Seite auswählen

  I/ Các làn sóng dân chủ trong lịch sử và sự thăng trầm của dân chủ

     1/ Các làn sóng dân chủ trong lich sử

          Làn sóng dân chủ là khái niệm về sự lan truyền của phong trào dân chủ hóa từ nơi này đến nơi khác. Trong lịch sử nhân loại, đã có ba làn sóng dân chủ được biết đến. Làn sóng dân chủ đầu tiên diễn ra cuối thế kỷ XVIII đầu thế kỷ XIX ở châu Âu và châu Mỹ. Theo nhà nghiên cứu Huntington thì làn sóng này kéo dài 100 năm (từ 1828 -1926) đưa tới việc ra đời của 33 nhà nước dân chủ. Làn sóng dân chủ hóa đầu tiên gắn liền với các cuộc cách mạng  ở Anh, Mỹ và Pháp sau đó lan sang các nước như Thụy Sỹ, Thụy Điển, Phần Lan, Úc, Canada, và một số quốc gia Mỹ Latin như Argentina, Brazil, Uruguay.  

          Làn sóng dân chủ thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian từ 1943-1962 với các nền dân chủ tăng lên từ 11 đến 52 quốc gia. Làn sóng dân chủ thứ hai gắn liền với việc kết thúc Chiến tranh Thế giới thứ II, với sự thất bại của Phát xít Đức, Ý và Nhật, các nước Đồng minh đã thúc đẩy thể chế dân chủ ở các nước mà nó chiếm đóng như Tây Đức, Ý, Áo, Nhật, và Hàn Quốc. Nền dân chủ cũng được tái lập hoặc ra đời ở nhiều nước Mỹ latin như Argentina, Uruguay, Colombia, Peru, và Venezuela. Bên cạnh đó, sau chiến tranh, chủ nghĩa thực dân cũng sụp đổ (chủ yếu Châu Á), dẫn đến một loạt quốc gia mới ra đời và nhiều trong số đó đã áp dụng thể chế dân chủ như Ấn Độ, Philippines, Sri lanka.

     Làn sóng dân chủ thứ ba diễn ra trong khoảng thời gian 1974 – 2005. Trong giai đoạn này, số lượng các quốc gia dân chủ tăng từ 30 lên 121. Làn sóng dân chủ này bắt đầu với cuộc đảo chính quân sự lật đổ chế độ độc tài của Marcello Caetano tại Bồ Đào Nha năm 1974. Sau Bồ Đào Nha, chế độ dân chủ lần lượt được thiết lập lại tại các quốc gia Nam Âu khác như Hi lạp (1974) sau sự sụp đổ của chính quyền quân sự, và Tây Ban Nha (1977) sau cái chết của nhà độc tài Franco. Sau đó làn sóng dân chủ hóa lan rộng sang các quốc gia ở Mỹ Latin, Châu Á, và Đông Âu. Tại Mỹ latin, một loạt quốc gia chịu chế độ độc tài quân sự trong làn sóng đảo ngược thứ hai đã quay trở lại với chế độ dân chủ như Peru(1979), Bolivia (1982), Argentina (1983), Uruguay (1984). Tại Châu Á, năm 1986, người dân đã nổi dậy lật đổ chế độ độc tài của Marcos; trong khi đó phong trào dân chủ mạnh mẽ của người dân Hàn Quốc những năm 1980 đã buộc chính quyền quân sự cải cách và chấp nhận chuyển sang chế độ dân chủ vào năm 1987; điều tương tự với Đài Loan. Đỉnh điểm của làn sóng dân chủ hóa thứ ba là sự sụp đổ của Liên Xô và các quốc gia cộng sản Đông Âu, các quốc gia này sau đó áp dụng thể chế dân chủ.

     Tuy nhiên, các nghiên cứu cũng chỉ ra rằng, các nền dân chủ được xây dựng lên trong lịch sử cũng chứa đựng nhiều yếu tố mong manh, và đã có nhiều nền dân chủ không đứng vững trước các biến cố thời cuộc, đã quay trở lại thiết chế chuyên chế chỉ sau một thời gian. Ngay sau các làn sóng dân chủ, là các đợt thoái trào hay còn gọi là các làn sóng đảo ngược đã từng diễn ra.

     2/ Sự thăng trầm của dân chủ

     Làn sóng dân chủ hóa thứ nhất được theo sau bởi một làn sóng đảo ngược kéo dài trong khoảng thời gian 1922 – 1942. Trong làn sóng đảo ngược này, số lượng các quốc gia dân chủ tụt giảm từ 33 trước đó xuống còn 11. Làn sóng đảo ngược này bắt đầu vào năm 1922, với việc Mussolini lên nắm quyền ở Ý, xóa bỏ chế độ dân chủ và thiết lập chế độ Phát xít. Do tác động của Đại suy thoái (1929  – 1933), cũng như sự nổi lên của các khuynh hướng Phát xít, Cộng sản và quân phiệt, một loạt các nền dân chủ bị sụp đổ.

          Làn sóng đảo ngược thứ hai diễn ra trong khoảng thời gian 1958 – 1975. Trong khoảng thời gian này, số lượng các quốc gia dân chủ giảm từ 52 xuống còn 30. Do những xung đột về lợi ích kinh tế, một loạt cuộc đảo chính quân sự đã nổ ra ở Mỹ Latin như Peru (1962), Brazil, Bolivia (1964), Argentina (1966), Ecuador (1972). Vào năm 1960, 9 trong số 10 nước Mỹ latin là dân chủ, song đến năm 1973, chỉ còn lại hai quốc gia là Venezuela và Colombia. Tại Châu Á, các chế độ dân chủ non trẻ tại các quốc gia mới giành được độc lập cũng nhanh chóng được thay thế bởi các chế độ độc tài quân sự như Pakistan (1958) với cuộc đảo chính của tướng Ayub Khan, Hàn Quốc (1961) với cuộc đảo chính của tướng Park Chung Hee, Indonesia (1965) với sự lên nắm quyền của tướng Suharto, Philippines (1972) với việc thiết quân luật của tổng thống Marcos. Trong khi đó, trong những năm 1960 tại Châu Phi, một loạt các quốc gia giành được độc lập, một số nước áp dụng dân chủ như Jamaica (1962), Malta (1962), Mauritius (1968). Tuy nhiên, đa số trong số đó, 33 nước, đã áp dụng các chế độ chuyên chế, khiến cho đây là giai đoạn gia tăng nhiều nhất số lượng các chế độ chuyên chế trong lịch sử nhân loại.

     Theo ông Larry Diamond, học giả đương đại hàng đầu về nghiên cứu dân chủ, dù trải qua cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ nhất 2008 từ thời kỳ Đại suy thoái (1929-1933), thế giới vẫn chưa phải chứng kiến một làn sóng đảo ngược thứ ba. Mặc dù có một số lượng các quốc gia quay trở lại độc tài, chuyên chế nhưng cũng đã có một số quốc gia thoát khỏi độc tài và sự chênh lệch, hao hụt về số lượng các quốc gia dân chủ chưa trở thành trào lưu. Đây là giai đoạn mà sự giằng co tương đối quyết liệt giữa xu hướng dân chủ và độc tài, nhưng số lượng các quốc gia dân chủ đã chiếm tỷ lệ áp đảo…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 24/12/2019

N.V.B

 

   3/ Những câu hỏi được đặt ra

     Câu hỏi đầu tiên được đặt ra là, tại sao có làn sóng đảo ngược sau các làn sóng dân chủ thứ nhất và thứ hai. Sau làn sóng dân chủ thứ ba, tuy không tạo thành làn sóng đảo ngược những cũng đã có không ít các quốc gia dân chủ quay trở lại chế độ độc tài. Theo cách giải thích thông thường của các nhà nghiên cứu về dân chủ trên thế giới hiện nay thì dân chủ là một thể chế phức tạp, và để đạt được dân chủ thì các quốc gia cần có rất nhiều yếu tố từ kinh tế, văn hóa, chính trị. Tuy nhiên, không ai nói được, khẳng định được đó chính xác là những yếu tố nào, và định lượng ra sao?

     Nhìn vào Bảng xếp hạng Chỉ số dân chủ năm 2018 của tạp chí Economist ở Anh, xếp hạng theo 5 tiêu chí: Việc tiến hành bầu cử công bằng và tự do; Các quyền tự do của công dân; Sự hoạt động của chính quyền; Việc tham gia chính trị; Văn hóa chính trị thì trong 167 quốc gia được đánh giá, có 20 nước đạt tiêu chuẩn dân chủ đầy đủ, 55 nước thuộc về dân chủ khiếm khuyết, 39 quốc gia thuộc thể chế hỗn hợp và cuối cùng là 63 quốc gia chuyên chế. Nếu chỉ lấy 114 quốc gia không phải là chuyên chế, thì tại sao cũng chỉ có 20 quốc gia được xếp vào nhóm dân chủ đầy đủ, tức là chưa đầy 1/5 số quốc gia có chỉ số dân chủ đạt mức dân chủ đầy đủ?

    Với việc hình thành và phát triển dân chủ đã vài trăm năm từ những quốc gia đầu tiên có dân chủ, sau này đã có hàng chục quốc gia dân chủ cũng đã phát triển hàng chục năm, ở các lục địa và các quốc gia có những điều kiện địa lý, văn hóa, kinh tế, chính trị khác nhau tại sao rất nhiều quốc gia (hơn 4/5) vẫn không đạt mức dân chủ đầy đủ, hay nói theo cách khác, người dân chưa được hoàn toàn tự do? đã đến lúc chúng ta nên đặt ra một câu hỏi nghiêm túc: Thể chế dân chủ hiện nay trên thế giới có thực sự bảo đảm tự do của con người hay không? Nó có khiếm khuyết gì mà hàng chục năm và hàng trăm năm thực thi (Mỹ được xếp vào nhóm dân chủ khiếm khuyết – chỉ số dân chủ 2018) vẫn chưa bảo đảm tự do hoàn toàn của con người?              

       II/ Sự xuất hiện của Làn sóng dân chủ cuối cùng

     Làn sóng dân chủ cuối cùng có thể được xem như khởi đầu từ “Mùa xuân Ả Rập”, bắt đầu từ năm 2010. Làn sóng cách mạng với các cuộc nổi dậy, diễu hành và biểu tình phản đối chưa có tiền lệ tại các quốc gia ở Ả Rập: Tunisia, Algerie, Ai Cập, Yemen và Jordan, Mauritanie,  Oman, Sudan, Syria, Iraq, Libya, Ả Rập Xê Út và Maroc. Các cuộc biểu tình phản đối có chung một cách sử dụng rộng rãi kỹ thuật chống đối dân sự trong các chiến dịch bao gồm đình công, biểu tình và các cách thức khác. Ba chính phủ bị lật đổ ở Tuynisia, Ai Cập và Libya trong năm 2011.      

     Tiếp nối mùa xuân Ả Rập, cuộc cách mạng hoa Nhài là những phong trào đấu tranh dân chủ lan rộng trên toàn thế giới. Ở châu Mỹ là Venezuela, châu Phi có Zibabwe, châu Á có Hồng Công, Việt Nam, Iran… tuy mỗi nước có những sắc thái và đặc điểm khác nhau, nhưng đều phản ánh khát vọng tự do trong thời đại hội nhập quốc tế.

     Chúng ta cần có sự nhận diện về nguồn gốc, bản chất và xu hướng của làn sóng dân chủ. Sau đó phân tích bối cảnh toàn cầu để chỉ ra được, tại sao làn sóng dân chủ lần này lại là làn sóng tự do, hay là làn sóng dân chủ cuối cùng của nhân loại. Có thể thấy rằng, có những yếu tố nội tại của khát vọng tự do chung của con người, có những ảnh hưởng tích cực từ xu thế toàn cầu hóa, và cũng có những tác động từ những biến cố lớn của thế giới dẫn tới sự ra đời và phát triển của các làn sóng dân chủ. Tựu trung lại, nguồn gốc, bản chất và xu hướng của làn sóng dân chủ bao gồm những yếu tố sau đây.

      – Như cầu tự do luôn tiềm ẩn trong bất cứ cá nhân, cộng đồng dân cư và nhân dân ở tất cả các quốc gia. Nhưng chưa có nhận thức về các quyền con người, về liên đới xã hội thì nhu cầu đó chưa được phát hiện và nuôi dưỡng. Khi có điều kiện tiếp xúc với các kiến thức về quyền con người, về tự do và liên đới xã hội thì con người ý thức được các quyền con người và thân phận hiện tại của họ. Đó chính là khởi nguồn, cơ sở cho những đòi hỏi và đấu tranh của họ. Chính vì vậy, cơ sở đầu tiên, quan trọng nhất, nhận thức của người dân được thay đổi, nâng cao. Sự xuất hiện của Internet, mạng xã hội chính là cơ sở thay đổi nhận thức của người dân trên toàn thế giới, nhất là những quốc gia chuyên chế.

    – Toàn cầu hóa về kinh tế, hay sự liên kết, đầu tư, hợp tác làm ăn giữa các quốc gia cũng là một yếu tố cơ bản đưa tới những đòi hỏi tự do, hay các làn sóng dân chủ. Sự giao lưu về kinh tế, mở rộng thị trường và phát triển kinh tế thị trường của các quốc gia đã tác động tới các quốc gia chuyên chế theo hai hướng chính. Đó là những đòi hỏi (những tiêu chuẩn) trong việc tham gia vào hệ thống thương mại quốc tế, như tiêu chuẩn về thông tin, về lao động, về công đoàn… là một yếu tố góp phần phá vỡ những cấu trúc chuyên chế. Mặt khác, hội nhập về kinh tế đưa tới hai kết quả trái ngược nhau nhưng có cùng hệ lụy. Nếu kinh tế phát triển, một tầng lớp trung lưu ra đời sẽ đòi hỏi những quyền con người như một xu thế tất yếu. Nếu nền kinh tế không phát triển, chính phủ tham nhũng sẽ nhanh chóng đưa người dân vào cùng khổ, và cũng sẽ dẫn tới việc đấu tranh đòi hỏi các quyền lợi cụ thể. Ranh giới giữa việc đòi hỏi quyền lợi cụ thể và các quyền con người sẽ nhanh chóng bị xóa nhòa do nhận thức của người dân và sự xuất hiện của những nhà cách mạng, hoặc chính trị.

     – Những biến động lớn của thời cuộc, của quốc tế thường đưa tới những thay đổi hàng loạt các chế độ theo hai hướng, dân chủ và đảo ngược dân chủ (dân chủ trở thành chuyên chế). Chúng ta đã biết trong lịch sử có hai biến cố lớn, kết thúc chiến tranh thế giới thứ hai và sự sụp đổ của chủ nghĩa cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, đều đã đưa tới một loạt các quốc gia dân chủ. Kết thúc chiến tranh thế giới thứ II, cũng có một số quốc gia rơi vào vòng chuyên chế của chủ nghĩa cộng sản. Các cuộc khủng hoảng kinh tế lớn trong lịch sử cũng có tác động tương tự, cuộc khủng hoảng, Đại suy thoái 1929-1933 đã làm đảo ngược các nền dân chủ, một số quốc gia có nền dân chủ đã sụp đổ…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 25/12/2019

N.V.B

     Xem xét bối cảnh toàn cầu hiện nay, chúng ta nhận thấy có những yếu tố (và khuynh hướng) đưa tới hi vọng làn sóng dân chủ lần này sẽ là làn sóng dân chủ cuối cùng trong lịch sử.

     + Trước hết, sự bùng nổ mạng Internet toàn cầu, các mạng xã hội trong gần chục năm trở lại đây đã làm bùng nổ về nhận thức của người dân ở các nước độc tài, chuyên chế. Tức là sự khơi thông nhận thức về quyền con người, về tự do đã đạt tới đỉnh điểm. Ban đầu, sự xuất hiện của Internet cũng mới chỉ phá vỡ những bức tường bưng bít sự thật trong các chế độ chuyên chế. Nhưng khi xuất hiện các mạng xã hội, cũng như sự xuất hiện điện thoại thông minh, và sau đó là điện thoại thông minh giá rẻ mới làm bùng nổ nhận thức của người dân trên toàn cầu, khi mà phần lớn người dân có thể sở hữu được một chiếc điện thoại giá rẻ. Không chỉ làm thay đổi nhận thức của số lớn người dân, mạng Internet cũng như mạng xã hội đã cung cấp cho người dân các phương pháp đấu tranh (từ kinh nghiệm của các cuộc cách mạng dân chủ), và phương tiện kết hợp hiệu quả. Những điều mà các cuộc cách mạng dân chủ, làn sóng dân chủ trước đó chưa từng biết đến.

     + Các liên minh độc tài, chuyên chế đang dần bị phá vỡ. Trong xu thế hội nhập và toàn cầu hóa, một trong các nguyên nhân dẫn tới cản trở làn sóng dân chủ, cũng như hạn chế kết quả các cuộc đấu tranh của người dân ở các chế độ độc tài là sự liên kết, liên minh của các chế độ độc tài, chuyên chế. Sau sự sụp đổ của các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu, các liên minh chuyên chế không còn trực tiếp và gắn kết như trước đó. Nhưng về mặt tinh thần, cũng như các mối liên hệ bí mật, các chế độ chuyên chế có sự kết nối, liên minh với nhau. Đỉnh điểm của xu thế này, là nước Trung Quốc với một chiến lược cụ thể nhằm lũng đoạn và thống trị thế giới. Đó chính là chiến lược Một vành đai, Một con đường (Nhất Đới, Nhất Lộ). Tuy nhiên, với tiềm lực chưa thực sự lớn và vững chắc, đi lên bằng những thủ đoạn gian trá và bất minh, việc duy trì hệ thống toàn trị trong nước cũng đã vượt quá khả năng của mình, Trung Quốc lại dùng nguồn lực để lũng đoạn và mua chuộc các quốc gia ở khắp các châu lục. Với sự xuất hiện của tổng thống D.Trump, người sử dụng vị thế và sức mạnh của Hoa Kỳ trong thương mại và kinh tế để ngăn chặn cách thức làm ăn gian trá và phi pháp của Trung Quốc, đồng thời cắt đứt các mối liên hệ ma mãnh và thâm độc của Trung Cộng, đẩy nền kinh tế Trung Cộng vào vực thẳm của khủng hoảng. Toàn bộ quá trình này đang diễn ra và nhiều người dự đoán sẽ dẫn tới sự sụp đổ của chế độ chuyên chế lớn nhất và bao trùm, ảnh hưởng nhất hiện nay. Với xu thế này, khi Trung Cộng sụp đổ, thế giới hầu như chỉ còn các quốc gia chuyên chế đơn lẻ, một cơ hội lớn cho làn sóng dân chủ trên toàn cầu.     

     + Yếu tố cuối cùng, liên quan tới một sự xét lại nghiêm khắc về bản thân nội dung thể chế dân chủ hiện hành, và cách thức thúc đẩy toàn cầu hóa hiện nay. Câu hỏi được đặt ra ở phần lịch sử và sự thăng trầm của dân chủ cũng phần nào lý giải sự thiếu hiệu quả của thể chế dân chủ hiện hành. Đồng thời, sự thất bại của liên minh châu Âu với sự rút lui của nước Anh khỏi liên minh cũng đã đặt ra câu hỏi về vấn đề cách thức thúc đẩy toàn cầu hóa hiện nay. Chỉ khi trả lời và giải quyết được dứt điểm các câu hỏi này, các nền dân chủ mới thực sự vững mạnh và lan tỏa ra toàn thế giới, dẫn dắt làn sóng dân chủ đi đúng quỹ đạo và nhanh chóng đạt được thành công trên toàn cầu.

      III/ Điều kiện cần và đủ để Làn sóng tự do (hay Làn sóng dân chủ cuối cùng) thành công

      Như chúng ta đã biết, các Làn sóng dân chủ có thể kéo dài hàng chục và hàng trăm năm. Với sự tiến bộ của khoa học kỹ thuật hiện đại, sự giao thương kinh tế và mối liên hệ phụ thuộc ngày càng lớn giữa các quốc gia và quá trình toàn cầu hóa, làn sóng dân chủ cuối cùng hi vọng sẽ đưa tới kết quả tốt đẹp với đơn vị tính chỉ là hàng chục năm. Có những điều kiện cần và đủ để quá trình người dân các nước chuyên chế vùng lên giành được tự do, cũng như những thành quả tự do đó không còn bị đảo ngược. Điều đặc biệt cần nhấn mạnh, những thể chế dân chủ được xây dựng phải bảo đảm tự do cho người dân, và sự tự do đó cần được mở rộng ra phạm vi toàn cầu. Có thể cần nhiều điều kiện để thực hiện được khát vọng tự do của loài người, nhưng ít nhất phải có những điều kiện cần và đủ sau đây.

      Điều kiện cần

      – Quyết tâm của người dân ở các chế độ độc tài trong việc vùng lên đòi quyền con người. Không ai thay thế được người dân, không ai có thể giúp được người dân nếu họ không tự đứng lên đòi các quyền tự do cho mình. Quá trình toàn cầu hóa, với đầy đủ các yếu tố, khía cạnh lĩnh vực của cuộc sống là nguồn thông tin và tri thức vô tận cho người dân ở các chế độ chuyên chế. Không một quốc gia nào đi tới tự do dân chủ bằng con đường trải đầy hoa, mà đó là một nỗ lực hi sinh của nhiều thế hệ, lớp người của mỗi một dân tộc. Khi đã nhận thức được giá trị của tự do, của dân chủ thì trong bối cảnh quốc tế hiện nay, người dân ở các chế độ chuyên chế không thể không vùng lên để đòi hỏi các quyền con người và dân sự chính đáng của mình. Quyết tâm của người dân ở mỗi một quốc gia là cơ sở để hi vọng và nhận được sự hỗ trợ, trợ giúp của cộng đồng quốc tế, các chính phủ dân chủ cũng như các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Vậy nên điều kiên cần đầu tiên, quan trọng nhất là quyết tâm của người dân ở các chế độ chuyên chế vùng lên đòi tự do, dân chủ…

     (còn nữa)

Hà Nội, ngày 26/12/2019

N.V.B

     …

     – Quyết tâm của các chính phủ dân chủ và các định chế quốc tế trong việc ủng hộ đòi hỏi dân chủ của người dân ở các quốc gia độc tài. Đối với việc dân chủ hóa đất nước hay thay đổi chế độ độc tài bằng một chế độ dân chủ ở mỗi quốc gia, chỉ riêng quyết tâm của người dân vùng lên đòi tự do là không đủ. Cần có sự ủng hộ, giúp sức của các quốc gia dân chủ, các lực lượng tiến bộ trên thế giới. Lịch sử đã từng chỉ ra rằng, ngoài nguyên nhân chính là sự khủng hoảng của cấu trúc toàn trị ở Liên Xô và các nước Đông Âu, thì yếu tố không thể thiếu được là một chiến lược giải thể cộng sản được Hoa Kỳ và các nước dân chủ thúc đẩy quyết liệt mới dẫn tới sự sụp đổ của các chế độ cộng sản đó. Ngay sau khi các chế độ cộng sản ở Liên Xô và Đông Âu sụp đổ, chúng ta không còn thấy một quyết tâm của Hoa Kỳ và các nước dân chủ trong việc ủng hộ và hỗ trợ người dân ở các nước cộng sản còn lại, cũng như các nước độc tài khác. Vấn đề là thế giới tự do vẫn có sự ủng hộ và hỗ trợ phong trào dân chủ trên thế giới nhưng sự ủng hộ và hỗ trợ đó không trở thành một chiến lược chung giải thể các quốc gia độc tài như đã từng được thực hiện cuối thời kỳ chiến tranh lạnh. Thật may mắn là gần đây, với sự trỗi dậy của Trung Quốc trong việc đe dọa trực tiếp vị thế siêu cường số một thế giới của Mỹ, cũng như đe dọa toàn bộ các nền dân chủ, thế giới tự do mà Mỹ đã thức tỉnh và đưa ra chiến lược ngăn chặn toàn diện với Trung Cộng, đồng thời vận động các quốc gia dân chủ cùng chung tay đối phó. Nếu như ngài D.Trump tiếp tục đắc cử một nhiệm kỳ nữa ở Hoa Kỳ, hi vọng về một sự sụp đổ, hoặc giải thể toàn diện chế độ cộng sản toàn trị ở Trung Quốc là rất khả quan. Khi chế độ cộng sản toàn trị có đủ khả năng làm thành lũy cuối cùng của phe độc tài sụp đổ, hi vọng về làn sóng dân chủ bùng phát mới trở thành hiện thực.

      Điều kiện đủ

     Những câu hỏi được đặt ra ở phần trên chính là điều kiện đủ cho làn sóng dân chủ cuối cùng của nhân loại đi tới thành công. Chúng ta cần trả lời được, tại sao các nền dân chủ đã được thành lập, các thể chế dân chủ đã được xây dựng khi gặp các biến cố, sự cố lại có thể đảo ngược để trở lại thành độc tài, chuyên chế? Chúng ta cũng cần đặt ra câu hỏi và phải trả lời bằng được, tại sao các nước xây dựng thể chế dân chủ, nền dân chủ lại khó khăn và chật vật như vậy? Câu trả lời thường xuyên xuất hiện, rằng dân chủ là rất quý báu, là rất khó khăn để đạt được nhưng sau đó cũng không ai chỉ ra được, khó như thế nào, cuối cùng cần những tiêu chí gì để có được nền dân chủ, để người dân đạt được tự do. Tất cả là một sự mập mờ, khó hiểu và không ai giải thích nổi! Ngay những tiêu chí mà tạp chí dân chủ (Economist) của nước Anh, và tổ chức Freedom House đưa ra để đánh giá và xếp hạng các nền dân chủ cũng vô cùng mơ hồ và khó hiểu.

     Thêm một câu hỏi được đặt ra, thế giới đã có định nghĩa, khái niệm thống nhất về dân chủ hay chưa? Theo như hiểu biết của người viết bài này, thì thế giới chưa thống nhất được định nghĩa về dân chủ (Có tài liệu cho biết, đến những năm 60 của thế kỷ XX, thế giới có hơn 500 định nghĩa về dân chủ). Như vậy, theo logic thông thường, chưa định nghĩa được dân chủ là gì, chưa thống nhất được thế nào là dân chủ thì chưa thể thống nhất được bản chất, cốt lõi của dân chủ. Chưa thống nhất được bản chất, cốt lõi của dân chủ nên sự thành công của các nền dân chủ không có mẫu số chung, không ai chỉ ra được yếu tố nào, định chế nào quyết định, bảo đảm tự do của con người. Điều này hoàn toàn phù hợp với thực trạng xây dựng và vận hành thể chế dân chủ và các nền dân chủ trên thế giới.

     Khi nền dân chủ xuất hiện và đã được xây dựng vài trăm năm, khi mà đã có hàng trăm quốc gia thực hiện xây dựng thể chế dân chủ ở tất cả các châu lục, với các điều kiện địa lý, kinh tế xã hội và văn hóa đa dạng, phong phú nhưng cuối cùng cũng chỉ có hơn 20 nước có được dân chủ đầy đủ, người dân thực sự tự do (chỉ chiếm chưa đầy 1/5) thì phải đặt ra câu hỏi về chính thể chế dân chủ đang được xây dựng và vận hành. Tức là cách thức xây dựng, và bản thân thể chế dân chủ hiện hành có khiếm khuyết cốt tử. Hầu như không có một ai đặt ra câu hỏi đó, mà cứ mặc nhiên coi thể chế dân chủ hiện nay đang được xây dựng và vận hành trên thế giới là đúng, là chuẩn mực, là đương nhiên và coi những quốc gia có thể chế dân chủ mà người dân chưa được tự do là do các nước đó chưa thực hiện đúng những yếu tố mập mờ, không rõ ràng và không định lượng được.

     Tôi cho rằng, thể chế dân chủ hiện hành trên thế giới đang có khiếm khuyết cốt tử, đó là chưa có định chế dân chủ cốt lõi, bảo đảm tự do trực tiếp của con người. Theo quan điểm của cá nhân tôi, thể chế dân chủ bao gồm nhiều định chế như hiến pháp dân chủ, đa nguyên đã đảng, tam quyền phân lập, bầu cử và ứng cử tự do, tự do hội họp và tự do biểu tình, tự do tư tưởng, tự do ngôn luận và tự do báo chí… nhưng thiếu mất định chế dân chủ cốt lõi: đó là định chế Tòa án Nhân quyền ở tất cả các cấp. Chính vì thiếu định chế cốt lõi tòa án nhân quyền mà các nền dân chủ trên thế giới chưa có định chế nào trực tiếp bảo đảm và bảo vệ tự do của con người, dẫn tới tình trạng các định chế khác không có một cơ sở, một chỗ dựa chắc chắn là các quyền cơ bản và các quyền dân sự của con người, cuối cùng dẫn tới sự mong manh và yếu kém của bản thân các định chế và thể chế dân chủ. Chỉ khi có một định chế trực tiếp bảo đảm và bảo vệ các quyền con người, hay bảo vệ tự do thì một nền dân chủ mới có thể đứng vững và đưa tới tự do của con người (toàn bộ vấn đề này đã được trình bày trong Dự án xây dựng thể chế dân chủ, và các bài viết liên quan của tôi).

     Như vậy, xem xét và bổ sung thêm định chế dân chủ cốt lõi (Tòa án Nhân quyền) cũng như thay đổi cách thức, tiến trình xây dựng thể chế dân chủ ở các quốc gia chính là điều kiện đủ, không thể thiếu để các nền dân chủ bảo đảm tự do của con người. Trên cơ sở tự do của con người ở các quốc gia, cách thức thúc đẩy toàn cầu hóa chính là việc mở rộng không gian tự do của con người trên phạm vi toàn cầu. Quá trình này góp phần thúc đẩy làn sóng dân chủ và đưa tới thành công cho các nền dân chủ cũng như dân chủ hóa toàn cầu./.

Hà Nội, ngày 27/12/2019

N.V.B