Trần Vũ
LTS: Bài phỏng vấn Trương Vũ, “Con Người Sau Nội Chiến”, do Trần Vũ thực hiện năm 2005 cho Tạp Chí Hợp Lưu số 82. Từ thời điểm bài phỏng vấn được thực hiện cho đến nay đã có ít nhiếu đổi thay trong tâm tư, trong ý thức của người Việt về cuộc chiến và cả trong thực tế chính trị, xã hội, văn hóa của Việt Nam trong nước và các cộng đồng Việt Nam hải ngoại. Tuy nhiên, những vấn đề cốt lỏi phát sinh từ những mâu thuẩn về ý thức và từ sự tàn phá con người trong nội chiến và cả sau khi nội chiến chấm dứt dường như vẫn còn nguyên. Những điều trình bày trong bài phỏng vấn này, do đó, rất đáng để chúng ta đọc lại và suy gẫm.
Khi cho đăng lại bài phỏng vấn, chúng tôi lược bỏ vài đoạn liên quan đến cá nhân với sự đồng ý của Trương Vũ.
Trần Vũ: Trong hồi ký Ngày N+, cựu đại úy quân cảnh Hoàng Khởi Phong đã kể về một sĩ quan cấp úy tự nguyện ở lại Nha Trang không đưa gia đình chạy về Sàigòn sau khi Huế, Đà Nẵng, Quy Nhơn, Tuy Hoà thất thủ. Viên sĩ quan đó chính là Trương Vũ. Vì sao khi ấy, trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi đang thành lập tuyến phòng ngự Sàigòn từ xa ở Phan Rang, các tỉnh lớn Long Khánh, Biên Hoà, Cần Thơ và thủ đô Sàigòn chưa mất mà Trương Vũ chọn ở lại một thành phố đã bỏ ngõ?
Trương Vũ: Câu hỏi rất hay nhưng đặt ra không đúng với bối cảnh thật và hoàn cảnh cá nhân tôi vào lúc đó. Tôi chỉ phục vụ hai năm trong QLVNCH, trong đó có gần một năm ở hai quân trường, và được biệt phái về Bộ Giáo Dục năm 1970 với cấp bực thiếu úy trừ bị. Sĩ quan biệt phái, trên nguyên tắc vẫn là quân nhân nhưng trên thực tế là dân sự, không trực thuộc bất cứ đơn vị quân đội nào. Câu trả lời của tôi trong bài phỏng vấn của Trần Văn Thủy liên quan đến quyết định ở lại có thể không làm hài lòng một số người. Không biết có phải đây là lý do HL đặt lại câu hỏi một cách quyết liệt hơn cho tôi, một sĩ quan biệt phái, thay vì hỏi các cấp tướng hoặc tá trách nhiệm bảo vệ thành phố Nha trang hiện đang còn sống ở hải ngoại? Tôi vẫn thích trả lời câu hỏi vì tin rằng mỗi người trong chúng ta dù ở bất cứ cương vị nào đều phải chịu trách nhiệm về những quyết định của mình. Nhưng để có câu trả lời chính xác tôi phải đưa ra một bối cảnh và hoàn cảnh cá nhân đúng với sự thật. Tôi hy vọng kinh nghiệm và quan điểm cá nhân về quyết định đi, ở của mỗi người trong một hoàn cảnh như vậy, được trình bày ở đây sẽ rõ hơn, sẽ giúp phần nào cho những thế hệ sau nhìn ra tính phức tạp của cuộc chiến, để đừng có những phán xét quá đơn giản thường dẫn đến những nghịch lý và bế tắc trong lý luận.
Nhiệm sở sau cùng của tôi trước 30-04-75 là trường Đại Học Duyên Hải Nha Trang. Tôi dạy toán ở Sư phạm, đồng thời phụ trách Sinh viên vụ của đại học. Vào những ngày cuối tháng 3 năm đó, Sinh viên vụ được chỉ định phối hợp với ban Đại diện Sinh viên phụ trách cứu trợ đồng bào từ các tỉnh cao nguyên và miền Trung đang tạm trú trong khuôn viên đại học. Lúc đó hầu như nhà nào cũng có đồng bào lánh nạn tạm trú. Thời gian đó, dù rất hoang mang, hầu hết giáo chức và viên chức tôi biết đều cố gắng làm nhiệm vụ của mình. Mọi người đều nghe nói đến lệnh tử thủ Nha Trang. Nhưng đến sáng ngày 1 tháng 4 tình hình vụt đổi khác. Ngoài đường, mọi người chạy như điên, từ xa chạy về thành phố, từ thành phố chạy đi, hoặc chạy loanh quanh không biết đi đâu. Trong khi đó, đài phát thanh vẫn còn phát lệnh truyền thanh cho quân nhân và công chức phải ở nguyên tại nhiệm sở. Lúc đó chưa có bóng dáng quân miền Bắc gần thành phố. Dầu vậy, ý định di tản cũng đã đến với chúng tôi, và gia đình tôi (gồm chín nhân mạng) đã chuẩn bị sẵn sàng. Phương tiện duy nhất có thể dùng là chiếc xe jeep dân sự do một đứa cháu gái gọi bằng chú để lại sau khi gia đình cháu đã vào Sàigòn. Tôi nhớ rất rõ đến giờ phút đó tôi vẫn không ở trong tâm trạng có thể bỏ đi một cách dứt khoát. Vài giờ trước đó, vợ của một người phụ tá chạy chân đất sang nhà tôi nói lắp bắp, không ra hơi, xin cùng di tản với chúng tôi. Chồng chị là một người tôi coi như anh, làm việc với tôi rất tận tình. Họ có hai con, rất nghèo, chẳng có phương tiện riêng nào. Rồi, còn những người phụ tá khác và những sinh viên thất lạc gia đình tôi đưa về tạm trú trong nhà. Và, không lẽ cứ giặc sắp đến là chạy, bất kể có lệnh cấp trên hay không? Đang trong tâm trạng rối rắm như vậy thì Hoàng Khởi Phong (HKP) xuất hiện ngay trước nhà.
HKP là bạn thân và từng là sĩ quan chỉ huy của tôi trong một thời gian ngắn. Khác với tôi, HKP là một sĩ quan chuyên nghiệp, sống hết lòng với quân đội dù bản chất rất nghệ sĩ. Với những chức vụ trông coi tù binh miền Bắc tại trại giam Phú Quốc và trưởng đồn quân cảnh Pleiku của HKP, tôi tin anh không thể nào thoát chết nếu rơi vào tay Cộng Sản. Sau khi cố gắng tìm phương tiện cho HKP một cách vô vọng, tôi nói với HKP tôi đã quyết định ở lại, hãy lấy chiếc xe jeep của tôi đưa vợ con chạy vào Cam Ranh tìm cách xuống tàu hải quân vào Sàigòn. Mọi chi tiết, HKP đã kể rõ trong tập hồi ký Ngày N+, tôi không muốn nhắc lại ở đây. Sau khi chia tay HKP, tôi đi bộ về nhà, thấy mọi người trong gia đình đang chờ tôi để di tản, ruột gan tôi bắt đầu bấn loạn. Lúc đó, đài phát thanh vẫn tiếp tục phát lệnh truyền cho tất cả quân nhân và công chức ở nguyên tại nhiệm sở. Quá trưa hôm đó, trong một buổi họp bất thường ở đại học, chúng tôi được biết các cơ quan đầu não của thành phố đã âm thầm bỏ ngõ, không một lệnh lạc nào được ban ra. Tối hôm đó, tù quân lao thoát ra, súng nổ tứ phía, cướp bóc tràn lan. Thành phố dẫy chết. Ngày hôm sau, tiếng súng ngưng, những chiến xa T-54 bắt đầu tiến vào thành phố. Nha Trang của vài giờ trước đó đã trở thành lịch sử. Mặt trận Phan Rang với trung tướng Nguyễn Vĩnh Nghi làm tư lệnh được thành lập một tuần sau khi Nha Trang thất thủ không một phát súng chống cự. Phan Rang mới là quê hương của ông Thiệu chớ không phải Nha Trang.
Vào những ngày đầu tháng 4-75, tôi đã ở lại thành phố nơi chôn nhau cắt rún. Nghĩ tới nghĩ lui, tôi vẫn thấy những quyết định đưa đến chuyện ở lại có đúng, có sai. Ngay cả quyết định nhường chiếc xe cho một người bạn vẫn chỉ có thể đúng cho tình bạn, tình đồng đội, tình người nhưng chưa chắc đã đúng trong trách nhiệm đối với gia đình. Tôi tin rằng trong hoàn cảnh vô cùng phức tạp của những ngày cuối cuộc chiến, mỗi người đều phải lấy quyết định cho riêng mình và chịu trách nhiệm về những quyết định đó. Đúng hay Sai là chuyện rất tương đối và chỉ áp dụng cho cá nhân đó thôi. Nhưng, nếu buộc phải chọn một nguyên tắc chung, thì quyết định ở lại phải được xem là quyết định đúng nhất. Đúng nhất với một thuộc cấp khi không có lệnh di tản của cấp trên và đúng nhất với cấp trên khi không bỏ thuộc cấp để chạy, để lo riêng cho thân mình. Cuộc chiến đó khi chấm dứt đã cướp mất không biết bao tinh anh của đất nước và để lại rất nhiều nghịch lý. Riêng miền Nam, bao nhiêu chiến sĩ, đa số là binh sĩ, hạ sĩ quan, và sĩ quan cấp thấp, đã hy sinh. Một số tướng lãnh, như tướng Nguyễn Khoa Nam, đã tự sát, đã cứu vãn phần nào danh dự của một triệu quân tan tành chỉ trong 55 ngày. Nhưng có bao nhiêu người nhớ rằng tướng Nam đã ra lệnh cố thủ vùng 4 chiến thuật và có bao nhiêu người đã tuân lệnh ông? Khi ông bắn phát súng vào miệng, xung quanh ông còn bao nhiêu quân? Bao nhiêu tướng lãnh và sĩ quan thuộc vùng 4 lúc đó đang đứng xếp hàng lãnh đồ ăn ở Guam hay lặng lẽ ngồi trong nhà riêng của mình? Tôi hy vọng không có ai trong số này ngày hôm nay tự cho mình sự trịch thượng hay cái quyền được lên án sự đi, ở của người khác, nhất là những người ở xa tầm cỡ lãnh đạo, vào những ngày bi thảm đó. Bài học rút từ 30-04-75 nên là bài học của san sẻ kinh nghiệm, san sẻ hiểu biết, của thông cảm, lòng trắc ẩn và tính khiêm nhường.
Trần Vũ:Trong tập phỏng vấn Nếu Đi Hết Biển của Trần Văn Thủy, Trương Vũ 28 năm sau tại Hoa Kỳ phát biểu:‘‘Đến nay, tôi vẫn tin rằng quyết định ở lại của riêng tôi vào 1975 có phần đúng có phần sai nhưng quyết định ra đi vào 1976 thì hoàn toàn đúng.’’ Tại sao lại có mâu thuẫn này khi ông đã quyết định ở lại, chấp nhận số phận của một quân nhân bại trận nhưng rồi không ra trình diện ‘‘học tập cải tạo’’, để cuối cùng bỏ hết gia đình vợ con vượt biển trốn ra nước ngoài? Điều gì đã làm ông nghi ngờ không ra trình diện Ủy Ban Quân Quản Lâm Thời khi ấy? Và điều gì đã khiến ông thất vọng tột cùng với chế độ mới, mà trên danh nghĩa áp dụng chính sách khoan hồng, thống nhất đất nước?
Trương Vũ: Như đã trình bày ở trên, dù có đúng có sai trong các quyết định của mình, tôi đã ở lại VN tháng 4 năm 1975. Nhưng nếu bảo rằng tôi hoàn toàn chấp nhận số phận của một quân nhân bại trận thì điều đó không đúng. Tôi cũng không tin có bao nhiêu người hoàn toàn chấp nhận số phận của họ. Nhưng, chống lại với số phận không dễ. Trước đó, suốt 21 năm từ 1954 đến 1975, có cả một miền Nam làm lực cản hùng mạnh và niềm hy vọng cho nhiều đồng bào miền Bắc, có bao nhiêu đồng bào miền Bắc chống lại được với số phận của họ? Thế nhưng, dù mỗi người mang ý nghĩ gì trong đầu, tôi cũng không tin tất cả đều cho rằng cuộc đời họ đến đây là hết. Bản năng sinh tồn của con người lớn lắm. Riêng với những ước mơ bình thường của con người, đặc biệt của những người còn trẻ, thì quả thật đang chết dần. Nhìn từng đoàn người, trong đó đa số là cựu sĩ quan, viên chức hay binh sĩ của quân lực miền Nam, lũ lượt kéo nhau về làm rẫy ở vùng quê, tôi biết tất cả đều chỉ muốn sống với những công việc rất tầm thường, để lo cho con cái. Ước mơ dành lại cho thế hệ sau. Nhưng, ngay cả một đời sống tầm thường như vậy cũng vẫn còn quá xa xỉ trong chế độ mới và không phải ai cũng được phép. Cố học giả Nguyễn Hiến Lê nói rất đúng. Phải thực sự sống trong chế độ Cộng Sản, nhất là Cộng Sản vào thời gian họ còn tin chắc nịch vào “sự dẫy chết của chế độ Tư Bản” và sau khi họ thắng miền Nam, mới thấy thân phận của con người ở đó mỏng manh như thế nào. Mỗi ngày đi qua, người miền Nam cảm nhận thêm sâu sắc nỗi tuyệt vọng cho tương lai mình và cả cho con cái. Tôi biết chắc chắn sẽ bị gọi đi “cải tạo”, và ý thức rất rõ đó sẽ là một gánh nặng kinh hoàng cho gia đình trong một chế độ chủ trương đối xử phân biệt tinh vi vào hạng thượng thừa của nhân loại. Tôi không thấy một tương lai nào cho các con. Chỉ còn cách trốn thoát ra ngoại quốc, bằng bất cứ giá nào. Lúc đó hầu như chưa ai có kinh nghiệm về vượt đại dương bằng thuyền nhỏ. Một đứa cháu gọi tôi bằng chú cùng với một người bạn của cháu là hai trong số rất ít người đầu tiên ở Nha Trang nghĩ đến lối thoát này. Đầu tiên chúng tôi định dùng chiếc tàu sắt mới được hãng Caric đóng cho khoa Ngư nghiệp của đại học để vượt biển. Dùng phương tiện này có quá nhiều nguy hiểm về an ninh và những hậu quả khó lường nên cuối cùng chúng tôi quyết định mua một chiếc ghe đánh cá nhỏ. Cả toán chỉ có năm người và không ai trong chúng tôi từng có kinh nghiệm sử dụng ghe. Cái chết kể như chiếm 80% nên tất cả quyết định không đem theo bất cứ ai trong gia đình mình. Cuối cùng, ghe chúng tôi là một trong vài chiếc đầu tiên sau 1975 từ Nha Trang đến thẳng vịnh Manila, sau 8 ngày lênh đênh trên biển. Lúc đó là tháng 3 năm 1976. Tôi không muốn nói dài dòng về chuyện này vì sau đó hầu như cả miền Nam đều cố nhào xuống biển mà trốn đi và có nhiều trường hợp anh hùng hay thương tâm ngoài sức tưởng tượng của con người. Nói chung, với tôi, quyết định ra đi sau “Giải Phóng” là hoàn toàn đúng. Tôi không còn chịu một trách nhiệm cộng đồng nào và quả thật đang ở vào tuyệt lộ. Tôi có chịu trách nhiệm với gia đình, dĩ nhiên, và mọi suy tính đã diễn ra và dừng lại trong ngưỡng cửa gia đình. May rủi cũng là những yếu tố lớn chi phối sự thành bại của những quyết định như vậy. Có người đi một mình không thoát nhưng số còn lại đi theo sau lại thoát. Có người mang cả gia đình đi và tất cả chìm sâu dưới biển khơi. Gia đình tôi trốn đi nhiều lần đều thất bại. Gần mười năm sau tất cả đoàn tụ trên đất Mỹ qua chương trình Ra Đi Trong Trật Tự (ODP).
Ngày nay, thế giới thay đổi nhiều lắm rồi và VN dù muốn hay không đã không thể hoàn toàn cưỡng lại với mọi áp lực đổi thay. Nhưng mỗi lần nhớ lại khoảng thời gian đó ở VN, nhất là thời gian từ 1975 đến 1980, khó ai trong chúng ta không khỏi rợn người. Nhà văn Cung Giũ Nguyên, năm nay 96 tuổi, vẫn còn sống tại Nha Trang, lúc đó lặng lẽ ngồi viết tác phẩm Le Boujoum bằng tiếng Pháp, dày 684 trang. Năm 2002, chúng tôi, những học trò cũ của ông, xuất bản cuốn sách này tại Mỹ. Mỗi lần đọc tôi không thể không hồi tưởng lại khoảng thời gian này. Nó giúp chúng ta hiểu rõ trong hoàn cảnh như vậy con người đã sống như thế nào và nhờ đâu mà tồn tại. Tôi xin dùng câu mở đầu và cũng là câu kết thúc của Le Boujoum, do chính tác giả chuyển ngữ, để giúp trả lời rõ hơn câu hỏi của HL: “…một vật lơ lửng trên vực thẳm, được những sợi tơ mành của hy vọng giữ lại. Hy vọng nơi ai? Hy vọng nơi gì? Và có lý do nào để hy vọng? Nhờ biệt lệ nào được nâng đỡ như thế này, trong thời gian có giới hạn nhất định. Hay ta lại muốn cho thời gian còn kéo dài mãi, hay ít ra còn lâu nữa mới chấm dứt. Bởi tánh cách đột ngột của sự việc quá rõ ràng, nhưng một mối đầu luôn luôn phải có đối ứng tất yếu là đầu mối kia. Tuy sự quên lãng những quy luật thường đi đôi với ảo tưởng. Dưới kia là một vực thẳm âm u cuồn cuộn…”
Trần Vũ: Nhìn chung, phản ứng của báo chí vùng Cali vô cùng dữ dội, cho thấy vết thương của những năm theo sau ngày 30-04-75 còn tươi nguyên. Chỉ cần vài nhà nghiên cứu của Viện Văn Học, Hội Nhà Văn Hà Nội, của Trường Viết Văn Nguyễn Du được học bổng sang Hoa Kỳ đủ khiến cộng đồng tỵ nạn sôi sục căm phẫn. Vì sao Trương Vũ không đặt vấn đề Dân Chủ với chính quyền VN mà lại đòi hỏi cộng đồng tỵ nạn hành xử Dân Chủ? Một cộng đồng gốc gác thuyền nhân đã quá đau thương, đã mất tất cả sau 75 mà lá cờ vàng là căn cước duy nhất, và đặc biệt đã có kinh nghiệm «Dân chủ và phản chiến một chiều» đưa đến thảm kịch 30/04/75.
Trương Vũ: Hình như mỗi người trong chúng ta đều phẫn nộ khi nghĩ đến vấn đề VN, về những gì đang diễn ra trong nước và cả những gì đang xẩy ra trong cộng đồng. Vết thương của chiến tranh chưa lành chút nào. Mặc dầu, trên thực tế, đa số người sống bên ngoài đã cố gắng hoà giải với quá khứ. Đa số đã về thăm quê hương, đã bỏ nhiều tiền bạc dành dụm cho thân nhân và cho cả những ích lợi chung. Trong khi đó, vẫn trong thực tế, những người cầm quyền ở VN chẳng hề muốn buông bỏ điều gì, không một hành động thật sự mang tính hoà giải để giúp đưa quá khứ vào lịch sử. Họ làm điều đó với người Mỹ, Đại Hàn, Pháp, Úc… nhưng chưa hề làm với đồng bào của họ. Một số tổ chức chống Cộng ở hải ngoại lại luôn cảnh giác là không nên mắc mưu hòa hợp hòa giải của Cộng Sản, rồi tưởng tượng ra những người bị mắc mưu, rồi chửi bới, rồi đánh lẫn nhau. Chỉ toàn tưởng tượng! Từ 1975 đến nay làm gì có chuyện chủ trương hoà hợp hoà giải thật sự từ phía giới cầm quyền, chỉ có trước 1975 khi họ chưa đủ mạnh để chiếm miền Nam thôi. Kẻ chiến thắng chủ trương Đoàn Kết Dân Tộc trong nghĩa: Phải đầu hàng vô điều kiện, sau quân sự đến tinh thần. Nghị quyết 36 là một nghị quyết vô nghĩa, chẳng nêu ra được một sự nhân nhượng nào cả từ phía chính quyền. Khả năng lớn nhất của NQ36 là giúp cho những người cực đoan chuyên sống bằng ảo giác ở hải ngoại, nhìn xung quanh thấy thêm kẻ thù. Muốn hoà hợp hòa giải thực sự, lãnh đạo VN cần có đủ can đảm, sự công bình và tâm lượng, gọi chế độ Việt Nam Cộng Hòa là Việt Nam Cộng Hoà, gọi những người lính thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà là những người lính thuộc quân lực Việt Nam Cộng Hoà, xem những đóng góp văn hoá của miền Nam cũ và của hải ngoại là những đóng góp vào kho tàng chung của cả dân tộc, và để sự đánh giá mỗi chế độ chính trị và con người trong chế độ đó cho lịch sử, cho các nhà nghiên cứu. Bất cứ người lãnh đạo chính trị VN nào làm được điều đó họ sẽ làm cho họ Lớn lên chứ không Nhỏ đi. Vấn đề ở chỗ: lãnh đạo chính trị VN muốn tầm vóc của họ và tầm vóc của dân tộc họ cao cỡ nào thôi.
Tôi không thể giải quyết hết mọi nghịch lý để lại từ cuộc chiến, dù chỉ để giải quyết cho chính cá nhân mình. Tôi chọn cách sống cho những giá trị mà mình tin, và khi cần, thẳng thắn cổ võ hay bênh vực những giá trị đó. Người khác có tin vào những giá trị đó hay không là quyền của họ. Trong hầu hết những tiểu luận về chính trị, tôi luôn cổ võ dân chủ và tự do cho VN. Không có một bài viết nào của tôi cho rằng chế độ Cộng Sản là một giải pháp tốt hay khả dĩ có thể chấp nhận được cho VN. Tôi cũng không bao giờ tin rằng, và đã viết ra rất rõ, độc tài thích hợp để phát triển kinh tế sau khi chiến tranh lạnh đã chấm dứt. Những trí thức VN ở trong hay ngoài nước, khi tranh đấu cho tự do và dân chủ, họ đều nhắm tới những giá trị này cho VN, chớ không phải cho hải ngoại. Tuy nhiên, sự đòi hỏi những giá trị đó chỉ có thể có hiệu quả nếu cộng đồng VN hải ngoại rõ ràng là một biểu tượng cho chính những giá trị đó. Người ta không thể cổ võ cho dân chủ và tự do, cùng khát vọng sống một đời có phẩm cách trong khi ở chính trên đất nước của tự do người ta dùng khả năng tàn phá nhân cách để buộc người khác im lặng trước những sai quấy của họ hay không dám phát biểu những ý nghĩ trung thực của mình. Thực tế, ở Mỹ chẳng hạn, nhiều người trong chúng ta đang sống một đời sống có hai mặt mâu thuẫn nhau hoàn toàn. Là một người Mỹ nói năng thẳng thắn về bất kỳ một vấn đề gì của nước Mỹ, chỉ trích cả tổng thống Mỹ mà không sợ gì cả, ở chỗ riêng tư hay ở nơi công cộng không khác nhau. Nhưng đồng thời lại là một người Việt, có thể chỉ trích Việt Cộng thả giàn, và thường có thể chỉ trích rất chính xác và sâu sắc các hành động tiêu cực của bất cứ thành phần nào trong cộng đồng… ở chốn riêng tư. Khi phải nói năng nơi công cộng, thường tránh né hoặc nói năng y chang nhau, rất khẩu hiệu. Đây là một đời sống có tự do và phẩm cách? Cộng đồng VN nếu được như ngày hôm nay đã phải trải qua biết bao đau thương. Chắc chắn chúng ta chỉ muốn những đau thương đó trả giá cho những giá trị cao đẹp thôi. Nếu không nỗ lực bền bỉ, sâu sắc, với lòng can đảm tận cùng gìn giữ những giá trị đó, thì chúng ta đánh đổi mọi hy sinh, mọi đau thương, chỉ để lấy một mức sống cao ở hải ngoại thôi sao?
Về chuyện lá cờ, tôi tin rằng mỗi người Việt ở hải ngoại, xuất phát từ miền Nam, đều có quyền đòi hỏi lá cờ vàng ba sọc đỏ được xem là biểu tượng của cộng đồng mình. Nhiều chính quyền địa phương ở Mỹ và các nơi khác trên thế giới công nhận sự đòi hỏi chính đáng đó. Nhưng đừng bao giờ tự dối mình mà phải nhìn vào sự thật là “lá cờ vàng ba sọc đỏ như một biểu tượng của quốc gia Việt Nam” đã không còn nữa, với chính phủ Mỹ cũng như với bất cứ quốc gia nào trên thế giới. Tôi kính trọng bất cứ ai tiếp tục tranh đấu để đưa lá cờ vàng trở lại thành một biểu tượng của quốc gia như trước đây. Nhưng đồng thời, tôi càng kính trọng những nhà tranh đấu nhắm đến những giá trị như dân chủ, tự do, và khát vọng sống một đời có phẩm cách như những mục tiêu hàng đầu và dành chuyện lá cờ lại cho quyết định của đa số một khi dân chủ được thiết lập trên một đất nước mà lòng người đã ly tán đến cùng cực.
Còn chuyện phản chiến? Chắc chắn với không ít người miền Nam, “dân chủ và phản chiến một chiều” là nguyên do chính đưa đến chuyện mất miền Nam. Đơn giản quá! Tôi không chia sẻ cách nhìn đó. Chắc chắn không phải vì dân chủ và phản chiến mà Mỹ đã theo đuổi một chính sách kéo dài chiến tranh, thả nhiều bom đạn, đem đến nhiều chết chóc cho cả lính Mỹ, làm chán nản ngay những người khởi đầu là Diều Hâu. Cũng không phải vì có dân chủ và phản chiến mà tổng thống Nixon đã nói dối quốc hội và dân chúng Mỹ trong vụ Watergate, mà ngược lại vì chính ông đã coi thường những nguyên tắc của dân chủ mà ông đã thề bảo vệ. Hậu quả vụ Watergate đã bó tay hành pháp Mỹ vào những ngày cuối của cuộc chiến. Có phải vì dân chủ và phản chiến mà tổng thống Nixon gọi tổng thống Thiệu là “son-of-a-bitch” và dọa dùng biện pháp tàn bạo nếu ông Thiêu không chịu ký hiệp định Paris. {theo Henry Kissinger, «Ending the Vietnam war», Simon & Schuster, 2003, trg 427}. Và cuối cùng ông Thiệu chịu ký. Khi một ông tổng thống Mỹ khinh miệt lãnh tụ đồng minh nhỏ bé của mình như vậy, thì lãnh tụ nhỏ bé này còn uy tín với ai mà lãnh đạo. Mặt khác, tổng thống Thiệu không hề nói thật với dân chúng hay ít ra với quốc hội về tình trạng nguy ngập của đất nước như một lãnh tụ dân chủ mà lại hành xử như một nhà độc tài, không tin dân chúng và chính quân đội mình, ém nhẹm sự thật, tin vào sự ủng hộ của đồng minh một cách mù quáng, tự ban hành những quyết định sai lầm chiến lược. Cái đó là do dân chủ và phản chiến? Theo tôi, nói chung, nước dân chủ nào cũng vậy, khi có chiến tranh, chết chóc nhiều, lãnh đạo không có chính sách thuyết phục được đại đa số quần chúng thì bao giờ cũng có phản chiến. Đó là sức mạnh của dân chủ, nó giúp ngăn chận sự lạm quyền. Phản chiến không có ở các nước độc tài. Liên Xô không có phản chiến, nhưng Liên Xô cũng phải rút quân ra khỏi Afghanistan. Đại Hàn có phản chiến, Tây Đức có phản chiến. Cả hai đều được Mỹ trợ giúp, như VNCH. Cả hai đều là những phần đất nước bị chia cắt, như VNCH. Nhưng sao họ như thế mà ta lại như thế? Lý do chắc ở chỗ khác.
Trần Vũ: Vài năm trở lại đây, khá nhiều nhà văn quốc nội đã công du nước ngoài. Qua tiếp xúc, hầu hết các nhà văn Việt di dân đều rất thất vọng vì một số đông đồng nghiệp thuộc Hội Nhà Văn đã phát biểu bài bản, gần như với lập trường được soạn trước, hoặc linh động làm vui lòng người bên ngoài nhưng không chân thật. Rồi một khi trở về quê nhà vẫn là những nhà văn ấy với những phát biểu hoàn toàn chính thống. Từng cho biết đã gặp tình trạng này, ông có thể giải thích rõ hơn?
Trương Vũ: Nói chung, nhận xét này đúng và không mấy ai xem đây là điều đáng hãnh diện cho trí thức hay văn nghệ sĩ VN. Có một điều đến nay vẫn còn đúng hơn nữa là sự hiện hữu một tâm lý phủ nhận những đóng góp về văn học nghệ thuật và trí thức của miền Nam cũ cũng như của hải ngoại hiện nay, không phải chỉ từ phía chính quyền thôi đâu. Kể cả những thảm kịch phát sinh từ cuộc chiến mà người miền Nam phải gánh chịu dù cả sau khi cuộc chiến đã chấm dứt, chúng hầu như không hiện diện trong văn chương miền Bắc trước đó và cả quốc nội sau này. Tôi đã nêu lên nhận xét này nhiều lần trong các bài viết của tôi, và mới đây trong trả lời phỏng vấn Trần Văn Thủy tôi cũng đã nhắc lại điều tương tự: “Theo tôi, những hận thù, mâu thuẫn giữa anh em lẽ ra đã phải được chấm dứt ngay sau khi chiến tranh kết thúc vào 30 tháng 4-1975. Thế nhưng, thay vào đó lại là những trại tù, mang tên là trại cải tạo. Rồi đổi tiền, rồi “kinh tế mới”, rồi ăn cơm độn trên một đất nước vốn xuất cảng lúa gạo, rồi những đối xử phân biệt, rồi cả triệu người đành phải nhào xuống biển bất kể có phải làm mồi cho cá hay hải tặc. Tôi không thấy có bao nhiêu giọt nước mắt dành cho họ. Tôi chỉ đọc được rất nhiều những trang sách báo kết án “bọn phản quốc”, “bọn từ bỏ tổ quốc”. Sau bất cứ một cuộc chiến nào, người thắng trận dễ chìa bàn tay để hòa giải hơn người bại trận. Người thắng trận, tôi muốn nói người có quyền và thắng trận, đã không làm chuyện đó mà còn làm điều ngược lại.” {NĐHB, trg 140}. Trong những câu chuyện trao đổi với những trí thức, văn nghệ sĩ trong nước, tôi vẫn thường nêu lên nhận xét đó. Mỗi người trong chúng ta, dù sống ở trong hay ngoài nước, không ai nên tự ép mình phải cầm bút, và cũng không ai nên buộc người khác phải cầm bút viết theo ý mình. Nhưng tôi biết chắc một điều, một khi đã cầm bút viết xuống một tiểu luận, một bài thơ, một truyện ngắn, v.v. thì trước sau gì cũng sẽ được hay bị trả giá cho những điều mình viết ra. Nên cân nhắc trước khi viết hay trước khi quyết định không viết. Chữ nghĩa một khi đã in trên giấy, trên internet rồi, không xóa đi được đâu. Hoặc có những điều đáng viết vào đúng lúc của nó, lại không chịu viết, đến lúc nào đó có muốn viết cũng không được nữa. Ngay sau khi bức tường Bá Linh sụp đổ, có biết bao nhiêu nhà văn ở Đông Âu hối tiếc là đã viết hay đã không viết một điều nào đó. Với một nhà văn, cái Có hay Không này thường quyết định sự nghiệp của cả đời. Nhưng đó là sự lựa chọn của mỗi nhà văn, chúng ta có thể trải lòng mình ra chia sẻ với nhau, nhưng không ai có thể lựa chọn giùm người khác. Dầu sao, với những trí thức hay nhà văn trong nước, có rất nhiều người tôi luôn kính trọng, đặc biệt ở cách nhìn không phân biệt Nam-Bắc, Trong-Ngoài của họ, lớp lớn như Phan Đình Diệu, lớp trẻ sau này như Đỗ Hoàng Diệu, Phương Nam Đỗ Nam Hải, và nhiều người khác nữa. Nhưng phải công nhận, với 80 triệu dân, sau 30 năm tàn cuộc chiến, bao nhiêu biến đổi trên toàn cầu, mà chỉ có bao nhiêu đó thôi cho VN thì quả thật là không nhiều. Riêng với Phương Nam, cách nhìn thẳng thắn, toàn diện, nhân bản, và công bình của ông có hy vọng giúp khởi đầu một khuynh hướng tư duy mới, không mang bất cứ một mặc cảm nào khi suy nghĩ hay phân tích những vấn đề VN, cho cả trong lẫn ngoài.
Dầu sao, cuối cùng rồi mỗi người trong chúng ta cũng phải sống với những giá trị mà mình tin thôi. Chuyện Trần Vũ chẳng hạn, sau 14 năm Trần Vũ ở hải ngoại, chúng ta thay đổi được tinh thần Trần Vũ nào ở VN? Nhưng một khi đã tin rằng văn hóa tự bản chất phải giao lưu thì chúng ta khuyến khích cho nó giao lưu, còn người khác không tin như vậy là chuyện của họ. Văn hóa không phải là một hình phạt, đọc sách không phải là một hình phạt mà phải phân trần theo kiểu ‘tại sao thằng kia chỉ chịu có một roi (đọc một cuốn sách) mà tui phải chịu đến hai roi (đọc hai cuốn sách)’.
Trần Vũ: Từng làm chủ bút tập san Đối Thoại thập niên 90, hôm nay Trương Vũ có gì để nói về cuộc đối thoại chính trị giữa trong và ngoài nước ở thời điểm 30-04-2005 này? Đã có những nỗ lực hàn gắn nào và vì sao thất bại rồi tiếp tục bế tắc? Nguyên nhân nào?
Trương Vũ: Đối thoại chính trị giữa người Việt với nhau quả thật là khó. Thói quen phân biệt bạn thù thường chế ngự các thảo luận chính trị trong khi nền tảng cho những đối thoại đứng đắn là vừa thuyết phục vừa lắng nghe, tôn trọng sự khác biệt, tôn trọng nhân cách người đối thoại dù đó là người mà mình cho là kẻ thù. Sự thuyết phục nói đến ở đây là thuyết phục bằng lý luận vững chắc đi kèm với những thông tin chính xác có cơ sở để chứng minh. Sự lắng nghe bao gồm khả năng chấp nhận bị thuyết phục hay chấp nhận sai lầm. Tuy nhiên, những đức tính này có vẻ như thiếu vắng trong con người Việt nói chung. Người Pháp từng nói trong mỗi người Việt có một ông quan. Đã là quan, đâu dễ chấp nhận sai lầm. Cãi không lại thì cách dễ nhất là chửi, về chính trị thì chụp mũ. Có ai thử đếm hiện nay ở hải ngoại có bao nhiêu nón cối. Mười năm trước đây, tôi nói đùa với bạn bè sở dĩ tạp chí Đối Thoại ngưng hoạt động là vì sau một thời gian nỗ lực đối thoại, kết quả đạt được thường là những độc thoại. Nói đùa nhưng thật sự phần đúng của nó không nhỏ, phần khác là thời giờ, tài chánh, điều hợp, v.v. Ngày nay, đối thoại giữa người Việt ở hải ngoại với nhau đã là khó huống chi là đối thoại giữa trong và ngoài. Anh nào gan cùng mình thử tổ chức công khai một buổi đối thoại như vậy ở hải ngoại xem sao? Đặc biệt thử không nhờ một cơ quan hay trường đại học Mỹ đứng ra tổ chức, không nhờ cảnh sát Mỹ gác, và… nói tiếng Việt.
Trần Vũ: Dường như tập san Đối Thoại đã đối thoại với những trí thức ly khai như Bùi Minh Quốc, Tiêu Dao Bảo Cự… như thế có gọi là đối thoại Trong-Ngoài hay không, khi chính những trí thức trên cũng đã không thể cất tiếng nói của họ trong nước?
Trương Vũ: Nếu đọc kỹ các bài viết trên Đối Thoại, bạn đọc sẽ thấy có rất nhiều bài vở với khuynh hướng chính trị hoàn toàn khác nhau. Mặt khác, nếu đã chủ trương đối thoại thì với những người không cất được tiếng nói của họ trong nước lại càng phải giúp cho những tiếng nói đó đến càng nhiều người càng tốt chứ, sao lại có vấn đề? Nên nhớ, chính nhờ những hỗ trợ như vậy mà cả thế giới, kể cả trong nước, biết đến sự hiện diện của những tiếng nói tranh đấu cho nhân quyền, tự do, dân chủ cho VN từ những nhà tranh đấu của cả trong và ngoài nước. Cũng nhờ đó mà phong trào văn nghệ phản kháng của cuối thập niên 80 được cả trong-ngoài biết đến. Ngày nay, với phương tiện truyền thông hiện đại, nỗ lực đối thoại tương đối dễ thực hiện hơn. Kết quả của nó chưa nhiều lắm, nhưng tôi tin, đối thoại vẫn là cách hay nhất để giải quyết những bài toán gần như nan giải của VN. Nó đòi hỏi sự tự tin. Trừ phi anh đi một mình vào xã hội đen, anh không nên ngần ngại gặp bất cứ ai, nói ra điều anh tin là đúng nhất, lắng nghe người khác nói, và tự mình làm phán quyết, chỉ dựa trên sự thông minh và hiểu biết của mình thôi. Dĩ nhiên, đối thoại với ai, lúc nào, ở đâu, đó là sự thẩm định và quyết định của chính anh. Và, cũng như bao việc khác trên đời này, anh phải chấp nhận trả giá cho sự sai lầm, nếu có. Đồng thời, anh có thể cao hơn, kinh nghiệm hơn, hiểu biết hơn, có thể hãnh diện về mình hơn, nghĩa là anh sẽ có được những điều mà những kẻ chỉ sống theo người khác, nói theo người khác, ‘những kẻ sợ ra đường trúng gió’ không thể nào có được. Dĩ nhiên, khi dính vào những đối thoại như vậy, nhất là những đối thoại tương đối qui mô, có những nguyên tắc phải được tôn trọng và cũng có «những tai nạn» khó tránh khỏi.
Trên đây tôi chỉ nói đến những đối thoại có suy tính, có tính ‘nghiêm túc’. Trên thực tế, vài trăm ngàn người Việt từ hải ngoại về thăm quê nhà hằng năm. Đã có biết bao nhiêu cuộc gặp gỡ, bao nhiêu câu chuyện trao đổi, nghĩa là bao nhiêu đối thoại, với bà con bạn bè cũng có, với cán bộ, viên chức cấp cao, cấp thấp cũng có. Chính những đối thoại đó đã làm thay đổi rất nhiều cái thấy, cái biết của mỗi người, trong lẫn ngoài nước về đất nước, về con người, về thế giới. Đó là những thành công lớn của đối thoại từ những người dân thường đem lại, mà những trí thức, những người làm chính trị thích bàn chuyện đối thoại nghiêm chỉnh hầu như chưa đạt được kết quả nào đáng kể.
Trần Vũ: Nếu hôm nay, được quyền kiến nghị đòi hỏi dân chủ cho đất nước, ông sẽ đòi hỏi điều gì cụ thể trước nhất?
Trương Vũ: Bỏ điều 4 hiến pháp, thiết lập các định chế dân chủ và cho đa nguyên, đa đảng. Nếu không thể thực hiện dân chủ ngày hôm nay, ít nhất chính quyền Việt Nam phải làm được điều mà trước đây nhà độc tài Pinochet của Chí Lợi đã làm. Có nghĩa là, có một lịch trình thực hiện dân chủ, tôn trọng lịch trình đó cùng những kết quả của nó.’ (Câu gạch dưới này tôi trích nguyên văn từ một bài viết trên Đối Thoại 10 năm trước và mới được đăng lại trên talawas cuối năm rồi).
Với những người tôi tin không thể bàn chuyện dân chủ, tôi chỉ nêu lên một đề nghị đơn giản: Hãy để cho sách vở hải ngoại tự do lưu hành trong nước, nhà văn và trí thức hải ngoại được xuất bản tác phẩm của mình trong nước, các tạp chí văn học trong nước được tự do và khuyến khích đăng tải bài vở từ hải ngoại cũng giống như tạp chí Hợp Lưu đã làm gần mười lăm năm nay đối với trong nước.
Đòi hỏi 2 tôi đã nêu ra với bất cứ nhân vật, nhà văn, và trí thức từ trong nước mà tôi có dịp gặp. Cho đến nay, câu trả lời luôn luôn là ‘xin ghi nhận’. Thế nhưng, tôi cũng sẽ tiếp tục nêu lên đề nghị đó, tiếp tục viết về quyền tự do phát biểu cho đến khi những chuyện đó không còn là vấn đề nửa ở cả trong lẫn ngoài. Tôi cũng muốn nhấn mạnh ở đây, ý thức về quyền tự do phát biểu ở hải ngoại vẫn đang còn là một vấn đề khá nhức nhối. Thực tế này làm cho những tiếng nói đòi hỏi quyền tự do phát biểu cho người dân trong nước yếu đi nhiều.
Trần Vũ: Đã nhiều bài viết lên tiếng báo động tình trạng phá sản văn hoá tại Việt Nam mà nguyên nhân vì nhà nước đã ‘thanh lý’ văn hoá của các giai cấp phong kiến, tư sản rồi không có gì để thay thế khi chủ nghĩa Marx-Lénine không phải là một văn hoá. Đã trở về quê nhà, đã chứng kiến tận mắt, Trương Vũ nhìn vấn đề này ra sao?
Trương Vũ: Tình trạng phá sản văn hóa nhiều người nói đến rồi, và ai cũng biết ‘phá’ rất dễ nhưng ‘xây dựng’ khó vô cùng. Tuy nhiên, khi về VN, tôi lại chứng kiến một thực tế khác, rất ấn tượng, đó là sức sống vươn lên ngùn ngụt của giới trẻ VN. Tôi nghĩ đây là sức sống tiềm ẩn từ ngàn năm của dân tộc, chẳng Quốc Gia hay Cộng Sản gì cả. Và đây là niềm hy vọng lớn nhất để đất nước vượt qua những phá sản văn hóa hay tinh thần mà mọi người đang nói đến. Không có chế độ chính trị nào tồn tại mãi và xu thế của thời đại càng không cho phép chế độ Cộng Sản tồn tại, mà trên thực tế chế độ hiện tại có còn bao nhiêu chất Cộng Sản đâu? Tuy nhiên, không phải cứ để tự nhiên rồi mọi thứ sẽ được như mình muốn. Cái đang thiếu trầm trọng là những nỗ lực tích cực cho ba lãnh vực nền tảng cho sức mạnh tinh thần của xã hội, đó là: giáo dục, tôn giáo, và văn học nghệ thuật. VN đang có khủng hoảng trong cả ba lãnh vực này. Khủng hoảng lớn nhất là ở tôn giáo. Sự đập phá lẫn nhau vô trách nhiệm nhất cũng diễn ra trong tôn giáo. Trong hoàn cảnh của VN hiện nay, tìm cái sai ở bất cứ nơi nào, con người nào đều dễ như trở bàn tay. Tìm cái toàn vẹn mới khó, gần như không bao giờ có được. Ai cũng biết vậy cho chính mình nhưng nhiều người chỉ muốn đòi hỏi sự toàn vẹn nơi người khác. Nếu không thấy được thì đập. Đến nay, gần như không có nhà sư nào, không có ông cha nào dấn thân cho xã hội mà không chịu những chửi bới hay phê bình tàn tệ, nếu không từ chính quyền thì cũng từ chính những tín đồ hay giáo dân. Ngồi yên trong chùa hay trong nhà thờ thì có thể không sao, mà ngồi yên thì làm sao hành đạo được. Tôi chỉ xin đưa ra một đề nghị nhỏ này: hãy tạm ngưng chửi bới những nhà tu hành một thời gian, hãy để tín đồ của họ đánh giá nên hay không nên theo những nhà tu hành của họ. Tín đồ không ngu đâu! Về giáo dục, chúng ta chỉ có thể góp ý kiến, không có khả năng trực tiếp thay đổi nền giáo dục tại VN. Thực tế, những nhà giáo, những nhà nghiên cứu gốc Việt đang làm việc trong hệ thống Mỹ chẳng có mấy ai muốn từ bỏ vị trí của họ ở đây để về dạy học hay nghiên cứu tại VN, không kể chính quyền VN chưa chắc đã thật tâm muốn đón nhận họ. Văn học nghệ thuật là lãnh vực mà trong hoàn cảnh khó khăn vô cùng ở hải ngoại, những đóng góp của nó khó ai có thể phủ nhận được. Nó đang có cơ bị ‘lão hóa’ như nhận xét của nhà giáo Nguyễn Văn Lục. Nó cần được hồi sinh. Văn học hải ngoại, và cả văn học trong nước, về chất lượng và tầm cỡ còn ở những vị trí rất khiêm nhường so với các nền văn học khác của nhân loại, cũng chỉ giống như vị trí kinh tế của chúng ta thôi. Thế nhưng, nó có tiềm năng để vươn mình tới trước, chỉ với điều kiện là hãy nhìn tới trước, nhìn thiên hạ, nhìn Trung Hoa chẳng hạn, để bỏ bớt chuyện ăn thua đủ với nhau như những kèn cựa thường tình giữa anh em một số gia đình nghèo đói. Trong hoàn cảnh hiện nay, người làm văn học, trong hay ngoài nước, đặc biệt là giới trẻ, đang có cơ hội và khả năng tạo một sinh khí cho xã hội VN, giúp giảm thiểu những phá sản tinh thần đang xẩy ra. Muốn vậy, rất cần có sự đam mê, học hỏi, và lòng can đảm nói thật, viết thật. Không có nền văn học có giá trị nào được xây dựng trên sự giả dối và tránh né.
Trần Vũ: Xin cám ơn Trương Vũ.
(Nguồn: Hợp Lưu 82)