Mục lục
Hoa Kỳ cử một số hàng không mẫu hạm tấn công đến Biển Đông
© REUTERS / Matt Brown
Hoa Kỳ đã điều một nhóm hàng không mẫu hạm tấn công vào Biển Đông sau khi 13 máy bay Trung cộng bay gần Đài Loan, The Japan Times đưa tin.
Nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ ở Biển Đông
Theo một tuyên bố từ Bộ Tư lệnh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ, nhóm tấn công do tàu khu trục Theodore Roosevelt dẫn đầu “đang thực hiện kế hoạch triển khai như một phần của Hạm đội 7 của Mỹ để đảm bảo tự do trên các vùng biển”.
Hoạt động của tàu bao gồm các chuyến bay bằng phi cơ và trực thăng, các cuộc tập trận tấn công hải quân và huấn luyện chiến thuật phối hợp của các đơn vị mặt nước và không quân.
Áp lực của Bắc Kinh đối với Đài Loan
Trước đó, phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Ned Price đã đưa ra một tuyên bố, trong đó ông “thúc giục” Bắc Kinh chấm dứt “áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế” đối với Đài Loan và tham gia đối thoại mang tính xây dựng với các đại diện được bầu cử dân chủ của nước này.
Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Hua Chunying nói rằng Trung cộng phản đối bất kỳ cuộc tiếp xúc chính thức nào giữa Hoa Kỳ và Đài Loan. Cơ quan này đã cảnh báo rằng nếu Hoa Kỳ duy trì chính sách của mình đối với hòn đảo, họ sẽ “phải trả một cái giá lớn.”
Năm 1949, sau cuộc nội chiến ở Trung cộng, lực lượng Quốc dân đảng, do người đứng đầu chính phủ Trung Hoa Dân Quốc, Tưởng Giới Thạch, cầm đầu, đã chuyển đến Đài Loan. Kể từ thời điểm đó, các lực lượng của nước cộng hòa được công nhận một phần đã kiểm soát hòn đảo, nhưng tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Trung cộng. Nhà cầm quyền Bắc Kinh coi Đài Loan là đơn vị hành chính cùng tên của mình.
Sputnik (24.01.2021)
Hàng không mẫu hạm Mỹ trở lại Biển Đông, lần đầu tiên từ khi Biden nhậm chức tổng thống
Ảnh minh họa: Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt thao diễn cùng với Hải Quân Nhật Bản ngày 15/01/2021 trên Thái Bình Dương. Từ trái qua phải: Khu trục hạm John Finn, tuần dương hạm Bụnker Hill, hàng không mẫu hạm Theodore Roosevelt, khu trục hạm Nhật Bản JS Kongo và JS Asahi. © USS Theodore Roosevelt (CVN 71) – Petty Officer 2nd Class Casey
Nhóm tác chiến của hàng không mẫu hạm Mỹ USS Theodore Roosevelt, đã tiến vào Biển Đông từ ngày hôm qua 23/01/2021 để thúc đẩy quyền “tự do hàng hải” vào lúc Trung cộng cho oanh tạc cơ liên tục xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan. Đây là lần đầu tiên Bộ Tư Lệnh Ấn Độ-Thái Bình Dương của Hoa Kỳ điều hàng không mẫu hạm đến Biển Đông kể từ khi ông Joe Biden chính thức nhậm chức tổng thống Mỹ ngày 20/01/2021.
Trong thông cáo đề ngày 24/01, Bộ Tư Lệnh Ấn Độ- Thái Bình Dương Mỹ cho biết thêm là nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Mỹ lần này bao gồm hàng không mẫu hạm USS Theodore Roosevelt, tuần dương hạm lớp Ticonderoga được trang bị tên lửa dẫn đường USS Bunker Hill cùng hai khu trục hạm lớp Arleigh Burke cũng có tên lửa dẫn đường USS Russell và USS John Finn.
Quân Đội Mỹ nói rõ là nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm đến Biển Đông tiến hành các hoạt động thường lệ « để đảm bảo tự do trên biển, xây dựng quan hệ đối tác nhằm thúc đẩy an ninh hàng hải ». Reuters trích dẫn chuẩn đô đốc Doug Verissimo, chỉ huy hải đội tác chiến, theo đó các hoạt động này là nhằm « trấn an các đồng minh và đối tác ».
Theo kế hoạch, nhóm hàng không mẫu hạm Mỹ sẽ tiến hành diễn tập tấn công và hiệp đồng tác chiến trong thời gian ở Biển Đông.
Hàng không mẫu hạm Mỹ trở lại Biển Đông trong bối cảnh căng thẳng giữa Trung cộng và Đài Loan gia tăng: Đài Bắc vào hôm nay 24/01 thông báo: Trung cộng lại cho 15 máy bay, trong đó có 12 chiến đấu cơ, xâm nhập vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, gần quần đảo Pratas. Hôm qua, chính quyền trên đảo cũng cho biết là Bắc Kinh đã cho máy bay ném bom, chiến đấu cơ bay vào khu vực này.
Hành động dọa nạt Đài Loan đã bị Washington phản đối. Theo hãng tin Mỹ AP, Washington đã tái khẳng định sự ủng hộ đối với Đài Bắc ngay từ hôm qua sau vụ Bắc Kinh điều 8 máy bay ném bom có khả năng mang vũ khí hạt nhân và 4 chiến đấy cơ vào không phận tây nam Đài Loan. Theo giới quan sát, đây là cách Bắc Kinh đe dọa Đài Bắc và thử thách quyết tâm của tân chính quyền Mỹ Biden.
Bộ Ngoại Giao Mỹ đã tỏ ý lo ngại trước những nỗ lực của Trung cộng nhằm đe dọa các nước láng giềng, bao gồm cả Đài Loan. Phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Mỹ, Ned Price, kêu gọi « Bắc Kinh ngừng gây áp lực quân sự, ngoại giao và kinh tế đối với Đài Loan, thay vào đó tham gia vào các cuộc đối thoại có ý nghĩa với các đại diện Đài Loan đã được bầu lên theo cách dân chủ ».
Bộ Ngoại Giao Mỹ cũng khẳng định Washington sẽ tiếp tục đẩy mạnh quan hệ với Đài Bắc và đảm bảo khả năng phòng thủ của Đài Loan trước các mối đe dọa từ Trung cộng, đồng thời ủng hộ giải pháp hòa bình để giải quyết các vấn đề Trung – Đài.
Hiện giờ Bắc Kinh vẫn chưa bình luận về các phát biểu từ phía chính quyền Biden.
RFI (24.01.2021)
Trung cộng gây áp lực ở Biển Đông, tàu Mỹ vào khu vực
NGUỒN HÌNH ẢNH,U.S. NAVY / GETTY Chụp lại hình ảnh, Tàu mẹ USS Theodore Roosevelt trong hành trình trên Biển Ả-rập hồi 2001
Nhóm tàu hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ do tàu mẹ USS Theodore Roosevelt dẫn đầu đã tiến vào Biển Đông nhằm thúc đẩy “tự do trên biển”, quân đội Hoa Kỳ nói hôm Chủ Nhật.
Tuyên bố được đưa ra giữa lúc căng thẳng đang dâng cao giữa Trung cộng và Đài Loan, khiến Washington quan ngại.
Không chỉ gây căng thẳng với Đài Loan, Bắc Kinh trước đó còn gây lo ngại nghiêm trọng trong khu vực, với việc lần đầu tiên thông qua luật cho phép lực lượng hải cảnh nước mình nổ súng vào tàu thuyền nước ngoài.
‘Phép thử đối với vấn đề Đài Loan’
Bộ Tư lệnh Ấn Độ – Thái Bình Dương của Hoa Kỳ trong một tuyên bố nói rằng nhóm tàu tấn công đã tiến vào Biển Đông hôm thứ Bảy, cùng ngày với việc Đài Loan nói có sự xâm nhập nghiêm trọng của các máy bay ném bom và các chiến đấu cơ Trung cộng vào vùng nhận dạng phòng không của Đài Loan, gần khu vực Quần đảo Pratas.
Đài Loan nói tám máy bay ném bom và bốn chiến đấu cơ Trung cộng đã bay vào vùng tây nam khu vực định dạng phòng không Đài Loan, và phía Đài Loan đã triển khai các tên lửa để “theo dõi” đối phương, Bộ Quốc phòng Đài Loan nói.
Sang đến ngày hôm sau, Trung cộng tiếp tục bay vào vùng trời gần sát Đài Loan với lượng chiến đấu cơ nhiều hơn hôm trước.
Tin cho hay 15 phi cơ của quân đội Trung cộng đã bay vào sát hòn đảo hôm Chủ Nhật.
Các nhà phân tích nói rằng Trung cộng đang ‘nắn gân’ mức độ ủng hộ của tân Tổng thống Joe Biden dành cho Đài Loan.
Song song với tuyên bố của phía quân đội, Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thúc giục Trung cộng chấm dứt việc gây áp lực lên Đài Loan, và tái xác nhận cam kết của mình đối với hòn đảo.
“Chúng tôi thúc giục Bắc Kinh hãy chấm dứt gây sức ép quân sự, ngoại giao và kinh tế lên Đài Loan, và thay vào đó hãy tham gia vào cuộc đối thoại có ý nghĩa với những đại diện được bầu cử một cách dân chủ của Đài Loan,” phát ngôn viên Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price nói.
“Chúng tôi sẽ tiếp tục hỗ trợ Đài Loan trong việc duy trì, đảm bảo năng lực tự vệ.”
Luật Hải Cảnh gây lo ngại
Trung cộng hôm thứ Sáu, 22/1 thông qua Luật Hải Cảnh, cho phép “thực hiện mọi biện pháp, gồm cả việc sử dụng vũ khí khi chủ quyền lãnh thổ, quyền chủ quyền và quyền tài phán [của Trung cộng] bị xâm phạm bất hợp pháp trên biển bởi các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài”.
Từ trước đến nay, lực lượng hải cảnh Trung cộng vốn đã nhiều lần xua đuổi tàu cá nước khác, đôi khi dẫn đến các vụ va chạm, đâm chìm tàu đối phương.
Nay, với luật mới thông qua, người ta lo ngại rằng Trung cộng đang khiến Biển Đông trở thành nơi sẽ bùng nổ các vụ đụng độ ở tầm mức khốc liệt hơn nhiều.
Trung cộng từ nhiều năm nay đã tuyên bố chủ quyền và ngày càng quyết liệt trong việc xác quyết chủ quyền đối với hầu hết diện tích Biển Đông, nơi mà Việt Nam, Phi Luật Tân, Brunei và Đài Loan cũng tuyên bố chủ quyền từng phần.
Trung cộng là ‘thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ’?
NGUỒN HÌNH ẢNH,GETTY IMAGES Chụp lại hình ảnh,Người được đề cử làm tân Ngoại trưởng Hoa Kỳ, ông Antony Blinken, nói ông đồng ý với chính sách cứng rắn của chính quyền ông Trump đối với Trung cộng, tuy ông không đồng ý về biện pháp thực hiện
Quân đội Hoa Kỳ nói rằng nhóm tàu tấn công có mặt tại Biển Đông nhằm thực hiện các chiến dịch thường lệ “để đảm bảo tự do đi lại trên biển, xây dựng mối quan hệ hợp tác vốn nuôi dưỡng an ninh hàng hải”.
“Với hai phần ba vận chuyển thương mại thế giới được thực hiện qua lại ở khu vực rất quan trọng này, điều then chốt là chúng tôi phải duy trì sự hiện diện của mình và tiếp tục thúc đẩy việc duy trì trật tự dựa trên nguyên tắc tuân thủ pháp luật, vốn là điều đã cho phép tất cả chúng ta phát triển thịnh vượng,” Chuẩn Đô đốc Doug Verissimo, người chỉ huy nhóm tàu tấn công, nói trong một tuyên bố.
Tuyên bố của quân đội Hoa Kỳ được đưa ra chỉ vài ngày sau khi ông Joe Biden tuyên thệ nhậm chức tổng thống.
Cựu tướng Lloyd Austin, 67 tuổi, người đã được Thượng viện Mỹ chuẩn thuận để làm Bộ trưởng Quốc phòng, nói “Trung cộng là ‘mối đe doạ tăng tốc’ (China is a pacing threat)” khi trình bày đường hướng cho quân lực Hoa Kỳ hôm thứ Ba.
Ông Antony Blinken, người được đề cử làm tân Ngoại trưởng trong chính quyền Biden, có cùng quan điểm.
Tại buổi xác nhận việc bổ nhiệm ông tại Thượng viện hôm thứ Ba, ông Blinken nói rằng không nghi ngờ gì, Trung cộng chính là thách thức lớn nhất của Hoa Kỳ so với bất kỳ quốc gia nào khác.
Ông nói rằng ông đồng ý với quan điểm cứng rắn của chính quyền Donald Trump đối với Trung cộng, tuy không đồng ý về biện pháp thực hiện.
Ông Blinken nói thêm tại buổi điều trần rằng ông tin là có một nền tảng rất vững chắc được xây dựng trong chính sách lưỡng đảng trong vấn đề đối đầu với Bắc Kinh.
BBC (24.01.2021)
Bắc Kinh cho phép cảnh sát biển bắn tàu nước ngoài, khi cần
Tàu hải cảnh Trung cộng (màu trắng) nhìn từ tàu cảnh sát biển Việt Nam trên Biển Đông, cách bờ biển Việt Nam khoảng 210 km (130 dặm) ngày 14/5/2014. REUTERS/Nguyen Minh/File Photo
Hôm thứ Sáu 22/1, Trung cộng thông qua một đạo luật, lần đầu tiên công khai cho phép cảnh sát biển Trung cộng nổ súng vào các tàu nước ngoài, một động thái có thể làm dậy sóng các vùng biển đang trong vòng tranh chấp chung quanh Trung cộng.
Trung cộng đang tranh chấp chủ quyền lãnh hải với Nhật Bản ở biển Hoa Đông, và với nhiều nước Đông Nam Á, trong đó có Việt Nam, trên Biển Đông.
Bắc Kinh đã điều tàu hải cảnh đánh đuổi các tàu đánh cá của các nước khác, và đôi khi đánh chìm những tàu này.
Ủy ban thường vụ Đại hội đại biểu Nhân dân toàn quốc, cơ quan lập pháp cao nhất Trung cộng, thông qua Luật Hải Cảnh hôm 22/1, truyền thông nhà nước Trung cộng cho biết.
Theo bản văn dự thảo luật công bố trước, lực lượng hải cảnh Trung cộng được phép sử dụng “mọi phương tiện cần thiết” để chặn hoặc tránh các mối đe dọa từ các tàu nước ngoài.
Luật ghi rõ các điều kiện nên sử dụng các loại vũ khí nào, chẳng hạn vũ khí cầm tay, vũ khí gắn trên tàu, hoặc vũ khí từ máy bay, có thể được sử dụng.
Đạo luật cho phép nhân viên hải cảnh phá hủy các cấu trúc do các nước khác xây trên những đảo đá, bãi cạn mà Trung cộng tuyên bố thuộc chủ quyền của họ, đồng thời cho phép hải cảnh Trung cộng lên tàu và lục soát các tàu nước ngoài đi lại trong các vùng biển mà Trung cộng tuyên bố thuộc chủ quyền của họ.
Đạo luật còn cho phép lực lượng hải cảnh tạo ra các khu cấm tạm thời “khi cần thiết” để chặn các tàu khác, hay nhân sự nước khác xâm nhập.
Trước quan ngại của các nước khác, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Hoa Xuân Oánh hôm thứ Sáu nói luật hải cảnh của Trung cộng “phù hợp với thông lệ quốc tế”.
Điều khoản đầu tiên của đạo luật giải thích luật này là cần thiết để bảo vệ chủ quyền, an ninh và quyền hàng hải của Trung cộng.
Luật Cảnh sát Biển được thông qua 7 năm sau khi Trung cộng sáp nhập nhiều cơ quan thực thi pháp luật dân sự để thành lập Cục Hải cảnh Trung cộng.
Cục Hải cảnh chính thức trở thành một nhánh của lực lượng quân sự trực thuộc Quân ủy Trung ương Trung cộng vào năm 2018.
VOA (23.01.2021)
Biển Đông nóng lên từ đầu năm
Trương Công Hùng
Hình minh hoạ. Tàu hải cảnh của Trung cộng AP
Tình hình biển Đông ngay từ đầu năm 2021 đã cho thấy độ “nóng” dữ dội với các sự kiện như sau:
Nhật Bản gửi Công hàm lên Liên Hợp Quốc
Ngày 19/01/2021, Nhật Bản đã gửi Công hàm lên Liên hợp quốc để phản đối Công hàm CML/63/2020 của Trung cộng thể hiện lập trường của Trung cộng đối với vấn đề Biển Đông như sau:
“Nhật Bản, với tư cách là một quốc gia thành viên của Công ước Liên hợp quốc về Luật Biển (UNCLOS), phản đối lập trường của Trung cộng rằng “Trung cộng vẽ đường cơ sở đối với các đảo và đá tại Biển Đông phù hợp với UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung”. UNCLOS đặt ra một cách cụ thể và đầy đủ các điều kiện để áp dụng các đường cơ sở, tuy nhiên Trung cộng không thể dẫn ra được các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở trên. Không hề có một cơ sở nào để một quốc gia thành viên biện hộ cho việc áp dụng những đường cơ sở không thỏa mãn các điều kiện UNCLOS nêu ra.
Trung cộng cũng đề cập tới tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông tại Công hàm số CML 63/2020. Tự do hàng hải và hàng không cần được đảm bảo tại vùng biển và vùng trời xung quanh, cũng như phía trên các cấu trúc nửa nổi, nửa chìm, không có lãnh hải và vùng trời của riêng chúng, như Phán quyết của Tòa Trọng tài Biển Đông ngày 12/7/2016 đã nêu. Phán quyết này là chung thẩm đối với các bên trong tranh chấp. Tuy nhiên, Trung cộng không chấp nhận Phán quyết, và khẳng định rằng họ có “chủ quyền” đối với vùng biển, vùng trời xung quanh và phía trên các cấu trúc nửa nổi, nửa chìm đó. Trên thực tế, Trung cộng đã phản đối việc tàu bay Nhật bay qua vùng trời xung quanh Đá Vành Khăn và có ý định hạn chế quyền tự do hàng không ở Biển Đông.”
Các chuyên gia cho biết, Nhật Bản gửi công hàm vào thời điểm này thể hiện sự quan tâm đến vấn đề tranh chấp biển với Trung cộng sau khi Trung cộng càng ngày càng thể hiện sự hung hăng khi liên tiếp điều các tàu xâm phạm vùng biển Hoa Đông mà Nhật Bản và Trung cộng tranh chấp xung quanh đảo Senkaku.
Trung cộng công bố Luật Hải cảnh mới
Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình ngày 22/1 đã ký Lệnh công bố Luật Hải cảnh (sửa đổi) của quốc gia này. Luật Hải cảnh của TQ bắt đầu có hiệu lực từ 1/2/2021.
Trung cộng đã lấy ý kiến về dự thảo luật này từ cuối năm 2020, tuy nhiên, thời điểm công bố luật này chỉ hai ngày sau khi ông Trump giã từ chức vụ Tổng thống và ông Biden nhậm chức Tổng thống. Việc công bố Luật hải cảnh vào thời điểm này thể hiện các vấn đề sau:
Thứ nhất, Trung cộng muốn tận dụng thời cơ. Nếu như khi ông Trump còn giữ chức vụ Tổng thống thì Trung cộng không dại gì “chọc giận” ông Trump, vốn ra quyết định rất bất ngờ và khó lường hậu quả. Đối với Tổng thống Biden, ông khó có thể quan tâm đến các chính sách đối ngoại khi chưa ổn định được các vấn đề trong nước như Đại dịch COVID-19, khủng hoảng kinh tế và các vấn đề chính trị hậu Trump. Đây chính là thời cơ tuyệt vời để Trung cộng có thể tận dụng mà không sợ bị Mỹ – đối thủ lớn nhất của Trung cộng phản ứng.
Thứ hai, đây cũng có thể coi là đòn “đánh phủ đầu” để răn đe với các quốc gia có các tranh chấp biển với Trung cộng, bao gồm Biển Đông, Biển Hoa Đông và Biển Hoàng Hải. Trong số này, đặc biệt kể đến Nhật Bản và Việt Nam.
Hình minh hoạ. Ngoại trưởng Phi Luật Tân Teodoro Locsin Jr. (trái) và Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị ở Manila, Phi Luật Tân hôm 16/1/2021. Reuters
Năm 2020, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị đã đi thăm 5 nước ASEAN. Đầu năm 2021, Vương Nghị tiếp tục đi thăm 4 quốc gia còn lại, duy nhất Việt Nam là không ghé thăm. Điều đó cho thấy thái độ “không hài lòng” của Trung cộng đối với Việt Nam. Báo chí Trung cộng còn đe doạ, Việt Nam đừng “đu đưa với Mỹ”. Năm 2020 chứng kiến các hoạt động tích cực trong quan hệ của hai quốc gia vốn là cựu thù này. Và Trung cộng muốn dùng Luật hải cảnh này để “cảnh cáo” Việt Nam.
Thứ ba, đây cũng là hành động “thăm dò” phản ứng của Hoa Kỳ với tân chính quyền Hoa Kỳ xem khả năng quan tâm và can dự đối với biển Đông đến mức độ nào?
Đe doạ từ lực lượng Hải cảnh Trung cộng
Luật hải cảnh của Trung cộng tạo ra nhiều lo ngại cho thế giới. Điều 19 của luật này trao quyền cho lực lượng hải cảnh Trung cộng, bao gồm cả việc sử dụng vũ khí, khi chủ quyền quốc gia, quyền chủ quyền và quyền tài phán bị các tổ chức hoặc cá nhân nước ngoài xâm phạm bất hợp pháp trên biển hoặc đối mặt với nguy cơ sắp bị xâm phạm bất hợp pháp. Vấn đề là Trung cộng luôn giải thích các vùng biển rộng lớn là biển thuộc chủ quyền quốc gia của mình, trong đó có Biển Đông, Biển Hoa Đông và Hoàng Hải.
Luật hải cảnh Trung cộng cũng cho phép lực lượng hải cảnh đưa các đảo nhân tạo mà Trung cộng đã bồi lấp, cải tạo và xây dựng trên Biển Đông (trong đó có 7 thực thể tại quần đảo Trường Sa và một số thực thể tại quần đảo Hoàng Sa) vào trong phạm vi bảo vệ của lực lượng này, cho phép họ tham gia thực thi pháp luật trên tất cả các vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa và cả trên không. Thậm chí, dự luật còn cho phép hải cảnh Trung cộng dỡ bỏ các công trình do nước ngoài xây dựng tại những vùng biển thuộc “quyền quản lý” của lực lượng này. Ngoài ra, Luật hải cảnh còn cho phép hải cảnh được tịch thu và tiêu hủy tàu nước ngoài nếu họ “xâm phạm trái phép vùng biển” của Trung cộng.
Hải cảnh Trung cộng đã trở thành lực lượng cảnh sát biển lớn nhất thế giới. Trong suốt thời gian vừa qua, các vùng biển quanh Trung cộng đã bị khuấy động bởi hoạt động của các đội tàu từ Trung cộng. Ở biển Hoa Đông, các tàu Trung cộng đang thăm dò vùng biển xung quanh quần đảo Senkaku do Nhật Bản nắm giữ, những mỏm đá không người ở mà Trung cộng cũng tuyên bố chủ quyền và gọi là Điếu Ngư. Ở Biển Đông, Trung cộng biến các thực thể mà họ đang nắm giữ tại Trường Sa và Hoàng Sa thành các căn cứ quân sự kiên cố.
Mỹ và các đồng minh lần lượt cử một đoàn tàu chiến ngày càng lớn đến vùng biển này để thách thức các tuyên bố chủ quyền của Trung cộng. Hải quân Trung cộng, lực lượng hải quân lớn nhất thế giới, cũng đang hoạt động tích cực hơn bao giờ hết. Tuy nhiên, lực lượng Hải cảnh nước này, ngày càng đóng vai trò quan trọng trong các tranh chấp biển.
Năm 2013, Trung cộng hợp nhất một số cơ quan thực thi pháp luật hàng hải dân sự thành một cơ quan thống nhất mới, gọi là Cục Hải cảnh Trung cộng. 5 năm sau, lực lượng này được đặt dưới quyền kiểm soát của Cảnh sát Vũ trang Nhân dân, một lực lượng bán quân sự báo cáo cho Quân ủy Trung ương, cơ quan quân sự tối cao của Trung cộng. Trên thực tế, việc này đã biến lực lượng Hải cảnh Trung cộng thành một nhánh của lực lượng vũ trang Trung cộng.
Hiện tại, lực lượng Hải cảnh Trung cộng có hơn 500 tàu, đứng đầu về tiềm lực trong khu vực. Nhật Bản đứng thứ hai, thua xa Trung cộng, với 373 tàu. Các nước khác có tiềm lực rất xa so với Trung cộng. Đài Loan có 161 tàu, Phi Luật Tân 86 tàu và Indonesia chỉ 41 tàu. Các tàu của Trung cộng cũng mạnh hơn. Một thập kỷ trước, Trung cộng chỉ có 10 tàu, có lượng giãn nước ít nhất 1.500 tấn (tương đương với quy mô của một tàu chiến nhỏ). Nhưng đến năm 2015, Trung cộng đã có 51 tàu như vậy. Viện nghiên cứu Chiến lược quốc tế (tổ chức tư vấn có trụ sở tại London) cho biết, hiện tại, Trung cộng đã có 87 tàu.
Nhiều tàu Hải cảnh Trung cộng giờ đây đã vượt xa các tàu chiến lớn nhất trong các lực lượng hải quân nhỏ nhất của khu vực. Ví dụ tàu lớp Zhaotou (Chiêu Đầu) của cảnh sát biển Trung cộng là một tàu có trọng lượng 12.000 tấn. Đây là tàu lớn nhất thế giới được chế tạo cho mục đích như vậy. Boong tàu rộng, chứa được 2 trực thăng, 1 khẩu pháo 76mm và 1 kho vũ khí. Trung cộng có 2 chiếc tàu như vậy. Một tàu được triển khai trên bờ biển phía đông. Chiếc tàu mới nhất, CCG 3901 (viết tắt của “Hải cảnh Trung cộng”), bắt đầu hoạt động vào năm 2017 trong chuyến tuần tra đầu tiên trên Biển Đông, đây là khu vực hoạt động của tàu này. Sự xuất hiện của con tàu khổng lồ này nhằm một mục đích: Trung cộng hậu thuẫn các tuyên bố chủ quyền của nước này trong khu vực trên bằng “khối thép” như vậy.
Đặc điểm này rất có lợi cho Trung cộng vì Trung cộng sử dụng Hải cảnh không chỉ để thực thi luật hàng hải thông thường như bắt những kẻ buôn lậu mà còn để phô trương sức mạnh. Năm 2019, khi Trung cộng cử tàu khảo sát Hải Dương 8 đến vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) của Việt Nam, nước này cử một đội tàu Hải cảnh đi hỗ trợ, trong đó có cả tàu CCG 3901. Một số tàu Trung cộng đã ngăn chặn tàu cảnh sát biển của Việt Nam tiếp cận giàn khoan.
Hồi tháng 4/2020, khi tàu Hải Dương 8 được cử đến vùng biển kinh tế Mã Lai, tàu CCG 3901 lại được cử đi kèm. Một báo cáo do Trung tâm nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế ở Washington công bố năm 2019 cho biết 14 tàu hải cảnh Trung cộng tuần tra các thực thể có tranh chấp ở Biển Đông đã phát sóng vị trí của mình trên Hệ thống nhận dạng tự động, một mạng lưới theo dõi tàu quốc tế, để chứng tỏ “sự hiện diện thường xuyên, rõ ràng của Trung cộng”. Việc Hải cảnh Trung cộng gần như liên tục canh gác trên Biển Đông là nhờ nguồn cung ứng mà lực lượng này nhận được từ các tiền đồn mới xây dựng của Trung cộng ở khu vực đó.
Tàu hải cảnh Trung cộng cũng thường xuyên tuần tra trong vùng lân cận của các đảo trong vùng biển Hoa Đông và thường xuyên ra vào khu vực lãnh hải 12 hải lý xung quanh quần đảo Senkaku, tạo nên những lần rượt đuổi với các tàu Nhật Bản có nhiệm vụ duy trì quyền kiểm soát các thực thể của Tokyo. Trong khi đó, Không quân Quân giải phóng nhân dân Trung cộng (PLAAF) tuần tra quanh quần đảo Senkaku và các hòn đảo phía Nam của Nhật Bản dẫn đến việc thường xuyên xuất kích ngăn chặn của Lực lượng Phòng vệ Trên không Nhật Bản..
Nhiều quốc gia, trong số đó có Mỹ, lo lắng về vai trò ngày càng lớn của Hải cảnh Trung cộng nhằm tăng cường sức mạnh biển của họ,. Năm 2019, một đô đốc Mỹ đã ám chỉ rằng, trong trường hợp xảy ra đụng độ, hải quân Mỹ sẽ đối xử với các tàu thuộc lực lượng hải cảnh và dân quân biển Trung cộng không khác gì các tàu của hải quân nước này. Tháng 10/2020, Mỹ cho biết sẽ tìm hiểu khả năng triển khai các tàu tuần duyên của riêng mình đến Samoa, ở Nam Thái Bình Dương để đối phó với “hoạt động đánh bắt cá bất hợp pháp, không báo cáo và không được kiểm soát cũng như quấy rối tàu thuyền các quốc gia khác” của Trung cộng.
Với việc tiến tới sẽ công bố Luật Hải cảnh mới như vậy, điều này sẽ khiến an ninh trong khu vực biển Đông thời gian tới sẽ tiếp tục tình trạng căng thẳng, bất ổn.
RFA (23.01.2021)
Nhật Bản muốn can dự vào tranh chấp tại Biển Đông?
© AFP 2020 / STR
Sự can thiệp của Nhật Bản vào tranh chấp Biển Đông có thể làm xấu đi mối quan hệ của họ với Trung cộng, nhưng sẽ không dẫn đến sự thụt lùi nghiêm trọng trong quan hệ với Bắc Kinh.
Theo các chuyên gia được Sputnik phỏng vấn, một trong những nguyên nhân khiến Nhật Bản gia tăng sức ép lên Trung cộng trong vấn đề này là ý muốn thể hiện lòng trung thành với chính quyền Biden và củng cố vị thế của Tokyo trong nhóm Bộ tứ Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương.
Trong những năm gần đây, tại các hội nghị thượng đỉnh G7, Nhật Bản đã ủng hộ lập trường của các đối tác phương Tây lên án chính sách của Trung cộng ở Biển Đông. Vào năm 2016, Tòa án Trọng tài Thường trực (PCA) tại La Hay đã đưa ra phán quyết về vấn đề này. Sau đó, Hoa Kỳ, Úc, Anh, Pháp và Đức, Indonesia, Việt Nam, cũng như Phi Luật Tân, nước đã đệ đơn kiện lên PCA, đã gửi công hàm lên LHQ.
Trước đây, Tokyo cũng đã kêu gọi Bắc Kinh công nhận phán quyết của Tòa án La Hay. Vào tuần này, Nhật Bản đã sử dụng diễn đàn LHQ để thu hút sự chú ý đến vấn đề Biển Đông. Tờ South China Morning Post đưa tin, ngày 19/1, phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại LHQ đã gửi công hàm tới Tổng thư ký LHQ Antonio Guterres, cáo buộc Trung cộng vi phạm Công ước LHQ về Luật Biển ở vùng Biển Đông. Trong một ghi chú, Nhật Bản cũng cáo buộc Trung cộng hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông.
Nhật Bản và một số nước trong khu vực sẽ tìm cách kéo chính quyền Biden về phía mình để giải quyết các vấn đề của họ. Trong cuộc phỏng vấn của Sputnik, chuyên gia Vladimir Evseev của Viện Nghiên cứu Chiến lược Nga (RISI) lưu ý đến khía cạnh này khi bình luận về việc Nhật Bản can dự vào tranh chấp tại Biển Đông.
“Đối với Nhật Bản, việc triển khai chính sách chống Trung cộng là cực kỳ quan trọng, đó là lý do tại sao nước này nhắc nhở về mối đe dọa từ Trung cộng trong bức công hàm gửi lên Liên Hiệp Quốc. Các đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, không chỉ Nhật Bản mà cả Hàn Quốc, đều có những vấn đề nghiêm trọng với Trung cộng. Một số đối tác của Hoa Kỳ trong khu vực Biển Đông cũng gặp phải những vấn đề tương tự. Do đó, hiện nay các đồng minh của Hoa Kỳ ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương sẽ ngày càng tích cực nêu lên vấn đề Trung cộng để biến chủ đề này thành một ưu tiên quan trọng trong chính sách đối ngoại của chính quyền Biden, để áp lực của Mỹ lên Trung Quốc giúp họ giải quyết các vấn đề với nước này.
Trump đã theo đuổi chính sách khá cứng rắn nhằm gây sức ép không chỉ với Trung cộng mà còn với các đồng minh của Mỹ trong khu vực. Họ đã phàn nàn rằng, ông không tính đến lợi ích của các đồng minh. Bây giờ các đồng minh của Mỹ yêu cầu để các lợi ích của họ được tính đến đầy đủ. Họ sẽ cố gắng thuyết phục Biden và các thành viên trong chính quyền của ông rằng, Hoa Kỳ nên ủng hộ tích cực hơn các chính sách của họ để tăng cường quan hệ đồng minh. Để có như vậy các nước đồng minh phải thể hiện sự trung thành với Hoa Kỳ, kể cả trong việc kiềm chế Trung cộng. Nhưng điều này không phải lúc nào cũng phù hợp với lợi ích quốc gia của Mỹ, bởi vì mối quan hệ Mỹ-Trung xấu đi có thể tạo ra nhiều vấn đề cho người Mỹ. Vì vậy, chính quyền Biden sẽ phải đối mặt với lựa chọn khó khăn”.
Nhân tiện, Nhật Bản có thể chọn lựa giữa kinh nghiệm của mình và kinh nghiệm của Australia trong việc xây dựng quan hệ với Trung cộng. Tokyo có thể cứ theo kinh nghiệm sẵn có của Australia. Do chính sách ngoại giao thiển cận, quốc gia này đã phá hỏng nghiêm trọng các mối quan hệ kinh tế với đối tác thương mại chính của mình. Can thiệp vào tranh chấp Biển Đông sẽ dẫn đến một viễn cảnh như vậy. Trong khi đó, Tokyo vẫn nhất quán phát triển quan hệ kinh tế và thương mại với Bắc Kinh bất chấp tranh chấp lãnh thổ ở biển Hoa Đông và những bất đồng lịch sử. Trung cộng và Nhật Bản vẫn là đối tác thương mại chính của nhau trong khu vực và đang cố gắng sử dụng một cách khôn ngoan thành quả này để hình thành các mối quan hệ chính trị ổn định.
Sputnik (23.01.2021)
Biển Đông: Bắc Kinh ra luật cho phép Hải Cảnh ‘‘nổ súng’’ vào tàu nước ngoài
Ảnh tư liệu, 23/09/2015, một tàu hải cảnh Trung cộng hoạt động trong vùng biển Scarborough, tranh chấp chủ quyền với Phi Luật Tân. AP – Renato Etac
Nguy cơ đụng độ bùng phát tại Biển Đông gia tăng. Chính quyền Trung cộng chính thức ra luật cho phép lực lượng Hải Cảnh có « mọi biện pháp cần thiết », bao gồm cả việc nổ súng vào tàu nước ngoài, để bảo vệ chủ quyền quốc gia.
Theo truyền thông nhà nước Trung cộng, Ủy ban Thường vụ Quốc Hội Trung cộng đã thông qua Luật nói trên vào ngày hôm qua, 22/01. Luật sẽ có hiệu lực kể từ ngày 01/02/2021 tới. Trong buổi họp báo hôm qua tại Bắc Kinh, phát ngôn viên bộ Ngoại Giao Trung cộng, bà Hoa Xuân Oánh, khẳng định luật này sẽ cho phép « bảo đảm hòa bình và ổn định » trên biển.
Hãng tin Mỹ Bloomberg dẫn nguồn tin của Tân Hoa Xã, hôm nay, 23/01, cho biết kể từ giờ lực lượng tuần duyên Trung cộng có quyền sử dụng vũ khí, để ngăn chặn hoặc phòng ngừa trước các thách thức từ phía tàu thuyền nước ngoài, hoạt động trong các vùng biển thuộc chủ quyền hoặc « quyền tài phán » của Trung cộng. Bộ luật vừa được chính quyền Bắc Kinh ban hành liên quan đến Biển Đông và biển Hoa Đông.
Luật mới của Bắc Kinh không nói rõ các vùng biển thuộc quyền tài phán của Trung cộng cụ thể bao gồm những khu vực nào, nhưng theo báo Nhật Nikkei Asia, yêu sách của Trung cộng sẽ bao gồm khu vực xung quanh quần đảo Senkaku/Điếu Ngư và vùng nằm trong bản đồ 9 đoạn ở Biển Đông (còn gọi là « đường lưỡi bò »), ăn sâu vào các vùng đặc quyền kinh tế của nhiều quốc gia ven bờ, như Việt Nam, Phi Luật Tân hay Mã Lai. Yêu sách đường 9 đoạn của Trung cộng đã bị một tòa án quốc tế bác bỏ hồi 2016.
Theo báo Nhật Nikkei Asia, Hải Cảnh Trung cộng cũng sẽ được phép dùng vũ lực để dỡ bỏ các công trình xây dựng « bất hợp pháp » tại những vùng biển mà Trung cộng đòi hỏi chủ quyền.
Sau khi Bắc Kinh thông qua luật, Nhật Bản là quốc gia đầu tiên lên tiếng. Hôm qua 22/01, ngoại trưởng Nhật Toshimitsu Motegi bày tỏ « quan ngại » về luật Hải Cảnh Trung cộng vừa ban hành trong ngày. Năm 2020 vừa qua là năm mà số lượng tàu thuyền Trung cộng xâm nhập vùng biển Senkaku/Điếu Ngư (do Tokyo kiểm soát) đạt mức kỷ lục. Theo Bloomberg, luật mới sẽ làm gia tăng căng thẳng hiện nay tại các vùng biển ven Trung cộng. Báo chí Việt Nam nói đến nguy cơ « rủi ro bạo lực gia tăng tại Biển Đông » với luật Hải Cảnh mới của Trung cộng.
Kể từ năm 2018, Hải Cảnh Trung cộng, vốn thuộc bên dân sự quản lý, trở thành một bộ phận của Cảnh sát Vũ trang Trung cộng, dưới quyền lãnh đạo của Quân Ủy Trung Ương, cơ quan ra quyết định cao nhất trong lĩnh vực quân sự của Trung cộng. Từ khi ông Tập Cận Bình lên nắm quyền, số lượng phương tiện của Hải Cảnh Trung cộng tăng vọt lên 130 tàu hơn 1.000 tấn, vào năm 2019, tức gấp hơn ba lần so với năm 2012. Hải Cảnh Trung cộng được trang bị tàu tuần tra hơn 10.000 tấn, với súng máy 76 mm. Tàu được coi là lớn nhất tại vùng Biển Đông.
Trung cộng ban hành luật cho phép Hải Cảnh nổ súng tại các vùng biển tranh chấp chỉ hai ngày sau khi chính quyền Biden nhậm chức, và một ngày sau khi tân cố vấn an ninh quốc gia Mỹ, Jake Sullivan, cam kết đặt khu vực quần đảo Senkaku dưới sự bảo vệ của hiệp định an ninh Mỹ – Nhật. Theo báo chí Nhật Bản, hành động này cho thấy Bắc Kinh tỏ rõ thái độ không khoan nhượng với tân chính quyền Mỹ, tại Biển Đông và biển Hoa Đông.
RFI (23.01.2021)
Trung cộng cải tạo, gia cố bờ căn cứ đảo Phú Lâm để ngăn xói mòn
Zachary Haver
Hình chụp vệ tinh hôm 14/12/2020 ở đảo Phú Lâm nơi Trung cộng đang có các hoạt động xây dựng ở mạn phía bắc đảo để chống xói mòn
Trung cộng tiến hành cải tạo thêm đất và gia cố bờ chống xói mòn trên đảo Phú Lâm thuộc quần đảo Hoàng Sa. Đây là tiền đồn chính của Hoa Lục hiện nay tại khu vực Bắc Biển Đông.
Hình ảnh vệ tinh mới thu thập được và tài liệu của Trung cộng mà RFA có được cho thấy như vừa nêu.
Những nỗ lực đó cho thấy quyết tâm giữ những căn cứ đảo của Trung cộng trước những điều kiện môi trường cực đoan tại Biển Đông, nơi mà tuyên bố chủ quyền bao trùm của Bắc Kinh bị các nước láng giềng phản bác.
Đảo Phú Lâm là thực thể tự nhiên lớn nhất mà Trung cộng chiếm đóng ở Biển Đông. Đảo này thuộc quần đảo Hoàng Sa, và được sử dụng làm trụ sở chính cho Thành phố Tam Sa cũng như căn cứ cho những lực lượng thuộc Giải Phóng Quân Nhân Dân Trung cộng.
Bắc Kinh cho thành lập Thành phố Tam Sa vào năm 2012 để quản lý hành chính hai quần đảo Hoàng Sa, Trường Sa, Bãi Macclesfield, Bãi Scaborough và những vùng nước xung quanh dù rằng đó là khu vực có tranh chấp giữa một số nước trong khu vực.
Kể từ khi thành lập Thành phố Tam Sa, Trung cộng cho mở rộng đáng kể đảo Phú Lâm và cải thiện cơ sở hạ tầng trên đảo, mở rộng cảng chính, hoàn tất một cảng mới, và tiến hành cải tạo, bồi lấp đất đáng kể dọc theo bờ bắc của đảo. Hoạt động này thuộc chiến dịch cải tạo đất rộng thêm ở Biển Đông mà mọi người có thể thấy qua những đảo nhân tạo lớn mà Trung cộng xây dựng ở quần đảo Trường Sa tại phía nam.
Mặc dù đợt cải tạo đất gấp rút của Trung cộng chủ yếu hoàn tất vào năm 2017, tài liệu mà RFA xem lại gần đây cho thấy hoạt động này vẫn tiếp tục ở đảo Phú Lâm như thế nào. Tài liệu cho thấy Thành phố Tam Sa khởi động giai đoạn 1 dự án ‘cải tạo và khôi phục’ trên đảo này vào cuối năm 2018 với lời mời các công ty tham gia đấu thầu khảo sát và kế hoạch thực hiện.
Tài liệu cho thấy Công ty TNHH Viện Nghiên Cứu & Thiết kế Kim loại Màu Tây An Trung cộng đã thắng thầu hợp đồng khảo sát và Công ty TNHH Viện Thiết kế & Kế hoạch Vận tải Thủy thắng thầu thiết kế. Cả hai đều là những công ty con của doanh nghiệp Nhà nước.
Theo một đánh giá tác động môi trường từ tháng 2 năm 2019, cơ quan chức năng địa phương có kế hoạch tiến hành các công trình trên tuyến bờ biển dài hơn 2100 ở mạn bắc đảo Phú Lâm. Báo cáo cho thấy họ có kế hoạch xây một đê biển dài 336,9 mét, một kè chắn cát dài 55 mét, bốn đê chắn sóng mỗi cái dài 40 mét, và hơn 1.800 mét bờ kè. Một tài liệu đấu thầu khác từ tháng 3 năm 2019 cho thấy những chi tiết có khác một chút.
Vào tháng 5 năm 2019, đại diện Thành phố Tam Sa ký một hợp đồng thí nghiệm mẫu với Viện Nghiên Cứu Thiên Tân về Công trình Vận Tải Thủy thuộc Bộ Giao Thông Trung cộng. Hồ sơ thầu trong việc ký kết hợp đồng này cho thấy Viện Nghiên cứu Thiên Tân về Công trình Vận Tải Thủy chịu trách nhiệm vẽ mô hình xói mòn đường bờ biển trên đảo Phú Lâm nhằm hỗ trợ cho công tác cải tại và nâng cấp.
Tại liệu nêu rõ chi tiết đơn vị thắng thầu sẽ mô phỏng sóng phá những rạn san hô ven bờ đảo Phú Lâm và những thiệt hại về mặt truyền tải trong điều kiện gia tăng bão tố. Ngoài ra còn có những thí nghiệm khác nữa.
HÌnh chụp hôm 14/12/2020 cho thấy công tác mở rộng đảo và xây dựng ở bờ bắc đảo Phú Lâm trong các tháng gần đây. RFA
Việc đầu tư nhằm bảo vệ đảo Phú Lâm từ những yếu tố vừa nêu phản ánh tầm quan trọng chiến lược của đảo này đối với Trung cộng. Cơ sở hạ tầng tại đảo Phú Lâm hỗ trợ cho hoạt động của Hải quân Giải phóng quân Nhân dân, Tuần Duyên và dân quân biển. Tuần Duyên và dân quân biển Trung cộng thường xuyên sách nhiễu tàu đánh cá và những tàu khác của những nước có tuyên bố chủ quyền ở Biển Đông. Riêng Hoàng Sa có tranh chấp giữa Trung cộng, Việt Nam và Đài Loan.
Vào tháng 6 năm 2020, RFA loan tin Trung cộng tái tục hoạt động nạo vét tại đảo Phú Lâm và khởi sự xây dựng những công trình gia cố trên bờ bắc của đảo. Hình ảnh vệ tinh mới cho thấy Trung cộng tiếp tục công việc này sang đến cuối năm 2020, gồm cả việc cải tạo thêm đất để mở rộng đường bờ biển của đảo. Trung cộng dường như đã gia cố hầu hết bờ bắc đảo Phú Lâm, đào đoạn 20x30 mét trên một rạn san hô ven bờ về phía tây bắc và rồi từ tháng 6 cho lấp chừng 30 ngàn mét vuông đất mới về phía đông bắc.
Những thay đổi này chắc hẳn là sản phẩm của ‘dự án nâng cấp và cải tạo bờ biển’ thành phố Tam Sa.
Công tác cải tạo bờ đảo Phú Lâm do thành phố Tam Sa tiến hành dường như tiếp tục sang năm 2021. Tài liệu lưu trữ cho thấy Thành phố Tam Sa vào tháng 8 năm 2020 đã ký một hợp đồng lập kế hoạch khác cho giai đoạn 1 của dự án với Công ty TNHH Viện Thiết Kế & Kế hoạch Vận tải Thủy. Hơn thế, việc khởi sự giai đoạn một cho thấy rằng thành phố này có thể phát động những giai đoạn tiếp theo.
Hoạt động xây dựng trên bờ bắc đảo Phú Lâm có thể được nhận ra qua so sánh những ảnh vệ tinh được chụp từ ngày 25 tháng 6 đến 14 tháng 12 năm 2020. Credit: Planet Labs Inc.
Hình ảnh vệ tinh cho thấy công tác xây dựng tiếp diễn trên một khu vực đất mới được cải tạo bồi lấp ở bờ bắc đảo Phú Lâm.
Những nỗ lực hiện tại của Thành phố Tam Sa nhằm củng cố bờ biển đảo Phú Lâm chống xói mòn nằm trong kế hoạch rộng hơn của Trung cộng nhằm bảo đảm khả năng tồn tại lâu dài cho những khu cư trú tại Biển Đông. Đơn cử, Trung cộng cũng cho trồng cây trên những đảo nhỏ để tránh xói mòn đất. Những nỗ lực này cho thấy rõ ý đồ của Trung cộng muốn duy trì sự hiện diện thường xuyên trên những đảo và đá tranh chấp ở Biển Đông, bất chấp những chỉ trích ngày càng tăng về những tuyên bố chủ quyền và lãnh hải của Trung cộng trái luật quốc tế.
RFA (22.01.2021)
Biển Đông: Cuộc chiến công hàm tiếp diễn, Tokyo nhập cuộc tố cáo Bắc Kinh
Đá Vành Khăn, trong vùng quần đảo Trường Sa, Biển Đông. Ảnh do không quân Philipines chụp qua khoang của kính máy bay ngày 11/05/2015. REUTERS/Ritchie B. Tongo/Pool TPX
Các hành động coi thường luật pháp quốc tế của Trung cộng tại Biển Đông tiếp tục bị vạch trần tại Liên Hiệp Quốc. Trong một động thái chắc chắn sẽ khiến Trung cộng tức tối, Nhật Bản mới đây đã gửi công hàm ghi ngày 19/01/2021 đến tổng thư ký Liên Hiệp Quốc bác bỏ các đường cơ sở mà Bắc Kinh vẽ ra quanh một số thực thể địa lý trên Biển Đông, đồng thời cáo buộc Trung cộng hạn chế quyền tự do hàng hải và hàng không trong khu vực.
Nhật Bản là nước mới nhất chính thức ra công hàm phản đối Trung cộng trước Liên Hiệp Quốc về vấn đề Biển Đông.
Công hàm mang ký hiệu SC/21/002 của phái đoàn thường trực của Nhật Bản tại Liên Hiệp Quốc nêu rõ mục tiêu của Tokyo là nhằm đáp trả công hàm CML/63/2020 mà Trung cộng đã gởi đến Liên Hiệp Quốc vào năm ngoái để bác bỏ công hàm chung của ba nước Pháp, Đức và Anh. Công hàm của Nhật bao gồm hai điểm chính:
Tokyo trước hết “bác bỏ lập trường của Trung cộng cho rằng ‘việc vẽ đường cơ sở phân định lãnh hải mà Trung cộng thực hiện quanh các đảo và đá ở Biển Đông là phù hợp với Công Ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển UNCLOS và luật pháp quốc tế nói chung’”.
Không có quyền vẽ đường cơ sở ở Biển Đông
Đối với Nhật Bản, UNCLOS đã thiết lập những điều kiện để áp dụng đường cơ sở một cách cụ thể và đầy đủ, trong khi Trung cộng đã không thể viện dẫn các điều khoản liên quan của UNCLOS để khẳng định tính hợp pháp của các đường cơ sở này.
Tokyo khẳng định: “Không có chuyện một quốc gia thành viên biện minh cho việc áp dụng những đường cơ sở mà không đáp ứng các điều kiện được quy định trong khuôn khổ UNCLOS”.
Điểm thứ hai mà Nhật Bản phản bác là tuyên bố của Trung cộng trong công hàm CML/63/2020 về quyền tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông.
Không có quyền hạn chế tự do hàng không và hàng hải
Theo Nhật Bản: Quyền tự do hàng hải và hàng không phải được đảm bảo trên vùng biển và không phận xung quanh và bên trên các thực thể biển được xác định là bãi cạn lúc chìm lúc nổi (low-tide elevation), vốn không có lãnh hải và không phận, như những gì đã được ghi nhận trong phán quyết về Biển Đông ngày 12/07/2016, một phán quyết mang tính chất chung cuộc và ràng buộc đối với tất cả các bên tranh chấp.
Công hàm của Nhật Bản tuy nhiên cũng ghi nhận sư kiện là “Trung cộng đã không công nhận phán quyết, và đã khẳng định họ có ‘chủ quyền’ trên biển và trên không xung quanh và bên trên những thực thể được xác định là lúc chìm lúc nổi”, và trong thực tế đã “phản đối việc phi cơ Nhật Bản bay qua khu vực xung quanh Đá Vành Khăn và tìm cách hạn chế quyền tự do hàng không trên Biển Đông”.
Danh sách các nước ra công hàm phản đối Trung cộng dài thêm
Nhật Bản như vậy là nước mới nhất tham gia vào điều mà báo chí gọi là “cuộc chiến công hàm” về Biển Đông, cùng với các nước ngoài vùng như Anh, Pháp, Đức, Úc và Mỹ, và các quốc gia trong vùng như Việt Nam, Phi Luật Tân, Mã Lai, Indonesia bác bỏ các yêu sách quá đáng và phi pháp của Trung cộng tại Biển Đông.
Đối với nhật báo Hồng Kông South China Morning Post (SCMP) ngày 21/01/2021, công hàm của Tokyo rất đáng chú ý vì rất hiếm khi Nhật Bản – đang có tranh chấp lãnh thổ riêng với Trung cộng ở Biển Hoa Đông – công khai phản đối hoạt động của Trung cộng ở Biển Đông, cho dù Tokyo trước đó đã nhiều lần thúc giục Bắc Kinh công nhận phán quyết 2016 của Tòa Trọng Tài Thường Trực La Haye về Biển Đông.
Trần Tương Miểu (Chen Xiangmiao), một chuyên gia thuộc Viện Nghiên Cứu Nam Hải của Trung cộng cho rằng việc gới công hàm “có thể là một cách để Nhật Bản nâng cao vị thế trong các cuộc đàm phán [về Biển Hoa Đông] với Trung cộng”. Do việc Tokyo là đồng minh thân cận của Washington, lập trường cứng rắn của Nhật Bản về Biển Đông sẽ được Mỹ hoan nghênh, cho dù đó là chính quyền Donald Trump hay chính quyền Joe Biden.
Nhật Bản giúp gia tăng trọng lượng của phán quyết Biển Đông
Riêng giáo sư Yoichiro Sato thuộc Đại Học Châu Á-Thái Bình Dương Ritsumeikan ở Nhật Bản thì thấy rằng việc Nhật Bản tham gia vào “liên minh luật pháp quốc tế” phản đối Trung cộng về Biển Đông đã củng cố thêm “trọng lượng của phán quyết trọng tài năm 2016”. Tuy nhiên, theo ông Sato, khác với Mỹ và các đồng minh – vốn bác bỏ điều mà Bắc Kinh gọi là quyền lịch sử của họ đối với Biển Đông – công hàm của Nhật Bản chỉ đề cập đến việc Trung cộng cản trở quyền tự do hàng hải và hàng không chung quanh các bãi ngầm và thực thể nửa chìm nửa nổi không có quyền sản sinh ra lãnh hải.
Theo ông Sato, tranh chấp với Bắc Kinh ở biển Hoa Đông có thể làm phức tạp thêm vị thế của Tokyo ở Biển Đông: “Thái độ thận trọng của Nhật Bản chủ yếu bắt nguồn từ nỗi lo ngại theo đó Trung cộng có thể trả đũa ở Biển Hoa Đông trong tranh chấp về quần đảo Senkaku nếu Tokyo can dự quá mạnh vào Biển Đông”.
Dẫu sao theo giáo sư Sato, sự hiện diện của các tàu tuần duyên Trung cộng gần Senkaku “đã thuyết phục Nhật Bản rằng sự quyết đoán ngày càng tăng của Trung cộng ở cả hai vùng biển đều xuất phát từ chủ nghĩa dân tộc và ý định bành trướng” của nước này.
RFI (22.01.2021)
Nhật Bản phản đối các yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông
Hình minh hoạ. Tàu Trung cộng đang nạo vét ở Đá Vành Khăn thuộc quần đảo Trường Sa hôm 21/5/2015 Reuters
Phái đoàn thường trực của Nhật Bản ở Liên Hiệp Quốc hôm 19/1 đã gửi một công hàm lên Tổng thư ký Liên Hiệp Quốc Antonio Gueterres để phản đối những yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông, ủng hộ phán quyết của Toà Trọng tài Quốc tế (PCA) đưa ra vào năm 2016 trong vụ kiện về vấn đề Biển Đông giữa Phi Luật Tân và Trung cộng.
Trong công hàm của mình, Nhật Bản khẳng định việc Trung cộng áp dụng đường cơ sở thẳng đối với các đảo mà Bắc Kinh đòi chủ quyền ở Biển Đông là không phù hợp với Công ước về Luật biển của Liên Hiệp Quốc 1982 (UNCLOS).
Trung cộng hiện áp dụng đường cơ sở thẳng ở quần đảo Hoàng Sa từ năm 1996 đến nay. Có nhiều dự đoán cho rằng Bắc Kinh cũng sẽ áp dụng đường cơ sở thẳng với các nhóm đảo khác là Trường Sa, Trung Sa và Đông Sa mà Trung cộng gọi là Tứ Sa. Đây là các nhóm đảo vẫn đang có tranh chấp giữa các nước.
Cũng theo công hàm của mình, Nhật Bản đã nói đến vấn đề tự do hàng hải và hàng không ở Biển Đông. Nhật Bản viện dẫn phán quyết của toà PCA đưa ra vào năm 2016, xác định rằng các thực thể ở khu vực quần đảo Trường Sa không thể gọi là đảo và do đó không có vùng lãnh hải và vùng trời được xác định như với các đảo. Vì vậy, quyền tự do hàng hải và hàng không qua các thực thể này phải được đảm bảo theo UNCLOS.
“Tuy nhiên, Trung cộng đã không chấp nhận phán quyết này và khẳng định rằng mình có chủ quyền đối với vùng biển và vùng trời xung quanh và phía trên các thực thể nửa chìm nửa nổi”, công hàm của phía Nhật Bản có đoạn viết.
“Trên thực tế, Trung cộng đã phản đối việc máy bay của Nhật Bản bay qua vùng trời quanh Đá Vành Khăn và tìm cách hạn chế tự do hàng không ở khu vực Biển Đông”, công hàm viết tiếp.
Công hàm của phái đoàn thường trực Nhật Bản gửi lên Liên Hiệp Quốc phản đối yêu sách của Trung cộng ở Biển Đông là công hàm mới nhất trong một loạt các công hàm tương tự được các nước gửi lên Liên Hiệp Quốc từ tháng 12 năm 2019 và trong suốt năm 2020 đến nay.
Các nước Việt Nam, Phi Luật Tân, Indonesia, Mã Lai cũng đều đã gửi công hàm lên UN để phản đối Trung cộng.
Ngoài ra, một loạt nước không nằm trong khu vực Biển Đông cũng đã có công hàm tương tự bao gồm Hoa Kỳ, Australia, Pháp, Đức và Anh.
RFA (22.01.2021)