Seite auswählen

Việt Nam tuyên bố ASEAN ủng hộ vai trò của Mỹ ở Biển Đông

Ngoại trưởng các nước ASEAN họp trực tuyến với đồng nhiệm Mỹ Mike Pompeo, ngày 10/09/2020. Ảnh chụp màn hình VTV. AP

Trong cuộc họp trực tuyến giữa các ngoại trưởng ASEAN với ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo hôm nay, 10/09/2020, ngoại trưởng Việt Nam Phạm Bình Minh tuyên bố các nước Đông Nam Á muốn Mỹ đóng một vai trò trong việc duy trì hòa bình ở Biển Đông. Trong khi đó, Trung cộng lại tố cáo Washington gây mất ổn định ở vùng biển đang tranh chấp này.

Theo hãng tin Bloomberg News, trong cuộc họp nói trên, ông Phạm Bình Minh, đại diện cho Việt Nam, quốc gia hiện giữ chức chủ tịch ASEAN, tuyên bố : « Chúng tôi hoan nghênh những đóng góp chủ động và mang tính xây dựng của Mỹ cho những nỗ lực của ASEAN nhằm duy trì hòa bình, ổn định và phát triển ở Biển Đông ».

Không nêu tên Trung cộng, ngoại trưởng Việt Nam bày tỏ quan ngại về những diễn tiến gần đây ở Biển Đông, « bao gồm những sự cố nghiêm trọng, việc tiếp tục quân sự hóa vùng biển này và những hoạt động vi phạm quyền của các nước nhỏ, đi ngược lại với luật pháp quốc tế ».

Còn theo bộ Ngoại Giao Mỹ, trong cuộc họp với các đồng nhiệm ASEAN, ngoại trưởng Mike Pompeo đã cùng với một số quốc gia Đông Nam Á bày tỏ quan ngại về những hành động của Trung cộng ở Biển Đông và một lần nữa khẳng định những yêu sách chủ quyền của Bắc Kinh ở vùng biển này là bất hợp pháp, chiếu theo phán quyết năm 2016 của Tòa Trọng tài Thường trực trong vụ Phi Luật Tân kiện Trung cộng.

Theo hãng tin AFP, cũng trong cuộc họp hôm nay, ông Pompeo đã kêu gọi các nước Đông Nam Á tẩy chay các công ty Trung cộng đã tham gia vào việc xây dựng các đảo nhân tạo ở Biển Đông. Vào tháng Tám, Washington thông báo trừng phạt 24 công ty nhà nước của Trung cộng đã giúp xây dựng những cơ sở quân sự trên các đảo nhân tạo đó.

Hôm qua, trong cuộc họp trực tuyến với các ngoại trưởng ASEAN, ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị lại tố cáo Hoa Kỳ can thiệp vào các tranh chấp chủ quyền ở Biển Đông và tăng cường sự hiện diện quân sự ở các khu vực đang tranh chấp. Ông cho rằng chính Washington đang gây căng thẳng ở Biển Đông và đã trở thành kẻ đi đầu trong việc quân sự hóa vùng biển này.

Tối qua, tại Hội nghị Cấp cao Đông Á, cũng do Việt Nam chủ trì, đại diện các nước tham gia đã bày tỏ quan ngại về tình hình Biển Đông và kêu gọi không gây căng thẳng, làm phức tạp thêm tình hình. Tham dự hội nghị gồm ngoại trưởng của 10 nước ASEAN và của các nước gồm Úc, Trung cộng, Ấn Độ, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc, Nga, Mỹ cùng với tổng Thư ký ASEAN.

RFI (10.09.2020)

Việt Nam nhấn mạnh đến vấn đề an ninh Biển Đông tại hội nghị ASEAN

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Phạm Bình Minh phát biểu tại phiên khai mạc cuộc họp giữa các bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 ở Hà Nội hôm 9/9/2020  AFP

Phó thủ tướng kiêm Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Phạm Bình Minh vào ngày 9 tháng 9 lên tiếng khi khai mạc Hội nghị trực tuyến Bộ trưởng Ngoại giao Khối các nước Đông Nam Á- ASEAN rằng những thách thức an ninh tại Biển Đông luôn hiện hữu.

Mạng Nikkei Asian Review loan tin vừa nêu trong cùng ngày, dẫn lời ông Phạm Bình Minh rằng những tác nhân đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn và tự do hàng hải, hàng không tại Biển Đông thuộc số những thách thức mà khu vực phải đối diện.

Theo Nikkei Asian Review, đây là một chỉ trích rõ ràng đối với các hoạt động này càng gia tăng của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Cũng theo lời người đứng đầu ngành ngoại giao của chính phủ Hà Nội thì khối ASEAN sẽ kiên định cổ xúy cho việc thực thi đầy đủ Tuyên bố Ứng xử của các bên tại Biển Đông DOC và nỗ lực hình thành Bản Quy tắc Ứng xử của các bên tại Biển Đông COC hiệu quả và thực chất.

Ông Phạm Bình Minh cũng nhắc đến việc tôn trọng các nguyên tắc tự chế, giải quyết ôn hòa mọi tranh chấp tại Biển Đông dựa trên căn bản luật pháp quốc tế, gồm Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển năm 1982- UNCLOS.

Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 (AMM-53) và những hội nghị liên quan sẽ kéo dài đến ngày thứ bảy 12 tháng 9.

RFA (10.09.2020)

Căng thẳng Biển Đông, Việt Nam nhấn mạnh vấn đề an ninh biển tại ASEAN

Truyền thông Việt Nam  đưa tin, hôm 9/9 ông Phạm Bình Minh, Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam trong phát biểu tại Lễ khai mạc Hội nghị Bộ trưởng Ngoại giao ASEAN lần thứ 53 đã nhấn mạnh mối quan tâm của Việt Nam đến vấn đề an ninh ở Biển Đông.

Bộ trưởng cho biết: “những thách thức an ninh ở Biển Đông luôn hiện hữu, trong đó có các nhân tố đe dọa hòa bình, ổn định, an ninh, an toàn tự do hàng hải, hàng không trên Biển Đông, tuyến hàng hải huyết mạch của khu vực và thế giới.

Theo Nikkei Asian Review, tuy không đề cập tới Trung cộng trong bài phát biểu nhưng đây là lời chỉ trích rõ ràng chống lại các hoạt động ngày càng gia tăng của Bắc Kinh trong khu vực, gây căng thẳng leo thang.

Ngoại trưởng Phạm Bình Minh cũng nhấn mạnh: “ASEAN sẽ kiên định với lập trường nguyên tắc, nhấn mạnh kiềm chế, giải quyết hòa bình các tranh chấp trên cơ sở luật pháp quốc tế, UNCLOS 1982, thúc đẩy đối thoại, tăng cường xây dựng lòng tin, không quân sự hóa, không làm phức tạp tình hình.”

Ngoại trưởng  TC Vương Nghị chỉ trích Mỹ ‘quấy rối’ Biển Đông.

Ảnh ghép từ В гостях у Гордона, CGTN, Epoch Times.

Reuters đưa tin, Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng Vương Nghị, hôm thứ Tư (9/9), nói rằng Hoa Kỳ đang can thiệp trực tiếp vào các tranh chấp lãnh thổ và hàng hải ở Biển Đông vì nhu cầu chính trị của mình.

Ông Vương nói rằng việc này đang trở thành động lực lớn nhất của các hoạt động quân sự hóa trong khu vực.

Bộ trưởng Ngoại giao Trung cộng đưa ra nhận xét này trong một cuộc họp video với các bộ trưởng ngoại giao của các nước tham gia hội nghị cấp cao ASEAN.

“Hòa bình và ổn định là lợi ích chiến lược lớn nhất của Trung cộng ở Biển Đông. Đó cũng là nguyện vọng chiến lược chung của Trung cộng và các nước ASEAN”, ông Vương nói trong một tuyên bố đăng trên trang web của Bộ Ngoại giao.

Ông Vương cũng truyền đi thông điệp rằng chính quyền Trung cộng sẵn sàng liên lạc và đối thoại với chính phủ Hoa Kỳ để đạt được sự hợp tác trong vấn đề này.

Vào tháng trước, Mỹ đã chế tài 24 công ty Trung cộng và nhắm mục tiêu các quan chức của nước này liên quan tới việc thúc đẩy các hoạt động xây dựng và quân sự hóa Biển Đông.

‘Tàu lạ’ đâm chìm tàu ngư dân Quảng Ngãi

Vị trí tàu cá Quảng Ngãi bị tàu lạ đâm chìm rạng sáng 9/9. Ảnh: TP

Hôm 9/9, truyền thông trong nước đăng tin rằng, một tàu câu mực của ngư dân xã Bình Chánh, huyện Bình Sơn (Quảng Ngãi) bị một ‘tàu lạ’ đâm chìm, khiến 2 ngư dân bị thương nặng, 1 người mất tích. Báo chí nói tàu trên không rõ là tàu của nước nào đâm chìm tàu ngư dân Việt chỉ nói là ‘tàu lạ’

Tin cho biết, vào hồi 2 giờ hôm 9/9, tàu câu mực QNg 95618 TS, công suất 380 CV, do chủ tàu là ông Bùi Văn Nghĩa (52 tuổi, ở xã Bình Chánh) đang hoạt động tại vùng biển cách đảo Phú Quý (tỉnh Bình Thuận) khoảng 82 hải lý về phía đông đông bắc, cách mũi Vũng Tàu 195 hải lý về phía đông đông bắc, thì bị tàu lạ đâm chìm. Trên tàu có 27 lao động.

Sau đó, tàu cá của ngư dân Phú Yên PY 96734 TS đã ứng cứu, đưa 26 ngư dân lên tàu, trong đó có 2 ngư dân bị thương nặng vùng đầu. Ngư dân còn lại đang mất tích được xác định là Bùi Văn Lượng (45 tuổi, trú ở xã Bình Chánh).

Theo Đại Kỷ Nguyên (10.09.2020)

Hoa Kỳ tiến hành các cuộc tập trận bắn đạn thật ở biển Phi Luật Tân, Gửi một tín hiệu đến TC.

Được triển khai cùng với hạm đội 7 để đảm bảo tự do hàng hải ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, tàu khu trục tên lửa lớp Arleigh Burke USS Mustin của Hải quân Mỹ đã tiến hành thành công cuộc tập trận bắn đạn thật trên biển Phi Luật Tân.

Tàu khu trục mang tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mustin

Một hình ảnh được công bố trên trang web Dvidshub, cho thấy cảnh một khẩu M240B trên tàu USS Mustin khai hỏa. Chú thích có nội dung “Xạ thủ Mate 2 lớp Dustin Tipton, được giao nhiệm vụ cho tàu khu trục tên lửa dẫn đường lớp Arleigh Burke USS Mustin (DDG 89), bắn một khẩu M240B trong một cuộc tập trận bắn đạn thật.

Mustin sẽ được triển khai tới khu vực hoạt động của Hạm đội 7 Hoa Kỳ để hỗ trợ an ninh và ổn định ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. ” Hình ảnh được chụp bởi Cody Beam của Sĩ quan Petty Sĩ quan cấp 3 của Hải quân Hoa Kỳ.

Gần đây, tàu USS Nimitz và USS Ronald Regan đã được triển khai trong khu vực để tiến hành bắn đạn thật và các cuộc tập trận hải quân khác với các quốc gia đối tác bao gồm QUAD.

Cuộc tập trận hải quân lớn nhất hai năm một lần, RIMPAC-2020 gần đây đã kết thúc với cuộc tập trận bắn đạn thật mang tên ‘SINKEX’ ngoài khơi bờ biển Hawaii, trong đó các tàu chiến bắn vào một tàu chở hàng đã ngừng hoạt động USS Durham. Các cuộc tập trận bắn đạn thật mang lại trải nghiệm độc quyền cho các thủy thủ và sĩ quan trên tàu.

USS Mustin
Được trang bị tận răng, USS Mustin đã được đặt tên để vinh danh gia đình Mustin đã phục vụ đặc biệt cho Hải quân Hoa Kỳ.

Tàu có lượng choán nước 9.200 tấn và dài 155,30 m. Quá trình xây dựng của nó bắt đầu vào ngày 15 tháng 1 năm 2001 và được khởi công vào ngày 12 tháng 12 cùng năm. Vào ngày 26 tháng 7 năm 2003, một buổi lễ đưa vào hoạt động hoàng hôn được tổ chức tại Trạm Hàng không Hải quân North Island ở San Diego, California.

Với tốc độ tối đa 30 hải lý / giờ (56 km / h; 35 dặm / giờ), USS Mustin có tầm hoạt động 4.400 hải lý. Theo Navy Recognition , vũ khí chính của USS Mustin bao gồm súng hải quân Mk 45 Mod 4 1 × 5 inch (127 mm) / 62 cỡ nòng, pháo tự động Mk 38 2 × 25 mm, súng máy 4 × .50 cal (12,7 mm), 1 × 20 mm Phalanx CIWS, 2 ống phóng ngư lôi 3 × Mk 32 cho ngư lôi Mk 46. Nó cũng được trang bị 96-cell Mk 41 VLS cho tên lửa RIM-66 Standard Missile 2, BGM-109 Tomahawk, RUM-139 VL-ASROC.

By EurAsian Times Desk Theo VietbF (09.09.2020)

Liên minh quân sự Việt Nam-Ấn Độ đang hình thành để đối đầu Trung cộng trên Biển Đông?

Thượng tướng Phan Văn Giang, thứ trưởng Bộ Quốc phòng Việt Nam, trong chuyến thăm Ấn Độ nhằm tăng cường quan hệ hợp tác quân đội 2 nước. Việt Nam gần đây đã thông báo cho Ấn Độ biết về các hoạt động gây căng thẳng trên Biển Đông của Trung cộng.

Các hành động quân sự ngày càng tăng của Trung cộng trên Biển Đông đã đẩy Hà Nội và New Delhi lại gần nhau hơn trong một mối quan hệ đối tác ngày càng khăng khít về quân sự được xem là để đối trọng với Trung cộng

Việc Trung cộng gần đây đưa oanh tạc cơ H-6J ra đảo Phú Lâm, một trong những khu vực tranh chấp ở quần đảo Hoàng Sa mà Việt Nam tuyên bố chủ quyền, khiến Hà Nội tức giận.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao ở Hà Nội Lê Thị Thu Hằng hôm 20/8, như nhiều lần trước đây lên tiếng về các hoạt động quân sự hoá của Trung cộng trên Biển Đông, tuyên bố rằng việc triển khai máy bay ném bom H-6J, mà Hoàn cầu Thời báo của Trung cộng nói là để “trấn áp và ngăn chặc các hoạt động quân sự khiêu khích của Mỹ,” là “hành vi vi phạm chủ quyền của Việt Nam” và làm “phức tạp tình hình” trong khu vực.

Trong tháng 7 vừa qua, Trung cộng hai lần công bố tiến hành tập trận tại khu vực Biển Đông và Bộ Ngoại giao ở Hà Nội cả hai lần đều lên tiếng phản đối khi cho rằng hoạt động này của Trung cộng là “vi phạm chủ quyền của Việt Nam đối với quần đảo” Hoàng Sa.

Những hoạt động này của Trung cộng nằm cao trong nghị trình khi Đại sứ Việt Nam Phạm Sanh Châu gặp Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ Harch Vardhan Shringla hôm 21/8, theo truyền thông Ấn Độ.

Phía Việt Nam đã thông báo với Ấn Độ về tình hình căng thẳng leo thang tại Biển Đông trong bối cảnh Trung cộng tăng cường hiện diện quân sự tại nơi này với việc triển khai tàu, chiến đấu cơ và ít nhất một máy bay ném bom tại vùng biển mà Việt Nam nói thuộc chủ quyền của mình và cũng là nơi hãng ONGC của Ấn Độ có các hoạt động dầu khí.

Theo Giáo sư Carl Thayer của Đại học New South Wales, một chuyên gia về quân sự trong khu vực, đây không phải là lần đầu tiên Trung cộng điều máy bay ném bom ra quần đảo Hoàng Sa – Trung cộng đã từng đưa một vài oanh tạc cơ tầm xa H-6K tới khu vực này năm 2018. Tuy nhiên, theo nhận định của GS Thayer, sự cởi mở của Việt Nam về cuộc gặp của Đại sứ Châu là có ý nghĩa quan trọng.

“Việc Việt Nam thông báo với Ấn Độ phần nhiều cho thấy rằng Việt Nam đang tham gia vào một hành động ngoại giao để nêu ra các hành động của Trung cộng với mục đích tìm kiếm sự ủng hộ chính trị,” GS Thayer được South China Morning Post trích lời nói.

Truyền thông Việt Nam không đăng tải về cuộc gặp này nhưng Đại sứ Phạm Sanh Châu hôm 21/8 cho biết qua trang Twitter các nhân rằng ông đã gặp mặt Bộ trưởng Ngoại giao Ấn Độ để “thảo luận các phương cách nhằm thúc đẩy mối quan hệ Đối tác Chiến lược Toàn diện Việt Nam-Ấn Độ.”

Trong sự kiện mà các nguồn ngoại giao gọi là cuộc gặp chính thức, Đại sứ Phạm Sanh Châu nói Việt Nam quyết tâm phát triển mối quan hệ hợp tác toàn diện mạnh mẽ với Ấn Độ.

Với việc tiếp cận Ấn Độ, Việt Nam đã cho thấy không chỉ một mối quan hệ đối tác chiến lược toàn diện giữa hai nước mà còn cho thấy sự ủng hộ không ngừng của mình đối với tự do hàng hải và hàng không của Ấn Độ trên Biển Đông, theo Thạc sỹ Huỳnh Tâm Sáng của Trung tâm Nghiên cứu Quốc tế thuộc Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn TPHCM.

“Ấn Độ và Việt Nam giờ đây cùng ở điểm hội tụ về chiến lược,” ông Sáng nói với South China Morning Post. “Cả hai bên đều phản đối việc Trung cộng coi Biển Đông là ao nhà của mình và cùng có lợi ích trong việc gìn giữ hoà bình và ổn định trong vùng biển đầy tranh chấp.”

Cùng “mối thâm thù”

Các mối quan hệ quốc tế, trong đó có Ấn Độ, đang giúp cho Việt Nam chống lại được tham vọng chiếm trọn Biển Đông và “nuốt sống Việt Nam” của Trung cộng từ nhiều đời nay, theo nhà báo Võ Văn Tạo. Người từng chiến đấu trong quân đội nhân dân Việt Nam nói với VOA rằng Ấn Độ sẽ là nước đáng tin cậy để Việt Nam cùng liên minh chống lại Trung cộng.

“Những quốc gia mà họ không bao giờ xoá được thâm thù với Trung cộng là Ấn Độ và Nhật Bản và tôi nghĩ (Việt Nam) liên minh được với những quốc gia đó thì mới bền vững được,” nhà báo Võ Văn Tạo nói. “Trung cộng luôn luôn muốn nuốt vùng biên giới ở Kashmir, ỷ mạnh hơn để bắt nạn quân đội Ấn Độ mặc dù Ấn Độ là một cường quốc hạt nhân.”


Cùng nhận định trên, ông Mohan Malik của Trung tâm nghiên cứu Chiến lược NESA thuộc Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng “cả Ấn Độ và Việt Nam đều nhận thấy Trung cộng là một cường quốc theo chủ nghĩa bành trướng cà bất cẩn, không bao giờ có thể thoả mãn về mặt lãnh thổ và do đó là một mối ngụy hiểm rõ ràng và hiện tại.” Nhà nghiên cứu của NESA được South China Morning Post trích lời cho rằng Ấn Độ đang tìm cách đối phó với Trung cộng như Trung cộng đã làm với Ấn Độ, là “ngăn chặn và bao vây.”

Việt Nam sẽ tiếp tục tăng cường các mối quan hệ với Ấn Độ để giải quyết các mối lo ngại chung về hành động tuyên bố chủ quyền ngày càng tăng của Trung cộng trên khắp khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương, theo nhà phân tích quốc phòng cấp cao tại Rand Corporation, Derek Grossman.

“Điều này có thể liên quan đến việc chia sẻ thông tin, huấn luyện quân sự và có lẽ là mua sắm vũ khí,” nhà nghiên cứu Grossman nói, đồng thời cho biết thêm rằng quân đội hai nước rất bổ trợ nhau vì cả hai đề chủ yếu dựa vào thiết bị quân sự từ thời Liên Xô hoặc Nga.

Quan hệ quốc phòng và quân sự giữa Ấn Độ và Việt Nam cũng đã gia tăng trong vài năm gần đây. Trong chuyến thăm gần đây nhất của một quan chức cấp cao Bộ Quốc phòng Việt Nam tới Ấn Độ cuối năm ngoái, Thứ trưởng Phan Văn Giang tuyên bố rằng hợp tác quốc phòng là một trụ cột quan trọng của quan hệ Việt Nam-Ấn Độ.

Tuy không phải là một bên tranh chấp chủ quyền tại Biển Đông nhưng Ấn Độ coi đây là một vùng biển quan trọng khi có tới 55% lượng hàng hoá thương mại của Ấn Độ di chuyển qua ngả này và Ấn Độ cũng tham gia nhiều dự án khai thác dầu khí với Việt Nam trên Biển Đông.


Trung cộng đã phản đối các dự án khai thác dầu khí của Ấn Độ nhưng Ấn Độ nói việc hợp tác khai thác năng lượng với Việt Nam trên Biển Đông là phù hợp với luật pháp quốc tế.

Sự hợp tác nhiều hơn nữa giữa Ấn Độ và Việt Nam trong các hoạt động khai thác dầu khí có thể sẽ diễn ra vì những hành động phát triển cơ sở hạ tầng vượt trội của Trung cộng ở khu vực tranh chấp với Ấn Độ ở Kashmir, theo nhà nghiên cứu Malik của NESA.

Ấn Độ coi tự do hàng hải trên Biển Đông là trọng tâm trong tầm nhìn chiến lược của họ trong một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do là rộng mở, và theo nhà nghiên cứu Malik, điều quan trọng hơn đối với Ấn Độ là kiềm chế những tuyên bố chủ quyền của Bắc Kinh trên hầu hết khu vực biển có tranh chấp.

Tuy nhiên theo các nhà nghiên cứu, dù cả Hà Nội và New Delhi đều có thể thấy được lợi ích trong một mối quan hệ nở rộ nhưng cả hai bên sẽ thận trọng, nhất là Việt Nam.

Việt Nam không thể để xảy ra xung đột ngày càng lớn với Trung cộng vì Bắc Kinh có “sức mạnh đòn bẩy trong tay”, đặc biệt trong lĩnh vực thương mại, an ninh nguồn nước (Mekong) và Biển Đông.

Theo GS Thayer, mặc dù tranh chấp lãnh thổ trên Biển Đông là nguyên nhân chính gây khó chịu trong quan hệ song phương giữa Hà Nội và Bắc Kinh, “Việt Nam không muốn tranh chấp này trở thành tâm điểm duy nhất trong mối quan hệ giữa hai nước.”

Và vì Việt Nam hoạt động thông qua khuôn khổ đa dạng hoá và đa phương hoá quan hệ, cũng như thu hút các cường quốc khác như Nhật Bản, Nga và Mỹ nên, theo GS Thayer, Hà Nội biết rằng họ có “đòn bẩy quan hệ” mà họ có thể dựa vào khi cần hỗ trợ “nếu Trung cộng trở nên quá hung hăng.”

Trong Sách trắng Quốc phòng Việt Nam mới nhất công bố cuối năm ngoái, Việt Nam tiếp tục không tham gia liên minh quân sự với bất cứ quốc gia nào trong chính sách quốc phòng “bốn không” của mình.

VOA (08.09.2020)

Tàu Cộng Tài Trợ Và Huấn Luyện Quân Sự Cho Ngư Dân Để Xâm Lăng Biển Đảo

Jason Thomas , Bùi Phạm Thành phiên dịch

Tàu cộng dùng một lực lượng lớn ngư dân trang bị vũ trang, được huấn luyện quân sự như những mũi tên tẩm thuốc độc trên mặt nước Biển Đông để tràn ngập và xâm chiếm vùng biển đặc quyền kinh tế của những quốc gia trong khu vực như Phi Luật Tân, Việt Nam và Indonesia. Nhiệm vụ của đám ngư dân vũ trang này là mở rộng phạm vi hoạt động trên mặt biển, để sau đó Tàu cộng sẽ tuyên bố là có chủ quyền. Đây là cuộc xâm lăng trong “vùng xám (không phân định chủ quyền rõ ràng)”, một cuộc xâm lăng không cần nổ súng.

Lực lượng dân quân đánh cá này tạo ra hai vấn đề khó khăn cho Úc:

  1. Các chiến thuật gây hấn của đám dân quân đánh cá này với các quốc gia như Phi Luật Tân hoặc Nhật Bản có nguy cơ kéo nước Úc vào một cuộc xung đột rộng lớn hơn.
  2. Chính phủ phải làm sao để đối phó với hàng trăm lính đánh thuê đang tràn về vùng biển của Úc? Đây là chiến tranh du kích trên biển cả với một quy mô rộng lớn.

Những tên lính đánh thuê được nhà nước Tàu cộng bảo trợ này là một phần của Lực lượng dân quân hàng hải của Lực lượng vũ trang nhân dân (People’s Armed Forces Maritime Militia). Có trụ sở tại đảo Hải Nam của Tàu cộng, đội tàu đánh cá được chính phủ trợ cấp vũ khí và nhiên liệu. Các “ngư dân” cũng được huấn luyện bởi Hải quân Quân đội Giải phóng Nhân dân. Như trang báo điện tử The Economist đã đăng vào tháng 3 năm 2017, chúng là một phần trong sức mạnh được chuẩn bị cho tương lai của Tàu cộng. Chúng được điều động để chiếm cứ lãnh thổ và nhắm vào bất kỳ ai thách thức lời tuyên bố chủ quyền của Tàu cộng đối với toàn bộ Biển Đông. Hai tuần trước, hơn 100 tàu đánh cá đã quấy rối quần đảo Senkakus do Nhật Bản kiểm soát. Bốn năm trước, 230 tàu đánh cá cũng đã tràn vào các hòn đảo này.

Khu vực của nước Úc không phải là khu vực duy nhất bị xâm lăng và thử nghiệm (thử tràn vào xem phản ứng ra sao). Tháng trước, khoảng 340 tàu đánh cá Tàu cộng đã tràn vào vùng biển Ecuador. Vào năm 2017, một tàu đánh cá Tàu cộng đã bị bắt trong khu bảo tồn biển Galapagos (Galapagos Marine Reserve) cùng với 300 tấn động vật biển hoang dã. Năm ngoái, lực lượng tuần duyên Argentina đã nổ súng vào một tàu đánh cá của Tàu cộng đang đánh bắt trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này.

Úc vẫn chưa được bị Tàu cộng thử nghiệm. Tuy nhiên, việc đuổi các thuyền buôn lậu người bất hợp pháp là một chuyện, đối đầu với một đội dân quân được Đảng Cộng sản Tàu kiểm soát, huấn luyện và vũ trang đầy đủ lại là một việc hoàn toàn khác.

Trong một bài báo năm 2017, Đô đốc Hải quân Mỹ đã nghỉ hưu, James Stavridis, cho biết chính phủ Tàu cộng đang quân sự hóa trực tiếp hành vi trộm cắp tài nguyên đại dương trên toàn thế giới. Cựu bộ trưởng ngư nghiệp Indonesia Susi Pudjiastuti đã mô tả hành động của Tàu cộng là “tổ chức tội phạm xuyên quốc gia”.

Vũ khí quân sự thông thường (Conventional military hardware) sẽ vẫn là nền tảng bảo vệ an ninh quốc gia của Úc. Việc tăng cường hệ thống phòng thủ trị giá 270 tỷ đô la của chính phủ Morrison trong 10 năm đã cho thấy mức độ quan tâm nghiêm trọng của nước Úc đối với các mối đe dọa trong tương lai. Tuy nhiên, với hàng trăm chiếc thuyền nhỏ, được trang bị tận răng, hoạt động lẻ tẻ trên vùng biển phía Bắc của nước Úc sẽ khó bị hải quân Úc chận đánh, nhưng nếu bị đánh thì cũng chẳng gây tổn hại cho chúng là bao nhiêu. Đám dân quân đánh cá này của Tàu cộng cũng có thể được dùng để xâm chiếm và giữ đất ở các vị trí chiến lược xung quanh đảo Papua New Guinea, Solomons và các hòn đảo ở xa xung quanh đó. Và tất nhiên, nếu hải quân Úc muốn đẩy lui chúng thì Tàu cộng sẽ nói rằng đó chỉ là những đoàn tàu đánh cá mà thôi. 

Năm ngoái, một tàu của Tàu cộng đã đâm chìm một tàu đánh cá của Phi Luật Tân, đồng thời nhận chìm mối quan hệ đang nảy nở giữa Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte và họ Tập của Tàu cộng.

Tuần trước, Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr cho biết nếu Tàu cộng tấn công một trong các tàu hải quân của họ, Phi Luật Tân sẽ kêu gọi sự trợ giúp của Mỹ, cũng như khởi động Hiệp ước Phòng thủ chung (Mutual Defense Treaty) đã có từ 69 năm qua của đôi bên.

Trong lịch sử, quan hệ của Úc và Phi Luật Tân đã được củng cố mạnh mẽ kể từ Thế chiến thứ hai. Cả hai đã cùng nhau chiến đấu trong Chiến tranh Triều Tiên. Năm 1995, Ủy ban Hợp tác Liên hiệp Phòng thủ (Joint Defense Co-operation Committee) được ký kết để thành lập và vào năm 2012, Thỏa thuận về Tình trạng Thăm viếng Của Các Lực lượng Quân sự (Status of Visiting Forces Agreement) đã được ký kết. Úc đã hỗ trợ Lực lượng Vũ trang Phi Luật Tân để vô hiệu hóa các phần tử nổi dậy của Nhà nước Hồi giáo ở Marawi trên đảo Mindano, miền nam Phi Luật Tân. Vào năm 2017, các cuộc đàm phán đầu tiên về Chiến lược Hải quân của hai quốc gia (Navy-to-Navy Strategy) đã bắt đầu, sau quan hệ Đối tác Toàn diện năm 2015 (Comprehensive Partnership). Kết quả của tất cả những điều này là Úc sẽ khó có thể từ chối việc giúp đỡ Phi Luật Tân, nhất là khi có sự tham gia của Hoa Kỳ.

Cướp bóc tài nguyên của các nền kinh tế khác và tràn vào lãnh hải là những hành động gây hấn được ngụy trang dưới dạng các hoạt động dân sự, và là một giải pháp ít tốn kém hơn là xung đột thông thường đối với các đối thủ hiện đang là đồng minh của của Mỹ, như Úc. Tương lai của cuộc xung đột, cũng vẫn như những gì mà chúng ta đã biết, là sẽ dựa trên sự suy nghĩ, trí tưởng tượng, về chiến thuật, kỹ thuật của chiến tranh. Việc Tàu cộng sử dụng dân quân đánh cá làm lính đánh thuê là một chiến thuật rất hữu hiệu, của trí tưởng tượng, mà Tàu cộng đã nghĩ ra.

Cuộc xâm lăng của Tàu cộng dựa trên tất cả các mặt trận: Giáo dục, Truyền thông, Cơ sở Hạ tầng Quan trọng, Nông nghiệp, Ngư nghiệp, Dữ liệu, Tài nguyên, Sở hữu trí tuệ, và bây giờ là virus. Đối với Tàu cộng thì không có sự phân biệt giữa dân sự và quân sự. Và không phải ném một viên đá, chứ nói chi đến những vũ khí quân sự trị giá hàng triệu đô la.

Chuyên gia an ninh người Anh, Edward Lucas, nhận xét quan điểm chủ yếu về chiến tranh ở phương Tây là nó “chỉ xảy ra khi các lực lượng chính quy hoặc không chính thức (dân quân) giao chiến với nhau bằng cách sử dụng động lực (sức mạnh – kinetic force)”. Với những chiến thuật mới của Tàu cộng đang áp dụng, thật khó tin là chúng ta, thế giới tự do, vẫn đang ngu ngơ, lẩn quẩn trong khái niệm cổ điển đó.

Kẻ du côn bắt nạt người thường che giấu sự bất an cá nhân nào đó (personal insecurity). Việc bắt nạt hiếm khi tiếp tục khi phải đối mặt với một đối thủ can đảm hoặc có nhiều đồng minh. Dường như đối đầu với Tàu cộng, dù ở ngoài khơi hay nơi nào khác, đều cần cả hai điều kiện, can đảm và nhiều đồng minh. Trong lúc này, nếu Úc xem thường các đội dân quân đánh cá được bảo trở bởi Tàu cộng thì sẽ có nguy hiểm về an ninh của quốc gia và của các quốc gia đối tác trong khu vực.

Bùi Phạm Thành phiên dịch

(Đặc San Lâm Viên)

Tham khảo:

Tác giả Jason Thomas là giáo sư về Risk Management của viện đại học Swinburne University of Technology và là giám đốc của Frontier Assessments.

China’s military funds and trains hundreds of fishermen to challenge us
https://www.theaustralian.com.au/commentary/chinas-military-funds-and-trains-hundreds-of-fishermen-to-challenge-us/news-story/4f2309bc95c3fa9dffd072c95adc4ccc

Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý với Trung cộng ở Biển Đông?

© Ảnh : Hồ Cầu-TTXVN

Đây được đánh giá là bước đi pháp lý mới của Việt Nam ở Biển Đông nhằm bảo vệ chủ quyền biển đảo của Việt Nam đối với hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa và các thực thể tranh chấp ở Biển Đông. Với “cái đầu lạnh và trái tim nóng”, Việt Nam đã sẵn sàng cho cuộc chiến pháp lý ở Biển Đông?

Việt Nam đề cử các trọng tài và hòa giải viên theo UNCLOS 1982

Thông tin Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Hoài Trung đã trao quyết định đề cử trọng tài viên và hòa giải viên theo UNCLOS 1982 quả thực thu hút sự chú ý của dư luận trong nước và quốc tế liên quan đến những diễn tiến mới về vấn đề tranh chấp trên Biển Đông.

Có thể nhìn nhận, tình hình Biển Đông thời gian qua diễn biến phức tạp. Thế đối đầu căng thẳng và nguy cơ xung đột giữa Mỹ – Trung cộng chưa có dấu hiệu lắng xuống. Những cuộc chiến ngôn từ giữa “đội quân chiến lang” hùng hậu của Bắc Kinh với Washington, Manila, Kuala Lumpur và các bên vẫn tiếp diễn. Trong khi đó, Hà Nội, cụ thể là Bộ Ngoại giao Việt Nam vẫn kiên định lập trường, tuyên bố chủ quyền đối với Hoàng Sa, Trường Sa, yêu cầu chính quyền Trung cộng không làm phức tạp thêm tình hình Biển Đông.

Liên quan đến “bước đi pháp lý mới” của Việt Nam ở Biển Đông, Bộ Ngoại giao Việt Nam thông tin cho biết, ngày 27/7 vừa qua, tại trụ sở Bộ Ngoại giao, thay mặt Lãnh đạo Bộ, Thứ trưởng Ngoại giao Lê Hoài Trung đã trao Quyết định cho các chuyên gia được đề cử vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên theo Công ước của Liên hợp quốc về Luật Biển năm 1982.

Trong thông cáo của Bộ Ngoại giao Việt Nam nêu rõ đề cử 4 hòa giải viên gồm ông Phạm Quang Hiệu, Trợ lý Bộ trưởng Bộ Ngoại giao, Đại sứ Huỳnh Minh Chính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, Đại sứ Nguyễn Thị Thanh Hà, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao và Đại sứ Nguyễn Quý Bính, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, nguyên Vụ trưởng Vụ Luật pháp và Điều ước quốc tế, Bộ Ngoại giao.

Đối với vị trí các trọng tài viên, Việt Nam đề cử PGS.TS. Nguyễn Hồng Thao, Học viện Ngoại giao, thành viên Ủy ban Pháp luật quốc tế của Liên hợp quốc, nguyên Phó Chủ nhiệm Ủy ban Biên giới quốc gia, PGS.TS. Nguyễn Thị Lan Anh, Học viện Ngoại giao, TS. Nguyễn Đăng Thắng, Vụ trưởng, Ủy ban Biên giới quốc gia, Bộ Ngoại giao, thành viên Tòa trọng tài thường trực quốc tế và PGS. Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

Bộ Ngoại giao Việt Nam khẳng định, hiện nay danh sách này đã được công bố chính thức trên trang thông tin của Liên hợp quốc về điều ước quốc tế (United Nations Treaty Collection).

“Trong các nước ASEAN, Việt Nam là nước thứ tư đề cử các chuyên gia vào danh sách trọng tài viên, hòa giải viên theo UNCLOS, sau Indonesia, Singapore và Thái Lan”, Bộ Ngoại giao cho biết.

Tính đến nay, đã có 46 nước tiến hành đề cử trọng tài viên và hòa giải viên nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên UNCLOS 1982.

Hôm 6/8 vừa qua, ĐSQ Việt Nam tại Singapore cũng tổ chức lễ trao quyết định đề cử của Bộ Ngoại giao Việt Nam cho PGS. Robert Beckman, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore.

Theo nhiều chuyên gia trong nước và quốc tế, động thái mới nhất này của Việt Nam thể hiện Hà Nội đang rất quan tâm đến phương diện pháp lý trong vấn đề giải quyết các tranh chấp ở Biển Đông thông qua luật pháp quốc tế.

Việt Nam đang chuẩn bị cho vụ kiện Trung cộng về Biển Đông?

Bước đi pháp lý mới này của Việt Nam lại làm dấy lên đồn đoán về khả năng Việt Nam đang chuẩn bị cho vụ kiện Trung cộng về vấn đề Biển Đông.

Đặc biệt là sau sự kiện ngày 24/8, Đại sứ Trung cộng tại Hungary Đoàn Khiết Long (Duan Jielong), đã trúng cử ghế Thẩm phán và là thành viên của Tòa án Quốc tế về Luật Biển (ITLOS). Như vậy, Đại sứ Đoàn Khiết Long là một trong số 6 người được bầu vào vòng bỏ phiếu đầu tiên của các Quốc gia thành viên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS). 

Giới quan sát quốc tế đánh giá, việc Trung cộng “có chân” ở ITLOS mang lại lợi thế không nhỏ cho Bắc Kinh khi cần giải quyết các tranh chấp quốc tế trên biển.

Sự kiện này cũng làm dấy lên những phỏng đoán về các bước đi tiếp theo của Việt Nam nhằm củng cố hơn nữa quyết tâm bảo vệ chủ quyền Biển Đông tuân thủ chặt chẽ luật pháp quốc tế.

Tuy nhiên, cũng còn khá sớm để khẳng định rằng, quyết định đề cử các trọng tài viên và hòa giải viên nhằm thực hiện quyền và nghĩa vụ của các quốc gia thành viên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật biển (UNCLOS) 1982 là biện pháp “đáp trả” hay nhằm chuẩn bị cho công cuộc khởi kiện Trung cộng ra tòa quốc tế của Việt Nam. Hà Nội vốn rất thận trọng trong từng chiến lược, quốc sách của mình.

GS. TS James Kraska (Trung tâm luật quốc tế Stockton, Đại học Hải chiến Hoa Kỳ) cho rằng Việt Nam, cũng như toàn bộ các bên đã ký UNCLOS 1982, có thể đề cử trọng tài viên nhằm lựa chọn cho một vụ kiện trong tương lai. Tuy nhiên, trao đổi với Tuổi Trẻ, vị chuyên gia cho hay, không nên hiểu động thái này là một phần trong kế hoạch chuẩn bị khởi kiện Bắc Kinh của Hà Nội.

“Thực tế là việc Việt Nam chỉ định một nhóm trọng tài không nhất thiết phải ngầm hiểu rằng họ đang khởi kiện ngay, mà đây đơn giản chỉ là việc thực thi quyền của mình trên tư cách một thành viên UNCLOS”, ông James Kraska nhấn mạnh.

Trong khi đó, “người trong cuộc”, một trong những ứng viên được đề cử làm trọng tài viên, đại diện cho Việt Nam, PGS. Robert Beckman phát biểu cho biết, việc đề cử này có nghĩa là Việt Nam chứng tỏ sự ủng hộ dành cho UNCLOS 1982 và các thủ tục giải quyết tranh chấp, thông qua việc thực hiện quyền của mình trong việc đề cử ứng viên vào danh sách trọng tài viên và hòa giải viên của Liên Hiệp Quốc.

“Rất nhiều quốc gia thành viên UNCLOS 1982 đã thực hiện quyền này. Đây không phải tín hiệu cho thấy Việt Nam đang có ý định khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại bất kỳ thành viên nào”, ông Beckman khẳng định.

Theo vị chuyên gia về luật biển, cần hiểu đúng hơn thì đây là tín hiệu cho thấy Việt Nam ủng hộ trình tự pháp lý dựa trên quy tắc được quy định trong UNCLOS 1982 và các thủ tục trong UNCLOS để giải quyết tranh chấp theo đường lối hòa bình giữa các quốc gia thành viên, xung quanh việc giải thích và áp dụng các điều khoản của công ước.

Là một chuyên gia giàu kinh nghiệm và nắm chắc luật quốc tế, Giám đốc Chương trình Luật và Chính sách Đại dương, Trung tâm Luật quốc tế, Đại học Quốc gia Singapore cho rằng, phần lớn các nước đề cử người vào danh sách trọng tài viên đến nay chưa từng khởi động các thủ tục giải quyết tranh chấp này.

Theo đó, cả Phi Luật Tân lẫn Malaysia đều không đề cử người vào danh sách trọng tài viên, tuy nhiên Phi Luật Tân đã khởi động thủ tục giải quyết tranh chấp chống lại Trung cộng, còn Malaysia cũng làm điều tương tự với Singapore trong vụ kiện cải tạo đất.

Sputnik (07.09.2020)