Seite auswählen

NGUỒN HÌNH ẢNH,DTTT FACEBOOK Chụp lại hình ảnh, Nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thủy

Nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thuỷ bị tuyên 7 năm tù tại tòa sơ thẩm tỉnh Hậu Giang ngày 20/1 với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước” theo Điều 117 Bộ Luật Hình sự.

Trao đổi với BBC News Tiếng Việt sau phiên tòa, luật sư Nguyễn Văn Miếng, người bào chữa cho bà Thủy, nói bản án 7 năm cho tội danh của bà “quá nặng”.

Ông nói thêm: “Đây là một phiên tòa rất đặc biệt, chỉ có sự tham dự của ba người thân của bà Thủy, 7 công an áp giải, không có ‘một rừng’ an ninh như các phiên tòa khác.”

“Trong danh mục tang vật, có một áo thun màu đen có đường gạch chéo đường lưỡi bò và 12 khẩu trang màu trắng xanh có biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo,” luật sư Miếng cho hay.

Phát biểu lời cuối sau khi tòa tuyên án, bà Thu Thủy nói các bài viết của bà trên Facebook cá nhân xuất phát từ lòng yêu quê hương đất nước, tình yêu với con, mong muốn cải thiện môi trường, giáo dục, nhưng có thể vì những lời lẽ ‘quá mạnh’ mà công an điều tra đã bắt bà, luật sư Miếng thuật lại.

Tổ chức nhân quyền nói gì?

Ông Phil Robertson, Phó Giám đốc khu vực châu Á của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền (HRW), nhận định rằng phiên xử bà Thủy “cũng chiếu lệ giống những phiên tòa trước”, trong đó “tòa – không phải độc lập mà do ĐCSVN kiểm soát – định sẵn tội của bị cáo”.

 

Trong thông cáo báo chí phát đi sau phiên tòa, HRW cũng kêu gọi chính quyền Việt Nam bác bỏ cáo buộc với bà Thủy, và “ngưng sử dụng Bộ Luật hình sự để xét xử hình sự việc thực thi nhân quyền”.

“Một lần nữa, chúng ta có thể sẽ thấy một công dân Việt Nam bị đi tù vì đã làm điều mà hàng triệu người trên thế giới làm mỗi ngày: đăng quan điểm của họ trên Facebook,” thông cáo báo chí của HRW viết.

‘Nghĩ nhiều đến con’

Trong lần gặp bà Thủy tại trại giam gần đây nhất vào cuối tháng 12/2020, luật sư Miếng cho hay bà nghĩ nhiều đến con trai 9 tuổi và “không nhờ ai chạy chọt vì đã xác định mình là tù chính trị”.

“Có ba Bản kết luận giám định tư tưởng trên tài liệu in từ hai trang Facebook của bà Thủy: 2 bản được Sở Văn hóa Thể thao Du lịch tỉnh Hậu Giang giám định cá nhân và 1 bản được Bộ Thông tin và Truyền thông giám định tập thể.”

“Nhưng Sở Văn hóa Thể thao Du lịch không có chức năng giám định tư pháp về tài liệu án an ninh, Sở Thông tin và Truyền thông có chức năng này nhưng lại từ chối giám định vì không đủ năng lực, nên Bộ Thông tin và Truyền thông đã làm thay,” luật sư Miếng chia sẻ.

Đinh Thị Thu Thủy là ai?

Bà Thủy bị bắt hồi tháng 4/2020 tại nhà riêng tại phường Lái Hiếu, TP Ngã Bảy, tỉnh Hậu Giang để điều tra hành vi “làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam”.

Bà Thu Thủy sinh năm 1982, là kỹ sư thủy sản, và là một bà mẹ đơn thân.

Trước đó, bà thường đăng các bài viết về tình hình chính trị xã hộ của Việt Nam lên trang Facebook cá nhân.

Bà Thủy cũng tham gia nhóm Facebook Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh – hai nhóm hoạt động nhằm bảo vệ môi trường.

Báo Việt Nam hồi tháng 4/2020 đưa tin bà Đinh Thị Thu Thủy bị bắt do bà “mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để biên tập, đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước”, theo Tuổi Trẻ.

Kết quả điều tra nói rằng từ năm 2018 đến nay bà Thủy mở nhiều tài khoản Facebook cá nhân để đăng và chia sẻ tài liệu “tuyên truyền, xuyên tạc… bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước; kích động tư tưởng chống đối; tung tin thất thiệt, bịa đặt gây hoang mang trong nhân dân nhằm chống phá Đảng Cộng sản Việt Nam và Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.”

Bà Thủy cũng bị cáo buộc dùng mạng xã hội đăng các bài viết ‘xuyên tạc công tác phòng chống dịch của Chính phủ”.

Ngoài ra, kết luật điều tra của công an Việt Nam nói bị Thủy “tụ tập gây rối” tại khu vực nhà thờ Đức Bà (TP.HCM) 6.2018.

Bà Thủy bị quy kết là có thái độ “chống đối và xem thường pháp luật” dù đã nhiều lần được “cảm hóa”.

BBC (20.01.2021)

 

 

Trước Đại hội 13: Bị tuyên 7 năm tù vì “châm biếm, chế nhạo lãnh đạo đảng”!

Bà Đinh Thị Thu Thủy vừa bị Tòa án nhân dân tỉnh Hậu Giang tuyên phạt 7 năm tù giam vì đăng tải 5 bài viết lên Facebook cá nhân bị cho là “châm biếm, chế nhạo lãnh đạo và nguyên lãnh đạo đảng và nhà nước” trong phiên tòa sáng 20-1-2021 ngay trước thềm Đại hội 13 của đảng Cộng sản.

Luật sư của bà Thủy cho hay, phiên tòa không có các biện pháp an ninh nghiêm ngặt như các vụ án về an ninh quốc gia khác, Hội đồng xét xử cũng “thân thiện” tuy nhiên lại tuyên cho bà này bản án nặng với cáo buộc “làm, tàng trữ, phát tán thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống nhà nước CHXHCNVN”.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng chỉ ra điểm bất thường trong việc “giám định tư tưởng” các bài viết của bà Thủy như sau:

“Họ căn cứ vào 3 bản giám định về tư tưởng, gọi là giám định tư pháp về tư tưởng thì có 2 bản do Sở văn hóa – thể thao và du lịch (VH-TT-DL) cho giám định cá nhân.

Theo cái thẩm quyền quy định thì Sở VH-TT-DL không có thẩm quyền giám định về các tài liệu có án an ninh quốc gia.

Cái người mà giám định đó chúng tôi có yêu cầu triệu tập nhưng mà tòa không triệu tập, hai cái bản giám định đó nó không có đúng với lại cái chuẩn mực của một bản giám định tư pháp bởi vì họ kết luận luôn là cô Thủy phạm tội theo điều 117.

Bởi vì khâu giám định chỉ có giám định và nhận định tư tưởng như thế nào thôi, chứ không thể nào đưa đến cái kết luận là người ta phạm tội.

Còn Sở Thông tin và Truyền thông có có trách nhiệm là giám định tư pháp trong vụ này thì cũng được cơ quan an ninh yêu cầu giám định thì họ từ chối, họ nói rằng họ không đủ năng lực để giám định những tài liệu của vụ án an ninh quốc gia .”

Theo Cáo trạng của Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân dân tỉnh Hậu Giang, kết luận giám định cá nhân của Sở văn hóa thể thao và du lịch Hậu giang khẳng định: 5 bài viết với 131 bình luận và 50 lượt chia sẻ của bà Thủy có nội dung bị quy kết là “chế nhạo, châm biếm, xúc phạm lãnh đạo và nguyên lãnh đạo đảng, nhà nước CHXHCN VN, xuyên tạc ý nghĩa lịch sử, phỉ báng đất nước…”

Cũng theo luật sư Miếng, bà Thu Thủy khẳng định trước tòa là hành vi của bà không có ý định nhằm chống chính quyền. Ông Miếng thuật lại: 

”Cô Thủy cô ấy nhận rằng là đúng là cô ấy có thực hiện những hành vi như viết bài trên Facebook nhưng mà mục đích của cô ấy là bức xúc về tình trạng ô nhiễm môi trường, giáo dục và về những cái hiện tượng xảy ra bên ngoài xã hội.

Cô ấy nói rằng là, khi mà cô ấy bức xúc như vậy thì có quá lời, dùng những lời lẽ hơi nặng nề nó chỉ có như vậy thôi chứ không phải mục đích của cổ là nhằm nhằm lật đổ chính quyền nhân dân, lật đổ nhà nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam hay còn nói là chống Nhà nướcCHXHCN Việt Nam.

Tuy nhiên, bên Tòa họ vẫn kết tội rằng là cô ấy đã vi phạm Điều 117-Chống nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam qua hình thức viết Facebook.”

Bà Thu Thủy là người thứ 9 bị kết án chỉ trong vòng 20 ngày đầu tháng 1 năm 2021, trong khi chỉ còn 5 ngày là diễn ra đại hội quan trọng nhất của đảng cầm quyền duy nhất ở Việt Nam nhằm quyết định vị trí Tổng bí thư cũng như tam trụ lãnh đạo khác cho 5 năm tới.

Bà Đinh Thị Thu Thủy, sinh năm 1982 là một Thạc sĩ ngành nuôi trồng thủy sản. Bà từng bị bắt và phạt tiền khi tham gia cuộc biểu tình chống Luật Đặc khu và luật An ninh mạng vào ngày 17-6-2018.

Trong ngày này, nhiều người tham gia biểu tình bị chính quyền bắt giữ, sau đó họ tố cáo là bị giam giữ ở sân vận động Tao Đàn ở Thành phố Hồ Chí Minh và bị cơ quan an ninh đánh đập, tra tấn.

RFA (20.01.2021)

 

 

 

Ân Xá Quốc Tế kêu gọi lớp lãnh đạo mới của Việt Nam nắm bắt cơ hội để đảo ngược suy thoái nhân quyền

Tổ chức Ân Xá Quốc tế vào ngày 20 tháng 1 lên tiếng kêu gọi cơ quan chức năng Việt Nam phải ngưng hoạt động tấn công không ngừng của họ đối với những nhà hoạt động bảo vệ nhân quyền và những cá nhân thực thi các quyền tự do biểu đạt, tự lập hội và tập trung một cách ôn hòa.

Trong thông cáo báo chí phát đi ngày 21 tháng 1, Giám đốc Khu vực Châu Á- Thái Bình Dương của Ân Xá Quốc Tế, Yamiri Mishra, nói rõ “Sự bất dung của cơ quan chức năng Việt Nam đối với giới bất đồng chính kiến ôn hòa lên đến đỉnh điểm dưới quyền nhóm lãnh đạo sắp mãn nhiệm kỳ. Việc bổ nhiệm những lãnh đạo quốc gia mới mang đến một cơ hội quí giá cho Việt Nam nhằm thay đổi tiến trình về nhân quyền.”

Thống kê của Ân Xá Quốc Tế cho thấy hiện có 170 tù nhân lương tâm tại Việt Nam. Đây là con số cao nhất do Ân Xá Quốc Tế thu thập được kể từ năm 1996 khi mà tổ chức này bắt đầu cho công bố số liệu về tù nhân lương tâm tại các nước trên thế giới.

Theo Ân xá Quốc tế thì số tù nhân lương tâm tại Việt Nam gia tăng một cách nhanh chóng trong những gần đây. So với con số 84 trước đại hội đảng toàn quốc lần thứ 12 đến thời điểm này thì đã tăng gấp đôi.

Những tù nhân lương tâm này bị cơ quan chức năng Việt Nam giam cầm chỉ vì họ thực thi một cách ôn hòa các quyền con người của họ.

Trước đại hội đảng lần thứ 13 sắp diễn ra từ ngày 25 tháng 1 đến 2 tháng 2 tới đây, biện pháp đàn áp tiếp tục gia tăng. Cụ thể đó là những án tù nặng tuyên cho ba nhà báo độc lập Phạm Chí Dũng, Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn vào ngày 5 tháng 1 vừa qua.

Ông Phạm Chí Dũng bị tuyên 15 năm tù, hai ông Nguyễn Tường Thụy và Lê Hữu Minh Tuấn mỗi người 11 năm tù. Cả ba bị tuyên án với cáo buộc ‘làm, tàng trữ, phát tán tài liệu, vật phẩm nhằm chống chính quyền’ theo điều 117 Bộ Luật hình sự Việt Nam.

Điều 117 thường được sử dụng để đàn áp những tiếng nói đối lập hợp pháp tại Việt Nam và là công cụ mà cơ quan chức năng ưa thích sử dụng để bỏ tù một cách tùy tiện các nhà báo, bloggers và những người bày tỏ quan điểm không theo ý nguyện của đảng cộng sản.

Những án tuyên cho ba nhà báo độc lập vừa nêu được đưa ra sau khi cơ quan chức năng bắt cô Phạm Đoan Trang-nhà báo tự do và cũng là một người bảo vệ nhân quyền.

Ngoài 117 Việt Nam còn sử dụng điều 331 ‘lợi dụng các quyền tự do dân chủ, xâm hại lợi ích Nhà nước, tổ chức, công dân…’ để đàn áp người trong nước.

Cả hai điều này đều vi phạm những cam kết về nhân quyền quốc tế mà Việt Nam tham gia ký kết.

Luật An Ninh Mạng của Việt Nam cũng bị cho có những điều khoản mơ hồ mang tính trừng phạt.

Dân Trí (20.01.2021)

 

 

Nhà hoạt động Thu Thuỷ bị kết án 7 năm tù về tội ‘tuyên truyền chống nhà nước’

Nhà hoạt động Đinh Thị Thu Thuỷ với biểu ngữ “Việt Nam is not for rent or sale to China” để phản đối dự luật Đặc khu và An ninh mạng vào năm 2018.

Nữ thạc sĩ, kỹ sư Đinh Thị Thu Thuỷ vừa bị toà án nhân dân tỉnh Hậu Giang kết án 7 năm tù về tội “Làm, tàng trữ, phát tán hoặc tuyên truyền thông tin, tài liệu, vật phẩm nhằm chống Nhà nước CHXHCN Việt Nam” theo Điều 117 Bộ luật Hình sự, Luật sư Nguyễn Văn Miếng – người bào chữa cho bà Thuỷ cho biết thông tin sau phiên toà sơ thẩm ngày 20/1.

“Cô Thủy tham gia nhóm Facebook Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh. Mục tiêu của Cửu Long Xanh và Sức Sống Xanh là thực hiện các hoạt động nhằm bảo vệ môi trường. Các hoạt động dự định thực hiện: nhặt rác hàng tuần, kêu gọi bảo vệ môi trường, hạn chế sử dụng bọc nilon, hạn chế sử dụng phân bón, thuốc trừ sâu trong sản xuất nông nghiệp, các biện pháp phân biệt thực phẩm Việt Nam và Trung Quốc…”, LS. Nguyễn Văn Miếng cho hay.

Người bào chữa cho bà Thuỷ thông tin thêm rằng trong danh mục “tang vật” mà công an tịch thu của bà Thuỷ, có một áo thun màu đen có biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo và 12 khẩu trang màu trắng xanh có biểu tượng đường lưỡi bò bị gạch chéo.

Nhà hoạt động 38 tuổi bị bắt vào ngày 18/4 năm ngoái với cáo buộc “tuyên truyền chống nhà nước”. Truyền thông nhà nước Việt Nam nói bà Thuỷ đã đăng tải, chia sẻ hàng trăm tài liệu tuyên truyền, xuyên tạc, vu khống, nói xấu chế độ, bôi nhọ danh dự lãnh đạo Đảng, Nhà nước, kích động tư tưởng chống đối…

Trước đó, bà Thuỷ từng tham gia các cuộc biểu tình phản đối hai dự luật Đặc khu Kinh tế và An ninh mạng ở Sài Gòn vào ngày tháng 6/2018.

Trong lời nói sau cùng tại phiên toà ngày 20/1, nhà hoạt động này nói “Tất cả việc tôi làm đều xuất phát từ con tim của một người yêu nước, từ một tấm lòng của người mẹ. Tôi yêu quê hương, đất nước, từ lúc có con tôi yêu con tôi, càng thêm yêu đồng bào và quê hương, đất nước mình. Tôi chỉ muốn cho đất nước được tốt lên, môi trường xã hội và môi trường giáo dục được minh bạch, lành mạnh, các dòng sông quê tôi không bị đầu độc, bức tử, người dân không phải dùng thực phẩm bẩn…”, theo ghi nhận từ các luật sư bào chữa.

Tổ chức Theo dõi Nhân quyền quốc tế, trong Phúc trình Toàn cầu 202 công bố vào tuần trước, đã liệt kê trường hợp của bà Thuỷ cùng một số nhà hoạt động khác và lên án Việt Nam đã gia tăng siết chặt quyền tự do biểu đạt, tự do ngôn luận của người dân trong thời gian qua giữa bối cảnh chuẩn bị cho kỳ đại hội 13 của đảng Cộng sản.

VOA (20.01.2021)

 

Tháng 1/2021, ít nhất 4 người chết do ‘tự tử’ sau khi làm việc với công an

Chỉ riêng trong tháng 1/2021, báo chí nhà nước loan tin đã có 4 trường hợp tử vong sau khi làm việc với công an, mà lý do đều là “tự tử”.

Ít nhất 4 người chết do ‘tự tử’ sau khi làm việc với công an trong tháng 1/2021. (Ảnh minh họa: shutterstock)

Hôm 19/1, báo chí nhà nước loan tin cho biết một người đàn ông bị tạm giữ tại trụ sở công an huyện Thạnh Phú (tỉnh Bến Tre) đã bất ngờ nhảy từ lầu 2, tử vong.

 

Tờ Pháp luật TP.HCM cho biết người đàn ông tên Võ Văn Xếp (51 tuổi, sống ở thị trấn Thạnh Phú, huyện Thạnh Phú), bị công an bắt vào hôm 14/1 do “thực hiện nhiều vụ trộm cắp tài sản với thủ đoạn giả danh nhà hảo tâm đi làm từ thiện”.

 

Cũng theo tờ báo, chiều 18/1, điều tra viên công an Thạnh Phú tiếp tục làm việc với ông Xếp trong tình trạng người này bị còng tay. Tại đây, ông Xếp khai đã giấu một nhẫn vàng ở hội trường lầu 2 trụ sở công an huyện đã trộm trong một vụ khác khi làm việc ngày 14/1. Lúc này điều tra viên đưa ông Xếp lên hội trường để lập biên bản thu giữ nhẫn vàng.

 

“Trong lúc được đưa lên hội trường, ông Xếp bất ngờ nhảy từ lầu 2 xuống sân. Ngay khi xảy ra vụ việc, công an huyện đã đưa ông Xếp đi cấp cứu tuy nhiên nạn nhân đã tử vong”, tờ báo viết.

 

Như vậy, tính từ đầu năm đến nay, tại Việt Nam đã có ít nhất 4 người chết vì lý do tự tử sau khi làm việc với công an.

 

Công an thành phố Tây Ninh hồi đầu tháng 1/2020 cho biết ông Phan Quốc Thắng (47 tuổi, sống ở phường 1), người đâm trọng thương một thượng úy công an, đã treo cổ tử vong, chỉ sau một ngày bị bắt tạm giam.

 

Tuần trước, một người đàn ông tên T. (31 tuổi ở xã Đăk Ruồng, huyện Kon Rẫy, tỉnh Kon Tum) cũng được phát hiện “tự tử sau nhà”, sau nhiều lần bị công an địa phương bắt đi thẩm vấn vì khai thác gỗ trái phép.

 

Tuy nhiên, công an huyện Kon Rẫy không phát ngôn về vụ việc vì cho rằng không có thẩm quyền.

 

Mới đây hôm 16/1, bà Triệu Ngọc Bình cho biết công an thông báo con trai bà là Dương Quốc Minh (sinh năm 1998) đã tử vong sau một thời gian bị giam tại trại giam Chí Hòa.

 

Lý do tử vong được công an đưa ra là do tự tử. Tuy nhiên, theo bà Bình, thân thể con trai bà có nhiều vết bầm tím.

 

Trước đó hồi năm 2015, trung tướng Trần Trọng Lượng, Phó tổng cục trưởng Tổng cục Cảnh sát Phòng chống tội phạm cho biết trong 3 năm (từ tháng 10/2011 – 9/2014), Việt Nam có 226 trường hợp chết tại nhà tạm giữ, trại tạm giam. Bộ Công an lý giải nguyên nhân chủ yếu của các trường hợp tử vong này là “do bệnh lý và do đối tượng bị tạm giữ, tạm giam tự sát.”

 

Sau thời điểm trên, giới chức Việt Nam không đưa ra các con số thống kê công khai về số người chết trong khi bị tạm giam, tạm giữ.

 

Hồi tháng 5/2020, báo chí nhà nước dẫn lời Thượng tá Nguyễn Xuân Hùng, nguyên đội trưởng Đội thanh tra Pháp luật công an TP. Hà Nội khẳng định “việc bức cung, dùng nhục hình ở nước ta vẫn tồn tại”, các vụ án oan sai là “có thật”.

 

Lý do xảy ra tra tấn ép cung, theo ông Hùng là vì “thành tích phá án” nên “ép cung bằng được, thậm chí bức cung, nhục hình, tạo thêm chứng cứ không khách quan. Có những trường hợp làm giả chứng cứ, sửa cả hồ sơ để cố tình buộc tội. Khâu truy tố, xét xử cũng vậy, vì thành tích rồi xử lý ép hoặc bị quy kết như điều tra bảo làm đủ rồi, ông kiểm sát không truy tố là bỏ lọt tội phạm.”

 

Thống kê sơ bộ, năm 2020, có khoảng 8 trường hợp chết bất thường trong khi bị tạm giam.

 

Trithucvn (20.01.2021)

 

 

 

USCIRF: Tiếp tục áp lực Việt Nam phóng thích tù nhân tôn giáo năm 2021

Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế của Hoa Kỳ (USCIRF) sẽ tiếp tục gây áp lực lên chính quyền Việt Nam, yêu cầu họ phải trả tự do cho các tù nhân lương tâm và tôn giáo trong năm 2021, một ủy viên của Uỷ ban này cho VOA biết, dù Hà Nội đã có những tiến bộ và hợp tác với Hoa Kỳ về tự do tôn giáo trong năm 2020.

Trong một cuộc phỏng vấn với VOA Tiếng Việt dịp đầu năm 2021, Uỷ viên James Carr của USCIRF nói rằng trong năm qua đã chứng kiến một số thành tựu đáng kể giữa USCIRF và chính quyền Việt Nam.

Ông nói:

“Trong năm 2020, chúng tôi rất vui vì cuộc tái định cư của những người H’mong theo đạo Tin Lành, những người trước đó bị xem là người không có quốc tịch và là nạn nhân của sự kỳ thị tôn giáo. Chúng tôi khuyến khích chính phủ tiếp tục làm việc với các cơ quan chức năng để hỗ trợ việc tái định cư của các nhóm dân tương tự khác.”

Vào đầu năm 2020, chính quyền tỉnh Lâm Đồng đã chính thức xác nhận tư cách công dân địa phương cho 521 người H’mong theo đạo Tin lành ở Tiểu Khu 179, xã Liêng Srônh, huyện Đam Rông, chấm dứt tình trạng “vô quốc gia” kéo dài 21 năm.

Tiến sĩ Carr cho biết thành tựu quan trọng này nhờ vào sự vận động và hỗ trợ pháp lý quốc tế của các tổ chức phi chính phủ Hoa Kỳ, trong đó BPSOS.

Một thành tựu khác, tiến sĩ Carr nói, là việc chính quyền Việt Nam phóng thích mục sư A Đảo vào tháng 9/2020, người bị bắt giam sau khi tham dự một hội nghị về tự do tôn giáo ở khu vực Đông Nam Á.

Tuy nhiên, USCIRF vẫn quan ngại vì còn rất nhiều tù nhân tôn giáo mà chính quyền Việt Nam chưa chịu phóng thích và việc chính quyền sách nhiễm các nhóm tôn giáo chưa được nhà nước công nhận.

“Chúng tôi rất buồn là ông Nguyễn Bắc Truyển, Chủ tịch Hội Ái hữu Cựu Tù nhân Chính trị và Tôn giáo Việt Nam, người bị kết án 11 năm tù, vẫn chưa được phóng thích. Chúng tôi rất quan ngại rằng ông ấy vẫn còn bị giam cầm.”

“Chúng tôi cũng lo ngại rằng nhà chức trách trên khắp Việt Nam vẫn tiếp tục nhắm mục tiêu vào các cộng đồng tôn giáo, bao gồm cả tín đồ Phật giáo, Tin Lành, Cao Đài, Hòa Hảo. Tôi không hiểu tại sao các nhóm nhỏ này vẫn bị nhắm mục tiêu trong khi họ, cũng như hầu hết mọi người trên thế giới đều có quy tắc đạo đức và họ chỉ thực hành các quy tắc này, thế mà chính quyền Việt Nam lại quá bận tâm vì các nhóm nhỏ đó?”

Khi được hỏi về các ưu tiên của USCIRF đối với Việt Nam trong năm 2021, Uỷ viên Carr nói:

“Chúng tôi mong muốn chính phủ Việt Nam từ bỏ những hành vi quấy rối đối với những cộng đồng tôn giáo ở nông thôn và cả những nhóm tôn giáo thuộc dân tộc thiểu số. Và vì vậy chúng tôi rất lo ngại về sự quấy rối liên tục của chính quyền đối với các nhóm tôn giáo thiểu số ở Việt Nam.”

Tiến sĩ Carr cho biết rằng USCIRF sẽ tiếp tục lên tiếng và gây áp lực để giới lãnh đạo Hà Nội trả tự do cho ông Nguyễn Bắc Truyển, người được USCIRF bảo trợ vào tháng 11/2019, và vận động để chính quyền Việt Nam phóng thích tất cả các tù nhân lương tâm và chính trị khác.

“Chúng tôi sẽ tiếp tục lên tiếng để ông ấy được tự do. Và chúng tôi sẽ làm mọi cách để gây áp lực lên chính phủ Việt Nam để trả tự do cho tất cả các tù nhân lương tâm và tù nhân tôn giáo.”

“Thật xấu hổ khi một quốc gia mạnh như Việt Nam lại đi bỏ tù những người đang cố gắng thực hành các quy tắc đạo đức theo tôn giáo của họ.

Từ năm 2007 cho đến nay qua các báo cáo thường niên, USCIRF liên tục đề nghị Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ liệt Việt Nam vào danh sách các quốc gia cần quan tâm đặc biệt (CPC) vì cho rằng nước này vi phạm nghiêm trọng tự do tôn giáo.

Chính quyền Việt Nam cho rằng các báo cáo của USCIRF “vẫn có những thông tin không chính xác, chưa được kiểm chứng!”.

Năm ngoái, báo Nhân dân của Đảng Cộng sản Việt Nam nói rằng những người soạn thảo các báo cáo của USCIRF đã “sử dụng rất nhiều tin tức do thế lực thù địch, thiếu thiện chí bịa đặt để vu cáo, vu khống, xuyên tạc vấn đề tự do tôn giáo ở Việt Nam, và dựa vào đó để đánh giá.”

VOA (19.01.2021)

 

 

Tín đồ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ bị ‘đấu tố’

Công an xã Ea Lâm và huyện Sông Hình, tỉnh Phú Yên vào tuần qua phát động gia tăng áp lực, đe dọa thành viên Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên. Đây là lời kể của ông Rô Da, một người dân địa phương:

“Họ nói là Đấng Christ, nhà nước không chấp nhận, không được tụ tập, không được hát hò. Họ cấm”.

Ông Rô Da là một trong 5 người, vào ngày 15 tháng 1, bị công an xã Ea Lâm và công an huyện Sông Hình đem ra trước Buôn Pung để tiến hành đấu tố kéo dài vài tiếng đồng hồ.

Khoảng 20 cán bộ chức năng đã bắt buộc dân làng phải ra để chứng kiến cảnh công an huyện đọc biên bản “đấu tố” 6 người (5 người có mặt, 1 người vắng mặt). Sự kiện gợi nhớ những màn đấu tố thời cải cách ruộng đất.

Ông Rô Da kể lại:

“Từ 4 giờ đến Ủy ban xã làm việc chừng 1 tiếng, đến 18 họ phát động, chúng tôi đứng, họ đọc biên bản, rằng sáu người đó quấy rối, nhà nước không chấp nhận. Chúng tôi nói là không có súng không có gì chỉ theo đạo, tin Chúa”.

Năm người bị bắt làm việc hôm đó là các ông Nay Y Blang, Nay Y Lới, Ksor Y Blang, Hwing Y Nuk và ông Rô Da.

“Trong lòng của mình cũng sợ. Nhưng do mình theo Chúa, mặc dù người ta tra tấn, đánh đập. Chúng tôi vẫn muốn tự do”.

Thực tế, các tín đồ này cho biết, họ không hề bạo động, không có vũ khí súng đạn trong tay. Phía chính quyền thì cho rằng, Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ không được nhà nước công nhận, chống phá nhà nước, muốn lật đổ chính quyền.

Mục Sư A Đảo, vừa được chọn vào Ban Chỉnh sự của Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ, cho biết:

“Có trưởng công an xã, là ông Oanh Ngô Nguyên gì đó, rồi có ông Tài, ông Thành nữa là công an huyện Sông Hình bắt một số anh em chúng tôi vì theo đạo Tin Lành Đấng Christ.

Chính quyền bắt họ phải bỏ đạo Tin Lành Đấng Christ, nói là nhà nước không chấp nhận, chống phá nhà nước, rồi bắt anh em chúng tôi phải ký giấy từ bỏ bên Hội Thánh này. Nhưng một số anh em chúng tôi cương quyết. Chúng tôi cũng dạy Kinh Thánh như bao tôn giáo khác, chúng tôi cũng học giáo lý ba ngôi Đức Chúa trời thôi”.

Mục Sư A Đảo vừa được thả tự do vào tháng 9 năm ngoái sau bốn năm bị cơ quan chức năng Việt Nam giam cầm vì cáo buộc “hoạt động nhằm lật đổ chính quyền”. Uỷ hội Tự do Tôn giáo Quốc tế Hoa Kỳ (USCIRF) cũng như Tổ chức Đoàn kết Công giáo (CSW) và một số tổ chức bảo vệ nhân quyền khác đã lên tiếng hoan nghênh việc trả tự do cho ông, vì họ nói ông chỉ cổ võ cho tự do tôn giáo tại Việt Nam.

Mục Sư A Đảo cũng chia sẻ, mặc dù được phóng thích, ông vẫn phải chịu quấy rối hàng ngày.

“Chính bản thân tôi đầu tiên ra tù thì họ cũng gây khó dễ cho tôi, hỏi lên hỏi xuống. Tôi đi đây đi đó cũng hỏi, họ bảo tôi phải thông báo cho họ, viết đơn cho họ. Quyền tự do mình đâu có nữa. Khi tôi ra tù thì xong hết án rồi”.

Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên là một hệ phái bao gồm hàng trăm tín đồ thiểu số sắc tộc vùng Cao Nguyên. Họ đã bị công an sách nhiễu, người thuộc Hội Thánh  bị gây áp lực để bỏ đạo. Người thuộc Hội Thánh cho rằng công an muốn tiêu diệt Hội Thánh này từ nhiều năm nay.

Mục sư A Đảo

Ông Phil Robertson, Phó giám đốc khu vực Châu Á của tổ chức Theo dõi Nhân quyền – Human Rights Watch, nói chính quyền Việt Nam đàn áp người dân thiểu số sắc tộc và thiểu số tín ngưỡng ở các vùng Tay Nguyên một cách có hệ thống. Ông chia sẻ với Đài Á Châu Tự Do hôm 30/12:

“Vẫn tiếp tục còn biện pháp sử dụng hình phạt tử hình ở vùng Tây Nguyên mà được giấu kín Vẫn có những hành vi ngược đãi đối với người Thượng và các sắc dân thiểu số khác. Vẫn còn rất nhiều hạn chế nghiêm trọng  về tự do tôn giáo và tín ngưỡng đối với các Phật tử Khmer Krom ở miền Nam hoặc Hòa Hảo hoặc các nhà thờ Thiên chúa giáo… Nhìn chung Việt Nam vốn dĩ là một chính phủ lạm quyền”.

Mục Sư A Đảo chia sẻ, bây giờ cán bộ vu khống thêm là Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ thuộc Tin Lành Đê Ga, FULRO, một tổ chức không được chính quyền công nhận và được cho là du kích có vũ trang.

“Họ nói bằng miệng, họ đến làm việc, không mặc đồng phục, nói ông này tên gì, cũng không lễ phép. Cô cũng thấy đó, họ lên trên nhà họ lục sách, họ không có tôn trọng người dân, giầy họ dẫm hết vào giường của người dân nữa. Họ làm việc giống như những người chúng tôi là những người vi phạm, có tội lỗi gì đó”.

Hôm 18 tháng 12 năm 2020, Công an tỉnh Pleiku công bố tại Hội nghị Tổng kết công tác 2020 là cơ quan chức năng đã ngăn chặn  thành công việc phục hồi đạo Tin Lành Đê Ga, và FULRO của người Tây Nguyên.

Thầy Y Krek Bya từ Đắk Lắk cũng xác nhận tin công an địa phương quấy rối tín đồ Hội Thánh Tin Lành Đấng Christ từ nhiều ngày qua.

“Nó nói là mình theo bên Mục sư A Ga, Mục sư Yhinnie, là FULRO, muốn lập nước Đê ga riêng. Nhưng thực tế là không có như vậy, mấy ông này chỉ là theo tôn giáo thôi.

“Từ ngày 13, 14, 15 họ mời sáu người, đến ngày 15 thì buổi sáng mời làm việc, rồi buổi chiều tiếp tục làm việc 5 người. Điều tra xong, họ bắt những người này bỏ đạo Tin Lành Đấng Christ Tây Nguyên bằng mọi cách. Họ nói đây không phải là đạo, mà là tên phản động chống phá nhà nước Việt Nam”.

Ông nói, sau khi đấu tố nhiều tiếng đồng hồ mà năm đối tượng không chịu từ bỏ đạo, công an đã cho họ giải tán. Nhưng về đến nhà họ vẫn tiếp tục áp lực tinh thần những người này với những lời đe dọa dã man. Ông kể lại:

“Năm người đó không bỏ, dù có chết, nhưng mà không bỏ… Đến 9h họ không thể buộc (máy người này từ bỏ). Lúc giải tán, họ nói là nếu các anh không từ bỏ, thì nếu có biểu tình xảy ra như thế nào thì sẽ bắt mấy anh vào tù, sẽ bị nặng, có thể bị giết”.

Đến nay chưa ai bị bắt nhưng các tín đồ nói, họ sợ hãi nhưng vẫn cương quyết giữ đạo vì đây là quyền tự do tín ngưỡng của họ.

Đài Á Châu Tự Do gọi điện đến công an huyện Sông Hình để về tin đàn áp, đấu tố các tín đồ Hội thánh Tin Lành Đấng Christ nhưng người nhận điện thoại cúp máy mà không trả lời.

RFA (19.01.2021)

 

 

 

Tù nhân lương tâm Việt Nam: ‘Như cá nằm trên thớt’

 

Judith Bergman (The Diplomat)

Các đối tác hàng đầu như Hoa Kỳ và Liên minh Châu Âu có thể và cần làm nhiều hơn nữa để ngăn cản sự đàn áp quyết liệt của Việt Nam đối với những người bất đồng chính kiến.

IJAVN Staff

“Chúng tôi như cá trên thớt, luôn sẵn sàng bị bắt giữ, ”nhà báo, nhà bất đồng chính kiến Phạm Chí Dũng của Việt Nam nói trong năm 2015. “Cho đến năm 2012, nếu bị bắt, anh sẽ phải ngồi tù từ 10 đến 15 năm. Bây giờ, nhờ áp lực quốc tế về nhân quyền, thì chỉ nhận án hai đến ba năm ”.

Vào ngày 5 tháng Giêng, Việt Nam kết án Dũng 15 năm tù về tội “Tuyên truyền chống Nhà nước”. Hai đồng sự của Dũng nhận án 11 năm. Rõ ràng là “áp lực quốc tế về nhân quyền” đã tan biến.

Những gì còn lại là một chế độ, theo Tổ chức Theo dõi Nhân quyền, “tiếp tục vi phạm một cách có hệ thống các quyền dân sự và chính trị cơ bản vào năm 2020. Chính phủ, dưới sự cai trị độc đảng của Đảng Cộng sản Việt Nam, thắt chặt các hạn chế về tự do ngôn luận, lập hội, hội họp ôn hòa, đi lại và tôn giáo… Những người chỉ trích chính phủ hoặc đảng sẽ bị công an đe dọa, sách nhiễu, hạn chế đi lại, hành hung, bắt giữ và giam giữ tùy tiện, cũng như bỏ tù. ”

Dũng dự đoán một cách kỳ lạ về bản án của chính mình. Vào tháng 11 năm 2019 video, ông yêu cầu Liên minh châu Âu hoãn việc phê chuẩn các hiệp định bảo hộ thương mại tự do và đầu tư mà họ đã ký với Việt Nam, cho đến khi tình hình nhân quyền ở Việt Nam vốn đã xấu đi đáng kể vào thời điểm đó, được cải thiện. “Nhà cầm quyền có thể sẽ bỏ tù nhiều người bất đồng chính kiến hơn sau khi EU phê chuẩn EVFTA và IPA [các hiệp định],” Dũng nói. “Những nhà bất đồng chính kiến nổi tiếng phản đối EVFTA do thành tích nhân quyền kém của Việt Nam và những người đứng lên chống Trung Quốc sẽ nhận án tù nặng nề.” Ngay sau khi thực hiện video, Dũng đã bị bắt.

Liên minh châu Âu phê chuẩn các thỏa thuận vào tháng 2 năm 2020, không đếm xỉa gì Dũng và lời kêu gọi của 28 tổ chức phi chính phủ về nhân quyền trong việc hoãn phê chuẩn cho đến khi Việt Nam đồng ý đáp ứng các tiêu chuẩn cụ thể về bảo vệ nhân quyền. EU cũng bỏ qua việc thẩm định của Tổ chức Theo dõi Nhân quyền về việc phê duyệt các thỏa thuận sẽ “gửi một thông điệp khủng khiếp rằng Liên minh châu Âu trước đây cam kết sử dụng thương mại như một công cụ để thúc đẩy nhân quyền trên toàn cầu là không đáng tin cậy”.

Sự tín nhiệm của EU đã không bị đánh gục bởi phản ứng của họ đối với bản án của các nhà báo. Thay vì lên án Việt Nam, EU rụt rè gọi các bản án nặng là “sự phát triển tiêu cực” vvà bày tỏ“mối quan ngại” của họ về mức độ nghiêm trọng của các bản án.

EU cũng nhấn mạnh rằng họ không có kế hoạch gây áp lực có ý nghĩa đối với Việt Nam, chẳng hạn như đình chỉ các ưu đãi thương mại hoặc sử dụ luật như luật Magnitsky đã được thông qua gần đây nhằm trừng phạt vi phạm nhân quyền toàn cầu, cho phép EU nhắm mục tiêu đến các cá nhân, tổ chức và cơ quan chịu trách nhiệm về vi phạm nhân quyền trên toàn thế giới.

“Chúng tôi đã đối thoại chính thức với Việt Nam và chúng tôi sẽ cố gắng tìm ra giải pháp cho vấn đề này trong khuôn khổ cuộc đối thoại đó. Đây là phương án ưu tiên của chúng tôi. Các biện pháp trừng phạt chỉ là một công cụ, chúng không phải là mục tiêu của chính họ, ”phát ngôn viên Ủy ban châu Âu Peter Stano nói trong một thông cáo báo chí vào ngày 6 tháng Giêng.

“Nếu có sự vi phạm nhân quyền nghiêm trọng và có hệ thống thì trong trường hợp của Việt Nam cũng như các nước khác, chúng tôi có thể tạm dừng các ưu đãi thương mại, nhưng đây là cơ chế cuối cùng ”, Miriam Garcia Ferrer, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu về thương mại và nông nghiệp nói thêm.

Stano có lẽ đang đề cập đến cuộc đối thoại nhân quyền của EU với Việt Nam, một cuộc đối thoại đã diễn ra trong nhiều năm, nhưng dường như không đạt được gì hơn ngoài việc cung cấp cho các hiệp định thương mại tự do EU-Việt Nam một giá trị hợp pháp. “Tám cuộc đối thoại nhân quyền giữa EU và Việt Nam trong những năm gần đây [đã] không có kết quả,” Dũng nói vào tháng 11 năm 2019. “Tôi ước tính khoảng 95% các khuyến nghị của EU về nhân quyền bị phớt lờ hoặc đưa ra những lời hứa cuội.”

Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố một tương tự tuyên bố, trong đó tuyên bố rằng họ “quan tâm sâu sắc” đến việc Việt Nam kết án và tuyên án ba nhà báo và kêu gọi nhà chức trách Việt Nam “trả tự do cho tất cả những người bị giam giữ vô cớ và cho phép tất cả các cá nhân ở Việt Nam bày tỏ quan điểm của mình một cách tự do, không sợ bị trả thù ”. Mỹ cảnh giác với Việt Nam, một đối tác quan trọng trong việc chống lại ảnh hưởng của Trung Quốc trong khu vực. Tuy nhiên, mặt khác, Hoa Kỳ chỉ dán nhãn Việt Nam trở thành quốc gia “thao túng tiền tệ” sau khi điều tra các thông lệ tiền tệ của Việt Nam. Một cuộc điều tra về các hoạt động nhân quyền Việt Nam dường như cần có kết quả là hành động quan trọng, thay vì lời nói đơn thuần.

“Liên minh Châu Âu vẫn cam kết tôn trọng, bảo vệ và thực hiện các quyền con người cho tất cả mọi người, ” nói Đại diện cấp cao của EU Josep Borrell trong một tuyên bố được công bố vào Ngày Nhân quyền vào ngày 10 tháng 12. “Giá trị sáng lập này sẽ tiếp tục hướng dẫn mọi hành động của chúng tôi. Không ai bị bỏ lại phía sau, không có quyền con người nào bị bỏ qua ”.

Ít nhất 238 tù nhân lương tâm báo cáo vẫn bị chính quyền Việt Nam giam giữ ở điều kiện khắc nghiệt, bị tra tấn và bị đối xử tệ hại, và thường xuyên bị từ chối chăm sóc y tế, không có nước sạch và không khí trong lành. Họ không cần khai báo. Họ cần hành động.

*Judith Bergman là một nhà văn, luật sư và nhà phân tích chính trị.  Twitter @judithbergman

Nguồn: The Diplomat