Seite auswählen

HRW kêu gọi Việt Nam thả nhà hoạt động “chống Nhà nước” bằng các đăng tải Facebook

Nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng ủng hộ việc trả tự do cho blogger Trần Huỳnh Duy Thức. Anh bị công an Việt Nam bắt hôm 23/9 vì “phát tán tài liệu tuyên truyền chống phá nhà nước CHXHCN Việt Nam.” (Ảnh HRW)

Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế Human Rights Watch hôm 7/10 cho biết công an Việt Nam đã bắt giữ một nhà hoạt động dân chủ chỉ vì các bài đăng trên Facebook cá nhân và kêu gọi chính quyền Hà Nội “lập tức phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng” cũng như hủy bỏ mọi cáo buộc đối với anh.

Công an tỉnh Lâm Đồng cáo buộc anh Vượng đã “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam” theo điều 117 của Bộ Luật hình sự nước này, theo thông cáo của HRW đưa ra hôm 7/10 từ trụ sở ở New York.

“Chính quyền Việt Nam nghĩ rằng có thể dập tắt tiếng nói của Nguyễn Quốc Đức Vượng bằng cách bắt giữ anh về hành vi bày tỏ ý kiến trên Facebook,” ông John Sifton, giám đốc vận động Châu Á của HRW nói trong thông cáo. “Nhưng việc đó chỉ gây nhiều sự chú ý hơn tới các quan điểm của anh, và tới những nỗ lực đè nén nhằm kiểm duyệt thông tin trên mạng của chính quyền Việt Nam.”

Báo Công an Nhân dân hôm 27/9 trích dẫn kết quả điều tra ban đầu nói rằng nhà hoạt động 28 tuổi này đã “sử dụng mạng xã hội để làm, phát tán tài liệu, tuyên truyền xuyên tạc nhằm bôi nhọ, nói xấu chế độ, xúc phạm Chủ tịch Hồ Chí Minh, chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam.”

Dù không rõ chính xác những bài nào trên Facebook của anh Vượng làm chính quyền bất bình nhất, theo HRW, nhưng tài khoản của nhà hoạt động này thể hiện nhiều góc nhìn độc lập có thể khiến Đảng Cộng sản và chính quyền Việt Nam phật ý. Tổ chức theo dõi nhân quyền quốc tế nói rằng, tuy nhiên, không thấy tin bài nào liên quan tới kích động phạm tội, bạo lực, thù hằn hay các nội dung khác vi phạm luật hình sự, phù hợp quyền tự do ngôn luận mà Việt Nam cam kết tôn trọng khi tham gia Công ước Quốc tế về Các Quyền Dân sự và Chính trị.

Anh Vượng đã bày tỏ các quan điểm ủng hộ dân chủ ở Việt Nam và chỉ trích Đảng Cộng sản vì tham nhũng và độc quyền, theo HRW. Trong một lần phát hình trực tiếp (livestream), anh nói: “Tôi không chắc là bộ máy nhà nước này tham nhũng hết sạch, nhưng tôi khẳng định chắc chắn 100% những người tham nhũng đều là đảng viên Đảng Cộng sản, vì ở Việt Nam là độc đảng, không có đối lập để cạnh tranh.

Theo Công an Nhân dân, một tờ báo chính thống của Đảng Cộng sản, vào ngày 10-6-2018, anh Vượng đã tham gia “biểu tình, gây rối trật tự công cộng” tại TP Hồ Chí Minh. Anh Vượng bị Công an phường Tân Tạo, quận Bình Tân xử phạt vi phạm hành chính với số tiền 750.000 đồng.

Sau vụ bắt giữ nhà hoạt động này vào ngày 23/9, báo Công an Nhân dân trích nguồn tin của Công an huyện Đơn Dương của tỉnh Lâm Đồng cho biết, vào tháng 3-2017, “khi phát hiện Vượng có những hành vi vi phạm pháp luật, Công an, chính quyền địa phương và các tổ chức đoàn thể đã nhiều lần tới nhà hoặc gọi lên khuyên răn, nhắc nhở, phân tích những việc làm sai trái, vi phạm pháp luật… nhưng đối tượng này vẫn không chịu sửa chữa, tiếp tục vi phạm với mức độ chống đối ngày càng quyết liệt và cực đoan hơn.”

Trong tháng 8, Bộ trưởng Thông tin và Truyền thông Nguyễn Mạnh Hùng nói rằng Facebook đã tuân thủ khoảng “70 đến 75 phần trăm” các yêu cầu gần đây của chính quyền về ngăn chặn nội dung đăng tải, tăng hơn so với khoảng “30 phần trăm” thời gian trước. Trong số các nội dung bị Facebook gỡ bỏ, theo bộ này, có “hơn 200 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước.”

Vụ bắt giữ anh Vượng là một phần của đợt đàn áp nhắm vào các nhà phê phán chính quyền và vận động dân chủ đang tiếp diễn, theo HRW. Trong sáu tháng đầu năm 2019, chính quyền Việt Nam đã kết tội ít nhất 11 người, trong đó có hai tiểu thương – Vũ Thị Dung và Nguyễn Thị Ngọc Sương, và xử án họ nhiều năm tù vì phê phán chính quyền.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền kêu gọi Việt Nam sửa đổi các bộ luật cho phù hợp với tiêu chuẩn quốc tế về nhân quyền, vốn đòi hỏi bất kỳ hạn chế nào về tự do ngôn luận cũng phải cần thiết và cân xứng nhằm thi hành các mục đích hợp pháp, và các công ty internet cần công khai yêu cầu chính phủ Việt Nam làm như vậy.

VOA (08.10.2019)

HRW yêu cầu Việt Nam phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng

Anh Nguyễn Đức Quốc Vượng và Facebook cá nhân có tên Vượng Nguyễn Courtesy of FB Vượng Nguyễn

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền Human Rights Watch hôm 7/10/2019 ra thông cáo yêu cầu “chính quyền Việt Nam cần ngay lập tức phóng thích nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng và hủy bỏ mọi cáo buộc đối với anh.”
Ông John Sifton, Giám đốc vận động Châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền trong thông cáo cho hay:

Chính quyền Việt Nam nghĩ rằng có thể dập tắt tiếng nói của Nguyễn Quốc Đức Vượng bằng cách bắt giữ anh về hành vi bày tỏ ý kiến trên Facebook.

Nhưng việc đó chỉ gây nhiều sự chú ý hơn tới các quan điểm của anh, và tới những nỗ lực đè nén nhằm kiểm duyệt thông tin trên mạng của chính quyền Việt Nam.”

Hôm 23/9/2019, công an tỉnh Lâm Đồng bắt giữ Facebooker Vượng Nguyễn, tên thật là Nguyễn Quốc Đức Vượng, người thường dùng mạng xã hội phát trực tiếp các bài nói chuyện bày tỏ chính kiến về các vấn đề ở Việt Nam.

Báo Công An Nhân Dân hôm 27/9 cho biết, anh Vượng bị bắt giữ với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam,” theo điều 117 của bộ luật hình sự.

Theo các điều 173 và 74 của Bộ luật Tố tụng Hình sự Việt Nam, bị cáo buộc về tội danh an ninh có nghĩa là anh có thể vừa bị tạm giam, vừa không được tiếp xúc với nguồn trợ giúp pháp lý cho đến khi công an kết thúc điều tra, một tình huống có thể dẫn đến ngược đãi hoặc tra tấn.

Anh Nguyễn Quốc Doanh, anh trai của nhà hoạt động Nguyễn Quốc Đức Vượng chiều 8/10 cho hay, gia đình anh từ hôm 4/10 đã gửi đồ thăm nuôi cho anh này và biết anh hiện đang bị tạm giam tại Trại tạm giam tỉnh Lâm Đồng.

Hôm thứ Sáu tuần trước em có được bên huyện (Đơn Dương, tỉnh Lâm Đồng – PV) xuống mời, bố lên rồi làm đơn gửi lên Đà Lạt để vô Trại Mát thăm nuôi.

Nhưng chỉ được gửi đồ thôi chứ chưa được gặp mặt,” anh Doanh nói qua điện thoại.

Luật An ninh mạng gây tranh cãi của Việt Nam có hiệu lực từ ngày 1/1/2019. Kể từ đó đến nay, đã có khoảng hơn 10 nhà hoạt động bị bắt được ghi nhận trên truyền thông, trong đó có blogger Trương Duy Nhất của Đài Á Châu Tự Do.

Theo Tổ chức Theo Dõi Nhân Quyền, các trường hợp khác bị bắt giữ do đăng hoặc chia sẻ bài trên Facebook gồm có thầy giáo dạy nhạc Nguyễn Năng Tĩnh bị bắt vào tháng Năm và ông Phạm Văn Điệp, một người Nga gốc Việt lên tiếng phê phán chính quyền bị bắt hồi tháng Sáu.

RFA (08.10.2019)

Việt Nam yêu cầu Facebook định danh tài khoản người dùng

© AP PHOTO / MATT ROURKE

Bộ Thông tin và Truyền thông (Bộ TT&TT) đang đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản người dụng tại Việt Nam, áp dụng trước hết tại Hà Nội và TP.HCM. Theo đó, chỉ các tài khoản đã định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream).

Việt Nam yêu cầu Facebook, Google tuân thủ Luật An ninh mạng

Ông Nguyễn Mạnh Hùng, Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông đã báo cáo Quốc hội việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội về hoạt động chất vấn.

Ông Hùng cho biết, Thủ tướng Chính phủ đã chỉ đạo các cơ quan chuyên môn đẩy mạnh trao đổi với Facebook, Google, yêu cầu các công ty này hợp tác nhằm ngăn chặn, gỡ bỏ những thông tin sai sự thật, trái với quan điểm, chủ trương của Đảng, Nhà nước và các giải pháp điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ.

Chính phủ cũng yêu cầu Facebook, Google thiết lập đầu mối và cơ chế hợp tác dành riêng cho Việt Nam để trao đổi các vấn đề còn tồn tại, tập trung vào 3 nhóm vấn đề trọng tâm: vi phạm về nội dung (bao gồm cả trong quảng cáo), phát triển kinh tế và thuế.

Chính phủ cũng thực hiện nhiều biện pháp đấu tranh về an ninh, chính trị, kinh tế, kỹ thuật nhằm yêu cầu Facebook, Google tuân thủ nghiêm các quy định của Luật An ninh mạng như xử lý, ngăn chặn các nội dung, quảng cáo vi phạm pháp luật, cũng như mở văn phòng đại diện và lưu trữ dữ liệu cá nhân tại Việt Nam.

Bộ Thông tin và Truyền thông cho biết, tính đến nay, Google đã hợp tác ngăn chặn hơn 8192 video clip, gỡ bỏ 19 kênh có nội dung xấu độc trên mạng xã hội Youtube, gỡ 108/111 trò chơi vi phạm pháp luật Việt Nam trên Google Play.

Trong khi đó, Facebook cũng đã gỡ bỏ 249/257 tài khoản giả mạo,  2458 đường link rao bán, quảng cáo các sản phẩm dịch vụ bất hợp pháp, cũng như hơn 251 link bài viết có nội dung chống phá Đảng, Nhà nước, vi phạm pháp luật Việt Nam, gỡ bỏ 215 fanpage quảng cáo game đánh bạc.

Apple cũng gỡ bỏ 13/17 trò chơi điện tử vi phạm pháp luật Việt Nam trên AppStore.

Facebook phải định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam

Để hạn chế fake news (tin giả, tin sai sự thật) trên Facebook và Youtube, hạn chế hiện tượng giả mạo fanpage của nhiều cơ quan, tổ chức, cá nhân trên mạng xã hội, Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo các bộ, ngành liên quan xây dựng phương án chặn các dòng tiền giao dịch vi phạm pháp luật giữa người dùng Việt Nam và các nhà cung cấp dịch vụ xuyên biên giới như Google, Facebook.

Bộ Thông tin và Truyền thông đã đề nghị Facebook nhanh chóng cấp blue stick (stick xanh – dấu xác thực tài khoản) cho fanpage chính thức của các cơ quan, tổ chức, cá nhân có nguyện vọng, cũng như yêu cầu Facebook chỉ cho phép lập fanpage chính thức của một số cơ quan, tổ chức của Đảng và Nhà nước sau khi có sự đồng ý từ Bộ Thông tin và Truyền thông hoặc xác thực từ chính cơ quan, tổ chức đó.

Tuy nhiên, ông Nguyễn Mạnh Hùng cho biết, việc đấu tranh với các công ty như Facebook, Google nhằm xử lý các tài khoản, kênh, fanpage, video clip,… của các tổ chức phản động, phần tử cơ hội,… vẫn còn nhiều khó khăn, vướng mắc. Điều này có nguyên do là bởi hai công ty này đặt chính sách cộng đồng của doanh nghiệp trên các quy định của pháp luật Việt Nam khi đánh giá, xử lý nội dung.

Có nhiều trường hợp, hai nhà cung cấp dịch vụ này không chịu gỡ các bài viết, nội dung vì cho rằng chúng không vi phạm chính sách cộng đồng của doanh nghiệp.

Hiện tại, Bộ TT&TT đang đề nghị Facebook triển khai định danh tài khoản người dùng ở Việt Nam, áp dụng trước ở Hà Nội và TP.HCM.

Theo đó, Bộ yêu cầu phải có chính sách quy định, chỉ có các tài khoản đã định danh mới được phép phát sóng trực tiếp (livestream). Bên cạnh đó, Facebook cũng được yêu cầu phải có chính sách tìm kiểm và gỡ ngay các quảng cáo chính trị phát tán tin giả khi có yêu cầu từ Chính phủ Việt Nam.

Bộ TT&TT cũng đồng thời đẩy mạnh hoạt động của Trung tâm giám sát an toàn không gian mạng quốc gia. Đây là cơ quan thực hiện chức năng giám sát trung tâm, là đầu mối kỹ thuật về giám sát, hỗ trợ bảo đảm an toàn thông tin cho người dân, doanh nghiệp và các hệ thống thông tin của Đảng, Nhà nước theo quy định của pháp luật.

Trung tâm này cũng là nơi quản lý, vận hành các hệ thống số liệu, cơ sở dữ liệu về an toàn thông tin, hệ thống kỹ thuật bảo đảm an toàn thông tin mạng quốc gia, phục vụ công tác quản lý nhà nước và thực thi pháp luật về an toàn thông tin.

Việt Nam là một trong 7 quốc gia có người dùng Facebook nhiều nhất thế giới

Ngày 7.10, Android Police cho biết, Facebook vừa chính thức trở thành ứng dụng từ bên thứ ba đầu tiên (không phải ứng dụng của Google) cán mốc 5 tỷ lượt tải về trên Google Play. Điều này hoàn toàn không gây ngạc nhiên khi đây là mạng xã hội lớn nhất thế giới với hơn 2,234 tỷ người dùng thường xuyên mỗi tháng (theo dữ liệu năm 2018). Có thể còn phải rất lâu nữa mới có một ứng dụng từ bên thứ 3 khác đạt tới cột mốc này.

Thống kê của Hootsuite và We Are Social cho biết, tính đến tháng 4 năm 2018, có 58 triệu người Việt Nam dùng Facebook. Việt Nam lọt top 7 quốc gia có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới. Chỉ tính riêng tại TP.HCM, đã có đến 14 triệu người dùng, đứng trong top 6 thành phố có lượng người dùng Facebook đông nhất thế giới.

Người sử dụng mạng xã hội này là các đối tượng trải dài từ học sinh tiểu học đến những người trên 65 tuổi. Độ tuổi trung bình và đông nhất trên Facebook là 30 tuổi.

Báo cáo của Social Media Stats cho hay, tính đến tháng 5 năm 2019, tại Việt Nam có 57,43% người dân sử dụng Facebook, và con số này vẫn tiếp tục tăng lên, bất chấp những mối lo ngại về thu thập dữ liệu người dùng, như đã từng diễn ra hồi năm 2018 với vụ scandal nổi tiếng Cambridge Analytica, buộc ông chủ mạng xã hội này phải ra điều trần trước Quốc hội Mỹ.

Sputnik (08.10.2019)

Chính quyền đặt camera trước cổng chùa để giám sát ai?

Một camera giám sát trên đường phố.

Hiện nay có thực trạng một số chùa tại Việt Nam bị an ninh gắn camera theo dõi trước cổng mặc dù không được sự cho phép của nhà chùa.

Gắn camera “lụi”
Việc gắn camera theo dõi được xem như một hình thức “răn đe”. Các trường học, trung tâm, bệnh viện, sân bay, nhiều cơ quan, đường phố… cũng đã được gắn camera, nhưng bạo hành và các hình thức nhũng nhiễu người dân vẫn không giảm.

Vậy việc gắn camera nơi chùa chiền nhằm mục đích giúp nhà chùa giữ an ninh trật tự hay vì lý do nào khác?

Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước, trụ trì chùa Phước Bửu ở Bà Rịa-Vũng Tàu, từng đến Hoa Kỳ hồi giữa năm 2019 để trình bày về tự do tôn giáo và nhân quyền nói với RFA vào tối 7/10/2019 về việc ngôi chùa nơi ông trụ trì mấy tháng qua bị cơ quan chức năng gắn camera mà không hề hỏi ý kiến của ông:

“Trước khi tôi qua Hoa Kỳ thì họ đã cho đặt camera để giám sát người vô ra tại chùa Phước Bửu. Không chỉ chùa Phước Bửu mà từ hơn một năm nay họ đặt rất nhiều camera ở huyện Xuyên Mộc cũng như ở tỉnh Bà Rịa Vũng Tàu. Theo suy nghĩ của tôi thì đây là biểu hiện cho một đất nước mà đạo đức suy đồi, trộm cướp hoành hành.

Chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh. Những người tới chùa là họ hướng tới việc thiện. Chùa Phước Bửu là chùa an ninh, ít xảy ra mất mát nên việc đặt camera như vậy tại một cơ sở tôn giáo, tâm linh thì tôi thấy nó sai rồi.”
Chùa là nơi tôn nghiêm thanh tịnh. Những người tới chùa là họ hướng tới việc thiện. Chùa Phước Bửu là chùa an ninh, ít xảy ra mất mát nên việc đặt camera như vậy tại một cơ sở tôn giáo, tâm linh thì tôi thấy nó sai rồi. – TT. Thích Vĩnh Phước
Điều 38 Bộ Luật Dân sự 2015 ghi rõ: Đời sống riêng tư, bí mật cá nhân, bí mật gia đình là bất khả xâm phạm và được pháp luật bảo vệ. Việc thu thập, lưu giữ, sử dụng, công khai thông tin liên quan đến đời sống riêng tư, bí mật cá nhân phải được người đó đồng ý; trừ trường hợp luật có quy định khác.

Như vậy, theo pháp luật, nhà chùa có quyền yêu cầu cơ quan chức năng can thiệp, buộc chấm dứt việc làm trên hoặc có thể khởi kiện nếu cảm thấy hành vi đó ảnh hưởng đến quyền riêng tư.

Luật sư Hà Huy Sơn cho RFA biết ý kiến của ông xung quanh vấn đề này:

“Nếu có chuyện đặt như vậy là trái pháp luật bởi vì chùa là nơi ở của các nhà sư, của những người tu hành. Họ cũng có quyền như công dân. Chuyện đặt camera tại nơi ở của công dân mà không được phép của họ là vi phạm pháp luật.
Theo luật khiếu nại thì cơ quan nào đặt camera trái phép thì cơ quan đó phải giải quyết. Nếu giải quyết không thỏa đáng thì có thể kiện hành vi hành chính này ra tòa án.”

Thượng Tọa Thích Vĩnh Phước cho biết camera được gắn chĩa thẳng vào chùa, nhưng nếu có nói cũng chẳng ai giải quyết. Thầy đưa ra một ví dụ về cái cổng chùa Phật tổ do chùa xây, có xin phép chính quyền địa phương hẳn hoi trước khi xây dựng. Và, cái cổng đã tồn tại 26 năm, nhưng rồi chính quyền cũng ủi sập để thay vào đó bằng tấm bảng “Văn hóa ấp Thạnh Sơn”. Thầy đã đặt vấn đề này nhiều lần, từ năm 2014 đến giờ nhưng mọi việc không hề được lãnh đạo địa phương giải quyết.

Camera & an ninh để giám sát
Không chỉ chùa Phước Bửu, một ngôi chùa khác ở quận Bình Thạnh là chùa Giác Hoa cũng chịu chung số phận bị giám sát từ chính quyền bằng camera, dù họ chẳng hề yêu cầu. Việc gắn camera cũng chẳng có ai hỏi ý kiến của đại diện nhà chùa. Hòa Thượng Thích Không Tánh cho biết chính quyền đặt camera ngay trước cổng chùa, ai ra vô là họ kiểm soát hết. Hòa thượng đã gửi nhiều bản tường trình đến cơ quan chức năng nhưng chẳng ai trả lời. Những ngày chùa có lễ, an ninh đến canh gác ngày đêm. Thầy nói thêm:

“Tôi hỏi thì họ nói họ chỉ đi theo giám sát vì họ có bổn phận phải giám sát mình. Lắp camera là để theo dõi nên nhiều anh em dân chủ và bạn bè muốn đến thì cũng ngại hoặc không dám đến.”

Thượng toạ Thích Thiên Thuận trụ trì chùa Thiên Quang cũng lên tiếng với RFA rằng, chính quyền cho hay camera được lắp ngay trước con đường dẫn vào chùa với lý do an ninh. Chùa Thiên Quang được thành lập từ năm 2000 nhưng gần đây họ mới gắn camera giám sát. Do đó, Thượng tọa Thích Thiên Thuận cho rằng camera được lắp đặt không phải cho an ninh khu phố, mà chỉ để giám sát chùa, bởi con đường này chỉ dẫn vào ngôi chùa mà thôi.

Thượng toạ Thích Thiên Thuận xác nhận việc lắp đặt camera, chùa không hề biết và không được thông báo:

“Họ làm cái gì có bao giờ họ hỏi dân đâu. Họ làm theo việc của họ thôi. Vấn đề an ninh thì mình không biết, nhưng thực chất theo thầy thì họ giám sát chùa Thiên Quang nhiều hơn. Họ giám sát sinh hoạt tôn giáo ở chùa. Từ năm 2000 đến nay thì lúc nào cũng gặp khó khăn vì chùa Thiên Quang không sinh hoạt theo Giáo hội Phật giáo Việt Nam, nên họ quản lý rất khó chịu, ngột ngạt.”

Họ làm cái gì có bao giờ họ hỏi dân đâu. Họ làm theo việc của họ thôi. Vấn đề an ninh thì mình không biết, nhưng thực chất theo thầy thì họ giám sát chùa Thiên Quang nhiều hơn. – TT. Thích Thiên Thuận

Việt Nam từng nhiều lần bị đề nghị đưa vào danh sách CPC (Countries of Particular Concern) – Các quốc gia cần quan tâm đặc biệt. Lần gần đây nhất là hôm 11/7/2019. Tại hội trường Quốc hội Hoa Kỳ diễn ra buổi họp khoáng đại vận động cho nhân quyền và tự do tôn giáo tại VN lần thứ 9 do BPSOS tổ chức, bà Gayle Manchin, Phó Chủ tịch Ủy hội Hoa Kỳ về Tự Do tôn giáo Quốc tế đã đề nghị đưa Việt Nam trở lại danh sách này.

Các quốc gia bị chỉ định như vậy sẽ bị Hoa Kỳ đưa ra các biện pháp chế tài, bao gồm biện pháp trừng phạt kinh tế.

Theo một chỉ định bởi Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ thì đây là những quốc gia có vi phạm đặc biệt nghiêm trọng về tự do tôn giáo theo Đạo Luật Tự Do Tôn Giáo Quốc tế (IRFA) năm 1998 (HR 2431) và sửa đổi năm 1999 (Public Law 106-55).

Những nước “đặc biệt vi phạm nghiêm trọng về tự do tôn giáo” có nghĩa là có hệ thống, liên tục, vi phạm trắng trợn quyền tự do tôn giáo, bao gồm các vi phạm như: tra tấn hoặc đối xử tàn ác, vô nhân đạo hay đối xử hạ đẳng hay trừng phạt; kéo dài thời gian bị giam giữ mà không cần khởi tố; gây ra sự mất tích bằng cách bắt cóc hoặc giam giữ những người này một cách bí mật; hoặc phủ nhận trắng trợn quyền sống, tự do, hoặc sự an toàn của người dân.

Năm 2006, Việt Nam được Bộ Ngoại Giao Mỹ rút khỏi danh sách CPC – Các nước cần quan tâm đặc biệt vì không có tự do tôn giáo. Từ 2006 trở đi, các tổ chức bảo vệ nhân quyền và bảo vệ tự do tín ngưỡng trên thế giới như Human Rights Watch, Amnesty International và USCIRF’s thường lên tiếng cảnh báo về những hành động đàn áp gia tăng của Hà Nội đối với các tổ chức tôn giáo lớn nhỏ trong nước.

RFA (07.10.2019)

Tu sĩ phật giáo Hòa Hảo bị hành hung khi ngăn cản việc phá chùa

6 tu sĩ phật giáo Hòa Hảo vừa bị những người mặc thường phục hành hung vào ngày 7/10 khi đang trên đường đến Quang Minh Tự tức chùa Thầy ở huyện Chợ Mới, tỉnh An Giang, để ngăn cản việc chính quyền địa phương phá chùa.

Vào tối ngày 7/10, tu sĩ Võ Văn Thanh Liêm – trụ trì chùa Quang Minh Tự, một trong 6 người bị đánh nói với Đài Á Châu Tự Do:

Hôm nay họ dỡ chùa, nhưng chùa vẫn còn mới. Ngày hôm qua họ gác ngoài cửa, hôm nay cũng gác. Khi chúng tôi lên đến phà Thuận Giang thì có 40 đến 50 người chặn lại, đánh ông Tô Văn Mạnh, ông Lê Thanh Thực, Nguyễn Thị Mỹ Triều, và cháu tôi là Võ  Thị Thu  Ba bị nó đập điện thoại. Tôi thấy vậy thì nó tính đánh tôi nữa mà tôi chế xăng dầu lên mình tôi tử thủ, tôi cắt cổ tôi, rồi nó đuổi về. Nó dùng cây dài thước mấy đánh người đến nát cái cây

Ông Liêm cho biết, vụ hành hung đã khiến 4 người bị thương, trong đó ông bị thương ở cổ khi tìm cách cắt cổ và châm xăng dọa tự thiêu để đòi bảo vệ chùa.

Ông Võ Văn Thanh Liêm cho biết chùa Quang Minh Tự là di tích chùa cổ đã có hơn 100 năm và đã được sửa sang lại cách đây khoảng 80 năm. Ông nói chùa vẫn còn sử dụng tốt nhưng Giáo hội Phật giáo Hòa Hảo được nhà nước công nhận vẫn muốn phá chùa này với lý do chùa cũ cần xây mới. Các tu sĩ Phật giáo Hòa Hảo tại chùa Quang Minh Tự không thuộc giáo hội do nhà nước công nhận phản đối việc phá chùa cũ vì cho rằng đây là di tích cổ linh thiêng của Phật giáo Hòa Hảo cần được giữ và chỉ sửa khi bị hỏng.

Đây không phải là lần đầu tiên, chùa Quang Minh Tự bị phá cho mục đích xây mới. Theo ông Liêm, cách đây khoảng 1 tháng, chính quyền địa phương cũng đã tìm cách đến phá chùa nhưng các tu sĩ đã đến kịp để ngăn cản việc này.

Vào ngày 7/10, do không kịp ngăn cản, một số ngói cổ của chùa đã bị dỡ đi và lợp ngói mới, theo lời ông Liêm.

Những năm qua, chùa Quang Minh Tự thường xuyên gặp những cản trở từ chính quyền địa phương khi tổ chức các lễ kỷ niệm trong Phật giáo Hòa Hảo.

Bản thân ông Võ Văn Thanh Liêm (79 tuổi) là người đã từng bị giam cầm hơn 6 năm tù và bị 3 năm quản chế với cáo trạng “chống người thi hành công vụ” vì lên tiếng đòi tự do tôn giáo.

RFA (07.10.2019)