Seite auswählen

Biển Đông: Mỹ cam kết giúp Phi Luật Tân bảo vệ chủ quyền

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ Robert O’Brien và ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. tại lễ trao đạn dược, vũ khí của Mỹ cho Phi Luật Tân tại bộ Ngoại Giao Phi Luật Tân ở Pasay City, vùng thủ đô Manila (Phi Luật Tân), ngày 23/11/2020. REUTERS – ELOISA LOPEZ

Cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ đến Manila ngày 23/11/2020 với lời khẳng định sẽ giúp Phi Luật Tân chống lại các mối đe dọa biển đảo từ Trung cộng. Robert O’Brien nhắc đến bổn phận của Mỹ qua hiệp ước phòng thủ hỗ tương Mỹ-Phi từ năm 1951.

Sau chuyến viếng thăm Việt Nam, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ đến Manila. Trong buổi lễ trao tặng cho quân đội Phi Luật Tân nhiều loại vũ khí mới, được tổ chức trong ngày thứ Hai với sự hiện diện của Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr, ông Robert O’Brien tuyên bố Hoa Kỳ « sẽ bảo vệ chủ quyền quốc gia và các nguồn tài nguyên trên biển của Phi Luật Tân đúng theo quy định của luật quốc tế ».

Lập trường của Mỹ tại Biển Đông, cũng theo ông Robert O’Brien, đã được ngoại trưởng Mike Pompeo xác quyết trong tuyên bố hồi tháng Hai năm nay : « Mọi cuộc tấn công quân sự vào quân đội Phi Luật Tân, vào phi cơ hay thương thuyền của nước này trong vùng Biển Đông, sẽ buộc Hoa Kỳ thực hiện bổn phận tương trợ phòng thủ với Phi Luật Tân ».

Ngoài hiệp định 1951, cố vấn an ninh quốc gia của tổng thống Mỹ còn xác quyết là Washington ủng hộ quyết định của Tòa Trọng Tài Thường trực La Haye công bố ngày 12/07/2016 sau khi xem xét lập trường của Phi Luật Tân, bác bỏ các đòi hỏi chủ quyền của Bắc Kinh tại Biển Đông.

Đánh động tinh thần tự hào của người dân Phi Luật Tân, cố vấn an ninh quốc gia Mỹ nhấn mạnh « tài nguyên thiên nhiên của Phi Luật Tân là của thế hệ con, cháu của quý vị … mà không thuộc một nước nào khác, dù lớn hơn hay mạnh hơn Phi Luật Tân, cũng không thể bị chiếm đoạt và mang đi được », theo tường thuật của báo mạng Inquier.net.

Viện trợ vũ khí

Cũng theo nguồn tin này, vũ khí mới của Mỹ viện trợ cho quân đội Phi Luật Tân trị giá 18 triệu đô la gồm bom thường, bom bộc phá hầm bê tông, tên lửa TOW 2A. Theo tuyên bố của ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr,  số vũ khí này được tổng thống Donald Trump hứa tặng cho Phi Luật Tân để chống khủng bố Hồi Giáo nhân cuộc điện đàm hồi tháng Tư năm nay với tổng thống Duterte.

RFI (23.11.2020)

Hoa Kỳ cung cấp tên lửa, gia hạn cam kết bảo vệ Phi Luật Tân

Cố vấn An ninh Quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien (phải) và Bộ trưởng Ngoại giao Phi Luật Tân Teodoro Locsin tại văn phòng Bộ Ngoại giao ở Manila vào ngày 23 tháng 11 năm 2020. AFP

Hoa Kỳ đã cung cấp tên lửa dẫn đường và các vũ khí khác để giúp Phi Luật Tân chiến đấu với các tay súng liên kết cùng Nhà nước Hồi giáo và gia hạn hiệp ước cam kết bảo vệ đồng minh nếu nước này bị tấn công ở vùng Biển Đông, mà Manila gọi là Biển Tây Phi Luật Tân. AP đưa tin hôm 23 tháng 11 năm 2020.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ, Robert O’Brien đã đại diện cho Tổng thống Donald Trump thông báo như vậy tại Manila. Chính quyền của Tổng thống Trump cam kết cung cấp số tên lửa trị giá 18 triệu USD trong cuộc điện đàm với Tổng thống Phi Luật Tân Rodrigo Duterte vào tháng 4 vừa qua.

Trong phát biểu của mình về việc cung cấp tên lửa cho Manila, ông O’Brien đã trích dẫn vai trò của chính quyền Trump trong việc đánh bại nhóm Nhà nước Hồi giáo ở Trung Đông và vụ giết thủ lĩnh của nhóm này, Abu Bakr al-Baghdadi, ở Syria năm ngoái, và tiếp tục cam kết giúp Phi Luật Tân đánh bại các tay súng có liên hệ với IS ở miền nam nước này.

Ông O’Brien bày tỏ hy vọng về việc duy trì một thỏa thuận an ninh quan trọng cho phép các lực lượng Mỹ huấn luyện trong các cuộc tập trận chiến đấu quy mô lớn ở Phi Luật Tân. Ông nói rằng Hoa Kỳ sát cánh với Phi Luật Tân trong nỗ lực bảo vệ các quyền chủ quyền của mình ở Biển Đông.

Tổng thống Phi Luật Tân đã bãi bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng với Hoa Kỳ vào đầu năm nay nhưng sau đó đã dời hiệu lực của quyết định này đến năm sau. Tháng trước, Phi Luật Tân đã thông báo rằng họ sẽ nối lại các hoạt động thăm dò dầu khí trong hoặc gần Bãi Cỏ Rong (Reed Bank), nơi Trung cộng đang tuyên bố chủ quyền.

Cố vấn An ninh Quốc gia Mỹ nhắc lại tuyên bố của Ngoại trưởng Hoa Kỳ Mike Pompeo vào đầu năm nay rằng “bất kỳ cuộc tấn công vũ trang nào nhằm vào máy bay hoặc tàu công cộng của lực lượng Phi Luật Tân ở Biển Đông sẽ kích hoạt nghĩa vụ phòng vệ chung của chúng ta”. Các đồng minh đã có hiệp ước phòng thủ chung 69 năm.

Trong một tuyên bố đưa ra hồi tháng 7 năm nay, Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo viết rằng, “các yêu sách của Trung cộng tại Biển Đông là hoàn toàn phi pháp, đồng thời bác bỏ “đường lưỡi bò” của Trung cộng tự vẽ ra và lên án chính quyền Bắc Kinh đang bắt nạt các nước khác trong khu vực. Thế giới sẽ không cho phép Trung cộng ứng xử với Biển Đông như đế chế hàng hải của riêng mình.”

RFA (23.11.2020)

Khu trục hạm USS Barry trở lại Biển Đông

Tàu khu trục USS Barry  AFP

Khu trục hạm có tên lửa dẫn đường USS Barry của Hoa Kỳ đã trở lại Biển Đông hôm 22 tháng 11 năm 2020.

Website của Hạm đội Thái Bình Dương dẫn lời viên sĩ quan chỉ huy tàu USS Barry, Chris Gahl, cho hay mục đích quay trở lại Biển Đông của khu trục hạm nhằm “thực hiện hoạt động duy trì an ninh hàng hải và thúc đẩy hòa bình và ổn định ở khu vực”. Viên chỉ huy này nói thêm rằng, sự hiện diện liên tục của các chiến hạm của Mỹ ở Biển Đông đóng vai trò quan trọng trong việc duy trì một khu vực Ấn Độ Dương- Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Việc tàu USS Barry đi qua eo biển Đài Loan hôm 21 tháng 11 cũng nhằm bảo đảm quyền này và dần củng cố niềm tin của tất cả các nước có hoạt động thương mại ở Biển Đông.

Hôm 29 tháng 4 năm 2020, Hải Quân Mỹ loan báo chiến hạn USS Barry tiến hành hoạt động duy trì tự do hàng hải sát quần đảo Hoàng Sa. Lúc đó, hoạt động của chiến hạm USS Barry đã diễn ra theo kế hoạch và không hề gặp bất kỳ hành động thiếu an toàn hay thiếu chuyên nghiệp từ tàu thuyền hay máy bay quân sự Trung cộng.

USS Barry là tàu khu trục lớp Arleigh Burke, được trang bị hệ thống tác chiến điện tử AN/SLQ-32, tên lửa hành trình Tomahawk và nhiều loại vũ khí khác.

Tin cho biết, USS Barry hiện đang triển khai trong khu vực hoạt động của Hạm đội 7 nhằm thúc đẩy khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở. Từ đầu năm tới nay, USS Barry đã di chuyển hơn 65.000 hải lý và tham gia vào 8 cuộc tập trận đa quốc gia cũng như các nhiệm vụ huấn luyện cùng các đối tác như Australia, Canada, Nhật Bản và Hàn Quốc.

Hoa Kỳ luôn luôn khẳng định rằng các hoạt động của tàu hải quân Hoa Kỳ theo đúng luật quốc tế, nằm trong khuôn khổ các cuộc tuần tra tự do hàng hải FONOPs.

RFA (23.11.2020)

Tòa Đại sứ Mỹ, Trung đấu khẩu ở Hà Nội về Đảng Cộng sản Trung cộng

Bài đăng hôm 20/11 của Tòa Đại sứ Mỹ với phát biểu của Trợ lý Ngoại trưởng Stilwell về Đảng Cộng sản Trung cộng

Cơ quan đại diện ngoại giao của hai cường quốc hàng đầu thế giới đặt tại thủ đô của Việt Nam mới đây đấu khẩu trên các trang Facebook chính thức của họ, xoay quanh quan điểm của Đảng Cộng sản Trung cộng.

Hôm 20/11, trang Facebook của Đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội trích đăng một phát biểu của ông David Stilwell, Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ, nhận xét rằng: “Đảng Cộng sản Trung cộng ngày nay có quan điểm thù địch với các nước láng giềng, với Mỹ cũng như phần lớn các nước còn lại”.

Tòa Đại sứ Mỹ cho biết Trợ lý Ngoại trưởng chuyên trách Đông Á-Thái Bình Dương Stilwell phát biểu như trên trong một buổi thảo luận trực tuyến của Viện Hoover hồi cuối tháng 10.

Tại buổi thảo luận đó, ông Stilwell còn nói thêm rằng “Mục đích của ĐCS Trung cộng không phải vì sự ổn định hoặc tôn trọng chủ quyền của các quốc gia tôn trọng luật pháp”, vẫn theo Đại sứ quán Mỹ.

Bài đăng ngắn gọn bằng hai ngôn ngữ Việt và Anh của Tòa Đại sứ Mỹ nhận được hơn 3.200 phản ứng yêu, thích và hơn 700 lời bình luận ủng hộ.


Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak có trụ sở ở Singapore đánh giá với VOA rằng phát biểu của ông Stilwell cho thấy chính quyền của Tổng thống Trump xem ĐCS Trung cộng là người gây gổ với các nước láng giềng, trên cơ sở đó, chính quyền của ông Trump xác lập quan điểm đối ngoại và cách ứng xử về lâu dài của Mỹ với Trung cộng, thậm chí cả sau khi nước Mỹ có một chính quyền mới kể từ năm 2021.

Tuy nhiên, giáo sư Ngô Vĩnh Long thuộc Đại học Maine, Mỹ, nhận xét với VOA rằng Trợ lý Ngoại trưởng Mỹ Stilwell đã quá lời khi nói về Trung cộng. Theo giáo sư, tuy Trung cộng có gây áp lực với các nước láng giềng, song họ chưa đi đến mức thù địch.

Việc Tòa Đại sứ Mỹ đăng lên phát biểu của ông Stilwell vào thời điểm này sẽ không có tác dụng đặt ra đường hướng ngoại giao của Mỹ cho chính quyền mới, giáo sư Long nói. Ông dự báo rằng chính quyền của ông Biden khi nhậm chức sẽ có cách tiếp cận mềm dẻo hơn với Trung cộng.

Bài hôm 20/11 của Tòa Đại sứ Trung cộng ở Hà Nội, đáp lại một bài của Tòa Đại sứ Mỹ

Vài giờ sau khi Tòa Đại sứ Mỹ đăng bài, tòa Đại sứ Trung cộng ở Hà Nội đáp lại với một bài viết hơn 700 từ chỉ trích việc Đại sứ Mỹ công kích Đảng Cộng sản Trung cộng.

Cơ quan đại diện ngoại giao của đất nước 1,4 tỉ dân nói họ kiên quyết phản đối tình trạng một số chính khách và quan chức Mỹ trong thời gian qua đưa ra những lời “nói dối” và “công kích ác độc” đối với ĐCS Trung cộng, cũng như “cổ súy đối đầu ý thức hệ”.

Tiếp đến, tòa Đại sứ Trung cộng khẳng định rằng về mặt nội bộ, người dân nước này vẫn kiên định ủng hộ đảng, và về mặt quốc tế, các nước “sẽ không bị lừa đảo bởi những lời nói dối của quan chức Mỹ”.

Bài đăng của cơ quan đại diện ngoại giao Trung cộng nhận được hơn 1.300 phản ứng, trong đó có gần 900 biểu tượng “mặt cười”, hơn 100 biểu tượng “mặt tức giận”, hơn 300 biểu tượng “thích”.

Có gần 1.000 lời bình luận nhưng khó có thể đánh giá tỉ lệ phản đối hay ủng hộ vì phía tòa Đại sứ Trung cộng đã ẩn đi nhiều ý kiến.

Tiến sĩ Hà Hoàng Hợp nhận định với VOA rằng lời phản đòn của tóa Đại sứ Trung cộng một mặt nhắm đích đến là phía Mỹ song cũng mang tính đối nội, với mục đích nói với người dân Trung cộng rằng Mỹ có chính sách xấu xa.

Vẫn theo học giả thuộc Viện ISEAS-Yusof Ishak, tuy bài viết có phần tiếng Việt nhưng tòa Đại sứ Trung cộng không coi người Việt Nam là độc giả chính và cũng không đặt ra mục tiêu lôi kéo hay răn đe Việt Nam. Ông Hợp nói:

“Họ muốn độc chiếm Biển Đông, có những đòi hỏi vô lý, xâm hại chủ quyền và lợi ích quốc gia của Việt Nam, đặc biệt là bấy lâu nay gây gổ và hung hăng. Cho nên không thể nào mà dùng thông điệp này để lôi kéo hay răn đe Việt Nam”.


Phần nào có chung suy nghĩ, giáo sư Ngô Vĩnh Long bình luận:

“Tòa Đại sứ Trung cộng phải lên tiếng vì họ không muốn mất mặt với dân chúng của họ. Họ lên tiếng không phải để dọa nạt Việt Nam”.

Giáo sư Long cho rằng việc các cơ quan ngoại giao của hai nền kinh tế số 1 và số 2 thế giới khẩu chiến qua lại ở Hà Nội không làm cho Việt Nam thấy mình trở nên quan trọng hơn, thậm chí việc này còn làm Việt Nam thấy mình bị rơi vào thế kẹt.

Nhưng “Việt Nam không dại và không bị lôi kéo về một trong hai bên”, giáo sư Long nói thêm với VOA.

Các Facebooker Việt Nam bày tỏ thái độ đối với bài đăng của TĐS TC  nói về các phát ngôn của Mỹ; 20/11/2020

Tuy nhiên, về khía cạnh này, tiến sĩ Hà Hoàng Hợp có quan điểm khác khi ông cho rằng Việt Nam không cảm thấy khó xử khi hai nước lớn khẩu chiến ở thủ đô Hà Nội.

Đối với người dân Việt Nam, cuộc khẩu chiến là một diễn biến “thú vị”, tiến sĩ Hợp nói. Còn về phía giới chính trị Việt Nam, theo học giả này, họ đã xác định họ đứng về bên nào:

“Chính quyền Việt Nam biết rằng Mỹ và Trung cộng đang có ‘cạnh tranh nước lớn’ với nhau. Nhưng việc đó liên quan trực tiếp đến lợi ích quốc gia của Việt Nam, vì hiện nay Trung cộng muốn độc chiếm Biển Đông, muốn phủ nhận chủ quyền ở nơi mà Việt Nam tuyên bố. Do đó, Việt Nam đã nêu rõ Việt Nam thượng tôn pháp luật quốc tế và hoan nghênh các chính sách, các hành động thượng tôn pháp luật quốc tế, đặc biệt là các luật lệ về biển”.

Gần đây, theo quan sát của VOA, chính quyền Trung cộng nhiều lần sử dụng các trang Facebook bằng tiếng Việt do Bắc Kinh hậu thuẫn để công kích Mỹ.

Hôm 1/11, Đài Phát thanh Quốc tế Trung cộng đăng bài viết có nhan đề “Liệu còn nhớ những đau thương mà Mỹ gây ra cho Việt Nam nhằm chống đối Trung cộng” sau khi Ngoại trưởng Mỹ Mike Pompeo kết thúc chuyến thăm đột xuất đến Việt Nam kéo dài 2 ngày, từ 29 đến 30/10.

Bài viết nhắc nhở Hà Nội rằng Mỹ từng gây đau thương cho Việt Nam trong cuộc chiến cách đây nửa thế kỷ, và nay Mỹ có mưu đồ xúi giục các nước ASEAN chống Trung cộng về vấn đề Biển Đông.

Trước đó, hồi tháng 7, Tòa Đại sứ Trung cộng tại Hà Nội đăng bài cảnh báo rằng việc Mỹ xây dựng quan hệ tốt đẹp với Việt Nam là có mục đích “ly gián quan hệ Trung-Việt”, cũng như nhằm biến Việt Nam thành “con cờ phục vụ cho chiến lược Mỹ chèn ép Trung cộng”.

Cả hai bài viết đều vấp phải nhiều phê phán từ những người sử dụng Facebook ở Việt Nam, theo quan sát của VOA.

VOA (23.11.2020)

Cố vấn Trump cam kết ‘hậu thuẫn’ Việt Nam, Phi Luật Tân về Biển Đông

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien.

Cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Robert O’Brien hôm 23/11 đảm bảo với Việt Nam và Phi Luật Tân rằng Washington sẽ “hậu thuẫn” và chiến đấu để giữ cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở, Reuters đưa tin.

“Thông điệp của chúng tôi là chúng tôi sẽ ở đây. Chúng tôi hậu thuẫn cho các bạn và chúng tôi sẽ không rời đi”, ông O’Brien nói trong chuyến thăm Phi Luật Tân sau khi rời khỏi Việt Nam vào Chủ nhật (22/11).

“Tôi nghĩ khi chúng tôi gửi đi thông điệp đó – thông điệp hòa bình thông qua sức mạnh – là cách để răn đe Trung cộng. Đó là một cách để đảm bảo hòa bình”, Reuters dẫn lời ông O’Brien nói thêm.

Việt Nam và Phi Luật Tân là những đối thủ lớn tiếng nhất trong khu vực khi Trung cộng có những hành động lấn lướt ở Biển Đông và coi thường các ranh giới được nêu trong luật biển quốc tế.

Hoa Kỳ từ lâu đã phản đối yêu sách bành trướng chủ quyền của Trung cộng và thường xuyên điều tàu chiến đi qua tuyến đường thủy chiến lược để chứng tỏ quyền tự do hàng hải tại đây.

Trung cộng nói họ là một lực lượng vì hòa bình trong khu vực và coi sự hiện diện của Hoa Kỳ là hành động khiêu khích và can thiệp từ bên ngoài.

Cố vấn O’Brien khẳng định Hoa Kỳ sát cánh với Phi Luật Tân trong việc bảo vệ các quyền lợi tài nguyên ngoài khơi của họ.

Ông nói: “Những tài nguyên đó thuộc về con cháu của người dân ở đây. Chúng không thuộc về một số quốc gia khác chỉ vì họ lớn hơn Phi Luật Tân”.

“Điều đó thật sai lầm”, cố vấn an ninh Mỹ nói thêm.

Chuyến thăm của ông O’Brien diễn ra hơn một tuần sau khi Phi Luật Tân đình chỉ việc hủy bỏ Thỏa thuận các lực lượng thăm viếng (VFA) với Hoa Kỳ lần thứ hai, khi các đồng minh của hiệp ước đang tiến hành một thỏa thuận phòng thủ chung lâu dài.

VOA (23.11.2020)

Trung cộng trúng thầu xây dựng sân bay Campuchia

Một tập đoàn nhà nước của Trung cộng đã giành được hợp đồng xây dựng hạng mục quan trọng của sân bay quốc tế ở thủ đô Phnom Penh của Campuchia.

Đồ họa thiết kế sân bay quốc tế Phnom Penh (Ảnh: Nikkei)

Hãng tin Nikkei ngày 23/11 đưa tin, Tập đoàn Luyện kim Trung cộng (MCC) đã giành được hợp đồng trị giá 405 triệu USD để thiết kế và thi công hạng mục chính của dự án sân bay mới ở Phnom Penh. Đây là dự án có tổng mức đầu tư lên tới 1,5 tỷ USD mà Trung cộng chi gần như toàn bộ vốn đầu tư.

Sân bay này là một phần trong chiến lược của chính phủ Campuchia nhằm thúc đẩy ngành du lịch trong bối cảnh một số dự án khác trong đó có khu nghỉ dưỡng gần Angkor Wat đối mặt với sự hoài nghi về tính khả thi trong dài hạn.

Với MCC, hợp đồng trên là một chiến thắng mang ý nghĩa quan trọng. Đó là hợp đồng nước ngoài lớn nhất kể từ đầu năm nay của tập đoàn này. Đại dịch Covid-19 đã làm giảm đáng kể dự án ở nước ngoài của MCC trong năm nay. MCC chủ yếu dựa vào các dự án nội địa. MCC và các công ty con đã có một số dự án ở Campuchia, trong đó có dự án phát triển vùng duyên hải gây tranh cãi.

Ngoài MCC, một số đơn vị khác cũng tham gia vào dự án, trong đó có Công ty Kỹ thuật Xây dựng Nhà nước Trung cộng và công ty Foster & Partners của Anh chịu trách nhiệm thiết kế.

Sân bay Phnom Penh mới có diện tích khoảng 700 hecta sẽ do Công ty Đầu tư Nước ngoài Campuchia OCIC quản lý. Công ty này đã đầu tư 280 triệu USD và nắm khoảng 90% cổ phần dự án trong khi Cơ quan quản lý hàng không dân dụng Campuchia sở hữu 10% còn lại. Sân bay dự kiến sẽ khai thác giai đoạn đầu vào năm 2023.

Theo  Nikkei

Đất Việt (23.11.2020)

Biển Đông nên trở thành vùng biển hợp tác chứ không phải bất hòa

 Elena Nikulina

© Flickr / Naval Surface Warriors

Biển Đông có tầm quan trọng rất lớn không chỉ đối với các quốc gia và vùng lãnh thổ bao quanh, mà còn đối với toàn thế giới. Đây là một trong những khu vực quan trọng nhất trên thế giới về mặt kinh tế và môi trường.

Biển Đông là trọng tâm thảo luận

Hơn nửa đội tàu đánh cá trên thế giới đánh bắt cá ở Biển Đông, và hàng triệu người phụ thuộc vào vùng biển này để kiếm thức ăn và sinh kế. Biển Đông nằm trên tuyến hàng hải huyết mạch của thương mại thế giới, qua đó các nền kinh tế châu Á nhập khẩu phần lớn năng lượng và xuất khẩu phần lớn hàng hóa cho châu Âu. Biển Đông cũng có tầm quan trọng và vị trí then chốt trong việc đảm bảo khả năng di chuyển nhanh chóng của các hạm đội hải quân giữa Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương. Biển Đông còn là nơi chứa đựng nguồn tài nguyên hydrocarbon. Đây là một trong những nơi đẹp nhất trên Trái đất với hàng trăm hòn đảo và đảo san hô cùng hơn 6.500 loài sinh vật biển.

Nhưng đồng thời, Biển Đông là một trong những nơi “nóng” nhất trên hành tinh. Đây là nơi có các mối đan xen về lợi ích giữa các quốc gia Đông Nam Á và Trung cộng. Căng thẳng trong khu vực đang gia tăng trong bối cảnh khủng hoảng toàn cầu và sự cạnh tranh Mỹ-Trung ngày càng tăng.

Các vấn đề của Biển Đông đang được thảo luận ở nhiều cấp độ khác nhau, trong các cộng đồng chính trị, khoa học và chuyên gia. Một trong những địa điểm có thẩm quyền nhất là Hội thảo khoa học quốc tế về Biển Đông lần thứ 12 được tổ chức ở Hà Nội. Diễn giả dự hội thảo quốc tế vượt con số kỷ lục, ở đây có các chuyên gia uy tín đến từ 30 quốc gia. Trong số đó có các chuyên gia Nga, họ đã phát biểu về hai chủ đề lớn: vấn đề an ninh và việc khai thác tài nguyên của Biển Đông.

Ngăn chặn đám cháy là dễ hơn dập tắt nó

Chuyên gia Ksenia Kuzmina từ Hội đồng Nga về các vấn đề quốc tế (RIAC) nói về những kinh nghiệm của Nga trong việc giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột trên biển. Trong thời kỳ Chiến tranh Lạnh, Liên Xô và Hoa Kỳ đã phát triển một số công cụ pháp lý nhằm giảm thiểu rủi ro trong lĩnh vực hải quân, được bổ sung bằng các biện pháp xây dựng lòng tin và kênh liên lạc giữa quân đội Nga và quân đội Mỹ. Mặc dù mọi người đều muốn có một cơ chế đa phương toàn diện, nhưng, các hiệp định song phương có thể đạt được dễ hơn và có tính chất ràng buộc chặt chẽ hơn. Những cơ chế như vậy nên được thiết lập không chỉ giữa các quốc gia có chung biên giới, mà còn bao gồm các bên hữu quan khác, chủ yếu là Hoa Kỳ. Các thỏa thuận như vậy phải hoạt động nghiêm ngặt, tức là không bị chính trị hóa và không động đến các yêu sách lãnh thổ. Các quy tắc cụ thể phải được xây dựng dựa trên kiến ​​thức kỹ thuật và quân sự. Ngoài ra, cần phải thành lập cơ chế rà soát hoạt động thường xuyên, dựa trên thực tiễn, có chú ý đến những ​​kinh nghiệm trong giải quyết tranh chấp, quản lý xung đột ở vùng Biển Đông.

Biển Hoa Nam (Biển Đông)

Các bài học được rút ra từ những kinh nghiệm giải quyết tranh chấp, từ việc ngăn ngừa và quản lý rủi ro hàng hải cho thấy rõ tầm quan trọng rất lớn của liên lạc thường  xuyên – cả để phòng ngừa cũng như trong khi xảy ra sự cố – ở tất cả các cấp, bao gồm quân đội, các cơ quan thực thi pháp luật và các cơ quan dân sự liên quan, ví dụ, các cơ quan quản lý hoạt động đánh bắt cá và cảng biển. Trong bối cảnh này, các kênh liên lạc trực tiếp và đường dây nóng là cần thiết nhất. Mối quan hệ giữa các cá nhân phát triển thông qua trao đổi giáo dục và nhân viên, thông qua những hội thảo và cuộc họp cũng rất quan trọng để xây dựng lòng tin. Ở đây nói không chỉ về những người lãnh đạo mà còn về những nhân viên cấp dưới.

Các quy tắc ứng xử và thủ tục quản lý rủi ro mà tất cả các bên đều chấp nhận được có thể đóng một vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn sự leo thang căng thẳng trong khu vực Biển Đông. Tuy nhiên, thực tiễn cho thấy rằng, các công cụ này có thể mang lại kết quả chỉ khi tất cả các bên liên quan đều cam kết kiềm chế trong việc thực thi các hành động có thể làm phức tạp hoặc leo thang tranh chấp.

Cần phải bảo vệ vùng biển

Chuyên gia Ekaterina Koldunova từ Trung tâm ASEAN thuộc Đại học quan hệ quốc tế Moscow (MGIMO) đã dành bài phát biểu của mình về việc phát triển quy hoạch không gian biển, bao gồm quy hoạch và khai thác một số khu vực biển nhất định. Báo cáo nói về các cơ sở cảng, du lịch, hậu cần và sinh thái. Thái độ của nước Nga đối với các vấn đề biển được xác định rõ ràng trong Chiến lược phát triển các hoạt động trên biển đến năm 2030. Nga là một cường quốc hàng hải và cách giải quyết các vấn đề liên quan đến biển cũng có thể hữu ích cho các quốc gia khác.

Và Biển Đông cũng như các khu vực khác trên đại dương đang hứng chịu tất cả các hậu quả do hoạt động của con người khai thác tài nguyên trên biển: nguồn cá giảm, san hô chết, nhiều loài động vật biển biến mất, rác thải bừa bãi ra biển và nhiều hơn nữa. Tất cả những vấn đề này đòi hỏi những giải pháp cấp bách, vì thế cần phải sớm hợp nhất các nỗ lực của tất cả các nước trong khu vực này. Hợp tác chứ không phải đối đầu là giải pháp cho tương lai của Biển Đông và tất cả các quốc gia mà đối với họ Biển Đông là quê hương.

Sputnik (22.11.2020)