Tôi quen nhiều người phụ nữ gốc miền Trung, và tôi cảm nhận dường như tất cả họ đều xem việc chắt chiu dành dụm là lẽ sống.
1. Má tôi là người Quảng Ngãi. Nhưng má lại nói giọng pha miền Nam để thuận tiện trong việc buôn bán. Dù vậy, tôi vẫn thích nghe má nói chuyện với mấy người họ hàng cùng quê hơn. Khi gặp người cùng quê, má đổi giọng đặc sệt miền Trung, cùng tốc độ bắn chữ như tên lửa và dùng từ địa phương khiến cho tôi không ít lần ngơ ngác ngưỡng mộ. Lần nào tôi cũng chăm chú lắng tai nghe, có đôi khi không hiểu nhưng thấy thú vị vô cùng. Phải chăng, người nước ngoài khi nghe tiếng Việt, họ khen tiếng ta nghe như tiếng hát là bởi biên độ thanh âm trầm bổng trong giọng nói của người miền Trung?
2. Má tôi vóc người nhỏ thôi. Khi một mình gồng gánh nuôi bốn đứa con nhỏ, má tôi gầy chỉ còn 36 kg. Vậy mà trong con người ấy, lại có một sức mạnh phi thường. Người ta khen má, người ta bảo người miền Trung lam lũ vất vả, chịu thương chịu khó quen rồi, nhưng lại cực kỳ giỏi giang. Chữ nghĩa má thì ít, lại tha phương cầu thực lầm lũi tần tảo một tay nuôi đàn con. Người miền Trung mà, quen buôn thúng bán bưng nên khi vào Sài Gòn lập nghiệp, má cũng ngược xuôi buôn bán. Má nhanh nhẹn, lanh lẹ khi mua đầu chợ, bán cuối chợ; cứ chắt góp từng chút một để nuôi con. Mặc cho nhiều ánh mắt dòm ngó cả thương cảm lẫn chê bai: “Buôn bán kiểu đó, lời bao nhiêu đồng mà khổ sở quá!”.
Bánh bèo miền Trung. ẢNH: TRẦN CAO DUYÊN
3. Má tôi quen lối sống chắt chiu dành dụm của người miền Trung. Má luôn có một cuốn sổ ghi đầy đủ mọi chi tiêu trong ngày. Không bao giờ má phung phí một đồng; nếu có thì cũng chỉ là mua cho các con, lo cho chúng tôi được bằng bạn bằng bè. Tôi quen nhiều người phụ nữ gốc miền Trung, và tôi cảm nhận dường như tất cả họ đều xem việc chắt chiu dành dụm là lẽ sống. Họ ít khi nào tiêu xài hoang phí, họ luôn biết cách dùng đồng tiền mình làm ra một cách ý nghĩa nhất. Vậy nên, bố tôi rất yên tâm khi giao cho má quán xuyến hết mọi chi tiêu trong nhà. Và, chưa bao giờ tôi nghe bố phàn nàn bất kỳ điều gì về má cả.
4. Má tôi mê làm bánh như bao bà nội trợ dân miền Trung. Đi đến miền Trung mà không ăn bánh xèo, bánh bèo, bánh lọc, bánh canh là thiếu sót lắm. Tôi có diễm phúc khi được thưởng thức đủ các thứ bánh miền Trung nhờ đôi tay diệu kỳ của má. Má bảo bánh bèo, bánh xèo là nghề gia truyền ba đời. Má lớn lên cũng nhờ mấy đồng bán bánh đó. Những chén bánh bèo trắng trẻo tròn xoe, ít nước xốt tôm thịt đậm mùi bột nghệ làm má rưng rứt nhớ khôn nguôi về bà ngoại cùng cái lò đổ bánh ngoài quê. Nhưng, bao nhiêu của cải làm ra, má tích cóp lo cho chúng tôi ăn học; má mong mỏi nhưng chẳng dám chi đồng tiền tàu xe nào để về thăm quê suốt từ lúc theo bố tôi vào Nam sinh sống đến tận bây giờ.
5. Má lúc nào cũng tất bật công việc, không ngơi tay. Má làm cái gì cũng rốt rẻng, gọn gàng. Nếu bạn đến miền Trung, cứ thấy cách người ta thoăn thoắt múc bột, cho nhân, cho giá… vào các ô chảo nhỏ đổ bánh khọt thì bạn sẽ hiểu người miền Trung nhanh nhẹn đến bậc nào. Má tôi cũng vậy, cứ thoăn thoắt như một con sóc để lo cho gia đình. Vậy mà, đôi lúc, má có thể ngồi hàng giờ chỉ để lể và nhâm nhi mấy con ốc ruốc bé tẹo tèo teo bằng cái cúc áo. Khi thấy má đem bịch ốc về, trông nhiều màu sắc rực rỡ tôi thích lắm, có sẵn mấy gai chanh để lể ốc nữa. Tôi cũng hào hứng ngồi ăn ốc với má nhưng chỉ một lát là mất hết kiên nhẫn. Thịt ốc ít đến nỗi không đủ nhét kẽ răng. Tôi bỏ cuộc. Má chỉ mỉm cười. Cái mỉm cười hạnh phúc vì má đã tìm lại được một thời tuổi thơ của mình ở vùng biển nghèo Sa Huỳnh. Một lon ốc ruốc và những câu chuyện thuở nhỏ, lâu rồi mới có người cùng quê mang vào bán cái món ăn chơi đầy ký ức của má. Và, tôi cũng kịp nhận ra: những bộn bề lo toan, những mưu sinh vất vả của má dường như chẳng còn là gì khi má cứ nhẹ nhàng sống chậm như kiểu ngồi lể ốc ruốc mà thưởng thức vị mặn mòi của biển quê.
Song Kỳ (thanhnien.vn)