Seite auswählen

Phạm Hồng Ân

Cuối cùng, tôi về hưu. Số tiền làm việc bấy lâu đủ để hùn với bà vợ mua một mobile home vùng Escondido. Chúng tôi muốn có một chỗ riêng để đón hai đứa cháu nội cùng với ba mẹ nó từ Bắc Mỹ lạnh lẽo trở về, mục đích quây quần bên nhau cho vui cửa vui nhà…Tôi gọi điện thoại xù diện housing, trong lúc đã đúng thời điểm nhà nước ưu tiên cấp nhà. Tôi từ giã bạn bè vùng East San Diego đông đúc để lên núi ẩn dật, trúng với cảnh các bậc tiền nhân tìm chốn hoang vu ngâm thơ thưởng nguyệt. 

Hình: Joecalih/Unsplash

 

Ra đi, chân còn bịn rịn, chưa muốn lên xe. Vì hai mươi mấy năm ở đây, tôi đã quen từng căn apartment chật chội, quen tiếng guốc về khuya gõ khắc khoải lên cầu thang một cách vội vàng, quen bài ca vọng cổ Lan và Điệp mỗi đêm ngân vang từ giọng hát xế chiều của bà già lựu đạn mê karaoke ở tầng dưới, quen mấy ông già trời ơi đất hỡi mỗi sáng kéo nhau ra sân hút thuốc, trò chuyện inh ỏi cả chung cư.

 

Chẳng có ông già nào tỏ vẻ lưu luyến. Chẳng có bà già nào vẫy tay tạ từ. Họ coi chuyện đi và ở của tôi như chuyện thường tình. Như chuyện Sơn Tinh phải lên núi, Thủy Tinh phải về biển. Tôi đành rơm rớm nước mắt ngó ra con lộ một chiều 43. Con lộ một chiều như tình cảm một chiều của tôi – cô đơn và lặng lẽ. Nhưng không. Nếu đi ngược lại, tôi cũng có những kỷ niệm vô vàn. Khi City Height chưa đổi mới, khu này đầy cỏ dại và ổ gà. Các quán của người Trung Đông mọc lên như nấm rừng. Đi ngang qua, mùi trái cây chín thúi bốc lên nồng nặc và chua lét.

 

Đầu phố, có tiệm bánh mì của người Mễ. Sáng, bánh ra lò. Tối, bánh ra lò. Trùng với những bữa ăn của vợ chồng tôi, nên tôi thường lội bộ ra đây, mang về một túi bánh mì nóng giòn. Vượt qua ngã tư một chút, đối diện với khoảnh đất trống bỏ hoang, là nhà hàng châu Á. Tiệm này nổi tiếng mì thập cẩm. Nước súp rất béo, thơm. Húp vào là ghiền ngay. Và chắc chắn khách sẽ trở lại đều đều để thưởng thức hương vị đặc biệt của nó. Tôi cũng đã đến đây nhiều lần “to go” mì cho vợ khi nàng nhuốm bệnh cảm cúm, hoặc nhõng nhẽo đòi bỏ ăn. Rất tiếc, khi City Height trùng tu, hàng loạt tiệm quán đã bị phá vỡ, thay vào đó là các khu thương mại khang trang, thư viện và ngôi trường ESL bề thế dành cho di dân học Anh ngữ.

 

Trước khi định cư Mỹ, dù nghèo, những bữa ăn của gia đình tôi thường vui vẻ và thân mật. Vợ tôi làm bếp rất dở. Có lẽ nàng ít tiếp xúc với các món sơn hào hải vị. Quanh năm chỉ lòng vòng kho quẹt, rau luộc… hoặc khá hơn một chút: mắm kho, canh chua, cải xào… Nhưng không khí bữa ăn vui nhộn. Đáng kể là những bữa ăn đoàn tụ với anh chị em, với họ hàng thân thích. Thơ mộng nhất, lúc còn tình nhân, hai đứa thường dẫn nhau vào các quán ăn ở thành phố Mỹ Tho. Bữa ăn chiều rất thịnh soạn. Nào là canh chua cá bông lau, cá kho tộ, tôm lăn bột… Cả hai ăn ít, vì còn dành thì giờ để nói chuyện yêu đương, chuyện nhớ thương, xa cách. 

 

 

Qua Mỹ, chúng tôi chỉ gặp nhau ở những ngày cuối tuần, hoặc những buổi lễ kỷ niệm, trong các bữa ăn có hẹn trước. Đời sống Mỹ quá cao, nên chi phí rất nhiều. Vợ chồng phải cùng làm. Con cái phải phụ thêm, mới mong trả đủ mọi thứ tiền hàng tháng. Bữa ăn trưa nơi sở làm vỏn vẹn chỉ có nửa tiếng. Mỗi người lủi vào một góc, lặng lẽ ăn vội vã. Bữa ăn chiều, mỗi nhà mỗi cảnh. Có khi vợ chồng đi làm hai ca khác nhau. Lúc vợ ngủ chồng làm. Lúc vợ làm chồng ngủ. Những bữa ăn tẻ nhạt và cô đơn, cứ thế diễn ra.

 

Tôi chỉ có độc nhất một đứa con trai. Khi qua Mỹ, nó vừa 19 tuổi. Sống với chúng tôi vài tháng, nó ngứa chân chạy theo bè bạn, lò dò sang tiểu bang khác kiếm sống. Cali nắng ấm ngập tràn. Mùa đông không tuyết. Có thể mặc áo ấm đi rong chơi khắp nơi, tìm lại hương vị Đà Lạt mến yêu mà chúng tôi bắt buộc phải rời bỏ. Thằng con lại có ý nghĩ khác. Nó muốn khám phá thêm Bắc Mỹ, muốn trầm mình trong giá lạnh mùa đông, muốn nhìn thấy tuyết chôn vùi trắng xóa một thành phố có tầm vóc của nước Mỹ, muốn đo lường cảm xúc của da thịt khi thời tiết xuống dưới âm độ, muốn để ba mẹ chìm ngập trong nỗi lo, trong nhớ thương bầm dập.

 

Rồi vài năm sau, nó lại trở về. Nó trở về dắt theo con vợ mới, mua xe mới và mướn một apartment xây dựng hạnh phúc riêng. Ở chưa nóng đít, nó lại ngứa chân dẫn vợ đi Florida lập nghiệp. Florida không chuộng người lạ. Nó đành trở về Bắc Mỹ, dừng chân lần nữa nơi ngoại ô Chicago lạnh lùng. Vợ chồng tôi phải bỏ nơi ở cũ, sang chỗ mới của nó để giữ đồ đạc và chiếc xe mới mua. Thế là chúng tôi phải trả thêm tiền nhà, đóng thêm tiền bảo hiểm.

 

Bây giờ, tôi đã hưu. Thằng con lại muốn kéo vợ về Cali đoàn tụ. Chúng dắt thêm đứa cháu nội kháu khỉnh. Tuổi già quây quần với cháu cũng là một niềm vui. Đó là lý do tại sao chúng tôi mua mobile home ở vùng Escondido. Khu mobile home vùng núi giống như ngôi chùa không Phật. Chẳng có bóng dáng một người Việt. Chỉ có người Mễ và người Mỹ già sống đìu hiu thầm lặng ở những dãy phía trong. Họ trầm mặc như tu sĩ.

 

Có điều họ không gõ mõ tụng kinh, không hình tượng, nhang khói. Những người trẻ thì hừng sáng đã lên xe đi làm, tới chạng vạng mới lọ mọ về. Các mảnh đường xẻ dọc xẻ ngang luôn vắng tanh, suốt ngày chỉ có tiếng chim ríu rít trên cây, chỉ có tiếng lá reo vang trước cơn gió lạ, hoặc tiếng hoa nở thầm thì dọc theo lối đi dẫn vào cửa nhà. Buổi trưa, tôi soi bóng tôi trên đường. Cái bóng cô đơn đến tội nghiệp. Tôi dắt bóng đi suốt đoạn đồi dài, rồi suốt đoạn đồi ngang. Cái bóng vẫn là cái bóng. Và tôi cũng chỉ là tôi. Mặc dù bên trong những dãy nhà, chắc chắn, người ta vẫn sinh hoạt gia đình một cách thân thiết.

 

Cuộc đoàn tụ chan chứa tình thương. Những bữa ăn đầy hải sản. Tiếng cười giòn tan của đứa cháu nội khiến niềm vui tràn lan căn nhà. Kết cuộc, bà nội dành rửa chén. Ông nội tự động bê các thức ăn thừa đổ xuống thùng rác. Hai vợ chồng thằng con ngồi nói chuyện thời sự. Trong khi bên ngoài khu mobile home vẫn vắng tanh bóng người.

 

Có lẽ đất lành chim đậu. Hay nơi đây là ổ tình của những đôi tình nhân chán cảnh sông hồ, nên chỉ vài năm sau, vợ thằng con cho chào đời một thằng cháu nội kháu khỉnh nữa. Căn nhà thêm tiếng cười. Bà nội lại có thêm việc làm. Ông nội bớt làm thơ để có thì giờ đổ rác và chơi với các cháu. Hai vợ chồng thằng con thoải mái đi làm, ban đêm về chơi karaoke, cả hai đều ít bận tâm đến công việc nhà. Cho cháu ăn, cháu bú, cháu tắm, cháu ỉa… đều do đôi tay nhẫn nhục của bà nội đảm trách. Khi thằng cháu nội út biết bò, rồi biết đi chập chững, mẹ nó bỗng tha về một con chó con, dí vào tay bà nội.

– Mấy đứa nhỏ thích chó. Tụi nó cứ đòi mẹ tìm một con để làm bạn cho đỡ buồn.

 

Vợ thằng con khúc khích.

– Giờ con tìm được rồi. Giao cho mẹ đó!

 

Thế là bà nội đảm nhiệm thêm chức nuôi chó. Có nghĩa là: mỗi ngày cho chó ăn, hốt cứt, và tắm rửa. Công việc càng lúc càng nhiều. Việc này đẻ ra việc kia, khiến bà nội làm túi bụi và bực dọc kiếm chuyện gây gổ với ông nội.

 

Những bữa ăn cũng cạn dần thân mật. Cuối cùng mạnh ai nấy ăn, nhưng dọn dẹp sạch sẽ vẫn là bà nội. Tôi biết phận biết thân, nên tới giờ ăn bới một tộ cơm lưng, gắp vài lát thịt, rồi lẳng lặng vô phòng, khép kín cửa lại. Hai vợ chồng thằng con thích ăn ngon nên thường order thức ăn nhà hàng. Cuối tuần, lúc nào cũng chở con đi ăn hoặc về Santa Ana họp mặt vui chơi với anh chị em bên vợ. Những ngày lễ lớn, người Việt đi làm xa thường về đoàn tụ với cha mẹ. Họ có những bữa ăn rất vui vẻ bên nhau. Không khí gia đình, lúc đó, rất thân mật và đầy yêu thương. Những ngày này, thằng con tôi lại chở vợ con đi tìm nguồn vui khác, bỏ ba mẹ nó ngồi quạnh hiu trong căn nhà dẫy đầy hơi hướm hai đứa cháu nội. Bà nội đi ra đi vô, nhớ cháu, buồn quá.

 

– Ông chở tui tới nhà bạn tui chơi cho đỡ buồn. Con Vê Ly cứ mời tui hoài, mãi bận giữ cháu nội nên chưa bao giờ tới cho biết nhà nó.

 

– Bà ơi! Hôm nay là ngày đoàn tụ gia đình của người ta. Bà tới đó, ai tiếp bà? Chẳng lẽ người ta bỏ con cháu để đón mừng bà sao? Bà đừng có mơ…

 

Thế là chúng tôi lại cự lộn nhau. Rồi mạnh ai nấy về phòng, đóng sầm cửa lại, nghe cô đơn gặm nhấm từng mảng tâm hồn.

Hình: John-Mark Smith/Unsplash

 

Ngày phóng thích con chó là ngày não nề nhất. Chẳng biết bà nội trong lòng có nhẹ nhõm không, vì vừa trút bỏ được gánh nặng. Nhưng riêng tôi thấy tội nghiệp con chó vô cùng. Vợ thằng con kéo nó lên xe, nhưng nó cứ trì lại, lom lom ngó tôi như không muốn chia tay. Vợ thằng con thích nuôi chó, nhưng không bao giờ săn sóc chó. Mỗi năm, con chó chỉ được đưa đến tiệm để cắt lông, gội rửa một lần.

 

Lúc đó con chó mới được sạch sẽ để vợ thằng con dắt đi biểu diễn vài vòng trên đường phố. Rồi sau đấy, vợ thằng con quên lãng luôn cho đến sang năm. Bà nội lo tất bật với công việc hàng ngày, lo các bữa ăn cho các cháu, lo vườn tược và nhất là luôn đau nhức, mệt mỏi ở tuổi xế chiều thì còn sức lực đâu lo đến con chó. Tôi thương chó, nhưng cũng chỉ biết ngậm ngùi nhìn nó sống cầm tù trong một góc sân, và thầm nghĩ đến phận mình, cũng từng bị cầm tù trong các trại giam hà khắc của cộng sản.

 

Ước vọng về hưu nhàn hạ của tôi đã tan như mây khói. Chuyện ngâm thơ thưởng nguyệt không thể diễn ra trong sinh khí gia đình như thế này. Hai đứa cháu nội la ó, khóc lóc, lúc đòi ăn, lúc đòi đồ chơi mỗi ngày đã làm điên đầu ông bà nội. Riết rồi, tôi phải tự lo cho tôi, tự độc diễn để có cơ hội sống còn. Bệnh già ập đến chỉ là bệnh đương nhiên. Bệnh mãn tính đi trước mới là điều đáng lo ngại. Hàng ngày phải ực trọn vẹn gần 10 viên thuốc.

 

Mỗi viên thuốc trị mỗi thứ bệnh. Mỗi thứ bệnh là mỗi nỗi đau riêng, chỉ có người đồng bệnh mới hiểu. Những bữa ăn bắt đầu nhạt dần, nhạt đến nỗi không có gì có thể nhạt hơn. Lúc cảm cúm, khi bật dậy, chỉ thấy nồi cháo trắng bạc phếch. Lúc bụng đói, mò vào bếp, khó tránh khỏi cặp mắt dò xét của bà nội. Bà sợ mất phần của cháu. Bà sợ con trai bà về không đủ món ăn. Rốt cuộc, muốn ăn phải lén lút. Múc gấp vài vá cơm. Gắp đại ít miếng thịt. Rồi lủi nhẹ về phòng, đóng nhanh cửa lại.

 

Tôi biết bà nội không thích thơ. Nhất là thơ giao lưu với đàn bà. Nhưng thơ không người đọc là thơ chết, thơ đóng băng, thơ để thẫn thờ với chính mình. Tôi đã làm thơ từ thời học trò. Làm thơ trước khi tôi gặp vợ. Trước khi tôi ngồi ăn với nàng những bữa cơm thịnh soạn có canh chua cá bông lau, có cá kho tộ trong những quán ăn sang trọng ở Mỹ Tho. Tôi chợt hiểu câu nói của ông bà già xưa. Một câu nói giản dị, nhưng rất thực tế. Muốn ăn phải lăn vô bếp.

 

Thế là muốn ăn, tôi phải làm bếp. Phải biết làm cá, làm thịt. Phải biết chiên xào, nêm, nếm. Phải biết dung hòa giữa đường, muối, nước mắm, dầu hào, bột nêm… Tôi nhớ ngày xưa tôi cũng đã từng chui vào bếp. Lúc còn đi học, Má đi Sài Gòn thăm Ba, giao cho tôi coi sóc hai thằng em. Ngày đó, tôi chỉ việc nấu nước cho thật sôi, chan vào mì ăn liền thay canh cho em tôi húp. Muốn ăn mặn thì bắc chảo lên, cho vào vài muỗng nước mắm, vặn lửa nhỏ, dùng đũa quậy cho đến khi sền sệt. Thế là có món kho quẹt. Lớn lên, khi bị cộng sản cầm tù, tôi cũng đã từng nấu bếp, sau khi ngán những lát sắn chua lè dội lên tận cổ họng. Nhưng cũng chỉ là rau dại, nấm rừng, cộng với vài loại củ hằm-bà-lằng-xắn-cấu, trộn chung lại thành một loại thập cẩm đặc biệt của người tù.

 

Ở Mỹ, không thể chơi kiểu giang hồ như vậy được. Tôi phải vào YouTube học các món ngon. Muốn như vậy, việc đầu tiên là chạy ù ra chợ mua một airfryer để tập dượt. Từ đó về sau, tôi tự đi chợ, tự nấu ăn và tự dọn dẹp cho riêng mình. YouTube đúng là nơi để các ông các bà thi thố nấu ăn. Tôi học được của một chị nhà hàng ở Cần Thơ món cháo cá hấp dẫn. Học của một anh nể vợ món xíu mại thơm lừng. Tôi làm thành công keo dưa leo ngâm nước tương và củ cải ngâm nước mắm. Cả hai món này, khi làm xong, cho vào tủ lạnh dành ăn dài dài. Càng để lâu càng thấm, càng thơm, càng ngon. Ai ai trong gia đình cũng đều thích thú.

 

Nói đến xíu mại, tôi chợt nhớ Má tôi. Ròng rã gần mười năm sống gần trại lính, Má tôi mở quán cà phê, buổi sáng có bán bánh mì xíu mại cho lính ăn lót dạ. Cái quán nhỏ xíu, chỉ có cái bàn duy nhất để mấy ông lính vây xung quanh. Không đủ chỗ ngồi, có ông phải đứng ăn, hoặc ngồi chồm hổm trước quán, trông rất tội nghiệp. Xíu mại Má tôi làm rất ngon, nhưng rất cực. Tối trước đó, Má tôi phải thức khuya băm thịt cho thật nhuyễn. Tiếng lụp-cụp-lạc-cạc đã đưa tôi vào giấc ngủ đêm đêm một cách nhẹ nhàng, để tờ mờ sáng hôm sau dậy thật sớm, ba chân bốn cẳng chạy đến lò bánh mì, vác đầy một bao nóng giòn về quán. Lúc đó, mùi cà phê và mùi xíu mại đã bốc lên thơm phức cả căn nhà. Má tôi chịu khó như vậy. Đều đặn như vậy. Mới nuôi nổi anh em tôi học hết trung học.

 

Má tôi lo cho con đến quên cả Má. Má tận tụy với công việc để có miếng ăn manh áo cho con ấm no, an bình trước phong ba cuộc sống. Bởi vậy, tôi không trách vợ tôi. Vợ tôi cũng quên cả nàng, quên cả tôi để lo cho thằng con, cho các cháu nội. Tôi chỉ trách vợ thằng con – một người đàn bà không có trách nhiệm. Sống vô tư như chưa hề có con, có chồng. Cô ta giống một người khách lạ đến trọ trong khách sạn. Chỉ việc tiêu pha, vui sướng. Xong rồi ung dung để lại những bề bộn, rác rến, và những thứ thừa mứa lộn xộn cho bồi phòng. Vợ tôi chính là người bồi phòng bất hạnh đó.

 

Những bữa ăn trong đời tôi khổ sở như vậy. Dù ở Việt Nam, ở Mỹ, ở chiến trường đẫm máu hay ở chốn ngục tù khỉ ho cò gáy, hoặc ở vùng lao động chó ăn đá gà ăn muối. Kẻ giang hồ như tôi, chắc chắn chẳng bao giờ nghĩ đến điều vật chất đó để buồn rầu. Tôi chỉ nghĩ đến cái tâm, cái phong cách, cái đạo đức của con người. Chẳng lẽ văn minh giúp cho con người bội bạc với nguồn gốc thiêng liêng của mình hay sao? Rồi đây thế giới sẽ đi về đâu, khi chủ nghĩa cá nhân bùng phát, khi thân xác được ca tụng, khi giá trị tinh thần bị hủy hoại hoàn toàn.

 

 

Tôi không bao giờ quên những bữa ăn thân tình của Má tôi, dù nó đã đi vào quá khứ, dù nó xa vời, cách đây mấy chục năm về trước. Những bữa ăn đó chỉ là những bữa ăn dân dã, thiếu thốn. Nhưng là những bữa ăn đầy tiếng cười, tràn ngập sức sống yêu thương. Lúc đó, Ba tôi đi làm nuôi cả gia đình. Má ở nhà, nội trợ, chăm sóc đàn con. Thường, Ba tôi về muộn. Vì chỗ làm rất xa, ông phải đạp xe từ ngoại ô vào đến trung tâm thị xã, mỗi ngày. Và buổi trưa, trời nắng gay gắt, Ba phải đạp xe trở về ngoại ô để ăn trưa. Biết thế, Má tôi vẫn đều đặn dành phần ăn cho Ba, rồi lấy lồng bàn đậy kín. Sau đó, Má mới dọn cơm lên chiếc bàn dài, gọi chúng tôi tụ lại ăn uống với nhau. Lúc nào Má cũng nhai nhỏ nhẻ, nhường thức ăn cho các con. Má rất vui khi chúng tôi nô đùa, yêu thương lẫn nhau. Và phần ăn của mỗi đứa, bao giờ cũng ngang nhau, không ai bị Má bỏ quên.

 

Lúc còn học trung học đệ nhất cấp, mỗi lần nghỉ hè, Má tôi thường đưa tôi lên nhà Cô để học nghề sửa xe hơi. Cô Dượng tôi là một thương gia có tiếng ở Bạc Liêu. Cô giàu nhờ có tiệm sửa xe gần bến xe đò đi lục tỉnh. Bữa cơm nhà cô tôi rất ngon và cũng rất đông. Nhưng cũng có phong thái kẻ trên người dưới một cách đàng hoàng. Hàng chục công nhân ngồi ăn chung với Cô Dượng tôi quanh một chiếc bàn tròn. Người nào vai vế nhỏ nhất thì ngồi gần nồi cơm để sẵn sàng phục vụ cho các người khác. Tuy vậy, người vai vế nhỏ này được đền bù lại bằng cách có quyền ngồi ăn đến sau cùng, cho tới khi nào no bụng thì thôi. Tất cả các món đều có riêng một cái muỗng bên cạnh. Mọi người đều dùng muỗng đó để múc thức ăn, không ai được quyền thọc đũa mình vào thức ăn để gắp. Cách ăn này rất lịch sự và được truyền lại mãi cho đến đời cháu con.

 

Bây giờ, tôi không có cơ hội duy trì những bữa ăn thân mật, lịch sự và trật tự như thế. Nhưng tôi vẫn nhớ mãi cung cách của Má tôi, của Ba tôi, của Cô Dượng tôi trong những bữa ăn như vậy. Và mỗi lần nhớ lại, tôi thật sự ngậm ngùi, như đã đánh mất một cái gì đó quý báu trong đời sống thường nhật của mình.

 

Phạm Hồng Ân  (Tháng Tám/2021)

Sài Gòn Nhỏ