Seite auswählen

Chúng ta thường hiểu câu “Phu xướng phụ tùy” là người vợ luôn phải phục tùng người chồng. Từ đó, kẻ được lợi thì lấy cớ làm theo lời dạy của Thánh Hiền, người chịu thiệt thì oán trách người xưa. Vậy nguồn gốc và ý nghĩa thực sự của lời dạy là thế nào?

Nho giáo nguyên thủy bắt đầu từ Đức Khổng Tử, cho tới Mạnh Tử. Tư tưởng Khổng – Mạnh phản ánh quan điểm gốc rễ của Nho gia về con người, xã hội và tự nhiên. Mạnh Tử nói:

“Phụ tử hữu thân, quân thần hữu nghĩa, phu phụ hữu biệt, trưởng ấu hữu tự, bằng hữu hữu tín, thử nhân chi đại luân dã. Dã tựu thị ngũ luân”.

(Cha con có tình thân, vua tôi nhân ái có đạo nghĩa phép tắc, vợ chồng có sự khác biệt, huynh trưởng và trẻ nhỏ có trật tự trên dưới, bạn bè thành thật tin tưởng. Đại luân của người này, ở đây cũng chính là năm điều luân thường đạo lý).

Rõ ràng, Mạnh Tử không hề nói trong mỗi quan hệ đó ai là người có quyền quyết định, ai là kẻ dưới phải vâng lời. Trong đó, “Phu thê hữu biệt” không hề nói người chồng có quyền tuyệt đối trên người vợ.

Vậy vì sao vợ chồng lại có sự khác biệt?

Tạo hóa sinh ra đã có trời và đất, thiên địa, âm dương, nam nữ. Đây là trạng thái tự nhiên. Làm một người đàn ông, nếu muốn hợp với “Đạo”, cần phải giống như Trời. Cao vang công chính – ở địa thế trên cao, âm thanh vang rộng công bằng chính trực, tự cường bất tức – tự mình cố gắng mạnh mẽ không nghỉ.

“Phu phụ hữu biệt” đề xướng hòa hợp của tự nhiên, nam nữ nên sống hài hòa theo thiên tính của mỗi người trong hôn nhân và xã hội. Một người đàn ông phẩm cách cao thượng, người phụ nữ tự nhiên sẽ tôn trọng anh ta, thuận theo anh ta.

Trong gia đình, nam nhân chính trực cao thượng, bảo hộ thê tử; nữ nhân nhã nhặn khiêm hòa, sinh thành giáo dưỡng con trẻ, ai làm tốt phận người ấy, thì gia đình tự nhiên được hòa thuận.

Nếu như trời không mưa, đất sẽ khô hạn, vạn vật chẳng thể sinh sôi. Cũng như vậy, chồng không làm cột trụ gia đình, vợ mất đi chỗ dựa, cuộc sống gia đình lập tức phát sinh rối loạn. Hoa cỏ cây cối là không thể ly khai khỏi mặt đất, chính như em bé cũng không thể rời xa khỏi mẹ. Đạo lý ấy vi diệu khôn lường. Có thể thấy vợ chồng có nhiệm vụ trong gia đình khác nhau, mà không thể thay thế lẫn nhau.

Từ đời Hán về sau, các triều đại duy trì guồng máy cai trị do Tần Thủy Hoàng đặt ra để củng cố quyền lực của mình. Họ sử dụng thuật cai trị của Pháp gia, nhưng lại muốn lợi dụng Nho gia (vốn tuyên dương Đức trị) để biện minh cho quyền uy tuyệt đối của mình. Hán nho đã cải biên tư tưởng nguyên thủy của Nho gia.

Ngũ luân bị rút gọn thành “tam cương”: Vua-tôi, cha-con, vợ-chồng. Quan hệ hai chiều tương hỗ trong ngũ luân bị chuyển thành quan hệ một chiều áp đặt.

Khổng học dạy ‘Phu phụ hòa kính’, chồng vợ hòa thuận kính trọng nhau. Hán nho cắt thành ‘Phu xướng phụ tùy’, chồng xướng vợ theo.

Tống Nho “chồng chúa vợ tôi”

Đời Tống, với Chu Hy và Trình Di, Nho học lại càng xa rời giáo lý nguyên thủy, trở nên cực đoan một chiều.

Từ Hán nho ‘Tôi phải trung với vua’, Tống nho đổi thành ‘Quân xử thần tử, thần bất tử bất trung’, vua bảo bề tôi chết, bề tôi không chết là bất trung.

Từ Hán nho ‘làm con phải hiếu’, Tống nho đổi thành ‘Phụ xử tử vong, tử bất vong bất hiếu’, cha bảo con chết, con không chết là bất hiếu.

Từ Hán nho ‘chồng xướng vợ theo’, Tống nho đổi thành ‘chồng chúa vợ tôi’.

Không phải lúc nào “phu xướng” thì vợ cũng “tùy”

“Phu xướng phụ tùy”, “chồng chúa vợ tôi” ấy đã chệch quá xa so với lời dạy của Thánh Hiền.

Trong Luận Ngữ, tác phẩm quan trọng bậc nhất của Nho gia, Khổng Tử nói: “Phải làm sao cho mọi người làm tròn chức vụ của mình. Vua ở cho hết phận vua, tôi ở cho hết phận tôi, cha ở cho hết phận cha, con ở cho hết phận con”.

Vua Cảnh Công khen rằng: “Ngài nói phải thay! Nghĩ như vua chẳng ra vua, tôi chẳng ra tôi, cha chẳng ra cha, con chẳng ra con, ở trong tình cảnh hỗn loạn như thế, dẫu là ta có lúa thóc đầy kho, có chắc được ngồi yên mà ăn được không?”

Có thể thấy, mỗi người ở mỗi địa vị đều cần làm hết chức trách của mình, dựa trên các chuẩn mực đạo đức mà Trời quy định cho con người. Nếu như chồng “xướng” những điều bất nhân bất nghĩa, vợ có thể mù quáng “tùy” theo được không?

Suy cho cùng, “phu xướng phụ tùy” cũng có thể gợi nên cảnh tượng mỹ hảo, nếu như “phu xướng” đạo nghĩa, “phụ tùy” khiêm cung, đức hạnh. Câu chữ bề mặt vốn không quan trọng bằng nội hàm mà nó mang chở. Mong rằng, mỗi người từ nay có thể sáng suốt tìm về nội hàm văn hóa truyền thống chân chính, thánh khiết mà bậc Thánh nhân đã truyền dạy cho con người.

Xin kết lại bằng lời dạy của Khổng Tử: Năng hành ngũ giả ư thiên hạ vi nhân hỹ; viết: cung, khoan, tín, mẫn, huệ

Có thể làm năm điều trong thiên hạ thì chính là người vậy, đó là cung kính, khoan hòa, trung tín, chăm chỉ, sáng suốt.

Theo daikynguyenvn.com