Cách đây vài năm, nhân chuyến về VN, tôi được trường đại học X mời đến thăm để bàn cơ hội hợp tác. Họ tiếp đón tiếp trọng thị, đưa tôi đi tham quan cơ sở vật chất chuyên ngành, xem sản phẩm sinh viên, gặp nhiều người có trách nhiệm từ ban giám hiệu trường đến trưởng phó khoa, các giảng viên, nhân viên phòng lab.
Nhưng trên đường về, lòng thật buồn. Nỗi buồn cứ lan man theo tôi và trỗi dậy trong mấy tuần qua, khi báo chí và mạng xã hội trong nước xôn xao chuyện “mua bán” công trình khoa học.
Hôm đó, họ đề nghị hai hình thức “hợp tác” cơ bản. Một, tôi đứng tên trong đội ngũ cơ hữu để họ làm thủ tục mở chuyên ngành. Không cần làm gì cả, chỉ cần đứng tên (vì tôi có hàm vị học thuật cần thiết theo quy định của Bộ Giáo dục), hằng tháng sẽ nhận một mức lương kha khá. Nếu thu xếp được thì giờ thì về giảng dạy, nhưng không nhất thiết.
Hai, họ đề nghị tôi hỗ trợ mảng khoa học, bằng cách ký tên tôi dưới danh nghĩa trường X trong các công trình của tôi trên thế giới. Đổi lại, họ sẽ trả mỗi bài một mức tiền khá cao, được quy định cụ thể trong một hợp đồng kinh tế (tuỳ theo đẳng cấp tạp chí đăng bài, thứ tự tên tác giả…).
Vài tuần sau đó, sau một chuỗi email bàn bạc nhưng có vẻ không dẫn đến đâu vì hai bên hiểu khái niệm “hợp tác” khác nhau, tôi phải viết thư nói rõ ra. Rằng tôi sẽ không đứng tên trong bất cứ các công trình tôi làm bên này dưới tên X. Rằng tôi sẽ chỉ đứng tên vào đội ngũ nếu tôi thực sự tham gia giảng dạy, chứ không phải để cho họ đủ ban bệ. Lý do, tôi cũng nói thẳng với họ, là nó không phù hợp với các nguyên tắc và chuẩn mực nghề nghiệp mà tôi muốn gìn giữ cho riêng mình.
Kể lại chuyện trên không phải để phê phán một đơn vị riêng lẻ nào. X không phải là nơi đầu tiên tôi từ khước những việc này: từng có vài trường ĐH ở Trung Quốc và VN đề nghị tôi làm tương tự để nhận các khoản tiền không nhỏ.
Một loạt bài điều tra trên báo Thanh Niên vào giữa tháng Tám cho thấy đây là cả một ngành công nghiệp quy củ, phục vụ cho một thị trường béo bở giữa nhiều cá nhân và tổ chức trong và ngoài nước. Loạt bài – dù có một vài sai sót kỹ thuật nhỏ, dễ gây hiểu nhầm – cho thấy chuyện mua danh bán tiếng khoa học mang rất nhiều dạng thái. Bên cạnh các trường trả tiền để được hưởng tiếng thơm công trình quốc tế (và để nâng vị trí xếp hạng) là rất nhiều cá nhân đi thuê viết luận văn để lấy bằng cấp, mua bài trên các tạp chí khoa học dỏm để đủ tiêu chuẩn lên giáo sư hay phó giáo sư…
Nhiều lần đem chuyện này ra tâm sự với đồng nghiệp trong nước, tôi đều nhận những cái lắc đầu, bức xúc nhưng cam chịu. Có lẽ vì nó phổ dụng nên khi đề xuất các “hợp tác” trên với tôi, những người bạn trường X rất tự nhiên, như không có gì để băn khoăn cả. Dường như một cái không bình thường đang được bình thường hoá.
Những ngày qua, theo dõi tranh luận quanh việc này, tôi thấy nhiều lý lẽ bênh vực cho chuyện “mua bán”. Rằng chính nhờ chịu khó chi mạnh cho những việc đó mà một vài trường đại học non trẻ (“bên mua”) vượt qua và gây sức ép khiến các đại học lâu đời đẩy mạnh nghiên cứu hơn. Rằng nhờ đó mà các nhà khoa học viết thuê (“bên bán”) có thêm thu nhập đủ sống trước khi cống hiến cho khoa học. Rằng nhờ đó mà VN còn hiển hiện đôi chút trong nền khoa văn thế giới. Rằng làm thế cũng chẳng vi phạm luật pháp.
Những lý lẽ ấy, theo tôi, đều bỏ qua hai khía cạnh căn cơ của vấn đề.
Thứ nhất, khoa học không thể phát triển trên tư duy “ăn xổi ở thì”, chạy theo cái phù du trước mắt. Khi từ chối trường X, tôi nói tôi rất muốn giúp trường nhưng nếu làm như ý họ thì tôi chẳng giúp gì để họ phát triển bền vững. Trước đó, tôi đề nghị họ lập ra một nhóm giảng viên nòng cốt, hằng năm tôi sẽ sắp xếp đi về, thậm chí có thể mời gọi các đồng nghiệp khác về cùng, để vừa dạy cho sinh viên, giúp họ soạn thảo chương trình, vừa hướng dẫn kỹ năng nghiên cứu cũng như cùng họ làm đề tài để công bố quốc tế.
Làm thế sẽ được cả đôi đường – tôi thoả mãn ước muốn đem kinh nghiệm và tri thức về chia sẻ với các đồng nghiệp và sinh viên, đóng góp cho nền học thuật nước nhà, còn nhà trường được một đội ngũ kỹ năng, về lâu dài có thể tự nghiên cứu và sản xuất bài báo khoa học quốc tế. Nhưng những việc thực chất này lại có vẻ xa xôi so với các mục tiêu mà họ muốn gặt liền tay từ sự “hợp tác” với tôi.
Không biết có bao giờ họ nghĩ rằng vẻ ngoài bóng nhoáng không thể che dấu lâu dài cho sự rỗng tuếch bên trong? Toà lâu đài trên cát có nguy nga đến mấy cũng sẽ tới lúc đổ nhào.
Thứ hai, đây là một câu chuyện đạo đức, với nhiều hệ luỵ xã hội. Không thể không “rùng mình” khi những hành vi trên diễn ra ngay trong một tầng lớp được cho là tinh hoa, có ảnh hưởng sâu sắc đến tương lai đất nước và vận mệnh dân tộc. Kẻ mua cũng tệ, người bán cũng chẳng hơn. Sự liêm chính ở đâu? Lòng tự trọng khoa học ở đâu? Tinh thần học hỏi ở đâu? Sự kiên trì khám phá thế giới ở đâu? Sự khát khao và khiêm nhường trước tri thức ở đâu?
Không có những cột trụ nền tảng đó thì sẽ chẳng bao giờ có một nền khoa học – và rộng hơn, một trình độ phát triển – đường hoàng và bền vững. Hãy tưởng tượng những ông bà giáo sư, tiến sĩ theo con đường mua bán này sẽ trở thành những chuyên gia, cố vấn, lãnh đạo khoa học tại các trường viện và bên ngoài xã hội thì đất nước sẽ về đâu? Điều gì sẽ xảy ra nếu xã hội đặt chẳng may đặt niềm tin và đổ dồn đầu tư vào các trường đại học nổi danh nhờ các công trình quốc tế không do họ làm ra?
Tôi phải nói ngay là tôi vẫn gặp ở trong nước rất nhiều nhà khoa học tài năng, thành đạt trên những trụ cột đạo đức trên. Nhưng tin xấu lan nhanh hơn tin tốt. Chỉ vài trường hợp như trên cũng đủ để nhiều người dân đóng thuế nuôi khoa học, nhiều phụ huynh đóng tiền cho con đi học và nhất là các em sinh viên suy nghĩ tiêu cực về thế giới những con người đang dẫn dắt nghiên cứu và truyền bá tri thức trên giảng đường.
Nói cách khác, nếu giới khoa bảng VN không chung tay để biến những vấn nạn trên trở thành chuyện bất bình thường, họ sẽ dễ bị xã hội nghi vấn, xa lánh và coi rẻ. Và khi khoa học không còn được xã hội coi trọng, khoa học sẽ mất tính chính danh. Khoa học sẽ không còn là khoa học.
TS Nguyễn Đức An nguyên là nhà báo ở TP HCM, hiện là phó giáo sư ngành báo chí-truyền thông tại Đại Học Bournemouth, Anh Quốc.
Nguồn: BBC