3.5.2022
BBC
Trong báo cáo tự do báo chí năm 2022 ra ngày 3/5, Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RFS) nói rằng nội dung trực tuyến không được kiểm soát đã phát tán thông tin và tuyên truyền sai lệch và khuếch đại sự chia rẽ chính trị trên toàn thế giới, làm gia tăng căng thẳng quốc tế và thậm chí góp phần vào việc Nga xâm lược Ukraine.
Tổ chức phi chính phủ có trụ sở tại Paris cho rằng các chế độ toàn trị và chuyên quyền đang kiểm soát chặt chẽ thông tin trong xã hội và đồng thời tiến hành “cuộc chiến tuyên truyền”.
Myanmar với cuộc đảo chính quân sự năm 2021 đã dẫn đến thực trạng đàn áp nhà báo cực kỳ khắc nghiệt và đưa đất nước này xếp hạng thứ 176 trong số 180 và trở thành một trong những nhà tù lớn nhất thế giới với những người làm truyền thông.
Trong khi Bắc Hàn (đứng cuối bảng ở vị trí 180) là quốc gia tồi tệ nhất về tự do báo chí, thì Trung Quốc (thứ 175) tiếp tục mở rộng mô hình kiểm soát thông tin không chỉ trong phạm vi biên giới mà còn vượt ra ngoài biên giới của họ.
Cụ thể là Hong Kong đã tụt 68 bậc xuống vị trí 148 do sự kiểm soát truyền thông của Bắc Kinh trong năm 2022.
Việt Nam, từ vị trí 175 (năm 2021), được xếp vị trí 174 trên 180 nước vào năm nay, cao hơn Trung Quốc.
Tuy nhiên đáng chú ý là Việt Nam lại có số lượng nhà báo, nhà hoạt động bị ngồi tù vì viết bài trên mạng xã hội lại rất lớn (41) so với các nước thuộc Asean khác như Indonesia (1), Thái Lan (2), Campuchia (3) và Lào (5).
RFS lưu ý rằng Nga đã tiến hành một cuộc chiến tranh tuyên truyền sau khi xâm lược Ukraine trong bối cảnh các phương tiện truyền thông nhà nước khuynh đảo và các cơ quan truyền thông độc lập ngày càng bị bóp nghẹt.
“Việc tạo ra vũ khí truyền thông ở các quốc gia độc tài làm mất đi quyền được thông tin của công dân mà còn liên quan đến sự gia tăng căng thẳng quốc tế, có thể dẫn đến loại chiến tranh tồi tệ nhất”, Tổng thư ký RSF Christophe Deloire cho biết.
Nga (đứng thư 155) và đồng minh Belarus (153) cũng nằm trong danh sách đỏ các quốc gia đàn áp báo chí mạnh nhất.
Các nước Bắc Âu Na Uy, Đan Mạch và Thụy Điển vẫn đứng đầu bảng xếp hạng, đóng vai trò là mô hình dân chủ “nơi tự do ngôn luận phát triển mạnh mẽ”.
RFS được thành lập vào năm 1985 và đã công bố chỉ số tự do báo chí hàng năm kể từ năm 2002 và đã trở thành cái gai đối với các chế độ toàn trị trên khắp thế giới.
Danh sách năm nay được phát triển với một phương pháp xếp hạng mới xác định lại quyền tự do báo chí và sử dụng 5 chỉ số mới gồm bối cảnh chính trị, khuôn khổ pháp lý, bối cảnh kinh tế, bối cảnh văn hóa xã hội và an ninh để phản ánh điều họ gọi là “tính phức tạp” của nó.
Một trong các vụ xử tù nhà báo được thế giới chú ý nhất trong thời gian qua tại Việt Nam là trường hợp nhà báo Phạm Thị Đoan Trang, chịu án 9 năm tù về tội “Tuyên truyền chống phá Nhà nước” cuối năm 2021.
Bà Trang được Canada và Anh trao giải Tự do Truyền thông vào tháng 2/2022 và từng được nhận Giải thưởng Homo Homini 2018 từ tổ chức nhân quyền People In Need có trụ sở tại Cộng hòa Czech.
Trước đó, năm 2019, bà nhận giải thưởng của Tổ chức Phóng viên Không biên giới.
Báo Công an Nhân dân khi đó nói “Tổ chức Phóng viên Không biên giới lại giở chiêu trò trao giải Tự do báo chí, hạng mục ‘Ảnh hưởng’ cho Phạm Đoan Trang, đối tượng từng có nhiều hành động lợi dụng vấn đề dân chủ, nhân quyền vu cáo, xuyên tạc tình hình Việt Nam”.