Seite auswählen

Trung cộng đáp trả tuyên bố của Mỹ và Úc về Biển Đông

Quan chức ngoại giao và quân sự Mỹ và Úc hôm 28/7.

Các viên chức ngoại giao và quân sự Mỹ và Úc hôm 28/7.

Đại sứ quán Trung cộng ở Úc Đại Lợi hôm 29/7 đã phản ứng đầy giận dữ trước một tuyên bố chung của Mỹ và Úc, vốn chỉ trích tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông cũng như ở các nơi khác, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực đối với Trung cộng sẽ không bao giờ thành công”, trang tin news.com.au của Úc đưa tin.

Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mark Esper đã tổ chức hai ngày thảo luận ở Washington với người đồng nhiệm Úc.

Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds đã bay tới Mỹ dù dịch bệnh COVID-19 và đối mặt với hai tuần bị cách ly khi trở về nước, theo Reuters.

Trong tuyên bố sau các cuộc gặp, hai nước bày tỏ “quan ngại sâu sắc” về các vấn đề nóng như Hong Kong, Đài Loan, “cuộc đàn áp người Uighur” ở Tân Cương và các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông, vốn bị coi là “không có giá trị theo luật quốc tế”.

Tuy nhiên, theo trang tin news.com.au, đại sứ quán Trung cộng ở Úc đã nhanh chóng lên tiếng bác bỏ.

Cơ quan ngoại giao này phản đối điều bị coi là “các cáo buộc vô căn cứ” và “các cuộc công kích đối với Trung cộng” về các vấn đề liên quan tới Hong Kong, Tân Cương và Biển Đông đưa ra trong tuyên bố chung.

Theo Reuters, dù Mỹ và đồng minh Úc tổ chức các cuộc đàm phán cấp cao về Trung cộng và đồng ý về sự cần thiết phải duy trì trật tự thế giới dựa trên luật lệ, Ngoại trưởng Úc Marise Payne nhấn mạnh tới quan hệ quan trọng giữa Canberra với Bắc Kinh và tuyên bố không có ý định làm tổn thương mối bang giao này.

VOA (29.07.2020)

Việt Nam, Nam Dương tăng cường phòng thủ ở Biển Đông

Joko Widodo : Một Tổng thống đầy mâu thuẫn | Báo Đất Việt

Tổng thống Nam Dương Joko Widodo. Chính quyền của ông đang tăng cường khả năng phòng thủ trên biển trước mối đe dọa ngày càng lớn từ Trung cộng. © REUTERS /Antara Foto /Ismar Patrizki

Việt Nam hợp tác với Nhật Bản để tăng cường khả năng phòng thủ ở Biển Đông, trong khi Nam Dương nhắm đến chiến đấu cơ Eurofighter để kiểm soát chặt chẽ hơn các vụ xâm nhập của Trung cộng vào vùng biển của nước này.

Ngày 28/07/2020, Nhật Bản đã ký với chính phủ Việt Nam hiệp định vay vốn ODA trị giá 36,626 tỷ yên (khoảng 348,2 triệu đô la) để trang bị 6 tầu tuần tra, trong bối cảnh Trung cộng không ngừng gia tăng hoạt động quân sự ở Biển Đông. Đây là khoản vay ưu đãi với thời hạn 40 năm. Dự án áp dụng điều khoản đặc biệt dành cho Đối tác kinh tế (STEP), sử dụng công nghệ đóng tầu tiên tiến của Nhật Bản và có thể chuyển giao công nghệ. Số tầu này được dự kiến giao cho lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam từ nay đến tháng 10/2025.

Trước Nhật Bản, Hoa Kỳ cũng thông báo cung cấp một tầu tuần duyên cho Cảnh sát biển Việt Nam, theo dự kiến là vào cuối năm 2020. Ngoài ra, trong trong 3 năm gần đây, Mỹ đã chuyển giao cho Việt Nam 18 xuồng tuần tra « Metal Shark ».  

Nam Dương cũng đang nghiên cứu tăng cường không lực để đối phó với những thách thức ngày càng tăng từ phía Trung cộng ở Biển Đông. Bộ trưởng Quốc Phòng Nam Dương Prabowo Subianto chú ý đến 15 chiến đấu cơ Eurofighter Typhoon do Không Quân Áo bán lại.

Từ khi giữ chức bộ trưởng Quốc Phòng, khác với những người tiền nhiệm, ông Prabowo Subianto tập trung vào chiến lược củng cố không lực và tăng đội tầu khu trục trang bị tên lửa dẫn đường. Theo trang Asia Times ngày 28/07, Nam Dương hiện có 16 chiến đấu cơ SU-27/30 do Nga sản xuất và 3 máy bay F-16 Lockheed Martin, thường xuyên được sử dụng để tuần tra ở Biển Đông.

Trong khi đó, tổng thống Phi Luật Tân lại tỏ ra « cam chịu » trước những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh vì « Trung cộng có vũ khí, Phi Luật Tân thì không ». Phát biểu trên đã được ông Uông Văn Bân (Wang Wenbin), một phát ngôn viên của bộ Ngoại Giao Trung cộng, hoan nghênh trong buổi họp báo ngày 28/07. Đồng thời, ông Uông Văn Bân tái khẳng định Bắc Kinh không thay đổi lập trường về Biển Đông.

RFI (29.07.2020)

Tập đoàn Eni phát hiện dầu khí mới ở ngoài khơi thềm lục địa Việt Nam

Giếng thăm dò Kèn Bầu -2X của họ, nằm ở Lô 114, ngoài khơi Việt Nam.

Giếng thăm dò Kèn Bầu -2X của họ, nằm ở Lô 114, ngoài khơi Việt Nam.  Courtesy PVN

Tập đoàn dầu khí Eni của Italia hôm thứ hai 27 tháng 7 thông báo, giếng thăm dò Kèn Bầu -2X của họ, nằm ở Lô 114, ngoài khơi Việt Nam, đã phát hiện khối lượng hydrocarbon đáng kể và công ty này đang tiếp tục mở rộng tiềm năng khai thác.

Trang tin Kallanish Energy loan tin vừa nói hôm 28/7 và cho biết vị trí vừa phát hiện nằm ở ngoài khơi thềm lục địa phía Bắc Việt Nam, thuộc bể Sông Hồng, cách đất liền gần nhất thuộc tỉnh Quảng Trị 65 km, cách Đà Nẵng khoảng 86 km.

Phát hiện của Kèn Bầu, ước tính sơ bộ có thể chứa 7-9 nghìn tỷ feet khối khí đốt và 400-500 triệu thùng khí ngưng tụ liên quan.

Eni Vietnam là nhà điều hành chính thăm dò Lô 114, hiện nắm 50% cổ phần; Essar E & P nắm giữ 50% còn lại. Hiện Eni Việt Nam và công ty đối tác đang lên kế hoạch khoan thử nghiệm và khám phá thêm tại giếng Kèn Bầu, đồng thời công ty cũng khoan nhiều giếng mới và thăm dò địa chấn trong lưu vực Sông Hồng, nơi Eni hoạt động với 100% cổ phần tại Lô 116 gần đó.

Hiện giếng thăm dò Kèn Bầu 2X này đang bị bỏ hoang.

Eni đã có mặt tại Việt Nam kể từ năm 2013, và hiện đang vận hành bốn khối ngoài khơi miền trung Việt Nam, tất cả đều nằm trong lưu vực Sông Hồng và Phú Khánh.

Tin cho biết, thị trường gas ở Việt Nam đang phát triển nhanh chóng, nhờ sự tăng trưởng GDP và sự phát triển các nhà máy nhiệt điện chạy bằng khí đốt nội địa, và sắp tới là khí LNG nhập khẩu. Phát hiện Kèn Bầu được cho là sẽ góp phần đáp ứng nhu cầu năng lượng ngày càng tăng của Việt Nam.

RFA (29.07.2020)

Người Việt nghĩ gì về liên minh Mỹ – Úc Đại Lợi kiềm chế Trung cộng trên Biển Đông?

Bộ Trưởng Quốc phòng Australia Linda Reynolds, Ngoại Trưởng Australia Marise Payne, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Washington DC, ngày 28/7/2020.

Bộ Trưởng Quốc phòng Úc Đại Lợi Linda Reynolds, Ngoại Trưởng Úc Đại Lợi Marise Payne, Ngoại Trưởng Mỹ Mike Pompeo và Bộ Trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper tại Washington DC, ngày 28/7/2020.

Người Việt trong và ngoài nước chia sẻ với VOA rằng họ rất vui mừng khi Mỹ và Úc Đại Lợi thiết lập một liên minh ngày càng mạng hơn trong khu vực nhằm kiềm chế Trung cộng và củng cố một Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương thượng tôn pháp luật.

Trong hai ngày liên tiếp vừa qua, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo và Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ Mark Esper đã tiếp Ngoại trưởng Marise Payne và Bộ trưởng Quốc phòng Linda Reynolds của Úc Đại Lợi tại thủ đô Washington trong bối cảnh cạnh tranh chiến lược Mỹ – Trung ngày càng gia tăng.

Bộ Quốc phòng Hoa Kỳ dẫn lời Bộ trưởng Esper tại cuộc họp báo chung Mỹ – Austrailia hôm 28/7: “Chúng tôi chia sẻ một tầm nhìn chung về một Ấn Độ-Thái Bình Dương tự do và cởi mở, nơi tất cả các quốc gia, dù lớn hay nhỏ, có thể tận hưởng các lợi ích về chủ quyền, trong đó thương mại tự do, công bằng và đối ứng là tiêu chuẩn, trong đó các quốc gia tuân thủ các quy tắc và chuẩn mực quốc tế và nơi các tranh chấp quốc tế được giải quyết một cách hòa bình.”

Bộ Trưởng Quốc phòng Úc Đại Lợi Reynolds cho biết rằng bà và ông Esper vừa ký một tuyên bố về các nguyên tắc hợp tác liên minh quốc phòng và các ưu tiên về tư thế lực lượng ở Ấn Độ-Thái Bình Dương. Bà nói rằng tuyên bố này sẽ thúc đẩy hợp tác quốc phòng trong thập kỷ tới và ngăn chặn hành vi hung ác.

Trang Nikkei Asian Review dẫn lời ngoại trưởng Autralia tuyên bố sẽ tận dụng tốt hơn các liên minh hiện tại và tạo các nhóm mới để kiềm chế Bắc Kinh.

“Chúng tôi sẽ hợp tác chặt chẽ hơn với các đối tác hiện tại, như nhóm Ngũ Nhãn, ASEAN, Quad, Nhóm đối tác Hạ tầng Ba bên, và Hội nghị Cấp cao Đông Á”, Ngoại trưởng Payne của Úc Đại Lợi nói với báo chí sau cuộc họp.

Thông cáo chung sau cuộc họp tham vấn ngoại giao – quốc phòng giữa Mỹ và Úc (AUSMIN) ở Washington nêu cam kết hợp tác với ASEAN và Ngũ Nhãn, đồng thời nêu Hàn Quốc là đối tác và có nhắc đến Việt Nam một cách đặc biệt với tư cách là Chủ tịch ASEAN năm nay – khen ngợi sự lãnh đạo của Việt Nam trong chống dịch COVID-19, cũng theo Nikkei Asian Review.

Bốn quan chức tham dự cuộc họp “2+2” dùng thông cáo chung của mình để bày tỏ “lo ngại sâu sắc về các hành động áp đặt và gây bất ổn gần đây ở khắp khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.”

Bắc Kinh “không thể khẳng định yêu sách hàng hải ở Biển Đông dựa trên “đường chín đoạn,” “quyền lịch sử” hay dựa vào các nhóm đảo trên Biển Đông, trái với Công ước LHQ về Luật Biển,” Nikkei Asian Review dẫn tuyên bố cho biết.

Ông Pompeo khen ngợi chính phủ Úc đã ủng hộ các giá trị dân chủ và thượng tôn pháp luật, bất chấp các áp lực mạnh mẽ, liên tục từ Đảng Cộng sản Trung cộng để ép nước khác cúi làm theo ý của Bắc Kinh, theo Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ.

Trước đó, Ngoại trưởng Hoa Kỳ Pompeo nói rằng Biển Đông không phải là đế chế hàng hải của Trung cộng và Bắc Kinh đã vi phạm luật pháp quốc tế.

Khi các bộ trưởng Mỹ – Úc Đại Lợi đang nhóm họp ở Washinghton thì Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị hôm 28/7 có cuộc điện đàm với người đồng cấp Pháp, nói rằng Washington “liều lĩnh, khiêu khích đối đầu.”

Hôm 29/7, Tòa Đại sứ Trung cộng tại Úc Đại Lợi phản ứng giận dữ với tuyên bố chung giữa Úc Đại Lợi và Mỹ, cảnh báo rằng “bất kỳ nỗ lực nào nhằm gây áp lực với Trung cộng sẽ không bao giờ thành công,” theo hãng tin ABC.

Cũng hôm 28/7, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Uông Văn Bân (Wang Wenbin), nói rằng “Trung cộng kiên quyết phản đối các bình luận của Úc Đại Lợi, vốn đi ngược lại sự thật, luật pháp quốc tế và các chuẩn mực cơ bản điều chỉnh các quan hệ quốc tế” theo báo điện tử The Úc Đại Lợin.


Từ Sydney, Úc Đại Lợi, ông Hoàng Minh Hùng, một người gốc Việt từng tham gia biểu tình phản đối Trung cộng xâm lược Biển Đông, nói với VOA:

Tôi ủng hộ việc chính phủ Úc Đại Lợi cương quyết, thẳng thắng, không làm ngơ. Tôi nghĩ là tất cả người Việt Nam trên thế giới cũng đang rất mừng khi Mỹ và Úc cùng chung tay cho Trung cộng biết rằng họ đừng coi thường thế giới, đừng ỷ lớn ăn hiếp nước nhỏ.

“Tôi nghĩ rằng Cộng sản Việt Nam cũng mừng, cho dù không dám lên tiếng lớn vì họ đang đu dây hai bên.”

“[Liên minh này] cũng làm cho người Việt Nam an tâm vì các liên minh quốc tế cộng tác với Mỹ bắt đầu có tiếng nói và hành động rất mạnh về Biển Đông, sau khi gửi công hàn lên LHQ về Biển Đông, không công nhận tuyên bố của Bắc Kinh.”

Trước đó, hôm 23/7, trong công hàm đệ trình Liên Hợp Quốc, Úc Đại Lợi khẳng định “không có cơ sở pháp lý đối với các yêu sách của Trung cộng về lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông.”

Công hàm phản đối yêu sách của Trung cộng trên Biển Đông được Úc Đại Lợi gửi lên LHQ chỉ một tuần sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo chính thức công bố bản “lập trường của Mỹ về các yêu sách tại Biển Đông” hôm 13/7.

Tác giả Mai Xuân Vĩnh viết trên trang RFA: “Úc Đại Lợi đã luôn giữ thế trung lập giữa Mỹ và Trung cộng trong suốt nhiều năm qua, đặc biệt là khi một cuộc chiến tranh lạnh mới Mỹ -Trung ngày càng trở nên căng thẳng. Tuy nhiên, động thái mới nhất này cho thấy Úc Đại Lợi đang liên kết chặt chẽ hơn với Washington trong cuộc tranh cãi đang leo thang giữa Mỹ và Trung cộng về vùng biển này.”

Tuyên bố về Biển Đông của Ngoại Trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm 13/07/2020. Photo US Department of State.

Tờ báo Nhật dẫn lời ông Derek Grossman, nhà phân tích quốc phòng cấp cao ở tập đoàn Rand Corp. ở California, nói “Kết luận lớn nhất của tôi là Mỹ và Úc Đại Lợi đang khá đồng thuận trong cách đối phó với Trung cộng.” Ông cho biết thêm: “Chúng ta không nên coi đó là hiển nhiên, vì Úc Đại Lợi trước nay khá do dự khi đối phó với Bắc Kinh.”

Trang The Sydney Morning Herald dẫn lời ông Michael Shoebridge, Giám đốc chương trình quốc phòng của Viện Chính sách Chiến lược Úc Đại Lợi cho biết Úc Đại Lợi nên cùng với Hoa Kỳ thực hiện các hoạt động tự do hàng hải, trong đó có liên quan đến việc tuần tra trong vùng 12 hải lý nơi mà Trung cộng tuyên bố chủ quyền hoặc chiếm đóng.

Ông Shoebridge nói rằng trước đây sự miễn cưỡng của Úc và các quốc gia khác khi còn do dự chưa cùng Mỹ thực hiện các cuộc tuần tra tự do hàng hải đã tạo ra một “sự kiểm soát thực tế làm lợi cho hành vi quân sự và dân quân bất hợp pháp, hung hăng của Trung cộng ở Biển Đông.”

Hôm 13/7, Ngoại Trưởng Mỹ Pompeo bác tuyên bố chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông, nói rằng “những đòi hỏi chủ quyền của Trung cộng là bất hợp pháp,” và phản đối đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung cộng vẽ ra trên biển.

Hôm 16/7, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói: “Chúng tôi hoan nghênh lập trường của các nước về vấn đề Biển Đông phù hợp với luật pháp quốc tế và chia sẻ quan điểm là UNCLOS 1982 là khuôn khổ pháp lý điều chỉnh mọi hoạt động trên biển và đại dương.”

Từ Hà Nội, ông Trần Bang nêu nhận định: “Tuyên bố của Mỹ rõ ràng, dứt khoát, còn tuyên bố của Việt Nam thì chung chung, còn mơ hồ.”

Ông Trần Bang nói thêm: “Trung cộng không thể cậy mạnh hiếp yếu, dùng cái lưỡi bò chiếm 80% Biển Đông của Việt Nam và một số nước khác.”

VOA (29.07.2020)

Chuyên gia Mỹ: Các bước cần làm để chống Trung cộng bắt nạt nước khác trên Biển Đông

Đọ sức Trung–Mỹ ở Biển Đông khiến Việt Nam vào thế trung dung đầy ...

Một dấu hiệu về thái độ cứng rắn của Mỹ đối với Trung cộng: Chiến hạm Mỹ USS Gabrielle Giffords (phía trên) bám sát tàu khảo sát Trung cộng Hải Dương Địa Chất 4 trên Biển Đông ngày 01/07/2020. Ảnh US Navy. © Command Destroyer Squadron 7 – Petty Officer 2nd Class Brenton

Ngay sau khi ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo công bố lập trường chính thức “mới” của Hoa Kỳ hôm 13/07/2020, bác bỏ hầu hết các yêu sách biển của Trung cộng tại Biển Đông, câu hỏi mà rất nhiều nhà quan sát đặt ra là liệu các tuyên bố cứng rắn của Washington có biến thành các hành động cụ thể để ngăn chặn tham vọng bành trướng của Bắc Kinh?

Trong bài phân tích “Đâu là những phương án cho vấn đề Biển Đông? – What Options are On the table in the South China Sea?” – đăng trên trang mạng War on The Rocks ngày 22/07/2020 – hai chuyên gia Mỹ Zack CooperBonnie Glaser đã đề xuất một loạt biện pháp mà chính quyền Mỹ có thể thực hiện để chống lại những hành vi ỷ mạnh hiếp yếu của Trung cộng đã bị coi là “phi pháp”.

Đối với Zack Cooper, chuyên gia thuộc viện nghiên cứu American Enterprise Institute, và Bonnie Glaser thuộc Trung Tâm Nghiên Cứu Chiến Lược và Quốc Tế CSIS ở Washington, thì một trong những điểm then chốt trong lập trường vừa được Mỹ làm rõ trở lại là Hoa Kỳ một mặt vẫn trung lập trên vấn đề chủ quyền các thực thể ở Biển Đông, nhưng một mặt khác cực lực chống lại tính chất phi pháp của các yêu sách biển của Trung cộng.

Cản trở hoạt động dầu khí trong vùng biển nước khác là phi pháp

Washington tuyên bố rõ rằng việc Bắc Kinh cản trở hay quấy rối các hoạt động đánh bắt cá và khai thác dầu khí của nước khác là những hành vi bất hợp pháp.

Cách nay một năm, bộ Ngoại Giao cũng từng lên án các hành vi khiêu khích lặp đi lặp lại của Trung cộng nhắm vào các hoạt động khai thác dầu khí ngoài khơi các nước láng giềng, nhưng không nói rõ rằng đó là những hành vi bất hợp pháp và cũng không đưa ra quan điểm rõ ràng về các yêu sách hàng hải tương ứng. Tình hình lúc này đã khác. Trợ lý ngoại trưởng Mỹ phụ trách Đông Á-Thái Bình Dương đã tuyên bố rằng Hoa Kỳ “sẽ không còn nói rằng mình trung lập về các vấn đề trên biển đó”.

Trước đây, chính quyền Trump đã phản đối các hành vi cưỡng bức của Trung cộng, nhưng tránh không lên tiếng ủng hộ quyền hợp pháp của các quốc gia khác đối với các nguồn tài nguyên trong vùng biển được Luật Biển quốc tế công nhận là của họ. Giờ đây, Washington đã có cơ sở để có hành động mạnh hơn trong vùng biển xung quanh Bãi Tư Chính (ngoài khơi Việt Nam), Bãi Luconia Shoals (ngoài khơi Malaysia), vùng Natuna Besar (ngoài khơi Nam Dương) và vùng đặc quyền kinh tế của Brunei.

Tuyên bố của Mỹ còn nói rõ là mọi yêu sách về lãnh thổ hoặc hàng hải của Trung cộng đối với Đá Vành Khăn (Mischief Reef) hay Bãi Cỏ Mây (Second Thomas Shoal) đều bất hợp pháp, vì hai thực thể này nằm trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của Phi Luật Tân.

Đối với hai tác giả bài phân tích, khi làm rõ lập trường của mình, trong hồ sơ Biển Đông, giới lãnh đạo Hoa Kỳ có thể vững vàng hậu thuẫn cho Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Brunei và thậm chí cả Nam Dương.

Trừng phạt kinh tế các tập đoàn có hành vi phi pháp ở Biển Đông

Vấn đề là với chính sách mới, Hoa Kỳ sẽ bị buộc phải cho thấy là họ sẵn sàng trừng phạt Trung cộng về những hành vi bị cho là bất hợp pháp. Theo hai chuyên gia Mỹ, biện pháp đầu tiên hết có thể liên quan đến lãnh vực kinh tế.

Hoa Kỳ có thể trừng phạt các tập đoàn Trung cộng hoạt động bất hợp pháp bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các nước khác. Đối tượng bị nhắm hiển nhiên nhất là các tập đoàn nhà nước có tàu thuyền can dự vào các hoạt động như đánh bắt cá, khảo sát, thăm dò dầu khí trong vùng đặc quyền kinh tế các nước láng giềng.

Trừng phạt cũng có thể nhắm vào các tàu khảo sát khoa học trên biển của Trung cộng, hay những cá nhân có liên can đến lực lượng hải cảnh hay dân quân biển, vốn thường xuyên hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế các quốc gia có tranh chấp với Trung cộng mà không được phép của nước sở tai.

Gia tăng tuần tra và trực tiếp hỗ trợ các nước Biển Đông

Loạt biện pháp thứ hai mà Mỹ có thể thực hiện sẽ dùng đến các lực lượng quân sự, như gia tăng tuần tra tại Biển Đông và trực tiếp trợ giúp các nước Đông Nam Á.

Washington có thể tổ chức những chiến dịch tuần tra để ngăn chặn hay xua đuổi các tàu cá hay tàu thăm dò khai thác dầu khí của Trung cộng hoạt động trái phép trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác.

Để khuyến khích các quốc gia tranh chấp chủ quyền với Trung cộng mạnh dạn hơn trong việc bảo vệ quyền của mình, điều mà các quan chức Mỹ đã nêu lên thành một mục tiêu, Hoa Kỳ có thể cung cấp cho các nước trong vùng video giám sát để nêu bật các hành vi cưỡng bức của Trung cộng, và cung cấp thông tin tình báo giúp các nước trong khu vực đáp trả hữu hiệu hơn.

Lãnh đạo Hoa Kỳ cũng có thể xem xét việc trực tiếp hỗ trợ nhiều hơn cho lực lượng trên biển của các nước đồng minh và đối tác. Mỹ đã từng giúp đỡ Phi Luật Tân trong việc tiếp tế hậu cần cho đơn vị đồn trú trên Bãi Cỏ Mây. Giờ đây, Mỹ có thể trực tiếp sử dụng tàu của mình cho các mục tiêu này.

Gần đây, vào tháng 5 vừa qua, Hải Quân Mỹ đã từng cho triển khai chiến hạm USS Gabrielle Giffords đến gần tàu khoan dầu West Capella của tập đoàn dầu khí Malaysia, để cho thấy thái độ quan ngại trước hành động sách nhiễu của một tàu khảo sát khoa học Trung cộng, cũng như của tàu hải cảnh và dân quân biển Trung cộng.

Nâng cao năng lực “chống bắt nạt” của các nước Đông Nam Á

Chính quyền Hoa Kỳ cũng có thể xem xét khả năng giúp đỡ các đồng minh và đối tác trong khu vực xây dựng năng lực chống lại các hành vi bức hiếp của Trung cộng. Các lãnh đạo then chốt tại Quốc Hội Hoa Kỳ đều sẵn sàng dành nguồn tài chính dồi dào hơn cho việc răn đe Trung cộng và trấn an các nước bạn ở khu vực Ấn Độ Thái Bình Dương.

Làm việc cùng với Nhật và Úc và các nước khác, Mỹ có thể tìm cách nâng cao khả năng các quốc gia trong vùng bảo vệ quyền lợi trên biển của họ. Lãnh đạo Mỹ có thể xem xét cách thức giúp đỡ các nước áp đặt trừng phạt đối với việc Trung cộng hủy hoại các rạn san hô ở Biển Đông, vi phạm Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, vốn đòi hỏi các thành viên phải bảo vệ hệ sinh thái, môi trường sống của các loài bị nguy cơ hủy diệt.

Đẩy mạnh ngoại giao “thông cáo chung”

Sau cùng, Washington có thể tìm cách cùng với các đồng minh và đối tác đưa ra thông cáo chung để hậu thuẫn cho quyền hợp pháp của các nước tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông với Trung cộng.

Nhóm G7 là nơi có thể đưa ra một thông cáo hỗ trợ mạnh mẽ, củng cố cho phán quyết Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye năm 2016.

Ngoài ra, Mỹ có thể thúc đẩy Đài Loan công bố tài liệu lịch sử lưu trữ về nguồn gốc đường 11 đoạn, tiền thân đường 9 đoạn mà nước Trung Hoa Dân Quốc từng thiết lập và yêu cầu Đài Bắc công bố một bản điều chỉnh yêu sách chủ quyền phù hợp với luật quốc tế.

Những nỗ lực nói trên có lẽ sẽ không làm Trung cộng thay đổi thái độ, nhưng Bắc Kinh luôn tỏ ra nhạy cảm trước các sức ép của khu vực.

Động thái khôn khéo

Tất cả những hành động nêu trên đều hàm chứa rủi ro. Nhưng Mỹ không thể ngăn chặn Trung cộng thống trị Biển Đông và phá hoại việc thực thi luật pháp ở vùng biển Châu Á mà không chấp nhận thêm rủi ro.

Tuy nhiên, theo các tác giả bài phân tích, nếu xử lý rủi ro một cách cẩn thận, Mỹ có thể giúp các quốc gia khác mạnh dạn hơn, chấp nhận làm mích lòng Trung cộng bằng cách chỉ trích gay gắt hơn các chính sách gây bất ổn định và trực tiếp thách thức các hành vi cưỡng bức của Bắc Kinh.

Hai tác giả Mỹ thừa nhận rằng nhiều chuyên gia, trong đó có cả hai người họ, đã từng chỉ trích cách tiếp cận nặng tay của chính quyền Donald Trump đối với Trung cộng. Nhưng lần này, Mỹ đã có một cách làm tốt. dường như được cân nhắc kỹ lưỡng, để củng cố luật quốc tế, đưa chính sách của Mỹ gần hơn với quyền lợi của các đồng minh và đối tác ở Đông Nam Á.

Chính sách này tập trung trên quyền của các quốc gia trong vùng – chủ yếu là Phi Luật Tân, Việt Nam, Malaysia, Brunei, và Nam Dương – đối với nguồn dầu khí, hải sản, bên trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia này.

Làm như thế, chính sách Mỹ đi xa hơn, không chỉ đơn thuần bảo vệ quyền tự do hàng hải, mà còn  bảo vệ tự do trên các đại dương và quyền trên vùng biển của mình của tất cả các nước ở Biển Đông.

RFI (28.07.2020)

Việt Nam ký thỏa thuận vay vốn Nhật Bản để đóng 6 tàu tuần tra

 Tư liệu: Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi (trái) bắt tay Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội, ngày 6/1/2020. (Bui Lam Khanh/VNA via AP)

Tư liệu: Ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi (trái) bắt tay Ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh ở Hà Nội, ngày 6/1/2020. (Bui Lam Khanh/VNA via AP)

Việt Nam hôm 28/7 ký một hiệp định vốn vay ODA với Cơ quan Hợp tác quốc tế Nhật Bản- gọi tắt là JICA, trị giá 348 triệu USD để đóng 6 tầu tuần tra trên biển, truyền thông nhà nước cho biết, trong bối cảnh căng thẳng đang leo thang trong Biển Đông, theo Reuters.

Các tàu tuần duyên này, dự kiến giao cho Lực lượng Cảnh sát biển Việt Nam vào tháng 10/2025, sẽ tăng cường khả năng hàng hải của Việt Nam, hãng tin Reuters trích dẫn Báo Nhân Dân cho biết.

Trong nhiều năm qua, Việt Nam và các nước Á châu khác đã đối đầu với Trung cộng trong các vụ tranh chấp hàng hải trên các vùng biển giàu tài nguyên ở Biển Đông.

Các tàu này được dùng để “tăng cường năng lực chấp pháp và cứu hộ hàng hải nhanh chóng, đảm bảo an ninh an toàn hàng hải và tự do hàng hải tại Việt Nam”, theo tờ Nhân Dân, cơ quan ngôn luận chính thức của Đảng Cộng sản Việt Nam.

Tuần trước, Úc hậu thuẫn Hoa Kỳ khi tuyên bố các yêu sách chủ quyền của Trung cộng ở Biển Đông “không phù hợp với luật pháp quốc tế”.

Theo bản tin hôm thứ Ba của Báo Nhân dân, đây là khoản vay “có lãi suất ưu đãi trong thời gian 40 năm – vay ân hạn 10 năm.

Reuters cho biết nhà thầu chính đóng 6 tàu tuần duyên là một nhà thầu Nhật Bản, và thời gian dự kiến hoàn thành dự án vào tháng 10/2025 khi tàu tuần tra thứ 6 được bàn giao cho Cảnh sát biển Việt Nam.

VOA (28.07.2020)

Biển Đông: Úc dám đối đầu trực diện với Trung cộng ?

Australia tells U.S. it has no intention of injuring important ...

Ngoại trưởng Úc Marise Payne tại cuộc hội đàm với ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo ở Washington D.C. (Hoa Kỳ) ngày 27/07/2020.  REUTERS – ALEXANDER DRAGO

Phải chăng công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối mọi yêu sách của Bắc Kinh nhằm chiếm trọn Biển Đông là lời đánh động cho việc Úc sẵn sàng đối đầu trực diện với Trung cộng? Liệu bước tiếp theo của Úc sẽ là tham gia trực tiếp vào chiến dịch tuần tra vì tự do hàng hải ở Biển Đông (FONOPS) của Mỹ?

Hoa Kỳ thường xuyên đề nghị quân đội Úc tham gia vào một chiến dịch FONOPS, nhưng lời đề nghị mới chỉ dừng ở cấp tư lệnh Hải Quân, mà chưa bao giờ đến từ một bộ trưởng Quốc Phòng hoặc Ngoại Giao. Việc hai bộ trưởng Úc đích thân đến Washington, bất chấp dịch Covid-19 và bất chấp việc phải cách ly 14 ngày khi trở về nước, cho thấy cuộc họp AUSMIN (Tham khảo cấp bộ trưởng Mỹ- Úc) lần này có tầm quan trọng như thế nào và có nhiều khả năng Úc chính thức tham gia FONOPS, theo Greg Sheridan, biên tập viên của báo The Úc Đại Lợin và là một trong những nhà bình luận về an ninh quốc phòng nổi tiếng ở Úc.

Úc vẫn tham gia tuần tra vì tự do hàng hải trong khu vực, vì đây cũng là tuyến đường giao thương chính của nước này. Nhưng khi tham gia FONOPS cùng với Mỹ, tầu của Úc có khả năng phải đi vào bên trong vùng 12 hải lý quanh các thực thể ở Biển Đông mà Trung cộng chiếm đóng và bồi đắp, để phản đối yêu sách vô lý của Bắc Kinh. Trước đó, chính quyền Canberra đã bác mọi đòi hỏi chủ quyền trong « đường 9 đoạn » do Trung cộng tự vẽ.

Tuy nhiên, theo Greg Sheridan, Úc cần cân nhắc thấu đáo khi đưa ra quyết định tham gia FONOPS. Thứ nhất, cần phải chú ý đến mức độ bất cân xứng giữa lực lượng hải quân Úc và Trung cộng. Tầu chiến của Úc chỉ có thể an toàn khi tuần tra chung với Hải Quân Mỹ. Ngược lại, nếu tuần tra một mình, tầu của Úc có thể bị phía Trung cộng gây hấn, cảnh cáo, răn đe.

Điều này từng được cựu thủ tướng Úc Malcolm Turnbull nêu lên trong cuốn hồi ký, được trang abc.net trích dẫn ngày 27/07 : « Nếu Hoa Kỳ ủng hộ chúng ta thì Trung cộng sẽ lùi bước. Nhưng nếu Washington do dự hoặc vì một lý do nào đó quyết định không can thiệp hoặc không có khả năng can thiệp ngay lập tức, thì Trung cộng sẽ giành được chiến thắng vang dội về mặt tuyên truyền, coi Mỹ là một con cọp giấy mà các đồng minh phải ngờ vực ».

Đúng là quan hệ Mỹ-Trung đang ở trong giai đoạn xấu chưa từng có kể từ khi hai nước thiết lập bang giao năm 1979. Căng thẳng này lại diễn ra vào thời điểm trước kỳ bầu cử tổng thống Mỹ vào tháng 11 khiến nhiều chuyên gia lo ngại về khả năng thay đổi về chiến lược chống Trung cộng của Mỹ sau cuộc bầu cử này, dù đó là ứng viên Joe Biden hay đương kim tổng thống Trump đắc cử. Chính sách về Trung cộng dưới thời tổng thống Trump đã thay đổi theo thời gian, từ « bạn » chuyển sang « địch thủ ». Trước đó, dưới thời tổng thống tiền nhiệm Barack Obama, thuộc đảng Dân Chủ, vấn đề Biển Đông từng bị lơ là cả về quân sự lẫn ngoại giao. Greg Sheridan cho rằng đó là một trong những thất bại nghiêm trọng dưới thời tổng thống Obama.

Thứ hai, nếu tuần tra chung với Mỹ, chắc chắn Canberra sẽ bị Bắc Kinh đáp trả. Tuy nhiên, chính quyền Úc tỏ vẻ sẵn sàng, bằng chứng mới nhất là công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách chủ quyền tại Biển Đông của Bắc Kinh. Ngay lập tức, Hoàn Cầu Thời Báo của Trung cộng đã đánh tiếng cảnh cáo rằng « Úc đang bất cẩn leo lên con tầu Mỹ bị thủng để can thiệp vào Biển Đông ». Trừng phạt kinh tế (nông sản như thịt bò, rượu vang) được cho là một trong những biện pháp trả đũa mà Trung cộng nhắm đến.

Thứ ba, theo nhiều nhà phân tích, hành động của Úc chắc chắn được các nước ASEAN hoan nghênh, nhưng không theo cách công khai, do vị thế cũng như mối quan hệ tế nhị ở nhiều cấp độ với Trung cộng. Tuy nhiên, tuyên bố của Mỹ và Úc bác bỏ đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh ở Biển Đông có thể tạo thành một cán cân mới, theo nhận định của Emma Connors trên trang Financial Review (26/07/2020), giúp thúc đẩy việc đạt đến Bộ Quy tắc Ứng xử ở Biển Đông (COC) mà ASEAN đang đàm phán với Trung cộng.

Úc hiện có chính sách quyết liệt hơn với Trung cộng về nhiều mặt, từ yêu cầu điều tra độc lập về nguồn gốc virus corona ở Trung cộng đến vấn đề dân chủ ở Hồng Kông và hiện giờ là Biển Đông. Tuy nhiên, theo nhà bình luận Greg Sheridan, Canberra cần cân nhắc để tránh phải bảo vệ một tiền đồn mà rất có thể Hoa Kỳ âm thầm rút khỏi ngay khi quân đội Úc tham gia và như vậy, một mình Úc sẽ đối đầu với Trung cộng.

RFI (28.07.2020)

Việt Nam có thể phải bồi thường 1 tỷ đô vì tranh chấp với TQ trên biển Đông

(Ảnh minh họa: Getty Images)

BBC dẫn nguồn thông tin  riêng cho hay, Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PetroVietnam) đã đồng ý bồi thường khoảng 1 tỷ đô la cho Repsol của Tây Ban Nha và Mubadala của Các Tiểu vương quốc Ả Rập Thống nhất. Tờ báo mạng Nhật Bản The Diplomat cũng đưa ra thông tin tương tự.

Theo nhà nghiên cứu Anh Bill Hayton, mặc dù phát ngôn viên của tập đoàn Repsol “không muốn xác nhận hay phủ nhận” thông tin về số tiền nói trên, nhưng việc phân tích báo cáo tài chính của công ty cho thấy có “một khoản tiền rất lớn” có thể liên quan đến việc bồi hoàn này.

Việc bồi thường này liên quan đến thỏa thuận hủy khoan thăm dò theo kế hoạch ở lô 135-136/03 hồi tháng 7/2017 và lệnh dừng khoan lô 07/03 gần đó vào tháng 8/2018 giữa PetroVietnam và Repsol. Theo chuyên gia Bill Hayton, Repsol đã đấu thầu thăm dò tại 13 lô dầu khí của Việt Nam, mà hai trong số những dự án đó nằm ở rìa ngoài của vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, lọt hẳn trong đường 9 đoạn, hay đường lưỡi bò mà Trung cộng đòi hỏi chủ quyền.

Lô 07/03 nằm cạnh Lô 136-03 mà VN phải ngưng khai thác hồi tháng 7/2017. (Ảnh: ntdvn.com)

Vào thời điểm đó, 40 tàu chiến của Bắc Kinh đã được điều đến vùng ngoài khơi đảo Hải Nam, cách địa điểm các giàn khoan khoảng hai ngày di chuyển, có vẻ như họ sẵn sàng sử dụng vũ lực nếu việc thăm dò tiếp tục diễn ra.

Cuối tháng 6/2020, trang mạng thoibao.de tại Đức dẫn một nguồn tin tại Việt Nam tiết lộ, do buộc phải ngừng thăm dò tại vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam theo kế hoạch, tập đoàn Repsol đã đòi chính quyền Việt Nam phải bồi thường gần 1,4 tỷ đô la, nhưng thỏa thuận sau đó đã giảm xuống 1,2 tỷ đô la và PetroVietnam phải trả trong 3 năm.

BBC dẫn thông tin từ một nguồn khác, được cho là nắm bắt rất chắc về thỏa thuận nói rằng Việt Nam sẽ trả cho Repsol và Mubadala 800 triệu USD cho quyền của họ trong các lô kể trên và thêm 200 triệu USD bồi thường cho tất cả các khoản đầu tư họ đã thực hiện trong quá trình thăm dò và phát triển

Những áp lực của Trung cộng nhằm hạn chế khả năng phát triển tài nguyên dầu khí ở Biển Đông  của Việt Nam không dừng lại tại đây. Trung tuần tháng trước, BBC có bài viết Rosneft VN hủy hợp đồng với Noble trên Biển Đông: ‘Sức ép từ Trung cộng, nhưng bản chất khác vụ Repsol’. Qua đó, Việt Nam lại tốn thêm hàng triệu đô bồi thường.

GS Carl Thayer, nhà nghiên cứu Đông Nam Á kỳ cựu nói với BBC News Tiếng Việt từ Úc rằng những lần xuống nước này của Việt Nam có thể ảnh hưởng nặng nề đến uy tín và giết chết nỗ lực phát triển nguồn trữ lượng khí ở khu vực Bãi Tư Chính của Việt Nam.

Xem bài phân tích của nhà nghiên cứu Anh Bill Hayton tại đây.

Từ Thức (t/h)

Theo Tinhhoa.net (29.07.2020)