Mục lục
Các tổ chức Quận Cam phản đối việc chính quyền Biden trục xuất người tị nạn Việt Nam
Translated from LA Times’s article O.C. organizers protest Biden administration’s deportation of Vietnamese refugees
Trong tuần rồi, các tổ chức người Mỹ gốc Á tại Quận Cam cũng như ở khắp Hoa Kỳ nhận được tin Immigration and Customs Enforcement (ICE – Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan) đã lên lịch cho một chuyến bay trục xuất từ Texas về Việt Nam.
By VERA CASTANEDA, on 18-03-2021
Trong tuần rồi, các tổ chức người Mỹ gốc Á tại Quận Cam cũng như ở khắp Hoa Kỳ nhận được tin Immigration and Customs Enforcement (ICE – Cơ quan Thực thi Di trú và Hải quan) đã lên lịch cho một chuyến bay trục xuất từ Texas về Việt Nam.
Chuyến bay này được dự tính cất cánh vào ngày 15 tháng 3. Hai trong số khoảng 33 trại viên ICE là Hiếu Huỳnh, một người tị nạn 49 tuổi tới Mỹ với gia đình vào năm 1980, và Tiến/Tiên Phạm, người đã ở trại tị nạn nhiều năm trước khi được chuyển đến San Jose.
Hôm Chủ nhật, một tổ chức cộng đồng Quận Cam là VietRISE đã huy động tập hợp được một đoàn thể xấp xỉ 100 người tại Công viên Westminster. Trong vòng bốn ngày, mọi người gọi điện, gửi email, và đăng tweet tới chính quyền Biden với hy vọng có thể ngăn lại chuyến bay.
Thomas Cartwright của Witness at the Border (tạm dịch: Nhân chứng nơi Biên giới), một tổ chức đã tiến hành theo dõi thông tin các chuyến bay trục xuất từ năm ngoái, xác nhận rằng chiếc máy bay chở người bị trục xuất đã hạ cánh ở Việt Nam vào tối thứ Ba.
Theo nhận định của các thành viên từ nhiều tổ chức cộng đồng Quận Cam mà đã tham gia biểu tình hôm Chủ nhật, việc những người tị nạn Việt Nam bị trục xuất ít nhiều tương đồng với những cuộc tấn công nhằm vào người Mỹ gốc Á gần đây.
“Bạo lực có tính bài xích người gốc Á lúc này ngày càng lộng hành,” Tracy La, giám đốc điều hành của VietRISE, cho biết trong một cuộc phỏng vấn qua điện thoại.
“Đối với cuộc thảo luận kia, chúng tôi cảm thấy nó đầy nhưng không đủ. Khi thành viên nào đó trong cộng đồng chúng tôi bị trục xuất, không chỉ riêng họ mới bị ảnh hưởng… Tách biệt người ta ra và tước đoạt họ khỏi gia đình người thân cộng đồng, rồi lại bỏ họ trên một đất nước cách biệt tận nửa vòng trái đất, một nơi họ chưa hề biết tới từ khi còn bập bẹ, đó chẳng phải là một hành vi bạo lực sao? Chúng tôi muốn mọi người thấy rằng ngay cả chính phủ cũng đang ban hành bạo lực có tính bài xích người gốc Á.”
Trong một bản tin vừa đăng, các nhà tổ chức chỉ ra rằng trong diễn văn quốc dân đầu tiên, Tổng thống Biden đã lên án các vụ tấn công vũ lực nhằm vào người Mỹ Á, và trong bài báo của một tạp chí Quận Cam về chiến dịch bầu cử 2020, ông bày tỏ bản thân thấy vinh hạnh vì đã bỏ phiếu tăng cường quỹ hỗ trợ tái định cư Hoa Kỳ cho người tị nạn Việt.
Dưới trướng chính quyền Trump, người tị nạn Việt với tiền án tiền sự tại Mỹ đã phải đối mặt với việc trục xuất. Điều này hoàn toàn trái với những gì Hoa Kỳ và Việt Nam thỏa thuận vào năm 2008: miễn trục xuất cho người có quốc tịch Việt đã đến Mỹ trước ngày 12 tháng 7, năm 1995.
Vào tháng 12, phát ngôn viên ICE là Carissa Cutrell đã xác nhận có 86 người mang quốc tịch Việt đang nằm trong sự giám sát của ICE.
“Theo chính sách trục xuất của chính quyền Biden, nhà nước đáng lý ra phải tập trung nguồn lực vào trục xuất những ai hiện thời là mối nguy hại cho xã hội,” Anoop Prasad, một luật sư ủy quyền tại Asian Law Caucus (tạm dịch: Diễn đàn Pháp lý Á châu), cho biết.
“Đa số mọi người trên chuyến bay đó đã bị kết án từ rất lâu, như trường hợp của ông Tiến/Tiên là từ 20 năm trước. Ở bang California, thống đốc, ủy ban tạm tha, cũng như hệ thống nhà tù tiểu bang lẫn các chuyên gia tâm lý trong khám đều thấy ông Tiến/Tiên không còn là một mối đe dọa đối với dân chúng nữa…. Nên điều này hiển nhiên có sự mâu thuẫn.”
Prasad cho biết thêm, Asian Law Caucus đã đại diện biện hộ miễn trục xuất cho cả ông Phạm lẫn ông Huỳnh, nhưng từ đầu tới cuối đều bị ICE bác bỏ.
Prasad vẫn chưa nhận được tin gì từ thân chủ của mình.
“Tôi hiểu là mọi người phải trải qua cách ly [sau khi hạ cánh]. Chỉ là thật quá thương tâm cho gia đình họ bên này tại Mỹ.” Prasad chia sẻ.
Asian Prisoner Support Committee (tạm dịch: Ủy ban Hỗ trơ Phạm nhân gốc Á) đã khởi xướng một chiến dịch gây quỹ qua mạng nhằm hỗ trợ chi phí cơ bản cũng như hậu thuẫn tái nhập cảnh cho ông Phạm.
“Người Việt chúng tôi không chỉ là một nhóm người bảo thủ chính trị mà hễ ai cứ nhắc tới chuyện chiến tranh thì sẽ được ủng hộ vô điều kiện,” Tracy La của VietRISE tuyên bố. “Chúng tôi muốn được nhìn nhận là một tập thể quần chúng dám đòi hỏi chính quyền phải đưa ra thay đổi. Đó là lý do chúng tôi [tổ chức tập hợp ở] Quận Cam – bởi lẽ nơi này có ý nghĩa vô cùng đặc biệt với cộng đồng người Việt hải ngoại ở đây.”
Người dịch: Quyen Tran
Biên tập: Chau Tran
Một chuyến bay đưa người bị trục xuất ra khỏi nước Mỹ.
Mỹ trục xuất 33 người gốc Việt, các nhóm vận động ‘thất vọng’ và ‘tức giận’
Các nhà hoạt động và các nhóm vận động tỏ ra giận dữ và thất vọng trước việc 33 người Việt Nam vừa bị trục xuất khỏi nước Mỹ, nói rằng việc trục xuất người dân giữa cơn đại dịch là một việc làm “vô lương tâm” và vi phạm thỏa thuận năm 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam.
“Việc trục xuất người nhập cư và người tị nạn Việt Nam về một đất nước mà họ không còn biết đến từ thủa bé là một cuộc tấn công bạo lực chống lại người châu Á, không chỉ đối với cá nhân họ, mà còn đối với gia đình họ và cộng đồng người Việt Nam và người nhập cư trên khắp đất nước”, hơn 25 tổ chức vận động dân sự tại Mỹ nói trong một thông cáo báo chí gửi ra trước khi nhóm người Việt bị trục xuất.
Tin cho hay có 33 người Việt nằm trong số những người bị trục xuất khỏi Mỹ vào ngày 15/3. Trong số này có 2 trường hợp được các nhóm vận động đề cập đến là Hieu Huynh, 49 tuổi, một người tị nạn đến Mỹ năm 1980 cùng với gia đình sau khi chiến tranh Việt Nam kết thúc, và Tien Pham, cũng là một người tị nạn Việt Nam đã định cư ở San Jose, bang California, sau nhiều năm ở trại tị nạn.
Bà Nancy Dung Nguyen, giám đốc điều hành của nhóm VietLEAD hôm 16/3 xác nhận với tờ The American Independent qua email rằng “Đêm qua, chuyến bay # N234AX cất cánh từ Fort Worth, Texas, trục xuất 33 thành viên trong cộng đồng Việt Nam bao gồm Hieu Huynh, Tien Pham và 31 người tị nạn và di dân khác. Chuyến bay hiện đang trên đường về Việt Nam”.
Truyền thông Mỹ nói rằng các nhóm vận động cho cộng đồng Đông Nam Á và những người nhập cư đã tỏ ra rất “thất vọng” và “tức giận” trước thông tin này.
“Chúng tôi cảm thấy tuyệt vọng và rất đau buồn. Chúng tôi ghê tởm trước hành động này của Tòa Bạch Ốc”, The American Independent dẫn lời bà Nancy Dung Nguyen nói và đổ lỗi cho Tổng thống Joe Biden.
Theo hãng tin AP, Tổng thống Joe Biden đã đề xuất lệnh hoãn trục xuất 100 ngày ngay sau khi lên nhậm chức. Nhưng vào cuối tháng 2, một thẩm phán liên bang đã ra lệnh cấm vô thời hạn việc chính quyền thực thi lệnh tạm dừng. Sau phán quyết này, 15 người đã bị trục xuất đến Jamaica và hàng trăm người đến Trung Mỹ.
“Thật vô lương tâm khi DHS và ICE tiếp tục trục xuất người Mỹ gốc Đông Nam Á và các cộng đồng người tị nạn và nhập cư khác trong đại dịch này. Những cá nhân này đã hoàn thành án tù của họ, và giống như mọi người Mỹ khác, họ xứng đáng có cơ hội thứ hai được sống tại Hoa Kỳ”, The American Independent dẫn lời bà Quyen Dinh, giám đốc điều hành của Trung tâm Hành động Nguồn lực Đông Nam Á, nói qua email.
Các nhóm vận động cho rằng việc trục xuất nhóm người Việt là trực tiếp vi phạm một thỏa thuận song phương được ký kết vào năm 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong đó nói rằng tất cả những người nhập cư Việt Nam đến Mỹ trước năm 1995 sẽ được bảo vệ khỏi việc trục xuất, bất kể tình trạng giấy tờ hay tiền án có thể có của họ.
Trong thông cáo báo chí, các tổ chức vận động kêu gọi chính quyền Biden hãy “chu đáo hơn cho các cộng đồng châu Á so với người tiền nhiệm của ông, chấm dứt bạo lực chống lại người châu Á vô nghĩa này”.
Ngoài các nhóm vận động, hôm 14/3, dân biểu Alan Lowenthal cũng gửi một lá thư cho Tổng thống Biden, kêu gọi ông “can thiệp ngay lập tức” để dừng chuyến bay chở 33 người nhập cư về Việt Nam.
Theo VOA
Tuần hành tố cáo các chuyến bay trục xuất người Việt về Việt Nam
Nghị viên Thái Việt Phan nhận xét rằng nhiều người sắp bị trục xuất chưa từng lớn lên ở Việt Nam, và việc trục xuất họ đến một đất nước xa lạ là một hành động bạo lực chống người tỵ nạn Việt Nam. Trong lá thư gửi chính quyền tổng thống Biden, dân biểu liên bang Lowenthal nhận xét rằng một số người tị nạn đến Hoa Kỳ khi còn là trẻ nhỏ và thanh thiếu niên. Họ phạm một số tội hình sự vì họ phải tái định cư vào các khu dân cư đang gặp khó khăn. Ông cũng nhắc lại rằng những người tị nạn này đã mãn hạn tù và hiện đang đóng góp tích cực cho cộng đồng của họ.
Trong số những người tị nạn bị trục xuất có ông Hiếu Huỳnh, 49 tuổi, đến Hoa Kỳ năm 1980. Việc trục xuất trái ngược trực tiếp với lời hứa của tổng thống Biden về việc hoãn trục xuất 100 ngày và vi phạm thỏa thuận song phương năm 2008 giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, trong đó tuyên bố rằng công dân Việt Nam không phải trở lại Việt Nam nếu họ đến Hoa Kỳ trước ngày 12/7/1995.
Sau cuộc tuần hành, những người tham dự đã tạo ra một cuộc biểu tình caravan, đi qua khu phố Bolsa. Tại đây có người ủng hô, có hai phụ nữ Việt Nam đã chào đoàn xe bằng “ngón tay giữa”
Theo SBTN