Mục lục
Cô gái vót chông, hay là hội chứng “khổ dâm” Việt-Mỹ
Việc quyết định sắp xếp bài hát có nội dung chống Mỹ cho một thí sinh dự thi quốc tế, chắc chắn là có suy xét nhiều thứ từ những người ở Hà Nội, “những người” mà trong cuốn hồi ký Nothing Is Impossible của cựu Đại sứ Ted Osius vẫn ám chỉ, là một phía của phe bảo thủ vẫn còn muốn ôm ấp những kỷ niệm chiến tranh, không thể rời bỏ. Bởi đơn giản, nếu lấy đi phần đó trong cuộc đời của họ, sự tồn tại của họ trong thể chế hôm nay là vô nghĩa
2-12-2021
Câu chuyện của nữ thí sinh hoa hậu Miss World đi thi trên vùng đất thuộc lãnh thổ chưa hợp nhất của Mỹ (Unincorporated territories), nhưng cất lên bài hát chống Mỹ, là minh họa rõ nét nhất của mối quan hệ vật vã Việt – Mỹ lúc này. Mối quan hệ được nhìn thấy rõ nét hai chiều “khổ dâm” của một nhà cầm quyền: Thích nhích lại gần Mỹ nhưng luôn hô hào chống Mỹ và tận dụng mọi cơ hội để phủ nhận nước Mỹ.
Việc quyết định sắp xếp bài hát có nội dung chống Mỹ cho một thí sinh dự thi quốc tế, chắc chắn là có suy xét nhiều thứ từ những người ở Hà Nội, “những người” mà trong cuốn hồi ký Nothing Is Impossible của cựu Đại sứ Ted Osius vẫn ám chỉ, là một phía của phe bảo thủ vẫn còn muốn ôm ấp những kỷ niệm chiến tranh, không thể rời bỏ. Bởi đơn giản, nếu lấy đi phần đó trong cuộc đời của họ, sự tồn tại của họ trong thể chế hôm nay là vô nghĩa.
“Em thấy mình không theo nổi trò đó, vì mọi thứ đều bị xuyên tạc”, bạn dư luận viên đó nói về quyết định rời bỏ của mình. Những gì được kể từ bạn ấy, cho thấy từ việc sửa Wikipedia, cho đến các kênh viết lại lịch sử và phong trào tham gia bình luận, đều có những chỉ đạo rất cụ thể.
Hiện trạng này trở nên ấu trĩ và mỉa mai, khi các hoạt động ngoại giao nối kết và trợ giúp từ Mỹ (và các nước) diễn ra. Nhất là khi giọng điệu của các quan chức cấp cao của Việt Nam cũng ra vẻ nồng ấm, cần thiết với các mối quan hệ này.
Vào lúc mà cô thí sinh hoa hậu Miss World trình diễn bài hát “thằng giặc Mỹ cọp beo” cũng là lúc mà nước Mỹ đã bảy lần yểm trợ cung cấp vaccine cho Việt Nam trong đại dịch, với hơn 15 triệu liều. Lời giới thiệu về bài “Cô gái vót chông” đã làm bẽ bàng và gần như tê liệt mọi giới dư luận viên: Không ai lên tiếng bênh vực được cho hành động của Hà Nội trong việc cài đặt bài hát chống Mỹ ngớ ngẩn như vậy.
Sự kiện này nhắc cho nhiều người nhớ về hành động của ông Phạm Quang Nghị, Bí thư Thành ủy Hà Nội, vào năm 2014, khi ông này trơ trẽn tặng cho Thượng nghị sĩ John McCain bức ảnh máy bay bị bắn rơi vào năm 1967. Dĩ nhiên, cách mà ông Nghị chọn cho in và ép nhựa, rồi mang tận Mỹ để tặng, là một sự tính toán rất rõ không chỉ riêng ông. Nền chính trị Việt Nam, với cách thức thảo luận tập thể và ý kiến thể hiện quan điểm chung, cho thấy rõ là phe bảo thủ đang thắng thế vào lúc đó. Họ đã hành động mà không ngại ngùng gì đến thể diện của một đảng cầm quyền.
Hầu hết nhà bình luận thời sự đều nhận thấy cán cân đối ngoại của Việt Nam trong việc nhích về phía nước Mỹ và phương Tây đang ngày càng lộ rõ, và Hà Nội cũng không giấu giếm gì trong các kế hoạch tái thiết sau đại dịch: Chưa bao giờ các chuyến đi công du Trung Quốc lại ít như lúc này, so với việc từ Thủ tướng, Chủ tịch nước đến Chủ tịch Quốc hội Việt Nam đều lăn xả về phía các nước tư bản và các quốc gia có “thế lực thù địch”.
Vậy đó, nhưng chạy đến và ngợi ca về sự phát triển ngoại giao của đôi bên vẫn không ngăn được các trò chửi bới và chống Mỹ trong nước. Sách giáo khoa vẫn dạy về “giặc Mỹ cọp beo”, các lệnh diễn tập chống lật đổ của quân đội vẫn nói về “kẻ thù tư bản”. Một lúc nào đó không may, khi các nhà lãnh đạo Việt Nam đang đi công cán ngoại quốc và được đặt câu hỏi về tình trạng hai mặt này, không hiểu họ sẽ trả lời thế nào. Chắc chắn mọi sự diễn đạt, dù như thế nào cũng sẽ không thể thoát khỏi hình ảnh khổ dâm trong mối quan hệ Việt-Mỹ: Muốn nhích tới gần, nhưng miệng thì vẫn kêu gào phản đối.
Bài hát ‘Cô gát vót chông’ mà cô Đỗ Thị Hà, hoa hậu Việt Nam, chọn trình diễn tại cuộc thi Hoa hậu Thế giới hiện đang diễn ra ở Mỹ đã khiến nhiều người Việt ở Mỹ cảm thấy tổn thương và phẫn nộ vì nội dung sắt máu của nó, theo tìm hiểu của VOA.
Màn trình diễn bài hát bằng tiếng đàn T’rưng của Hoa hậu Việt Nam tại hòn đảo Puerto Rico, một vùng lãnh thổ thuộc Hoa Kỳ, đã giúp cô lọt vào danh sách 27 thí sinh tài năng nhất.
‘Cô gát vót chông’ là một ‘bài ca cách mạng’ thuộc dòng nhạc đỏ của cố nhạc sỹ Hoàng Hiệp nhằm cổ động tinh thần cho bộ đội miền bắc trong cuộc chiến với Mỹ và quân đội miền Nam trước đây. Bài hát có những lời kêu gọi ‘diệt giặc Mỹ cọp beo’ như ‘Mỗi mũi chông nhọn hoắt căm thù’; ‘Xiên thây quân cướp nào vô đây’…
Mặc dù màn trình diễn của cô Hà chỉ là giai điệu không có lời nhưng ngay lập tức nó đã khơi dậy phản ứng giận dữ của người Việt ở Mỹ.
‘Xoáy lại nỗi đau’
Từ Quận Cam, bang California, thủ phủ tinh thần của người Việt tị nạn, bà Nguyễn Minh Hà, một nhà tư vấn tâm lý, nói bà cảm thấy ‘vô cùng bất mãn, tức giận, nhục nhã và xấu hổ’ khi xem màn trình diễn của cô Đỗ Thị Hà.
Bà Hà nhận định bài hát ‘Cô gái vót chông’ có nội dung ‘thù Mỹ, diệt Mỹ rất là tàn bạo’ và khi trình diễn bài hát này, hoa hậu Việt Nam đã ‘xoáy lại nỗi đau’ của những người Việt Nam Cộng hòa.
“Đối với những con cháu Việt Nam Cộng hòa hiểu được ca từ của bài hát này thì nó giống như cái tát vào mặt những người Mỹ gốc Việt,” bà Hà nói với VOA.
“Ở Mỹ những người đã chết vì cây chông đó người ta nghĩ lại sẽ có cảm giác đau đớn như thế nào? Hay những người con cháu Việt Nam Cộng hòa như chúng tôi cũng có những cha ông bị chết vì cây chông đó mà cô ta lại đem ra xoáy lại nỗi đau,” bà Hà bức xúc.
Bà Hà cho biết khi còn ở Việt Nam bà đã có nghe bài hát này được phát trên truyền hình của Nhà nước và lúc đó bà ‘đã có cảm giác ghê rợn vì nó quá khát máu’ nhưng ‘cũng phải chịu đựng vì mình đang sống dưới chế độ cộng sản’.
Đặc biệt trong bối cảnh Mỹ đang hỗ trợ cho Việt Nam chống dịch COVID-19 với trên 20 triệu liều vaccine được tặng cho đến nay, đứng đầu trong số các nước giúp đỡ vaccine cho Việt Nam, bà Hà nói màn trình diễn của cô Đỗ Thị Hà trên đất Mỹ còn là ‘sự vô ơn, bạc nghĩa, ăn cháo đá bát’ với hành động của Mỹ ‘đã giúp cứu mạng cho bao nhiêu triệu người ở Việt Nam’.
“Chúng tôi cũng góp phần trong chuyện tặng vaccine cho Việt Nam. Chúng tôi đi làm, đóng thuế để rồi từ đó mới có những liều vaccine đem cho mà lại không biết ơn còn làm một việc vô ơn bạc nghĩa như vậy nữa,” bà Hà nói.
Nhà tư vấn tâm lý này cũng bác bỏ lập luận việc Mỹ tặng vaccine hiện nay và việc Việt Nam đánh Mỹ trước đây là hai việc khác nhau và không nên gắn kết.
“Nếu đã thù địch trong quá khứ rồi thì cứ thù địch luôn đi,” bà Hà lập luận. “Nếu cô ấy cảm thấy tự hào vì chuyện đó (giết giặc Mỹ) thì cổ nên đứng ra kêu gọi Việt Nam đừng có nhận bất cứ sự giúp đỡ gì của Chính phủ Mỹ hay của cộng đồng người Việt hải ngoại.”
Ngoài ra, bà Hà cảm thấy ‘nhục nhã, xấu hổ’ vì cô Đỗ Thị Hà cũng là người Việt giống như bà, bà giải thích.
Hồi tháng Tư năm nay, Bộ Chính trị Đảng Cộng sản Việt Nam đã ra nghị quyết về ‘công tác đối với người Việt ở nước ngoài trong tình hình mới’ kêu gọi đổi mới, đa dạng, linh hoạt công tác vận động người Việt ở hải ngoại, trong đó khẳng định ‘dù ở bất cứ nơi đâu, đồng bào ta vẫn luôn hướng về Tổ quốc, gắn bó máu thịt với cội nguồn dân tộc, là bộ phận không tách rời của cộng đồng dân tộc Việt Nam’.
‘Tổn hại quan hệ’
Trao đổi với VOA, ông Nguyễn Văn Hải, vốn từng là tù nhân chính trị ở Việt Nam được biết đến rộng rãi với tên Điếu Cày và hiện sống ở Quận Cam, đặt vấn đề về sự tổn hại đến bang giao Việt-Mỹ vốn đang phát triển rất tốt đẹp.
“Người Việt nếu có mong muốn hòa giải với nước Mỹ thì không ai chọn chủ đề bài hát như thế cả. Nó kích động hận thù và làm cho quan hệ Việt-Mỹ xấu đi,” ông Hải nói.
Ông mô tả lời bài hát ‘Cô gái vót chông’ là ‘quá sắt máu’ và sự lựa chọn bài hát này để trình diễn trên đất Mỹ cho thấy ‘sự cố chấp (của chính quyền Việt Nam) vẫn còn cổ súy cho hận thù’.
“Ở Việt Nam, việc tổ chức đưa người đi thi hoa hậu thì phải có những tổ chức do Nhà nước quản lý đưa họ đi và làm cái gì, chọn đề tài gì cũng là do họ hết,” ông Hải giải thích. “Họ đều có mục tiêu của họ cả.”
Theo lời ông thì từ trải nghiệm của ông lúc còn đi bộ đội trong thời đánh Mỹ ở miền Bắc thì ‘chiến tranh đem lại nhiều đau khổ, nhiều mất mát từ cả hai phía, người Việt, người Mỹ, người Bắc, người Nam’.
“Người miền Bắc hay người miền Nam mất con đều đau xót cả,” ông nói. “Làm sao có thể tự hào về điều đó được?”
Ông nói lúc ông đi chiến đấu ‘trên đầu luôn có máy bay của Việt Nam Cộng hòa hát những bài nhạc vàng mà lính miền Bắc nghe riết thuộc luôn, trong đó có bài ‘Xuân này con không về’.
Ông nhận định nhạc vận động của miền Nam ‘đánh vào cảm xúc, đi vào lòng người’ trong khi nhạc tuyên truyền của miền Bắc như ‘Cô gái vót chông’ ‘chỉ tăng cảm giác sắt máu thôi’.
Cựu tù nhân chính trị này cho rằng dù lịch sử cần phải ghi nhớ nhưng ‘khép lại quá khứ, nhìn về tương lai’ là ‘cần thiết’.
“Cô ấy cũng là nạn nhân của sự giáo dục thôi. Tuổi cô ấy còn trẻ và bị giáo dục như vậy,” ông Hải nhận định về Hoa hậu Đỗ Thị Hà.
Không chỉ hát chống Mỹ khi trình diễn ở Mỹ, mà ngay cả khi cô Hà có bài hát kích động sự thù hận Trung Quốc trên đất Trung Quốc trong bối cảnh nước này cũng viện trợ Việt Nam hàng triệu liều vaccine ‘cũng là việc làm sai’, cả ông Hải và bà Hà đều đồng ý.
Trong chia sẻ mới nhất của mình trên trang cá nhân, Hoa hậu Đỗ Thị Hà bày tỏ: “Miss World ở đây không phải là để chọn ra một cô gái nóng bỏng với body 90-60-90, khả năng nói lưu loát ‘như máy’ mà là tìm kiếm một cô gái biết yêu thương người khác và yêu thương bản thân mình.”
Cô Đỗ Thị Hà đến từ tỉnh Thanh Hóa và hiện là sinh viên năm thứ hai ngành Luật kinh doanh tại Đại Học Kinh Tế Quốc Dân Hà Nội. Cô còn tham gia các phần thi cho đến đêm chung kết sẽ diễn ra vào ngày 16/12./.