Seite auswählen

BBT: Bài viết đã gần một tháng, nhưng nhiều khi cũng nên đọc lại. 


♦ Chuyển ngữ: 
 20.01.2021
Richard Haass, Chủ tịch Hội đồng Quan hệ Đối ngoại, trước đây từng là Giám đốc Hoạch định Chính sách của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ (2001-2003), và là đặc phái viên của Tổng thống George W. Bush tại Bắc Ireland và Điều phối viên về Tương lai của Afghanistan. Ông là tác giả của cuốn sách  The World: A Brief Introduction (Penguin Press, 2020).
 

Nhiệm kỳ tổng thống của Donald Trump là một nhiệm kỳ quan trọng, nhưng nó có hậu quả phá hoại hơn là thành tựu. Nền dân chủ Mỹ bị tấn công nhiều lần, bệnh dịch không được đối phó một cách có hiệu quả, và chính sách ngoại giao hỗn loạn đã gây ra những thiệt hại khó hồi phục nhanh chóng, nếu không muốn nói là bất khả.

 

clip_image002

© Mandel Ngan/AFP via Getty & nbsp

New York – Rốt cuộc chúng ta có thể nói chắc chắn rằng ngày 20 tháng Một, Tổng thống Hoa Kỳ Donald Trump sẽ rời Nhà Trắng, dù miễn cưỡng. Bốn năm cầm quyền của ông sắp kết thúc, bây giờ đưa ra câu hỏi ông sẽ được nhìn nhận thế nào cũng không hẳn là quá sớm.

Lịch sử sẽ đánh giá Trump là một tổng thống Mỹ quan trọng, vì ông đã để lại nhiều thay đổi cho nước Mỹ và thế giới. Ông cũng sẽ được coi là một trong các vị tổng thống kém nhất, nếu không nói là kém nhất từ trước đến nay.

Đúng, Trump đã làm được một số điều hữu ích. Về đối nội, ông thúc đẩy các chính sách có vẻ đã góp phần giúp cho nền kinh tế tăng trưởng mạnh mẽ, qua việc giảm mức thuế quá cao đối với tập đoàn doanh nghiệp và nới lỏng một số quy định quá phiền toái. Về đối ngoại, đối với một Trung Quốc ngày càng thô bạo, mạnh mẽ và quyết đoán, ông có công đưa chính sách của Mỹ theo một hướng tỉnh táo và quyết định hơn. Ông cũng đúng khi cung cấp vũ khí phòng thủ cho Ukraine, vì một phần nước đó đang bị Nga chiếm đóng.

Một thành tựu đáng kể là đàm phán hiệp ước thương mại mới với Mexico và Canada, rồi thuyết phục Quốc hội thông qua, dù cho Hiệp ước Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) được cải thiện không nhiều và các phần quan trọng của hiệp ước mới lại được lấy ra từ văn bản có tầm vóc lớn hơn nhiều là Hiệp ước Đối tác Xuyên Thái Bình Dương mà Trump đã gạt bỏ một cách thiếu khôn ngoan. Nước Mỹ cũng đóng một vai trò quan trọng trong việc tạo điều kiện cho việc bình thường hoá quan hệ giữa Do Thái và một số nước láng giềng Ả Rập, cho dù không đạt được bước tiến nào trong vấn đề Palestine.

Nhưng các thành tựu này và bất kỳ thành tựu nào khác đều quá nhỏ so với những sai lầm của Trump. Nổi bật là ba thất bại. Thứ nhất là những thiệt hại ông đã gây ra cho nền dân chủ Mỹ. Biến cố ngày 6 tháng 1 năm 2021, khi đám ủng hộ Trump bao vây và chiếm đóng trụ sở quốc hội Mỹ, là đỉnh điểm của những nỗ lực Trump nhắm tới để bôi xấu giới truyền thông, vi phạm các chuẩn mực đã có, đẩy mạnh dối trá, gây hồ nghi về thẩm quyền của toà án, và bác bỏ kết quả cuộc bầu cử tổng thống đã được kiểm tra nghiêm chỉnh và đã chứng minh được tính hợp pháp của nó.

Lời xúi giục và kích động của Trump khiến đám đông có những hành động phạm pháp và bạo động là giọt nước cuối cùng làm tràn ly khiến tình hình xấu thêm. Thật ra, không phải mọi lỗi đều từ Trump, vì không ai có thể bắt buộc quá nhiều người thuộc đảng Cộng Hoà đang giữ chức vụ phải theo sự chỉ đạo của Trump để tìm cách hủy hoại sự đắc cử hợp pháp của Joe Biden. Những người góp tiền và hỗ trợ chính trị để giúp Trump phải chia sẻ trách nhiệm trong cuộc tấn công dai dẳng của ông vào những giềng mối quan trọng mà bất cứ nền dân chủ nào cũng phải có. Tuy nhiên, chủ nghĩa dân túy lần này khác với các lần trước ở chỗ nó được sắp đặt từ Phòng Bầu Dục chứ không phải từ bên ngoài.

Vấn đề rõ ràng thứ hai là COVID-19. Siêu vi khuẩn corona bùng phát và sau đó lan ra là thất bại của Trung Quốc, nhưng cách đối phó không thích hợp và không đúng mức của Trump là lý do khiến 400.000 người Mỹ chết vì bệnh này vào ngày ông rời nhiệm sở. Đối phó sai lầm của Mỹ cũng làm cho hàng triệu việc làm và doanh nghiệp biến mất (một số mất vĩnh viễn), việc học của hàng triệu sinh viên và học sinh bị trì trệ, và các chính quyền và người dân trên thế giới không còn tôn trọng nước Mỹ.

Có nhiều điều chính quyền Trump có thể và lẽ ra phải làm để đối phó với siêu vi khuẩn corona. Mặc dù điều đáng ghi công là vai trò của chính quyền Trump trong việc đẩy nhanh việc tìm ra thuốc chủng ngừa COVID-19, nhưng thành tựu này bị suy giảm một phần vì tổ chức phân phối không hiệu quả. Chính quyền đã thất bại khi tuyên bố thiếu nhất quán về sự cần thiết của khẩu trang, cũng như không bảo đảm cho nhân viên y tế có đầy đủ đồ bảo hộ hoặc sự hỗ trợ cần thiết của liên bang để tổ chức thử nghiệm hiệu quả.

Trái ngược với cách đối phó tương đối thành công ở Đài Loan, Úc, Tân Tây Lan, Đức, Việt Nam và Trung Quốc cho thấy một đợt bùng phát siêu vi khuẩn không nhất thiết dẫn đến đại dịch, và chắc chắn không dẫn đến một trận dịch có tầm vóc như ở Mỹ. Trớ trêu thay, Trump dường như sợ rằng nếu ưu tiên chống lại COVID-19 thì kinh tế sẽ suy yếu và làm mất cơ hội tái đắc cử của ông, trong khi trên thực tế có lẽ ông thất cử vì đã thất bại trong việc vượt qua thử thách ấy.

Thất bại thứ ba trong di sản của Trump là chính sách đối ngoại đã làm suy yếu vị thế của Mỹ trên thế giới. Hậu quả này một phần là từ các nguyên do được mô tả ở trên: cuộc tấn công của ông vào nền dân chủ và thất bại khi đối phó với COVID-19.

Nhưng chính sách đối ngoại của Trump cũng thất bại vì lý do riêng của nó. Bắc Hàn gia tăng số vũ khí nguyên tử và chế tạo nhiều hoả tiễn mạnh hơn bất chấp đường lối ngoại giao cá nhân của Trump với Kim Jong-Un. Iran phát triển vũ khí nguyên tử nhanh hơn sau khi chính quyền Trump đơn phương rút khỏi hiệp ước nguyên tử năm 2015 (Kế hoạch Hành động Toàn diện chung). Chế độ độc tài Venezuela vững chắc hơn, và Nga, Syria và Iran gia tăng ảnh hưởng của họ khắp vùng Trung Đông sau khi Mỹ rút quân và cắt hỗ trợ cho các đối tác địa phương.

Nói rộng hơn, Mỹ rút khỏi các hiệp ước và tổ chức quốc tế đã trở thành dấu hiệu nổi bật trong chính sách đối ngoại của Trump, cũng như việc ông chỉ trích các đồng minh Âu châu và Á châu, thân thiện với các lãnh tụ độc tài, và coi nhẹ các vi phạm nhân quyền. Kết quả là ảnh hưởng của Mỹ suy giảm trên chính trường thế giới.

Trump thừa hưởng các mối quan hệ, các liên minh và thể chế, tuy không hoàn hảo, đã hiện diện trong 75 năm mà nhờ đó tránh được xung đột giữa các cường quốc, nền dân chủ được mở rộng, và sự thịnh vượng cũng như mức sống tăng lên. Theo đuổi sự pha trộn của 3 thứ: chủ nghĩa quốc gia dân tộc (nước Mỹ trước hết), chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa biệt lập, Trump đã làm những điều trong khả năng để phá vỡ nhiều mối quan hệ và hoà giải mà không đưa ra được bất cứ điều gì tốt hơn để thay thế.

Sửa chữa nhanh sự thiệt hại này sẽ khó khăn – nếu không muốn nói là bất khả. Trump sẽ không còn là tổng thống, nhưng ông sẽ vẫn còn ảnh hưởng trong đảng Cộng hoà và trên đất nước. Trong khi thế giới ngày càng rối ren, và trong khi ảnh hưởng của Mỹ đang suy giảm, Trump đã đẩy nhanh thêm hai xu hướng ấy. Điều mấu chốt là ông để lại một quốc gia và một thế giới tệ hại hơn nhiều so với những gì ông đã thừa hưởng. Đó là di sản đáng sợ của ông.


Nguồn: Richad N. Haass, “Donald Trump’s Costly Legacy”, Project Syndicate, 11 Jan 2021, https://www.project-syndicate.org/commentary/donald-trump-costly-legacy-three-failures-by-richard-haass-2021-01

Da Màu