„Tôi nghe mà mềm cả ruột. Cái sự ngây thơ của người miền Nam nó như vậy đấy. Nhưng chính cái sự ngây thơ ấy giúp họ biết yêu cái thiện, biết níu giữ cái Thiện. Đó là điều mà những kẻ gian trá thời nay không thể hiểu được.“
Từ Thức
Nếu như Sài Gòn xưa từng được mệnh danh là hòn ngọc Viễn Đông, vậy thì người dân xứ ấy xứng đáng là viên minh châu tỏa sáng trong lòng đại dương. Cũng giống như rất nhiều người Bắc Kỳ khác vào Nam làm ăn sinh sống, tôi bị “hớp hồn” bởi cái ngây thơ của người miền Nam.
Chúng tôi, những người sống ở ngoài Thanh Nghệ đổ ra, trong một thời đại mà người dân xứ ấy đã quên mất bản lai diện mục của truyền thống văn hóa, mất đi niềm tin và chỗ dựa tinh thần, không khỏi cảm thấy e thẹn trước cái đẹp của người miền Nam.
Tôi định cư ở Sài Gòn chưa lâu, nhưng đã làm quen được kha khá những người dân bản địa. Đối với tôi thì họ là trang sách sử không được ghi chép lại. Mỗi người trong số họ lưu giữ không chỉ ký ức mà cả cách lý giải chân thực nhất mà tôi từng biết đến. Đôi lời kể về bác trai già ở công viên Tầm Vu nọ. Tôi gặp ông trong một buổi chiều loang nắng, ông trông thật nhàn nhã dưới tán cây vạn tuế. Tôi thích bắt chuyện với người già, bởi họ luôn mang theo sự trầm tĩnh và lắng nghe những gì tôi muốn kể. Ông hơi ngạc nhiên khi tôi đến. Tôi không nhớ rõ lắm chúng tôi đã tiến tới như thế nào, đại khái chúng tôi nói dăm ba câu chuyện lịch sử và con người. Và khi nói đến nghìn năm đô hộ của giặc Tàu thì tôi chỉ lắng nghe.
Ông hỏi: “Mày có biết tại sao mà thằng Tàu chiếm nước mình cả nghìn năm mà nó không đồng hóa được Việt Nam không?”
Tôi nói tôi không biết. Tôi có một vài ý tưởng trong lòng nhưng không nói ra. Tôi chỉ muốn nghe ông nói. Ông cười ha hả, bảo:
“Đấy là nhờ các bà cả. Chứ đám đàn ông chẳng được tích sự gì.”
Nói xong, ông chép miệng. Tôi tỏ ra tò mò:
“Thế nghĩa là sao ông?”
Ông nói tiếp:
“Thì bọn Tàu ấy, chúng nó qua nước mình, thì hoặc là con buôn, hoặc là thầy thuốc. Mấy tay đó thì kiêu lắm, chúng nó nào để đàn ông mình cưới con gái nó. Chỉ có mấy gã đấy lấy đàn bà nước mình thôi à. Mà chúng toàn lấy gái trẻ, còn nó thì già. Đợi chúng nó chết đi rồi, con cái theo mẹ cả. Thế là nào tiệm thuốc, nào cửa hàng, về hết bên ngoại. Đợi nước mình giàu rồi mới có tiền, mới có của để bọn đàn ông đánh giặc.”
Lúc ấy tôi mới vỡ lẽ ra. Hóa ra cái tinh túy của dân Việt ở chỗ đàn bà cả. Mấy gã đàn ông chỉ biết có chém giết, nhưng đàn bà thì biết chịu trăm cái khổ, cái nhục mà lũ đàn ông có bao giờ hiểu đâu! Tôi nhớ Chu Văn Vương có viết trong Chu Dịch: “Thiên hành kiện, quân tử dĩ tự cường bất tức. Địa thế khôn, quân tử dĩ hậu đức tái vật”, ra là vậy. Cái uy đức của người đàn bà không rực rỡ như ánh mặt trời, nhưng lại chuyên chở vạn vật. Không có đất, cây cối biết trồng ở đâu? Không có người mẹ, con trai con gái biết dựa vào ai?
Lại có một bác gái nọ. Tôi trọ ở gần nhà bác, thường hay tới tiệm cơm tấm gần nhà bác ăn. Bác ấy và chủ tiệm cơm nọ chắc là cùng hội phụ nữ với nhau, thường hay ngồi chơi tán dóc. Tôi tới ăn cơm mà có bác ngồi đó, kiểu gì cũng có thêm vài miếng cá miếng canh. Bác làm hơi dư, để phần cho tôi. Hoặc giả hôm ấy bác có món gì tâm đắc quá, cũng để cho tôi vài miếng. Tôi cũng chẳng ngại khen bác mấy câu. Bác vui lắm.
Tôi thích nói mấy chuyện luân hồi báo ứng. Nói những tâm đắc tinh tủy mà mình hiểu được, làm được. Nói cả những chuyện phiếm của đồng môn, và những thần tích khắp mọi nơi. Bác ấy chỉ nghe tôi nói đôi lời, liền mừng quýnh, bảo:
“Bác thấy mày nói hay quá, hay mày về chỉ cho con gái bác với.”
Ban đầu tôi ngại. Ai đời mình nhỏ tuổi, lại đi giáo huấn người khác.
Lâu lâu nói mấy câu hợp ngữ cảnh còn được. Ở chỗ tôi ai mà nói chuyện đạo lý thì ít người chịu lắng nghe lắm. Thấy tôi ngại ngùng, bác bảo:
“Con ơi, bác ngu lắm. Bác có biết gì đâu. Con bác nó khổ, mà bác không biết dạy nó đường nào. Bác thấy Đạo của con tốt, con về dạy nó dùm bác.”
Tôi nghe mà mềm cả ruột. Cái sự ngây thơ của người miền Nam nó như vậy đấy. Nhưng chính cái sự ngây thơ ấy giúp họ biết yêu cái thiện, biết níu giữ cái Thiện. Đó là điều mà những kẻ gian trá thời nay không thể hiểu được. Tôi thấy thương bác quá, cũng làm theo vậy.
Khi tôi đi dạo trên những trang web, facebook, cũng thường rất thích vào những trang của người miền Nam. Cái văn phong của người Nam ấy, đọc nó mê lắm. Lời văn thường hóm hỉnh, hoài cổ, nhưng nội hàm cái nhìn sâu sắc về thời đại, lịch sử. Sự uyên bác trong những gì họ viết, họ chia sẻ là khó có thể tìm thấy trong sách báo ở trường lớp nào ngày nay. Người miền Nam đi ra nước ngoài cũng khiến đất nước nở mày nở mặt. Những cộng đồng người Việt di cư sang các châu lục khác và tạo dựng được chỗ đứng của mình đa phần là nhờ bàn tay công sức người miền Nam. Họ trở thành luật sư, bác sĩ, kỹ sư, phi công… một vài trong số họ trở thành nghị sĩ và cả tướng trong các quân chủng khác nhau. Thúy Nga ngày nay đã trở thành biểu tượng bất diệt cho một nền âm nhạc đậm màu sắc Việt, mà trong nước không đâu tìm thấy một cá nhân tổ chức nào có thể so sánh. Những điều này đã khiến cho giới nhân chủng học phải sửng sốt. Và có lẽ đúng như ngài Lý Hiển Long, thủ tướng Singapore nói vậy. Nếu ở Đông Nam Á có vị trí số 1, thì đó tất nhiên là Việt Nam, trong đó bao gồm yếu tố con người, mặc dù người Việt Nam hiện nay cũng không tin vào những lời nói ấy. Tuy nhiên khi nhìn vào những cộng đồng Việt Nam cư trú ở nước ngoài thì chúng ta biết đó đích thị là sự thật vậy.
Do những bước ngoặt của lịch sử đương đại, một tầng lớp trí thức người miền Nam Việt Nam đã ra đi và mang theo văn hóa truyền thống của cha ông. Họ ra đi nhưng không hề hòa tan hay biến mất. Họ ôm trong lòng một giấc mơ về một Việt Nam của riêng họ, và không lúc nào ngừng khắc khoải nỗi niềm với quê hương.
Từ Thức