Seite auswählen

Liên bang Nga phải ngay lập tức dừng các hoạt động quân sự của nước này, bắt đầu từ ngày 24/2 trên lãnh thổ Ukraine”, thẩm phán Joan Donoghue đọc phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) hôm 16/3.

Ảnh minh họa : Tòa án Công lý Quốc tế ở La Haye, Hà Lan. AP – Peter Dejong

Tòa án Công lý Quốc tế, trụ sở tại La Haye, hôm qua, 16/03/2022, đã ra lệnh cho Nga đình chỉ ngay lập tức các chiến dịch quân sự ở Ukraina, bởi vì “ vô cùng lo ngại” về tầm mức của các trận giao tranh tại đây. Như vậy là tòa án cấp cao nhất của Liên Hiệp Quốc đã đáp ứng yêu cầu của phía Kiev.

Từ La Haye, thông tín viên Stéphanie Maupas tường trình:

Tòa án Công lý Quốc tế đã ra lệnh thi hành ba biện pháp khẩn cấp. Với nước Nga, tòa ra lệnh đình chỉ ngay lập tức các chiến dịch quân sự trên toàn lãnh thổ Ukraina. Tòa cũng yêu cầu Matxcơva phải bảo đảm làm sao không một đơn vị quân sự nào, không một nhóm vũ trang nào dưới sự kiểm soát của Nga cũng như bất cứ cá nhân nào có những hành động theo hướng tiếp tục các chiến dịch quân sự.

Hai biện pháp đầu đã được tòa gần như nhất trí thông qua. Chỉ có 2 trong số 15 thẩm phán, thẩm phán Nga và thẩm phán Trung Quốc là đã quyết định bỏ phiếu chống.

Biện pháp thứ ba, lần này là được toàn bộ các thẩm phán thông qua, yêu cầu cả hai bên Ukraina cũng như Nga không được làm cho xung đột trở nên trầm trọng hơn.

Như vậy là Tòa án Công lý Quốc tế đã đáp ứng phần lớn các yêu cầu của Ukraina. Tổng thống Zelensky đã ngay lập tức chào mừng thắng lợi trên mạng Twitter. Lệnh của tòa mang tính ràng buộc pháp lý, nhưng tòa lại không có phương tiện để bắt buộc thi hành.

Không ai nghĩ là phán quyết nói trên sẽ ngăn chặn được chiến tranh Ukraina, nhưng có thể được sử dụng trong tương lai trong các cuộc đàm phán ngoại giao hoặc trước các diễn đàn quốc tế khác. Đó là giải thích của một đại diện Ukraina tại tòa.

Đại diện của Nga đã không có mặt tại phiên xử. Trong một bức thư gởi các thẩm phán, Matxcơva bác bỏ thẩm quyền của Tòa án Công lý Quốc tế trong hồ sơ này.

Hôm qua, Nga đã yêu cầu dời cuộc biểu quyết của Hội Đồng Bảo An Liên Hiệp Quốc về một dự thảo nghị quyết “nhân đạo” về Ukraina do Matxcơva đề nghị. Cuộc bỏ phiếu sẽ diễn ra ngày mai, nhưng theo AFP, một số nhà ngoại giao nghĩ rằng văn bản có thể sẽ bị rút lại do không có đủ sự ủng hộ của các đồng minh thân cận nhất của Nga.

 

Đại sứ Nga tại Liên Hợp Quốc Vassily Nebenzia bác bỏ cáo buộc cho rằng Nga tấn công các mục tiêu dân sự ở Ukraine, đồng thời cáo buộc các chính phủ phương Tây đã gây sức ép với các thành viên Đại hội đồng nhằm thông qua nghị quyết.

Đại sứ Nebenzia khẳng định, chiến dịch quân sự đặc biệt của Nga nhằm ngăn chặn các cuộc tấn công của quân đội Ukraine nhằm vào dân thường ở hai vùng ly khai Donetsk và Lugansk. Nhà ngoại giao Nga cáo buộc quân đội Ukraine dùng dân thường làm lá chắn sống, triển khai vũ khí ở các khu vực dân cư.

Nga nhiều lần tuyên bố chiến dịch tại Ukraine chỉ tấn công cơ sở quân sự, không nhắm mục tiêu tới dân thường hoặc cơ sở dân sự. Tuy nhiên, Ukraine đã đưa ra bằng chứng cho thấy các khu dân cư bị phá hủy do pháo kích của Nga.

Theo RFI, 17.03.2022

***

Nga phản đối phán quyết của Tòa Công lý Quốc tế

 

Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong 5 thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

Ông Dmitry Peskov, người phát ngôn Điện Kremlin

Điện Kremlin ngày 17/3 phản đối phán quyết của Tòa án Công lý Quốc tế (ICJ) yêu cầu Nga dừng xâm lược Ukraine.

Ông Dmitry Peskov, Người phát ngôn Điện Kremlin cho biết: “Chúng tôi không thể xem xét phán quyết này”, theo TASS.

Ông cũng nói thêm rằng cả hai bên – Nga và Ukraine – phải cùng nhất trí thì phán quyết mới có thể được thực thi. “Không thể có sự nhất trí trong trường hợp này”.

Phán quyết của ICJ yêu cầu Nga ngay lập tức các hoạt động xâm lược, bắt đầu từ ngày 24/2, trên lãnh thổ Ukraine.

Tòa cũng yêu cầu Nga bảo đảm những lực lượng khác dưới sự kiểm soát hoặc hỗ trợ của Moscow cũng không được tiếp tục các hoạt động quân sự.

Phán quyết mới chỉ bao gồm các biện pháp tạm thời. Tòa ICJ sẽ tiếp tục xem xét vụ kiện do Ukraine đề xuất, trong đó Kiev yêu cầu ICJ bác tuyên bố của Moscow về cáo buộc diệt chủng ở miền Đông Ukraine.

Phán quyết của ICJ có giá trị ràng buộc. Nếu một quốc gia không tuân theo lệnh của tòa án, các thẩm phán của ICJ có thể yêu cầu Hội đồng Bảo an Liên Hiệp Quốc hành động. Tuy nhiên, Nga là một trong 5 thành viên thường trực và có quyền phủ quyết.

 

Theo Đất Việt ,17.03.2022