Tác giả : Vũ Quý Kỳ | Ngày đăng: 2020-07-07 |
Vũ Quý Kỳ <<==== vs ====>> Hoàng Tứ Duy
Atlanta 28-6-2020
Giáo sư Vũ Quý Kỳ hai lần tị nạn cộng sản năm 1954 và 1975. Ông là sinh viên du học ở Úc, tốt nghiệp Adelaide University 1963 ngành viễn thông. Ông định cư ở Hoa Kỳ. Giảng dạy 35 năm ở Devry Technical Institute/University môn Toán và Vật Lý Học (Physics). Sách biên khảo xuất bản gần đây là “A Shooting Star” về Chiến Tranh Việt Nam, viết bằng Anh Ngữ.
|
TÂM THƯ GỬI BÁC VŨ QUÝ KỲ
Kính gửi bác Vũ Quý Kỳ,
Cách đây một tuần, toà soạn Việt Báo đã chuyển bài viết của bác nhận định về cuộc phỏng vấn gần đây của họ với cháu. Việt Báo nói rằng nếu cháu muốn trả lời bác bằng bài viết thì Việt Báo sẽ đăng kèm với bài của bác. Có lẽ bên Việt Báo không biết cháu đã quen biết và kính trọng Bác từ hơn 30 năm nay.
Cháu và bác đã từng chia sẻ và có những cái nhìn chung về nhiều vấn đề liên quan đến đất nước Việt Nam, quan hệ quốc tế, và kinh tế nói chung trong nhiều thập niên qua. Cháu vẫn còn giữ nhiều hình ảnh sinh hoạt cùng với bác Vũ Quý Kỳ — như hình chụp cùng với bác và bác gái ở White House khi gặp Tổng thống Bush.
Trong lá thư này, cháu muốn trình bày rõ hơn hai vấn đề mà bác nêu lên trong bài nhận định.
1) Tại sao Việt Tân cho rằng việc xuống đường đòi công lý cho người Mỹ da đen là hành động lành mạnh và nhân bản?
Bác Vũ Quý Kỳ đã viết: “‘Chính nghĩa’ trong trường hợp biểu tình ủng hộ ông Floyd chẳng những không sáng ngời, trái lại tôi nhìn thấy nó tối om. Nó tối om vì, trong những cuộc biểu tình, người ta thấy có lẫn một số rất lớn những phần tử bất hảo, trộm cướp, phá phách, hôi của.”
Cháu không nghĩ rằng các cuộc biểu tình vừa qua tại Hoa Kỳ giới hạn trong việc ủng hộ cá nhân ông Floyd. Các đoàn biểu tình đã nêu thêm tên của rất nhiều người da đen đã tử vong dưới bàn tay cảnh sát trong nhiều năm qua — ví dụ như trường hợp cô Breonna Taylor: Cảnh sát xông vào lộn nhà và bắn chết cô lúc đang ngủ trên chính giường của mình. Làm sao chúng ta có thể chấp nhận một chuyện phi lý và bất công như vậy trong một nước dân chủ pháp trị?
Còn về những phần từ bất hảo, trộm cướp, phá phách, hôi của (looting), cháu đồng ý với bác đây là hiện tượng xấu, phải lên án và đem ra trước pháp luật. Nhưng chúng ta không nên đồng hóa đại đa số người biểu tình ôn hoà cho mục tiêu chính đáng với một thiểu số nhỏ phạm pháp, trộm cướp. Cũng giống như bác Vũ Quý Kỳ đã tách biệt hành động phạm pháp của một số cá nhân cảnh sát với trách nhiệm của cả cơ quan cảnh sát, thì chúng ta cũng nên tách biệt bọn trộm cướp với người biểu tình. Bác Vũ Quý Kỳ và cháu đều quen biết nhiều người đàng hoàng đã tham dự những cuộc biểu tình này.
2) Bản chất của phong trào chống kỳ thị bên Mỹ?
Bác Vũ Quý Kỳ đã viết: “Khi đã nhìn thấy bề sâu của vấn đề thì ta thấy ngay những người biểu tình chống kỳ thị Mỹ Đen phần lớn đã bị những kẻ đầu cơ chính trị lợi dụng cho một mục tiêu riêng. Phần lớn những người biểu tình đã bị lừa. Một phần lớn khác đã đi biểu tình vì được chi tiền.”
Cháu nghĩ rằng bác Vũ Quý Kỳ đánh giá người Mỹ hơi thấp. Phong trào “Black Lives Matter” không phải là một lá bài chính trị do một thế lực nào đó điều khiển, mà là một phong trào quần chúng, một nhận thức sâu rộng trong xã hội Mỹ vào năm 2020, qua những sự kiện như:
– TNS Mitt Romney (ứng cử viên Tổng thống của Đảng Cộng Hòa năm 2012) tham dự biểu tình BLM tại Washington DC, và ông George W. Bush (Tổng thống thuộc Đảng CH từ năm 2001-2009) lên tiếng: “Làm thế nào để chấm dứt tình trạng phân biệt chủng tộc ngấm sâu trong xã hội chúng ta? Cách duy nhất để nhận ra bản chất thật của chúng ta là lắng nghe tiếng nói của những người đang bị tổn thương và đau buồn. Ai muốn dập tắt các tiếng nói đó là những người không hiểu ý nghĩa đích thực của Hoa Kỳ — hay không hiểu thế nào để đất nước này tốt lành hơn.”
– Đại tướng Mark Milley, Tổng tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, gọi các tướng Confederacy (Miền Nam trong Nội chiến Hoa Kỳ) là “phản quốc” và đề nghị Bộ Quốc Phòng phải xem xét lại việc đặt tên một số căn cứ quân sự theo các tướng này.
– National Football League (với giới chủ là 32 tỷ phú) tuyên bố “Black Lives Matter” và công khai xin lỗi đã không lắng nghe các cầu thủ da đen khi họ phản đối cảnh sát kỳ thị. NASCAR (với nhiều fans thuộc thành phần da trắng Miền Nam, được xem là thành phần bảo thủ nhất) cấm fans mang cờ quạt Confederacy là biểu tượng cho kỳ thị đến các cuộc đua auto.
Và rất nhiều ví dụ khác nữa với các công ty lớn tại Mỹ. Rất nhiều công ty Fortune 500 đã bày tỏ sự ủng hộ với “Black Lives Matter”. Lý do đơn giản là vì đó là quan điểm của số đông nhân viên và khách hàng.
Nếu những người xuống đường năm 1968 tại các quốc gia Tây Phương thuộc thành phần cực tả, radical thì những người biểu tình năm 2020 khá “mainstream”, thuộc dòng chính. Chúng ta có quyền không đồng ý với những người biểu tình nhưng cần phải có căn cứ để nói họ bị lừa hay mua chuộc.
***
Theo một cuộc thăm dò của Trung Tâm Nghiên Cứu Pew vào đầu tháng 6/2020, 67% người Mỹ ủng hộ phong trào Black Lives Matter. Trong số này chắc chắn có nhiều quan điểm khác nhau về cách giải quyết tình trạng kỳ thị màu da.
Vì Hoa Kỳ là nước dân chủ pháp trị nên cháu đã trả lời Việt Báo rằng: “Một khi dư luận đã đòi hỏi thay đổi, các định chế dân chủ từ hội đồng thành phố đến Quốc Hội Liên Bang phải đưa ra những điều chỉnh, sửa đổi nhằm đáp ứng các đòi hỏi của người dân.” Đây là một trong nhiều sự khác biệt lớn giữa Hong Kong (và Việt Nam) với Hoa Kỳ. Không ai nhầm lẫn sự khác biệt giữa chính sách tân thực dân của đế quốc độc tài Trung Cộng và hiện tượng kỳ thị trong xã hội Mỹ.
Cháu cảm ơn bác Vũ Quý Kỳ đã có những phản hồi thẳng thắn để cho cháu thêm cơ hội trình bày rõ hơn suy nghĩ của mình. Dù chúng ta có những bất đồng trong vấn đề BLM, cháu vẫn mong sẽ lại có dịp đồng hành cùng bác trong những nỗ lực chống Bắc Thuộc-Xoá độc tài-Xây dân chủ cho tổ quốc của chúng ta.
Kính Bác,
Hoàng Tứ Duy
13-07-2020
Nguồn: Facebook Hoàng Tứ Duy