Seite auswählen

Không riêng tại xứ nhiều người lao động nghèo như Việt Nam, tại những quốc gia cường thịnh như Hoa kỳ, dịch virus corona Vũ Hán đã khiến cho nhiều người thu nhập không cao bị thất nghiệp, cuộc sống càng trở nên khó khăn hơn, ngoài việc phải lo lắng hàng ngày, sợ bị nhiễm bệnh.

Việt Nam:

Người Việt Nam vốn dĩ năng động, mặc dù đang trong giờ làm việc nhưng đường phố vẫn tấp nập, hàng quán thì đầy rẫy, người bán vé số kiếm miếng cơm đi đầy lề đường, xe ôm có mặt khắp hang cùng ngõ hẻm,… Dịch virus Corona khiến bao người dân hoang mang trong đó người lao động nghèo là bị ảnh hưởng nhiều nhất. Nhà cầm quyền cs Việt Nam hấp tấp ra lịnh bế môn, phong thành khi chưa có những  giải pháp bù đắp bảo đảm an sinh cho người dân (lao động nghèo) một cách tương xứng, thích hợp.

Giờ tất cả phải lắng đọng, phải đứng yên bởi lịnh bế môn, phong thành thì sẽ có những phản ứng phụ không hề nhẹ bởi căn bịnh ức chế xã hội. Những người hành nghề xe ôm, bán vé số dạo, hàng ăn uống, hàng thúng mẹt,… sẽ bị gác quang  gánh, dừng xe, tay quai miệng trễ. Tiền đâu trả tiền phòng trọ, tiền ăn cho gia đình, tiền cho con đi gửi trẻ để đi làm,……Dịch mà kéo dài là chết đói thôi.

4h sáng, Lê Thị Hồng, 38 tuổi, đánh thức đứa con bốn tuổi. Trong phòng trọ hơn 12 mét vuông ở Hố Nai, Đồng Nai, hai mẹ con ăn chung một gói mỳ tôm cho bữa sáng. Con bé vừa ăn vừa ngái ngủ, miệng há mà mắt chưa mở hẳn. Xong bữa sáng, chị quàng rổ hàng vào cổ, bế con đi gửi người quen, trả 60.000 đồng mỗi ngày.

Trước Tết, chủ nhật được ví như ngày thần tài của cánh hàng rong như Hồng. “Ngày này tiền lời có khi được nửa triệu bạc, đủ cho hai mẹ con ăn uống còn gửi về quê cho chồng với hai đứa nhỏ”, chị kể với vẻ tiếc nuối.

Nay quán hàng đóng cửa im ỉm, công nhân thất nghiệp, giảm lương nên tiết chế cả những nhu cầu thiết yếu, “tiệm tạp hóa” di động của Hồng chỉ nhận được những cái lắc đầu. Đường lớn, phố chính không bán được, chị chuyển hướng rẽ vào ngõ ngách, gõ cửa nhà dân để mời… nhưng tình hình cũng chẳng khá hơn.

“Ruộng vườn không có, nghề chài lưới chả ăn thua, con ba đứa nên phải bán xứ. Giờ dịch bệnh, ra đường người ta đuổi như đuổi tà, còn về quê không biết lấy gì sống”, vừa phân trần, Hồng vừa cởi mũ lau mồ hôi ướt đẫm trán.

Thu nhập mỗi ngày chỉ hơn 100 nghìn, chỉ bằng một phần ba trước kia, Hồng vẫn cố dành cho con hộp sữa tươi, cạnh tiền trông giữ trẻ. Tháng này chị không có tiền gửi về quê, tiền phòng trọ 800 nghìn đồng vẫn khất chủ. Bữa cơm của hai mẹ con Hồng gói gọn trong 40 nghìn đồng, đủ mua rau với lạng thịt, quả trứng cho con. Tuần nay chị “trường kỳ” cá khô đến “chát hết cả miệng”.

Bán ế ẩm, người trong xóm trọ rồng rắn về quê. Chị cũng dùng dằng trong bụng nhưng không dám quyết. “Ở lại cũng chả bán buôn được gì thì về đi. Đói no có vợ, có chồng”, Hồng ứa nước mắt khi nghe chồng nói qua điện thoại.

Chị vơ vội vài bộ quần áo, dặn chủ trọ hết dịch lại lên, rồi bế con ra đầu phố đón xe về nhà ở miền trung. Chị tính sẽ mua nuôi thêm bốn năm con gà, cuốc đất trồng rau ăn qua bữa. “Cầu cho sóng yên biển lặng có cá mà ăn”, người đàn bà miên man nghĩ rồi thiếp đi trên chuyến xe chật kín người.


Trong căn trọ 10 m2 ở phường Thạnh Lộc, quận 12, bà Châu Ngọc Nữ (83 tuổi) và con gái Lê Thị Kim Thanh (48 tuổi) đang ngồi bó gối, chờ đến 16h20 lên phường nhận quà của một mạnh thường quân. Biết tin mình sẽ nhận được 5 gói mì, 5 chiếc khẩu trang và một chai nước tương, bà Nữ thở dài nói: “Tui ăn mì suốt mấy ngày rồi. Nhà tui giờ cần gạo hơn”.

Bà Nữ và con gái làm nghề nhặt ve chai, sống cùng một đứa cháu ngoại làm nghề chở nước thuê, lương mỗi tháng 4,5 triệu đồng. Cả tháng nay tiền nhặt ve chai của hai mẹ con chưa tới một triệu, nay lại nghe tin sắp tạm ngưng mọi hoạt động buôn bán, bà lo cháu mình sẽ mất việc.

Mất ngủ, 1h sáng bà đã bắt đầu lên đường đi kiếm ve chai, lục những bao rác trước cổng nhà dân tìm kiếm vỏ lon hay bất cứ thứ gì có thể bán được. “Tui phải đi sớm, nếu không 5h xe rác đi, người ta gom hết”, bà nói.

Sáng nay, bà Nữ chỉ dám ăn nửa gói mì, phần còn lại bà gói kỹ, lấy dây thun cột chặt, cho vào hũ nhựa cất lên kệ. Để có sức đi làm, đứa cháu ngoại 22 tuổi chạy ra tiệm mua thêm một ổ bánh mì ăn kèm, rồi bẻ ra một nửa nhường ngoại. “Mày thanh niên ăn đi, ngoại già rồi đâu cần ăn”, bà nói rồi đẩy lại nửa ổ bánh mì sang cho cháu.

Trước đây, những lúc “trúng mánh”, tiền bán ve chai khá hơn mọi ngày, bà tự thưởng cho mình bữa sáng là tô hủ tiếu và một ly cà phê đá. Nhưng kể từ ngày nhà hàng, quán nhậu đóng cửa, vỏ lon bia, chai nhựa chẳng có để nhặt. Bà đã quên mùi vị của gói xôi hay tô cháo mua ngoài hàng, tô mì cũng không có thêm rau cải như trước.

Bà Nữ bị bệnh tim và thiếu máu não, hộp thuốc bổ não giá 106 nghìn, bác sĩ dặn bà mỗi ngày uống 6 viên. Trước đây, để tiết kiệm bà uống mỗi ngày 3 viên, nhưng nay bà giảm xuống còn 2 viên mỗi ngày, thuốc bổ tim thì đã ngưng một tuần. Bữa nay, thấy hàng xóm bảo nhau mua đồ dự trữ, bà mở thùng gạo vét được gần 5 lon, trên bếp còn muối và nước mắm, bà chẹp miệng: “Nhiêu đây đủ rồi, lúc nào thèm thì nấu ít cháo”.

“Gạo không có thì ăn mì, chứ phải có ít thuốc, tui mà đi viện thì còn khổ nữa”, bà phân trần. Cháu ngoại 10 ngày nữa mới nhận lương, nhưng đã ứng trước để đầu tháng đóng tiền nhà, tiền điện nước, bà không dám mở miệng hỏi nữa.

Còn chị Thanh, con gái bà vẫn thường ôm bụng chịu đau vì bệnh loét dạ dày, chị không mua thuốc vì làm không ra tiền. Cũng như bà Nữ, chị Thanh không có bảo hiểm y tế. Mọi chi phí hiện giờ chỉ cậy vào lương của đứa cháu ngoại.

Tới giờ đi nhận quà, bà Nữ lật đật đội nón, bước thấp bước cao ra đường lớn xin đi nhờ xe máy để lên phường.


Ngày 29/3, Thủ tướng yêu cầu dừng các dịch vụ xổ số trong 15 ngày. Ở TP Thủ Dầu Một, Bình Dương, chị Nguyễn Thị Thu Thảo, 43 tuổi giật nảy khi nghe bà chủ đại lý thông báo hai hôm nữa nghỉ bán.

Một bà mẹ đơn thân, cao chưa đầy 1m3, sống bằng nghề vé số như chị không rành có bao nhiêu ca dương tính với Covid-19, nhưng trầy trật hơn khi kiếm đồng tiền, là điều chị thấy rõ. Từ sáng đến trưa, chị chỉ bán được hơn chục tờ vé số cho người quen, gặp khách lạ, họ xua tay như “gặp hủi”.

“Bán khó thì tui cố đi đến tận chiều cũng được, nhưng nghỉ bán thì mẹ con tui chết đói. Nghe tin tui rối, đi một vòng mà không nhớ mình đi đâu”, giọng Thảo lạc đi. Hơn chục năm nay, cơm ăn ngày hai bữa, tiền học của con trông cả vào sấp vé số.

Chiều tối, thay vì về thẳng, Thảo tạt qua nhà chủ trọ xin bớt tiền phòng, nhưng bị từ chối thẳng thừng. “Tui chỉ thấy buồn với tủi thân”, chị diễn giải cảm xúc đơn giản. Người đàn bà ghé chợ mua mấy củ khoai, hai trái bí ngô và một cái bắp cải, ít tôm khô để tích trữ.

Vừa ra khỏi chợ, một giọng nói quen thuộc gọi tên chị. “Nè nè, qua đây tui phát phiếu mai ra công viên nhận quà, kiếm cô hoài không thấy”, chị Đoàn Thùy Dương, 46 tuổi, chủ đại lý vé số gọi giật giọng. Vài ngày nay, mỗi lần thông báo cho “đối tác” của mình việc nghỉ bán, chị Dương cũng rầu ruột vì thương.

“Có người mặt méo queo, có người còn khóc. Tui thương nên cùng bạn bè làm phiếu tặng. Đi kiếm họ sáng giờ mệt quá trời mệt”, chị nói. Đại lý của chị có hàng trăm người lấy vé bán. Đa số họ là người già, người khiếm thị, khuyết tật hoặc vô gia cư.

Sáng 31/3, chị Thảo là một trong 200 người bán vé số, hàng rong có hoàn cảnh khó khăn ở TP Thủ Dầu Một được nhận phiếu quà tặng trị giá 500 nghìn đồng và một thùng mỳ bà chủ đại lý vé số tặng.

“Có tiền rồi mai tui sẽ mua thêm thịt với 5 ký gạo. Mấy cô loa phường dặn rồi, ăn đủ chất mới chống được corona”.

New York, Hoa Kỳ:

Cả gia đình thất nghiệp

Dịch bệnh virus COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới cả gia đình. Vợ chồng và con cái rơi vào cảnh thất nghiệp, nên cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, đặt biệt là tiền thuê nhà, tiền điện, truyền hình cáp, thực phẩm và các thứ khác cũng đang mong chờ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ. Do dịch Covid-19, các hoạt động kinh tế của thành phố New York gần như ngưng trệ, duy các cửa hàng phân phát thực phẩm trong các khu phố những ngày gần đây lại thu hút đông khách, những gia đình lao động nghèo.

https://www.vietbf.com/forum/attachment.php?attachmentid=1556626&stc=1&d=1585745964

Điều này xuất phát từ nhu cầu trợ cấp thực phẩm tăng cao đột biến của những người dân thu nhập thấp.

Các túi cam táo, khoai tây , hành tây được bày trên 3 bàn ở khu chợ ngoài trời tại Washington Heights, khu dân cư ở phía bắc của Mahattan. Sữa tiệt trùng, cá thu và cá hồi đóng hộp được bày ở 3 bàn còn lại.

Hàng trăm người đến đây vào cuối tuần để nhận lấy thực phẩm miễn phí tại một trong những trung tâm phân phối tại City Harvest, một tổ chức từ thiện lớn có trụ sở ở New York.

Không có cảnh từng hàng người xếp hàng chờ nhận món súp nóng hổi như hồi đại khủng hoảng những năm 1930. Thay vào đó, mọi người đến khu chợ thường đeo khẩu trang, giữ khoảng cách với người khác theo sự hướng dẫn của các nhân viên tình nguyện trong khu chợ.

Trong số những người tới lấy thực phẩm phát miễn phí là cô Lina Alba, 40 tuổi, mẹ đơn thân của 5 đứa con có độ tuổi từ 11- 23. Cách đây 2 tuần, cô Lina vẫn còn là 1 nhân viên phục vụ tại một khách sạn ở Mahattan. Hai đứa con lớn nhất của cô cũng đã bị mất việc làm.

“Đây là lần đầu tiên tôi phải đi lấy thực phẩm miễn phí. Chúng tôi cần trợ giúp vì không biết điều gì sẽ xảy ra trong những tuần tới đây” Alba cho biết.  Tuy vậy, cô Alba vẫn giữ vững sự lạc quan. “Ít nhất tôi có thời gian chơi với mấy đứa con. Tôi vừa làm mẹ vừa làm cô giáo. Tôi làm mọi việc. Chúng tôi vẫn còn sống và khỏe mạnh. Bây giờ chỉ cần cầu nguyện”

Phải mất 1 tuần bà mẹ đơn thân mới hoàn thành việc đăng ký trợ cấp thất nghiệp vì dịch vụ công này đang trong tình trạng quá tải. Tỉ lệ thất nghiệp tăng cao hơn rất nhiều so với con số mới do chính phủ liên bang mới công bố hôm thứ 5 tuần trước. Cô Alba sẽ bắt đầu nhận trợ cấp thất nghiệp trong 3 tuần tới. Cô hy vọng sẽ sớm nhận được tối thiểu 1200 USD trợ cấp từ chính phủ liên bang, trích từ gói hỗ trợ tài chính lớn chưa từng có vừa được Quốc hội Mỹ thông qua tuần trước.

“Số tiền đó là không đủ nhưng cái gì nhận miễn phí bây giờ cũng tốt” vì rất nhiều người đang cần giúp đỡ.

Ông Jose Neri, 51 tuổi, một trong những nhân viên gốc Mỹ La Tinh, từng là nhân viên phục vụ tại nhà hàng của New York. Đây cũng là lần đầu tiên ông tới nhận trợ cấp tại ngân hàng thực phẩm.

Gia đình ông có 5 người. “Chúng tôi đang dùng tiền tiết kiệm để duy trì cuộc sống” ông nói bằng tiếng Tây Ban Nha, vẫn đeo khẩu trang và găng tay để đề phòng việc lây nhiễm virus. Ông cũng đang trông đợi vào khoản trợ cấp của chính phủ cho người lao động có thu nhập thấp.

Số người nghèo tăng gấp 3

Dịch bệnh COVID-19 đã gây ra ảnh hưởng nghiêm trọng tới gia đình cô Ramirez. Jhordana Ramirez, 39 tuổi, vẫn phải đi làm cho dù đối mặt với nguy cơ nhiễm bệnh cao. Chồng cô và con gái lớn nhất rơi vào cảnh thất nghiệp. Còn cô con gái nhỏ 8 tuổi rất lo lắng.  “Tôi cố gắng tiết kiệm càng nhiều càng tốt, đặt biệt là tiền thuê nhà, tiền điện, truyền hình cáp, thực phẩm và các thứ khác” Cô cũng đang mong chờ nhận được tiền hỗ trợ từ chính phủ.

Đây là những câu chuyện mà nhân viên của tổ chức từ thiện City Harvest Geraldine Fermin được nghe nhiều lần, kể từ phần lớn thành phố New York đóng cửa 2 tuần trước. ” Thật sự tồi tệ khi có quá nhiều người đang ở trong hoàn cảnh khó khăn. Người nghèo càng nghèo hơn. Những người có công việc thu nhập thấp bây giờ cũng trở thành người nghèo”

Theo ông Eric Ripert, phó chủ tịch tổ chức City Harvest, “Trước đây có khoảng 1,2 triệu người người nghèo tại New York cần trợ cấp thực phẩm. Bây giờ con số này tăng lên gấp 3 lần, khoảng 3 triệu người”.

Ông Ripert cho biết ngoài phân phối thực phẩm ở chợ thì tổ chức này còn phát thực phẩm cho 400 nhà tạm trú cho người vô gia cư nữa. Hiện tại, City Harvest đang rất thiếu kinh phí để mua thực phẩm và đang phối hợp các tổ chức từ thiện khác để đối phó với tình hình ngày 1 xấu đi.

“Chúng tôi đã trải qua vụ khủng bố 11/9, cuộc đại suy thoái 2008-2009, và nhiều thứ khác nhưng chưa có sự kiện nào có quy mô ảnh hưởng lớn như dịch bệnh COVID-19” trích lời ông Ripert.

Theo VietBF