Trước năm 2020, quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc định hình mối bang giao quốc tế. Mối quan hệ này được thể hiện bằng cuộc thương chiến giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc ngày một leo thang. Nhưng đằng sau đó thật ra là sự leo thang quyền lực chính trị giữa một bên là Hoa Kỳ muốn tiếp tục duy trì ngôi vị bá chủ toàn cầu, và một bên là Trung Quốc muốn thách thức và thay đổi trật tự hiện có để ngày càng có lợi cho mình, trong vùng và toàn cầu.
Nhưng nạn đại dịch Covid-19 đã thay đổi sâu đậm bàn cờ chính trị quốc tế hiện nay.
Sau đây là nhận định của 12 chuyên gia với tầm nhìn toàn cầu, được đăng trên tạp chí Foreign Policy, với tựa đề “Thế giới sẽ nhìn ra sao sau đại dịch Coronavirus”.
Đa số các chuyên gia này nhận định rằng đại dịch Covid-19 sẽ củng cố chủ nghĩa dân tộc khắp nơi và gia tăng quyền lực của nhà nước tại nơi đó; tạo ra một thế giới ít rộng mở hơn, ít thịnh vượng hơn, và ít tự do hơn; chấm dứt toàn cầu hóa như chúng ta đã biết; đưa đến toàn cầu hóa quanh trục Trung Quốc; làm tệ hơn mối quan hệ giữa Hoa Kỳ và Trung Quốc hiện nay và làm yếu đi tiến trình hội nhập Âu châu; Covid-19 sẽ tiếp tục giảm hoạt động kinh tế và gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia; về lâu dài, đại dịch có thể sẽ làm giảm đáng kể năng lực sản xuất của nền kinh tế toàn cầu, đặc biệt nếu các doanh nghiệp đóng cửa và các cá nhân tách khỏi lực lượng lao động.
Chẳng hạn, theo ông John Allen, Chủ tịch Brookings Institute, tướng Thủy Quân Lục Chiến 4 sao của Mỹ, từng là tư lệnh của NATO, thì cuộc khủng hoảng này sẽ tái sắp xếp cơ cấu quyền lực quốc tế theo những cách mà chúng ta chỉ có thể bắt đầu tưởng tượng; Covid-19 sẽ tiếp tục giảm hoạt động kinh tế và gia tăng căng thẳng giữa các quốc gia. Theo Laurie Garrett, cựu thành viên của Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, thì “Đại dịch Covid-19 sẽ không chỉ có tác dụng kinh tế lâu dài mà còn dẫn đến một sự thay đổi cơ bản hơn nữa.” Còn Shannon K. O’Neil, một chuyên gia về Ngành Học Mỹ Latin, thì tin rằng qua nạn Covid-19, lợi nhuận sẽ giảm, nhưng ổn định nguồn cung nên tăng (Profitability will fall, but supply stability should rise). Còn Kori Schake, phó giám đốc của viện quốc tế chiến lược học, nhận định rằng Hoa Kỳ sẽ không còn được coi là một lãnh đạo quốc tế bởi vì quyền lợi hẹp hòi của chính phủ nước này.
Kishore Mahbubani, một học giả uy tín tại Đại học Quốc gia Singapore, nhận định rằng đại dịch Covid-19 sẽ không thay đổi căn bản của hướng đi kinh tế toàn cầu. Nó chỉ gia tăng tốc độ thay đổi đã bắt đầu: xa dần nền toàn cầu hóa mà trọng tâm là Hoa Kỳ sang trọng tâm là Trung Quốc. Ông cũng biện luận rằng nếu mục tiêu hàng đầu của Hoa Kỳ là duy trì thế ưu việt toàn cầu, nó sẽ phải tham gia vào một cuộc cạnh tranh một mất một còn (zero sum game) địa chính trị với Trung Quốc. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của Hoa Kỳ là cải thiện sự thịnh vượng của người dân Mỹ – vì điều kiện xã hội đã xấu đi – thì nên hợp tác với Trung Quốc.
Robin Niblett, giám đốc và tổng điều hành của Chatham House, cơ quan nghiên cứu các vấn đề quốc tế, biện luận rằng Covid-19 đang bắt buộc chính quyền, công ty và xã hội tăng cường năng lực của họ để đối phó với thời gian do các biện pháp tự cô lập kinh tế. Ông Niblett kết luận rằng những lãnh đạo chính trị nào quản lý tốt đại dịch Covid-19 tại quốc gia mình sẽ được công dân mình ủng hộ; nhưng những ai thất bại sẽ khó tránh việc đổ thừa người khác cho thất bại của mình.
Shivshankar Menon, một học giả của viện Brookings India, từng là cố vấn an ninh quốc gia cho Thủ tướng Ấn Manmohan Singh, cho rằng đại dịch Covid-19 là chứng minh của mối tương thuộc; nhưng trong mọi loại chính trị, đã có một bước ngoặt nội hướng, tìm kiếm quyền tự chủ và kiểm soát số phận của chính mình. Ông nhận định rằng chúng ta đang hướng đến một thế giới nghèo hơn, xấu hơn và nhỏ hơn. Nhưng chính ông cũng nhìn ra được cơ hội: “Nếu đại dịch làm cho chúng ta sửng sốt nhận ra mối quan tâm thực sự của mình trong việc hợp tác đa phương về các vấn đề toàn cầu lớn mà chúng ta phải đối mặt, thì nó sẽ phục vụ một mục đích hữu ích.”
Giáo sư chính trị học của trường Đại học Princeton G. John Ikenberry, người nổi tiếng của trường phái quốc tế cấp tiến (liberal internationalism), cho rằng những gì đang diễn ra làm cho chúng ta không thể thấy gì hơn ngoài sự củng cố của xu hướng chủ nghĩa quốc gia, sự cạnh tranh giữa quyền lực lớn, chiến lược tách rời (strategic decoupling) v.v… Nhìn lại lịch sử thời Đại Suy thoái (The Great Depression), Ikenberry cho rằng Hoa Kỳ và các nền dân chủ Tây phương có thể phải đi qua các giai đoạn phản ứng tương tự của thời thập niên 1930 và 1940, được lèo lái bởi một cảm giác dễ bị tổn thương dây chuyền; phản ứng có thể mang dân tộc tính hơn lúc đầu, nhưng về lâu dài, các nền dân chủ sẽ ra khỏi vỏ bọc của mình để tìm ra một loại chủ nghĩa quốc tế thực dụng và bảo vệ mới.
Giáo sư chính trị học thuộc đại học Harvard, Joseph S. Nye, Jr., tác giả quyền lực mềm, thì cho rằng Covid-19 sẽ làm cho chiến lược cạnh tranh quyền lực giữa các siêu cường quốc trở nên không đáng nữa. Ngay cả khi Hoa Kỳ chiến thắng là siêu cường quốc, nó cũng không thể bảo vệ an ninh của mình một mình. Với mối đe dọa xuyên quốc gia như Covid-19 và thay đổi khí hậu, nếu chỉ nghĩ quyền lực của Hoa Kỳ lên trên nước khác thì thật là không đủ. Chìa khóa thành công là học được tầm quan trọng của quyền lực đối với các quốc gia khác. Tất cả mọi quốc gia đều đặt quyền lợi của mình trên hết. Câu hỏi quan trọng là quyền lợi này được định nghĩa rộng và hẹp ra sao. Covid-19 cho thấy chúng ta đang thất bại trong việc điều chỉnh chiến lược của mình trong thế giới mới này.
Richard N. Haass, Chủ tịch của Hội đồng Quan hệ Ngoại giao, biện luận rằng khủng hoảng do Covid-19 gây ra, kéo dài ít nhất là vài năm, sẽ làm cho phần lớn các chính quyền hướng nội, chú tâm vào những gì xảy ra bên trong biên giới của họ, hơn là những gì bên ngoài. Sẽ có sự đổi hướng để tập trung vào chủ trương tự lực tự cường (self-sufficiency) do các tổn thương của chuỗi cung ứng toàn cầu… Haass cho rằng sẽ có nhiều quốc gia gặp khó khăn khắc phục khủng hoảng này, và các nhà nước yếu ớt hay thất bại sẽ trở thành một điều phổ biến hơn nữa trong thế giới này. Cuộc khủng hoảng có thể sẽ góp phần làm tồi tệ hơn cho mối quan hệ Mỹ – Trung và sự suy yếu của tiến trình hội nhập châu Âu. Về mặt tích cực thì Haass cho rằng chúng ta sẽ thấy một số tăng cường khiêm tốn của quản trị y tế công cộng trên bình diện toàn cầu.
Giáo sư Stephen Walt, thuộc đại học Harvard, người theo xu hướng chủ nghĩa hiện thực, nhận định rằng nạn đại dịch không thay đổi là bản chất xung đột căn bản của chính trị quốc tế. Nhưng nó sẽ làm cho các nhà nước mạnh hơn và củng cố chủ nghĩa dân tộc. Chính quyền bằng mọi hình thức khác nhau sẽ áp dụng các biện pháp khẩn cấp để quản lý khủng hoảng, và nhiều trong số đó sẽ không dễ dàng từ bỏ quyền lực mới này khi khủng hoảng đã qua. Cũng như trước đây, cúm Tây Ban Nha năm 1918 – 1919 không chấm dứt sự tranh giành giữa các cường quốc, hay đem đến một thời đại mới của sự hợp tác toàn cầu. Covid-19 cũng thế. Công dân sẽ trông đợi vào các chính quyền quốc gia mình để bảo vệ họ, và các nhà nước, doanh nghiệp tìm cách giảm thiểu các tổn thương trong tương lai. Điều này đưa đến sự thoái trào hơn nữa về tiến trình siêu toàn cầu hóa. Tóm lại, giáo sư Walt cho rằng Covid-19 sẽ tạo ra một thế giới ít rộng mở hơn, ít thịnh vượng hơn và ít tự do hơn.
Sau cùng, Nicholas Burns, giáo sư thuộc Harvard Kennedy School of Government, cho rằng tuy đại dịch Covid-19 là một khủng hoảng toàn cầu lớn nhất của thế kỷ này, nhưng ông lạc quan về sức mạnh tinh thần của con người. Burns nhận xét: “Ở mỗi quốc gia, có rất nhiều ví dụ về sức mạnh tinh thần con người – của các bác sĩ, y tá, lãnh đạo chính trị và công dân bình thường – thể hiện sự kiên cường, hiệu quả và khả năng lãnh đạo. Điều đó mang đến hy vọng rằng đàn ông và phụ nữ trên khắp thế giới có thể chiến thắng trong việc đối phó với thử thách phi thường này.”
Đây là những nhận định tổng quan của các chuyên gia quốc tế về tình hình thế giới do đại dịch Covid-19 gây ra hiện nay. Nhìn chung thì hầu như đại đa số, nếu không phải là tất cả, đều nhìn bi quan về hậu quả khắc nghiệt mà Covid-19 đã đang và sẽ mang lại. Ngoài những chuyên gia và chính trị gia, các nhà lãnh đạo về y tế cũng quan niệm rằng thế giới chúng ta đang và sẽ sống trong những ngày tới sẽ bị thay đổi sâu sắc.
VOA
Virus Corona là một thử thách gắt gao về chính trị, phá hủy và định hình lại các quy tắc hiện hành. Thời đại mới sẽ là một “Trái Đất-Pháo đài”, hay sẽ là điềm báo của một xã hội đã biến đổi dựa trên một hệ giá trị mới?
NGHĨ LỚN HƠN
Dù bạn nghĩ gì về tác động lâu dài của dịch virus corona, bạn vẫn có thể nghĩ không đủ lớn.
Cuộc sống của chúng ta đã được định hình lại rất nhiều trong vài tuần qua, lớn đến nỗi ta khó có thể nhận thấy, ngoài một chuỗi các tin tức liên tục. Chúng ta đang chuẩn bị ứng phó với cuộc suy thoái mà tất cả chúng ta đều biết là đang tồn tại, và tự hỏi việc giãn cách xã hội sẽ kéo dài bao lâu, đồng thời cầu nguyện cho những người thân yêu của chúng ta sẽ sống sót.
Nhưng, giống như cách dịch bệnh Covid-19 đang lan truyền theo cấp số nhân, chúng ta cũng cần suy nghĩ về tác động lâu dài theo cấp số nhân của nó đối với nền văn hóa và xã hội của chúng ta. Một hoặc hai năm nữa, con virus có thể đã trở thành một phần có thể kiểm soát được trong cuộc sống của chúng ta. Các phương pháp điều trị hiệu quả có thể sẽ xuất hiện; một loại vắc-xin có thể sẽ có sẵn. Nhưng tác động của virus corona đối với nền văn minh toàn cầu của chúng ta mới chỉ được hé lộ. Những gián đoạn lớn mà chúng ta đã và đang trải nghiệm trong cuộc sống của mình chỉ là những dấu hiệu đầu tiên về một sự chuyển đổi mang tính lịch sử trong các quy tắc chính trị và xã hội.
Nếu dịch Covid-19 lan rộng nhưng thế giới vẫn vững vàng và nhanh phục hồi, tác động của dịch có thể được kìm chế và chặn đứng. Các nhà lãnh đạo sẽ tham khảo lẫn nhau; nền kinh tế tạm thời bị gián đoạn; mọi người sẽ làm việc trong một thời gian với hoàn cảnh thay đổi, và sau đó, sau cú sốc, mong muốn được trở lại bình thường. Tuy nhiên, đó không phải là thế giới mà chúng ta đang sống. Thay vào đó, con virus corona này đang tiết lộ các lỗi mang tính cấu trúc của một hệ thống đã được định hình trong nhiều thập kỷ và đồng thời đang dần dần xấu đi. Tạo ra bất bình đẳng kinh tế, hủy hoại sinh thái quy mô lớn và tham nhũng chính trị lan tràn là tất cả các kết quả của các hệ thống không cân bằng dựa vào nhau trong trạng thái bấp bênh. Bây giờ, khi một hệ thống mất ổn định, các hệ thống khác sẽ sụp đổ đồng loạt, một hiện tượng được các nhà nghiên cứu gọi là “sụp đổ đồng thời”.
Những dấu hiệu đầu tiên của sự mất ổn định mang tính cấu trúc này mới chỉ bắt đầu hiện ra. Nền kinh tế toàn cầu hóa của chúng ta phụ thuộc vào hàng tồn kho theo-thời-gian-thực để sản xuất một cách hiệu quả nhất. Khi chuỗi cung ứng bị gián đoạn thông qua việc đóng cửa các nhà máy và đóng cửa biên giới, tình trạng thiếu đồ gia dụng, thuốc men và thực phẩm sẽ bắt đầu xuất hiện, dẫn đến các đợt mua hàng đầy hoảng loạn vốn sẽ chỉ làm trầm trọng thêm tình hình. Nền kinh tế thế giới đang bước vào thời kỳ suy thoái rất nghiêm trọng, có thể vượt quá mức độ nghiêm trọng của cuộc Đại khủng hoảng 1929-1933. Hệ thống chính trị quốc tế – vốn đã sẵn sàng với chủ nghĩa bài ngoại mang tên “nước Mỹ trước tiên” của Tổng thống Trump và sự thất bại của Brexit – có thể sẽ làm sáng tỏ thêm, khi mà ảnh hưởng toàn cầu của Hoa Kỳ giảm đi trong khi quyền lực của Trung Quốc tăng lên. Trong khi đó, phương Nam toàn cầu, nơi Covid-19 mới bắt đầu cuộc chơi, có thể phải đối mặt với sự gián đoạn với quy mô lớn hơn nhiều so với phương Bắc toàn cầu vốn giàu có hơn.
CỬA SỔ OVERTON
Vào những thời kỳ bình thường, trong số tất cả các cách thức có thể để tổ chức xã hội, luôn chỉ có một số ít ý tưởng có thể được chấp nhận cho các thảo luận chính trị chính thống, được gọi là cửa sổ Overton. Đại dịch Covid-19 đã mở tung cửa sổ Overton. Chỉ trong vài tuần, chúng ta đã thấy các ý tưởng chính trị và kinh tế được thảo luận nghiêm túc mà trước đây đã bị coi là không tưởng hoặc hoàn toàn không thể chấp nhận được, ví dụ như thu nhập cơ bản phổ quát, sự can thiệp của chính phủ để ngăn chặn người vô gia cư, hay giám sát nhà nước đối với hoạt động cá nhân. Nhưng hãy nhớ rằng đây chỉ là khởi đầu của một quá trình sẽ mở rộng theo cấp số nhân của các ý tưởng này trong những tháng tiếp theo.
Một cuộc khủng hoảng như đại dịch virus corona sẽ có cách khuếch đại ồ ạt và thúc đẩy nhanh chóng những thay đổi đang diễn ra – những thay đổi vốn có thể mất hàng thập kỷ sẽ có thể xảy ra chỉ trong vài tuần. Giống như một cái nồi nung, nó có khả năng làm tan chảy các cấu trúc hiện đang tồn tại và định hình lại chúng ở mức có thể khiến người ta không thể nhận ra. Hình hài mới của xã hội sẽ trông như thế nào? Điều gì sẽ là trọng tâm trong cửa sổ Overton vào thời điểm nó bắt đầu thu hẹp lại?
VÍ DỤ VỀ THẾ CHIẾN II
Chúng ta đang tiến vào vùng lãnh thổ chưa từng được khám phá, nhưng để có được cảm giác về quy mô của sự chuyển dịch mà chúng ta cần xem xét, cần nhìn lại cái lần cuối cùng mà thế giới trải qua một sự thay đổi tương đương: Chiến tranh thế giới thứ hai.
Thế giới trước Đại chiến bị chi phối bởi các cường quốc thực dân châu Âu vốn đang đấu tranh để duy trì đế chế của họ. Nền dân chủ tự do đã suy yếu dần, trong khi chủ nghĩa phát-xít và chủ nghĩa cộng sản đang lên ngôi, chiến đấu với nhau để giành quyền thống trị. Sự sụp đổ của Hội Quốc Liên dường như đã chứng minh sự bất khả thi của hợp tác toàn cầu giữa các quốc gia. Trước khi nổ ra trận Trân Châu Cảng, Hoa Kỳ duy trì chính sách trung lập, và trong những năm đầu chiến tranh, nhiều người tin rằng đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi Hitler và các cường quốc phe Trục xâm chiếm nước Anh và kiểm soát hoàn toàn châu Âu.
Vài năm sau, thế giới đã thay đổi đến mức hầu như không thể nhận ra. Khi Đế quốc Anh sụp đổ, địa chính trị toàn cầu bị chi phối bởi Chiến tranh Lạnh, chia thế giới thành hai khối chính trị dưới sự đe dọa liên tục của ngày tận thế bởi chiến tranh hạt nhân. Một châu Âu dân chủ xã hội đã thành lập một liên minh kinh tế mà trước đây không ai có thể tưởng tượng được. Trong khi đó, Mỹ và các đồng minh đã thiết lập một hệ thống thương mại toàn cầu hóa, với các tổ chức như Quỹ Tiền tệ quốc tế và Ngân hàng Thế giới, đặt ra các điều kiện về cách mà “thế giới phát triển” có thể tham gia. Giai đoạn này là nền tảng “Cuộc tăng tốc vĩ đại”: sự gia tăng lớn nhất, nhanh nhất và bao quát nhất của các hoạt động của con người suốt chiều dài lịch sử của mình, bao gồm sự bùng nổ dân số, thương mại, di chuyển, sản xuất và tiêu thụ ở quy mô toàn cầu.
Nếu những thay đổi mà chúng ta sắp trải qua có quy mô tương tự như vậy, thì làm thế nào một nhà sử học trong tương lai có thể tóm tắt thế giới tiền-corona vốn sắp sửa biến mất?
KỶ NGUYÊN TÂN TỰ DO
Có thể gọi kỷ nguyên của chúng ta là kỷ nguyên tân tự do. Cho đến những năm 1970, thế giới sau chiến tranh ở phương Tây được định hình bởi sự cân bằng không dễ dàng gì giữa chính phủ và khối doanh nghiệp tư nhân. Tuy nhiên, sau cú sốc dầu mỏ và tình trạng suy thoái do lạm phát và thất nghiệp tăng mạnh trong giai đoạn đó – vốn là một sự gián đoạn lớn nhất sau chiến tranh, thì một hệ tư tưởng mới của chủ nghĩa tân cổ điển thị trường tự do chiếm vị trí trung tâm trong cửa sổ Overton.
Hệ thống giá trị của chủ nghĩa tân cổ điển, vốn đã trở thành thành lũy kiên cố trong diễn ngôn chính thống toàn cầu, cho rằng con người là những người theo chủ nghĩa cá nhân, ích kỷ, đầy tính toán, và vì điều này, chủ nghĩa tư bản thị trường tự do không bị hạn chế sẽ cung cấp một cơ cấu tổ chức tốt nhất cho mọi nỗ lực của con người. Thông qua sự kiểm soát của chính phủ, tài chính, kinh doanh và truyền thông, các tín đồ mới đã thành công trong việc biến thế giới thành một hệ thống dựa trên thị trường toàn cầu hóa, nới lỏng các biện pháp kiểm soát, làm suy yếu mạng lưới an toàn xã hội, giảm thuế và gần như phá hủy sức mạnh của lao động có tổ chức.
Chiến thắng của chủ nghĩa tân tự do đã dẫn đến sự bất bình đẳng lớn nhất trong lịch sử loài người, trong đó (dựa trên số liệu thống kê gần đây nhất), hai mươi sáu người giàu nhất thế giới có lượng tài sản bằng tổng tài sản của một nửa dân số toàn thế giới. Chủ nghĩa tân tự do đã cho phép các tập đoàn đa quốc gia lớn nhất thiết lập sự kìm hãm đối với các hình thức tổ chức khác, với kết quả là, trong số một trăm thực thể kinh tế lớn nhất thế giới, thì có tới sáu mươi chín thực thể là các tập đoàn. Việc theo đuổi lợi nhuận không ngừng và đưa mục tiêu tăng trưởng kinh tế lên trên hết đã đẩy nền văn minh của loài người vào một quỹ đạo thật kinh hoàng. Khủng hoảng khí hậu không thể kiểm soát là mối nguy hiểm rõ ràng nhất: Các chính sách hiện tại của thế giới sẽ khiến Trái Đất tăng hơn 3°C vào cuối thế kỷ này, và các nhà khí hậu học công bố những cảnh báo đầy nghiêm trọng rằng hệ quả của sự gia tăng nhiệt độ này có thể khiến mọi thứ trở nên tồi tệ hơn cả những dự đoán tồi tệ nhất, và do đó có nguy cơ đe dọa đến sự tồn vong của nền văn minh chúng ta. Nhưng ngay cả khi cuộc khủng hoảng khí hậu được kiểm soát bằng cách nào đó, thì sự tăng trưởng kinh tế liên tục trong những thập kỷ tương lai sẽ khiến chúng ta phải đối mặt với hàng loạt các mối đe dọa hiện hữu. Hiện tại, nền văn minh của chúng ta đang hoạt động quá mức 40% so với khả năng bền vững của nó. Chúng ta nhanh chóng làm cạn kiệt các khu rừng, làm tuyệt chủng các loài động vật, côn trùng, cá, hủy hoại các nguồn nước ngọt, thậm chí cả lớp đất mặt vốn đang được canh tác. Chúng ta đã vượt qua ba trong số chín ranh giới xác định không gian hoạt động an toàn của con người, và GDP toàn cầu dự kiến sẽ tăng gấp đôi vào giữa thế kỷ, kèm theo những hậu quả có thể không thể đảo ngược và mang tính tàn phá.
Vào năm 2017, hơn 15.000 nhà khoa học từ 184 quốc gia đã đưa ra một cảnh báo đáng ngại cho nhân loại rằng thời gian sắp hết. Họ khẳng định: “Sẽ là quá muộn để chuyển hướng khỏi quỹ đạo của sự sụp đổ toàn hành tinh của chúng ta”. Lời khẳng định này được Ủy ban Liên chính phủ về biến đổi khí hậu nhắc lại, rằng chúng ta cần “những thay đổi nhanh chóng, sâu rộng và chưa từng có trong mọi khía cạnh của xã hội” để tránh thảm họa.
Tuy nhiên, trong nỗ lực thúc đẩy tăng trưởng kinh tế, những cảnh báo này cho đến nay vẫn chưa được thực hiện. Liệu tác động của virus corona có thể làm thay đổi hiện trạng này hay không?
MỘT “TRÁI ĐẤT-PHÁO ĐÀI”
Có một rủi ro nghiêm trọng rằng, thay vì chuyển hướng từ quỹ đạo mang tính hủy diệt của chúng ta, thế giới hậu Covid-19 sẽ là một nơi mà các lực lượng hiện đang thúc đẩy cuộc đua đến địa ngục, đẩy nhanh tiến trình đi đến thảm họa toàn cầu. Trung Quốc đã nới lỏng luật môi trường để thúc đẩy sản xuất khi họ cố gắng phục hồi sau đợt bùng phát virus corona ban đầu, còn Cơ quan Bảo vệ Môi trường Hoa Kỳ đã tận dụng ngay cuộc khủng hoảng để đình chỉ việc thực thi các điều luật của mình, cho phép các công ty gây ô nhiễm nhiều như chúng muốn cho tới khi có thể chỉ ra mối quan hệ giữa những hoạt động gây ô nhiễm này với đại dịch Covid-19.
Ở quy mô lớn hơn, các nhà lãnh đạo vốn luôn đói quyền lực trên khắp thế giới đang tận dụng ngay chính cuộc khủng hoảng để kìm hãm quyền tự do cá nhân và đưa đất nước của họ nhanh chóng tiến tới chủ nghĩa độc tài. Nhà lãnh đạo Hungary Hungary, Viktor Orban, đã chính thức giết chết nền dân chủ của đất nước ông vào hôm thứ Hai (30/3) vừa rồi, khi thông qua dự luật cho phép ông cai trị bằng sắc lệnh, với án tù 5 năm cho những người mà ông xác định là đang truyền bá thông tin sai lệch. Thủ tướng Cộng hòa Israel Netanyahu đã đóng cửa các tòa án của đất nước của mình để có thể tránh phiên tòa xét xử tham nhũng của chính ông ta. Tại Hoa Kỳ, Bộ Tư pháp đã đệ trình yêu cầu cho phép đình chỉ các thủ tục tố tụng tại tòa án trong trường hợp khẩn cấp, và có nhiều người lo ngại rằng Trump sẽ lợi dụng tình trạng hỗn loạn để thiết lập thiết quân luật và cố gắng dàn xếp cho cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Ngay cả ở những quốc gia vốn luôn tìm cách tránh sự cai trị độc tài, thì sự gia tăng giám sát dựa trên công nghệ cao đang diễn ra trên khắp thế giới đang nhanh chóng làm suy yếu quyền riêng tư bất khả xâm phạm trước đây của công dân. Israel đã thông qua một nghị định khẩn cấp để đi theo sự dẫn dắt của Trung Quốc, Đài Loan và Hàn Quốc trong việc sử dụng các thông tin định vị trên điện thoại thông minh của công dân để theo dõi các liên hệ của những người có kết quả dương tính với coronavirus. Các nhà khai thác di động châu Âu đang chia sẻ dữ liệu người dùng (cho đến nay được ẩn danh) với các cơ quan chính phủ. Như Yuval Harari đã chỉ ra, trong thế giới hậu Covid, những biện pháp khẩn cấp ngắn hạn này có thể trở nên mang tính hiển nhiên.
Nếu những xu hướng này và các xu hướng đang định hình khác tiếp tục không được kiểm soát, chúng ta có thể nhanh chóng đi đến một kịch bản nghiệt ngã về cái gọi là “Trái Đất-Pháo đài”, với các khối quyền lực cố thủ nhằm loại bỏ tự do và các quyền hiến định vốn đã hình thành nền tảng cho thế giới hậu đại chiến. Chúng ta có thể thấy các nhà nước hùng mạnh giám sát các nền kinh tế vốn sẽ bị chi phối triệt để hơn nữa bởi một số công ty khổng lồ (như Amazon, Facebook) có thể kiếm tiền từ cuộc khủng hoảng để các cổ đông của họ được hưởng lợi.
Khoảng cách giữa “người có” và “kẻ không” thậm chí còn trở nên nghiêm trọng hơn, đặc biệt là khi các phương pháp điều trị virus được thương mại hóa nhưng lại có giá thành cao hơn khả năng chi trả của đa số bệnh nhân. Các quốc gia ở phương Nam toàn cầu, vốn đã phải đối mặt với viễn cảnh mang tính thảm họa do biến đổi khí hậu, có thể phải đối mặt với sự sụp đổ nếu virus corona lan tràn trong dân cư của họ, khi mà cùng lúc đó, một cuộc khủng hoảng toàn cầu khiến họ phải bỏ tiền để duy trì cơ sở hạ tầng tối thiểu. Biên giới có thể trở thành khu vực quân sự, bóp nghẹt quyền tự do di cư và tự do di chuyển. Sự ngờ vực và nỗi sợ hãi, vốn đã thể hiện bộ mặt xấu xí của mình trong các vụ cách ly đầy hoảng loạn đối với các bác sĩ ở Ấn Độ, hay việc mua súng tăng mạnh lên mức kỷ lục ở Mỹ, có thể trở thành một chứng bệnh địa phương.
XÃ HỘI ĐÃ CHUYỂN BIẾN
Nhưng thực tế không đen tối đến vậy. Quay trở lại những ngày đầu của Thế chiến II, mọi thứ thậm chí còn đen tối hơn, nhưng động lực cơ bản mới xuất hiện đã làm thay đổi căn bản quỹ đạo của lịch sử. Thông thường, chính sự ảm đạm của các thảm họa đã trở thành chất xúc tác cho các yếu tố tích cực xuất hiện và chiếm ưu thế. Cuộc tấn công của Nhật Bản vào Trân Châu Cảng là khoản khắc mà sự cân bằng sức mạnh của Thế chiến II thay đổi. Nỗi thống khổ tập thể để đối phó với sự tàn phá của chiến tranh toàn cầu đã dẫn đến việc thành lập Liên Hợp Quốc. Sự tàn bạo kinh khủng của các cuộc tàn sát người Do Thái của Hitler trong các trại tập trung đã dẫn đến sự thừa nhận quốc tế về tội ác diệt chủng và thúc đẩy sự ra đời Tuyên ngôn Nhân quyền của Liên Hợp Quốc.
Có thể là cái nồi nung kim loại của virus corona sẽ dẫn đến một sự tan vỡ của các chuẩn mực tân tự do, và sẽ định hình lại các cấu trúc mang tính chi phối của nền văn minh toàn cầu của chúng ta? Có thể một phản ứng tập thể quy mô lớn đối với sự độc tài và độc đoán thái quá sẽ dẫn đến sự phục hưng của các giá trị nhân đạo? Chúng ta đã thấy những dấu hiệu này. Mặc dù cửa sổ Overton đang cho phép các hoạt động giám sát và độc đoán xâm nhập từ một phía, nhưng nó cũng mở ra những thực tế và khả năng chính trị mới ở phía bên kia. Hãy cùng xem xét một số trong số này.
Một xã hội công bằng hơn. Bóng ma của sự sa thải và thất nghiệp quy mô lớn đã dẫn đến mức độ can thiệp của nhà nước để bảo vệ công dân và doanh nghiệp ở mức độ không thể tưởng tượng được. Đan Mạch có kế hoạch trả 75% tiền lương của nhân viên trong các công ty tư nhân bị ảnh hưởng bởi dịch bệnh, để giữ cho họ và doanh nghiệp của họ vượt qua khủng hoảng. Vương quốc Anh đã công bố một kế hoạch tương tự để chi trả 80% tiền lương. California đang cho thuê các khách sạn để làm nởi cho những người vô gia cư, và đã ủy quyền cho chính quyền địa phương tạm dừng các vụ trục xuất đối với người thuê nhà. Tiểu bang New York đang thả các tù nhân mắc các tội nhẹ ra khỏi nhà tù của bang. Tây Ban Nha đang quốc hữu hóa các bệnh viện tư nhân. Thỏa thuận Xanh mới, đã được xác nhận bởi các ứng cử viên tổng thống hàng đầu của đảng Dân chủ, hiện đang được thảo luận như là nền tảng chính của chương trình phục hồi kinh tế. Ý tưởng về thu nhập cơ bản phổ quát cho mọi người Mỹ, được đưa ra một cách táo bạo bởi ứng cử viên lâu năm của đảng Dân chủ, Andrew Yang, giờ đây đã trở thành một điểm nhấn, thậm chí ngay cả đối với các chính trị gia đảng Cộng hòa.
Hệ sinh thái ổn định hơn. Virus corona phát huy hiệu quả trong việc làm chậm tiến trình biến đổi khí hậu và sụp đổ sinh thái, nhiều hơn so với tất cả các sáng kiến chính sách của thế giới cộng lại. Vào tháng Hai, lượng khí thải CO2 của Trung Quốc đã giảm hơn 25%. Một nhà khoa học tính toán rằng số người Trung Quốc đã cứu sống nhờ giảm ô nhiễm không khí cao hơn 20 lần so với những người đã qua đời bởi virus corona. Trong năm tới, chúng ta có thể thấy sự giảm phát thải khí nhà kính lớn hơn cả các dự bác lạc quan nhất, nhờ kết quả của sự suy giảm trong hoạt động kinh tế. Như triết gia người Pháp Bruno Latour đã tweet: “Lần tới, khi các nhà sinh thái học bị chế giễu vì ‘nền kinh tế không thể hoạt động chậm lại’, họ nên nhớ rằng nó có thể bị đình trệ trong vài tuần trên toàn thế giới khi nó đủ khẩn cấp”.
Tất nhiên, không ai có thể đề xuất rằng hoạt động kinh tế nên bị gián đoạn một cách thảm khốc như thế này để đối phó với cuộc khủng hoảng khí hậu. Tuy nhiên, phản ứng khẩn cấp được khởi xướng rất nhanh bởi các chính phủ trên khắp thế giới đã cho thấy những gì thực sự có thể xảy ra khi mọi người đối mặt với những gì họ nhận ra là một cuộc khủng hoảng. Như là kết quả của các phong trào xã hội chống biến đổi khí hậu, hiện có tới 1.500 đô thị trên toàn thế giới, chiếm hơn 10% dân số toàn cầu, đã chính thức tuyên bố tình trạng khẩn cấp về khí hậu. Hiện tại, phản ứng với đại dịch Covid-19 có thể được coi là một biểu tượng của những gì thực sự có thể xảy ra khi sự sống của con người bị đe dọa. Đối với tình trạng biến đổi khí hậu, sự cấp bách thậm chí còn lớn hơn cả đại dịch Covid-19, vì nó trực tiếp đe dọa tới tồn tại của nền văn minh của chúng ta trong tương lai. Bây giờ, chúng ta đã thấy rằng thế giới có thể phản ứng đủ mức khi cần thiết, một khi ý chí chính trị của công chúng được thực thi và xã hội chuyển sang tình trạng khẩn cấp.
Sự gia tăng của tiến trình “địa phương hóa”. Một trong những đặc điểm xác định của Kỷ nguyên Tân tự do là tiến trình toàn cầu hóa mang tính phá hủy được dựa trên các quy tắc thị trường tự do. Các tập đoàn xuyên quốc gia đã đưa ra các điều khoản cho các quốc gia trong việc lựa chọn nơi hoạt động của họ, dẫn dắt các quốc gia cạnh tranh với nhau để làm giảm các biện pháp bảo hộ người lao động, trong một cuộc đua xuống đáy. Việc sử dụng nhiên liệu hóa thạch giá rẻ đã gây ra sự lạm dụng tài nguyên một cách lãng phí khi các sản phẩm được tung ra khắp thế giới để đáp ứng nhu cầu của người tiêu dùng do quảng cáo lôi kéo. Tiến trình toàn cầu hóa các thị trường này là một nguyên nhân chính của sự gia tăng lớn về tiêu dùng của trong Kỷ nguyên Tân tự do, đe dọa của sự tồn tại của nền văn minh. Trong khi đó, hàng loạt người dân bị ảnh hưởng bởi sự bất bình đẳng đang gia tăng đã bị thuyết phục bởi những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu để chuyển sự thất vọng của họ sang các nhóm bên ngoài như người nhập cư hoặc các dân tộc thiểu số.
Các tác động của đại dịch Covid-19 có thể dẫn đến sự đảo ngược của các chuẩn mực mới này. Khi các chuỗi cung bị đứt gãy, các cộng đồng sẽ tìm đến các nhà sản xuất tại địa phương và trong khu vực của họ để đáp ứng nhu cầu hàng ngày của mình. Khi một thiết bị tiêu dùng bị hỏng, mọi người sẽ cố gắng sửa chữa nó thay vì mua một thiết bị mới. Công nhân, vốn vừa mới bị thất nghiệp, có thể chuyển sang việc làm tại địa phương trong các công ty nhỏ hơn, phục vụ trực tiếp cho cộng đồng của họ.
Đồng thời, mọi người sẽ ngày càng quen thuộc với việc kết nối với người khác thông qua các cuộc họp video qua Internet, điều khiến cho bất kỳ ai ở bất kỳ đâu trên thế giới đều cảm thấy gần gũi nhau. Đây có thể là một đặc điểm nổi bật của thời đại mới. Ngay cả khi sản xuất được chuyển về địa phương, chúng ta vẫn có thể thấy sự gia tăng mạnh mẽ trong tiến trình toàn cầu hóa của các ý tưởng và cách suy nghĩ mới, một hiện tượng được gọi là “địa phương hóa”. Các nhà khoa học đang hợp tác trên khắp thế giới trong một nỗ lực tập thể chưa từng có để tìm ra vắc-xin trị Covid-19; và một thư viện đông đảo trên toàn cầu đang cung cấp một cuốn “Sổ tay công nghệ về virus corona” để thu thập và chia sẻ những ý tưởng tốt nhất nhằm ứng phó với đại dịch.
Cộng đồng nhân ái. Cuốn sách Rebecca Solnit năm 2009, A Paradise Built in Hell [Một thiên đường được xây dựng dưới địa ngục], ghi chép lại rằng, trái với niềm tin phổ biến, những thảm họa thường mang lại những điều tốt đẹp nhất cho con người, khi họ tiếp cận và giúp đỡ những người gặp khó khăn xung quanh. Với sự trỗi dậy của đại dịch Covid-19, cả thế giới đang quay cuồng vì một thảm họa ảnh hưởng đến tất cả chúng ta. Phản ứng mang tính nhân đạo mà Solnit quan sát được ở các vùng xảy ra thảm họa hiện đã lan rộng khắp hành tinh với tốc độ tương đương với tốc độ truyền nhiễm của chính virus corona. Các nhóm hỗ trợ lẫn nhau đang hình thành trong các cộng đồng ở khắp mọi nơi để giúp đỡ những người có nhu cầu. Trang web Karunavirus (Karuna là một từ tiếng Phạn có nghĩa là lòng trắc ẩn) ghi lại vô số hành động anh hùng hàng ngày, như ba mươi ngàn người Canada đã bắt đầu phong trào “chăm sóc người lang thang”, còn các nhà hàng nhỏ được duy trì bởi các cặp vợ chồng tại Detroit buộc phải đóng cửa và bây giờ đang nấu ăn cho người vô gia cư.
Đối diện với thảm họa, nhiều người đang khám phá lại rằng họ là một cộng đồng mạnh mẽ hơn họ tưởng rất nhiều, chứ không phải những cá nhân bị cô lập. Cụm từ “giãn cách xã hội” đang được tái sử dụng một cách hữu ích thành “giãn cách về mặt vật lý”, do Covid-19 đang đưa mọi người lại gần nhau hơn trong tình đoàn kết nhiều hơn bao giờ hết.
CUỘC CÁCH MẠNG VỀ CÁC GIÁ TRỊ
Việc khám phá lại giá trị của cộng đồng này có tiềm năng trở thành yếu tố quan trọng nhất trong việc định hình nên hướng đi của thời đại tiếp theo. Những ý tưởng mới và những khả năng chính trị rất quan trọng, nhưng cuối cùng một thời đại được xác định bởi các giá trị cơ bản của nó, trên đó mọi thứ khác được xây dựng.
Kỷ nguyên Tân tự do được xây dựng dựa trên một huyền thoại về cá nhân ích kỷ, vốn đã trở thành nền tảng cho các giá trị. Như lời tuyên bố nổi tiếng của Margaret Thatcher: “Không có thứ gì là xã hội cả. Chỉ có những người đàn ông, đàn bà riêng lẻ, và những gia đình”. Niềm tin vào cá nhân ích kỷ này không chỉ là nhân tố phá hoại của cộng đồng, mà nó còn sai về căn bản. Trên thực tế, từ góc độ tiến hóa, một đặc điểm xác định của loài người là tập hợp các xung lực ủng hộ xã hội của chúng ta – sự công bằng, lòng vị tha và lòng trắc ẩn – những phẩm tính khiến chúng ta đồng nhất với một thứ gì đó lớn hơn nhu cầu cá nhân của chúng ta. Các phản ứng mang tính từ bi đã phát sinh sau đại dịch thật khiến người ta ấm lòng, nhưng không có gì đáng ngạc nhiên – họ là những con người với bản tính tự nhiên là luôn có xu hướng đáp ứng những mong đợi của người khác.
Khi nồi ninh kim loại của virus corona bắt đầu nguội đi, và một trật tự xã hội mới xuất hiện, tình trạng khẩn cấp hơn về biến đổi khí hậu và sụp đổ sinh thái sẽ vẫn tiếp tục trở nên ngày càng cấp bách. Kỷ nguyên Tân tự do đã thiết lập một tiến trình văn minh trực tiếp hướng tới một nơi không có lối thoát. Nếu chúng ta thực sự chuyển hướng để ra khỏi quỹ đạo thất bại của mình, thì một kỷ nguyên mới phải được xác định, ở cấp độ sâu nhất, không chỉ bởi những lựa chọn chính trị hay kinh tế, mà bởi một cuộc cách mạng về giá trị. Đó phải là một thời đại mà các giá trị cốt lõi của con người về sự công bằng, tinh thần giúp đỡ lẫn nhau và lòng trắc ẩn là tối quan trọng, vượt ra khỏi cộng đồng hàng xóm để vươn tới Nhà nước và chính quyền quốc gia, vươn tới cộng đồng nhân loại và cuối cùng là cộng đồng của tất cả sinh vật chung sống trên Quả Đất quê hương. Nếu chúng ta có thể thay đổi nền tảng của nền văn minh toàn cầu của chúng ta từ một nền tảng dựa trên sự giàu có sang một nền tảng trân trọng sự sống, thì chúng ta có cơ hội tạo ra một tương lai hưng thịnh cho nhân loại và Trái Đất.
Ở cấp độ này, thảm họa Covid-19 mang lại cho một cơ hội cho loài người, mà mỗi người chúng ta đều cùng tham gia một cách đầy ý nghĩa. Tất cả chúng ta đều đang ở trong lò bát quái của virus corona, và những lựa chọn mà chúng ta cùng thực hiện với nhau, trong nhiều tuần và tháng tới, với tư cách một tập thể, sẽ xác định hình dạng các đặc điểm của thời đại tiếp theo. Dù chúng ta có nghĩ lớn đến đâu về những ảnh hưởng trong tương lai của đại dịch này, chúng vẫn có thể nghĩ lớn hơn. Như ai đó đã từng nói, một cách không thể rõ ràng hơn: “Lãng phí một cuộc khủng hoảng chính là một sự lãng phí khủng khiếp nhất”./.
Jeremy Lent là tác giả của cuốn sách: The Patterning Instinct: A Cultural History of Humanity’s Search for Meaning, nghiên cứu cách thức các nền văn hóa khác nhau hình thành ý nghĩa về vũ trụ và cách thay đổi của các giá trị cơ bản của các nền văn hóa này trong suốt tiến trình lịch sử của chúng. Cuốn sách sắp ra mắt của ông, Web of Meaning: Integrating Science and Traditional Wisdom to Find Our Place in the Universe, sẽ được xuất bản vào mùa xuân năm 2021 (New Society Press: North America | Profile Books: UK & Commonwealth). Để biết thêm thông tin, xin mời truy cập trang Web: jeremylent.com.
Nguồn: Patterns of Meaning, 5/4/2020