Nguyễn Khoa
Báo chí của nhà nước cộng sản Việt Nam do Đảng Cộng sản nắm tuyệt đối. Có hai hậu quả tệ hại của việc này: Đảng giấu nhẹm tin tức “bất lợi” cho mình, và Đảng chỉ cho phép bình luận theo hướng có lợi cho sự độc quyền của Đảng. Với báo chí kiểu này xã hội Việt Nam trở nên ù lỳ, thiếu phản biện, và do đó sẽ không phát triển.
Điều trên đây là chuyện “khổ lắm nói mãi”.
Sự độc quyền này của Đảng mất đi khi bắt đầu có Internet, và có đến vài triệu người nói tiếng Việt không nằm dưới sự cai trị của Đảng ở hải ngoại.
Thoạt đầu báo chí tiếng Việt hải ngoại đã phần nào đưa được những tin tức mà Đảng giấu đến người Việt, cũng như cân bằng lại những ý kiến chỉ có một chiều của báo Đảng. Ngoài ra các tờ báo tại hải ngoại không bị Đảng sai bảo nên cũng tránh được lối dùng từ ngữ vô tội vạ của Đảng, từ đó góp phần duy trì sự trong sáng của ngôn ngữ.
Nhưng từ chục năm trở lại đây truyền thông bằng tiếng Việt ở hải ngoại lâm vào một cuộc khủng hoảng, tê liệt, chưa thấy lối thoát, trên cả hai phương diện, từ nội dung cho tới ngôn ngữ dùng để chuyển tải nội dung ấy.
Có nhiều nguyên nhân cho chuyện này.
Nguyên nhân tạm gọi là khách quan, là sự xuất hiện của mạng xã hội làm cho các tờ báo, đài phát thanh không còn độc quyền về tin tức nữa. Bên cạnh đó, các cơ quan truyền thông trong nước cũng tự do hơn, được phép đưa những tin tức mà cách đây hơn 20 năm họ không được phép.
Với sự xuất hiện của mạng xã hội, tin tức của báo chí, thậm chí truyền hình, đi chậm hơn. Vấn đề này cũng xảy ra đối với báo chí phương Tây, nhưng sau một thời gian ngắn, họ đã tìm cách sống sót bằng những bài phân tích, hoặc quan điểm có chiều sâu, điều không thấy ở báo chí Việt ngữ.
Một nguyên nhân cũng có thể được liệt vào loại khách quan là sự cản trở của Đảng Cộng sản Việt Nam. Các cơ quan truyền thông tiếng Việt ở hải ngoại không thể tiếp cận được với môi trường Việt Nam, nơi xuất phát những tin tức mà 100 triệu người nói tiếng Việt trên thế giới quan tâm.
Nhưng nguyên nhân mà theo tôi là quan trọng hơn là không có người làm việc, nguyên nhân chủ quan.
Chúng ta thử xem xét năm cơ quan truyền thông lớn bằng tiếng Việt ở hải ngoại: BBC (Anh), VOA, RFA, báo Người Việt (Mỹ), RFI (Pháp).
BBC (British Broadcasting Corporation)
Bộ phận Việt ngữ của cơ quan truyền thông Anh quốc lâu đời này đã bỏ phần phát thanh từ rất sớm, tập trung nguồn lực vào trang web của họ. Họ cũng vấp phải việc không thể có tin tức nhanh chóng, không lấy được tin tức từ Việt Nam, cho nên phải xào đi nấu lại những tin tức được báo chí trong nước loan tải.
BBC có vẻ đã khá thành công trong việc đăng bài có chủ đề “nóng” với cường độ cao để thu hút độc giả, bù đắp lại việc thiếu nguồn tin gốc. Chẳng hạn như trong thời điểm hiện nay, họ tập trung vào việc đưa bài liên quan đến thất bại thảm hại của chính quyền Việt Nam trong việc chống dịch, phân tích sâu vấn đề vaccine tại Việt Nam.
BBC có một thuận lợi lớn là họ có một nguồn thông tin khổng lồ từ trang Anh ngữ. Nhưng đôi khi việc đưa lại những thông tin này sang tiếng Việt được làm một cách cẩu thả, nằm trong khuynh hướng ghép từ, bỏ từ, vô tội vạ hiện nay của tiếng Việt nói chung, chủ yếu xuất phát từ trong nước. Chẳng hạn như trong một bản tin về nước Mỹ họ viết như sau:
“Tướng Mỹ ra quốc hội: Các tiết lộ chính về Afghanistan và Trung Quốc.”
Chữ “ra” ở đây không rõ họ dịch từ đâu, Nội dung bài này nói về chuyện một cuộc điều trần của viên tướng Milley trước quốc hội Mỹ.
Đôi khi người đọc có cảm giác là họ đã dùng công cụ Google Translate để dịch. Gần đây việc này được sửa đổi khá hơn.
Việc tuyển chọn nhân viên của BBC có vẻ khó khăn hơn các đồng nghiệp bên Mỹ, vì nước Anh có lẽ không có chính sách nhập cư dễ dàng như Hoa Kỳ. Bộ phận Việt ngữ đã phải tuyển chọn nhân viên từ trong nước ra, với hộ chiếu Việt Nam. Việc này có thuận lợi là những nhà báo này am tường Việt Nam hiện nay, nhưng họ sẽ bị cơ quan an ninh của Việt Nam gây trở ngại, một khi hộ chiếu của họ hết hạn. Đó là chưa nói đến việc người thân của họ trong nước có thể bị công an Việt Nam xem như con tin.
RFI (Radio France Internationalle, Radio Quốc Tế Pháp)
Cơ quan này thuộc bộ Ngoại Giao Pháp, có lẽ là trang thông tin Việt ngữ chậm chạp nhất trong số năm cơ quan mà tôi đề cập bên trên. Nhưng họ có ưu điểm là cẩn thận, ngôn ngữ tiếng Việt sáng sủa và mạch lạc nhất trong số các cơ quan này.
Các nhân vật được họ phỏng vấn ít bị lặp lại như BBC, RFA, VOA nhưng họ có rất ít bài.
Có vẻ như mục tiêu của nước Pháp đối với RFI Việt ngữ chỉ là để duy trì một khuôn mặt tiếng Việt của chính phủ, không quan tâm đến chuyện có bao nhiêu người Việt Nam đọc trang của họ.
RFA (Radio Free Asia, Á Châu Tự Do)
Đây là cơ quan đề ra mục tiêu “lấp chỗ trống” ngay từ khi họ mới thành lập, họ gọi đó là “điền thế”. Nhưng có vẻ việc “điền thế” này đã được mạng xã hội làm thay cho họ, cho nên họ phải duy trì công việc của họ bằng cách sao chép báo chí trong nước của Đảng Cộng sản Việt Nam.
Nhưng việc này họ làm khác BBC. Nếu BBC tập trung nguồn lực vào một chủ đề “nóng”, thì RFA chủ trương sản xuất đại trà, cái gì báo chí nhà nước cộng sản Việt Nam có thì họ cứ chép. Nhìn vào nội dung trang nhất của RFA hiện nay, dễ nghĩ nó là một trang thông tin của Đảng. Các bài viết của họ cũng vậy, nếu chúng ta so nó với một bài báo có tính chất phản biện trong nước thì thấy không khác nhau mấy, chỉ khác người được phỏng vấn.
Một nét đặc trưng của RFA là họ là diễn đàn của giới bất đồng chính kiến trong nước, hoặc hải ngoại, một điều rất đúng với nhiệm vụ “điền thế” mà họ đề ra cho mình. Nhưng họ đã không theo sát được tình hình trong nước, đưa đến việc đề cao những nhân vật không thực sự là bất đồng chính kiến, như trường hợp Trương Duy Nhất, một nhân vật liên quan sâu sắc tới tham nhũng tại Việt Nam.
RFA vận hành hoàn toàn bằng ngân sách nhà nước liên bang Mỹ. Thời gian bốn năm qua dưới chính quyền Trump có vẻ là thời kỳ căng thẳng nhất của họ. Họ đã “tự kiểm duyệt” những quan điểm “tiêu cực” về Donald Trump, theo một số nguồn tin khả tín. Đó là một điều trớ trêu đến mức khôi hài khi họ mang danh nghĩa cổ võ cho tự do báo chí trong nước.
Về việc tuyển chọn nhân viên, từ lâu đã có những lời đồn đại rằng RFA chọn những người có quan hệ bạn bè và thân tộc. Tuy nhiên việc này khó có thể được kiểm chứng.
Có thể họ sẽ viện cớ là họ chỉ chăm chú vào những chuyện bên trong Việt Nam như tôn chỉ “điền thế” của họ. Nhưng thời gian bốn năm qua, cho đến tận hôm nay, hiện tượng tin vịt QAnon ảnh hưởng rất lớn đến công chúng trong nước, nhưng RFA tuyệt nhiên không có bài nào về việc này. Họ không có khả năng viết hay không muốn viết? Hay không nhận ra vấn đề?
VOA (Voice of America)
Phong cách trang này khá giống RFA, nhưng họ đưa nhiều tin liên quan đến Hoa Kỳ và thế giới hơn, đúng với vai trò là tiếng nói chính thức của chính phủ Hoa Kỳ. Tin tức từ bên trong Việt Nam họ cũng xào nấu lại, nhưng không đại trà như RFA. Cũng như BBC, họ có một thế mạnh là trang Anh ngữ với nhiều phóng viên, cũng như tư liệu dồi dào.
Nhưng có vẻ tính cách công chức của các nhà báo Việt ngữ ở VOA ngày càng tăng. Vừa qua khi đưa tin sự kiện lớn là phó tổng thống Harris thăm Việt Nam, họ đã dịch lại tin đó từ các hãng thông tấn khác. Tại sao một cơ quan có tên là tiếng nói của chính phủ Hoa Kỳ, mà không có phóng viên Việt ngữ nào đưa tin về chuyến thăm của phó tổng thống Mỹ tại Việt Nam?
Mặc dù có được thuận lợi về chính sách di trú của Mỹ (giống như RFA) nhưng có lẽ VOA (cũng như RFA) không tuyển được người làm việc.
Báo Người Việt
Đây là cơ quan truyền thông tiếng Việt lớn nhất của cộng đồng người Việt hải ngoại. Không giống như bốn cơ quan kể trên kia, báo Người Việt không dựa vào ngân sách của nhà nước sở tại, hoàn toàn như VOA, RFA, RFI, hay một phần như BBC. Đây là một thành công rất lớn của một nhóm người Việt của làng báo miền Nam Việt Nam trước kia.
Tuy nhiên họ đang đối mặt với hai khó khăn lớn: mạng xã hội (YouTube) tiếng Việt của cộng đồng người Việt mọc lên như nấm, thượng vàng hạ cám, thứ hai là độc giả người Việt các thế hệ sau không còn rành tiếng Việt nữa.
Thế mạnh của báo Người Việt là những tin tức liên quan đến cộng đồng hải ngoại, nhưng thời gian gần đây họ chỉ lấy lại từ báo chí Mỹ, không còn nhiều tin riêng nữa. Họ đã từng có nhiều bài phân tích và bình luận sáng giá, nhưng hiện nay hầu như không còn. Những bài gọi là “phóng sự” của họ liên quan quá nhiều đến những sự kiện vô bổ của thế hệ người Việt già nua tại hải ngoại. Thực ra trong tư cách là một tờ báo cộng đồng, thì cộng đồng nào báo chí nấy cũng là việc đương nhiên.
Một điểm chung của báo Người Việt với bốn cơ quan truyền thông trên kia là họ cũng bị ảnh hưởng mạnh mẽ bởi tiếng Việt từ trong nước, đôi khi thay đổi vô tội vạ. Một điều rất trớ trêu đối với cộng đồng người Việt hải ngoại, thường hay có xu hướng chống lại ngôn ngữ xuất phát từ trong nước.
Một điểm tốt cần ghi nhận cho tờ báo này trong thời gian qua là họ có cố gắng ngăn chận tin vịt trong cộng đồng người Việt, ở hải ngoại cũng như trong nước, làm tốt hơn nhiều những cơ quan có tài lực dồi dào hơn như VOA và RFA.
Sự sa sút của báo Người Việt cũng nằm trong tình trạng của truyền thông Việt ngữ nói chung hiện nay, nhưng họ còn bị khủng hoảng nội bộ vì việc quản lý kém trải qua một thời gian quá dài.
Xem ra trong tình trạng khủng hoảng hiện nay, người Việt Nam nói và đọc tiếng Việt trên thế giới sẽ ngày càng bị chi phối hoặc là truyền thông định hướng của Đảng Cộng sản Việt Nam, hoặc rơi vào mê hồn trận tin vịt của mạng xã hội, mà đáng lý ra các cơ quan truyền thông lớn phải là nơi thanh lọc, là nút chặn cuối cùng.
Tác giả gửi cho viet-studies ngày 29-9-21