Bến Ngọc
Dòng suối A-Mai, nguồn cung cấp nước cho trại và cho cả nhân dân sống chung quanh là một trong những con suối đổ vào con sông nhỏ, một nhánh của sông Hồng. Suối A-Mai thường chảy rất siết nên thuyền bè không thể di chuyển được. Các nguồn cung cấp cho trại được chuyển đến bằng thuyền bè thì phải cập vào một cái bến bãi tên là “Bến Ngọc”, cách K5 khoảng mười lăm cây số.
Dân chúng địa phương kể lại rằng trước đây có một ông điền chủ trong vùng tên là Ngọc đã làm ra cái bến ấy để làm nơi đổi chác những sản phẩm của ông ta với người khác. Khi Cộng Sản chiếm miền Bắc, gia đình ông ta bị giết trong đợt đấu tố địa chủ của giai đoạn cải cách ruộng đất năm 1955. Cái bến đã bị bỏ hoang. Từ đó dân chúng dùng tên ông ta để đặt cho bến ấy.
Thật ra thì không có gì ở Bến Ngọc ngoại trừ một cái bãi cát dài khoảng trên một cây số, rộng khoảng sáu trăm thước về mùa khô và khoảng mười thước về mùa nước lớn. Dân chúng thường dùng bến ấy để cập những mảng tre bương mà họ chặt ở khu rừng trên thượng nguồn rồi chống theo dòng suối để đến bến bán cho người khác.
Lương thực, than đá, lá cọ, và xăng dầu cung cấp cho trại được chuyển bằng xe lửa từ ga Hàng Cỏ ở Hà Nội đến ga Ấm Thượng, và rồi người ta dùng một chiếc phà để chuyển đến Bến Ngọc. Từ đó, họ thường dùng xe trâu để chuyển về trại nếu chỉ có một số lượng nhỏ, nhưng nếu số lượng lớn như tre, lá cọ, than đá, thì trại viên và cán bộ phải đi ra đó mà lấy để chuyển về. Trại thường tổ chức một buổi “ra quân” để làm việc này.
Sáng sớm hôm có buổi “ra quân”, khi mở cửa phòng giam, cán bộ trực trại sẽ bảo chúng tôi sẵn sàng để đi “Bến Ngọc”. Chúng tôi không mang đồ đạc lỉnh kỉnh của riêng mình mà chỉ mang theo bình nước uống vì khi về chúng tôi sẽ phải mang vác nặng nề trên một lộ trình khá xa! Chúng tôi xuất trại như thường lệ, nhưng những chiếc xe cải tiến thì đã được đem về đậu trước cổng trại sẳn sàng. Trại viên lấy xe của đội mình để kéo theo, quẹo về phía trái ở trước cổng trại rồi quẹo mặt vào con đường đất sét đi về phía Bến Ngọc. Con đường này rất bụi bặm vào ngày nắng nhưng lại trơn trợt vào ngày mưa. Các trại viên kéo xe cải tiến đi phía trước, hai hàng trại viên khác đi tiếp theo, và cuối cùng là các cán bộ, chúng tôi phải đi vội vã.
Khoảng nửa đường từ K5 đến Bến Ngọc, có một ngôi trường mà đầu tiên trông thấy đã khiến tôi rất kinh ngạc, đó là “Trường Phổ Thông Công Nông Nghiệp Số 1”. Học sinh trong trường là các trẻ em khoảng từ mười đến mười lăm tuổi. Chúng ăn mặc giống hệt chúng tôi và làm việc như chúng tôi! Các “thầy giáo” là những công an mặc quân phục với súng trên vai trông chừng chúng làm việc trên những cánh đồng. Đó là loại trường học gì vậy? Chúng cũng có buổi “ra quân” như chúng tôi. Tôi thử hỏi xem chúng học cái gì trong trường thì chúng cười và nói “học cái gì, chúng cháu làm việc như trâu!” Chúng thường gọi chúng tôi là “bố” và hỏi xin “thuốc lào” dù chúng còn rất trẻ. Chúng là những trẻ bụi đời ở những thành phố lớn ở miền Bắc như Hà Nội, Hải Phòng, hoặc những đứa trẻ hư hỏng mà gia đình không dạy được phải đưa vào trại để cải tạo. Cái gọi là “trường học” thật ra là một trại tù để giam trẻ con mà thôi. Hầu hết bọn chúng sẽ được chuyển đi các “nông trường” để sống cho hết đời hoặc vào các trại cải tạo khi đến tuổi mười tám.
Cộng Sản không có nhà tù, họ chỉ có “trường học”, “trại cải tạo”, và các “nông trường” mà thôi.
Những đứa trẻ này cũng tả tơi và ốm đói như chúng tôi; chúng kéo xe cải tiến đi về phía Bến Ngọc với những cán bộ vũ trang đi theo sau. Không có gì khác với chúng tôi cả ngoài việc chúng là trẻ con! Có lẽ có một điều khác hơn là chúng ăn nói dơ dáy với những tiếng lóng mà chúng tôi không thể hiểu nỗi, và chúng chửi thề luôn miệng!
Chúng tôi đến Bến Ngọc khoảng giữa trưa và chờ đợi tất cả đến nơi. Chiếc phà đầy than chưa cập bến. Trời bắt đầu mưa. Không có chổ nào núp mưa; chúng tôi ngồi co ro dưới mưa. Cái lạnh và cái đói trộn lẫn với nhau làm tôi run rẩy; hai hàm răng tôi đánh bò cạp. Tôi không ước mong gì hơn là có được một chén cơm nóng ở trong một căn phòng ấm áp. Điều ước muốn ấy thật quá đơn giản, nhưng trong hoàn cảnh này thì nó còn khó hơn bay lên cung trăng! Tôi nhìn quanh các bạn bè; vài người trong họ đã từng giữ những chức vụ chỉ huy trước đây. Họ cũng đang co ro và run rẩy như những con mèo ướt.
Cán bộ thì mặc pon-sô họp nhau cười nói và chia nhau những điếu thuốc lá. Trại viên thì ngồi trong hàng run rẩy dưới mưa. Hai hình ảnh trái ngược nhau ở cùng một chỗ! Tôi chẳng thương mà cũng chẳng ghét gì các cán bộ. Họ cũng là những người Việt Nam; vài người trong bọn họ cũng có tính người. Lớn lên trong một xã hội được xây dựng trên nền tảng của sự hận thù, họ giống như những người máy. Tôi vẫn nhớ người bạn cũ của tôi tên là Khiêm, anh ta đã theo VC sau khi tốt nghiệp trung học, trong những ngày đầu “giải phóng”, anh ta đã nói với tôi rằng một khi đã gia nhập đảng Cộng Sản thì anh ấy giống như có một dây thòng lọng quấn quanh cổ. Anh ấy phải làm những gì mà họ bảo làm, nếu không thì anh ấy sẽ bị thắt cổ chết mà thôi.
Chế độ Cộng Sản đã tạo nên những con người làm những gì mà họ được ra lệnh làm, nói những gì mà họ đã được nhồi nhét vào đầu, và suy nghĩ những gì mà họ được chỉ bảo. Năm này qua năm khác, họ đã được dạy rằng chúng tôi là những kẻ thù của Nhà nước và của Nhân dân, và quan trọng nhất là kẻ thù của Đảng, do đó họ phải đối xử với chúng tôi như những kẻ thù.
Trẻ con ở miền Bắc đã được dạy rằng chúng tôi là những tên quỷ dữ chỉ biết ăn gan uống máu của nhân dân. Khi các đứa trẻ trong “trường” hỏi chúng tôi về những điều này, chúng tôi không biết làm thế nào để giải thích cho bọn chúng mà chỉ biết cười và bảo đùa rằng chúng tôi cũng đã từng ăn gan và uống máu, nhưng chúng tôi chỉ ăn gan gà và uống máu dê mà thôi! Trẻ con ở miền Bắc được dạy rằng dân chúng miền Nam đã bị bóc lột đến tận xương tủy, do đó dân miền Bắc phải vào để giải phóng dân miền Nam, những người đang sống trong sự nghèo nàn và đau khổ. Điều tuyên truyền này đã khiến người miền Bắc nghĩ rằng dân miền Nam nghèo hơn người miền Bắc rất nhiều.
Có nhiều người đã thay đổi cả ý nghĩ sau khi được vào Nam. Trung úy Trung, cán bộ chấp pháp trong Ban Giám thị của trại, người đã từng có thái độ căm thù chúng tôi ra mặt khi chúng tôi mới đến trại. Khi hắn ta được vào miền Nam trở về, nhìn thấy những khác biệt giữa sự thật và những gì mà hắn ta đã được nghe trước kia về miền Nam, hắn ta đã thay đổi hẳn thái độ và trở nên tử tế hơn nhiều cán bộ khác. Nhiều cán bộ khác cũng đã thay đổi thái độ sau khi được vào miền Nam. Tôi tự hỏi thế thì ai cải tạo ai đây?
Mưa đã tạnh, và chiếc xe trâu của nhà bếp cũng đang mang phần ăn trưa đến cho chúng tôi. Vài củ khoai mì với một lời an ủi là sẽ có phần “ăn tươi” vào bữa chiều đã giúp chúng tôi có một ít năng lực để làm việc.
Chiếc phà đã cập bến. Bốn trại viên phụ trách một chiếc xe cải tiến; chúng tôi phải thay phiên nhau xúc than đổ lên xe. Chiếc xe đầy than rất nặng; bánh xe lún vào trong cát không thể di chuyển được dễ dàng dù chúng tôi đã cố đẩy hết sức mình. Một người trong chúng tôi giữ càng xe, ba người khác đẩy mạnh phía sau, nhưng chiếc xe vẫn không nhút nhích. Chúng tôi đổi cách làm: một người vẫn giử càng xe để lái, một người đẩy phía sau, hai người còn lại nắm vào bánh xe mà xoay để chiếc xe di chuyển từng đoạn ngắn một. Chúng tôi vật lộn với chiếc xe gần một tiếng đồng hồ mới đem nó được lên đường để chờ mọi người làm xong! Sau lần đầu đó, chúng tôi rút được kinh nghiệm. Mỗi lần đi lấy than chúng tôi mang theo vài chiếc ky để khiêng than đá từ chiếc phà lên xe cải tiến để ở trên bờ.
Đi trở về trại cũng rất xa dù khoảng cách chỉ vào khoảng mười lăm cây số. Đến những dốc ngược hay những đoạn đường lầy lội, chúng tôi lại phải tiếp tục vật lộn với chiếc xe. Dốc Trinh có độ dốc khoảng ba mươi độ là một đoạn đường khó khăn nhất vì nó dài khoảng trên một trăm thước. Dân chúng địa phương bảo rằng họ đặt tên cho cái dốc ấy theo tên của một người con gái vẫn còn sống. Cô ta bị một tên VC cưỡng hiếp trở thành điên loạn. Trong những đêm có trăng, cô ấy thường khỏa thân đi lại trên dốc với mái tóc xõa ra trông giống như một bóng ma. Người ta thường gọi tên cái dốc là “dốc Trinh Hồng” vì tên cô ta là Hồng.
Về đến trại, chúng tôi hoàn toàn hết sức lực! Cái gọi là “bữa ăn tươi” là một miếng thịt nhỏ khoảng ngón tay cái không đủ để thuyết phục chúng tôi ăn ngay được bửa ăn dù chúng tôi đang rất đói.
Đi lấy lá cọ hay lấy tre cũng chẳng khá hơn. Ba trại viên một xe cải tiến, số còn lại phải vác bằng vai. Hai bó lá cọ khoảng hai mươi ký lô mỗi bó được xuyên qua bởi một cây đòn xóc quả là quá nặng nhất là con đường quá dài và lầy lội với những dốc ngược. Để chất được nhiều trên xe cải tiến, họ bắt chúng tôi phải buộc những thanh tre vào sườn xe để chất lá lên cao lên khỏi sàn xe. Muốn kéo xe dể dàng hơn, vài người trong chúng tôi phải buộc dây vào càng xe rồi quấn quanh vai trông giống con trâu mang ách. Tôi thường đi theo xe cải tiến để lấy lá hay lấy tre mặc dù nó nặng hơn một chút vì tôi không thể gánh trên vai được; nó khiến vai tôi đau rã rời.
Cuối năm 1979, khi trại cho phép gia đình đến thăm nuôi trại viên, con đường đi Bến Ngọc trở thành con đường của gia đình chúng tôi! Bến Ngọc cũng trở nên đông đúc hơn. Một số dân địa phương có thêm một nghề mới, đó là giúp đở gia đình trại viên để chuyển đồ đạc họ từ phà lên bến và đôi khi phụ gánh vào trại.
Cũng kể từ đó, đi Bến Ngọc lại là một niềm vui cho chúng tôi mặc dù cũng vẫn rất mệt. Chúng tôi có cơ hội để gặp được dân Sài Gòn. Mặc dù họ không phải là thân nhân mình đi nữa, nhưng ít ra họ vẫn thấy thân quen hơn.
Có lần tôi đi cùng mấy người trong đội đến Bến Ngọc để lấy gỗ về làm nhà, một người đàn bà đến hỏi tên tôi rồi bà ta bật khóc. Bà ấy là vợ của anh bạn tôi đi thăm chồng đang ở K3. Bà ta trao cho tôi một ít quà và bảo rằng bà ta không thể nhận được ra tôi vì tôi thay đổi nhiều quá. Có lẽ là tôi đã quá tang thương nên không còn nhận ra được nữa! Tôi không nhận quà của bà ta nên sau khi thăm chồng xong bà ta gởi qua cho tôi một ít; đó cũng là lần đầu tiên tôi nhận được món quà của người Sài Gòn.