Seite auswählen

sau khi Putin lên nắm quyền đã dùng xảo thuật tuyên truyền và huyền thoại để tự đánh bóng, đề cao mình, tạo được một vây cánh đủ mạnh và sự hậu thuẫn nào đó trong quần chúng, sau đó ông ta thẳng tay “thanh lọc” những thành phần chống đối.

 

 Ký Thiệt

Cuộc chiến tranh do ông Putin phát động nhằm đánh chiếm Ukraine kéo dài đã một tháng, đoàn quân xâm lược đã tổn thất nặng mà vẫn chưa dứt điểm được nước láng giềng nhỏ yếu hơn,  dù đã bắn phá tan hoang nhiều thành phố và giết hại hàng ngàn thường dân, kể cả nhiều trẻ em, khiến không những đang bị gần khắp thế giới chống đối, ông Putin còn bị chính dân Nga phản kháng. Vừa mới đây, Putin đã lên tiếng xỉ vả những người này, mà ông ta gọi là bọn người gây rối, phản bội, phản quốc, và răn đe sẽ làm một cuộc “thanh lọc” nội bộ (purification). 

 

Từ ngày phát động cuộc chiến trang xâm lược Ukraine đến nay, khoảng 15 ngàn người Nga đã bị chính thức bắt giam, hàng ngàn người khác đã bị khủng bố hay mất tích một cách mờ ám.

Những vụ “thanh lọc” này đã xảy ra kể từ ngày ông Putin lên nắm quyền. Không kể những cái chết ám muội, có những người đã bị giết chết một cách công khai, táo bạo, gây sôi nổi dư luận mà hung thủ đã không bao giờ bị xét xử và trừng phạt.

 

Nhà báo Paul Klebnikov, chủ bút của tờ Forbes ở Nga. Ông ta viết về nạn tham nhũng và đời sống riêng tư của những người Nga giàu có. Ông bị giết bên ngoài văn phòng do những kẻ lái xe chạy ngang qua và bắn vào ông vào năm 2004. 

 

Anna Politkovskaya, nhà báo tự do, tác giả của cuốn “Putin’s Russia” (Nước Nga của Putin). Bà là người chỉ trích Putin gay gắt và lên án ông ta đã biến nước Nga trở thành một quốc gia kiêu binh. Năm 2006, bà bị bắn chết bằng phát đạn tầm gần trong thang máy của toà nhà bà cư ngụ. Có 5 người bị kết tội vụ này và toà án tìm thấy đây là vụ giết thuê có trả tiền với giá 150 ngàn đô la do một người ẩn mặt trả tiền. 

Liên hệ đến cái chết của Anna Politkovskaya, có lẽ vụ ám sát Alexander Litvinenko, cựu nhân viên tình báo KGB thời Liên Sô cũ, bị đầu độc chết tại London năm 2006 là vụ đã được báo chí và truyền thông quốc tế loan tin ồn ào nhất. 

Litvinenko đã chết sau khi uống một tách trà có chất polonium-210 tại một khách sạn ở London ba tuần trước. Nhà chức trách nước Anh cho biết Litvinenko bị đầu độc bởi hai điệp viên Nga tên là Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun. Hai người này cho biết họ hành động dưới chỉ đạo trực tiếp của TT Putin. Litvinenko là người chống đối Putin một cách gay gắt và kết tội Putin đã ra lệnh làm nổ tung cả một khu chung cư và giết hại nhà báo Anna Politkovskaya vào năm 2006. Andrei Lugovoi và Dmitry Kovtun đã kịp thời đào tẩu về Nga mà sau đó chánh quyền Nga không bao giờ giao nạp hai nghi can này cho tòa án Anh xét xử, dù được yêu cầu nhiều lần.

 

Tỉ phú Boris Berezovsky bỏ trốn khỏi nước Nga sau khi chống đối Putin. Trong khi ông ta sống lưu vong tại Anh, chính Putin đe doạ sẽ lấy mạng ông ta bằng mọi cách. Năm 2013, thi thể của Berezovsky được tìm thấy trong buồng tắm được khoá trái ở tư gia của ông ở Berkshire. Nhà chức trách Anh  cho biết có vết siết trên cổ ông làm như là tự sát nhưng cơ quan khám tử thi thì không thể xác định chính xác ông chết vì cái gì. Còn ai trồng khoai đất này?

 

Nhà vật lý học Boris Nemtsov, một chính trị gia đối lập với chính quyền Putin. Ông bị bắn bốn phát vào lưng chỉ cách điện Kremlin vài bước sau khi kêu gọi dân chúng ủng hộ cuộc xuống đường phản đối cuộc chiến do Nga khởi động ở Ukraine năm 2015. Mười năm trước đó, ông bị đầu độc bằng một thứ  độc dược lạ trong món xúp nhưng ông đã không chết mà da mặt bị hoàn toàn đổi màu để rồi sau 10 năm không còn may mắn lần thứ hai.

 

Năm 2009 Nhà báo nhân quyền người Nga Stanislav Markelov bị bắn gục gần điện Kremlin bằng súng cự ly xa sau khi ông ta viết bài chỉ trích Putin. Cái chết của Markelov hoàn toàn chìm vào quên lãng và không có ai chịu trách nhiệm. Còn ai trồng khoai đất này.

 

Putin: Muốn hồi sinh đế chế theo con đường của  Stoplypin và Stalin

Anastasia Baburova, nữ ký giả nhân quyền thân cận với Stanislav Markelov cũng bị bắn gục tại chỗ sau khi bà ta cố gắng giúp Markelov. Hai người này bị hạ sát gần như cùng một lúc vào năm 2009. Cái chết của Baburova và Markelov làm rúng động giới đấu tranh ở Nga thời đó và cũng không bao giờ biết là ai đã sát hại họ. Còn ai trồng khoai đất này?

 

Nhà báo tự do Natalia Estemirova, chuyên về điều tra những vụ vi phạm nhân quyền của chính phủ Nga ở Chechnya. Năm 2009, Estemirova bị bắt cóc ngay bên ngoài tư gia của bà và bà bị bắn vào đầu. Thi thể của bà bị vứt vào cánh rừng gần đó. Cho đến nay, vẫn không có ai bị điều tra về cái chết của bà.

Luật sư Sergei Magnitsky được cho là đã bị cảnh sát Nga đánh đập đến chết trong nhà tù ở Mạc-Tư-Khoa. Magnitsky được nhà kinh doanh người Mỹ gốc Anh, ông William Browder mướn, để điều tra những vụ tham nhũng liên quan đến nước Nga có trị giá hàng triệu đô la. Magnitsky bị bắt sau khi tìm ra bằng chứng quan trọng của nội vụ . Năm 2012, William Browder đã vận động thành công với chính phủ Hoa Kỳ việc chế tài có liên can đến cái chết của Magnitsky, và do đó mà có đạo luật gọi là “luật Magnitsky”.

 

Sergei Yushenkov, chính trị gia người Nga, người truy tìm tin tức về vụ chính phủ Putin đã đánh bom làm sập cả một dãy chung cư. Ngay sau khi tổ chức Liberal Russia của ông được bộ tư pháp Nga công nhận là một đảng phái chính trị, Yushenkov bị bắn một phát vào ngực và chết bên ngoài căn nhà của ông.

 

Ngoài  những vụ trên đây, còn hàng trăm nhà báo hay những người chống đối Putin đã bị đe dọa, bị khủng bố hay bị giết chết một cách mờ ám từ năm 1999, sau khi Putin lên nắm quyền đã dùng xảo thuật tuyên truyền và huyền thoại để tự đánh bóng, đề cao mình, tạo được một vây cánh đủ mạnh và sự hậu thuẫn nào đó trong quần chúng, sau đó ông ta thẳng tay “thanh lọc” những thành phần chống đối.

 

Vây cánh của Putin gồm những ai?

Tờ Financial Times ra ngày 11 tháng 3 có đăng bài “Inside Putin’ s Circle – The Real Russian Elite” của Anatol Lieven, người có liên hệ với giới quyền thế Nga, đã cho thấy khá rõ ràng vây cánh của Putin hiện nay khi ông ta quyết định xuất quân xâm lăng Ukraine. 

 

Lieven nói rằng truyền thông phương Tây quen dùng thuật ngữ “oligarch” (thiểu số nắm quyền) để chỉ những người Nga siêu giàu nói chung, trong đó gồm cả những người bây giờ hoàn toàn hay phần lớn định cư tại phương Tây. Từ ngữ ấy đã đạt được sự hấp dẫn trong những năm 1990, và đã bị lạm dụng quá nhiều trong một thời gian lâu dài. Trong thời gian Boris Yeltsin làm tổng thống, một nhóm nhỏ doanh nhân giàu có đã thực sự khống chế nước Nga, họ đã bắt tay với quan quyền cấp cao để trấn lột đất nước. Tuy nhiên, nhóm này đã bị Putin phá tan trong năm đầu tiên cầm quyền của ông ta.

Ba trong bảy “oligarch” đã cố thách thức Putin về chính trị. Boris Berezovsky và Vladimir Gusinsky đã bị cưỡng bách ra khỏi nước, và Mikhail Khodorkovsky đã bị tống vào tù và sau đó lưu vong. Những người khác, và yếu thế hơn được cho phép tiếp tục làm ăn tại Nga, đổi lấy sự phục vụ Putin vô điều kiện. Khi Putin gặp (qua video link) các doanh gia hàng đầu của Nga sau khi phóng ra cuộc xâm lăng Ukraine, đã không có câu hỏi nào về việc ai là người đã ra lệnh đó.

 

Lực lượng đã phá vỡ “oligarch” là cơ quan KGB ngày trước, đã được tổ chức lại thành nhiều sở phục vụ thừa kế khác nhau. Còn chính Putin, dĩ nhiên xuất thân từ KGB, và một đa số lớn ưu tú thượng đỉnh dưới qyuền Putin cũng đều xuất thân từ KGB (và không phải quân đội). Nhóm này còn được yên thân dưới quyền Putin, và quan hệ mật thiết với cá nhân ông ta. Dưới sự lãnh đạo của Putin, họ trấn lột đất nước (tuy không như các “oligarch” trước kia, những người này cất giữ hầu hết sự giàu có của họ tại Nga) và đã tham dự hay chia phần trong những tội lỗi của ông ta, kể cả tội lớn nhất, cuộc xâm chiếm Ukraine. Họ đã nhai lại cả sự tuyên truyền ác độc của Putin chống lại Ukraine lẫn sự cáo buộc của ông ta về sự suy đồi của phương tây.

Trong khi nước Nga lao sâu xuống bãi lầy quân sự và cuộc khủng hoảng kinh tế, một câu hỏi trung tâm cần đặt ra là – nếu cuộc chiến tranh không chấm dứt một cách nhanh chóng bởi một thỏa hiệp hòa bình – Putin có thể bị truất phế (hay được thuyết phục để từ chức) bởi chính nhóm tinh hoa người Nga, để cố tránh cho nước Nga và cả chính họ rơi xuống cái hố sâu do ông ta đã đào cho họ.

Lieven viết rằng để đánh giá những cơ may của việc này đòi hỏi một sự hiểu rõ bản chất của những người Nga ưu tú, và trên hết là phe cánh của Putin.

 

Và, dưới đây là vây cánh của Putin, theo Lieven:

Khi khuynh hướng chuyên quyền độc đoán của Putin phát triển, quyền hành thực sự bên trong hệ thống đã trở nên ngày càng tùy thuộc vào sự tiếp xúc cá nhân với tổng thống, và số người có những tiếp xúc như vậy đã thu hẹp dần –  đặc biệt là từ ngày có bệnh dịch Covid đã đưa tới sự cô lập bản thân triệt để của Putin. Chỉ còn một nhóm nhỏ gồm năm người thân cận:  Sergei Lavrov, 71 tuổi, Bộ trưởng Ngoại giao Sergei Naryshkin, 67 tuổi, Chỉ huy Trưởng tình báo hải ngoại  Nikolai Patrushev, 70 tuổi, Chủ tịch Hội đồng an ninh Nga Igor Sechin, 61 tuổi, Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu, 66 tuổi.

Như vậy, vây cánh thân cận của Putin gồm có Bộ trưởng Quốc phòng Sergei Shoigu (không phải là một quân nhân chuyên nghiệp), Nikolai Patrushev (cựu giám đốc tình báo quốc nội), Naryshkin và Igor Sechin, cựu phó thủ tướng do Putin chỉ định để điều hành công ty dầu khí Rosneft.

Quân đội Nga, theo truyền thống từ thời cộng sản đã không bao giờ có đảo chính lật đổ chính quyền và ngày nay đối với Putin cũng vậy. Quân đội Nga đang cố tạo một chiến thắng tại Ukraine, hay ít nhất cũng đạt được cái đó có thể gọi là chiến thắng, đổi lại quân đội được tiêu xài công quỹ như nước. Mặt khác, sự trừng phạt tàn nhẫn của Putin những cấp bậc cao trong quân đội, cùng với sự bất lực hiển nhiên trong nhiệm vụ xâm lăng Ukraine có thể đưa tới sự bất mãn đáng lo ngại trong tương lai trong quân đội, trong đó gồm cả những viên tướng lon thấp. Điều này có nghĩa là quân đội sẽ không đứng lên chống lại Putin, nhưng cũng khó có chuyện quân đội sẽ can thiệp để cứu ông ta.

Theo Lieven, vài áp lực có hiệu quả nhất trên vây cánh của Putin có thể đến từ con cái của chính họ. Cha mẹ của họ hầu hết lớn lên và bắt đầu sự nghiệp trong những năm cuối cùng của Liên bang Sô-Viết. Ngược lại, con cái những người này trong nhiều trường hợp đã sống ở phương Tây và học hành tại đây.

Bằng cớ là nhiều người đã đồng ý, ít nhất là trong chỗ riêng tư, với Elizaveta Peskova, con gái của Dmitry Peskov, phát ngôn viên của Putin, kẻ đã phản đối cuộc chiến tại Ukraine trên Instagram. Những câu chuyện trong bữa ăn tối của gia đình Peskov những ngày này chắc hẳn là rất sôi nổi. Tuy nhiên, giới quyền thế tại Nga rất thân cận riêng tư với Putin và cuộc chiến tại Ukraine có thể đưa đến sự thay đổi chế độ tại Nga liên hệ tới việc rời khỏi quyền lực của hầu hết những người này, đổi lấy một lời hứa họ sẽ không bị bắt giữ và bảo toàn tài sản của gia đình (như bảo đảm mà Putin đã làm với người tiền nhiệm Boris Yeltsin trước đây).

Lieven kết luận bài phân tích dài bằng cách trích dẫn lời của cựu cố vấn an ninh quốc gia Hoa Kỳ Zbigniew Brzezinski: “Không có Ukraine, nước Nga hết còn là một đế quốc Âu-Á.”

Putin đang cố dựng dậy cái thây ma thời Liên-Sô cũ mà Tổng thống Ronald Reagan khi ấy gọi là “evil empire”, nhưng chắc không thành công, vì toàn dân Ukraine đang chiến đấu vô cùng hào hùng quyết liệt để bảo vệ từng tấc đất dưới sự lãnh đạo can trường sáng suốt của Tổng thống Zelensky, được loài người yêu công lý và tự do trên mặt đất này hậu thuẫn.

Có lẽ ông ta chỉ xứng đáng với danh hiệu “Vladimir khủng khiếp”, như chính ông ta mong ước.

 

Ký Thiệt (24.03.2022)