10 người.
– ……………………………..
* Tội nghiệp ông thầy dạy học tôi 84 tuổi qua đời, gia đình cáo phó từ chối đến thăm, các con ở xa gia đình cũng không cho về để tang cha…
* Sáng hôm đó 8 giờ 30, ngày 21 tháng 2 tôi đi 4 cái chợ gần nhà như là: Wolmart, Food Maxx, Sam, Winco. Các tiệm nầy bình thường chất đầy hàng hóa tươi ngon từ rau cải, bánh, trái, thịt thà… các thứ ăn chín mua về có thể ăn liền, thứ giữ lâu trong ngăn đá. Nhưng hôm nay trên những dãy kệ chỉ có lơ thơ rải rác mỗi thứ một ít, vì dân làng đã mua sạch hết, tuy mỗi kệ đều dán giấy với hàng chữ lớn, mỗi người chỉ mua được mỗi thứ 2 thôi. Đến 11 giờ tôi vẫn chưa mua được bịt bộ mì 2 bls “self rising flour” để về làm bánh bao cho mấy đứa cháu vui vì nhà trường đóng cửa cả tháng.
* Cảnh sát thông báo, nhờ dân giúp họ đang tìm bắt một người được bác sĩ cho biết bị nhiểm bịnh! Nhưng ông ta đã trốn mất, không ở lại nhập viện để điều trị.
* Một người ngoài 60 tuổi, sáng đi bộ trên đường ho khún khắn. Có kẻ nghe thấy liền gọi báo cảnh sát… Ông ta được đưa đi tìm thử ác dịch corana Trung Cộng!
* Một bà vào nhà vệ sinh công cộng phung phèo phèo nước bọt…
Bà chưa ra khỏi chợ được an ninh chợ mời đi thử tìm bịnh.
* Không biết có phải “oan ơi ông Địa” không? Hai người “nìn ông” đứng gần nhau nói chuyện cười hô hố ngoài bãi đậu xe sau khi từ trong chợ đi ra. Họ bị cảnh sát phạt vì đứng gần.
* Sáng nay chị bạn tôi sống hơn 20 năm ở San Jose gọi điện thoại cho biết, vừa ở chợ ra gặp cô bạn thân, hai người khoe nhau những gì mua được trong chợ. Hai mụ đứng gần, còn đang cười nói vui vẻ thì cảnh sát trờ tới biên giấy phạt! “…Cả hai đứa chúng tao, dùng nước mắt “bà già” giọt ngắn, giọt dài, tỉ tê khóc lóc, năn nỉ, ỉ ôi… một hồi lâu cũng chẳng được tha! Trên đường lái xe về nhà tao lầm bầm rủa xã trù ẻo “cái thằng mắc toi đó” bị ác dịch cho bỏ ghét!” Thiệt chị bạn tôi hết nói nỗi mà!
* Trong những thang máy, các cửa lớn vào ra các chợ… đều có khăn ướt hay nước sát trùng để cho khách dùng mỗi khi vào ra.
* Tuy dân làng tại Yuba City chưa nhiểm ác dịch Trung Cộng Corona, nhưng bệnh viện làng sát đến ngày 26, tháng 3 đã tìm ra 5 người bịnh. Đó là nữ y tá đương nhiệm, một thanh niên mới 20 tuổi, và 3 bệnh nhân khác ngoài 60 tuổi!
* Thứ hai, ngày 23 tháng 3, 2020 được chánh quyền địa phương thông báo: Tất cả mọi người trong làng… có thể đến bịnh viện và những nơi y tế để thử tìm ác dịch Corona miễn phí.
* Bà bạn ở xa gọi cho hay hãy cẩn ra đường nhất là đi bộ những con đường vắng, công viên… Có thể bị số người xấu quá khích, tấn công: chửi bới, rược chọi đá, hay đánh… Vì họ tưởng mình là người Tàu đem ác dịch sang đây lây cho họ.
* Hôm nay hãng thuốc Teva đã ra thông báo đến tất cả bệnh viện trên toàn nước Mỹ là họ sẽ tặng KHÔNG thuốc Hydroxychloroquine.
* Gia đình con gái tôi mua giấy 4 người đi du lịch ở đâu đó trong dịp nghỉ mùa xuân của hai đứa con. Được trả đủ tiền, còn tặng 500 dola để chuyến đi lần tới dùng.
Ở làng Yuba City, nơi chúng tôi đang cư ngụ dù xa thành phố ồn ào, náo nhiệt phồn thịnh như Sacamento, San francisco, San Jose… Nhưng trong thôn thời tiết bốn mùa xuân, hạ, thu, đông rõ rệt. Mùa đông không lạnh tái tê, mùa hè thường không nóng lắm, dân Yuba City hiền lương, đất đai trù phú, dân trong thôn sống về nghề chăn nuôi, trồng lúa, trồng khoai, cây ăn trái. Tiểu bang California ở làng Yuba City có nhiều sông ngòi lại gần biển cho nhiều thủy sản tươi, hiền… Tròn năm đều sản sinh ra nhiều huê lợi dồi dào nuôi dân ấm no và chở đi cung cấp cho các tiểu bang khác trên nước Mỹ. Cư dân Yuba City sống an an, bình bình bao nhiều đời qua… từ khi làng mới được tạo dựng nên.
Mấy hôm rồi sau lệnh phong tỏa, làng Yuba City của chúng tôi vắng vẻ, hắt hiu trong nỗi buồn lo nghĩ ngợi chung của dân làng, về ác dịch Trung Cộng đang bành trướng. Cũng vì ác dịch đã giết nhiều người và bị nhiểm quá nhiều, khiến lòng người trên thế giới nhốn nháo, hốt hoảng, âu lo, sợ hãi… Riêng tôi dù lòng dặn lòng không nhắc đến, không nghe đến, nhưng đầu óc lúc nào cũng nghĩ ngợi, bởi những cảnh hiển hiện bên ngoài, khiến lòng tôi không sao yên tĩnh được! Đó cũng là nỗi ưu tư của đa số những người ở tuổi hưu trí sống trong làng như chúng tôi.
Hôm nay không gian Yuba City trong sáng, ánh bình minh rạng rỡ, những cụm mây như bông gòn trắng mỏng in trời xanh bao la, bát ngát. Cây cối hai bên đường xanh lá, bông hoa nở nụ tươi non hơn hớn vờn theo cơn gió mát la đà. Mặc dù Yuba City chưa có lệnh bỏ phong tỏa trong cơn ác dịch Tàu Cộng, nhưng lòng dân làng cảm thấy bớt phần âu lo, niềm phấn khởi và niềm hy vọng ít nhiều đã trở về với họ sau khi được tin Mỹ đã có thuốc ngừa và trị ác dịch Corona Trung Cộng.
Xin tạ ơn Thượng Đế, kính mong ngài cứu độ nhân gian
Tạ ơn tình người và người hiện hữu trên trần thế.
“…Kính cầu nguyện hương linh những người quá cố
trong cơn ác dịch Trung Cộng sớm về cõi vĩnh hằng…”
Yuba City nửa đêm về sáng, ngày 25 tháng 3 năm 2020
DƯ THỊ DIỄM BUỒN
Email: dtdbuon@hotmail.com