Seite auswählen

Trụ sở của Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung cộng (CNOOC) ở Bắc Kinh ngày 29/7/2016 AFP

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Năm cho biết họ đã thêm Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Trung cộng (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế của Hoa Kỳ. Lý do  vì CNOOC đã giúp Trung cộng đe dọa các nước láng giềng ở Biển Đông. Reuters đưa tin hôm 14/1/2021.

Tuần trước, Bộ Tài chính Mỹ đã tuyên bố sẽ thêm CNOOC vào danh sách trừng phạt, nhằm phong tỏa tài sản của tập đoàn này và cấm họ làm ăn với các công ty Mỹ.

Reuters dẫn lời Bộ trưởng Thương mại Mỹ Wilbur Ross rằng: “Các hành động liều lĩnh và hiếu chiến của Trung cộng ở Biển Đông và việc họ hung hăng thúc đẩy việc giành lấy tài sản trí tuệ và công nghệ nhạy cảm cho các nỗ lực quân sự hóa của mình là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Mỹ và an ninh của cộng đồng quốc tế”.

Theo ông Wilbur Ross, CNOOC có hành động ép Quân đội Giải phóng Nhân dân đe dọa các nước láng giềng và quân đội Trung cộng tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự – quân sự của chính phủ cho các mục đích xấu. CNOOC cũng nhiều lần quấy rối và đe dọa hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi ở Biển Đông, với mục tiêu gây rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài quan tâm, trong đó có Việt Nam.

Bộ Thương mại Hoa Kỳ cũng lên tiếng về việc Trung cộng xây dựng các đảo nhân tạo từ năm 2013, tạo điều kiện cho Đảng Cộng sản Trung cộng quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông để làm suy yếu quyền chủ quyền của các đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực.

Bộ Thương Mại Mỹ cũng đưa một công ty Trung cộng khác là Skyrizon vào danh sách người dùng quân sự đầu cuối (MEU) do có khả năng phát triển, sản xuất, bảo trì các thiết bị quân sự như động cơ máy bay quân sự.

Bộ trưởng Thương mại Mỹ cho rằng, đây là một công ty thuộc sở hữu nhà nước của Trung cộng, nỗ lực mua lại và tập trung hóa các công nghệ quân sự nước ngoài gây ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ.

Như vậy, tính tới thời điểm hiện tại, tổng cộng đã có 35 công ty của Trung cộng bị Mỹ xác định là công ty của quân đội hoặc có liên quan quân đội Trung cộng.

CNOOC và đại diện pháp lý của Skyrizon chưa bình luận gì về việc này.

RFA (15.01.2021)

 

 

 

Hoa Kỳ đưa CNOOC vào danh sách đen vì tiếp tay đe dọa các nước Biển Đông

Bộ Thương mại Hoa Kỳ hôm thứ Năm (ngày 14/1) cho biết họ đã thêm Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung cộng (CNOOC) vào danh sách đen kinh tế của mình, cáo buộc rằng tập đoàn này đã tiếp tay cho Trung cộng đe dọa các nước láng giềng thuộc khu vực Biển Đông.

Tổng công ty Dầu khí Hải dương Trung cộng (CNOOC) bị đưa vào danh sách đen kinh tế của Mỹ (Ảnh:  Brent Lewin/Bloomberg via Getty Images

 

Một công ty Trung cộng khác là Skyrizon cũng được đưa vào Danh sách Người dùng Quân sự Cuối (MEU) vì có khả năng “phát triển, sản xuất hoặc bảo trì các mặt hàng quân sự, chẳng hạn như động cơ máy bay quân sự”.

 

Bộ trưởng Thương mại Hoa Kỳ, ông Wilbur Ross cho biết: “Những hành động liều lĩnh và hiếu chiến của Trung cộng ở Biển Đông, cùng những cuộc tấn công điên cuồng nhằm chiếm dụng công nghệ và tài sản trí tuệ nhạy cảm để phục cho các nỗ lực quân sự hóa là mối đe dọa đối với an ninh quốc gia của Hoa Kỳ và cộng đồng quốc tế.”

 

Ông nói thêm: “CNOOC có hành động chèn ép Quân đội Giải phóng Nhân dân để dọa nạt các nước láng giềng của Trung cộng, và quân đội Trung cộng tiếp tục hưởng lợi từ các chính sách hợp nhất dân sự-quân sự của chính phủ nhằm phục vụ những mục đích thâm hiểm.”

 

Theo Bộ thương mại Hoa Kỳ, kể từ năm 2013 Trung cộng đã gấp rút xây dựng các đảo nhân tạo cho phép “Đảng Cộng sản Trung cộng quân sự hóa các tiền đồn đang tranh chấp ở Biển Đông, làm suy yếu chủ quyền của các đối tác Hoa Kỳ trong khu vực”.

 

CNOOC đã “nhiều lần quấy rối, đe dọa các hoạt động thăm dò và khai thác dầu khí ngoài khơi Biển Đông, hòng gia tăng rủi ro chính trị cho các đối tác nước ngoài có liên quan, bao gồm cả Việt Nam”.

 

Bộ trưởng Ross tiết lộ Skyrizon là “một công ty thuộc sở hữu của nhà nước Trung cộng – nỗ lực của công ty này trong việc tập trung và thu gom công nghệ quân sự từ nước ngoài đang đặt ra mối đe dọa đáng kể đối với an ninh quốc gia và lợi ích chính sách đối ngoại của Hoa Kỳ”.

The Epoch Times (15.01.2021)

 

 

Nam Dương “tố” tàu Trung cộng tắt bộ nhận diện, khảo sát trái phép

Reuters đưa tin, Đại tá Wisnu Pramandita, phát ngôn viên cơ quan an ninh biển của Nam Dương (Bakamla), cho biết trong một tuyên bố rằng giới chức nước này đã phát hiện tàu khảo sát Xiang Yang Hong 03 của Trung cộng đang tiến hành các hoạt động không được cấp phép tại Eo biển Sunda, sau khi hệ thống nhận diện tự động (AIS) của tàu này bị tắt đi 3 lần.

Tàu trên đã rời khỏi vùng đặc quyền kinh tế của Nam Dương sau đó vào hôm qua.

Giới chức an ninh Nam Dương đã theo dõi chặt chẽ hoạt động của các tàu Trung cộng quanh nước này, trong bối cảnh có những lo ngại về căng thẳng gia tăng trong khu vực về sự quân sự hóa của Trung cộng, cũng như cách hành xử của đội tàu tuần duyên và tàu cá nước này.

Vụ việc trên diễn ra sau khi ngư dân ngoài khơi đảo Sulawesi của Nam Dương hồi tháng trước phát hiện một thiết bị lặn không người lái nghi của quân đội Trung cộng, làm gia tăng lo ngại về nguy cơ vi phạm an ninh.

Các nhà phân tích cho biết, thiết bị trên có thể đã được chế tạo tại Trung cộng. Hải quân Nam Dương vẫn đang điều tra nguồn gốc của nó. Hiện chưa rõ có mối liên hệ nào giữa tàu nghiên cứu và thiết bị lặn không người lái trên hay không.

Theo Bakamla, tàu Xiang Yang Hong 03 nói với giới chức Nam Dương trong liên lạc vô tuyến rằng AIS của tàu đã bị hỏng.

Con tàu bị phát hiện trong khi giới chức tiến hành các hoạt động nhằm trục vớt chiếc máy bay của hãng hàng không Sriwijaya Air, vốn gặp nạn hồi cuối tuần qua với 62 người trên khoang.

Đại sứ quán Trung cộng tại Jakarta chưa có bình luận gì về con tàu khảo sát trên, trong khi một phát ngôn viên Bộ ngoại giao Nam Dương cho hay ông không biết bất kỳ hoạt động nghiên cứu biển nào được cấp phép.

Quần đảo Nam Dương nằm trên các tuyến đường biển có vai trò quan trọng chiến lược đối với thương mại. Các vùng biển này cũng là những ngư trường hải sản dồi dào và các nguồn dự trữ năng lượng quan trọng.

Dân Trí (14.01.2021)

 

 

 

Hoa Kỳ hạn chế cấp visa cho các quan chức Trung cộng tham gia quân sự hoá Biển Đông

Hình minh hoạ. Tàu nạo vét của Trung cộng ở Đá Vành Khăn thuộc Trường Sa ở Biển Đông. HÌnh chụp từ máy bay tuần tra của Mỹ hôm 21/5/2015  Reuters

Hoa Kỳ hôm 14/1 vừa ra lệnh hạn chế cấp visa đối với các quan chức thuộc quân đội giải phóng nhân dân Trung Hoa vì đã tham gia vào hoạt động xây lấp các đảo nhân tạo, quân sự hoá khu vực Biển Đông.

Thông cáo báo chí của Ngoại trưởng Mike Pompeo cho biết lệnh hạn chế này áp dụng cụ thể đối với các cá nhân thuộc quân đội Trung cộng, các lãnh đạo thuộc các công ty nhà nước, quan chức thuộc Đảng Cộng sản Trung Hoa và Hải quân Trung cộng chịu trách nhiệm hoặc đồng loã với việc xây dựng, mở rộng các đảo, quân sự hoá các tiền đồn ở Biển Đông, hoặc gây sức ép lên các quốc gia đòi chủ quyền ở khu vực trong việc cản trở họ trong hoạt động khai thác tài nguyên ở khu vực này.

Thông cáo viết: “Bắc Kinh tiếp tục gửi các hạm đội tàu cá, các tàu khảo sát được tàu của quân đội hộ tống đến hoạt động ở các vùng nước do các quốc gia Đông Nam Á có chủ quyền, quấy nhiễu hoạt động dầu khí của các quốc gia này trong khu vực, nơi Trung cộng đã thất bạ trong việc đưa ra đòi hỏi về chủ quyền trên biển một cách hợp pháp và thống nhất”.

Thông cáo của Bộ Ngoại giao Mỹ cũng nhắc lại phán quyết của Toà Trọng tài quốc tế (PCA) vào tháng 7/2016, bác bỏ yêu sách đường đứt khúc 9 đoạn mà Trung cộng tự vẽ ra trên biển.

Vào tháng 7 năm ngoái, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ lần đầu tiên chính thức đưa ra lập trường của mình về đòi hỏi của Trung cộng ở Biển Đông. Theo đó, Hoa Kỳ đã bác bỏ đòi hỏi này và ủng hộ phán quyết của toà PCA.

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ khẳng định Hoa Kỳ sẽ đứng cùng với các quốc gia có chủ quyền ở Biển Đông đang tìm kiếm việc bảo vệ chủ quyền và lợi ích của mình phù hợp với luật quốc tế.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục hành động cho đến khi chúng tôi thấy là Bắc Kinh dừng hành động lấn lướt ở Biển Đông”, thông cáo viết.

RFA (14.01.2021)

 

 

Việt Nam bình luận về kế hoạch tích hợp lực lượng hải quân của Mỹ trên Biển Đông

© Sputnik / Taras Ivanov

Bộ Ngoại giao Việt Nam trả lời câu hỏi của phóng viên Sputnik về việc Mỹ vừa đề ra kế hoạch tích hợp 3 lực lượng hải quân, thủy quân lục chiến và tuần duyên trở thành lực lượng quân sự chung trên biển nhằm ứng phó các thách thức mới mà trong đó có Biển Đông.

Bất kỳ quốc gia nào cũng phải tuân thủ luật pháp quốc tế về Biển Đông

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng khẳng định:

“Lập trường nhất quán của Việt Nam và các quốc gia trong và ngoài khu vực cần đóng góp có trách nhiệm vào mục tiêu chung duy trì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển tại Biển Đông, tuân thủ luật pháp quốc tế và công ước về Luật biển 1982 (UNCLOS 1982).”

Tranh chấp Biển Đông chưa bao giờ “hạ nhiệt”

Căng thẳng trên Biển Đông vẫn tiếp diễn trong nhiều năm do yêu sách của một số nước trong khu vực đối với quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa.

 

 Các quốc gia liên quan đến tranh chấp quyền sở hữu vùng lãnh thổ này là Việt Nam và Trung cộng. Ngoài ra, Brunei, Mã Lai, Đài Loan và Phi Luật Tân cũng tuyên bố chủ quyền một phần hoặc toàn bộ quần đảo.

Ngoài vị trí chiến lược nằm ở ngã tư của Ấn Độ Dương và Thái Bình Dương, quần đảo Trường Sa và Hoàng Sa còn được các chuyên gia đánh giá là nơi tập trung trữ lượng dầu và khoáng sản lớn.

Sputnik (14.01.2021)

 

 

 

Việt Nam lên tiếng việc Mỹ giải mật Khung Chiến lược kiềm tỏa Trung cộng

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam Lê Thị Thu Hằng. Photo VTV

Hôm 14/1, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Việt Nam nói rằng Việt Nam “hoan nghênh các sáng kiến giúp khu vực phát triển” khi được hỏi về việc Hoa Kỳ vừa công bố tài liệu Khung Chiến lược Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.

Trang Zing.vn dẫn lời người phát ngôn Lê Thị Thu Hằng nói: “Việt Nam mong muốn hoan nghênh các sáng kiến liên kết, kết nối ở khu vực, góp phần vào ổn định, hợp tác, phát triển của khu vực dựa trên luật lệ và tôn trọng luật pháp quốc tế, tôn trọng quyền và lợi ích chính đáng của tất cả quốc gia, bao gồm vai trò trung tâm của ASEAN trong cấu trúc khu vực đang hình thành”.

Bà Hằng cho biết lập trường trên cũng được Việt Nam và các nước ASEAN chia sẻ trong Tầm nhìn ASEAN về Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương (AOIP).

 

Khung Chiến lược dài 10 trang được chính quyền của Tổng thống Donald Trump xây dựng từ năm 2017, triển khai vào đầu năm 2018. Trước khi được Tòa Bạch Ốc giải mật hôm 5/1 và công bố 12/1, tài liệu này được xếp vào loại “bí mật” và “không dành cho công dân nước ngoài”.

Hàng loạt các chính sách chiến lược an ninh quốc phòng và cả thương mại của chính quyền Tổng thống Trump đối với khu vực cũng được hình thành từ tài liệu này. Tài liệu cho biết rõ mục đích là kiềm tỏa Trung cộng vì Bắc Kinh de đọa các lợi ích quốc gia của Hoa Kỳ.

Việt Nam được nêu tên trong tài liệu này như là một quốc gia mà Washington muốn thắt chặt quan hệ an ninh quốc phòng vì là một trong những nước Đông Nam Á đóng vai trò trung tâm của khối ASEAN trong cấu trúc khu vực.

Tài liệu này cung cấp “hướng dẫn chiến lược tổng thể” cho các hành động của Hoa Kỳ trong ba năm qua và được phát hành để thể hiện cam kết của Hoa Kỳ trong việc “đảm bảo cho khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở lâu dài trong tương lai”, Cố vấn An ninh Tòa Bạch Ốc Robert O’Brien cho biết trong một tuyên bố.

Hôm 13/1, Trung cộng cho biết tài liệu của Hoa Kỳ phóng đại cái gọi là “mối đe dọa Trung cộng” thành “chuyện giật gân”, theo trang Bloomberg.

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên (Zhao Lijian) phát biểu tại cuộc họp báo: “Nội dung chỉ chứng minh động cơ xấu của Hoa Kỳ nhằm kiềm chế Trung cộng và phá hoại hòa bình và ổn định của khu vực”.

VOA (14.01.2021)

 

 

Sự ‘ngông cuồng bất tận’ của ĐCS Trung cộng trên Biển Đông trong năm 2020

Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) sẽ quấy rối bất kỳ hoạt động gia hạn thăm dò dầu khí nào của các quốc gia trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền; đồng thời sẽ tăng cường gây áp lực lên các thành viên ASEAN để hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử vào năm 2021.

Thứ nhất, không có cuộc gặp trực tiếp nào giữa các thành viên ASEAN và Trung cộng thông qua “Nhóm công tác chung” để thực hiện “Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông” (JWG – DOC). Do đó, các cuộc đàm phán vốn đã khó khăn lại càng trở nên phức tạp và không đạt được tiến bộ nào về Bộ Quy tắc Ứng xử (COC) – nhằm quản lý các mối quan hệ giữa các quốc gia và các tranh chấp lãnh thổ trong các vùng biển tranh chấp.

 

Thứ hai, thủy thủ đoàn của USS Theodore Roosevelt đã bị nhiễm COVID-19 sau khi thăm Việt Nam vào đầu tháng 3/2020. Hàng không mẫu hạm chạy bằng năng lượng hạt nhân đã ngừng hoạt động trong hai tháng. Hoa Kỳ đã buộc tội Trung cộng lợi dụng đại dịch viêm phổi Vũ Hán để bắt nạt và đe dọa các quốc gia có tuyên bố chủ quyền.

 

Một bước phát triển lớn liên quan đến luật pháp quốc tế là ĐCSTH đã thành lập hai đặc khu hành chính mới ở Biển Đông vào ngày 18 tháng 4 – tại quần đảo Hoàng Sa và Bãi đá ngầm Nam sa Macclesfield Bank; và tại quần đảo Trường Sa. ĐCSTH tuyên bố cả hai nơi đều thuộc quyền quản lý của thành phố Tam Sa, trên đảo Phúc Lâm, Trung cộng. Việc thành lập các đặc khu hành chính này đã khiến Việt Nam và Phi Luật Tân phản đối.

 

Đảo Phú Lâm thuộc Hoàng Sa (Việt Nam) bị Trung cộng chiếm đóng và cải tạo bất hợp pháp. (Ảnh chụp màn hình)

 

Nhưng không có điều nào quan trọng hơn hàng loạt các tuyên bố được đệ trình lên Ủy ban Liên hợp quốc về Giới hạn đối với Thềm lục địa (CLCS); hoặc đệ trình sơ bộ của Mã Lai lên Tổng thư ký Liên hợp quốc vào ngày 12 tháng 12 năm 2019. Tuyên bố của Mã Lai bác bỏ cơ sở pháp lý của các tuyên bố về quyền lịch sử của Trung cộng. Trung cộng phản ứng bằng cách yêu cầu CLCS bác bỏ hoàn toàn yêu sách của Mã Lai.

 

Bản đệ trình năm 2019 của Mã Lai đã kích hoạt phản ứng của Phi Luật Tân (hai tuyên bố vào ngày 6/3/2020), Việt Nam (ngày 30/3/2020 và hai tuyên bố vào ngày 10/4/2020), Nam Dương (ngày 26/5/2020), Hoa Kỳ (ngày 1/6/2020), Úc (23/7/2020), Mã Lai (29/7/2020), và một đệ trình chung của Pháp, Đức và Vương quốc Anh (16/9/2020). Trung cộng đã đệ trình một phản hồi cho mọi đệ trình này.

 

Ba chủ đề nổi lên từ các cuộc trao đổi ngoại giao này là:

Bác bỏ hoàn toàn các yêu sách của Trung cộng đối với các quyền lịch sử;

Ủng hộ các tuyên bố chủ quyền đối với các vùng biển chỉ dựa trên Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS)

Ủng hộ quyết định của Tòa Trọng tài – tuyên bố chiến thắng của Phi Luật Tân chống lại sự bành trướng lãnh hải của Trung cộng.

Sự ‘tung hoành ngang ngược’ của ĐCSTH trên biển Đông

 

An ninh hàng hải ở Biển Đông bị ảnh hưởng bởi các tàu chấp pháp trên biển và hàng loạt cuộc tập trận hải quân của Trung cộng và Hoa Kỳ. Cảnh sát biển Trung cộng đã vào Vùng đặc quyền kinh tế của Mã Lai để quấy rối một tàu khoan dầu hoạt động theo hợp đồng với Petronas – công ty dầu khí quốc doanh của Mã Lai – từ cuối tháng 1 đến tháng 2 năm 2020.

 

Năm 2020 cũng được đánh dấu bởi hai sự cố do tàu chiến Trung cộng gây ra, việc Washington tiếp tục hiện diện hải quân và hoạt động tự do hàng hải (FONOPS), sự thay đổi về sự hiện diện của máy bay ném bom của Mỹ có trụ sở tại Guam, cũng như các cuộc tập trận hải quân chưa từng có của Trung cộng và Mỹ.

 

Chính quyền Trump đã nâng số lượng FONOPS hàng năm do hải quân Hoa Kỳ thực hiện, đáng chú ý nhất là Hoa Kỳ đã tiến hành 2 FONOPS liên tiếp vào cuối tháng 4/2020.

 

Vào tháng 4 – tháng 5/2020, ĐCSTH đã tìm cách tận dụng việc mất khả năng chiến đấu của Hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt bằng cách cử Nhóm tác chiến Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh đến Bắc Biển Đông – để tiến hành các hoạt động bay và một loạt các cuộc tập trận. Washington đã đáp trả vài tháng sau đó với sự khẳng định mạnh mẽ nhất về sức mạnh hải quân ở Biển Đông kể từ năm 2014, bằng cách cử ba Nhóm tấn công Hàng không mẫu hạm.

Tàu USS Ronald Reagan, ngoài cùng bên trái, hoạt động với Hàng không mẫu hạm trực thăng của Lực lượng phòng vệ hàng hải Nhật Bản JS Izumo ở Biển Đông vào tháng 6 năm 2019: tuần tra tự do hàng hải – không chỉ Mỹ mà các đồng minh khác cũng được yêu cầu. (Nguồn ảnh: Hải quân Hoa Kỳ).

 

Trung cộng đã đáp trả sự hiện diện của hàng không mẫu hạm Mỹ bằng cách điều 4 máy bay chiến đấu và 4 máy bay ném bom đến đảo Phúc lâm ở Hoàng Sa vào đầu tháng 7/2020. Bắc Kinh sau đó đã tiến hành một loạt các cuộc tập trận hải quân trùng với cuộc tập trận Vành đai Thái Bình Dương (RIMPAC) thường niên ngoài khơi Hawaii từ ngày 17-31/8/2020.

 

Trong một cuộc biểu dương sức mạnh đáng chú ý, Trung cộng đã bắn hai tên lửa đạn đạo từ các địa điểm riêng biệt trên đất liền vào vùng biển giữa đảo Hải Nam và Hoàng Sa. Trong tháng 9/2020, Trung cộng đã thực hiện 4 cuộc tập trận hải quân đồng thời ở Biển Đông, Biển Hoa Đông, Hoàng Hải và Vịnh Bột Hải.

 

Trong tháng 11/2020, Hải quân Trung cộng đã tiến hành hai cuộc tập trận riêng biệt trên Biển Đông. Cuộc tập trận đầu tiên bao gồm bốn tàu đổ bộ, trong khi cuộc tập trận thứ hai bao gồm một đội tàu tên lửa tàng hình. Lực lượng Bảo vệ Bờ biển và Dân quân Hàng hải Trung cộng tiếp tục các cuộc tuần tra ‘bình thường’ và quấy rối các hoạt động thăm dò dầu khí – do các quốc gia ven biển tiến hành trong khu vực “đường chín đoạn” mà ĐCSTH tuyên bố chủ quyền.

 

Trong tương lai, căng thẳng ở Biển Đông khó có thể lắng xuống khi Trung cộng và Hoa Kỳ tiếp tục có các hành động, phản ứng đáp trả – qua các cuộc tập trận quân sự. Trung cộng sẽ quấy rối bất kỳ hoạt động thăm dò dầu khí nào của các quốc gia trong vùng biển mà họ tuyên bố chủ quyền.

 

Đồng thời, nhiều khả năng ĐCSTH sẽ tăng cường gây áp lực lên các thành viên ASEAN để hoàn thành Bộ Quy tắc Ứng xử vào năm 2021. Hãy chờ đợi xem liệu chính quyền Biden sẽ tái tham gia với ASEAN và đưa ra đối trọng thế nào với ĐCSTH?

Carlyle A Thayer

NTDVN (14.01.2021)

 

 

 

Hoa Kỳ giải mật kế hoạch đối đầu với Trung cộng

Không quân Mỹ và Nhật Bản diễn tập đội hình phối hợp với hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan (CVN 76), ngày 01/06/2017 ở biển Nhật Bản. Ảnh tư liệu chụp công bố ngày 02/06/2017. AFP – ARTUR SEDRAKYAR

Chính quyền Mỹ, cho phép giải mật một kế hoạch nhạy cảm, trong đó vạch ra chiến lược Ân Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ để đối phó với sự bành trướng của Trung cộng.

Tài liệu gồm 10 trang vào tháng 2/2018 được xếp vào loại « mật », để đối phó với mối đe dọa ngày càng tăng từ Trung cộng. Dự định chỉ được công bố vào năm 2043, nhưng tuần rồi đã được chính quyền Donald Trump cho phép giải mật và công khai vào hôm nay, 13/01/2021, với chữ ký của cố vấn an ninh quốc gia Mỹ O’Brien.

Văn bản khẳng định an ninh và thịnh vượng của Hoa Kỳ tùy thuộc vào sự tham gia tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương « tự do và rộng mở » – sẽ là động cơ cho tăng trưởng của Mỹ, của khu vực và toàn cầu. Hoa Kỳ không thể để cho Trung cộng thống trị trên không và trên biển tại chuỗi đảo đầu tiên (bao gồm các quần đảo Kuril, Nhật Bản, Lưu Cầu và Đài Loan, Bắc Phi Luật Tân và Borneo).

Hoa Kỳ cần phải hỗ trợ sự trỗi dậy của Ân Độ, tăng cường bộ Tứ Ấn-Nhật-Úc-Mỹ. Washington sẽ giúp hiện đại hóa lực lượng phòng vệ Nhật Bản và tăng khả năng tự vệ của Đài Loan. Tại khu vực Đông Nam Á và Thái Bình Dương, Mỹ muốn nâng cao vai trò của ASEAN, thắt chặt mối quan hệ với Việt Nam, Singapore, Mã Lai, Nam Dương.

Về mặt kinh tế, Hoa Kỳ sẽ tăng cường kết nối với các quốc gia muốn cải cách theo hướng thị trường, xúc tiến mô hình hội nhập phát triển tại Ấn Độ-Thái Bình Dương, như một giải pháp đáng tin cậy thay thế cho « Nhất đới, nhất lộ ». Bên cạnh đó là việc mở rộng vai trò APEC, giúp đỡ hình thành cộng đồng kinh tế ASEAN qua việc tạo điều kiện thương mại, hiện đại hóa hải quan, hài hòa các tiêu chuẩn. Washington cũng khuyến khích các công ty tư nhân Mỹ hăng hái tham gia vào lãnh vực đầu tư và thương mại tại khu vực Ấn Độ-Thái Bình Dương.

Tờ báo Úc Sydney Morning Herald cho rằng sở dĩ tài liệu được giải mật vào lúc này, là do các viên chức đã phác thảo ra chiến lược muốn được nhìn nhận công sức của họ. Đồng thời khuyến khích tổng thống tân cử Joe Biden tiếp tục chiến lược Ân Độ-Thái Bình Dương hiện nay, gởi một thông điệp mạnh mẽ đến các đồng minh của Mỹ.

RFI (13.01.2021)