Seite auswählen

“Với sở kiến Phật học từ những năm sinh hoạt của tu sĩ, ông đã có ưu thế sáng tác những bài thơ tình mang hơi hướm thiền đạo rất hiếm có từ trước. Cái đẹp của thiên nhiên hoà nhập vào tâm hồn lãng mạn được thăng hoa bằng những vần thơ rất trau chuốt đã đem đến người đọc hâm mộ thật nhiều.”

Nguyễn Thanh Châu

Phạm Thiên Thư

TIỂU SỬ: Tên thật: PHẠM KIM LONG, lúc đi tu có pháp danh TUỆ KHÔNG; Bút hiệu THÁI PHƯƠNG THƯ; Sinh ngày 1 tháng 1 năm 1940 tại Hải Phòng và hiện cư trú tại Sài Gòn

 TÁC PHẨM: Thơ PHẠM THIÊN THƯ 1968, Kinh Ngọc (thi hoá kinh Kim Cang), Động Hoa Vàng (Thơ, 1971), Đạo ca (Nhạc Phạm Duy),  Đoạn Trường Vô Thanh (1972), Kinh thơ (thi hoá Kinh Pháp Cú), Quyên Từ Độ Bỏ Thôn Đoài (Thơ), Kinh Hiếu, Kinh Hiền (thi hoá kinh Hiền Ngu),  Ngày xưa người tình (thơ), Trại Hoa Đỉnh Đồi (thơ, 1975), Tự điển cười, Vua núi vua nước 2003…

Ngày Xưa Hoàng Thị (Phạm Duy – Phạm Thiên Thư) | Dòng Nhạc Xưa


PHẠM THIÊN THƯ đã từng khoác áo tu sĩ Phật giáo với pháp danh TUỆ KHÔNG, sau khi hoàn tục ông có một đoạn tình duyên với các nhà thơ nữ TUỆ MAI, MAI TRINH ĐỖ THỊ… Thơ ông đăng thường xuyên trên các tạp chí văn nghệ như TƯ TƯỞNG, KHỞI HÀNH, THỜI TẬP, PHƯƠNG ĐÔNG… nhưng được độc giả hân thưởng và được phổ biến nhiều từ khi PHẠM DUY chuyển thành các ca khúc như NGÀY XƯA HOÀNG THỊ, ĐƯA EM TÌM ĐỘNG HOA VÀNG, ĐẠO CA…

Em tan trường về
Đường mưa nho nhỏ
Trao vội chùm hoa
Ép vào cuối vở

Thương ơi vạn thuở
Biết nói chi nguôi
Em mỉm môi cười
Anh mang nỗi nhớ

Hè sang phượng nở
Rồi chẳng gặp nhau
Ôi mối tình đầu
Như đi trên cát

Ta về rũ áo mây trôi
Gối trăng đánh giấc bên đồi dạ lan
Rằng xưa có gã từ quan
Lên non tìm động hoa vàng ngủ say


Với sở kiến Phật học từ những năm sinh hoạt của tu sĩ, ông đã có ưu thế sáng tác những bài thơ tình mang hơi hướm thiền đạo rất hiếm có từ trước. Cái đẹp của thiên nhiên hoà nhập vào tâm hồn lãng mạn được thăng hoa bằng những vần thơ rất trau chuốt đã đem đến người đọc hâm mộ thật nhiều.

 Đố ai nhớ hết hoa vàng
Đố ai uống cạn sương tàng trăng thâu
Đố ai tát cạn mạch sầu
Thì ta để tóc lên cầu đón ai


Một đóng góp thật thú vị của PHẠM THIÊN THƯ là đã thi hoá một số kinh Phật được xem khá thành công như KINH NGỌC, KINH HIỀN… Và vinh dự lớn đến với đời ông là đoạt giải văn chương toàn quốc năm 1973 từ tác phẩm ĐOẠN TRƯỜNG VÔ THANH. 



TRÍCH THƠ:

MỞ CỔNG QUÉT HOA

 ni về khép cửa chùa tu

sớm mai mở cổng quét thu hồng đào

hoa vương ngọn chổi thanh hao

thoảng nghe hơi thở hương nào bướm nghiêng

NỤ ĐÀO TỊNH ĐỘ

 sư lên chót đỉnh non thiền

trong tâm chợt thắp một viền tà dương

búp tay nở nụ đào hương

cầm nghiêng tịnh độ một phương diệu vời

QUÁN TƯỞNG HOA

 một dòng hoa nổi giữa trời

một dòng hoa nở trong người trầm tư

cảnh nào mở cõi không hư

phiến băng tuyết khảm một tờ Kim Cang

Tập san TƯ TƯỞNG số 2 năm thứ IV

PHÁP THÂN

 xưa em làm kiếp chim

xương mục bên đường nhỏ

anh làm cội băng mai

tang em chờ mấy thủa

xưa em làm kiếp lá

rụng xuống lòng suối thu

anh làm mưa tháng bảy

hàng lệ biếc tương tư

xưa em làm kiếp hoa

chết rũ trong nội cỏ

anh làm phiến sương qua

thương em hạt lệ nhỏ

xưa em làm kiếp mây

chiều lang thang cổng gió

anh làm con chích chòe

hát ca trên đầu gậy

em làm trang tôn kinh

anh làm nhà sư buồn

đêm đêm ngồi tụng đọc

lòng chợt nhớ vương vương

đợi nhau từ mấy thuở

tìm nhau cõi vô thường

anh hóa thân làm mực

cho vừa giấy yêu thương

xin chờ nhau mai sau

chốn mây mờ phiêu bạt

em đầu thai vào hoa

chờ nghe tiếng chim hót

chúng ta làm một thân

quốc độ núi sông biếc

chúng ta làm một thân

suốt vô cùng trụ diệt

(Tuần báo KHỞI HÀNH số 27)

ĐỘNG HOA VÀNG

ừ thì mình ngại mưa mau

cũng đưa anh đến bên cầu nước xuôi
sông này chảy một dòng thôi
mây đầu sông thẫm tóc người cuối sông

8.ngày xưa em chửa theo chồng

mùa xuân em mặc áo hồng đào rơi
mùa thu áo biếc da trời
sang đông em lại đổi dời áo hoa

9.đường về hái nụ mù sa

đưa theo dài một nương cà tím thôi
thôi thì em chẳng yêu tôi
leo lên cành bưởi nhớ người rưng rưng

10.sao em bước nhỏ ngập ngừng

bên cầu sương rụng mấy từng mai mơ
đêm về thắp nến làm thơ
tiếng chân còn vọng nửa tờ thơ tôi

(Trích từ Thi tập ĐỘNG HOA VÀNG)

THOÁNG HƯƠNG QUA

 đầu Xuân em lễ chùa này

có búp lan vàng khép nép

vườn trong thoáng làn hương bay

bãi sông lạc con bướm đẹp

vào Hạ em lễ chùa này

trên đồi trái mơ ửng chín

lò hương có làn trầm bay

vờn trên tóc bờ bịn rịn

giữa Thu em lễ chùa này

lầu chuông có con chim hót

tiếng ca theo làn gió may

lá vàng sương gieo nhẹ hạt

sang Đông em lễ chùa này

ngoài sân có mưa bụi bay

hắt hiu trong cành gió bấc

vườn chùa rụng cánh lan gầy

cuối Đông đưa em tới đây

trong lòng áo quan gỗ trắng

tóc em tơ óng làn mây

cội hoa tưởng ai trầm lặng

em vừa nằm xuống đất này

vườn trong có bông đào nở

con bướm chập chờn hương bay

qua sợi râu vàng bỡ ngỡ

nắm đất nào vừa lấp mộ

có con chim hót đầu cành

tiếng tan trên dòng suối xanh

nước ơi sao buồn nức nở

bây giờ tôi biết em đâu

cuối vườn nụ mai nhiệm mầu

vừa thoát làn hương trinh bạch

em ơi mây đã qua cầu

(Tuần báo KHỞI HÀNH số 99)

VẾT CHIM BAY

Ngày xưa anh đón em

Nơi gác chuông chùa nọ
Con chim nào qua đó
Còn để dấu chân in


Anh một mình gọi nhỏ
Chim ơi biết đâu tìm

Mười năm anh qua đó
Còn vẫn dấu chân chim
Anh một mình gọi nhỏ
Em ơi biết đâu tìm

Ngày xưa anh đón em
Trên gác chuông chùa nọ
Bây giờ anh qua đó
Còn thấy chữ trong chuông


Anh khoác áo nâu sồng
Em chân trời biền biệt
Tên ai còn tha thiết
Trong tiếng chuông chiều đưa

Ngày xưa em qua đây
cho tình anh chớm nở
Như chân chim muôn thuở
In mãi bực thềm rêu


Cõi người có bao nhiêu
Mà tình sầu vô lượng
Còn chi trong giả tưởng
Hay một vết chim bay

LẠNH MÙA CHIM DI

xác xao chừ mấy cồn cây

mà trăng tĩnh mạc bên ngoài hàng hoa

chim đôi tiếng rụng trong mù

nghiêng nghiêng cõi núi vi vu gió mùa

về từ hàng ngọn cờ xưa

mây du đãng nhớ tang vua nội thành

nao nao một giọng cầm tranh

mười hai ải khói trên thành gỗ thơm

tay em nội hạc mây cồn

chừ nghe tóc xõa nao hồn gió thu

cơn mây đáp bụi bay vù

này anh thân lạnh với mùa chim di

(Tập san VẤN ĐỀ số 15)

KHÚC TỰ TÌNH PHÙ DUNG

thôi thì em mặc áo xanh

cho hồn ta ẩn bên nhành kết thơ

thôi thì em rủ tóc tơ

cho ta tựa gốc sương mờ tịnh tâm

thôi thì em nguyện lâm râm

cho ta ngửi nẫu môi trầm như lai

lỡ không cái gã địa tài

đắp chăn gã ngủ giấc dài trong tôi

mốt mai ta có luân hồi

tái sinh lại giữa khóe môi em hồng

ngâm mình tiếng nước suối trong

ta siêu theo cánh phượng hồng em bay

mốt mai ta có lưu đày

thì xin trọn ngục tóc mây yên nằm

hoá thành con chấy trăm năm

ta xin canh giữ rừng trầm nhân gian

THOẠI NGÔN

 1.

Cầm ngọn bút trên tay

cảm chút tình hoa cỏ

cúi xuống hạ dòng thơ

giấy hiện viền trăng tỏ

 2.

Xin cảm tạ cỏ hoa

ơn cứu chuộc cõi sống

từ anh dạo chơi qua

yêu em, nằm dệt mộng

 3.

Xuân trước nhành thược dược

huyền hoặc vàng bên sông

chiều nay hoa chửa hiện

còn để ta hoài trông

 4-5.

Cõi đất trắng hoa hương

hẳn không còn sự sống

lòng người thiếu Văn Chương

 6.

Vĩnh cửa như dòng song

mà vô cùng dịch hóa

lòng ta vang khúc ca

của ngàn con suối lạ

 7.

Mình nằm khoanh tay ngủ

trong Lều Thơ sớm mai

thoáng nghe hồn rạo rực

theo áng hương vườn ngoài

 8.

Người đã xuống dòng sông

anh linh còn hoa rũ

một đêm đọc văn người

hồn ai vương sách cũ

 13.

Nằm dài trên cỏ xanh

nôi ru em tuyệt đối

cõi vô cùng trăng sao

ươm đầy hai lá phổi

 14.

Giở trang sách thơm quí

trang sách thơm ngàn đời

dưới cây đèn nhật nguyệt

ta ngẫm dòng mây trôi

16.

Ta yêu chàng Phạm Thái

bác Thiền sư sầu vương

ta mê gã Từ Hải

cây đàn và thanh gươm

18.

Mặt trời vàng cuối hạ

nhuộm thắm muôn dòng mây

ai hỏi con chim nhạn

chiều nay sao tung bay

19.

Đọc thơ Hồ Xuân Hương

thấy chị như mạch suối

chảy từ lòng quê hương

yêu bờ tre, bụi chuối

23.

Đời nay và đời sau

hỏi chi gợn mây trắng

lang thang qua cồn dâu

về tịch nhiên động vắng

(Tập san THỜI TẬP 14/2/1974)
                                                                            

Nguyễn Thanh Châu