Nhã Duy
24-1-2021
Hồi tuần trước, ký giả Dan Rather, một trong “Big Three” của truyền thông Hoa Kỳ, đã viết trên Facebook cá nhân của mình rằng: “Kể ra những người cần được khen ngợi trong việc chống lại đám đông bạo loạn để bảo vệ nền dân chủ của chúng ta thì hãy kể thêm cả giới báo chí. Các ký giả đã tường trình những sự việc đau lòng dưới sự đe dọa của bạo lực, trong đó một số người cũng đã bị hành hung“.
Quả thật là vậy. Vài thước phim ghi lại cho thấy những kẻ bạo loạn đã chất đống, đập phá các thiết bị hành nghề của các ký giả. Nhưng họ vẫn làm tròn nhiệm vụ của mình. Những bức ảnh, các thước phim cận cảnh, sống thực mà các ký giả ghi được, đã lần lượt đưa ra công chúng, cho thấy nhiều góc cạnh chi tiết trong bức chân dung toàn cảnh cuộc biến loạn. Chúng cũng sẽ giúp ích cho các cơ quan an ninh chính phủ thực hiện nhiệm vụ của mình dễ dàng hơn trong việc nhận diện và làm chứng cho những hành động phạm pháp.
Nhìn lại thì vai trò truyền thông trong một xã hội dân chủ không chỉ tường trình, đưa tin mà còn quan trọng hơn thế nữa. Họ thay mặt người dân để chất vấn sự minh bạch và tính công khai hóa của chính phủ. Họ có thể chỉ trích hay phản biện các chính sách đi ngược lại hiến pháp, xâm phạm đến các giá trị dân chủ, nhân quyền cùng lợi ích quốc gia và người dân một cách hợp lý và hợp pháp. Truyền thông thực hiện các cuộc thăm dò về các vấn đề xã hội, giúp chính phủ điều chỉnh lại chính sách và nghị sự của mình thích hợp hơn. Đó là vai trò tích cực của truyền thông trong xã hội dân chủ và tiến bộ, họ chưa và không bao giờ là “kẻ thù của người dân” như đã từng bị cáo buộc.
Bên cạnh đó, trong suốt bốn năm qua, báo chí đã cung cấp cho người dân những thông tin xác thực để đối chọi lại loại truyền thông bịa đặt, giả dối, bóp méo sự thật, phục vụ cá nhân, mà đến bây giờ đã bị nhận diện, đã tự đưa những lời xin lỗi muộn màng khi phải đối diện các trách nhiệm pháp lý.
Giới truyền thông báo chí Hoa Kỳ đã can đảm và bền bỉ theo tinh thần và chủ đề của UNESCO đưa ra trong năm 2020 về một “Nền báo chí không sợ hãi và thiên vị” (Journalism without Fear and Favour). Họ sẽ cần tiếp tục tinh thần này với bất kỳ nội các nào.
Có lẽ cũng không thể quên những đóng góp tích cực từ một số cơ quan truyền thông Việt ngữ, các ký giả chuyên hay không chuyên nghiệp, những dịch giả, các chuyên viên đủ ngành nghề trong cộng đồng gốc Việt, đặc biệt là một giới trẻ năng động và tài ba, cũng đã tham gia tích cực vào việc cung cấp thông tin nhanh chóng và xác thực, dù trong tư cách nghề nghiệp hay chỉ là công dân tự phát.
Là số ít, họ cũng chịu nhiều sự tấn công, xúc phạm của đám đông cuồng nhiệt. Những thông tin chính xác, kịp thời của họ đã phản bác, đối chọi sự lên ngôi ồ ạt của những nguồn tin tiếng Việt giả mạo, mà nay như mọi người đã biết là, phần lớn cũng hoặc đã tự hay bị xóa bỏ, đóng cửa vì không thể tồn tại trước sự thật và thời gian.
Nếu có những kẻ đang hay sẽ bị trả giá cho những hành vi của mình thì ngược lại, những đóng góp tích cực kia sẽ được tặng thưởng theo lẽ công bằng. Trong khi Fox News thông báo sa thải hàng chục ký giả, bao gồm cả biên tập viên chính trị và nhóm tường trình bầu cử chủ chốt, thì CNN cũng đã thông báo sẽ thăng chức cho hàng loạt ký giả đã thể hiện xuất sắc vai trò cùng trách nhiệm của mình trong suốt bốn năm qua.
Như Jim Acosta, Trưởng Ký giả CNN tại Bạch Ốc và từng là mục tiêu bị tấn công dữ dội nhất từ tổng thống Donald Trump cùng nhóm truyền thông Bạch Ốc, khi ông thường thẳng thắn đối chất tại các cuộc họp báo. Ông sẽ đảm nhiệm vai trò Trưởng Ban Ký Giả nội địa và sẽ tham gia bình luận trên hệ thống. Đó là những tặng thưởng xứng đáng cho các ký giả can đảm, tận tụy với chức nghiệp.
Nhưng tặng thưởng lớn nhất cho Jim Acosta, cho giới truyền thông Hoa Kỳ hay làng Việt ngữ nói riêng là sự chọn lựa danh giá và can đảm khi đã góp phần vào việc bảo vệ sự thật và nền dân chủ, bằng tâm thức, tri thức và khả năng, trách nhiệm của mình.
Truyền thông đã được trở lại với những giá trị của nó, song hành theo cùng một nước Mỹ ngày mới. Xin cảm ơn và chúc mừng!