29-11-2018
Chính quyền Việt Nam phủ nhận việc công an mặc thường phục đánh đập những người bảo vệ nhân quyền, các nhà hoạt động nhân quyền, các blogger và nhà báo. Chính quyền cho biết các nhân viên phụ trách an ninh và trật tự công cộng luôn mặc đồng phục khi làm nhiệm vụ, và luật nghiêm trị bất kỳ hành động quấy rối, đe dọa hay vi phạm đến các quyền tự do của công dân
Bên cạnh đó chính quyền cũng phủ nhận việc ngăn cấm xuất cảnh đối với những người hoạt động nhân quyền, và khẳng định việc “quản thúc tại gia” đối với họ là không hề tồn tại ở Việt Nam.
Đó là nội dung trả lời bổ sung trong báo cáo quốc gia của Việt Nam được gửi tới Ủy ban Nhân quyền Liên Hợp Quốc hôm 27/11/2018, để chuẩn bị cho phiên điều trần đánh giá việc thực hiện Công ước Quốc tế về các quyền Dân sự và Chính trị (CCPR) của Việt Nam, dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 3/2019 tại trụ sở chính của Liên Hợp Quốc ở NewYork.
Qua đoạn báo cáo liên quan đến tình trạng về người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam, dù phía Việt Nam phủ nhận sự đàn áp đối với họ, nhưng việc đưa thuật ngữ những người bảo vệ nhân quyền và các nhà hoạt động nhân quyền vào trong “dấu nháy” ( “…“), đã thể hiện cho một cái nhìn đầy định kiến và một thái độ có phần khinh miệt của giới chức Việt Nam đối với những người đang làm công việc bảo vệ và thúc đẩy cho nhân quyền.
Những người bảo vệ nhân quyền ( Human rights Defenders) hay Nhà hoạt động nhân quyền (Human rights activists) là một thuật ngữ được sử dụng chính thức trong nhiều văn kiện của luật nhân quyền quốc tế. Điều đó cho thấy sự ghi nhận to lớn của luật quốc tế đối với những người đang dấn thân làm công việc bảo vệ và thúc đẩy cho nhân quyền. Tuy vậy trong mắt giới chức chính quyền Việt Nam, những người này lại trở thành “thế lực thù địch” hay “thành phần phản động” cần phải xử trị.
Viết văn bản pháp lý gửi cho các chuyên gia nhân quyền Liên Hợp Quốc mà vẫn không chịu từ bỏ lối viết đầy sự định kiến và thù địch như báo Nhân Dân.
Ảnh: Đoạn báo cáo giải trình của chính quyền VN về tình trạng Người bảo vệ nhân quyền tại Việt Nam bị đàn áp cho Ủy ban Nhân quyền LHQ.
—-
Thông tin thêm:
Đây là lần thứ ba Việt Nam thực hiện nghĩa vụ báo cáo định kỳ Công ước CCPR kể từ khi gia nhập Công ước này vào năm 1982. Lần báo cáo đầu tiên của Việt Nam diễn ra vào năm 1990, lần thứ hai vào năm 2002- nhưng lần này không đạt yêu cầu bị Ủy ban yêu cầu báo cáo lại vào năm 2004. Nhưng phía Việt Nam cứ “chây lỳ” trước yêu cầu báo cáo của Ủy ban Nhân quyền LHQ. Mãi cho đến nay mới thực hiện việc báo cáo bổ sung cho lần trước và kết hợp với báo cáo định kỳ lần ba. Trễ hạn nghĩa vụ báo cáo việc thực thi Công ước nhân quyền quan trọng bật nhất gần 18 năm.
Toàn bộ tài liệu phục vụ cho phiên điều trần sắp tới của Việt Nam trước Uỷ ban Nhân quyền có tại:
CCPR – International Covenant on Civil and Political Rights 125 Session (04 Mar 2019 – 29 Mar 2019)