Read “Lệch Một Khấc” / “Deviate” in English here.
– Lóng rày muội có vẽ được bức tranh mới nào không?
– Có một ….lóng, năng suất khá.
– Hôm nào huynh tới xem tranh nhé?
– Xem mà không mua thì…ư…ư…
– Còn hơn khối kẻ mua mà không biết xem.
– Chưa bao giờ bán tranh cho người mù.
– Chỉ mù quáng bán tranh cho người mua có tiền thôi?
– Cần tiền bức thiết đến như thế, sao không làm việc gì khác kiếm tiền thay vì ngồi vẽ nhăng nhít để bán cho người mù-nhưng-có-tiền?
Màn hình điện thoại di động im ru không thấy hồi đáp.
Mười phút sau, tè tẹ té tè te. Y nhắn:
– OK
Xem như cuộc thương lượng bất thành về phía người muốn xem tranh. OK có nghĩa là cuối cùng y đã hiểu thông điệp.
Cũng đã hơi lâu, tính từ hồi y đến Tịch Cốc của Nhu Thị để ngoạn bức Đĩ Đực, rồi do nội tiết chứ không phải tình tiết, sàm sỡ với tác giả ngay trong căn phòng có treo bức tranh. Đàn ông họ mắc lời nguyền chắc! Thượng đế tạo ra người đàn bà từ cái xương sườn của người đàn ông khiến họ lúc nào cũng chạy loanh quanh tìm lại khúc xương đã mất. Nhiều tay đang sống đầm ấm với khúc xương được tìm thấy nhưng vẫn tham lam quơ quào gặm thêm vài khúc xương khác. Y đã hai đời vợ, quá lục tuần vẫn còn mặc áo chim cò đi lang bang theo điều khiển của testosterone. Bị Độc Cô Cầu Bại vùng vẫy cự tuyệt, y quyết định lỉnh đâu đó để dưỡng thương. Sau một thời gian tự thấy chỗ sẹo đã kéo da non, tuy có gây ngứa ngáy khó chịu một chặp nhưng rốt cuộc cũng lành, bèn ướm lời qua tin nhắn: Lóng rày….
Hễ có một tẹo tính dục trong sáng tác là y như rằng kẻ thưởng ngoạn sẽ soi tác giả lệch một khấc về phía đó. Đĩ Đực thực ra chỉ là một bài tập vỡ lòng về cơ thể học được trét sơn dầu trên vải bố dựa theo hướng dẫn căn bản qua vài nét phác sơ sịa bằng chì đen trong quyển Anatomy For The Artist của Jenó Barcsay – giáo sư mỹ thuật thuộc Viện Hàn Lâm Budapest. Nhu Thị đã vẽ thêm một ngọn đèn dầu bên góc phải của bức tranh có kích thước vuông vức 100cm X 100cm nhằm làm hực lên màu vàng nơi năm cẳng chân xúm xít trên nền nhà cũ xỉn, đồng thời cân đối bố cục tổng thể do hai người đàn ông rưỡi đã bị xô hẳn về phía trái. Kiểu đứng tùm nụm như gái ăn sương ế khách cùng tảng bóng tối đen đặc phía trên chiếm trọn một phần ba chiều cao bức tranh đã kích nổ óc tưởng tượng về những người đàn ông hành nghề mại dâm. Khi vẽ bức này Nhu Thị hoàn toàn trơ khấc, không bị ám ảnh bởi tình dục cũng chưa hề trải qua kinh nghiệm liên quan.
Cớ sự là trước đó y đã đến chơi cùng một người quen, một cánh chim xé lẻ từ đàn cò văn hóa, vài ngày sau thì trở lại Tịch Cốc một mình. Hơi hoi hói, vòng tay và gọng đùi vẫn còn chắc và khỏe bất chấp tuổi tác, từng thành đạt trong chính trường lẫn tình trường nhờ những giành giật sinh tử hiểu theo nghĩa đen lẫn nghĩa bóng; với những phẩm chất vừa kể, y tự cho mình đủ chín để tự rụng mà không cần chờ thu hoạch. Bức Đĩ Đực đã nhì nhằng trì kéo y với những suy diễn theo hiệu ứng domino, cuối cùng đưa đến xác quyết tác giả là một người đàn bà đang khát tình đến nỗi phải tự sướng bằng cách dùng cọ và màu để ve vuốt từng múi cơ của năm cái đùi vô tri trên vải bố. Vậy thì y sẽ tử đạo để cứu rỗi Thị. Trước khi thả dê ăn cỏ, y phát biểu chắc như đinh đóng cột: sau mỗi bức tranh là một câu chuyện.
Sau mỗi câu chuyện là gì?
Nhu Thị trải qua vài năm của đời sinh viên trong một cư xá nữ do các sơ dòng Saint Paul trông coi. Hơn bốn mươi cô gái từ nhiều vùng miền tụ tập về thành phố D. để theo học các phân khoa khác nhau của Viện Đại Học; họ được phụ huynh cho vào khu lưu trú công giáo kín cổng cao tường không ngoài mục đích an toàn, ít nhất về mặt đạo đức. Mỗi người lùng bùng trong diện tích riêng nhỏ xíu như cái chuồng gà công nghiệp được ngăn thành từng gian nhỏ bằng những chiếc tủ đứng, mặt tủ của gian này là lưng tủ của gian bên; cửa chuồng mở thông thống ra hành lang nơi lúc nào cũng dập dìu các em cành vàng lá ngọc.
Không giống như các ô chuồng khác có vách là hai tủ đứng hai bên, chỗ ngủ của Nhu Thị nằm ở cuối dãy có tường gạch bên trái ngăn phòng riêng của sơ quản lý với khu chuồng gà; sau vách tủ đứng bên phải là cái hốc của Từ Vi, sinh viên y khoa. Hàng đêm sau giờ tắt đèn theo nội quy, Từ Vi mò sang trèo lên chiếc giường cá nhân 80cm X 180cm của Nhu Thị, than lạnh.
Vi có mái tóc dài và dày, lông măng mọc tràn lan như có vấn đề Cushing với tuyến thượng thận. Nhìn nghiêng qua nắng, khuôn mặt sáng óng ánh những sợi tơ mịn. Mắt to và ướt, ánh nhìn thẳng thách thức. Cái cằm nhọn hơi đưa ra kiêu hãnh như kiểu cằm của Jodie Foster. Hai môi mỏng, khi cười để lộ hàm răng trên bị mòn mất một phía – kết quả của tật nghiến răng khi ngủ. Tất cả những cái này hấp dẫn Nhu Thị. Trái lại, Vi thích nhìn xoáy vào bên trong cấu trúc xương sọ của người bạn nữ. Một cái đầu tròn với những ý nghĩ méo mó về mọi vấn đề, cơ môi đầy và đều chuyển động không ăn khớp với mỗi chữ được nhả ra, cánh mũi thanh và trong làm nổi rõ những tia gân máu chạy ngoằn ngoèo trước khi đứt đoạn ở vách sụn.
Mùa đông xa nhà cái lạnh cũng khác với cái lạnh thực sự của chính mùa đông. Họ quàng vai bá cổ ôm eo, cùng đi dạo trong sân sau giờ cơm tối, cùng hít hà bún nóng dằm ớt cay, cùng lẩy bẩy tắm giếng đêm trăng, cùng bâng quơ trời mây sông nước. Họ nằm rúc vào nhau, và chuyện đã không dừng lại ở đấy. Ban đầu Thị đâm hoảng với những rung động da thịt đầu đời, hoang mang không biết từ đâu Vi đã học được các thao tác thật tự nhiên đầy kinh nghiệm; dần dần Thị phó mặc cho xúc giác đưa dẫn đến những vi mạch khác của các giác quan còn lại. Trong khi mở bung mọi cánh cửa lớn nhỏ của cơ thể họ cố gắng tiết chế tiếng động tuy một bên là tường gạch một bên là giường trống.
Hàng năm, vào tháng sáu tháng bảy cư xá cực kỳ vắng vẻ yên tĩnh. Các sinh viên nghỉ hè; đa số đều được gia đình đón về nhà, chỉ còn một vài người cần ở lại ôn thi. Tuy không có cùng lý do, Nhu Thị và Từ Vi vẫn nằm trong số đó. Họ đầm đìa đắm đuối ở mọi ngóc ngách của khu nhà trống. Họ cũng thường nhìn nhau châm bẩm để thăm dò chính mình hơn là để quan sát kẻ đối diện. Ở một thời điểm ắt có và đủ, các sơ thừa nhạy cảm và kinh nghiệm bản thân để nghe ra cái bè trầm trong dàn đồng ca. Cùng với những bài giảng đạo đức lê thê là răn đe kỷ luật khiến Vi và Thị cảm thấy mối quan hệ của họ không còn an toàn nữa.
Để được kín đáo yên thân hơn, Nhu Thị quyết định bỏ cư xá ra ngoài thuê phòng trọ. Chỗ ở mới là phần chái của một ngôi nhà ba gian được sửa sang và trang bị bàn ghế tủ giường vừa đủ cho một người độc thân với nội quy không nghiêm nhặt, lại rẻ hơn số tiền phải nộp hàng tháng cho các sơ vì người thuê phải tự túc ăn uống giặt giũ. Đây cũng là cách Thị phân trần với gia đình. Kỳ lạ là trong cái góc hẻo lánh này, tuy được chăm chút như một tổ ấm lý tưởng, Thị đột nhiên không còn thích gặp Vi. Thái độ kỳ quặc của Thị làm Vi suy sụp.
Phải giải thích sao đây? Nỗ lực bảo mật trong đời sống tập thể ở cư xá là chất xúc tác kích hoạt khoái cảm? Sự dẫn dắt cấp tính nhưng thường trực về phía Từ Vi làm tổn thương lòng kiêu ngạo mãn tính nhưng thất thường của Nhu Thị? Giá trị đạo đức được xét duyệt và đóng dấu theo từng thập niên? Văn hóa bị nhiễm mặn bởi địa chất và địa hình? Mối quan hệ, do những tác động bên ngoài, đã bị méo đi trong cấu trúc tròn của xương sọ? Sâu thẳm, Thị vẫn xem hôn nhân là một ràng buộc nghiêm chỉnh và làm mẹ là một khao khát bản năng?
Trong khi mọi việc chưa có dấu hiệu ngã ngũ, những biến cố bất ngờ về chính trị và xã hội đã khiến họ thất lạc nhau rất nhiều năm sau đó. Vi tốt nghiệp y khoa, phục vụ cầm chừng cho một đơn vị y tế cấp phường. Thị bỏ mỹ thuật, kinh doanh cò con trong ngành quảng cáo; từ kiến thức còn sót lại sau mấy năm học mỹ thuật, Thị thỉnh thoảng lấy việc vẽ nhăng cuội làm vui. Sau trận thất tán vĩ mô, mỗi người tự loay hoay lầm lạc trong đời riêng. Một người ly dị chồng, một người là mẹ đơn thân. Câu chuyện này nằm phía sau bức Đĩ Ngựa mà lúc quệt sơn dầu lên vải bố Thị hoàn toàn không biết vì sao mình vẽ nó cho đến khi toàn thân run lên, dầm dề rã đông. Từng ô cửa được mở ra. Một bên mắt ướt của Từ Vi khuất dưới bờm ngựa tía, tóc Nhu Thị bện với lông đuôi. Họ mắc kẹt trong một rừng gai.
Đĩ Ngựa chưa bao giờ được treo lên. Không kẻ thưởng ngoạn nào có cơ hội xô tác giả lệch khấc về phía dục tính. Không có tin nhắn gạ gẫm.
Tên thật Trần Thị Nguyệt Hồng, sinh trưởng ở miền Nam Việt Nam.
Viết văn từ năm 1965, có thơ và truyện ngắn đăng thường xuyên trên nhật báo Sống, mục Các Em Viết do nhà văn Duyên Anh phụ trách.
Truyện ngắn đầu tiên đăng báo người lớn: Chủ Nhật (Vấn Đề số 39 tháng 10 năm 1970 – nguyệt san văn học do Vũ Khắc Khoan và Mai Thảo chủ trương). Đã cộng tác với Văn, Vấn Đề, Thời Tập, Thời Văn, Tiền Tuyến…
Tác phẩm đã xuất bản:
- Những Ngày Rất Thong Thả, nhà xuất bản Trí Đăng, Sài Gòn – Việt Nam (1975)
- Tập truyện ngắn Trần Thị NgH, nhà xuất bản Văn Nghệ, California – Mỹ (1999)
- Lạc Đạn và 10 truyện ngắn, nhà xuất bản Thời Mới, Toronto – Canada (2000)
- Nhăn Rúm, nhà xuất bản La Frémillerie, Paris – Pháp (2012)
- Nhà Có Cửa Khóa Trái, Lạc Đạn, Nhăn Rúm, Phương Nam Books & nhà xuất bản Hội Nhà Văn – Việt Nam (2012)
- Ác Tính, nhà xuất bản Nhân Ảnh, Toronto – Canada (2018)
- Ác Tính, Domino Books & nhà xuất bản Hội Nhà Văn – Việt Nam (2019)
Nguồn: diaCritics