Seite auswählen

DTDB

Cái lạnh của mùa xuân ở miền Nam nước Mỹ không đến nỗi nào, chỉ cần mặc áo dầy hơn ngày thường và khoác lên chiếc áo nỉ mỏng là được rồi. Không phải trùm đầu chừa mũi để thở và hai mắt để nhìn… như ở các miền Bắc Mỹ, miền Trung Tây Hoa Kỳ: Chicago, Michigan, Minnesota… giá rét lạnh lùng giữa mùa thu năm nầy cho đến giữa mùa xuân năm mới.

Đêm nay bầu trời bao la tối đen như nhuộm mực, trên cao có chi chít những vì sao. Mới nhìn thì tối thui, nhưng định thần nhìn kỹ một hồi thì trên nền trời nhấp nhánh li ti hằng hà sa số vạn ngàn vì sao. Nhà tôi trở nên yên lặng, sau bữa cơm chiều vì thức quá nửa đêm trừ tịch, và cả nhà ai cũng thấm mệt nên vào ngủ hết sau khi cúng Giao Thừa. Riêng tôi vẫn không sao ngủ và quên được những gì trên quê hương nơi tôi sanh ra và lớn… Biết bao nhiêu thăng trầm dâu bể của dòng đời, và phế hưng của đất nước dấu yêu! Kể từ sau ngày Cộng sản cưỡng chiếm miền Nam, gia đình tôi không còn chuẩn bị mừng xuân, đón Tết, hay ăn Tết Nguyên Đán gì nữa cả. Phải, làm sao vui khi gia vong quốc biến, nhà cửa giặc cướp, anh em ly tán mỗi người một phương trời xa thẳm mờ xa!

Bởi giặc vào không bao lâu thì cha tôi qua đời, chồng tôi cũng chết trong tù cải tạo nghiệt ngã! Cho dù chúng tôi có muốn cúng quải vào ngày giỗ, Tết… cũng không đủ điều kiện để mua sắm những thứ cần để nấu món ăn như tôm, cá, thịt, hay bánh trái đặc biệt trong những ngày giỗ, trong ba ngày Tết… như thuở giặc chưa tràn vào chiếm miền Nam. Chiều Ba Mươi Tết con người xác xao nhìn khói hương lởn vởn trên bàn thờ có bình hoa, bình nước, gói thèo lèo thay cho những món thịt kho dưa giá, gỏi, bì, nem, lạp xưởng, mứt, rượu, trà nhận cảng… để cúng rước ông bà về ăn Tết mà trong tẻ lạnh mà nghe lòng thổn thức nghe lòng buồn vời vợi! Với Tôi khi cúng luôn thành tâm nguyện cầu: “…Xin Ơn Trên hộ độ cho gia đình được thoát khỏi đất nước thương đau, khốn khổ trùng trùng…” Nhưng tôi cảm thấy không có lấy một tia hy vọng mỏng manh nào, để gia đình vượt thoát khỏi đất nước Cộng sản đang cai trị nầy!       

        Ba má tôi sanh trước sau năm người con, kể luôn tôi là đứa con út, nhưng giờ ông bà chỉ còn lại còn bốn đứa. Anh cả tôi ra đời có mấy hôm thì chết, nên giờ anh em chúng tôi chỉ có: anh Ba Hiếu, anh Tư Hiền, chị Năm Hạnh, Hương đứa con chót bẹt đích thị chính là tôi đây!

        Dù đứa con đầu ra đời không bao lâu đã không tồn tại trên thế gian nầy nữa. Nhưng dấu ấn đau thương vẫn còn khắc ghi trong lòng mẹ, nên mỗi lần nhắc đến đứa con vắn số đó, má tôi đều rướm nước mắt xót đau. Bởi “con cá sẩy là con cá lớn” mặc dù tính đến nay thời gian cũng khá dài, đã qua mấy mươi năm rồi.

Má tôi vẫn thường nhắc những kỷ niệm xưa về mấy đứa con của bà. Lúc giặc Bắc chưa tràn vào miền Nam. Thuở đó mỗi khi gia đình đủ mặt trong bữa giỗ, Tết nhứt, hoặc những bữa ăn cuối tuần mẹ nấu đãi con, cháu, rể, dâu… thì má tôi có nhiều đề tài để nhắc, để kể cho cả gia đình nghe…

Tôi vẫn còn nhớ rất rõ, vào hôm đám giỗ bà nội, trong lúc ăn uống, anh Tiến chồng chị Hạnh mặt mày sáng rỡ, cười tích toác như vừa trúng số độc đác không bằng! Anh ta ngoài điệu đà còn bẽ miệng, bẻ mồm… rồi vui vẻ bảo với mọi người:

–  Năm tới khi họp mặt gia đình, nhà mình phải có thêm một chỗ ngồi nữa đó ba má và quý vị…

        Má tôi chưng hửng ngạc nhiên nhìn ba rồi nhìn các con như thầm hỏi, chuyện gì? Còn anh Tư và chị dâu, thì đổ dồn nhìn đứa em gái luống tuổi chưa chồng nầy?

Khiến tôi nhột nhạt nhăn mặt, trợn mắt lớn tiếng:

–  Tại sao ai cũng nhìn em hết vậy? Nè anh Tiến muốn thố lộ “tầm tinh” (tâm tình), hay nói gì thì nói hết ra một lượt đi, đừng để mọi người đoán mò nghĩ và tưởng em sắp sửa đi cưới chồng… và nhìn em như vậy thì mích lòng lắm đó nghe!

        Bây giờ thì những cặp mắt dò hỏi, thắc mắc lại đổ dồn hướng về chồng chị Hạnh… Còn cái bà Hạnh không qua mặt được đứa em út nầy đâu. Bởi hàng ngày chị ta lanh chanh tía lia cái miệng, cái mặt luôn vắt hất lên nhìn trời hiu quanh bằng hột tiêu thấy mắc ghét! Đó là chị gái Năm Hạnh của tôi, bà nầy thường “kênh xì bo” lắm! Nhưng xét ra cũng phải, và cũng thật xứng đáng! Vì chồng chị con nhà đàng hoàng giàu có, đẹp giai, học giỏi ra trường đang làm Đốc Sư Hành Chánh ngoài Quận Ba. Chị tôi là nữ dược sĩ tốt nghiệp trường y dược Sài Gòn (thuở đó ngon lành lắm chớ bộ!) Anh Tiến và chị Hạnh cưới nhau không lâu, ông bà già chồng mở cho cái nhà thuốc tây “Hạnh” ở chợ Bà Chiểu.

Hôm nay trên mâm cơm nghe chồng nói! Bà ta bỗng dưng tẽn tò ngó xuống cười mỉm chi, e thẹn như các cô gái mới về nhà chồng! Chị làm vẻ mặt mày lơ mơ, nhỏ nhẹ dịu dàng như con mèo đang nũng nịu với chủ khiến tôi thấy mà ứa gan, mà mắc ghét quá chừng chừng đi thôi!

        Anh rể tôi âu yếm nhìn vợ vui vẻ bảo:

        –  Thưa ba má, các anh chị, và dì út Hương năm tới sẽ có cháu bồng vì em Hạnh đã có thai…

        Cả nhà vỗ tay lốp bốp, đúng là một tin mừng, vì nhà chồng chị đây là đứa cháu nội đầu tiên, và bên ba má tôi cũng là đứa cháu ngoại đầu. Hai vợ chồng chị cưới nhau hai năm rồi, hai bên đều chờ mong có cháu… Cho mãi đến nay mới có tin thì cả nhà không vui mừng sao được nè!

Bữa giỗ đã có nhiều món ăn má tôi nấu ngon, nhưng tin chị Hạnh có bầu, trong gia đình ai cũng vui vẻ nên cảm thấy càng ngon miệng hơn… Tôi thấy trên bàn có nhiều món ăn, nào là: Sườn non xào chua ngọt với cà tô-mách, dưa leo, cần tàu, hành củ xắt miếng lớn. Kế bên dĩa lớn chim bồ câu ra-ràng (mới mọc long cánh) rô-ti với ngũ vị hương nước dừa… mùi vân vê nồng nàn phưng phứt. Gần đó dĩa có lòng sâu là ngó sen trộn gỏi với tôm càng xanh nướng xé tơi, thịt ba chỉ xắt mỏng trên mặt còn có rau thơm xắt nhuyễn đậu phộng rang đâm bẻ hai bể ba… Món gỏi nầy má tôi làm để ăn kèm với bánh phồng tôm Sa Giang chiên dòn thiệt là tuyệt cú mèo!

Chị Ba vợ anh Hiếu mới học nấu nồi cơm nị (kiểu Ấn Độ) và ca-ri bò (vì má tôi không thích thịt dê). Còn món giò heo hầm với măng của má tôi thì tuyệt đỉnh anh hùng rồi khỏi phải khen… Trên bàn đã có chim bồ câu quay rồi mà má tôi còn làm món bắt mắt, ngon miệng nhứt để cha con chúng tôi ăn sạch nồi sạch ơ… Đó là món cá cơm trộn bột chiên giòn. Món nầy mà ăn kèm với rau càng cua xanh dờn, non nhẫn bóp xổi với chanh, muối, đường thêm tiêu cà và muỗng dầu ăn.

Trong những món ăn thượng hảo hạng hôm nay, xen vào món cá cơm chiên giòn với rau càng cua là món bình dân của Nam Kỳ Lục Tỉnh, dù ngon miệng nhưng thiệt là trật chìa! Tôi thấy cần phải có lý do chớ, vì thế bèn lên tiếng hỏi mẹ mình:

–  Má à, con lấy làm lạ, giỗ nội má nấu toàn là những món ăn thượng đẳng, ăn ngon quá chừng và nhiều nữa… Nhưng sao lại lọt món cá cơm chiên dòn ăn kèm với rau càng cua vậy má?

        Ba tôi là cột trụ của gia đình, lệnh ông với con cái như núi! Ông sai bảo việc chi thì đứa nào cũng nghe và làm theo răm rắp. Ba tôi cũng luôn được má chiều chuộng như ông vua không bằng!

Bởi ba tôi đã sung sướng ngay từ nhỏ. Ông là con của gia đình phú hộ ở miệt Cần Giờ, còn rất trẻ ra thành thị đi học đỗ đạt và đi làm cho cơ sở thương mại của Tây. Khi Tây rút về nước có ý mời ba tôi theo, nhưng ông không bằng lòng vì ba là con một của ông bà nội. Tài sản ruộng nương của ông bà để lại, ba tôi ở không cả đời tiêu xài cũng không hết… thì qua xứ người làm gì… Tây đi rồi, ba tôi qua làm cho Chánh phủ ở một Bộ nọ, rồi nghe lời ông bà nội cưới má tôi là con gái lớn của ông Cả cũng thuộc hàng giàu có, tiếng tăm một vùng ở làng thôn.

Ba tôi ngồi giữa, vợ con ngồi hai bên chiếc bàn hình chữ nhật. Ông vui vẻ nở nụ cười rạng rỡ cái miệng, chiếu sáng đôi mắt, trên gương mặt người đàn ông trung niên có nét trầmtĩnh, hả hê niềm hạnh phúc gia đình bên vợ hiền và sự thành công của các con.

Trước hết phải nói về anh Tư Hiền tôi đương kiêm là giáo sư Đệ nhị cấp, ra trường không bao lâu thì cưới cô học sinh Đệ nhứt thi rớt tú tài đôi. Bởi nàng ta lỡ yêu nhầm ông anh nhát gái và dại khờ của tôi!

Đang chìm trong nghĩ ngợi thì ba tôi gắp miếng cá cơm để vào miệng nhai rào rạo. Ông vui vẻ bởi tin chị Hạnh có thai, và má nấu ăn hợp khẩu vị ba nhứt. Ông ôn tồn nhìn cô con gái út nầy trả lời thế vợ:

–  Nhiều món ăn ngon trong ngày cúng giỗ nội nhưng lúc nào má con cũng làm món cá cơm chiên giòn. Vì lúc sanh thời bà nội thường bảo: “Khi tao chết, ngày cúng giỗ đừng nấu nướng chi cho mệt. Chỉ mua cá cơm về chiên giòn ăn với càng cua, hay bông súng bóp xổi được rồi…” Theo lời bà dặn, nên má con năm nào cúng giỗ bà cũng làm món cá cơm… 

        Hoàng Yến vợ của anh Hiền là chị dâu thứ Tư của tôi, thiệt là nịnh bợ hết chỗ nói! Nàng ta lanh lẹ lên tiếng:

        –  Con biết, tại má thương ba và hiếu thảo với bà. Cá cơm rẻ tiền, dở nhưng qua tay khéo léo của má, thì cá dở, cá không ngon cũng thành món ngon hợp khẩu vị với tất cả mọi người…

        Ối giời ơi! Bà nầy dân Bắc Kỳ năm mươi tư, có miệng lưỡi ngọt ngào đến đỗi bả nói kiến trong lỗ cũng bò ra! Đúng thế, bà chị dâu vợ anh Hiền khôn ngoan nên được lòng cha mẹ chồng và anh em họ nhà chồng… Nhưng chị cũng ớn cái miệng cô út Hương nầy lắm! Bởi con bé hay chọc ghẹo bả, cho nên luôn được bả rộng rãi trám họng bằng nhiều quà cáp trong ngày sinh nhựt, Giáng sinh, Tết Nguyên Đán… và thỉnh thoảng còn dúi vào tay cho mấy chục ăn bánh nữa!

Nhưng tôi nghĩ thiệt mình là đứa không biết điều luôn “kê tủ đứng” bà chị dâu mình, ấy vậy mà chị chỉ cười trừ chớ không nhỏ mọn, giận, ghét, cô em chồng út được cưng nhứt gia đình nầy.

Chị vừa dứt lời, thì được ngay cái cười hài lòng của má tôi. Còn ba thì gật gù tỏ ý đồng quan điểm với con dâu mình. Coi kìa anh Tư tôi đang cười híp mắt, phình hai cánh mũi chắc là anh ta thầm khen vợ mình hiểu biết chuyện và biết làm vui lòng người…

Cha chả, thiệt là cái anh nhát gái nhưng lại “thờ bà hết chỗ chê” khiến tui nhịn không được liền chẩu mỏ nói mát:

        –  Mèn ơi, trong gia đình mình, em có hai bà chị dâu, nhưng chị Tư là số một, có cái miệng lúc nào cũng “ngọt như đường cát, mát như đường phèn” hết á! Nầy chị Hoàng Yến, má muốn mọi bữa cơm có món ngon như hôm nay, vậy chị thử có hiếu với má ngày nào cũng nấu cho má ăn như vậy đi, chớ khi chết rồi đâu có ăn được… Theo em còn sống lễ nghĩa hiếu thảo mới thực tế, chết rồi thì hết… có ai mà biết “chi, mô, răng, rứa…”

        Tôi cười ngất ngất khi trở giọng điệu nói tiếng Huế dở ẹt, trật lất của mình! Còn chị dâu tôi như bị mắc nghẹn bởi cô em chồng bất ngờ tấn công!

Má tôi liền đỡ lời giải vây cho con dâu, bà liếc xéo tôi rồi bảo:

        –  Ăn đi, cứ hay nói ngang, nói bướng… hiếu thảo cần gì lộ liễu như con bày sao? Bộ muốn ăn ngon rồi xúi chị Yến nấu chớ gì? Cử chỉ, lời ăn tiếng nói lễ phép kính trọng là đủ rồi. Con hãy cố gắng sau nầy có một tấm chồng hiền lành biết thương gia đình là được. Má có phước trời cho hai con dâu, Hoàng Yến vợ thằng Tư thì bặt thiệp giỏi về buôn bán, có cái miệng ai nghe thấy cũng thương cũng mến… Ăn nên làm ra có nhà cửa xe cộ đề huề, chớ cái nghề dạy học của anh bây có sướng, nhàn hạ nhưng lương ba cọc ba đồng thôi… Không nhờ con Yến thì gia đình nó làm sao sung túc như bây giờ … Nè ông thấy tui nói có đúng không vậy ông?

        Ba tôi gật gù bảo đồng tình với vợ về con dâu. Má tôi dừng lại uống nước, dĩ nhiên là chúng tôi ai mà không biết anh Tư giàu nhứt rồi. Vì ba má chị Yến là thầu xe hơi và xe gắn máy, như Vespa, vélo-solex, Honda…. Sau khi cưới với anh tôi, ba má chị cho hẳn anh chị cái tiệm bán xe Honda ở ngã ba Ông Tạ. Vì chị có hai anh em, ông anh du học ở Đức, ra trường không chịu về, sang Pháp làm việc và đã cưới vợ đầm. Chị ủm của gọn hơ trọn gói, thiệt cái anh Tư Hiền của tôi “lù khù có ông Cù độ mạng” là người sanh bọc điều cho nên anh đúng là chuột sa hũ nếp của vợ!

Trong gia đình nầy còn có anh chị Ba Hiếu của chúng tôi nữa chớ. Mà má tôi không nể nang chút nào, thường gọi trước mặt chị, là “Con Đồng Tháp” hoặc là  “Con Ba Đồng Tháp”. Còn bọn em chồng và họ hàng nhà chồng cũng hùa với má gọi là chị Ba Đồng Tháp, thím Ba Đồng Tháp, em Ba Đồmg Tháp… Có người gọi thẳng, cũng có người gọi lén, lúc nào không có chị Hiếu ở đâu đó gần họ.

Nhớ lúc đầu mới biết chị Thu Hồng (vợ anh Hiếu) quen với anh Ba Hiếu, má tôi giận con tức lây đến chị, nên gọi chị là con “Ba Đồng Tháp” cho bõ ghét! Vì trong lòng má tôi chị Thu Hồng không xứng đáng làm vợ cháu đích tôn của hai bên ngoại nội, và làm con dâu cả của bà!

Chỉ có vậy thôi, tội nghiệp anh Ba tôi lúc đó cũng thất điên bát đảo vì phản ứng của gia đình nhứt là má tôi và đám em chồng sanh ra lớn lên ở thành thị, được nuông chiều và hay quậy phá… Nhưng thật ra anh chị em chúng tôi thương nhau và luôn ngầm giúp đỡ cho nhau nhiều thứ lắm…

Số là bên nội cũng như bên ngoại của chúng tôi ít con cháu, bởi “đặng hào của” chớ “không đặng hào con” nên khi ba má tôi cưới nhau rồi, thì hai bên đợi mong cháu bồng dài cả cổ. Nội ngoại tôi ngày lành tháng tốt không đi chùa miễu được, thì ở nhà cũng nhang đăng, trà, quả… tươm tất cúng lạy cầu nguyện cho má tôi sớm có con, mà còn tham lam đòi Ơn Trên phải cho bà sanh con trai nữa kia!

Ông Trời có đức háo sanh và “Hoàng Thiên bất phụ hảo tâm nhân” Nửa năm sau má tôi mang thai. Ngoại lật đật đem bà Bảy Mận xồn xồn, chồng chết không con ở xóm trong, kiếm sống bằng nghề làm mướn việc rẫy nương, hoặc ai gọi bơi xuồng chèo ghe, nuôi bịnh gì bà cũng làm…

Khi nghe ngoại nhờ giúp, bà Bảy vui vẻ mừng lắm bảo với ngoại tôi:

–  Cảm ơn bác Cả cho cháu đi làm giúp cô Hai. Thưa bác, có ăn có chỗ ở đủ rồi, lương tháng bao nhiêu cũng được, cháu không họ hang, con cái cũng không có, nên không cần phải nhiều tiền để tiêu xài…

Ngoại tôi có vẻ hài lòng về cách ăn nói lễ phép, và thiệt tình của bà Bảy Mận. Ngoại cười bảo:

–  Bây nói vậy chớ, ít nhiều gì cũng có để mua sắm … Bây cứ siêng năng chăm sóc cô Hai tốt thì vợ chồng nó không bạc đãi bây đâu… Nếu thiếu thốn cần gì trước khi đi thì cho tao biết. Sáng sớm mai bơi xuồng đưa tao ra lộ đá, xuống chợ quận mua ít đồ khô về đám giỗ… Bây cũng đi theo, tao sẽ mua vải may cho hai bộ đồ mới, chiều về lại chị Sáu Cứ thợ may trong xóm đo may xong, tiền công tao sẽ trả cho. Áo quần của bây cái nào cũ quá thì bỏ hoặc cho người ta đi, đừng có tiếc mà đem theo lủ khủ lên đó sẽ không mặc…

Nội, ngoại tôi thi nhau tễ thuốc (thuốc tễ viên tròn bằng ngón cái, gồm có các vị thuốc và mật ong) ngoài ra còn hốt thêm thuốc nam, thuốc Bắc an thai, bổ dưỡng cho má tôi uống để mẹ tươi tốt, thằng bé ra đời sẽ thông minh… Hai bà nườm nượp đem thuốc cho con, cho dâu chứa ở nhà bếp như tiệm thuốc Bắc. Chắc lúc đó má tôi uống thuốc cũng đủ no, khỏi cần phải ăn cơm! Đến ngày nở nhụy khai hoa, má tôi đã sanh được quý tử, làm đẹp lòng chồng và đem niềm vui lớn và không phụ lòng cha mẹ hai bên. Nhưng không bao lâu thì đứa bé qua đời! Còn nỗi đau khổ thảm sầu nào hơn cho kẻ làm cha mẹ, và nội ngoại hai bên mất con, mất cháu…

        Đau buồn mất con, mất cháu của đại gia đình rồi cũng nguôi ngoai theo thời gian năm tháng. Vào mùa thu năm sau má tôi mang thai đứa con thứ hai. Lần nầy hai bà nội ngoại chăm sóc hết sức kỹ lưỡng gấp bội lần mang thai đầu lòng… Ngoài thuốc thang, hai bà còn xin bùa, niệt ở các miễu, các am nghe đồn có thầy bà cốt đồng giỏi, ngừa bịnh hay, tâm linh thần thông quảng đại, biết cả quá khứ vị lai… Thế là trước sau gì hai bà cũng tìm tới với quà lễ hậu hĩ, và được đồng bóng đáp lại nào nước thánh, bùa lỗ ban vẽ lăng quăng trên giấy hồng đơn đỏ bằng mực tàu đen…

Anh Ba Hiếu tôi khóc tiếng chào đời, và má nằm cữ ở nhà thương sanh mười ngày có hai bà nội ngoại túc trực chăm sóc. Khi nhờ thầy coi được giờ lành, ngày tốt… thì ngoại bao xe đưa má tôi về thẳng dưới nhà để hai bà tự tay chăm sóc! Anh Ba lớn dần trong sự nuông chiều yêu thương hết mức của gia đình. Anh là tâm can bửu bối của ba má và nội ngoại chúng tôi đó! Cứ mỗi lần trở gió, trái trời hay sắp lật, dợm ngồi, bò… bị nóng một chút là cả nhà lính quýnh, lăng xăng… Ẵm đi trị thuốc tây, thuốc ta tưới hột sen… Thiệt ông bà ta nói:“nhà giàu đứt tay bằng ăn mày đổ ruột” chẳng có sai chút nào!

Anh Hiếu tôi giống ba ở tướng tá cao ráo, nước da trắng, mặt mày sáng sủa. Anh tôi mặt mài điềm đạm, hiền lành ăn nói nhỏ nhẹ dễ thương, nhưng đầu óc ảnh tối hù (các anh chị tôi lén nói như vậy!) bởi anh thi hai lần mới được vào Đệ thất Trung học trường công. Đến khi thi lấy bằng trung học Đệ nhất cấp bốn lần ạch đụi lắm mới đậu thứ. Tú Tài một liền tù tì ba năm (6 lần) trợt vỏ chuối. Rồi tới tuổi, anh phải nhập ngũ tùng chinh, nên anh vào lính Hạ Sĩ quan…

Đó cũng là nỗi buồn của ba má tôi, nhứt là má hay so sánh với con bà nầy cùng tuổi anh kẻ sĩ quan Đà Lạt, con bà kia Sĩ quan Hải quân, ra trường sĩ quan Thủ Đức… Má tôi càng bực tức càm ràm anh Ba tôi nhiều hơn. Bởi khi nghe con bà Hai bán bánh bò xóm trong nghèo rớt mồng tơi cũng thi đậu tú tài đôi, đậu luôn vào trường sĩ quan Không quân, rồi được đi thụ huấn chuyên ngành ở Mỹ…

Má tôi ở thành thị, con cái học hành đã tiến bộ nhiều nhưng vẫn còn thiển cận quá đi! Bà luôn có ý nghĩ: “Con vua thì nối dòng vua/ Con sãi ở chùa thì quét lá da” Nồi ơi, bộ con nhà nghèo không được quyền học giỏi, thi đậu và làm quan cao chức trọng sao? Nhưng không trách má kính yêu của chúng tôi được! Vì đó là nỗi lòng của người mẹ, bởi lúc nào mẹ cũng muốn con mình cái gì cũng tốt, cái gì cũng đẹp, cái gì cũng hơn thiên hạ!

Anh Ba Hiếu tôi ra trường Hạ sĩ quan, về làm Truyền tin ở Mỹ Tho và anh gặp chị Thu Hồng nhân viên làm ở Ty Điền Địa cũng ở Mỹ Tho, và hai người họ đi đến kết tóc se tơ sau nầy!

Thấy cháu trai lớn của ba má tôi đã đến tuổi lập gia đình, nội, ngoại tìm các cô giới thiệu cho anh nhưng cũng khó khăn, vì thuở đó các cô có bằng Trung học trở lên thì ngó cao lắm! Mặc dù gia cảnh anh tốt, anh tốt nhiều thứ tốt… nhưng cũng chưa đủ tốt với những đối tượng má tôi đôn đáo tìm kiếm cho anh và sẽ là dâu bà như: y tá, giáo viên… những cô có nghề nghiệp từ bậc trung ra. Nhưng tội nghiệp, chẳng cô nào thèm anh Ba Hiếu hiền lành hiếu thảo của tui. Bởi các cô luôn mang ý nghĩ: “Thà rằng chết ở rừng mai/ Còn hơn chết ở trên tay cánh gà” hay “Thà một phút huy hoàng rồi chợt tắt/ Còn hơn là le lói suốt năm canh”.

Năm đó tôi học lớp Đệ tứ, cuối năm trung học Đệ nhất cấp, anh Ba về thăm nhà vào ngày lễ Quân Lực 19 tháng 6. Anh tốt lắm lần nầy rủ em đi xem hát, sau đó đi ăn và còn dúi tiền vào tay cho nữa? Tôi là con bé nổi tiếng trong gia đình nhạy bén và đa nghi hơn Tào Tháo! Lấy làm lạ bỗng dưng sao anh Ba tốt với mình quá tầm mức bình thường như vậy?

Thừa lúc nhà không có ai, tôi khều hỏi nhỏ anh mình:

–  Nè ông anh thân mến của tui ơi, muốn gì thì cứ nói con nhỏ nầy sẽ giúp cho, đừng để trong bụng ấm ách đó. Nói đi anh Ba, em biết anh có chuyện mà, em nghe đây, anh cứ nói đi còn chần chờ gì nữa?

Ông anh tôi vẫn bình tâm như vại, cười khì khì chớ không chịu nói. Tôi bèn trở giọng cải lương sang Hồ quảng… Ra điệu bộ, cười cười, liếc liếc rồi ẹo mình, múa tay: “Như ta đây mùa lạnh kiếm chồng, mùa đông cưới vợ… Ải ải cà lùng tùng xèng, xèng… cắt, cắt…”

Không nhịn được anh Ba đang bưng tách trà uống, chợt cười văng nước tùm lum. Tui thì cười đến ngã gập người xuống, tóc bị sút ra khỏi kẹp thiệt giống y như mụ điên! Còn hụt hẫng trong tiếng cười tôi đoán mò:

–  À, bộ anh quen với cô nào bị cổ đá đít cho mọc sừng rồi hả anh Ba? Đừng lo anh có con em vừa chằng vừa cà chớn nầy sẽ đi xin cổ tí huyết, bởi cái tội dám bỏ anh Ba con nhà giàu đẹp trai, hiền lành của em… Vậy hãy nói cổ ở đâu đi, cứ nói em sẽ đi thanh toán liền cho anh…

        Anh Ba tôi cười mỉm chi cọp trông thật có duyên, và đôi gò má anh lại ửng hồng nữa kia. Anh mấp máy đôi môi rồi thật thà tâm tình:

        –  Ở Mỹ Tho anh có quen với cô Thu Hồng lớn hơn em bốn tuổi. Cô hiền lành, dễ thương, bình dân và không ngó cao như mấy cô gái khác. Gia đình cô tốt, là con út trong có ba người anh. Ba má cô có nhiều ruộng và đang sinh sống ở vùng Đồng Tháp Mười. Lúc nhỏ cô ở nhà ông cậu đi học ở Trung học Nguyễn Đình Chiểu Mỹ Tho, và là cháu ruột của đương kim Phó Ty Điền Địa. Ba má cô không muốn cho con gái học cao, nhưng muốn cô có nếp sống ở thị thành chớ không muốn con lam lũ chân lấm tay bùn ở ruộng đồng như mấy anh, nên mới cho cổ đi học ở thị thành và đi làm…

        Tôi lắng nghe và mỉm cười nhìn anh:

        –  Vậy là cô ta đã lọt vào giếng mắt đen thui như mực Tàu của anh rồi phải không? Anh đã đêm không ăn, ngày không ngủ thao thao, thức thức, nhớ nhớ, thương hình bóng cô ta chớ gì nữa? Nhưng mà cô ta có đáp lại tình anh không cái đã? Chớ yêu đơn phương thì mệt lắm anh Ba ơi…

        Anh tôi chưng hửng, chớp mắt rồi lanh miệng:

–  Sao em rành chuyện tình yêu nam nữ quá vậy? Bộ em yêu ai rồi hả…? Không được, còn nhỏ phải cố gắng học hành xong rồi mới tính… Đừng như anh rớt lên, rớt xuống ba má sẽ buồn…

        Tôi nhăn mặt:

–  Thôi lo chuyện của anh đi, đừng có nói hay để ý đến em. Bởi em xem phim và đọc tiểu thuyết biết chớ có yêu quỉ quái gì đâu…

        Anh Ba tôi tươi nét mặt, tiếp:

        –  Dĩ nhiên là cô ta cũng thương anh lắm chớ… Anh định sẽ cưới cô ta mà chưa dám nói với ba má… Để qua lễ anh đi rồi thì em nói với má và dò coi má nghĩ sao dùm anh nghe Hương…

        –  Vậy thì anh phải trả công sức cho con nhỏ nầy mới phải chớ. Vì em sẽ phải dùng miệng lưỡi Tô Tần khuyến dụ má chịu cưới cô ta cho anh!

        –  Ờ được được, cái gì anh cũng chịu, em muốn gì thì cứ nói đi…

–  Vậy thì mua cho em mấy cuốn tiểu thuyết của Quỳnh Dao, sửa chiếc xe Velo dùm em khi chạy nổ lớn quá hình như có kẹt gì trong máy… Mỗi tháng cho em thêm tí tiền ăn quà đến khi nào cưới vợ thì thôi…

        Anh Ba tôi cười ngất:

–  Con nhỏ tham lam quá, có tháng nào anh không cho tiền quà em đâu… Tiền ăn hàng bánh mỗi tháng lớp ba má, anh, chị cho, anh nghĩ em keo kiết không dám xài, cứ để dành nay chắc chất thành núi rồi…

        Tôi cười hì hì nheo mắt:

–  Anh nghĩ xem, trên thế gian nầy có ai chê tiền, hoặc nói mình có đủ tiền đâu anh Ba của em…

Sài Gòn hôm nay trời nắng đẹp, những bụi hoa hồng trồng dọc tường nhà trước cành lá xanh biếc, và gai họn quắc… Bông nở thắm tươi đỏ, vàng, hường, trắng… lunh linh trong gió mát rượi của mùa xuân chớm sang hè…

        Trong bữa cơm chiều hôm đó của gia đình chúng tôi có cả vợ chồng anh Tư Hiền, vợ chồng chị Hạnh. Sau giờ làm việc họ ghé qua ăn ké, vì biết má tôi sẽ nấu nhiều món ngon, để tiễn anh Ba sáng ngày mai đi chuyến xe lô Minh Chánh sớm nhứt trở lại Mỹ Tho, tiếp tục cuộc đời nhà binh của anh.

Bữa ăn tàn trong những món ăn ngon, những câu chuyện hào hứng của chị dâu HoàngYến, và chị Hạnh cái bụng đội áo rồi mà cũng nổ như bắp rang, như pháo đêm Giao Thừa. Tôi phụ hai chị dọn thức ăn thừa qua gần chỗ rửa chén, còn ba ông anh kẻ bưng bánh ngọt, nước trà qua. Còn trái cây bà vú đã cắt sẵn bày hai dĩa kiểu trong tủ lạnh.

Tôi nhìn anh Ba Hiếu dò xét. Mặt anh vẫn vô tư lự, hiền lành bưng tách nước trà thổi pho pho cho nguội để uống. Lẹ quay sang má nheo mắt gợi ý ngầm bảo “đến thời điểm rồi đó, má phát pháo nổ về anh Ba Hiếu đi…” Má kéo ghế ngồi sát bên ba hơn, điệu đà nhìn thằng con yêu quý đến giờ nầy vẫn còn phòng không gối chiếc! Trong khi hai em đứa đã có con, đứa đang mang bầu.

Má mỉm cười, trìu mến nhìn anh Ba, tằng hắng lấy giọng lên tiếng:

–  Má nghe thiên hạ đồn rằng, anh Ba nhà mình có quen và yêu cô gái ở Mỹ Tho xinh lắm phải không? Bàng quan thì biết hết, chỉ có gia đình mình chưa ai biết, thôi thì tiện dịp nhà đông đủ hãy kể rõ đầu đuôi ra sao, để ba má còn bước tới cưới hỏi cho…

        Anh Ba tôi đang hớp nước, nghe má phát ngôn giựt mình đánh độp thiếu điều phun nước ra ngoài. Không ai bảo ai, cả nhà từ ba đến tôi đều nhìn chằm chặp anh, đợi đương sự lên tiếng trả lời? Anh ném con mắt không chút thiện cảm nhìn cô em gái út mà anh đã hết lòng hết dạ gởi gắm tâm sự, không ngờ lại bị nó phản bội…

Nhìn anh tôi cười cầu tài, lên tiếng yếu xìu như kẻ phạm tội:

        –  Anh Ba đã dặn con đừng cho ai trong gia đình biết, đợi chừng nào anh đi rồi mới được nói với má. Nhưng anh Ba à, đây là tin vui mà nhà mình ai cũng mong đợi. Đừng để họ chờ nữa, nên em mới nói với má ráo trọi trơn dùm anh rồi… Thôi thì anh cũng mở lòng cho mọi người biết đi anh Ba…

        Thế là nhà chúng tôi chiều hôm đó mọi người vui như Tết. Kẻ nói nầy, người nói nọ chung quy cũng là đôn đốc, bàn tính chuyện vui sắp tới của anh Ba. Riêng tôi đến ôm vai ông anh hiền lành dễ thương của mình cười tươi như hoa nở mùa xuân, hàm ý xin tha thứ:

–  Anh Ba thấy chưa, đừng giận nghe, nhờ em mạnh dạn nói mà chắc là anh sẽ cưới cô ta sớm hơn dự định chậm như con rùa của anh. Vậy thì lần sau đưa cô ta về ra mắt gia đình cho ba má và các em biết mặt…

        Anh Ba gỡ tay tôi ra mỉm cười rồi mắng át:

        –  Con nhỏ nầy không có gì giữ trong bụng lâu được! Đưa về ra mắt cái gì, người ta là con gái quê, đằm thắm nết na, ý tứ chớ có lét chét như em hoặc như cục đá muốn bưng đi đâu thì bưng sao. Người ta là con gái, còn gia đình cha mẹ cô ta nữa… Nhứt là chuyện trọng đại đến người lớn và cuộc đời của người ta…

        –  Đó, đó ba má nghe đó… chưa chi mà anh Ba đã binh chị ấy rồi… Thiệt là làm ơn mắc oán mà…

Ba tôi uống ngụm trà, cười bảo:

–  Em Hương nói đúng đó con, vì ba má, vợ chồng thằng Hiền, vợ chồng con Hạnh cả con Hương nữa cũng muốn con đưa cô ấy về thăm, cho mọi người biết mặt…

        –  Hương nói đúng đó anh Ba, thời buổi nầy khác xưa như hồi ba má mình rồi. Cưới nhau đến rước dâu về vợ mới biết mặt chồng. Bây giờ tiến bộ, người ta đã lên đến cung trăng, phụ nữ các nước đã nắm nhiều chức vị quan trọng trong Chánh quyền như nam giới rồi. Đất nước ta cũng có trường nữ quân nhân, và học sinh nữ cũng tập bắn súng… “Giặc đến nhà, đàn bà cũng đánh” nam nữ bình quyền rồi. Bộ chỉ có đàn ông con trai mới đánh giặc cứu nước thôi sao? Phụ nữ cũng được mà…

Lại cũng bà Hoàng Yến tài lanh, nhưng chí lý… Khổ nỗi ba má tui thì không nghĩ như chị đâu nghe, họ vẫn còn tồn cổ lắm! Mọi người trong gia đình hết sức vui vẻ, nói cười rộn rã nhứt là anh Ba tôi là nhân vật chánh, là đầu câu chuyện tối nay. Nhưng tôi thấy má có vẻ trầm ngâm, tư lự không vui vẻ trọn vẹn như mọi người!

Gió nhẹ đùa qua cửa sổ, tấm màn bằng voan mỏng bay lên rồi hạ xuống, bên ngoài bầu trời tối thui, phố xá đã lên đèn. Những cột đá hai bên đường lạnh lùng cao nghều nghệu, mắc những bóng đèn điện tỏa ánh sáng vàng võ. Đám côn trùng (con thiêu thân) nhỏ bay loanh quanh rồi chết lịm trên mặt đường lẫn vào cát bụi. Bữa tiệc nào rồi cũng tàn, các anh chị tôi vui vẻ ra về, để qua đêm nay mọi người trên thế gian nầy sẽ đón thêm một ngày mới! Hôm sau, vào chiều chỉ có ba má và tôi dùng cơm. Trên bàn ăn má đem chuyện anh Ba ra kể cho ba tôi nghe lần nữa, có lẽ bà muốn nhắc khéo và hỏi ý kiến xem ông nghĩ sao?

Ba tôi lắng nghe xong chuyện, rồi ung dung bảo:

        –  Chắc ăn nhứt là bà xuống dưới thăm con, tiện dịp thấy mặt người con mình thương muốn kết hôn. Thằng Hiếu đã có tuổi, bà ngoại, bà nội, và cả bà cũng đã tìm người giới thiệu cho nó nhiều cô rồi, nhưng có xong đâu? Duyên nợ trời ban mà, cứ kén chọn hoài sẽ không đi đến đâu … Thôi thì hôm nào bà xuống thăm nó đi, đừng dự phần tôi. Con nó thương, bà nhận xét thấy được thì được rồi. Tôi biết chung quy là bà cũng chỉ lo tốt cho con. Nhưng thời buổi nầy đã thay đổi, phải mở rộng tấm lòng một chút, đừng khắt khe để cho con mình được vui vẻ hạnh phúc bà à…

        Không trả lời ba, quay qua tôi má lên tiếng:

        –  Vậy cuối tuần nầy con đi với má xuống thăm anh Ba nghe…

        Tôi lén nhìn ba như dò ý gấp quá của má… Nhưng ông tỉnh bơ và cơm vào miệng, ăn uống một cách thống khoái.

Tôi khẽ gật đầu:

–  Sáng đi sớm chiều về nghe má. Vì tuần tới con bù đầu vì phải học bài thi…

        Má tôi cười:

–  Ờ, thì sáng đi chiều về chớ ở dưới làm chi! Anh Ba bây ở nhà trọ, ăn cơm tháng thì mẹ con mình có chỗ đâu mà ngủ lại đêm… Vả lại để ba ở nhà một mình sẽ buồn tội nghiệp!

        Tôi vỗ tay đôm đốp cười hô hố chọc ghẹo ông bà già:

–  Thấy chưa! Xa ba chỉ một ngày mà má bảo sẽ buồn nhớ ba da diết, tha thiết, hết biết… Rồi má khóc hu hu không có sẵn lu để đựng nước mắt  nữa đó ba…

        Đôi mắt hiền nhìn đứa con gái út hay phá phách của mình, ba tôi cười lắc đầu chớ không nói gì. Còn má cười hạnh phúc, tiện tay quơ cái gối gần đó chọi tôi: “Con nhỏ nầy thiệt là lắm mồm mép…” rồi bỏ lên nhà trên.

Thứ bảy tuần đó, chuyến xe lô Minh Chánh chạy Sài Gòn- Mỹ Tho mới năm giờ sáng, đã có hai hành khách áo lạnh khăn, nón tuơm tất, ngồi co ro ở băng nhứt rồi. Lác đác cũng có người lên xe, rồi không lâu hành khách đầy chỗ, và chuyến xe sớm nhứt bắt đầu rời bến.

Ra khỏi thành phố thì tôi cảm thấy lạnh hơn, má cũng kéo khăn choàng bằng len, che kín qua đầu hai tai và quấn mấy vòng theo cổ. Thường mỗi lần ra khỏi nhà như đi chùa, thăm bạn bịnh, qua nhà gặp sui gia ăn uống thì má tôi thường mặc áo dài, thậm chí có khi đi chợ.

Hôm nay đi xa xem mắt con dâu tương lai, má tôi ăn mặc đẹp hơn. Bà mặc chiếc áo dài màu cà-phê sữa nhạt có thêu hoa cúc nhỏ bằng ngón tay cái màu vàng và lá xanh, tóc má bới kiểu Lèo sau ót trên cao. Tôi chưa bao giờ thấy má dùng son phấn, nhưng nước da bà trắng mịn màng nổi bật đôi mắt tròn đen trong kiếng trắng có gọng ngời ánh vàng. Tạo cho bà thêm vẻ đầm thấm cao sang nhưng không kém phần nghiêm khắc. Đó là phong thái của một phụ nữ trung niên, thuộc gia đình có miếng ăn miếng để thời bấy giờ ở thị thành. Mặc dù ba tôi không phải là người làm quan cao, chức lớn, nhưng tư cách, lời nói, dáng điệu của má tôi lúc nào cũng khiến cho đối phương vừa nể sợ, vừa quý mến! Nên trước mặt bà, thường không ai dám nói năng bừa bãi như: nói láo, nói trây, nói tiếu, nhiều chuyện… Nhưng không vì thế mà má tôi kênh kiệu, tỏ vẻ khinh khi người thất bại, yếu thế, mà bà lại thông cảm thường giúp đỡ khi họ gặp cơn ương yếu, túng quẫn…

Thỉnh thoảng ngày rằm lễ lớn một năm đôi ba lần bà cũng đến chùa cúng bái cầu an… chớ không đi thường xuyên. Má tôi thường bảo với các con của bà: “Má thích làm việc thiện hơn tụng kinh…”

        Ngọn gió đồng thổi mát lạnh bởi còn đọng hơi sương. Trên những đám ruộng nối tiếp và chia ra của từng chủ, bởi những bờ mẫu ngắn dài ngoằn ngoèo chạy xa tít tận chân vườn… Xa xa lẫn lộn trong đám ruộng những bảng được dựng cao nghều nghệu quảng cáo của hãng xe lam-bết-ta, máy để gắn xuồng đuôi tôm, hãng gạch, giầy Bata, xăng Shell, vỏ xe hơi, dầu cù là Mc-su, dầu Khuynh Diệp bá sĩ Tín… Chờn vờn khói trên mái lá, mái tranh… của những nhà nấu cơm sớm trước khi ra đồng. Mặt trời chưa ló dạng đã có những nông phu rải rác đắp bờ, nhổ cỏ, vô phân trên đồng ruộng… Xe vẫn chạy vùn vụt, gió tuôn ào ạt vào cửa sổ. Thỉnh thoảng nghe chú lơ tay đánh thùng thùng vào hông xe, miệng gào thét “dô, dô” Khi thì lớn tiếng hỏi hành khách bên lề đường “đi đâu, đi đâu…?” Xe ngừng ai lên xuống mặc ai, khách đường xa vẫn người ngủ gà ngủ gật. Tôi thấy có động tác mà hình như mọi hành khách trên xe đều giống nhau, đó là hai tay họ luôn khoanh lại trước ngực như để giữ hơi ấm…

Ở phương đông vầng hồng lên chiếu ánh sáng rực rỡ ửng nhiều màu sắc thắm tươi. Xe qua cầu Long An, dòng nước sông Vàm Cỏ lững lờ xuôi chảy, và xuồng ghe qua lại nhẹ nhàng lướt đi trên sóng. Các hàng quán thức ăn, nước uống hai bên đường bán cho xe đã mở cửa sẵn sàng đón khách ngừng lại ăn, hay mua đem theo…

Xe đậu sát mái che chờm ra lộ bằng ni-long sọc lớn màu vàng xanh sắc sặc sỡ… Bên trong có người bán lớn tiếng hỏi vọng ra: “Trên xe có ai cần chi, cà-phê, bánh mì, bánh tét, bánh ít còn nóng hổi vừa thổi vừa ăn đây…” Hành khách chồm qua cửa sổ gọi vói, kẻ mua xôi, người mua bánh mì thịt, bánh tét, hay bánh ú treo lủng lẳng trên sào ngang cửa sổ rộng…

Biết con gái khoái bánh ít ngọt nhưn đậu trộn nước cốt dừa, nhưng bà không lên tiếng nên cô cũng nín khe…

Bỗng bà má nhẹ giọng thì thầm đủ cho con nghe:

–  Để xuống tới nơi bảo thằng Hiếu mời cô ta ra tiệm ăn sáng, rồi sau đó đến công viên Dân Chủ, hay đi dạo ngoài vườn hoa Lạc Hồng ở bến sông để có chỗ và thời giờ nói chuyện. Chớ không hẹn trước làm sao mà đến nhà thăm và nghe đâu cổ đang ở chung với cậu mợ thì phải? Việc chưa đến đâu, nên má không muốn làm phiền người ta…

Tôi nghĩ, mẹ mình thiệt hết sức tế nhị, hôm nay bà đi coi mắt lén con gái người ta. Chừng nào xong mới hẹn và bước đến để người lớn nói chuyện quan trọng với nhau. Mẹ con tôi đến trước nhà trọ anh Hiếu bằng xích lô. Xe vừa thắng trước nhà thì thấy anh ăn mặc tưom tất mở cửa bước ra. Giựt mình thấy mẹ và em gái chưa tới tám giờ sáng, không hẹn trước mà đã đến.

Má tôi cười tươi vui vẻ hỏi quý tử của mình:

–  Thấy má xuống thăm bộ không mừng sao, mà con đứng tần ngần, chăm bẳm mà ngó vậy?

        Anh Ba tôi qua phút ngạc nhiên, cười tươi bảo:

–  Mấy khi má đi thăm con mừng lắm chớ, nhưng cũng bất ngờ và ngạc nhiên vì không có ba cùng đi, mà chỉ có Hương thôi.

Hương sợ anh mình trách về tại sao má xuống bất ngờ, cô phân bua:

–  Đừng có tính em vô nghe, con nầy “ngây thơ vô số tội”, và chỉ là kẻ đồng hành bất đắc dĩ đưa đường dẫn lối thôi… Sáng sớm anh sửa soạn đi đâu mà ăn mặc bảnh tẻn quá vậy? Hôm nay má xuống thăm anh và muốn gặp người đẹp là chị Thu Hồng của anh đó…

Anh Ba tôi hơi khựng, nhưng bảo:

–  Hương nói có đúng không má, vậy thì má và em vào nhà uống nước… Con sẽ đi đón Thu Hồng, phải má và em đến trể một chút là huốt rồi, vì con hứa đến đưa Thu Hồng về quê thăm gia đình cổ.

        –  Con lên nhà ba má nó à?

        –  Dạ không, con chỉ đưa cổ ra bến xe thôi.

Anh Ba tôi ở trọ, trong ngôi nhà ngói xưa bên hông vách tường cũ,  mái ngói rêu phong. Nhà nằm trong vuông đất rộng có đôi ba cây ăn trái dễ trồng như: cam, chanh, mận, quít… và mấy bụi bông trang, bông bụp màu vàng nghệ chen lẫn trong các cành lá xanh um mượt mà. Nghe đâu ngôi nhà xưa nầy của ông Phán kho bạc, để lại cho đứa con trai lớn đang làm ở Ty Tiểu Học đã hưu trí… Con cái của họ lớn hết rồi, nên đi làm xa. Hai ông bà già ngăn cho những người độc thân mướn ở tắm rửa ngủ nghê chớ không cho nấu nướng, cho nên chỉ có nhà tắm, cầu tiêu chớ không bếp để nấu.

        Phòng anh Ba tôi ở trọ hết sức đơn giản, cái giường nhỏ, cái bàn viết nhỏ đặt sát cửa sổ kế bên cửa lớn ra vào hai cái ghế chỗ máng mấy quần áo lính, và thường phục, khăn tắm… Má ngồi trên ghế kế bàn, còn tôi ngồi trên giường anh, mền chiếu gối cũ nhưng được xếp ngăn nắp sạch sẽ.

Chúng tôi chờ anh Ba chở “bóng hồng Đồng Tháp” của ảnh đến để mẹ con tôi được thấy dung nhan. Ngoài đường phố nhiều xe qua lại, cây mận trong hàng rào đã có nhiều chùm trái đã ra da (gần ăn được) và những chùm hoa nở trắng xóa quyến rũ, đám ong bầu ù ù ve ve bay quanh tìm mật.

Anh Ba chạy xe gắn máy vừa quẹo vào dựng trước cửa, thì chiếc xe xích lô trờ tới dừng lại, người phụ nữ xuống xe. Anh Ba đi ra, người đẹp của anh chậm chạp e ngại theo sau anh bước vào.

Trước mặt tôi là một phụ nữ cao vừa tầm, mình tròn triạ không ốm gầy cũng không lùn tẹt. Chị có khuôn mặt điềm đạm hình trái soan, nước da trắng, tóc dài xõa về phía sau. Đôi mắt to trong sáng với bờ mi cong, mũi thon cao, miệng nhỏ. Chị mặc áo bà ba màu tím than, quần sa-teng tuyết nhung mướt rượt như vừa nhúng vào dầu dừa, và mang đôi dép thấp có hai quai tréo. Nếu anh Ba không nói trước thì tôi không thể nào biết chị sanh ra và lớn lên ở vùng Đồng Tháp Mười nơi nổi tiếng “muỗi kêu như sáo thổi, đỉa lội như bánh canh”. Cái vùng trong sách vở thì ít mà bên ngoài tiếng đồn thì mười, thì trăm lần hơn. Nơi nổi tiếng đồng ruộng bao la nhiều đến nỗi “cò bay thẳng cánh/ Chó chạy cong đuôi” và bị ngập suốt mùa nước lên sáu bảy tháng trời…

Chị Thu Hồng hạ thấp đầu lễ phép lí nhí trong cổ họng chào má, rồi quay sang chào tôi, sau khi chúng tôi được anh Ba giới thiệu. Giọng nói chị nhẹ nhàng tươi mát và chân tình nhưng như người ta thường nói “mặt như lòng” hễ mặt mày sáng sủa thì lòng dạ ngay thẳng rộng rãi vui vẻ…

        –  Đó là tất cả nhận xet của con về cô bạn anh Hiếu đó ba.

Tôi đang múa tay, đá chân, liếc mắt thật sống động diễn tả về chị Thu Hồng… Nảy giờ ba tôi ngồi đó vừa ăn vừa gật gù có vẻ hài lòng khi nghe con gái út “thiệu” (kể, tả) về cô dâu cả trong tương lai của ông. Hôm nay nhà đông đủ đang ngồi ăn cơm chiều, sau khi tôi với má đi xem mắt người đẹp của anh Ba về.

Anh Ba tôi bên ngoài làm bộ tỉnh bơ ngồi ăn uống như thường, như không thèm để ý đến con em đang kể về người đẹp của anh. Nhưng tôi biết trong bụng anh thì thầm cảm ơn con nhỏ nầy và khoái chí thấy bà!

Chợt chị Hạnh ngừng ăn nhìn tôi cười cười:

        –  Ê, bộ chỉ hối lộ cho mầy chút ít tiền ăn quà rồi sao, mà tự nãy giờ mầy tả về bả y như mấy cô hoa khôi miền Tây vậy mậy?

        Không mất phần, bà chị dâu Hoàng Yến lanh chanh cái miệng:

        –  Ồ, như vậy thì chị ấy đẹp quá rồi, anh Ba thiệt khéo chọn đó nghe. Nhưng tại sao má lại gọi chỉ là “Con Đồng Tháp”… Lúc chưa nghe Út Hương kể, tôi tưởng tượng chỉ là cô gái quê mùa, thô lỗ vì quanh năm chầm nghịch ở ruộng, ở đồng có “mình hạc xương cối đạp” đen đúa xấu xí lắm chớ, ai dẻ chị ấy đẹp quá chừng đi thôi! Bộ chỉ còn có cái tên cúng cơm là Con Đồng Tháp nữa sao cô Út?

        Cả nhà cười rộ lên, anh Ba tôi cười sặc phun cơm ra ngoài. Ba ngưng cười, quay sang chị dâu tôi vui vẻ bảo:

        –  Con Tư không biết đâu, má chồng bây hay đặt cho người ta thêm cái tên lắm. Như lúc thằng Tư mới quen bây, bả cũng gọi bây là con “Con Rau Muống” vậy! Ba nghĩ bả đặt cho bạn gái của thằng Hiếu là “Con Đồng Tháp” là “Con Giá Sống” mới đúng, nhưng có lẽ Đồng Tháp nổi tiếng hơn nên bả đặt cho con nhỏ cái tên Đồng Tháp… Có phải vậy không bà? Nhưng theo tôi thì sao cũng được, đẹp hay không bây giờ là giữa hai đứa nó thôi. Mình chỉ chọn người nết na, hiền ngoan trong một gia đình đạo đức đàng hoàng là được. Bởi ông bà ta cũng đã nói: “Mua heo chọn nái/ Cưới gái chọn dòng” đó mà…

        Má tôi cười lém lỉnh nhìn ba:

–  Thiệt không ai hiểu má hơn ba bây. Nói tóm lại con Đồng Tháp trông lành gái, có tướng phúc hậu. Gia cảnh họ hàng cũng không tệ, mặc dù nó sanh ra nơi đồng khô cỏ cháy, làm ra tiền chớ không có chỗ để tiêu xài… Người ta nói “Nhà đất có ông Phật vàng” ba má nó khá lắm, còn có người cậu làm Phó Ty Điền Địa ở Mỹ Tho, mà nó đang ở đó đi làm. Ông chú ruột làm quận Trưởng ở quận Bình Minh thuộc tỉnh Cần Thơ. Con Đồng Tháp là con út, có ba anh lớn, nhà chỉ có nó là con gái nên gia đình cưng chiều hết mực. Bởi vì cha mẹ không muốn nó sống trong đồng ruộng, nên cho con ra thành học xong trung học Đệ nhất cấp thì đi làm… Gia đình ba má nó có mấy ghe chài do mấy thằng con lớn coi sóc thợ thầy, chở cá đồng, tôm… bỏ mối ở miệt Hậu Giang. Họ có tiền, nhưng không muốn con dầm sương dãi nắng, quần vo áo vận tối ngày như các cô thôn nữ, nên cho con ra thành mong sau nầy có được người chồng ở thành thị cho khỏe tấm thân…

        Ba tôi cười hiền, xuề xòa:

        –  Mẹ con bà tính sao cũng được, miễn cưới được đứa con dâu biết lo thương chồng, có lễ nghĩa, tử tế biết người trên kẻ dưới lo cho gia đình… con mình sẽ hạnh phúc. Tôi mong nó được bằng phân nửa của bà lo cho cha con tôi và cái gia đình nầy là tôi mãn nguyện lắm rồi… Chớ tôi không mong ước nó giàu sang hoặc phú quý gì cả. Học rộng hiểu nhiều mà vô phép vô thiên coi chồng không ra gì thì chẳng tốt lành chi…

        Má tôi nhìn ba cảm động chớp chớp mắt bùi ngùi biết ơn! Còn đám con “vô duyên không tiền thưởng” cười hô hố lấy đũa gõ vào ly, vào chén rồi vỗ tay đôm đốp chọc quê ba mẹ mình.

Anh Tư lớn họng:

        –  Ba nịnh đầm thiệt hay, nhưng con thật vô dụng không lãnh ngộ được chút nào điểm đó ở ba cả… nên vợ con thường hay chê con lù đù như củ khoai sùng!

        Chồng chị Hạnh cũng xen vào:

        –  Ba khéo quá, thiệt tuyệt vời“gừng càng già càng cay” Vậy từ rày bọn mình sẽ có những bữa cơm gia đình ngon do má đãi dài dài… Và Hạnh khi giận lên nàng cũng thường chê bai và gọi em là trứng vịt thúi đó sao!

        Chị Hạnh tôi cười ngất ngất, hấy yêu chồng:

        –  Giỏi tài ham ăn, chớ gì nữa từ hồi vợ chồng cưới nhau đến giờ tui có nghe ông nói câu nào bùi tai tui đâu nà…

Chị Hoàng Yến cười lớn:

–  Trời ơi, sao giống quá vậy, tui cũng chẳng hơn gì cô đâu. Cha chả thiệt chịu hết nổi mà, cô biết không, bởi ông chồng mình dành lời ngon tiếng ngọt bùi tai thiên hạ để “dê” chớ không dành cho vợ…

Cả nhà chuyện trò vui vẻ cười như bắp rang. Tôi nghĩ chắc kiếp trước mình có tu, nên kiếp nầy được sanh ra và lớn lên trong gia đình đủ ăn, đủ mặc, vui vẻ, hạnh phúc tràn trề…

Trong khi đó ở ngoại ô, ngoài biên trấn giặc giã ngày càng sôi động. Giặc lén về gây biết bao nhiêu khốn khổ thương tật cho dân lành… Trai đến tuổi thì đi quân dịch, Chánh phủ kêu gọi thanh niên nhập ngũ tùng chinh, tái ngũ… Rồi những bài hát do nhạc sĩ sáng tác ca ngợi chiến binh oai hùng, khơi động lòng yêu nước ào ạt được trình làng, như bài: “Bức Tâm Thư” với lời lẽ ngọt ngào thương mến “…Vài hàng gởi anh trìu mến/ Vừa rồi làng có truyền tin/ Bảo rằng nước non đang mong/ Đi quân dịch là thương nòi giống…”  Rồi bài: “Trăng Rụng Xuống Cầu/ Chiều Mưa Biên Giới/ Tình Anh Lính Chiến…” Phái nữ tình nguyện vào các ngành nghề mà ngày xưa chỉ cho nam phái như là: Nữ quân nhân (có nhiều ngành), nữ Biên Tập Viên Cảnh Sát Quốc Gia, Quốc Gia hành Chánh, Xã hội…

Cuối năm năm đó, ba má tôi cậy người mai mối đi cưới “Con Đồng Tháp” Thu Hồng cho anh Hiếu. Ba má của chị Đồng Tháp rất vui mừng có sui gia ở thành thị, và nhứt là có được thằng rể ngoan hiền như ý muốn. Họ không đòi hỏi gì nhiều, và cho nhà trai đến rước dâu ở Mỹ Tho (nhà cậu của chị) chiều đến hai họ được đãi ở nhà hàng Lê Lai ở đường Lê Lai gần chợ Bến Thành.

Sau ngày cưới là hai tuần trăng mật của anh chị. Còn một tuần phép trước khi trở lại đi làm, thì nhà gái có nhã ý mời họ nhà trai đến nhà ba má ruột chị dâu tôi ở Đồng Tháp Mười cho biết nhà cửa…

Chuyến đi nhà sui gia nầy cũng chỉ có má và tôi thôi. Cái tên Con Đồng Tháp là do má tôi đặt cho chị, tôi nghĩ bà có một chút châm biếm, không vừa ý anh Ba tôi lấy con vợ ở vùng quê mùa dốt nát tận Đồng Tháp Mười! Nhưng đến thăm nhà gái má tôi mãn nhãn vì sự giàu có ăn chắc mặc dầy có lúa thiên, bạc vạn, tàu bè, ghe lớn ghe nhỏ… của đa số nông dân sống trong vùng Đồng Tháp Mười. Nhiều nhà cao cửa rộng, mỗi người có mấy trăm mẫu ruộng, tôm cá là của trời cho không vốn, chỉ siêng năng bắt chở đi bán, tiêu xài đã đời còn dư mua vàng lá để dành. Còn những người không tranh đua, có nếp sống an phận, tay làm hàm nhai thì no đủ quanh năm, sung sướng tâm hồn cả một đời…

Nhà của ba má chị Ba Đồng Tháp hai ngăn ba chái, cất trên vuông đất đấp cao rộng hơn hai mẫu… Chung quanh nhà họ trồng cam, quít, bưởi, mận, xoài cát đen, dừa… Các loại chuối nhứt là chuối sáp nấu ăn dẻo và ngọt lắm. Để ngăn cho phân biệt đất nhà và hàng xóm bằng hàng rào trồng toàn là tre gai, và mương đào chung quanh.

Chị Đồng Tháp sáng nào cũng hỏi:

–  Cô Út thích ăn cá, hay tôm và muốn làm món gì? Để nhờ hai bà thím nấu, họ ở xóm trong, má tôi thường nhờ ra giúp khi nhà có tiệc tùng. Bởi hai bà đó nấu ăn ngon lắm, cô đừng ngại nghe…

Chúng tôi đến thăm nói là bốn ngày chớ thật ra có hai ngày thôi, vì phải mất hai ngày đi và về rồi. Ngày đầu ăn tôm càng xanh nướng lửa trâm bầu cuốn với rau sống bánh tráng nhúng nước và thịt ba chỉ xắt mỏng… Chiều ăn cháo ám cá lốc… Hôm sau ăn cá trê vàng cặp gấp tre nướng dầm nước mắm gừng, ăn kèm với đọt rau lang luộc. Cá thác lác nạo thịt bỏ xương vò viên nấu canh chua với bông điên điển, bông so đũa, bông súng, khóm, bạc hà, giá sống… Bầu xào với chim chầm nghịch thiệt là ngọt vô cùng kể! Toàn là những món ăn đồng quê, nhưng tôi ăn hoài, cái bụng no mà cái miệng vẫn muốn ăn thêm… Ăn đến nỗi, má khều nhẹ tôi bảo nhỏ: “Thôi đủ rồi, coi chừng con ăn nhiều quá cái bụng nổ tung bây giờ…” Tôi cười trừ mắc cỡ lỏn lẻn không trả lời.

Món cá heo kho tiêu bình dân ở địa phương, tôi được ăn ở nhà chị Ba Đồng Tháp lúc mẹ con tôi đến thăm lần đó. Con cá heo ở sông không lớn như cá heo bự tồ bà dền nặng mấy trăm ký như ở vủng biển cả mênh mông. Ở đây con cá lớn nhứt bề ngang chỉ bằng ba ngón tay khép lại, dài chừng một tấc. Cá heo da không có vẩy như cá lốc, cá rô mà da trơn tru như cá trê cá ngác… Nhưng bộ da của cá heo đẹp, mình màu vàng tươi bóng loáng có sọc ngang xanh sậm, đen, cá ít xương, chỉ một lằn xương sống dài từ đầu đến đuôi, còn vi, kỳ thì mềm mại. Ở vùng quê người ta làm cá heo với tro bếp vuốt từ đầu đến đuôi cho sạch sẽ nhớt, để ráo, rồi cho cá vào tay cầm bằng đất nung. Cá ướp với nước mắm đồng, để tiêu cà, ớt khô xây nhuyễn, nước màu dừa, tép hành lá bầm nhỏ và dằn thêm chút đường. Lúc kho cá phải để lửa riu riu cho thấm… đến khi nước kho sền sệt thì bắt xuống ta thấy nước cá kho trong tay cầm còn sôi sùng sụt thì rắc thêm tiêu cà. 

Sáng sớm hôm đó trước khi xuống đò để trở về nhà, má chị Hiếu đãi mẹ con tôi ăn món cá heo kho tiêu với cháo đậu đỏ chan nước dừa bồng con! Ôi món ăn bình dân nầy sao mà bắt miệng vô cùng, tôi ăn một chén cháo bự, rồi hai chén… cái bụng đã no cành mà cái miệng vẫn còn muốn ăn thêm… Cho mãi đến sau nầy… tôi vẫn chưa ăn được lần thứ hai, nhưng dư vị món cá heo kho tiêu ăn với cháo đậu đỏ của chị Ba Đồng Tháp vẫn còn nhớ mãi trong tôi. Cá heo không tanh, ngọt thịt, mềm, thơm, béo như ăn thịt đuồi heo kho rệu của người miền Nam vào dịp Tết Nguyên Đán.

Nồi ơi, ngày mẹ con tôi trở về nhà ông bà sui gia tặng cho ba má tôi nào khô cá lốc, khô cá trạch, khô sặc con nào con nấy bằng tay xòe… Cùng còn những thổ sản trong vùng như khoai lan dương ngọc, khoai lan gạo, ngó sen, củ co… mới đào dưới ruộng đem lên. Hai mẹ con tôi mỗi người hai giỏ đầy quà cáp thiệt là nặng muốn chết! Đem về thì vất vả quá phải qua đò, lên xe… còn để lại thì tiếc, vì ở Sài gòn làm gì có những thứ tươi ngon như thế nầy… và nhứt là không phải trả tiền nữa! Giấu nụ cười lí lắc về ý nghĩ của mình và quên đi cái khờ dại làm dáng tiểu thơ… cho nên dù tay xách, nách mang… tôi cũng không bỏ tật tham lam cộ hết đem về nhà!

Năm sau chị Ba Đồng Tháp sanh đứa con trai đầu lòng, là cháu Hiếu Kiệt. Kể từ đó chị dâu tôi ở nhà trông chừng con không đi làm nữa. Và ông bà ngoại cháu mua cho con rể ngôi nhà ngói khang trang, vách tường có sân trước, vườn sau rộng rãi bên kia bờ giếng nước, đường ra bến xe đò nằm dọc trên sông Bảo Định thành phố Mỹ Tho…

Khi cháu Hiếu Kiệt vừa bốn tuổi thì chị Thu Hồng mang thai, sanh ra bé gái đặt tên Thu Hà. Cháu Thu Hà được thôi nôi thì ba cháu cũng ra trường sĩ quan khóa đặc biệt được bổ sung về Sư đoàn 7 bộ binh. Kể từ đó anh Hiếu chồng chị Ba Đồng Tháp là lính tác chiến. Nên anh rày đây, mai đó đi khắp các quận làng trong tỉnh và liên tỉnh, thường thì ở miền đồng bằng sông Cửu Long, và biên giới Việt Miên.

Người ta bảo thợ may ăn vải, thợ mộc ăn cây, thợ hồ ăn cát, ăn xi-măng… Ba má tui có dâu và sui gia ở miệt Đồng Tháp Mười, nên mỗi lần ba má chị có dịp đến thăm nhà chúng tôi, thì thường mang đến tặng thủy sản thượng hảo hạng khi thì cá lốc, cá trê vàng, tôm càng xanh vỏ, cá sặc lò tho… cá nầy mà kho mẳn vắt chanh thì ăn hết nồi hết ơ. Có khi các loại khô ngon ngoài chợ hiếm thấy bán, để dành ăn quanh năm. Tết nhứt má của chị Đồng Tháp còn gởi cho các loại bánh tráng, bánh phồng nếp bằng cái dĩa nhỏ, nướng xong bánh nở bằng cái mâm thau. Cá tôm tươi, gà trống thiến, các loại trái cây tươi phơi khô như là chuối cau khô, mít khô… “Có qua có lại mới toại lòng nhau” má tôi đáp lễ với những hộp trà Tàu ngon, bánh hộp, cà-phê, đường cát trắng thẻ vuông (loại nhập cảng) hồng khô, cam tàu, trái vải, nho tươi…

Thời gian lặng lẽ qua mau, ba má tôi giờ tóc đã hoa râm. Sau khi ra trường học nghề, tôi về nhận nhiệm sở ở Mỹ Tho, làm việc ngang Tổng Hành Dinh Sư Đoàn 7 ở bên kia đường, đối diện với công sở tôi làm việc. Và năm sau đó tôi lập gia đình với một quân nhân sinh trưởng ở Bến Tre, chàng là thượng cấp của anh Ba Hiếu tôi.

Nhân duyên của chúng tôi đơm hoa, kết quả cũng nhờ lần đó về thăm nhà, má gởi đồ ăn cho anh Hiếu. Chỉ bước qua lộ là đến nơi anh làm việc, mang quà đến lần nầy không gặp anh mà gặp chàng… và do sự môi giới của ông anh mình. Năm sau chúng tôi thành hôn.

Giáng Sinh năm 1974, chúng tôi có hai mặt con, trai 4 tuổi, gái 2 tuổi.  Miền Nam bị Cộng sản và tay sai Việt cộng cưỡng chiếm vào cuối tháng tư “Ngày 30 tháng 4 năm 1975”. Cùng chịu chung cảnh với quân, dân, cán, chánh, chồng tôi, anh Hiếu, anh Hiền và vợ chồng chị Hạnh bị tập trung vào tù cải tạo mút chỉ cà tha, không biết bao giờ mới được thả? Bởi họ bị kết tội là “Những tên ngụy quyền, những tên lính Mỹ đánh thuê” trở thành những người tù không bản án! 

Ba đứa con chị Hạnh bên nội đem về nuôi dưỡng ở Bình Dương. Chị Tư Hiền lo cho ba đứa con, và luôn được sự bù đắp của ông bà ngoại… Ba má tôi lo buồn cho thời cuộc, và sự an nguy của các con nên đau bịnh rề rề. Còn con Ba Đồng Tháp của má rước ông bà về ở chung với mẹ con chị, để hôm sớm có người lớn trong nhà trông chừng các cháu, để chị yên lòng đi buôn bán kiếm sống cho gia đình, và thăm nuôi chồng.

Thiệt là một gánh nặng cho chị Ba Đồng Tháp! Vì ba tôi không đi tù cải tạo là may mắn lắm rồi, chớ đâu còn lương hưu trí nữa! Anh Ba Hiếu, anh Tư Hiền và vợ chồng chị Hạnh, chồng tôi vẫn kẹt trong tù! Còn tôi thì đã mất việc vì liên hệ tội của chồng là “ngụy quân” nên phải ra bươn chải đi bán chợ trời để nuôi con. Thỉnh thoảng có tiền mua cho cha mẹ con cá, gói bánh… là hạnh phúc lắm rồi.

Mùa thu năm sau ngày giặc vào, ba tôi vĩnh viễn lìa bỏ cõi đời trong cơn bạo bịnh. Ông chết phần lớn cũng vì lo lắng, đau buồn, và tuổi già bịnh hoạn không đủ thuốc men, không làm ra tiền, lương chình hưu bổng gì cũng bị mất hết… Thằng Hiếu Kiệt con lớn của anh chi Ba về ngoại phụ buôn bán với mấy cậu, để có tiền phụ mẹ nuôi em, thăm nuôi cha và ông bà nội!

Cả năm rồi không tin tức gì của thằng con, và ba đứa cháu gọi chị Ba Đồng Tháp gọi tôi bằng cô ruột… Gia đình ủ rũ, khổ sầu, chị dâu tôi ngậm đắng nuốt cay khóc thầm khóc lén, đớn đau như cắt ruột, khi biết con mất tích trong lần đó lên Biển Hồ mua cá tôm về bán. Chị không dám cho bà nội cháu biết, và cũng giấu nhẹm không cho chồng hay trong lúc thăm nuôi… Đại gia đình của bà má tôi thiệt là “Họa vô đơn chí, phúc bất trùng lai”

Tin chồng tôi bị chết trong tù! Nhìn mấy đứa con nheo nhóc, mẹ và các chị dâu nghĩ tôi sẽ hóa điên! Chị Ba Đồng Tháp khuyên đem các cháu về sống với chị và má, sau khi chúng cướp lấy nhà tôi để làm văn phòng cho khu phố. Nỗi đau mất chồng, mất nhà cửa, mất người thân, mất quê hương tôi đã khóc… khóc tưởng chừng mình không còn nước mắt để khóc nữa!

Việt cộng dẫn đầu Cộng sản Tàu tràn vào cướp miền Nam. Người từ Bến Hải đến Cà Mau, cũng như ba má chúng tôi cửa nát nhà tan, gia đình ly tán! Nỗi đau buồn hờn oán bọn Việt cộng chỉ phú cho trời cao! Tội nghiệp chị Ba Đồng Tháp vất vả bán buôn lo cơm áo cho mẹ chồng, cho con còn cưu mang thêm mấy mẹ con chúng tôi, và cố nuốt nỗi đau thương về cháu Hiếu Kiệt biệt tích cho đến nay…

Nắng bình minh lên vội sáng trưng xoá nhạt nhòa và phai dần sương mù giăng giăng trên mặt nước sông. Dưới nền trời xanh biếc, không gian trong như lọc cây mận hồng đào sau nhà trĩu quằn nhánh… kế cây cam, cây chánh giấy bông nở trắng xóa, hương hoa dìu dịu ngọt ngào bay tỏa quanh nhà. Hai con chim khách cứ líu lo bay lượn trước cống, ngoài sân… Thiên nhiên êm đềm của buổi sáng len lén đi vào hồn người. Chị Ba Đồng Tháp như hồi sinh trở sau thời gian dài đau đớn bặt tin con…

Tin về: “Cháu Hiếu Kiệt và ba đứa cháu của chị Ba Đồng Tháp đã vào được nước Mỹ…” Tạ ơn Trời Phật, thiệt là một “tin mừng lớn” đến với đại gia đình chúng tôi!

Chị ba Hiếu mấy cháu, má và mẹ con tôi sống hẩm hút với nhau được đâu hơn ba năm, thì anh Ba Hiếu được thả về! Khi có chương trình cựu tù nhân Chánh trị tù bị cải tạo trên ba năm thì được đi Mỹ theo diện H.O.

Anh chị Hiếu tôi mấy năm sau bồng bế ba đứa con qua Mỹ, sanh sống ở tiểu bang Arizona. Đó là vùng sa mạc nắng cháy, mưa dầu… suốt mùa hè cỏ cây xao xác trơ cành trụi lá! Mẹ con chị Tư Hiền cùng gia đình bên ngoại mấy cháu vượt biên qua được nước Úc. Anh Tư bị tù cải tạo, khi được thả về, cũng đi qua Úc theo diện bảo lãnh của vợ. Rồi anh chị Hạnh tôi cũng đi theo diện H.O ở Michigan. Trong hình gởi về, cái nơi gì mà tuyết phủ một năm gần sáu tháng. Lạnh thấu trời thấu đất ở gần biên giới sát nách nước Canada.

        Kẹt lại quê nhà khốn khổ giờ chỉ còn má, và ba mẹ con tôi! Nhưng cuộc sống của gia đình mẹ góa con côi của chúng tôi khấm khá hơn trước nhiều lắm. Đó là nhờ vợ chồng chị Ba Đồng Tháp và các anh chị gởi tiền về phụng dưỡng má, và luôn kèm theo cho thêm đứa em bất hạnh nầy… nên mẹ con tôi được nhờ…

Đôi lúc tôi thẫn thờ nhớ về thuở thanh xuân hạnh phúc, sung sướng vào thời Việt Nam Cộng Hòa!  Rồi nghĩ đến đang sống vật vã ở chế độ Cộng Sản, tôi cảm thấy lòng đớn đau và buồn thấm thía! Đôi lúc nhìn hai đứa con đã lớn đại, còn trong tuổi học hành và tôi cũng biết trước là tương lai chúng mịt mờ, bởi lý lịch không tốt của cha là “ngụy quân”. Tôi thèm muốn và ước gia đình đến một nước tự do như những người khác… Nhưng đối với mẹ con tôi là một việc khó hơn lên trời… vì đó chỉ là một giấc mơ không bao giờ thành tựu ở kiếp nầy! Chép miệng thở dài, nghĩ đến đâu tôi càng chán nản đến đó, và tuyệt vọng vô cùng! Nhưng tôi âm thầm mong đợi có một ngày! Phải, có một ngày việc gì đến sẽ đến, không ai có thể biết trước được! Tôi luôn hy vọng… dù biết rằng đó là ý nghĩ tự dối mình… Bởi trong cuộc sống hàng ngày phải có hy vọng, có hy vọng tôi mới kiên trì mà sống nổi!

Trên bàn ăn hôm nay, có đủ mặt anh chị ở tiểu bang khác như vợ chồng chị Hạnh Michigan, anh chị Tư Hiền ở tận phương trời nước Úc xa hơn nửa vòng trái đất cũng bay qua. Còn anh chị Ba Hiếu ở gần sát bên nách, khoảng mười lăm phút lái xe, nên đến lúc nào mà không được.

Má tôi lấy khăn lau nước mắt cảm động vì các con về thăm đầy đủ trong ngày cúng giỗ chồng bà, và ở lại ăn Tết Nguyên Đán mẹ con sum vầy ra giêng ai mới về nhà nấy… Nhìn các con, mới ngày nào còn giỡn chạy loanh quanh bên cha mẹ, mà nay đứa nào tóc cũng muối tiêu hết. Có đứa bây giờ cũng đã là ông bà ngoại, hoặc nội, và bà cũng đã lên chức bà cố rồi…

Không chịu nhuộm, nên tóc má tôi trắng như bông gòn. Cứ mỗi sáng đẹp trời má thường ra sân trước cắt tỉa những nhánh hồng nhung trồng nơi cửa sổ, và cạnh ranh đất hai bên nhà hàng xóm. Những bụi hồng có hoa màu tím, trắng, đỏ, vàng nghệ… nhờ má chăm sóc nên bông nở quanh năm. Theo gió len qua cửa sổ hương hoa dìu dịu ngào ngạt loan tỏa khắp căn nhà.

Hàng ngày má tôi ra miếng vườn chó ngáp phía sau, mà anh Ba đã bỏ công ra xới đất lên liếp, làm giàn, thay đất, vô phân… Để má tôi có công việc làm như trồng trọt, nhổ cỏ, tưới nước… tới mùa cắt bầu, bí… lớp ăn. lớp cho hàng xóm, cho chùa… Bà luôn săm soi bắt sâu, tỉa lá: đậu, cải, rau nấu canh mỗi thứ một ít. Trong chậu sành bà trồng các loại rau thơm như: dấp cá, húng cây, húng nhũi, quế, ranh giới, hẹ, hành hương… có ăn quanh năm, không phải mất công ra chợ và tốn tiền mua.

Có lẽ nhờ thường xuyên vận động, nên ở tuổi tám mươi rồi mà má chúng tôi sức khỏe vẫn còn tốt. Bà ăn ngủ bình thường, da dẻ hồng hào, mặt mày tươi tỉnh hơn những người cùng tuổi. Và nhứt là trí nhớ của má tôi rất là “bảo đảm”, chuyện gì mấy mươi năm trước, những tưởng theo dòng thời gian không còn tồn tại trong tâm trí nữa. Nhưng không đâu, bà vẫn nhớ, và nhớ rất rõ mọi thứ, mọi việc li chi…

Hôm nay các con về đủ mặt, sau khi cúng rước ông bà trước ngày mùng một Tết, như lúc chồng còn sinh thời. Bởi mẹ con tôi và má đến Mỹ cả năm rồi, anh chị ở xa đến nay mới sắp xếp công việc gia đình để qua thăm trong dịp cúng giỗ ba và ở lại ăn Tết với má. Ngồi vòng theo bàn tròn bên mâm cơm, má và anh chị em chúng tôi nói cười vui vẻ, kẻ kể chuyện nọ, người kể chuyện kia…

Mỗi lần má tôi lên tiếng góp chuyện, thì chúng tôi đôi mắt sáng ngời, miệng cười chum chím lắng nghe từng lời, theo dõi từng cử chỉ của bà.

Má tôi nét mặt hạnh phúc tươi vui hớp ngụm nước trà, rồi ôn tồn bảo:

–  Cái ngày được tin tụi bây đến xứ người an bình, rồi có công ăn việc làm, các cháu đi học, má thiệt vui mừng vô cùng! Nhưng mỗi ngày như mọi ngày, đến giờ người phát thư đi qua thì má ra đứng, hoặc ngồi chờ sẵn xem có tin thư gì bây gởi về không? Trong lúc chờ má thường nghe bọn trẻ con hàng xóm đùa giỡn, chúng còn ca hát nghêu ngao những câu vè, những câu thơ, lời hát châm biếm trong dân gian, thật là thấm thía “Như có bác Hồ trong nhà thương Chợ Quán/ Vừa bước ra thì bị xe cán bể đầu/ Bao nhiêu năm cướp ruộng đất cướp trâu/ Xác xình thúi đã rụng hết tóc râu …” dù má không học nhưng nghe riết rồi cũng thuộc lòng…

Anh em tôi cười rộ, kẻ ăn người uống… trong hoàn cảnh gia đình bao nhiêu năm đoàn tựu mới được đoàn tựu nên tâm hồn mọi người thoải mái, vui vẻ và chăm chú ngồi nghe má kể tiếp:

“…Ngày đi đảng gọi Việt Gian/ Trở về đảng lại chuyển sang Việt Kiều/ Chưa đi “phản động” trăm chiều/ Đi rồi thành “khúc ruột yêu ngàn trùng/ Trốn đi đảng bắt đến cùng/ Trở về mời gọi săn lùng đô la

…………………………”

Má tôi nói đến đó có vẻ bùi ngùi buồn thương về thời son trẻ lúc chồng còn đi làm việc… bà thở dài, tiếp: 

–  Thiệt Cộng sản, Việt cộng là bọn tráo trở mặt dầy không biết ngượng, không ra thể thống gì hết! Má thấy thương tiếc cái thời Cộng Hòa, lúc tụi bây đi học, rồi đi làm. Thật thuở đó người dân Việt ở miền Nam sống trong an vui, hạnh phúc vô cùng. Bây giờ cái bọn giặc ác ôn hết nói nổi, cho nên mấy đứa con nít cũng chưởi bới chúng. Ông cha thường bảo: “Trăm năm bia đá thì mòn/ Ngàn năm bia miệng vẫn còn trơ trơ”. Ngoài đường nơi nào, lúc nào cũng nghe mấy đứa nhỏ hát vang rân: “…Ngày xưa chửi Mỹ hơn người/ Ngày nay nịnh Mỹ hơn mười lần xưa/ Ngày xưa đánh Mỹ không chừa/ Ngày nay con cái lại lùa sang đây/ Ngày xưa Mỹ xấu, đảng hay/ Ngày nay đảng ngửa hai tay xin tiền…”

Anh chị em chúng tôi thương kính nhìn má và thán phục trí nhớ dai của bà! Chị Hoàng Yến lanh miệng lên tiếng:

–  Mèn ơi, chúng con thiệt nể má vô cùng, cái gì má cũng nhớ… Bọn anh em mình phải cẩn thận nghe! Nếu lỡ dại nói sai, má nhớ mà buồn trong lòng thì không nên và phiền lắm đó.

Chị Hạnh bới chén cơm cho chồng, cười vui nhìn má:

–  Chuyện bàng quan thiên hạ sự, cái gì má cũng nhớ ráo trọi trơn. Vậy còn chuyện tốt của người ta, má có nhớ không nè?

Anh em tui nhao nhao lên khen má mình lên tận mây xanh! Tui gắp để vào chén má miếng thịt cá đã lấy hết xương ra rồi. Muốn chọc quê bà cho nhà cửa thêm vui nhộn, tôi bèn nở nụ cười lí lắc liếc liếc má, rồi trề môi dài cả thước.  

Hương tôi bèn lớn họng:

–  Đó là cái chắc, má nhớ dai thầy chạy luôn! Nhưng má cũng hay quên, vì nhớ hay quên gì má mình cũng khôn lắm… Các anh chị không biết đâu, hễ đứa nào thiếu tiền má từ mấy mươi năm trước thì má cũng nhớ, đòi trèo trẹo và không quên một xu! Nhưng thiệt là ngộ lắm, nếu má thiếu tiền đứa nào thì má quên sạch sẽ, quên mất tiêu luôn hà…

Cả nhà cười rộ lên, đứa chạy đến ôm hôn má, đứa bóp vai, đứa bẹo má, đứa nựng càm má… tỏ lòng thương kính yêu quý má vô cùng!

Rồi chúng tôi trở lại ăn uống nói cười vui vẻ… Anh chị em tôi không ai nói ra, nhưng chúng tôi đều cảm thấy chưa bao giờ có buổi họp mặt gia đình lần nào vui vẻ như buổi họp mặt hôm nay, kể cả lúc có mặt ba tôi và chồng tôi như thuở còn sanh thời…

Nghĩ và nhớ đến ba mẹ con tôi cùng má bất ngờ được định cư ở Mỹ cũng gần hai năm rồi! Đôi lúc trong giấc ngủ chập chờn tôi tưởng mình chiêm bao. Nhưng không, chúng tôi hiện sống trong một căn nhà nhỏ, gần gia đình anh chị Ba Đồng Tháp ở nước Mỹ đây mà!

“Tại sao chúng tôi (má, tôi và hai đứa con) đến được Mỹ?” Sự việc xảy ra nầy như trong phim thần thoại, ngoài sức tưởng tượng của má và anh chị em tôi cùng những người thân quen! Chúng tôi đến Mỹ trong trường hợp hết sức đặc biệt mà tôi nghĩ rằng từ cổ chí kim chắc chưa từng có xẩy ra trên nước Mỹ, và cũng có lẽ cả trên quả địa cầu nầy!

        Bỗng má tôi nhìn chị Ba Hiếu đôi mắt dịu dàng với lòng đầy mến thương. Nắm tay chị mắt bà trầm xuống nét mặt trang nghiêm chậm rãi, nhẹ giọng ôn tồn cảm động, bảo:

        –  Má và anh em bây phải luôn luôn biết ơn vợ thằng Hiếu, chị Ba bây là “Con Đồng Tháp” của má…

        Nghe má nói đến đó chúng tôi cười ngã qua ngã lại cười bò lăn bò lộn. Má tôi cũng bật cười thành tiếng. Còn tôi không nhịn được cười nhưng cũng nhăn mặt, cằn nhằn (chỉ có Út Hương mới dám):

        –  Đã mấy chục năm, biết bao nhiêu vật đổi sao dời chạy sang đến xứ người ta, mà má vẫn không tiến bộ chút nào hết… Không quên mà vẫn nhớ cứ gọi chị Ba là “Con Đồng Tháp” hoài hà! Thôi bỏ đi má ơi, người ta nghe thì cười và tưởng má là bà già cố chấp, là khó khăn, là: “bà mẹ chồng ít ai có/ Làm con gà để đó ngó dâu…” để cho con dâu thầm than: “Vì tằm em phải chạy dâu/ Vì chồng em phải qua cầu đắng cay…” đó nghe má!

Chị Ba tôi vốn dĩ hiền lành ít hay nói, nhưng cũng cười ngất đến ôm vai má chồng, đỡ lời:

        –  Không đâu, con chẳng những không ngại, mà còn thích má gọi là “Con Đồng Tháp” nữa kìa. Cái tên đó vừa thân thương, vừa êm đềm khiến cho con nhớ về cha mẹ, anh em… Gợi cho con thêm thương mến vùng đất quê hương mộc mạc hiền lương, nơi chôn nhau cắt rúng của mình…

        Má tôi mắt đăm chiêu mơ màng nhìn ra cửa sổ, như cố nhớ lại thời đã qua. Bà thở dài rồi thật tình đều giọng kể:

        –  Thật sự lúc đó má cố tình gọi vợ thằng Hiếu là “Con Đồng Tháp” không phải là có ý tốt đâu! Các con cũng biết thuở đó gia đình mình rân rác đến đâu, bên nội bên ngoại cùng giàu nức tiếng một vùng… Thằng Hiếu nhà mình lại là cháu đích tôn, đàng hoàng, lễ độ, hiếu thảo ai cũng thương mến… Má thấy con Thu Hồng cũng lành gái, xứng đôi với anh Ba các con. Nhưng thật ra vì thương con thương thằng Hiếu nên má mới cầm trầu cau đi cưới nó cho anh Ba bây. Nhưng má không cam lòng đi cưới một đứa con gái ở vùng quê mùa, cày sâu cuốc bẫm cho con trai trưởng của mình. Cho nên má mới gọi cho nó cái tên là  “Con Đồng Tháp” để tỏ trong thâm tâm má đầy vẻ không ưa, kỳ thị… cho bõ ghét! Nhưng khi về sống chung đụng, mới biết tánh tình nó chân chất thật thà, hiếu đạo, biết lo cho chồng con và yêu thương gia đình chồng như gia đình mình… Lúc đó “Con Đồng Tháp” với má có ý nghĩa khác, thân thương, yêu mến như con gái chớ không còn là con dâu ghét của mẹ chồng nữa…

        Nói đến đây má tôi kéo khăn trên vai chậm nước mắt cảm động. Anh Ba tôi lấy tay xoa lưng má, còn chị “Ba Đồng Tháp” thì vui vẻ, trả lời:

        –  Con chưa hề nghĩ đến ý không tốt, mà con nghĩ má muốn ghẹo con ở chỗ nào đó phát xuất từ Đồng Tháp Mười, một nơi quê mùa trong lòng mọi người thuở đó chớ không riêng ai. Nên con vui thích chớ không có buồn khi nghe má gọi mình là “Con Đồng Tháp” các cô chú gọi là: “Chị Ba Đồng Tháp”…

        Tôi cũng thành khẩn nhìn “Chị Ba Đồng Tháp” đầy lòng biết ơn, nghẹn ngào lên tiếng bảo với các anh chị có mặt đầy đủ hôm nay: 

–  Cháu Hiếu Kiệt con anh chị Ba qua Mỹ khi có quốc tịch thì vào quân đội Mỹ. Cái tang chung cho gia đình chúng ta mất mát một thanh niên khỏe mạnh, hiếu thảo và đạo đức của gia đình! Cháu đã bị thương vong trên chiến trường Trung Đông! Số là “… Cháu và mấy đồng đội khác không chết trong trận chiến, mà chết vì quân ta (quân đội Mỹ) bắn lầm! Chánh phủ Mỹ đã trợ cấp cho vợ con cháu, và anh chị Ba được hưởng mọi quyền lợi của cha, mẹ của một quân nhân Mỹ. Họ còn xin lỗi anh chị Ba và hỏi: “…Ông bà có yêu cầu gì để đền bù về lỗi lầm chúng tôi đã gây ra thì xin cho biết…? Nếu được, chúng tôi sẽ đáp ứng lời yêu cầu của ông bà….” Anh chị Ba lúc đó bấn loạn tinh thần vì người tóc bạc khóc người tóc xanh, trong lúc lo tang lễ của con. Anh chị hẹn, sau khi xong đám tang, sẽ trả lời cho họ biết về sự yêu cầu của anh chị.

        Bữa cơm đã tàn, dĩa, bát, mọi thứ dọn qua chỗ rửa chén. Má vào phòng nằm nghĩ còn dặn đến giao thừa thì gọi bà thức… Không ai bảo ai anh chị em chúng tôi mỗi người trở lại ngồi vào chỗ của mình, yên lặng chờ nghe tiếp chuyện kể dang dỡ của tôi, và anh chị Ba cũng trầm ngâm ngồi xuống tự nãy giờ. Ngoài anh chị Ba, mấy anh chị tôi hồi nào đến giờ biết mẹ con tôi và má qua Mỹ được là nhờ anh chị Ba bảo lãnh thôi, chớ chưa ai biết rõ cặn kẽ sự tình như thế nào!

Tôi lau tay rồi trở lại ngồi xuống chỗ của mình, tằng hắng lấy giọng bùi ngùi, kể tiếp:

–  Anh chị Ba yêu cầu thẳng với đại diện Chánh Phủ Mỹ: “Đại gia đình chồng tôi kẻ vượt biên trốn chạy, người đi theo diện H.O bỏ nước Cộng sản Việt Nam. Chúng tôi còn bà mẹ già, và ba mẹ con cô em gái bị kẹt lại bên đó. Chồng cô em tôi là sĩ quan trong quân lực Việt Nam Công Hoà bị đày đọa cho đến chết trong tù cải tạo của Việt cộng… Chúng tôi mong quý ông giúp đỡ cho mẹ, và gia đình cô em qua đây đoàn tựu với chúng tôi…” Lời yêu của anh chị Ba với Chánh quyền Mỹ, chưa tròn năm thì má, và ba mẹ con em được vào Hoa Kỳ… Nhưng các anh chị không ai biết rõ ngọn ngành như em vừa kể… Các anh chị thì sao không biết, nhưng riêng mẹ con em không bao giờ quên ơn anh Ba, nhứt là chị “Ba Đồng Tháp”. Ơn đó nếu không trả hết ở kiếp nầy, thì mẹ con em nguyện kết cỏ ngậm vành trả ở kiếp mai sau…

Anh chị tôi nghe xong, nhìn chị “Ba Đồng Tháp” với lòng đầy thương cảm, và biết ơn… Bên ngoài trời tối đen như nhuộm mực, luồng gió xuân man mác lùa qua cửa sổ vào phòng tỏa mùi hương ngạt ngào của hoa hồng trồng ngoài hiên. Chị em chúng tôi, mỗi người một tay: trà, mứt, kẹo, chà là, chuối khô, bánh tét, bánh ít, bánh phồng, hoa tươi, trái cây, dưa hấu, và mâm ngũ quả “cầu, dừa, đủ, xoài, dâu, thơm” đã chuẩn bị sẵn sàng cho hai anh và anh rể tôi bày ra bàn, để chút nữa đây má thức dậy cùng nhau cúng đón Giao thừa.

Đây là đêm Trừ Tịch đầu tiên của má và đủ mặt anh chị em chúng tôi đón Tết Nguyên Đán nơi xứ người. Trong nhà ấm nồng mùi khói hương, trà hoa quả tỏa bay trong yên lặng, hòa với cái yên lặng bên ngoài, khiến trong lòng chúng tôi cảm nhận được sự thiêng liêng ấm áp của đất trời trong đêm giao thừa mừng Tết Nguyên Đán… Riêng tôi hạnh phúc vô cùng mặc dù đón xuân nơi đất khách.

DƯ THỊ DIỄM BUỒN

Email: dtdbuon@hotmail.com

Tour Làng Hoa Sa Đéc – Vườn Quýt Hồng – Đồng Sen Tháp Mười ...