Seite auswählen

Ngày văn phòng cao ủy tị nạn gọi lên điền đơn xin định cư tôi có chú thích nguyện vọng xin đi Canada, trong khi cả ngàn người chung chuyến tàu đều xin đi Mỹ. Có thể vì hồi nhỏ đi học qua sách báo thấy Canada có tỉnh bang Québec nói tiếng Pháp, mà trước khi đi đã dằn bụng vài cân tiếng Pháp nên nghĩ ọ ẹ được mấy chữ vẫn còn hơn không. Vì ít người xin hồ sơ của tôi được chấp thuận dễ dàng, chỉ mấy tuần sau sáu anh em chúng tôi được lên đường định cư. Tin hồ sơ chúng tôi được Canada chấp thuận loan nhanh, các em thiếu nhi hụt hẫng vì sẽ phải chia tay người anh thân thiện chuyên dạy các em xếp hình bằng giấy, sẽ không còn những trưa hè nóng nực anh ngồi đội lá dừa trông cho chúng tắm biển. Các thanh niên thì buồn vì đội bóng sẽ thiếu thủ môn xuất sắc chuyên chụp hụt khiến cả đội cứ phải leo cây hái dừa phục vụ đội thắng. Các cụ già thì buồn hơn hết từ nay biết làm sao có củi để nấu nướng, nước để tắm và các việc nặng nhọc biết nhờ ai đây ? Một thằng bé mười tám tuổi dắt theo năm đứa em vượt biên, đứa nhỏ nhất mới vừa tám tuổi. Vừa làm mẹ, vừa làm cha trong ngoài chu toàn mà còn tiện tay giúp đỡ những người chung quanh một cách vui vẻ thật là hiếm có.

Từ nhỏ tôi ở nội trú, công việc duy nhất làm thành thạo mỗi ngày là học, ăn ngủ đúng giờ, gấp chăn mền ngay ngắn. Chưa từng chăm sóc con nít, mà là con nít được cưng chiều nên nhõng nhẽo vô cùng tận. Mà các em tôi mắc bịnh lây, cứ một đứa khóc là cả đám rưng rức phụ hoạ hợp sức thêm lửa.

Để các em không khóc đòi về vì nhớ ba mẹ và vượt qua những khó khăn trong cuộc sống tạm bợ trên đảo tôi luôn phải bày những trò chơi cho chúng vui quên ngày tháng. Khi thì nhặt vỏ dừa khô mài cho nhẵn rồi khắc hình, khi thì kết nón bằng lá dừa, khi thì bện lá dừa thành tấm thảm nhỏ rồi kéo lên đồi cát đứa nhỏ ngồi lên đứa lớn đứng sau đẩy. Tại trại này chẳng có gì ngoài dừa nên tất cả các sinh hoạt ăn, ngủ, nằm, ngồi, đi, đứng đều liên quan đến dừa. Khi thì bày chúng xếp hàng theo lớn nhỏ rồi nhảy chân sáo vừa nhảy vừa hát :

Ánh trăng trắng ngà à à, à à, à à.
Có cây đa to o o, o o, o o.
Có thằng cuội già à à, à à, à à.
Ôm một mối mơ ơ ơ, ơ ơ, ơ ơ.

Các trẻ em khác thấy vui tự động nhập hàng và hát theo cứ thế chúng chạy nhảy quanh trại. Khi đổi bài hát các đứa trẻ tự động thay tiếng ngân không vấp váp chẳng hạn như :

Trông kia con voi oi oi, oi oi, oi oi.
Nó đứng rung rinh inh inh, inh inh, inh inh.

Nhờ phát minh ra những tiếng ngân sau câu hát tôi được gọi là thầy dạy hát mặc dù một nốt nhạc bẻ đôi cũng chẳng biết. Rồi những hôm mưa lại phải nghĩ trò lập gánh tại gia, hát cải lương. Tôi lớn nhất lúc nào cũng thủ vai hoàng thượng, vì dãi nắng dầm mưa đen thui và trông rất già nên chỉ cần lấy cục than bếp vẽ thêm vài cọng râu dê là xong. Long bào thì lấy cái mền khoác lên vai, cột cái gút ngay cổ. Lãnh vai này được cái rất nhàn chỉ cần ngồi thẳng lưng, lâu lâu vuốt râu và gục gặc đầu, mắt đăm chiêu ra chiều suy nghĩ chứ không phải hát. Nhưng có một lần tụi nhỏ hát tuồng “Trọng Thuỷ Mỵ Châu” nhà vua bị rượt chạy bở hơi tai. Khi tất cả các trò chơi đều đã được tận dụng là lúc chúng tôi được chấp thuận đi định cư.

Các chú bác lớn tuổi xúi tôi xin đổi ý đi Mỹ vì không nỡ nhìn sáu đứa con nít dắt díu nhau qua xứ vừa ít người Việt, vừa lạnh. Nhưng vì tiếc mớ chữ Pháp học trong mười mấy năm nội trú tôi không đổi ý. Ngày xe đón chúng tôi ra phi trường các em nhỏ cứ chạy theo xe vẫy tay mãi cho đến khi xe khuất hẳn, các cụ già rưng rưng nước mắt tội nghiệp sáu đứa trẻ tách đàn về nơi xa lạ.

Qua đến Canada vì tôi vừa bước qua tuổi vị thành niên nên được cho tự do lựa chọn chỗ ở và chính phủ sẽ trợ cấp. Một gia đình dân bản xứ bảo lãnh hai em trai kế, mười sáu và mười bốn tuổi. Một gia đình khác nuôi ba đứa còn lại. Hai gia đình bảo trợ ở hai hướng, cách xa cả giờ lái xe nên tôi từ nay thêm chức mới là bảo mẫu lưu động.

Những ngày đầu tiên tôi lê la khắp các nhà hàng, hãng xưởng, cây xăng xin việc. Tỉnh nhỏ chỉ toàn dân bản xứ chính gốc nên nhìn thấy “ngoại quốc” như tôi ai cũng vồn vã nhiệt tình hỏi han đủ chuyện. Hỏi tôi từ đâu đến, tại sao lại phải bỏ nước ra đi đến nơi xa xôi này ….vv. Có bà chủ nhà hàng tốt bụng còn mời tôi bữa ăn miễn phí trước khi từ chối vì nhà hàng bà cả gia đình làm từ A đến Z nên không cần người. Mùi thơm của khoai chiên lúc đó hấp dẫn làm sao, nhưng việc làm chưa có tôi bụng dạ nào mà nuốt vô nên đành phải từ chối để tiếp tục hành trình tìm việc.

Lê vừa mòn gót đôi dép mang theo từ trại tỵ nạn thì tôi được nhận đứng trông máy trong hãng dệt. Thế là ban sáng đi làm, ban đêm đi học để chuẩn bị thi vào đại học. Tan ca làm tôi chạy bộ đến trường thì còn dư mười lăm phút nhai sandwich trước khi vào lớp, những hôm tuyết rơi dày đường trơn trợt té chúi nhủi năm bảy lần đến nơi đúng vào lúc tan lớp. Ông giáo già bụng phệ vượt mặt, lăm lăm con mắt dưới cặp kính to bằng hai trái trứng gà nhìn tôi lấm lem tuyết từ đầu đến gót chân rồi bước đi không buồn mắng một lời. Vài lần trễ như thế tôi nhận được giấy hẹn vào văn phòng. Thầy bảo vì thấy tôi ngoại trừ những lúc đến trễ không vào lớp, những buổi học khác rất chăm và giỏi nên muốn nghe giải thích về những lần cúp cua mà lại cố tình xuất hiện trước khi thầy ra về. Tôi đành rưng rưng kể là vì tuyết trơn nên chạy không nhanh, chưa kể mỗi lần té lồm cồm bò dậy gom được đồ vung vãi cũng mất vài phút. Ông suy nghĩ vài giây rồi hỏi :

– Sao phải chạy bộ, có xe bus mà.


– Thưa thầy con muốn tiết kiệm để cuối tuần có tiền đi xe đò thăm các em ở nhà bảo trợ.

Thế rồi cuộc hẹn dự tính mười lăm phút kéo dài đúng một giờ, tôi phải kể thầy nghe vì ba đi học tập nên mẹ phải ở lại thăm nuôi. Tôi đành thế thân vừa cha lẫn mẹ để dắt các em vượt biên và chọn đi làm thay vì lãnh trợ cấp để có tiền mua chiếc xe đi thăm các em mỗi cuối tuần. Vì đi xe đò mất nhiều thời gian nên một ngày chỉ thăm được một nhà và quan trọng hơn nữa là không thể đem em này đến thăm các em kia được. Ông thầy xua tay đuổi tôi ra khỏi phòng, tay kia quơ quơ vói hộp khăn giấy.

Từ đó mỗi khi đến trễ thầy không còn nhìn tôi với ánh mắt khó chịu nữa mà trên bàn thầy có xấp bài giảng để quên và bảng đen thầy quên xoá như vẫn thường làm mỗi khi ra khỏi lớp.

Hết mùa đông đầu tiên tôi hoàn tất các cours học và mua được chiếc xe cà tàng của con gái bà chủ nhà. Chiếc xe như một bức tranh nhi đồng vì nếu tôi đếm không sót thì hình như nó có đủ mười hai màu khác nhau. Mỗi lần va quẹt thì bà chủ nhà lại quét lên chỗ trầy một màu rất chói và ấn tượng để cô con gái mắc cở với bạn bè và lái cẩn thận hơn. Nhưng hình như cô chẳng biết mắc cở hay các bạn cô cũng va quẹt như cô hay nhiều hơn thế nữa nên cho đến khi không còn màu để quét lên bà phải bán nó đi. Chiếc xe chỉ xấu xí về nhan sắc và mỏi tay cho hành khách muốn quá giang vì cánh cửa bên phải không đóng đàng hoàng được. Bình thường nó được ràng bởi sợi dây với chân ghế, nhưng nếu có người ngồi thì thò tay giữ chặt cho nó đừng rớt thế thôi. Nói cho nghe thê thảm chứ thật ra cửa hơi khó đóng và có vẻ sệu sạo chứ rớt làm sao được. Máy vẫn nổ tốt và chạy đến nơi đến chốn bình yên. Chiếc xe tôi chăm sóc như bảo vật chỉ dùng để đi thăm các em hoặc khi nào cần lắm lắm chứ đi học, đi làm hay đi chợ tôi vẫn đi bộ hoặc chạy.

Quên khoe ngoài làm công nhân hãng dệt tôi còn có thêm job mới “nghiên cứu sinh”. Nghĩa là thứ năm khi có báo quảng cáo tôi thức khuya coi hết các tờ quảng cáo nghiên cứu xem chỗ nào thịt, trứng, cá bán rẻ. Nhiều khi rẻ được vài đồng nhưng phải đi xa hơn cả giờ, ức lắm nhưng đành chịu khó lội bộ. Tối thứ sáu tôi kho thịt với trứng, hoặc gà kho gừng hoặc cá kho tiêu rồi đóng hộp để thăm nuôi các em. Ở nhà bảo trợ ăn thức ăn tây nên các em mắt sáng lên mỗi khi tôi sục sạo cái túi lôi ra hộp thức ăn. Dần dà mắt kém sáng, nụ cười kém tươi bé út nắm tay tôi lắc lắc :

– Em ngán rồi mấy món này rồi, em thèm bánh xèo.

Đứa khác thì thèm bún riêu, còn hai thằng lớn thèm phở. Trời ơi tụi em tưởng tôi là đầu bếp chính hiệu hay sao vậy, nhưng mà không đáp ứng yêu cầu thì chắc các em sẽ buồn. Thế là từ đấy tôi học thói la cà, tỉnh tôi tuy rất nhỏ nhưng cũng có một tiệm tạp hoá chuyên bán các thực phẩm Á châu của người Việt làm chủ. Tôi giả vờ ra mua gói bún, gói bánh phở rồi cứ đi qua đi lại cầm cái này lên coi bỏ cái kia xuống. Chờ xem có bà bác hay cô gái nào vào tiệm là tôi lăn xả vào bắt chuyện và hỏi cách làm những món được yêu cầu. Nửa ngày trơ mặt, già không bỏ nhỏ không tha tôi cũng thu thập được đầy đủ cách làm các món. Thế rồi mỗi tuần một món theo yêu cầu, càng ngày càng thèm nhiều món nên khi các em trưởng thành, công thành danh toại tôi cũng có mảnh bằng đầu bếp thượng hạng. Khi các em có công việc vững chắc, có thể tự lập tôi mất job bảo mẫu. Cuối tuần đem đồ ăn đến tờ giấy dán ngay cửa “Em đang bận đừng làm phiền, cứ treo hộp đồ ăn chỗ hộp thư” hoặc đứa khác thì bảo “đồ ăn VN nặng mùi quá, người trong cùng chung cư khó chịu anh đừng mang đến nữa”. Đến lúc cánh cửa thứ năm dán câu chối từ tôi thật sự rảnh, rảnh quá !!!!!!!!

Bận chăm sóc các em thì mệt, rảnh thì buồn. Tôi bắt đầu sinh hoạt cộng đồng, khai thuế dùm các người già, thông dịch ……vv. Mắc cười nhất là chở và đi thông dịch dùm sản phụ, em bé chào đời y tá cứ đến bắt tay và chúc mừng mẹ tròn con vuông. Rồi khi về nhà sản phụ tẩm bổ món gì là tôi cũng được tẩm bổ món ấy. Sản phụ người Bắc thì tôi được thịt heo kho tiêu, người Nam thì tôi được chân giò hầm đu đủ xanh vì khi gia đình nấu tiện thể đem biếu thay lời cảm ơn. Làm cha hờ khoảng chục đứa trẻ thì tôi được làm cha thật hai lần, vừa con nuôi vừa con ruột đúng một tá.

Vợ tôi người Bắc, chúng tôi quen nhau qua công việc thiện nguyện của cộng đồng. Chẳng có những hẹn hò lãng mạn, chẳng có những bông hoa tặng ngày Valentine vì cả hai đều rất bận vừa học vừa đi làm và rất rất nghèo. Chỉ là mến nhau vì cùng chí hướng rồi các cụ trong làng thương mến ghép mãi mà thành. Ngày cưới chỉ mua được cặp nhẫn trơn lùi mỏng như sợi chỉ, hoa cưới cầm tay hái trong vườn nhà bà bảo trợ. Người già hay nói chữ ” nó vận vào người” thật quả không sai, ngày xưa tôi vì tránh hát lúc nào cũng xí vai hoàng thượng bây giờ trời cho cưới Ái Khanh. Thật đấy vợ tôi tên Ái Khanh.

Từ giã nghề bảo mẫu lưu động tôi được thăng chức lên bảo mẫu tại gia. Vợ tôi hiền lành và rất nhát, cái gì cũng sợ. Ra sân trồng hoa thì sợ con giun, ra sân xúc tuyết thì sợ lạnh, trời mưa thì sợ cảm, trời nắng thì sợ đen. Cho nên hoàng thượng cứ xà lỏn áo thung ba lỗ xông pha từ trong ra ngoài, từ sân trước de vào sân sau. Đôi tay cực nhưng lỗ tai tôi lúc nào cũng tràn đầy âm nhạc, những bài nhạc của Beethoven, Bach, Mozart của công chúa và hoàng tử đàn dưới sự giám sát của Ái Khanh và những giấy khen của trường năm nào cũng dầy như quyển niên giám điện thoại làm tôi quên hết bao cực khổ gian nan.
Năm tháng dần trôi nháy mắt một cái lũ trẻ cũng đã tốt nghiệp, có công việc tốt xa nhà. Ngày các con ra riêng căn nhà vắng làm sao, vợ chồng buồn bỏ ăn cả ngày nằm bẹp như con gián. Từ đó mỗi chiều vợ tôi đều ra đầu ngõ đón tôi tan sở, tôi vui mừng thầm nghĩ khi trẻ không có thời gian hẹn hò bây giờ bù lại trời cho tôi niềm hạnh phúc cuối đời.

Lá phong bắt đầu đổi màu, thu đến. Sáng nào trước khi ra khỏi cửa tôi cũng dặn đi dặn lại:

– Trời lạnh rồi chiều em đừng ra đầu ngõ đón anh nữa.

Dặn thế nhưng đến đầu ngõ tôi vẫn nhớn nhác tìm kiếm, và vợ tôi vẫn đứng đó lạnh tái mặt tay tê cứng. Chiều nay xe bus gần về đến nhà trời bất chợt đổ mưa, cơn mưa cuối mùa thu lạnh và buốt tận tim gan. Nghĩ đến vợ đứng đón mình dưới cơn mưa lòng tôi không yên, tôi vái trời hôm nay nàng đừng ra đón như thường lệ. Nhưng trời chẳng chiều lòng người, nàng vẫn đứng đó với cây dù be bé chỉ đủ che khuôn mặt xanh tái vì toàn thân ướt sũng. Tôi ôm vợ vào lòng mà nước mắt nhiều hơn nước mưa, lần đầu tiên tôi khóc. Khóc vì thương, khóc vì cảm động với hạnh phúc cuối đời nhiều người mơ ước.

Gần đến Giáng Sinh trời mau tối và tuyết lất phất rơi khi chiều về. Tôi năn nỉ mọi cách để vợ đừng ra đón mỗi chiều tan sở nhưng bất thành. Cáu quá tôi hét to :

– Tại sao em không nghe lời anh, có biết mùa đông trời tối và lạnh lắm không, tại sao tại sao ?


– Ở nhà một mình chiều sập tối em ……….sợ ma.

Lại một lần nữa tôi khóc, lần này khóc như trẻ thơ vì thật sự tôi ngu ngơ khác gì đứa trẻ. Mấy tháng nay cứ tưởng Ái Khanh đón tôi vì muốn tìm lại những giây phút lãng mạn chờ đợi, hẹn hò mà thời son trẻ vì bận rộn không có thời gian. Nào ngờ vì chiều xuống trời sập tối nàng sợ ……….ma.

 

(Không biết tác giả)