Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) tố cáo trước LHQ sự kiện Việt Nam khước từ những khuyến cáo nghiêm trọng của thế giới nhân kỳ Kiểm điểm UPR
Ông Võ Văn Ái phát biểu tại LHQ ngày 4-7-2019, hàng ngồi trước, người thứ hai từ trái qua phải.
GENÈVE, ngày 4 tháng 7 năm 2019 (VCHR) – Tại khoá họp lần thứ 41 của Hội đồng Nhân quyền LHQ tại Điện Quốc Liên ở Gènève hôm nay, nhân danh hai tổ chức Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR, nói lên mối « quan ngại trước khoảng cách quá rộng giữa lời tuyên bố của Việt Nam với thực tại kinh khiếp mà người dân Việt phải chịu đựng qua mỗi ngày ». Ông Ái cho biết Việt Nam đã lợi dụng cuộcKiểm điểm LHQ Thường kỳ Toàn Thế giới (UPR) để che giấu Cộng đồng Thế giới những vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại nước mình.
Ông Ái bình luận báo cáo cuộc Kiểm điểm UPR Việt Nam lần thứ ba hồi tháng Giêng đầu năm nay cùng các khuyến cáo, mà Hội đồng Nhân quyền LHQ xem xét tại khoá họp lần thứ 41 này. Các quốc gia thành viên LHQ đã đưa ra 291 khuyến cáo. Trong số này, Việt Nam cho biết đã chấp nhận 241 khuyến cáo (gần 83%). Tuy nhiên, 50 khuyến cáo trọng đại của các quốc gia đề xuất những hành động cải thiện nhân quyền nhanh chóng và cụ thể đã bị quốc gia Cộng sản Việt Nam từ chối.
Ông Võ Văn Ái nhận xét : « Đọc kỹ những điều bất đồng và khước từ 50 khuyến cáo trong văn kiện hồi đáp LHQ của Việt Nam, cho thấy Việt Nam quyết tâm loại bỏ quyền dân sự và quyền chính trị dành cho người dân ».
Trước khoá họp, FIDH và VCHR đã cho phát hành bản Thông cáo chung phân tích chi tiết lời hồi đáp của Việt Nam nhân kỳ Kiểm điểm UPR và tố cáo Việt Nam khước từ cải tiến nhân quyền.
50 khuyến cáo bị Việt Nam khước từ bao gồm những yêu sách trả tự do cho các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền, các bloggers, các tù nhân chính trị và tôn giáo bị bắt giam vì biểu tỏ ý kiến và đức tin của họ ; yêu sách truy tố những kẻ bạo hành, hăm doạ người hoạt động bảo vệ nhân quyền ; cho phép các Báo cáo viên Đặc nhiệm LHQ đến Việt Nam kiểm tra điều kiện giam giữ tù nhân tại các trại giam ; bãi bỏ những giới hạn quyền tự do biểu đạt và ngôn luận, trực tuyến cũng như ngoài luồng ; và cho phép phát hành báo chí độc lập.
Việt Nam cũng khước từ các khuyến cáo bãi bỏ Luật An ninh Mạng, Luật Báo chí, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng nhằm bảo đảm tự do biểu đạt, ngôn luận, tự do tôn giáo tín ngưỡng ; hợp tác với giới kinh doanh và xã hội dân sự cho một kế hoạch hành động thực hiện « Những nguyên tắc Hướng dẫn của LHQ về Kinh doanh và Nhân quyền » ; chấp nhận mời Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm về Tra tấn đến Việt Nam ; khởi xướng việc đình chỉ án tử hình ; phê chuẩn Công ước 87 ILO về tự do lập hội và quyền tổ chức công đoàn.
Ông Võ Văn Ái cũng tố cáo Việt Nam khước từ những khuyến cáo của nhiều quốc gia đòi hỏi sửa đổi hoặc bãi truất các điều luật tại chương « an ninh quốc gia » trong bộ Luật Hình sự mà ông Ái xem như « nền móng cho chính sách đàn áp của chính quyền » tại Việt Nam.
Bào chữa cho việc khước từ sửa đổi Luật An ninh Mạng, Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Việt Nam nại cớ là đã « tham khảo rộng rãi » dân chúng trước khi thông qua. Trong thực tế, có hàng chục nghìn người biểu tình vào tháng 6 năm 2018 yêu cầu huỷ bỏ Luật An ninh Mạng vi phạm quyền tự do Internet. Dù vậy, Luật vẫn được thông qua, và hàng trăm người bị bắt, bị kết án. Mới tuần lễ trước đây, ngày 28 tháng 6, ông Trương Hữu Lộc bị kết án 8 năm tù giam vì tham gia cuộc biểu tình năm ngoái.
Tương tự như thế, chính quyền chẳng lưu ý gì đến sự phản đối của các Cộng đồng tôn giáo chống Luật Tôn giáo Tín ngưỡng. Từ khi Luật có hiệu lực vào tháng giêng năm 2018, những cuộc đàn áp các tôn giáo gia tăng, đặc biệt đối với các tôn giáo không được chính quyền công nhận như Giáo hội Phật giáo Việt Nam Thống nhất, một số Giáo hội Tin Lành tại gia, Hoà Hảo, Cao Đài, Phật giáo Khmer krom, v.v…
Chẳng gì ngạc nhiên khi Việt Nam bác bỏ khuyến cáo của Cộng hoà Tiệp đòi hỏi « đặt nền tảng cho đa nguyên chính trị và dân chủ » và bảo đảm cho người công dân được« hưởng toàn quyền bầu cử, ứng cử và được tham gia điều hành việc nước ». Đây là một trong bảy khuyến cáo Việt Nam bác bỏ lấy cớ « gây tranh cãi », « không chính xác », và « trái chống, không thích hợp » chiếu theo quyền tự quyết của nhân dân.
Ông Võ Văn Ái nêu lên câu hỏi : « Chính quyền hiểu gì về quyền tự quyết của nhân dân đây ? Nhà cầm quyền Hà Nội biết gì về ngưỡng vọng người dân khi khước từ không cho người dân được tự do phát biểu và tham gia việc nước ? ».
Cuối cùng, Ông Võ Văn Ái xin được hiến cúng lời ông phát biểu trước Hội đồng Nhân quyền LHQ lên Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và tất cả các Nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam.
Nhân danh Hành động Chung Cho Nhân Quyền, bà Ỷ Lan Penelope Faulkner phát biểu
Nhân danh tổ chức Hành động Chung cho Nhân quyền (Acting Together for Human Rights), bà Ỷ Lan Penelope Faulkner phát biểu: « Chúng tôi lấy làm sốc khi chính quyền Việt Nam khước từ các khuyến cáo của các quốc gia thành viên LHQ vì lý do trái chống với tinh thần của Hội đồng Nhân quyền LHQ. Tinh thần cuộc Kiểm điểm UPR là khuyến khích sự thăng tiến Quyền Con Người bằng sự hợp tác thay vì đối đầu. Thế mà Việt Nam lại tố cáo các quốc gia thành viên LHQ sử dụng các “thuật ngữ gây tranh cãi” và “sai lầm” hay “không thích hợp”, nhưng lại phúc trình sai lạc lên Hội đồng Nhân quyền LHQ. Ví dụ như từ chối sửa đổi Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, vì bảo rằng đã được quần chúng đồng tình. Điều này không đúng. Cộng đồng các tôn giáo tại Việt Nam cực lực lên án luật này, nhưng tiếng nói của họ đã bị hận chìm. Việt Nam cũng bác bỏ thời hạn sửa đổi các điều luật, lấy cớ thiếu thời gian. Cớ này chỉ là bịa. Qua ba lần Kiểm điểm UPR, các quốc gia thành viên LHQ không ngừng yêu sách Việt Nam tuân thủ các điều được Công ước quốc tế về Các quyền dân sự và chính trị bảo đảm và đưa vào bộ Luật Hình sự Việt Nam. Mười năm trôi qua, các điều luật ở chương “an ninh quốc gia” vẫn còn giữ nguyên ».
Khoá họp về Việt Nam được chia làm 3 phần đồng đều. Phần đầu Phái đoàn Hà Nội thuyết trình. Tiếp đến là các Phái đoàn quốc gia thành viên LHQ phát biểu ý kiến về cuộc Kiểm điểm UPR Việt Nam. Một số các quốc gia này “hoan nghênh” sự trình bày của Hà Nôi theo kiểu con hát mẹ khen, như Trung quốc, Cuba, Bắc Hàn, Iran, Iraq, v.v…. Không thấy quốc gia Âu Mỹ nào lên tiếng góp ý. Cuối cùng là các tổ chức Phi Chính phủ quốc tế.
Hội đồng Nhân quyền LHQ đã chọn 11 tổ chức Phi chính phủ tham gia phát biểu. Đại diện cho người Việt tự do chỉ có Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR), không kể 3 tổ chức khác mà giới hoạt động nhân quyền quốc tế gọi là GONGO (với nghĩa tổ chức Phi-chính-phủ-của-Chính-phủ) đến từ Hà Nội.
Hầu hết các tổ chức Phi chính phủ (ONG) đều lên tiếng phê phán tình trạng vi phạm nhân quyền nghiêm trọng tại Việt Nam. Khiến Thứ trưởng Ngoại giao Hà Nội, ông Lê Hoài Trung bực mình, buông lời không mấy nhã nhặn so với truyền thống hoà đồng, hợp tác trong khuôn khổ LHQ. Ông Trung than phiền :
“Chúng tôi được nghe một số bình luận [của các tổ chức Phi chính phủ] bóp méo chính sách và tình trạng nhân quyền tại Việt Nam. Khi nghe các bình luận này, tôi lấy làm buồn cho họ. Tôi lấy làm buồn là vì [những tổ chức này] không chịu học tập, họ quá thiên kiến và vô trách nhiệm.
“Về tự do tôn giáo, tôi bác bỏ tất cả những luận điệu thiên kiến, sai lầm này. Các vị [thuộc tổ chức Phi chính phủ] phải thay đổi thái độ và quan điểm. Các vị không thể nào đóng góp cho nhân quyền trong thế giới nếu cứ vô trách nhiệm và thiên kiến như vậy. Tôi cảm thấy quá buồn cho qúy vị”.
Lời phát biểu của Ông Võ Văn Ái, Chủ tịch VCHR,
trước Hội đồng Nhân quyền LHQ ngày 4 tháng 7 năm 2019
Thưa Ông Chủ tịch,
Liên Đoàn Quốc tế Nhân quyền (FIDH) và Uỷ ban Bảo vệ Quyền Làm Người Việt Nam (VCHR) vô cùng quan ngại trước khoảng cách quá rộng giữa lời tuyên bố của Việt Nam với thực tại kinh khiếp mà người dân Việt phải chịu đựng qua mỗi ngày.
Việt Nam ngày nay là hình ảnh 130 người tù vì lương thức, một phần ba nhiều hơn năm ngoái ; là đàn áp phổ cập những cuộc biểu tình ôn hoà, qua tay bọn du côn được nhà cầm quyền trả công ; là bách hại tôn giáo hằng ngày; là những sách nhiễu, bắt bớ, với những án tù nặng nề giáng xuống các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền.
Thêm nữa, là sự kiện hằng loạt điều luật bóp nghẹt tự do được thông qua, như Luật Tôn giáo Tín ngưỡng, Luật An ninh Mạng, Luật Báo chí.
Trong bối cảnh ấy, dù Việt Nam chấp nhận 241 trên 291 khuyến cáo của các quốc gia trong thế giới đưa ra tại kỳ Kiểm điểm UPR thứ ba. Nhưng với những lời bất đồng cùng sự bác bỏ 50 khuyến cáo, cho thấy Việt Nam quyết tâm loại bỏ quyền dân sự và quyền chính trị dành cho người dân.
Trước hết, Việt Nam từ khước mọi thảo luận về các điều luật « an ninh quốc gia » là nền móng cho chính sách đàn áp của chính quyền Việt Nam. Việt Nam cũng bác bỏ tất cả các khuyến cáo nhằm bảo vệ các nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền hoặc từ khước việc sửa đổi các điều luật trái chống với quyền con người.
Tiếp đấy, là che giấu sau các cớ nại ra vì « hoàn cảnh Việt Nam » để tránh áp dụng Công ước Chống tra tấn. Chính quyền Việt Nam bác bỏ những khuyến cáo chứa đựng các thuật ngữ gây « tranh cãi ». Nhưng nếu chúng ta đọc kỹ, sẽ thấy các thuật ngữ này chẳng gì khác hơn các sự việc « nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền », « các nguyên tắc Paris », « bãi truất kiểm duyệt », « truyền thông độc lập » hay « đa nguyên chính trị và dân chủ ».
Cuối cùng và ngược lại những chi được khẳng định, Việt Nam chẳng chịu hợp tác hết lòng với Báo cáo viên LHQ Đặc nhiệm Tự do biểu đạt và ngôn luận. Báo cáo viên đã phải chờ đợi từ năm 2002 một lời hồi âm về đề xuất ông muốn đến Việt Nam thăm viếng.
Lời phát biểu của chúng tôi hôm nay xin được cung hiến lên Đức Tăng Thống Thích Quảng Độ và tất cả các nhà hoạt động bảo vệ Nhân quyền tại Việt Nam.
Xin cảm tạ Ông Chủ tịch.