„… cả một đất nước đẹp giầu chúng còn muốn dâng cúng cho Tàu Cộng thì xá chi một vài chữ nghĩa! Tiếng Việt còn thì nước Việt còn. Nay chúng dâng biên giới, biển đảo cho “tàu lạ” thì việc chúng giết tiếng Việt cũng không lạ. Cái lạ là “người Việt viết tiếng Việt” bỗng chốc trở thành “người Giệc giết tiếng Việt”.“
C.vanto
Hồi còn nhỏ tôi thường nghêu ngao câu: “Con cò, con giệc, con nông, sao mày dẫm lúa nhà ông, hỡi cò?”, thì nay, nhân việc một số báo nói, báo viết ở xứ tỵ nạn Cộng sản lại cứ đi chôm chĩa “ngôn ngữ VC” khiến tôi lại phải nghêu ngao:
“Con cò, người giệc có lông, sao mày nỡ giết tiếng nước ông, hỡ… giệc?”.
Người Việt chọn tự do. Tự do là tư hữu, là ruộng của ai người đó cày, nên người Việt viết tiếng Việt. Việt Cộng chọn Cộng Sản, nghĩa là cộng tất cả những gì cá nhân có để chơi chung hưởng chung, tất cả cày chung một miếng ruộng, sản phẩm tạo ra thì hưởng chung hoặc gửi nhà trẻ quốc doanh. Cái chế độ ảo tưởng CS đó nó đã “chết-mother” nó từ lâu rồi, chết ngay từ cái gốc, chết từ nơi ông tổ khơi ra nó. Nó cũng “chết-father” nó ở cái “XHCNVN” từ lâu rồi, chỉ còn sót lại cái đuôi “định hướng XHCN”. Nhưng những ngôn ngữ quái đản mà chúng tạo ra vẫn còn di hại mãi về sau, nó như những mầm mống ung thư giết chết tiếng Việt. Nhưng có một số người Việt tỵ nạn CS hay bỏ chạy VC để tha phương cầu thực thì không chịu viết tiếng Việt mà thấy VC đỏ tưởng chín nên vẫn cứ nói theo, viết theo những thứ tiếng khỉ gió đó, mà nổi đình, nổi đám trong số đó là “Người Giệc”.
Nếu là chuyện cá nhân, theo voi nhai bã mía thì kệ… họ. Nhưng là truyền thông Tự Do mà theo đuôi ngôn ngữ VC thì ẹ quá, mang vi trùng lao gieo rắc đó đây những mần mống bệnh hoạn giết chết tiếng Việt thì thôi sắc quá. Có người bảo tôi rằng vấn nạn này nó như bệnh nan y rồi, hết thuốc chữa, cứ mở radio ra mà nghe một số xướng ngôn viên các đài phát thanh. Ông xướng, bà xướng, cô xướng, cậu xướng, họ đang xướng với nhau những chữ quái đản “quá trình, tham quan, hoành tráng, rốt ráo, khuyến mãi, khống chế, thiếu đói v.v..”. Ông Võ Kê của Saigòn Nhỏ mà cà-kê-dê-ngỗng tin tức trên radio thì có bao nhiêu chữ “mới” ông dùng hết. Ông xướng Có Công Mậu Ngủ thì đọc tin tức:
“Nếu Syria bị đánh, họ sẽ chống trả quyết liệt, trong quá trình chống trả ấy sẽ khiến HK không giải quyết được rốt ráo vấn đề”
Là xướng ngôn viên, dịch một bản tin sang tiếng Việt để đọc cho hằng triệu thính giả Việt nghe mà không hiểu nghĩa 2 chữ “quá trình” thì… sình quá.
Nghe xướng ngôn viên lão ông “Có Công” vuốt đuôi cái “quá trình” của VC thì bà lão Yên Than Người Giệc cũng vuốt theo. Trong buổi tường trình về lễ giỗ của Cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận tại trung tâm Công Giáo Orange, lão bà tường trình rằng:
“Một màn hình lớn chiếu những thước phim quay tại Roma về QUÁ TRÌNH phong thánh cố Hồng Y Nguyễn Văn Thuận.”
Việc phong thánh cho Đức Cố Hồng Y đang được Tòa Thánh xúc tiến ở giai đoạn xét hồ sơ chân phước, sau đó mới tới giai đoạn phong Á Thánh, tiến trình kế tiếp mới xét tới phong Thánh. Giáo dân còn cầu nguyện và chờ đợi dài dài, chuyện phong Thánh còn ở xa tít tương lai, vậy mà lão bà phang cho 2 chữ “quá trình” phong Thánh thì trật đường rầy, là lộn ngược.
Muốn hiểu rõ “quá trình” là gì thì hãy đến trung tâm văn hóa Hồng Bàng mà hỏi, đừng hỏi thầy cô giáo dậy tiếng Việt, mà hỏi ngay các em đang bập bẹ học tiếng Việt thì các em sẽ giải thích rõ ràng như thế này:
– Sáng nay em ăn nhiều đậu, trong quá trình tiêu hóa thức ăn ở dạ dày, đậu phát sinh ra nhiều hơi nên bây giờ em tức bụng, em muốn đánh… Quá trình là chuyện đã xẩy ra trong quá khứ, tức là sáng nay, còn bây giờ là hiện tại em đang muốn pupu.”
Các em đã giải thích rồi đấy nhé, các ông, bà, cô, bác, cậu, mợ, chú, dì, mi, mày, bay phải hiểu cho rằng “quá trình” chỉ dùng cho những diễn tiến đã xảy ra trong quá khứ, không bao giờ được phép dùng cho hiện tại và tương lai. VC dùng “quá trình” cho bất cứ thời gian nào, nó dốt nó “say so”, vậy thì đừng dốt theo nó. Nếu không biết thì đừng “quá trình” nữa mà hãy dùng những chữ dễ hiểu, thông dụng, dễ dùng cho bất cứ thời gian nào, đó là: “trong lúc, trong khi, trong thời gian, lúc mà, v.v…”.
Xin đưa ra một thí dụ người thiếu phụ than phiền về chồng cho dễ hiểu, dễ nhớ:
– Đêm qua, trong lúc em ngủ say thì anh sờ mó cái gì đó làm cho em thức giấc, bực cả cái mình. Bây giờ trong khi em thức thì anh lại nằm ì ra đó.
Lần sau, lúc mà em ngủ thì anh đừng có làm phiền người bên cạnh đang cần sự yên lặng để nghỉ ngơi nữa à nha…
Các cô cậu xướng ngôn thử nhét cái “quá trình” vào câu thí dụ trên xem nó ra cái gì?
Thế còn rốt ráo là, là cái củ… cà rốt gì?
Tự điển tiếng Việt của Lê Văn Đức, Lê Ngọc Trụ do nhà sách Khai Trí xuất bản năm 1970 tuy có định nghĩa “rốt ráo” là chót, nốt, cuối cùng (tt), nhưng trong chữ viết và tiếng nói của Việt Nam Cộng Hòa không bao giờ thấy “rốt ráo” cả. Nó chỉ xuất hiện sau 30/4/1975 và như một chìa khóa “bát-bạc-tú”, họ dùng 2 chữ “rốt ráo” cho mọi hành động, mọi nơi, mọi lúc!
Tiếng nước tôi đâu có nghèo nàn đến thế. Tùy nơi, tùy lúc, tùy hành động, tùy cử chỉ mà có những chữ dùng cho thích hợp như: dứt khoát, gọn ghẽ, mau chóng, sạch sẽ, gọn gàng vv..
Những xướng ngôn viên khi đọc bản tin thì đã xen vào những tiếng lạ tai, khó nghe, nhưng khi đọc quảng cáo thì cứ tự nhiên như người “Hà-Lội”, như người của thành Hồ, thành Ao cứ “hoành tráng, khuyến mãi” loạn cào cào cả lên. Lão bà-bà Huỳnh Cương quảng cáo rằng:
– “Tết Trung Thu đã được tổ chức trong khu Phước Lộc Thọ rất là HOÀNH TRÁNG, các loại bánh trông rất ẤN TỰƠNG và có chương trình KHUYẾN MÃI!!!”
Tôi hưởng tết Trung Thu từ ngày mặc quần đùi, thò lò mũi, rước đèn bằng loon sữa bò cho đến nay đã quá 7 bó mà chưa bao giờ nghe cái tên “Trung Thu Hoành Tráng”! Thế còn “khuyến mãi” là gì nhỉ? Có phải “khuyến mãi” là nói tắt của chương trình dạy học sinh tiểu học sử dụng áo mưa, tức khuyến khích mãi… âm? Thà nói tiếng Mỹ là đít-cao hay tiếng Việt là giảm giá, bớt giá, hạ giá có phải dễ nghe và lành mạnh không nào?
Huỳnh Cương là một ca sĩ thanh sắc vẹn toàn, khó có ai bì kịp, trong vai trò xướng ngôn viên, cô là người học cao hiểu rộng, nhưng chỉ vì vô ý tiếp xúc với virus Vicoism “hoành tráng, khuyến mãi” mà cô bị biến tướng thành lão bà-bà, thật đáng tiếc. Dầu sao thì trên các làn sóng phát thanh những chữ nghĩa mà các cô cậu chôm chĩa của Việt cộng thì nó cũng bay đi, tuy nó làm chói tai, tức bụng, nhưng rồi cũng qua đi như sau khi ấy xong là rửa tay (i). Nhưng cái tai hại là nếu các cô cậu, các nhà zăng, nhà báo viết ra trên giấy trắng mực đen những ngôn ngữ VC cho đồng hương tỵ nạn Cộng sản đọc thì thật là bậy nặng quá.
Tôi đem vấn nạn này đi hỏi PNN, một nhà văn, nhà báo hải ngoại rằng thì là tại làm sao lại xẩy ra hiện tượng quái đản này thì ông bảo:
– Một số người sống lâu trong chế độ CS đã quen với lối nói này rồi, nay ra hải ngoại vẫn chưa thay đổi được. Một số báo cứ “copy và paste” những bản tin trong nước làm của mình mà không dám ghi xuất xứ, mà cũng không có người sửa.
Lời giải thích của nhà văn nhà báo này đúng quá và cũng đau quá. Ý ông muốn nói lấy của người khác làm của mình là ăn trộm, lấy bài viết của người khác mà không ghi xuất xứ là đạo văn. Làm báo mà chỉ “cắt, dán”, “cọp dê, bát” thì chán quá ớ mấy anh chị ơi!
Sống trên đất tự do, chúng tôi luôn tôn trọng tự do cá nhân, dù cho những thói quen của CS đã xâm nhập vào máu, một sớm một chiều chưa gột rửa được những thói xấu thì cũng không thành vấn nạn. Thí dụ như thói quen vào nhà hàng mà “an to noi lon”, ăn xong lấy tăm xỉa răng ngay tại bàn mà không che miệng, lại còn cầm cái tăm lướt qua lướt lại hàm răng vẩu cải mả, tựa như các “dương cầm thủ” lướt những ngón tay trên phím đàn thì cũng chả chết ai. Xỉa răng cọp xong bèn… nước trà một bát, thuốc “nào” một hơi, làm một hớp trà, rồi phùng mang “xục xục” vài phát, nuốt cái ực ra chiều khoan khoái, móc điếu thuốc “có cán”…
Nhưng tiếng Việt là của chung, sống ở hải ngoại tự do mà bôi bẩn lên tiếng Việt thì không chấp nhận được. Tự Do và CS có ranh giới rõ ràng. Ở chế độ CS mà anh nói, viết rằng những cái xe nó đụng nhau “liên hoàn” trên xa lộ thì kệ các anh, nhưng ở xứ tỵ nạn mà các anh chị viết xe dụng nhau “liên hoàn” trên xa lộ thì không ai ngửi được.
Báo trong nước VnExpress vừa loan tin trên xa Saigòn-Biên Hòa xẩy ra một tai nạn 10 xe đụng nhau “liên hoàn” thì vài ngày sau, Người Giệc tháng 8/2013 cũng đăng tin trên xa lộ 405 vửa xẩy ra một tai nạn giao thông 20 xe đụng nhau “liên hoàn”!
Ối trời cao đất dầy ơi! Nó dốt nó không biết phân biệt thế nào là liên tiếp, thế nào là liên hoàn nên nó mới viết xe 10 xe hơi đụng nhau liên hoàn trên xa lộ, tức là cái xe bị đụng đầu tiên (số 1) quay vòng ngược trở lại để húc, đụng đầu vào đít xe cuối cùng (xe số 10). Chuyện này, nếu có thì chỉ có thể xẩy ra ở xa lộ vòng tròn, còn trên đường thẳng thì chỉ có ở chế độ Cộng sản. Những chuyện tưởng như đùa mà có thật, như chuyện thầy giáo Xương dẫn học trò gái cho giám đốc công an, tỉnh ủy xướng, như chuyện đổ bể công an làm thịt lại thầy giáo bất lực Trần Đức Xương.
Nhưng chuyện đụng xe “liên hoàn” trên xa lộ 405 hay bất cứ xa lộ nào khác trên đất Mỹ là chuyện hoang đường, vậy mà Người Giệc cũng viết ra được thì họ là ngừơi hoang tưởng, họ là Người Giệc giết tiếng Việt.
Trong bản tin về trung tâm Vân Sơn, bà Tức Đuấn ghi lại lời của Vân Sơn:
– “Bên cạnh phần mang lại tiếng cười cho khán giả, tuy chương trình có vẻ nặng về MẢNG hài, chúng tôi vẫn không lơ là về MẢNG sáng tạo nội dung sống động cho phần ca hát. Đó là mặt mạnh của chúng tôi, bởi vì đội ngũ nghệ sĩ tham gia MẢNG hài của TTVS được xem là phong phú”.
Chả hiểu có phải chính VS dùng chữ “mảng hài” để nói về chương trình hài hước của anh ta hay ký giả-giả người Giệc này mang cái “mảng hài” ra nhét vào miệng VS. Bất cứ anh nào đi nữa mà nói như vậy thì đúng là hề thật.
Tự điển tiếng Việt định nghĩa “mảng” là “mảnh”, mảng vườn, mảnh vườn, mảnh đất, mảng da, mảng áo tơi. “Áo tơi một mảng lặng ngồi thả câu” chứ đâu có ai gọi là mảng văn nghệ, mảng hài bao giờ! Thấy Việt cộng gọi “mảng văn hóa” là các anh nhái theo “mảng hài”! Hề quá.
Cũng vẫn là Người Giệc, cô Lọc Ngan thì gọi những người phụ trách trang trí sân khấu là những ông “đạo cụ”! Ơ hay nhỉ, tại sao lại có mấy ông cụ “cụ đạo” mò vào hậu trường sân khấu TN Paris để làm gì khi các ca sĩ thay đồ để bị cô Lọc Ngan mắng cho là đồ “đạo cụ”.
Ký giả-giả Người Giệc giết thế thì cũng không lạ, vì “ở bầu thì tròn, ở bí thì dài”. Họ đã quen với ngôn ngữ ở bầu XHCN nơi họ sinh ra và lớn lên và nay cái hơi hớm ấy vẫn còn lảng vảng trong “mảng” Người Giệc. Nhưng còn một ông có chữ, theo gốc gác thì chẳng có dính dáng gì với XHCN, ông là gốc Bắc Kỳ di cư 54 như tôi, chứ không phải BK mang AK vào Nam nhận hàng sau 30/475. Nhưng ông lại thích quên chữ Việt của ông để vuốt đuôi ngôn ngữ Việt cộng trong bài viết cảm tưởng của ông về một ngừơi bạn, gốc quân đội Việt Nam Cộng Hòa mới ra đi. Tôi đọc được điếu văn của ông như thế này:
– “Anh (người quá cố) là một thành viên hoạt động NĂNG NỔ, chắc chắn anh sẽ gặp lại những người THÂN THƯƠNG”.
Thưa ông nhiều chữ họ Đoàn Thanh, trong tự điển tiếng Việt xuất bản trước năm 1975 tại miền Nam có 14 chữ NĂNG…, nhưng không có chữ nào là “năng nổ” cả, có 70 chữ THÂN…, nhưng không có “thân thương”.
Người quá cố trong quá khứ là một chuyên viên về đạn to, súng dài, từng nổ chụp, nổ chậm, nổ xuyên phá, nổ TOT lên đầu VC khiến chúng tan hàng, tan tác, nay tỵ nạn CS thì ông chống Cộng triệt để, ông thường “bá ngọ” chữ nghĩa VC, vậy mà khi ông vừa ra đi thì bạn ông, nỡ lòng nào lại gán cho ông là “năng nổ”! Bản tính người quá cố là hăng say, hoạt bát, nhiệt tình, nhanh nhẹn, quyền biến, linh hoạt, có tình thần trách nhiệm v.v.., bao nhiêu đức tính sẵn có của nguời lính Việt Nam Cộng Hòa, của Can Trường Trường Can thì ông Niên không dùng, lại đi mượn cái chữ của Việt cộng nghèo nàn mà gán vào áo quan cho người quá cố thì phản bạn quá!
Cũng vẫn là Người “Giệc”, tối hôm trước tôi xem TV thấy lính cứu hỏa đã kiểm soát, ngăn chặn, dập tắt được những đám cháy ở khu du lịch nổi tiếng thì sáng hôm đã sau thấy Người Giệc loan tin: “lính chữa cháy đã KHỐNG CHẾ được ngọn lửa…”
Người XHCN đã bị kiềm chế, hạn chế đủ mọi thứ, chỉ còn lại có cái “khống chế” để dùng cho mọi trường hợp, khống chế bọn trộm cắp, khống chế giá cả gia tăng, khống chế được triều cường, khống chế đám cháy v.v.. Thế còn Người Giệc, chữ nghĩa của cơ quan truyền thông đâu mà sao cứ bắt chước cái nghèo nàn chữ nghĩa của VC?
Người sính chữ nghĩa VC, dùng chữ VC thì bào chữa là không phải của VC, mà có trong tự điển tiếng Việt từ lâu. Tôi đồng ý với lập luận lập lờ này, đành rằng có một số chữ như “tiếp cận, đăng ký, ấn tượng, khẩn trương” v.v… có trong tự điển, nhưng chúng ta ít dùng và nếu có dùng thì dùng đúng lúc đúng chỗ. Thí dụ như “tình trạng khẩn trương, những đường tiếp cận, có ấn tượng tốt” v.v.. chứ không dùng lộn tùng phèo làm nghèo nàn tiếng Việt như họ hiện nay. Thế còn “đái khẩn trương lên”? Đại đa số từ ngữ khó nghe này đều là do những “đỉnh cao trí tệ sáng tạo”.
Cái gốc của nó nghèo nàn thì kệ họ, cả một đất nước đẹp giầu chúng còn muốn dâng cúng cho Tàu Cộng thì xá chi một vài chữ nghĩa! Tiếng Việt còn thì nước Việt còn. Nay chúng dâng biên giới, biển đảo cho “tàu lạ” thì việc chúng giết tiếng Việt cũng không lạ. Cái lạ là “người Việt viết tiếng Việt” bỗng chốc trở thành “người Giệc giết tiếng Việt”.
Lại có bạn than rằng nạn chôm chĩa chữ nghĩa VC là hết thuốc chữa rồi, nó làn tràn khắp nơi do nghị qu.. 36, có nói cũng như nước đổ lá môn, nước đổ đầu vịt v.v… Tự bản thân mình yếu đuối nên cái gì cũng đổ thửa cho cái “nghị cu 36 kiểu”. Tự mình gây chia rẽ, tranh giành cái hão danh, cái miếng ươn nên mang con ngáo ộp NQ36 ra bào chữa cho cái hèn của chính mình. Nước đổ lá môn không được, nhưng các lão bà xướng ngôn, nhà báo, văn sĩ đâu phải lá môn, còn các ông thì đâu phải là đầu vịt, chỉ vì tí $ quảng cáo, viết văn dễ tính mà nỡ giết chết tiếng Việt
Cái cần làm ngay để giữ cho tiếng Việt được trong sáng, tiếng Việt còn thì nước Việt còn là tất cả những báo chí, tập san, đặc san, lỏng san có gốc lính phải tuyệt đối làm gương trước không để sót bất cứ một tên du kích “bức xúc” nào chui vào. Không những diệt tận gốc mà còn có bổn phận phổ biến rộng rãi, quảng bá nhiều lần những biện pháp ngăn ngừa và tiêu diệt chữ nghĩa VC. Những người từng cầm súng diệt Cộng, nay cầm viết thì vẫn có nhiệm vụ diệt chữ nghĩa VC, chứ đừng lười biếng, cẩu thả viết chữ Việt cộng mà giết chữ Việt Nam Cộng Hòa.
Những ai “có chức” khi đứng trước đám đông muốn nói gì thì nói nhưng phải uốn lưỡi 7 lần để khạc ra những cục đàm “ấn tượng, thân thương, tham quan” v.v… Muốn viết văn thư, thông cáo, thông báo thì phải lách cho kỹ, cho sạch ngôn ngữ VC kẻo bị người đời cười chê, bị mang tiếng là người “có chứt”. Những ai chữ nghĩa bề bề thì không thể buông thả, khi viết thì phải lách, phải loại bỏ những ngôn ngữ Việt cộng đi.
Sau nữa là ước mong người dân tỵ nạn Cộng sản đã bỏ chạy khỏi nạn Cộng sản, thì tiếp tục “bỏ chạy” ngôn ngữ Việt cộng đi. Truyền thông, báo chí tỵ nạn Cộng sản nêu cao tấm gương bảo vệ tiếng Việt cho được trong sáng, ước mong không vì vài đồng bạc cắc mà bán rẻ chữ nghĩa tiếng Việt trong sáng để mua về, ôm vào báo chí của mình những cái nghèo nàn dốt nát của Việt cộng.
Người Việt viết tiếng Việt, đừng giết tiếng Việt.
C.vanto
***
Bài đọc thêm:
Vợ Chồng lục đục cũng tại …Ông thích “Bức Xúc”
Captovan.
Tập thể các cựu QN, các cựu SVSQ, các tập san quân đội, tiếng nói của tổng hội, của quân trường, của binh chủng nhất định phải nhặt những hạt sạn, giẻ rách ra khỏi diễn văn, diễn đàn, tống chúng ra khỏi thông cáo, báo chí của mình. Những tác giả gửi bài viết cho tập san BĐQ, đặc san TQLC, Đa Hiệu, KBC/HN, Chiến Sĩ Cộng Hòa v. v.. hoặc phổ biến tài liệu, những bài viết mà chúng ta sưu tầm đưa lên diễn đàn thì phải gạn lọc, nhặt cho hết những thứ khỉ gió như “ấn tượng, tiếp cận, thân thương, tham quan, năng nổ, khống chế, diễu hành…” mà quăng chúng vào sọt rác trước khi gửi bài, trước khi phổ biến. Nếu muốn dùng để diễu thì nên bắt chúng nhốt vào cái còng với hai ngoặc kép (“…”) kẻo làm đinh tai nhức mắt độc giả.
Những tài liệu hoặc quý danh trong bài viết này nếu vô tình bị trùng hợp với quý danh bạn hữu của tôi ở hải ngoại thì cho tôi xin lỗi.
* * *
– Anh ơi, dọn dùm em cái ga-ra này coi, đồ đạc lộn xộn quá hà*.
(*một đọan quảng cáo trên radio v/v lắp ráp garage)
– Đã bảo vất bớt đi thì không chịu, lại còn đem đồ bán seo ở ngoài lề đường về nhà! Nhiều rác quá thì biết cất đi đâu bây giờ?
– Cái gì? Ông bảo ai mang rác về? “Đồ” (*) của tôi còn tốt mà, thấy ga-ra-seo, tôi mua về, lúc nào cần sờ đến là có ngay, còn ông cứ đi “suốt” thì biết cái gì?
(* tiếng địa phương Đồ Sơn, BK của tôi còn có nghĩa là nơi mà từ vua tới dân đen, từ sang tới hèn đều từ đó mà xuất, “quân tử thứ dân giai do thử ĐỒ xuất”)
Đang ngọt ngào hạnh phúc anh-anh em-em, bỗng dưng thấy vợ nổi giận rồi nổi đóa, đổi tông “ông tôi”, lão gàn Bát-Sách tôi cũng bốc hỏa theo.
– Cái gì? Tại sao bà rủa tôi “đi tàu suốt”! Ý bà muốn rủa tôi chết đi cho rồi chứ gì? Phải mà, bây giờ tôi già rồi, là xấu, là Chung Vô Diệm…
– Này này, tôi rủa ông hồi nào? Cứ nghe mấy ông bạn già dịch xúi đi uống những thứ thuốc linh tinh, dược thảo với quả trám màu xanh lý tưởng, đã chẳng được việc gì, lại còn bị sai-ép-phếch làm cho ù tai, hoa mắt! Tôi nói ông đi “suốt” tức là đi suốt cả ngày, chứ tôi nói ông “đi tàu suốt” hồi nào? Rõ là già nghễnh ngãng lãng tai!
– À ra thế! Thà rằng bà rủa tôi “đi tàu suốt” còn hơn là bà nói tiếng “suốt” VC trước mặt tôi. “Suốt” là cái khỉ gì? Phải nói cho rõ là suốt cả ngày, suốt tháng, suốt năm, suốt cả đời v. v… Cái tật ưa nói tắt, xấu hay làm tốt, dốt hay nói chữ.
– Sao? Ông nói cái gì? Nhắc lại thử coi, ông nói ai xấu, ai dốt?
– Xin lỗi bà, tôi nói cái bọn ngợm và những người ưa dùng tiếng VC kìa.
– Không phải tôi ưa dùng mà chính các đài phát thanh và báo chí ở hải ngoại đang làm đinh tai nhức mắt người ta với những tiếng “chôm” của XHCN kia kìa! Chưa hết, chính các bạn của ông, những người từng là lính, từng không đội trời chung với bọn ngợm, từng bị chúng nhốt mà lại đi vay mượn ngôn ngữ của chúng để viết văn, viết hồi ký v. v…! Ông coi đây này, coi cái này này.
Xuân, vợ Bát-Sách, dí cuốn hồi ký chiến trường của Đại Úy Lê văn Chôm vào mặt chồng, tay vỗ-vỗ vào cái chỗ dùng để ngồi rồi quày quả bỏ đi ra hè ngồi sụt sịt. Bát-Sách lắc đầu thở dài, chuyện xẩy ra quá bất ngờ, Sách cầm cuốn hồi ký lên đọc xem tác giả viết cái gì mà bà chằng nổi đóa, hồi ký viết rằng:
– Tôi không được đi phép thường niên mà đi hành quân suốt.
Ý hẳn là tác giả muốn nói ông đi hành quân suốt cả năm. “Suốt” là lối nói thu gọn của XHCN cho có vẻ khác người. Sốt rét cấp tính thì chúng gọi là “sốt cấp”, tăng tốc độ thì nói “tăng tốc”, thiếu thốn và đói kém thành “thiếu đói” và rồi họ chẳng hiểu ý nghĩa hai chữ “thiếu đói” là cái củ cải gì cả nên đem dùng sai bét, lộn ngược. Khi đập thủy điện sông Ba bị vỡ, hàng ngàn gia đình ở hạ lưu bị cuốn trôi, báo trong nước đưa tin:
– Hàng ngàn gia đình đang lâm vào tình trạng thiếu đói trầm trọng.(!)
Họ chơi chữ nghĩa lộn ngược, nhưng cái lộn mửa là MC radio hải ngoại cũng cứ loan tin đồng bào trong nước đang “thiếu đói” trầm trọng, yêu cầu đồng hương “khẩn trương” đóng góp để giúp dân “thiếu đói” (!)
Lật trang khác, Bát-Sách giật mình khi thấy tác giả còn chơi bạo hơn nữa, chắc là nhớ đâu đó có câu “xuyên suốt sợi chỉ hồng”, ông viết:
– Tiểu đoàn của tôi hành quân xuyên suốt khắp 4 vùng chiến thuật.
Trời ơi là trời! Chỉ cần viết đi khắp bốn vùng chiến thuật là được rồi, hà cớ gì phải khiêng hai chữ “xuyên suốt” vào khiến nó giống như “hồi kí” của bộ đội miền Bắc? Không kềm được tức giận, Sách bật ra tiếng Đức rồi cảm thấy hối hận nên chàng bước lại bên Xuân đang ngồi sụt sịt, chàng nhè nhẹ đặt bàn tay lên vai nàng xoa-xoa rồi cúi xuống ghé sát vào tai vợ thì thầm:
– Xin lỗi em, xin lỗi em vì “sự cố” vừa rồi, anh sẽ dọn dẹp cái ga-ra của em cho sạch sẽ gọn gàng. Trong “quá trình” anh dọn thì em cười lên cho đời thêm vui chứ em cứ ngồi chẩy nước ra đó thì trông “phản cảm” quá.
Biết chồng làm lành, tuy đang tức cành hông, muốn hất tay Sách ra, nhưng thấy chồng cố ý diễu, dùng những ngôn ngữ của cái xã hội vào thời kỳ “quá độ tiến lên xã hội loài người” nên Xuân phì cười cầm tay chồng mắng yêu:
– Anh ngốc quá, anh xoa-xoa vai em là sai chỗ rồi, đáng lẽ anh phải xoa phía đằng trước vai cơ, mình “giao lưu” lại nghe anh.
Bát Sách dìu vợ đứng dậy, đặt nhẹ cái môi hôi mùi thuốc lá lên má vợ (gò má của vợ), cái mùi 555 nơi môi, trong hơi thở của chồng khiến nàng Xuân thường bị lãnh cảm, nhưng hôm nay sao thấy cái môi chồng nó thơm thế, rõ là “yêu nhau trái ấu cũng tròn” nên cả hai cùng dìu nhau đi dọn ga-ra, vừa đi vừa song ca nho nhỏ:
– Không phải tại anh mà cũng không phải tại em, tại ngôn ngữ khỉ gió nên chúng mình giận nhau.
Giữ đúng lời hứa, Sách bắt Xuân ngồi ở xích-đu, đu đưa cái chân cho thoải mái và đọc tiếp cuốn hồi ký chiến trường, nhờ nàng tìm xem tác giả này có “bức xúc” hay không. Chàng cũng không quên pha cho vợ ly Carte Noir nhiều sữa ít café, còn mình thì xoay trần khoe bộ ngực Omega, sắp xếp lại mọi thứ cho gọn gàng, những thứ chàng thường lén quăng đi thì hôm nay thấy chúng dễ thương. Một bọc chứa dây buộc bún khô Tháp Chùa mà vợ cất đi để dùng khi cần thiết, cũng được Sách vuốt thẳng thắn, bó lại treo lên vách thay vì vất vào thùng rác như chàng vẫn thường làm.
Thấy Sách mồ hôi nhễ nhại, Xuân vội đứng đậy đưa chồng cái khăn thấm nước đá và uống chung một hớp café. Sách cười híp mắt nói:
– Nhờ mấy tiếng VC mà mình lại yêu nhau hơn.
– Này lão già kia! Đừng có ăn nói hàm hồ như thế, nói theo cái kiểu một số kẻ vô ý thức lộng ngôn cho rằng nhờ VC mà gia đình họ được sang Mỹ, được cơm no áo ấm ở Mỹ! Ông không biết cái nhục mất nước rồi bị tha phương cầu thực hay sao? Nếu chỉ cúi đầu ăn thì đâu nhất thiết phải đi bằng hai cẳng! Nếu…
Thấy vợ vung tay múa chân, miệng hò hét như những chính khách trên sân khấu, sợ hàng xóm nghe được thì thêm phiền hà, Sách vội chạy lại ôm Xuân “khống chế”, nhưng nàng vẫn vùng vẫy, miệng la bải hoải. Không còn cách nào khác hơn, chàng bèn dùng thế võ “khóa mồm” khiến đối thủ ú-ớ rồi ậm-ừ, ậm ừ, ừ, thân nàng mềm nhũn như sợi bún thiu thiếu điều muốn khuỵu xuống nên Sách vội bế thốc Xuân lên chạy vào phòng để cạo gió xoa dầu.
Nhìn chồng nằm gối đầu lên hai bàn tay, trán lấm tấm những giọt mồ hôi, nhớ lại thuở xa xưa mỗi khi gặp cảnh này, Xuân thường thưởng cho chồng một điếu thuốc SALEM, loại thuốc lá có mùi menthol dễ thương, mà cái tên của nó bị mấy ông zà-zịch dịch ra tiếng Việt nghe cũng dễ thương: “Sao Anh Làm Em Mệt”! Ngày ấy Xuân thường quẹt Zippo lên, đốt điếu thuốc, rít một hơi rồi phà khói vào mặt Sách trước khi gắn điếu thuốc lên môi người yêu.
Ôi thời oanh liệt nay còn đâu! Lửa đã tắt, bình khô rượu mà SALEM cũng chẳng còn, để an ủi chồng và giúp chàng quên dĩ vãng oai hùng, Xuân nằm xích lại, nâng đầu Sách lên, lấy tay thay gối, thỏ thẻ nũng nịu như hồi xa xưa:
-Thôi đừng suy tư nữa, không còn Salem thì em đọc báo XHCN cho anh nghe, mua vui cũng được một vài trống canh.
– Đã hết thuốc Salem lại còn phải nghe chuyện XHCN thì anh trở thành liệt… sĩ luôn à nghe. Mà tại sao em lại đọc báo VC ôn-dịch ôn-lai?
Có vào hang hùm mới “bắc” được cọp, (bắc chứ không phải bắt), có đọc VnExpress, Tuổi Trẻ, mới biết chủ “tịt” tỉnh Hà Giang Nguyễn Trường Tô sai hiệu trưởng Sầm Đức Xương đem nữ sinh đến cho hắn làm thịt. Có đọc mới biết ngư dân VN bị “tàu lạ” bắt và đâm chìm ngay trên biển của mình! Có đọc mới biết họ xây cầu chưa xong đã sập! Anh còn nhớ ngày 29/6/2007 cầu Cần Thơ bị sập khi đang xây khiến 54 công nhân chết và 80 bị thương không? Em nhớ rõ là vì ngày đó ông Mục sư Đục-Bào vội vàng kêu gọi đồng bào hải ngoại “khẩn trương” góp đô cho ông đem vô XHCN cứu dân “thiếu đói”!
Rõ thối! Nhanh nhẩu đoảng để được lên thiên đàng XHCN… “Xuống Hố Cả Nút, Xấu Hổ Cả Nước”
– Chuyện làm việc thiện của người ta, của sư, của cha, của mục sư, của thầy sáu sao em cứ thích xía vô? Mà cây cầu đó xây tới đâu rồi nhảy?
– Cầu ấy sắp “hợp long” rồi, để em đọc tin trên VnExpress nhá:
“Cầu Cần Thơ chuẩn bị hợp long. Ngày 26/9/2007, sự cố sập 2 nhịp khiến 54 chết, 80 bị thương. Dàn thép cuối cùng được lắp đặt để nối liền cầu Cần Thơ bắc qua sông Hậu ngày 3/10. Dự kiến hợp long ngày 15/10/2009 và chính thức thông xe vào tháng 3/2010. Nhưng mới chỉ thông xe kỹ thuật thôi mà đã có 10 thợ chụp hình và nhiều hàng rong đến đây tác nghiệp. Có đi thực tế mới thấy một số bộ phận người dân chưa ý thức được giá trị và biểu cảm của cây cầu.
– Xì-tốp ngay, em tốp lại cho anh hỏi: “Hợp long, thông xe, tác nghiệp, biểu cảm, đi thực tế” là cái củ cải gì vậy? Bộ phận người là bộ phận nào vậy? Bộ trên hay bộ dưới, thượng bộ hay hạ bộ?
– Bố ai mà biết! Chắc ý họ muốn nói “hợp long” là Cần Thơ giao hợp với Vĩnh Long chứ gì. Còn thông xe chắc là cho xe chạy qua cầu, là lưu thông! Thông xe kỹ thuật chắc là cho xe đi thử! Tác nghiệp là là là tác nghiệp! Biểu cảm là không phải phản cảm! Người (dân) ta có nhiều bộ phận mà chỉ có một “bộ phận” chưa ý thức thì hẳn là bộ phận này ở thấp dưới đầu gối thôi! Ối giời ơi, ai là người Việt Nam, đọc bản tin trên mà hiểu thì… hiểu chết liền. Để em đọc anh nghe lời tuyên bố của ông thanh tra nói về nạn kẹt xe ở Hà Nội nhé:
“Ùn tắc ở các điểm phân làn chỉ là cảm quan, ùn tắc hiện nay chỉ là giả tạo do sự thiếu ý thức của một bộ phận người tham gia giao thông. Ngoài ra cũng có nguyên nhân mật độ giao động khi tựu trường đột biến. Chúng tôi chia làn để các phương tiện không bị xung đột, tránh ùn ứ. Nhưng ý thức kém, người tham gia giao thông thấy chỗ nào đi được là chen vào gây nên tình trạng ùn tắc cục bộ”.
Đó là nguyên văn lời của thanh tra sở giao thông Hà Nội Hoàng Văn Mạnh, hắn ta phát biểu với VnExpress. Phóng viên không “đồng tình bèn phản biện”:
Thực tế cảm quan cho thấy việc cưỡng ép phân làn ở một số tuyến đường có dải phân cách là không hợp lý ..
Khi tai nạn xe hơi xảy ra, cái sau ủi đít cái trước, thì họ gọi là “ô-tô đâm liên hoàn! Làm như cái xe đầu tiên quay vòng lại húc vào đít xe sau cùng, liên hoàn mà! Cái gì xảy ra liên tiếp thì họ gọi là liên hoàn. Thằng ăn cướp đâm liên tiếp ba người thì họ bảo nó đâm “liên hoàn”. Nếu chỉ có 2 xe dụng nhau thì sao? Hình chụp xe taxi bị xe Rolls Roys ủi đít bẹp dúm thì ngôn ngữ đỉnh cao diễn tả như thế này:
Đuôi xe taxi dẹp dúm khi tác động với góc bên phải của Rolls Roys.
Phi cơ đang bay, nghe có tiếng điện thoại reo, ô-tét-đờ-le đi đến yêu cầu hành khách tắt điện thoại, vì hành khách này mang 3 cái điện thoại, nhưng lại chỉ tắt có 2, còn 1 chiếc thì vẫn mở. Cô tiếp viên báo cáo với phi công trưởng:
“Vị hành khách mang ba di động nhưng chỉ tắt có hai, còn một cái vẫn để ở chế độ mở. (Vnexprees)
Nếu bạn đi vào RR rồi đi ra mà quên gài thì đó cũng là những cái cúc thuộc chế độ mở. Kể sơ sơ ngôn ngữ diễn tả chuyện giao thông. Bước qua thể thao, phóng viên VnExpress diễn tả động tác cầu thủ Beckham đá bóng:
Beckham vào bóng bằng gầm giầy..
Ai đã từng đá bóng thì làm ơn giải thích động tác “vào bóng” bằng “gầm giầy” là như thế nào? Khi các huấn luyện viên hướng dẫn, luyện tập và đưa ra những chỉ thị cần thiết cho cầu thủ thì VnExpress viết:
HLV trưởng Argentina Marodona thị phạm cho các học trò trên sân tập.
HLV Calisto của đội tuyển bóng đá VN liên tục phải nhắc nhở, sửa lỗi rồi thị phạm cho các học trò.
Không lẽ “thị phạm” là đưa ra những chỉ thị về sai phạm? Nhưng chưa ly kỳ bằng đoạn viết về ông HLV đội tuyển Pháp:
Đội tuyển Pháp đã hòa 2 trận, HLV Domenech bèn thay đổi chiến thuật, nhưng quỹ thời gian chỉ còn 1 tuần nên ông Domenech đem lại quá nhiều bất cập.
Ông HLV Domenech không còn “quỹ thời gian” để thay đổi chiến thuật, còn hoa hậu Je-nê-phơ Phạm (vợ bỏ của ĐVH) không được đi hét theo chồng thì tâm sự với PV báo Tuổi Trẻ:
Trong quá trình làm việc sắp tới, tôi sẽ đầu tư quỹ thời gian vào công việc người dẫn chương trình.
Chỉ có quỷ sứ mới hiểu “quỹ thời gian” là cái củ cải gì! Thay vì nói MC hay điều khiển CT thì lại “dẫn ct”, làm như xích cổ nó kéo đi.
Không nói chuyện Beckham vào bóng bằng gầm giầy nữa, không tìm hiểu quỹ thời gian nữa mà đi nghe họ kể chuyện màu đỏ chủ đạo của cái xì-líp mà cô Venus mặc khi chơi banh lưới* (* banh lưới: tennis, banh lỗ: golf). VC nó viết như thế này:
Venus lại mặc đồ phản cảm. Ở giải Italy mở rộng, Venus lại diện trang phục phản cảm như ở giải Pháp mở rộng, nhưng lần này cô chọn màu đỏ làm chủ đạo.
Ối bác ơi, cháu mặc xi-líp đỏ mà bác bảo là lấy màu đỏ làm chủ đạo thì nghe ghê quá, có khi lộn với lá cờ lấy màu đỏ làm chủ đạo đấy, cháu chả hiểu ý bác nói màu đỏ “chủ đạo” là cái gì sất.
Ở US Open, Kim Clijsters loại ứng viên nặng ký Venus Williams, sau đó cô tiếp tục mạch trở lại hoành tráng ở giải đấu mà cô từng vô địch.
“Mạch trở lại hoành tráng” nghe chưa kinh bằng ông phó giáo sư Hà Đình Đức nói về viêc nạo vét hồ Gươm:
Sau khi vét thí điểm kết quả sẽ được quan trắc đánh giá để có phương án xử lý tiếp theo. Khu vực xử lý thí điểm chưa tới 1% diện tích hồ, lượng nước hao hụt không đáng kể nên không cần bổ cập.
Đường hầm cầu Thủ Thiêm bị cháy thì bản tin ghi lại như sau:
Đường dẫn hầm cầu Thủ Thiêm phát hỏa, chiến sĩ PCCC đến hiện trường và đám cháy được khống chế. Tuy nhiên mật độ khói trong đường dẫn vẫn còn nên lực lượng tiếp tục triển khai tiếp cận điểm phát hỏa.
Anh buồn ngủ rồi hả? Thôi để em ru cho anh nghe chuyện giá cả:
Giá sữa bột ở VN tăng giá lung tung, bộ y tế thông báo là giá không được vượt trần quy định. Khung giá sẽ được xây dựng căn cứ trên giá bán không bao gồm chi phí bao bì. Sau khi cân đối, các doanh nghiệp được quyền công bố giá bán nhưng không được vượt trần quy định mà phải tiếp cận giá bình dân (!). Nếu vi phạm thì khung hình phạt là 5 đến 10 tháng tù.
Xuân đang đọc những “mảng văn cực kỳ hoành tráng” cho chồng nghe thì Sách hét lên.. “thôiii ốiii”, Xuân vội vàng nắm đầu chồng lắc lắc:
– Này này, anh mơ thấy gì mà hét lớn thế làm em giật cả cái ..mình, ác mộng hả? Cái gì thối? Em có đánh… rắm gì đâu mà anh kêu thối? Hay là anh mơ thấy con đĩ ngựa nào nó bóp.. cổ anh.
– Không có ác mộng hay đĩ ngựa nào cả, chính em đấy, em làm anh phát điên lên đây này, nếu còn lải nhải những thứ ngôn ngữ khỉ gió, khỉ tiều đó nữa thì anh, thì anh..
– Thì anh, thì anh làm sao? Anh làm gì tôi? Vì ru cho anh ngủ nên tôi đã phải hy sinh “tiếp cận” với ngôn ngữ lộn mửa này. Anh nằm gối đầu lên tay tôi, tôi gác chân lên đầu ..gối anh, tôi đọc cho anh nghe những “mảng văn chương cực kỳ” của XHCN đang trong thời kỳ quá độ tiến lên loài người mà anh lại hét thối lên là thế nào?
– Xin lỗi em, tại vì anh “bức xúc’ quá.
– Ông nói “bức” cái gì, “xúc” cái gì? Muốn xúc .. thì đi chỗ khác, nằm bên tôi mà ông thích “bức xúc” thì ông đúng là đần ông, ông đần. Tại sao ông lại đi mượn của VC cái thứ vô nghĩa ấy về làm cho bẩn cái lỗ … tai tôi! Có nhiều tiếng thanh tao như khó chịu, bực bội, bực dọc, phẫn uất, tức tối, lo lắng, băn khoăn, giận hờn, đau khổ, điên tiết, lộn tam bành lục tặc v.v.. tùy từng trường hợp mà dùng. Cái thứ gì mà đụng đâu cũng “bức xúc”! Mở miệng ra là “xúc” nghe tục làm sao.!
– Ối giời!. Người ta nói đầy đường kia kìa, báo dùng, “đài” dùng, ông lớn dùng bà bé dùng thì có sao đâu? Thấy cái gì có hôi hám VC một tí là em chống, em đúng là người chống cộng “sảng”.
– À thì ra ông nói tôi mê sảng chống cộng hả? Tôi nói cho ông biết, chuyện trong nước xảy ra làm sao, dẫu có thế nào tôi cũng chẳng nói làm chi, tôi dí cái… vào. Cái vấn đề là sự trong sáng của tiếng Việt ở hải ngoại đang mờ dần vì pha trộn với ngôn ngữ bản xứ, nay có nguy cơ bị bệnh nặng do virus du-sinh và ca-nô mang sang, hễ chúng làm rơi ra câu nào là có kẻ chộp lấy mà dùng! Nhất là bọn con buôn, nó quăng cho cái quảng cáo đầy chữ VC kèm theo vài đô-la là các “la-dô” tranh nhau vồ rồi các xướng ngôn cứ ra rả trên các làn sóng “hoành tráng, khuyến mãi, ấn tượng v.v..”! Báo chí thì bê nguyên văn các bản tin trên báo điện tử trong nước, trước đây thì đi hai bước cắt-dán, nay thì đi ba bước “highlight, copy, paste” là có bản tin như của chính minh, ngôn ngữ VC còn y nguyên, phóng viên viết tin thì dùng quá nhiều tiếng trong nước, có vẻ như họ xuất từ đó mà ra! Thu-em-hỏi!
– Này bà! Bà ăn nói nên giữ mồm giữ miệng kẻo bị đi kiện vì làm thiệt hại đến thương vụ của họ đấy, giống như tên Tây-lọ-lem đem thằng đờm đỏ Đâm Vào Hông ra hù cộng đồng và đang chuẩn bị đâm đơn kiện cộng đồng vụ biểu tình chống thằng Đờm-đỏ đấy.
– Con kiến mà kiện củ khoai ấy à? Mà tôi là đàn bà, không có củ thì tôi đền “ba mươi chín ngàn*” được không? Ba mươi chín ngàn tức là cái “3 vạn 9 ngàn” đó, anh có thích cái “3 vạn 9 ngàn” của em không? Mà thôi, chuyện cộng đồng để cộng đồng lo, tôi quay về chuyện giữa ông và tôi đây này. Tôi có làm điều gì khiến ông không vừa ý thì báo cho tôi biết rằng ông chán ngấy, khó chịu, bực mình v.v.. thiếu gì chữ để nói mà sao ông cứ nghèo nàn chỉ có một câu thô tục “bức xúc”? Đã vậy, ông cũng như một số bạn của ông, sau khi bị “gẫy súng” lại bày đặt viết văn. Tôi trân trọng việc làm này nếu như các ông không vay mượn những thứ ngôn ngữ quái đản khiến ông không phải viết văn mà là “giết” văn. Người Việt không viết tiếng Việt mà là giết tiếng Việt.
– Bà đừng có nói thêm, nói điêu rồi chẻ sợi tóc ra làm tư làm tám, hai đầu bịt bạc giữa khảm xà cừ vu oan cho tôi.
– Oan hả? Nói có sách mách có chứng, cuốn sách hồi ký chiến trường ông đang “giết” tiếng Việt đây này, ngay trang đầu ông đã dao to búa lớn:
– Tôi đi hành quân xuyên suốt khắp bốn vùng chiến thuật..
Ngô nghê chưa? Hai chữ “xuyên suốt” không bao giờ dùng ở miền Nam VN, vả lại nó quá thừa, quăng nó vào sọt rác thì văn của ông nhẹ nhàng đầy đủ ý nghĩa rồi. Còn ở dòng 4 trang 3, tôi lại tưởng là hồi-kí của bộ đội miền Bắc:
– Tôi cho đại đội khẩn trương rút, nhưng để lại một tiểu đội ở tại hiện trường đề tìm phương án tiếp cận địch quân.
Sách báo miền Nam có chữ “tiếp cận” trong hình học, còn ngoài chiến trường là “tiến sát, bám sát, lại gần” địch quân. Nay ông thấy người ta nói “tiếp cận giá bình dân” ông cũng bê vào văn của ông! Miền Nam ta chỉ dùng “khẩn trương” trong trường hợp báo động, giới nghiêm, thiết quân luật, nay thì cái gì cũng “khẩn trương”, yêu khẩn trương, đái khẩn trương, ị khẩn trương. Cái đêm bị ngồi xe bít bùng từ trường Taberd đến Long Giao, dọc đường xe ngừng, bộ đội hét:
– Các anh đái khẩn trương lên”.
Tôi thấy các ông tù ngơ ngác chả hiểu gì cả, vài ông cười té đái ra quần, nay thì xoen xoét nói “khẩn trương” như môi có bôi mỡ. Ông chồng yêu.. quái đản của tôi, các ông là lính, là người không đội trời chung với VC, chúng đã giết 10 năm, 15 năm tuổi trẻ của các ông trong ngục tù khiến tuổi xuân của chị em tôi chết theo! Ông được thả ra khi đã hấp hối, sợ té đãi vãi kk, chạy ra hải ngoại mà vội quên quá khứ, “giết” văn bằng ngôn ngữ VC. Tôi đã nhắc ông nhiều lần thì ông viện cớ là ở tù lâu nên quen miệng! Ngụy biện! Miếng ngon nhớ lâu, điều đau nhớ đời, ông thường mỉa mai nhắc chuyện cai tù dẫn các ông đi coi cine’ và ra lệnh:
– Trong quá trình xem phim, các anh phải giữ cự ly gián cách
“Quá trình” là diễn tiến một sự việc xẩy ra trong quá khứ, nếu họ dùng vào việc đang hay chưa xẩy ra thì là “nó dốt nó say sô” vậy mà các ông cũng bày đặt dốt theo sao? Tôi nhớ mãi cái buổi họp về đại hội sắp tới của các ông vỏ bí, ông Tổng “Vớ Vẩn” nói thế này:
– Trong quá trình diễn ra đại hội, chúng ta sẽ phải ..
Tôi nhớ là vì hôm đó sau khi ông Vớ-Vẩn phát biểu “quá trình”, tôi vẫy con tô-tô và kiki lại nghe “bố” nó nói, toto, kiki chỉ biết nhe răng cười vì ông Vớ Vẩn chính là “bố chó xồm”. Tưởng “đảng đã cho ông sáng mắt”, ai ngờ sau đại hội, ông gửi một cái email cho các hội viên như sau:
– Tôi đánh giá cao về sự năng nổ của các bạn đã giúp đại hội được thành công nhất định. Ý đồ của tôi là đưa các phu nhân đi tham quan Little SG, nhưng vì thời gian bị khống chế nên không thực hiện được. Xin cám ơn các bạn, những đồng môn thân thương của tôi”.
Tôi định đập vỡ mặt cái láp-thóp đã ăn nói ba -láp, vơ vét rác rến XHCN vào cái thư gửi cho đồng đội, đồng môn! Ông ăn cắp tất cả chữ nghĩa của một “thủ trưởng”. Cái gì là “đánh giá cao, giá trị cao”? Một kiểu nói trịch thượng. Người Nam mình không bao giờ “năng nổ” mà chỉ có hăng say, nhiệt tình, tích cực. Còn chữ “ý đồ” là mưu toan thực hiện một hành động bỉ ổi, tại sao ông không dùng “ý định”? Còn “tham quan” là tiếng hán, tiếng Việt là thăm viếng. Tiếng VN ta có sẵn “thân mến, thân yêu, thân thiết” không dùng lại đi vơ con tiều “thân thương” vào, trong tự điển tiếng Việt không có chữ “thân thương”, cái chữ khỉ gió này chỉ có sau 30/4/75!
Chán! Hình như ông và bạn bè ông cùng ăn phải đũa của nhau, không còn biết phân biệt ngôn ngữ nào là Việt, ngôn ngữ nào là Ziệc + ! Họ thích háng-dăng như tham quan (thăm viếng) nghệ nhân (nghệ sĩ), xuất nhập khẩu (xuất nhập cảng) v.v… vì lệ thuộc Tầu, sợ Tầu đến nỗi tầu-Tầu đâm chìm tầu-ta ngay trên biển của ta thì bảo là “tầu lạ”!
– Tóm lại, người trong nước họ chế tạo ngôn ngữ thế nào thì kệ thây họ, đừng vay mượn chôm chĩa, đừng thấy họ vẫy đuôi ông cũng vẫy theo, họ bức xúc ông xúc theo. Tôi đã khuyên bảo ông nhiều lần rồi, nhưng cứ như nước đổ lá môn, vẫn chó đen giữ mực, tôi chịu hết nổi rồi, thôi đường ông ông đi, đường tôi tôi đi.
Nói xong bà Xuân xách cái mông ra đi, bỏ lại Sách một mình bên đống rác gara-seo. Buồn thối ruột (dĩ nhiên) Sách than thân:
– Lỗi tại tôi, lỗi tại tôi mọi đàng, ai ngờ chỉ vì vài danh từ VC mà gia cang tôi tan nát! Còn những cái khác nữa của VC thì chắc khiếp đảm lắm đây!
Thưa đọc giả, trên đây là chuyện xẩy ra trong gia đình lão Bát-Sách, cộng đồng của Sách. Nếu ai thấy quen quen thì chẳng qua là có tật giật mình thôi. Xin mỗi người cố gắng một chút để giữ gìn tiếng Việt được trong sáng, nếu có bắt chước thì tìm cái hay hay một tí, đừng thấy “sang dốt nát” mà bắt quàng làm họ. Nhất là hiện nay các nhật báo, tuần báo, tháng báo, báo bán, báo chợ đã quên đi vai trò quan trọng của truyền thông là giữ gìn tiếng Viết cho trong sáng, cũng có thể báo nào đó, có anh chị kí-rả nào đó làm nhiệm vụ “reo rắc đó đây những mầm độc hại” để giết tiếng Việt, giết người Việt!
Tập thể các cựu QN, các cựu SVSQ, các tập san quân đội, tiếng nói của tổng hội, của quân trường, của binh chủng nhất định phải nhặt những hạt sạn, giẻ rách ra khỏi diễn văn, diễn đàn, tống chúng ra khỏi thông cáo, báo chí của mình. Những tác giả gửi bài viết cho tập san BĐQ, đặc san TQLC, Đa Hiệu, KBC/HN, Chiến Sĩ Cộng Hòa v.v… hoặc phổ biến tài liệu, những bài viết mà chúng ta sưu tầm được lên diễn đàn thì phải gạn lọc, nhặt những cái chữ khỉ gió “ấn tượng. tiếp cận, thân thương, tham quan, năng nổ, khống chế, diễu hành” v. v… mà quăng chúng vào sọt rác trước khi gửi bài, trước khi phổ biến. Nếu muốn dùng để diễu chơi thì nên bắt chúng nhốt vào cái còng 2 ngoặc kép (“… ”) kẻo làm đinh tai nhức mắt độc giả./.
Captovan.