Seite auswählen

Phương Tôn

7.9.2020

Khoahocnet

Ra vào nước Mỹ nhiều lần tôi thường được dặn dò, có tối thiểu hai điều phải hết sức tránh đừng đụng đến mà mang họa vào thân là khi đến phi trường Mỹ, khi đối diện với nhân viên kiểm soát giấy tờ nhập cảnh thì đừng nên đùa. Trình giấy tờ, trả lời các câu hỏi được đặt ra rồi im lặng chờ đợi để được nhập vào đất Mỹ. Ở đó không có gì vui để mà nhếch mép… cười. Mà thật ra nhìn những khuôn mặt “hình sự” của mấy ổng cũng hết hứng để cười!

Cái thứ nhì được dặn dò là có thể chửi Tổng Thống, chống những cuộc chiến tranh mà Mỹ gây ra hoặc có tham dự vào nhưng đừng bao giờ nói những lời xúc phạm đến những cựu chiến binh, những thương bệnh binh và những người ngã xuống vì chiến tranh. Đây là những người được dân Mỹ tôn trọng dù bất kỳ ở một đảng phái, quan điểm chính trị nào. Đây là vùng cấm, đụng đến thì thân bại danh liệt ráng chịu.

Với người dân Mỹ, họ chấp nhận làm kẻ bại trận, thất bại trong một số cuộc chiến do chính phủ của họ gây ra nhưng những người chết vì chiến đấu, những cựu binh thương tật, bị đối phương bắt tù đày là những người anh hùng bất tử của họ. Những người không bao giờ thua cuộc.

Các cựu chiến binh, được coi trọng trong xã hội Mỹ, được đối xử với sự tôn trọng phi đảng phái, bất kể họ có tham chiến hay không. “Thank you for your service” (Cảm ơn vì sự phục vụ của bạn) là một cụm từ thường được thể hiện một cách tự nhiên đối với những cựu binh hoặc vẫn còn tại ngũ, cũng như đối với các sĩ quan cảnh sát và lính cứu hỏa.

Có đến “Bức Tường Chiến Tranh Việt Nam” ở DC ghi tên 58.000 cựu binh Mỹ ngã xuống ở chiến trường Việt Nam, nhìn thái độ trân trọng nghiêm trang của người Mỹ viếng thăm mới cảm nhận được tình cảm của họ dành cho những người lính hy sinh vì cuộc chiến. Cũng vì vậy dù rất bực mình bất mãn, vì đến từ một đất nước với nền văn hóa, tập quán khác biệt, tôi có thể hiểu được khi vào một buổi tối mùa thu trong tay với ly cafe đi lang thang với bạn trong một công viên tại DC, khi đến trước một bức tượng của một vị anh hùng nào đó, chưa kịp ngắm thì đã bị một anh cảnh sát đến bảo là “không được uống cafe trước mặt ông”. Tôi trả lời là “tôi không uống, chỉ cầm ly cafe mà thôi”. Thế là anh ta trở nên hung dữ, đuổi tụi tôi ra khỏi công viên.

Cái câu hỏi “thái độ của viên cảnh sát là chỉ dành cho người da màu như tôi hay cho tất cả người dân Mỹ, cũng như liệu người Mỹ có thật lòng tôn trọng những cựu binh đã hy sinh cho đất nước hay không?” vẫn mãi ám ảnh, lẩn quẩn trong đầu từ nhiều năm nay. Nhưng ngày hôm nay, có thể tôi đã tìm ra câu trả lời:

Trong tuần vừa qua, Donald Trump Tổng thống Mỹ và do đó cũng là Tổng Tư lệnh Quân Đội Mỹ được cho là đã mô tả những người lính Mỹ đã chết trong Thế chiến thứ nhất là những “kẻ thất bại” (loser) và “những kẻ khờ khạo” (sucker) đã dấy lên một nguồn dư luận ồn ào trong công chúng Mỹ.

Nguồn tin về những lời khinh miệt của Trump do chính Jeffrey Goldberg, tổng biên tập tạp chí truyền thống có từ 1857 “The Atlantic” đưa ra dựa trên lời của bốn nhân chứng sống ẩn danh.

Trong bài báo, Goldberg đề cập đến kế hoạch chuyến thăm nghĩa trang quân sự Mỹ Aisne-Marne gần Paris nơi chôn cất 2.289 lính Mỹ đã bị quân Đức giết vào năm 1918 trong trận đánh ở rừng Belleau – nhằm ngăn chặn bước tiến của quân Đức vào Paris. Kế hoạch viếng thăm nghĩa trang Aisne-Marne của Trump vào năm 2018 bất thành vì lý do thời tiết mưa và sương mù, theo lời của Tòa Bạch Ốc. (Trong khi tổng thống Pháp Macro và bà Thủ tướng Đức Merkel vẫn hiện diện bình thường)

Nhưng điều đó không đúng. Lý do thực sự, theo các nhân chứng sống: Trump đã lo lắng vì sợ trời mưa gió làm hư mái tóc của ông ta. Hơn nữa, ông ta thấy việc tưởng niệm những người lính đã khuất chẳng có ích gì. “Tại sao tôi phải đến nghĩa trang đó? Nó đầy những người thua cuộc”, Trump, Tổng tư Lệnh quân đội Mỹ được cho là đã nói những lời khinh miệt những người lính Mỹ đã hy sinh vào buổi sáng ngày kỷ niệm 100 năm chấm dứt đệ nhất thế chiến. 

Không những vậy, Goldberg còn nêu lên trong bài viết về ngày Memorial Day 2017 khi Trump đến thăm nghĩa trang quân sự Arlington, Mỹ cùng với Bộ trưởng Quốc phòng khi đó John Kelly, nơi chôn cất con trai Robert của Kelly. Anh ta bị giết ở Afghanistan vào năm 2010. Thay vì im lặng tưởng nhớ những người đã hy sinh như những người khác, Trump quay sang nói cùng Kelly: “Tôi không hiểu. Điều gì đã xảy ra với họ?” Đó chỉ là một trong rất nhiều thái độ về sự thờ ơ của Trump với quân nhân Mỹ từng được nêu công khai trước đây.

Ngoài tạp chí “The Atlantic” hiện nay còn có thêm các phương tiện truyền thông uy tín khác như CNN, Washington Post, New York Time và hãng thông tấn AP với nhân chứng riêng đã xác nhận những lời khinh miệt dành cho những người đã hy sinh vì đất nước của Trump là có thật. Đặc biệt với Jennifer Griffin, một nữ phóng viên nổi tiếng của đài truyền hình bảo thủ Fox News, được xem là đài nhà của Trump cũng đã tìm được hai nhân chứng của riêng mình, hai cựu viên chức cao cấp trong nội các ông Trump để xác nhận hầu hết các cáo buộc dành cho Trump.

Đi xa hơn, nguồn tin riêng của Jennifer Griffin còn cho biết, Trump đã từng cho rằng “Đó là một cuộc chiến ngu ngốc” cũng như “Tất cả những người ở đó đều là một kẻ ngốc.” (những người lính Mỹ sang Việt Nam tham gia vào cuộc chiến), khi ông ta nói về cuộc chiến tranh Việt Nam. Ngoài ra nguồn tin của Jennifer Griffin còn tiết lộ, trong buổi họp bàn về kế hoạch tổ chức duyệt binh Lễ Độc lập, ông Trump than phiền “đội duyệt binh sẽ nhìn không đẹp nếu trong đó có thương phế binh”.

Trump thích tự nhận mình là một người yêu nước, nhưng sự thật lại khác hẵn. Đối với ông ta, không gì tốt hơn là kinh doanh, luôn quyết định mọi thứ theo logic của một nhà kinh doanh – chỉ những người kinh doanh tốt mới đáng được ghi nhận (- và không ai kinh doanh tốt hơn ông ta). Trump coi việc hy sinh mạng sống của mình cho một đất nước là một việc tồi tệ, chỉ có những kẻ thua cuộc mới tham gia. Đây không phải là lần đầu mà thuật ngữ “kẻ thất bại” thường được sử dụng trong nhiệm kỳ của Trump, chẳng hạn liên quan đến cố Thượng nghị sĩ John McCain, người đã trải qua vài năm làm tù nhân chiến tranh ở Việt Nam và người mà Trump ganh tỵ đến mức cố gắng ngăn chặn Washington treo cờ rủ sau khi McCain qua đời “Tại sao chúng ta phải làm điều này?” (treo cờ rủ). Trump khẳng định, McCain không phải là anh hùng chiến tranh mà ngược lại là “Một đứa thất bại” (nói về McCain) và cho rằng, ông thích những người không bị bắt hơn.

Trump “thực sự” không hiểu tại sao tù nhân chiến tranh hoặc phi công bị bắn hạ lại được tôn trọng ở Mỹ. Ông ta từng chế nhạo cựu Tổng thống George Bush, người bị bắn rơi khi chiến đấu trên vùng trời Thái Bình Dương vào năm 1944, là “kẻ thất bại”.

Trump cho rằng lính Mỹ nói chung là “những kẻ khờ khạo” vì họ phục vụ một cách tự nguyện mà không có triển vọng giàu có. “Ông ta không thể tưởng tượng sẽ làm bất cứ điều gì cho người khác”, Goldberg trích lời một người bạn của tướng Kelly, người được cho là đã nói như vậy về Trump. Trump nói về cựu tổng tham mưu trưởng Joe Dunford: “Ông ấy thật thông minh. Tại sao ông ta lại tham gia quân đội?”

Trong chiến dịch tranh cử năm 2016, Trump đã tổ chức một buổi dạ tiệc từ thiện (Charity Gala) cho các cựu chiến binh, nhưng sau đó đã sử dụng gần 3 triệu USD quyên góp cho các mục đích riêng của mình. Vào tháng 11 năm 2019, một thẩm phán đã kết án ông ta phải bồi thường hai triệu đô la tiền bồi thường thiệt hại.(https://www.courthousenews.com/wp-content/uploads/2019/11/trump-foundation-order.pd)

Bằng cách gọi những người lính đã ngã xuống là “kẻ thất bại”, Donald Trump đang làm tổn thương nhiều người đã mất người thân hoặc bạn bè đồng đội trong chiến tranh. Theo số liệu của bộ quốc phòng Mỹ, 4.431 người Mỹ đã chết trong chiến tranh Iraq từ năm 2003 đến 2010, hơn 2.400 người ở Afghanistan kể từ năm 2001.

Đối với người Việt chúng ta, những người ngay từ trong bụng mẹ đã phải cùng sống với bom đạn, không một gia đình nào lại không có người thân thuộc mất mát, hy sinh trong một cuộc chiến tranh gây tranh cãi, những bà mẹ đã từng ôm xác con, những người vợ trẻ đầu quấn khăn tang với những đứa con thơ còn ẩm bồng trên tay, các cựu quân nhân, những người bị đày ải hàng chục năm dài trong những cái gọi là “trại cải tạo” chỉ vì từng là người lính của VNCH và gia đình của họ sẽ nghĩ gì khi ông Trump cho rằng, người thân, đồng đội của họ đang nằm trong lòng đất mẹ là “những người thua cuộc” là những “kẻ khờ khạo”? Nếu họ vẫn tiếp tục tôn thờ ông ta thì chính họ đã tự phản bội, tự khinh miệt lấy mình, tự giam mình trong cõi u minh!

Không phải yêu nước là phải đi lính, không phải anh hùng của đất nước chỉ là những người lính và ngược lại, không phải tất cả người lính là anh hùng nhưng những người lính nằm xuống vì đất nước dù thuộc một chiến tuyến nào , nếu không phải là những người thuộc loại tội phạm gây tội ác chiến tranh, nếu không phải là anh hùng thì họ đều không phải là những “người thua cuộc”, đây là điều khẳng định dù bạn hoặc tôi có thuộc nhóm người phản đối chiến tranh, xem chiến tranh là một sản phẩm tồi tệ, vô đạo đức của nhân loại đi chăng nữa.

Phương Tôn

Tháng 9. 2020

Theo các nguồn tin từ:

theatlantic.com; washingtonpost.com; foxnews.com/person/g/jennifer-griffin; spiegel.de; zeit.de

Trump: Chỉ súc vật mới miệt thị lính Mỹ tử trận

8.9.2020

Trump bác thông tin Atlantic đưa ra rằng ông miệt thị lính Mỹ tử trận trong Thế chiến I, cáo buộc tổng biên tập tạp chí này thân đảng Dân chủ.

“Chỉ có súc vật mới nói như thế”, Tổng thống Mỹ Donald Trump nói tại họp báo ở Nhà Trắng ngày 7/9, đề cập tới bài viết trên tạp chí Atlantic tuần trước, dẫn các nguồn giấu tên nói rằng Trump năm 2018 từng hủy chuyến thăm tới nghĩa trang Aisne-Marne gần thủ đô Paris của Pháp năm 2018 vì cho rằng đây là nơi “đầy những kẻ bại trận”.

Bài báo còn cho biết Trump đã gọi 1.800 lính thủy đánh bộ Mỹ chết trong trận chiến Rừng Belleau thời kỳ Thế chiến I đang được chôn cất ở nghĩa trang này là “những kẻ thảm hại” vì đã bị giết. Chính quyền Trump phủ nhận toàn bộ các chi tiết trong bài báo.

Trump nói tác giả bài báo, Tổng biên tập Jeffrey Goldberg của Atlantic, có một “quá khứ cực kỳ tồi tệ” và cáo buộc ông là người ủng hộ đảng Dân chủ. Trump từng chỉ trích Goldberg là “kẻ lươn lẹo” và kêu gọi sa thải một phóng viên Fox News, người đã xác nhận các thông tin trong bài báo.

“Câu chuyện đó là một trò lừa đảo, được viết bởi một người có quá khứ tồi tệ. Bản thân tờ tạp chí mà tôi không đọc đó, tôi nghe nói nó hoàn toàn chống Trump… Goldberg bịa ra câu chuyện, đó là câu chuyện hoàn toàn bịa đặt”, Tổng thống Mỹ nói.

Giới quan sát cho rằng bài viết của Atlantic có thể gây ra một cuộc khủng hoảng với Trump, khiến sự ủng hộ của giới quân sự dành cho ông sụt giảm. Một cuộc thăm dò do báo Military Times thực hiện gần đây cho thấy tỷ lệ ủng hộ Biden trong quân đội đang cao hơn Trump 4 điểm phần trăm. Đây là một dấu hiệu đáng lo ngại bởi quân đội Mỹ lâu nay vẫn luôn dành sự ủng hộ cho đảng Cộng hòa.

Goldberg trong cuộc phỏng vấn hôm 6/9 tuyên bố sẽ “có thêm nhiều bài báo được công bố về việc này, cũng như thêm nguồn xác nhận và thông tin mới trong thời gian tới”. Tổng biên tập Atlantic cho rằng tạp chí này sẽ thực hiện trách nhiệm của mình “bất kể Tổng thống nói gì”.

Trong họp báo hôm qua, Trump thêm rằng ông “không hiểu” tại sao người ta lại liên hệ những gì ông nói về cố thượng nghị sĩ John McCain Trump trước đây với những cáo buộc được đưa ra trong bài báo. Trump từng nói McCain không phải một anh hùng chiến tranh của Mỹ. “Tôi thích những người không bị bắt”, Trump lúc bấy giờ nói.

Thượng nghị sĩ McCain từng bị bắt khi tham chiến ở Việt Nam hồi năm 1967. McCain cũng từng là người chỉ trích Trump khi ông tranh cử để trở thành ứng viên tổng thống đảng Cộng hòa năm 2015-2016. Bài báo trên Atlantic khẳng định Trump không muốn treo cờ rủ tại Nhà Trắng khi McCain qua đời vào năm 2018.

“Thành thật mà nói, tôi chưa bao là một fan của John McCain, bạn biết đấy, điều đó rất hiển nhiên. Vì vậy, tôi không thể nói, ‘đó thật là một người đàn ông tuyệt vời’. Chúng tôi có những quan điểm riêng”, Trump nói. “Tôi tôn trọng rất nhiều người, điều đó không có nghĩa tôi nhất thiết phải nhất trí với họ và tôi đã không đồng quan điểm với McCain về rất nhiều thứ”.

Nguồn: vnExpress