Seite auswählen

Trái với Trump, Biden có thể thành công trong xây dựng cơ sở hạ tầng

 

Translated from Brookings’s article How Biden can succeed on infrastructure where Trump did not

By DJ Gribbin, on 16-02-2021

Một thông lệ đang dần thành hình tại Washington, D.C.: mỗi chính quyền mới luôn đưa ra những lời hứa hào nhoáng về các giải pháp liên bang cho các vấn đề hạ tầng của nước ta. Thế nhưng, từ những dự án “sẵn sàng thực thi” của chính quyền Obama tới kế hoạch trị giá ngàn tỷ của chính quyền Trump, thành quả nhận được trên thực tế vô cùng ít ỏi.

Từ tháng Một năm 2017, tôi đã dành 15 tháng trong Nhà trắng của Trump và làm việc với hàng trăm thống đốc, thị trưởng, lãnh đạo hạt, và thành viên Quốc hội – tất cả đều hăng hái đưa ra những chính sách lớn và dài hạn để cải thiện cơ sở hạ tầng nước ta. Nhưng kế hoạch của chính quyền này đã lao đao bởi nhiều bước đi sai lầm. Giờ đây, khi Tổng thống Joe Biden tự mình tuyên bố sẽ cải cách cơ sở hạ tầng trên diện rộng, đội ngũ của ông cần phải hiểu lý do vì sao những chính quyền trước thất bại.

Ta đã nghe tới nhàm tai những tuyên bố rằng cơ sở hạ tầng là công việc lưỡng đảng và chuyện này sẽ rất dễ thôi. Và, tới một mức độ nhất định, nó dễ thật. Cơ sở hạ tầng không phải chủ đề gây chia rẽ đảng phái mà lại có ảnh hưởng tới mỗi người dân Mỹ hàng ngày – nó là một thứ rất quen thuộc. Tiếc thay, chính sự quen thuộc này lại gây ra khó khăn khi thảo luận về những chính sách tốt nhất để cải thiện cơ sở hạ tầng. Trong một Nhà trắng chật cứng chủ ngân hàng và nhà đầu tư, chiến lược cơ sở hạ tầng ban đầu của chính quyền Trump có vẻ hiển nhiên như ban ngày: làm một danh sách những dự án tốt nhất, mượn tiền của Bộ Ngân khố, và trực tiếp tài trợ các dự án dựa trên khoản thu đầu tư. Tuy nhiên, những người soạn bản thảo cho chiến lược này lại không nắm được mối quan hệ giữa cơ sở hạ tầng Hoa Kỳ và chính phủ liên bang mà cho rằng chính phủ sở hữu cơ sở hạ tầng ấy. Thực tế hoàn toàn ngược lại. Cục Phân tích Kinh tế ước lượng rằng chính phủ liên bang sở hữu chỉ khoảng 6% cơ sở hạ tầng giao thông vận tải và tài nguyên nước của toàn quốc. Chính phủ liên bang không phải bên sở hữu, mà là bên cung cấp tài chính (chính phủ liên bang chi cho khoảng 25% cơ sở hạ tầng toàn quốc) và bên quản lý (chủ yếu là về nội quy môi trường và an toàn). Chiến lược của chính quyền Trump đã tiếp cận vấn đề từ một điểm nhìn sai rằng chính phủ liên bang được chọn dự án và quyết định chi tiêu. Nhìn chung, chính phủ liên bang không thực hiện những công việc này. Các quyết định được đưa ra ở cấp bang và địa phương.

Cân đối lại vai trò của chính phủ liên bang dẫn đến sự khác biệt rõ rệt giữa đề xuất chính sách của Nhà trắng với kế hoạch ban đầu. Và vì chính quyền sau đó đã đưa ra nhiều bước đi sai lầm, kế hoạch của họ không nhận được nhiều sự quan tâm từ Quốc hội, trừ một phiên họp gồm năm thành viên nội các với Hội đồng Thượng viện về Thương mại, Khoa học, và Giao thông vận tải.

Bước đi sai lầm đầu tiên là khi chúng ta tiếp cận vấn đề – giống cách mà chính quyền Biden đã đề xuất – để phát triển cơ sở hạ tầng từ dưới lên trên. Một nhóm thị trưởng và thống đốc lưỡng đảng đã tình nguyện đấu tranh cho hai nguyên lý cơ bản: dùng tiền chính phủ để làm động lực cho việc tăng chi tiêu cơ sở hạ tầng và cải thiện quá trình cho phép của chính phủ. Điều này tạo điều kiện cho việc tập trung vào nhu cầu của lãnh đạo, vì những nhà lãnh đạo mới chính là những người quyết định xây cái gì và xây như thế nào. Tuy nhiên, sự hợp tác đa phương này đã bị thất bại khi Tổng thống Trump đưa ra nhiều thông cáo về cơ sở hạ tầng nhưng lại lạc hướng qua các quan hệ chủng tộcsự di cư, làm nhiều quan chức địa phương xa lánh .

Bước đi sai lầm tiếp theo là làm kế hoạch mang tính quá chuyên môn. Chủ tịch Hội đồng Vận tải và Cơ sở hạ tầng tại Hạ viện Peter DeFazio (Đảng Dân chủ – Bang Oregon) dù nói hơi quá nhưng cũng không hoàn toàn sai khi so sánh kế hoạch này với một sản phẩm từ “các tổ chức nghiên cứu chuyên nghiệp – think tank”. Chúng ta tập hợp lại hàng trăm ý tưởng từ các nhà lãnh đạo bang và địa phương, nhân viên biên chế từ các công ty môi giới Chính phủ đang tham gia, và từ Đồi Capitol. Chúng ta sau đó cô đặc những ý tưởng đó lại còn vài tá ý tưởng trong bản đề xuất, dựa vào hiệu quả của chúng trong việc cải thiện cơ sở hạ tầng của đất nước. Kết quả là một tư liệu chính sách thoạt nhìn rất ổn nhưng lại mang tính chuyên môn quá cao. Tuy nhiên, chúng ta lại không kết nối những thay đổi này với việc cải thiện đời sống hàng ngày của những người Mỹ điển hình, đánh mất đi cơ hội biến chính sách cơ sở hạ tầng thành một thứ gì đó ‘hữu hình’ với người dân hơn.

Không còn nghi ngờ gì nữa, giới truyền thông và công chúng muốn có một chính sách hữu hình. Chương trình Gateway nhấn mạnh điều này. Được gọi là “dự án cơ sở hạ tầng quan trọng nhất trong nước,” Chương trình Gateway là một dự án 12 tỉ đô-la nhằm xây dựng đường tàu 10 dặm giữa Newark, N.J. và Trạm Penn ở Thành phố New York. Truyền thông chỉ chú ý đến đúng dự án này thôi, nhưng dù nó quan trọng cỡ nào thì cũng không thể giải quyết vấn đề quốc gia của chúng ta được. Chúng ta có lẽ đã nên giải quyết nhu cầu được nhìn thấy hiệu quả rõ rệt, hữu hình của dân chúng bằng cách giải thích rõ ràng hơn kế hoạch của chúng ta có thể mang đến những lợi ích cụ thể nào cho các hộ gia đình và cộng đồng – ví dụ như thông qua việc đưa ra những con số thuyết phục về việc kế hoạch này có thể cải thiện thời gian đi lại, lấp đầy các ổ gà khó chịu, và sửa chữa các hệ thống nước uống trên toàn quốc như thế nào. Thử thách dành cho chính quyền Biden là làm kế hoạch cơ sở hạ tầng của họ trở nên dễ hình dung hơn, nhưng không sa đà vào những chi tiết vụn vặt của các dự án cụ thể và sai lầm trong việc cải cách vai trò của chính phủ trong cơ sở hạ tầng, việc mà đã từ những năm 1950 không còn tồn tại.

Đã rất nhiều thế hệ đã qua kể từ lần cuối nước ta dừng lại và ngẫm về việc chính phủ có thể kết hợp với chính quyền bang và địa phương để tạo ra cơ sở hạ tầng đẳng cấp thế giới – và chúng ta có thể thấy rõ điều đó. Giống như chính quyền hiện giờ, Tổng thống Trump muốn mau chóng có được một kế hoạch cơ sở hạ tầng.

Thế nhưng kế hoạch được quan tâm duy nhất mà có thể tạo nhanh là một kế hoạch dựa dẫm quá nhiều vào trật tự xã hội, và chúng ta đều đồng ý rằng chúng ta không cần thêm bất kỳ thứ nào như thế nữa. Thế nhưng chính quyền Biden có vẻ sẽ cho chúng ta một kế hoạch như thế nếu họ chỉ nói về chi phí của kế hoạch này. Ủng hộ cho 1 ngàn tỷ đô-la hay 2 ngàn tỷ đô-la để chi trả kế hoạch mà không xem xét kỹ càng xem những khoản đầu tư này sẽ được dùng thế nào, cùng với vai trò của chính phủ, sẽ chắc chắn làm cho kế hoạch này không được thông qua Quốc hội. Và truyền thống hẹn ước những kế hoạch hàng nghìn tỷ đô-la từ các ứng cử viên tổng thống để giải quyết những vấn đề cơ sở hạ tầng của nước ta sẽ tiếp diễn.

Chính quyền Biden có đủ tài năng và sự ủng hộ của công chúng để tạo ra giải pháp ý nghĩa và hợp lý cho những vấn đề cơ sở hạ tầng của chúng ta. Xem xét lại lý do những nỗ lực trước đó thất bại là một bước khởi đầu tốt. Sự nhìn nhận lại bản thân như vậy mong là sẽ là một phần cho chiến lược xây dựng cơ sở hạ tầng tốt hơn và tạo điều kiện cho các chính quyền tương lai tập trung nguồn lực của họ vào trong các vấn đề khác.

 

Người dịch: Adelia Duong & Ren Dinh

Biên tập: Chau Tran

The Interpreter

Thống đốc Michigan, Maryland điều trần về dự án thúc đẩy cơ sở hạ tầng mới của Mỹ

 


Đường cao tốc I-80 ở gần Truckee, bang California.

Một nhóm các nhà lập pháp ở Thượng viện Hoa Kỳ sẽ tổ chức một phiên điều trần vào ngày 3/3 về những nỗ lực thúc đẩy cơ sở hạ tầng giao thông đang xuống cấp của Hoa Kỳ, bao gồm phiên điều trần của hai thống đốc bang chủ chốt, theo Reuters.

Thống đốc Michigan Gretchen Whitmer, thành viên Dân chủ và Thống đốc Maryland Larry Hogan, thành viên Cộng hòa, sẽ nằm trong số những người điều trần tại phiên điều trần về Môi trường và Công trình Công cộng (EPW) của Thượng viện có tiêu đề “Tái thiết tốt hơn: Đầu tư vào Giao thông trong khi Giải quyết Biến đổi Khí hậu, Cải thiện Công bằng, và Thúc đẩy Tăng trưởng Kinh tế và Đổi mới.”

Thống đốc Maryland Larry Hogan.

Thống đốc Maryland Larry Hogan.

Trước đó, Thống đốc Hogan với tư cách là chủ tịch Hiệp hội Thống đốc Quốc gia phát động một sáng kiến quốc gia tập trung vào việc sửa chữa cơ sở hạ tầng của Hoa Kỳ và phát hành một báo cáo ghi nhận rằng “Người Mỹ đã mất vô số thời giờ trong cuộc sống của họ vì hệ thống giao thông đang xuống cấp.”

Tổng thống Joe Biden xem việc hiện đại hóa cơ sở hạ tầng giao thông cũ kỹ của Hoa Kỳ là ưu tiên hàng đầu sau khi người tiền nhiệm Donald Trump không nhận được sự chấp thuận của Quốc hội để thực hiện các nâng cấp lớn.

Tổng thống Biden có kế hoạch yêu cầu Quốc hội trong những tuần tới đầu tư mạnh vào cơ sở hạ tầng trong bối cảnh các nghiên cứu cho thấy gần một nửa tuyến giao thông đường bộ ở Hoa Kỳ đang ở trong tình trạng tồi tàn hoặc không phù hợp và hơn 1/3 hệ thống cầu ở Hoa Kỳ cần được sửa chữa, thay thế hoặc cần phục hồi đáng kể.

Đầu tháng này, ông Biden đã gặp gỡ các lãnh đạo cao nhất của ủy ban EPW của Thượng viện./.