Tran H.D. Minh
Ngày 30.03.2020, Phái đoàn thường trực Việt Nam tại Liên hợp quốc đã có công hàm 22/HC-2020 gửi Tổng thư ký Liên hợp quốc để phản đối lại yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông thể hiện trong công hàm của Trung cộng trước đó. Sự việc này phát sinh từ việc ngày 12.12.2019 Mã Lai nộp đệ trình về thềm lục địa mở rộng của mình trên Biển Đông lên Uỷ ban Ranh giới Thềm lục địa (CLCS) (xem thêm post này). Cùng ngày, Trung cộng có công hàm phản đối Mã Lai. Ngày 06.03.2020, Phi Luật Tân cũng có hai công hàm liên tiếp cùng ngày: cái đầu phản đối Trung cộng và cái sau mới phản đối Mã Lai. Ngày 23.03.2020, Trung cộng lại gửi công hàm phản đối Phi Luật Tân. Ngày 30.03.20202, Việt Nam gửi công hàm 22/HC-2020 phản đối Trung cộng (tiếng Việt, tiếng Anh). Sắp đến, dự kiến Trung cộng sẽ có công hàm phản đối Việt Nam.
Xem toàn bộ hồ sơ gốc, gồm tóm tắt đệ trình của Mã Lai, các công hàm bản gốc và bản dịch tiếng Anh của Phi Luật Tân, Trung cộng và Việt Nam tại website của CLCS.
Nội dung Công hàm 22/HC-2020 của Việt Nam
Việt Nam phản đối các yêu sách của Trung cộng trong các công hàm của nước này gửi để phản đối Mã Lai và Phi Luật Tân. Việt Nam khẳng định lại rằng “Việt Nam có đầy đủ chứng cứ lịch sử và cơ sở pháp lý để khẳng định chủ quyền của mình đối với hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa phù hợp với luật pháp quốc tế.”
Và quan trọng nhất, Việt Nam lần đầu tiên thể hiện rõ ràng quan điểm của mình về một số vấn đề pháp lý quan trọng tại Biển Đông. Mặc dù không dẫn rõ Phán quyết ngày 12.07.2016 của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông, các quan điểm này trùng hợp với quan điểm của Toà trọng tài. Đây là lần đầu tiên Việt Nam thể hiện quan điểm rất rõ ràng và cụ thể về các vấn đề pháp lý thực chất trên Biển Đông. Dưới đây là năm quan điểm cụ thể của Việt Nam, kèm với bình luận ngắn về ý nghĩa pháp lý của các quan điểm đó.
Với việc đưa ra quan điểm pháp lý rất rõ ràng và cụ thể, Việt Nam đang dần thể hiện cho cộng đồng quốc tế thấy cam kết nghiêm túc của Việt Nam đối với luật pháp quốc tế và với một trật tự dựa trên luật lệ (a rule-based order) trong quan hệ quốc tế nói chung. Nói riêng, với tranh chấp Biển Đông, Việt Nam thể hiện rõ vai trò nền tảng của luật pháp quốc tế, như là xuất phát điểm cho tiến trình giải quyết tranh chấp và là cơ sở pháp lý duy nhất cho mọi giải pháp mà Việt Nam khả dĩ chấp nhận.
Năm nội dung pháp lý quan trọng của Việt Nam
Thứ nhất: Công ước Luật Biển năm 1982 (UNCLOS) là “cơ sở pháp lý duy nhất, quy định toàn diện và triệt để về phạm vi quyền được hưởng vùng biển” giữa Việt Nam và Trung cộng. Như vậy, lập trường của Việt Nam rất rõ ràng rằng mọi vùng biển và quyền trên các vùng biển đấy chỉ có thể là hợp pháp nếu phù hợp với UNCLOS. Bởi vì UNCLOS là “cơ sở pháp lý duy nhất”, “quy định toàn diện và triệt để”, do đó, Việt Nam không công nhận bất kỳ quy định nào, bao gồm các quy định trong tập quán quốc tế, trái với UNCLOS hoặc xa hơn là nằm ngoài khuôn khổ UNCLOS. Đây là một điểm rất quan trọng và có tính chất nền tảng cho mọi vấn đề pháp lý trên biển tại Biển Đông, bởi vì nói xác định rõ quan điểm của Việt Nam về luật áp dụng.
Thứ hai, từ việc xác định nguyên tắc UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất, Việt Nam nêu rõ rằng “Việt Nam phản đối các yêu sách ở Biển Đông vượt quá những giới hạn được quy định tại Công ước, trong đó có yêu sách quyền lịch sử”, và xem “các yêu sách này đều không có giá trị pháp lý.” Quan điểm này có ý nghĩa quan trọng, bởi vì luật biển quốc tế không chỉ bao gồm các quy định của UNCLOS mà còn chứa trong các quy định tập quán quốc tế, vốn tồn tại độc lập và song song với UNCLOS. Trong các quy định tập quán quốc tế về luật biển có quy định về danh nghĩa lịch sử, vùng nước lịch sử, vịnh lịch sử – là những căn cứ mà phía Trung cộng dựa vào đó để đưa ra yêu sách đường chín đoạn của mình trên Biển Đông.
Hai quan điểm trên mang tính chất nguyên tắc bởi vì Việt Nam thể hiện rõ rằng mình chỉ chấp nhận UNCLOS là cơ sở pháp lý duy nhất để giải quyết các vấn đề trên biển, và đồng thời, UNCLOS cũng là xuất phát điểm duy nhất cho mọi đàm phán giữa Việt Nam và Trung cộng. Các đề xuất đàm phán phải xuất phát từ các quy định của UNCLOS nếu muốn được phía Việt Nam xem xét nghiêm túc. Điều này khác với các quan điểm trước đây khi các phát ngôn chính thức của Việt Nam mang tính chất rộng và chung hơn: “Công ước Luật Biển năm 1982 và luật pháp quốc tế”. Như vậy, với Công hàm 22/HC-2020, riêng trong vấn đề phạm vi các vùng biển, cụm từ “và luật pháp quốc tế” có thể được lượt bỏ.
Thứ ba, Việt Nam khẳng định “vùng biển của các cấu trúc luôn nổi ở quần đảo Hoàng Sa và quần đảo Trường Sa phải được xác định phù hợp với Điều 121(3) của Công ước”. Việt Nam thể hiện rõ rằng khi xem xét quy chế pháp lý của các đảo thuộc hai quần đảo trên, từng đảo phải được xem xét riêng biệt đúng với quy định tại Điều 121(3) UNCLOS về quy chế của đảo đá (rocks). Trong bản tiếng Anh, câu chữ rõ ràng hơn khi cụm “các cấu trúc luôn nổi” được dịch thành “the maritime entitlement of each high-tide feature”. Hơn nữa, quan điểm này cho thấy Việt Nam lần đầu tiên chấp nhận rằng tất cả các đảo thuộc quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa là đảo đá, theo đó, không có bất kỳ đảo nào có vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa, mà chỉ có lãnh hải rộng tối đa 12 hải lý và vùng tiếp giáp lãnh hải rộng tối đa 24 hải lý tính từ đường cơ sở của từng đảo. Quan điểm này phù hợp với kết luận của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông khi Toà cho rằng tất cả các cấu trúc luôn nổi tại quần đảo Trường Sa là đảo đá (xem post này).
Lưu ý rằng việc sử dụng thuật ngữ “các cấu trúc luôn nổi” (high-tide features) không bao gồm các đảo nhân tạo mà Trung cộng xây dựng trong những năm vừa qua mặc dù chúng là các cấu trúc luôn nổi theo nghĩa thông thường. Việc dẫn chiếu Điều 121(3) cho thấy Việt Nam xem các cấu trúc này phải thoả mãn các điều kiện của một đảo tự nhiên theo Điều 121(1):
“Đảo là một vùng đất được hình thành tự nhiên, bao quanh bởi nước và luôn nổi khi thuỷ triều lên cao.”
Thứ tư, Việt Nam khẳng định đường cơ sở tại hai quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa không thể được vạch bằng cách nối các cấu trúc ở xa nhất của từng quần đảo. Điều này ngầm phản bác lại đường cơ sở mà Trung cộng vạch tại quần đảo Hoàng Sa bằng cách nối các cấu trúc xa nhất của quần đảo này tạo thành một hệ thống đường cơ sở thẳng bao quanh và vây kính toàn bộ các cấu trúc của quần đảo. Cách vạch đường cơ sở này của Trung cộng giống với cách vạch đường cơ sở quần đảo – vốn chỉ các quốc gia quần đảo được phép sử dụng theo Điều 46 của UNCLOS (xem thêm post này). Với quan điểm này, Việt Nam cũng thể hiện rõ phản đối cho mọi việc vạch đường cơ sở tương tự tại quần đảo Trường Sa.
Thứ năm, Việt Nam khẳng định rằng “các bãi ngầm hoặc cấu trúc lúc chìm lúc nổi không là đối tượng thụ đắc lãnh thổ và không có vùng biển riêng”. Quan điểm này phù hợp với quan điểm của Toà án Công lý Quốc tế (ICJ) và của Toà trọng tài trong Vụ kiện Biển Đông (xem thêm post này). Như vậy, Việt Nam khẳng định lập trường phải đối mọi hành vi của bất kỳ quốc gia nào thụ đắc lãnh thổ đối với bãi ngầm (submerged features) và bãi lúc nổi lúc chìm (low-tide elevations) trên Biển Đông. Đồng thời, Việt Nam cũng khẳng định với các quốc gia tranh chấp ở Biển Đông và cộng đồng quốc tế rằng Việt Nam không thụ đắc lãnh thổi đối với các cấu trúc này ở quần đảo Hoàng Sa và Trường Sa.
P/S: Trong Công hàm 22/HC-2020, có hai cụm từ mới được sử dụng thay cho các cụm từ thông dụng được sử dụng rộng rãi trước đây: “bằng chứng lịch sử” được thay bằng “chứng cứ lịch sử”, và “bãi lúc nổi lúc chìm” được thay bằng “cấu trúc lúc chìm lúc nổi”. Nội hàm các cụm từ không thay đổi.
Trần H. D. Minh (09.04.2020)
Utrecht, Netherlands
Theo NVTB