Seite auswählen

Suy nghĩ về bản án 9 năm tù của Phạm Đoan Trang

 

Nguyễn Hoàng Linh

15-12-2021

Chỉ trong một ngày ngắn ngủi, nhà báo, nhà hoạt động Phạm Đoan Trang vừa bị tuyên bản án tù giam 9 năm tại phiên sơ thẩm diễn ra ở Hà Nội, với tội danh theo cáo trạng là “có hành vi làm ra, tàng trữ, lưu hành các tài liệu, bài viết có nội dung nhằm chống phá Nhà nước CHXHCN Việt Nam”.

Điểm khác với nhiều vụ án chính trị trước đây, là Phạm Đoan Trang đã tỏ ra rất cứng cỏi từ đầu đến cuối, trong quá trình điều tra lẫn trong phiên xử hôm nay, không khai nhận những cáo buộc bị quy, có cách hành xử đàng hoàng, ngẩng cao đầu của người hiểu biết và nắm chắc luật pháp.

Có lẽ thái độ bị coi là “bất hợp tác”, “thiếu thành khẩn” đó của bị cáo đã khiến Hội đồng Xét xử tuyên mức án 9 năm tù, trong khi đại diện Viện Kiểm sát “chỉ” đề nghị 7-8 năm. Phạm Đoan Trang cũng đã phát biểu những lời cuối cùng một cách rành mạch, ý nghĩa mặc dù nhiều lần bị cắt ngang.

Rất nhanh chóng, đã có rất nhiều bài viết, bản tin trên báo chí và mạng xã hội bình luận về vụ án này, và bản án được xem là “bỏ túi” dành cho Phạm Đoan Trang. Xét cho cùng, trả lời phỏng vấn báo chí, viết bài, trao đổi, chia sẻ quan điểm… vốn dĩ là điều rất tự nhiên của quyền tự do ngôn luận.

Là một trong những quyền căn bản quan trọng nhất thuộc “thế hệ thứ nhất” của các quyền con người, tự do ngôn luận, tự do biểu đạt, và đi kèm với nó, quyền tự do nói lên quan điểm, phê bình, chỉ trích cá nhân, chính quyền… vốn là điều đã được thế giới văn minh chấp nhận từ vài trăm năm nay.

Có mặt trong mọi văn kiện chính yếu về nhân quyền trên thế giới như một quyền bất khả xâm phạm và bất khả nhượng, tự do ngôn luận cũng thuộc 8 nội dung cơ bản của “Yêu sách của nhân dân An Nam” mà người thanh niên yêu nước Nguyễn Ái Quốc đã mang tới Hội nghị Versaille năm 1919.

“Tuyên ngôn Phổ quát về những Quyền con người” do Đại hội đồng Liên Hiệp Quốc thông qua ngày 10/12/1948 công nhận tự do ngôn luận là quyền con người theo điều 19, và quyền cơ bản này cũng được xác nhận lại trong bản “Công ước Quốc tế về các Quyền Dân sự và Chính trị” (1966).

Bất cứ ai “cũng có quyền giữ quan điểm mà không bị can thiệp”, “có quyền tự do biểu đạt”, gồm “quyền tự do tìm kiếm, tiếp nhận và phổ biến thông tin và ý kiến các loại, (…) bất kể bằng lời nói, bằng văn bản hay in ấn”, “thông qua bất kỳ phương tiện truyền thông nào tùy theo lựa chọn của họ” (*).

Phạm Đoan Trang đã hành xử quyền của mình một cách ôn hòa thông qua các bài viết và chia sẻ thông tin, và cho dù điều đó có thể không “hợp nhĩ” những cá nhân hay tập thể nào đó, thì đây vẫn hoàn toàn nằm trong quyền tự do ngôn luận, tự do biểu đạt và chính là bản chất của quyền đó.

Bản án nặng nề và phi nhân dành cho Phạm Đoan Trang cũng cho thấy, chừng nào xã hội còn thờ ơ, lãnh đạm và không thức tỉnh trước những nỗ lực gánh vác trách nhiệm chung cho cộng đồng, thì chừng ấy, những cố gắng như của Trang dầu có lớn lao đến mấy, cũng không đem lại kết quả gì…

_____

(*) Điều 19, “Tuyên ngôn Quốc tế Nhân quyền” (Universal Declaration of Human Rights).

 

“Trái tim chó”

 

Nguyễn Lương Hải Khôi

15-12-2021

Lời sau cùng của Phạm Đoan Trang tại phiên toà là “Một áng văn đã và sẽ đi vào Lịch sử. Trong 10 năm tới, nó sẽ được trích lại trong các sách Lịch sử Việt Nam viết bằng tiếng Anh. Có thể khoảng vài chục năm nữa, áng văn này sẽ đi vào sách giáo khoa Việt Nam.” (Nguyễn Đức Thành).

Chỉ trong vòng 1 hoặc 2 năm nữa, một cuốn sách như vậy sẽ ra đời, bằng cả tiếng Anh lẫn tiếng Việt.

Đọc lời sau cùng của Đoan Trang, tôi mới biết vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” (Hà Nội, năm 1981) của Hoàng Hữu Đản có câu này:

“Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang lẽ phải có thể bị ám hại vì lẽ phải đó, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi là thiên chức của con người”

Năm 1925, văn hào Nga Mikhail Bulgakov đã viết tiểu thuyết “Trái tim chó” để nói về chủ nghĩa cộng sản mới hình thành được gần chục năm trên đất nước mình.

Một nhà khoa học với những ý định tốt đẹp đã thử nghiệm cấy não người vào chó, làm cho con chó này chuyển hoá thành một sinh vật mới, có hình người và có thể nói tiếng người.

Ông đã sai lầm khi chọn não của một kẻ vô sản lưu manh trong lúc làm thí nghiệm. Kết quả là ông đã tạo ra một sinh vật đê tiện và tàn ác, mang diện mạo người nhưng sống bằng trái tim cầm thú.

Tên của kẻ vô sản lưu manh này là Chugunkin (“Chugun” tiếng Nga là “gang”, giễu nhại từ “stal” có nghĩa là “thép” trong cái tên của Stalin). Trong giai đoạn đầu tiên chuyển hoá thành người, nó mang hình thức của người nguyên thuỷ.

Câu chuyện ngụ ngôn hiện đại của M. Bulgakov đã thể hiện chính xác lịch sử của chủ nghĩa cộng sản, bắt đầu từ những “ước mơ đẹp” “trong phòng thí nghiệm” của Karl Marx thế kỷ 19 đến lúc thực hành trong thực tế ở Nga từ 1917.

Loại sinh vật người – chó, chó – người này sau khi tìm được chỗ đứng trong xã hội người đã sử dụng ngôn ngữ – thành tựu vĩ đại nhất trong lịch sử tiến hoá của loài người – vào một việc duy nhất là chửi rủa, xúc xiểm, vu cáo, bịa đặt, nói láo.

Nó vẫn dùng những khái niệm mà con người bình thường hay dùng, như “luật pháp”, “nghiêm minh”, “quốc gia”, “an ninh”, ‘đạo đức” nhưng với ý nghĩa và tinh thần của trái tim chó.

Nó có khả năng sinh sôi nảy nở với tốc độ kinh hoàng. Nó lấn át hết phần người của xã hội người.

Cuốn tiểu thuyết của Bulgakov bị Lev Borisovich Kamenev, một trong 7 Uỷ viên Bộ Chính trị tối cao của Liên Xô, ra lệnh cấm xuất bản. Thế cuộc xoay vần, 10 năm sau, Kamenev bị Stalin hành quyết. “Trái tim chó” được xuất bản lần đầu ở Liên Xô năm 1987, sau Cải tổ.

Mấy năm trước, trong một hội thảo về Việt Nam ở Mỹ, một giáo sư Mỹ gốc Nga chất vất một diễn giả: tại sao vẫn gọi Việt Nam là một nước cộng sản? Việt Nam và Trung Quốc đã có kinh tế thị trường, không còn như thời Hồ Chí Minh và Mao Trạch Đông nữa.

Đến giờ giải lao, một thính giả sinh ra ở Bắc vĩ tuyến 17 của Việt Nam bắt chuyện với với giáo sư: Giáo sư sinh ra thời Liên Xô, chắc hẳn biết tiểu thuyết “Trái tim chó” của Bulgakov.

Cuối câu chuyện “Trái tim chó”, nhân vật nhà khoa học đã tìm cách sửa sai, sau khi đã gây ra biết bao đau khổ cho nhân sinh.

Ông đã cố gắng lấy não của kẻ vô sản lưu manh ra khỏi con chó – người. Con chó – người được trở lại với hình thù chó ban đầu.

Nhưng dù tiên đoán người ta sẽ sửa chữa chủ nghĩa cộng sản, như nhà khoa học tìm cách sửa chữa thí nghiệm “trái tim chó” của mình, Mikhail Bulgakov năm 1925 cũng không lạc quan với tương lai một trăm năm sau của những xứ sở từng chìm đắm vào chủ nghĩa cộng sản.

Sau khi được giải thoát khỏi bộ não vô sản lưu manh, con chó vẫn còn nhớ những ký ức rác rưởi của nó khi còn mang hình dạng của người. Và nhà khoa học kia vẫn lưu trữ bộ não thí nghiệm trước đây, ngụ ý rằng những thí nghiệm tương tự cũng như tinh thần của “trái tim chó” sẽ còn tiếp tục tái diễn trong tương lai dù với hình thức khác.

Vị giáo sư gốc Nga gật đầu: Nước Nga ngày nay đúng là như thế./.

Nhìn chị Đoan Trang “từ đằng sau”

 

Phạm Lê Vương Các

15-12-2021

Đầu năm 2014, tôi kéo hành lý tiễn chị Phạm Đoan Trang sang Mỹ du học. Trên một sân ga tàu điện tại Bangkok, khi trao vali lại cho chị, tôi không vội quay lưng đi mà ngắm nhìn chị từ đằng sau cho đến khi khuất bóng dưới ánh đèn đêm.

Tôi nhìn theo bóng hình chị không phải vì sự lưu luyến khi rời xa, mà vì tôi muốn hướng mắt dõi theo những con người có nghị lực và khả năng phi thường. Khi đó, tôi thấy thật vinh dự được tiễn chị đi vào thế giới tự do, mang theo hoài bão thay đổi đất nước bằng một tinh thần phụng sự với cả tuổi trẻ chỉ biết bôn ba và dấn thân.

Ngày chị trở về Việt Nam, như một cơ duyên, tôi lại tiếp tục nhìn chị từ đằng sau, gọi tên chị ở sân bay Tân Sơn Nhất, và rồi đón chị từ trong tay của các viên an ninh Bộ Công an.

Ngày chị bị bắt, tôi lại được nhìn thấy chị từ đằng sau qua một bức ảnh được đăng tải trên mạng xã hội. Cũng dưới ánh đèn đêm, lúc này chị đang bị người khác đưa đi vào một thế giới tù đày.

Tôi chỉ nhìn Phạm Đoan Trang từ đằng sau vì vốn dĩ chị luôn là người “đi đầu”. Đi đầu không phải để dẫn dắt lãnh đạo, mà là một thái độ tiên phong, sẵn sàng đón nhận tất cả những rủi ro về phần mình. Chị như một chiến binh, tham gia vào hầu hết các mặt trận đấu tranh nguy hiểm nhất, ngay cả khi đôi chân của chị trở nên tật nguyền.

Tôi hay nói đùa với chị, khi cách mạng thành công, chị muốn cơ cấu vào vị trí Chủ tịch Hội Thương binh hay Bộ trưởng Thông tin? Chị cho biết sẽ tiếp tục sống với đam mê của mình: viết sách và ôm đàn.

Và hôm qua, chị bị kết án 9 năm tù giam về tội tuyên truyền chống nhà nước. 9 năm tù như một điều tất yếu sẽ đến với chị trong bối cảnh này. Nhìn chị ra toà, tôi không chút phẫn nộ hay đớn đau, chỉ cảm thấy trăn trở cho một người như chị Trang, đến bao giờ không còn phải bận tâm về dân chủ và nhân quyền, mà được sống toàn tâm với đam mê viết lách và đàn ca của mình?

Phạm Thị Hoài: Thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong

 

Phạm Thị Hoài

15-12-2021

Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối. Chẳng phải mỗi con người trung thực ở đất nước này đều hổ thẹn vì chính phủ của mình đó sao, và ai lường nổi nỗi nhục trút xuống đầu con cháu chúng ta sẽ lớn đến mức nào khi bức màn che mắt chúng ta rơi xuống và những tội ác ghê tởm nhất và vượt xa mọi giới hạn sẽ được đưa ra ánh sáng? Nếu dân tộc này đã tha hóa và phân rã trong bản tính sâu thẳm nhất của mình, đến mức một ngón tay cũng không buồn đụng đậy, từ bỏ ý chí tự do, điều cao quý nhất mà con người sở hữu và nhờ đó mà đứng trên mọi loài vật – nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát, vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong.

Đó là lời của cô sinh viên 21 tuổi Sophie Scholl trong một tờ truyền đơn kêu gọi người Đức chống lại chính quyền Đức Quốc xã. Cô bị bắt, bị Tòa án Nhân dân Munich kết án tử và hành quyết bằng máy chém.

Sau bản án 9 năm cho Phạm Đoan Trang, những lời hão huyền và thậm chí ru ngủ lại vang lên, rằng ngày tàn của chính quyền bạo chúa đã đến rất gần vì nó đã mất hết tính chính danh, rằng chính quyền ấy đang đứng trước vành móng ngựa của lịch sử, rằng chế độ ấy không kịp bóc lịch trước khi Trang mãn án. Trái với mọi tiên đoán, xu hướng bạo chúa trên toàn thế giới không suy giảm. Ngược lại. Hà Nội điềm nhiên ra những bản án như vậy – hôm nay, một ngày sau Trang, hai nhà hoạt động Trịnh Bá Phương và Nguyễn Thị Tâm bị kết án tù 10 và 6 năm trong phiên tòa vỏn vẹn một buổi sáng – cũng vì thấy mình vững chân trong trào lưu bạo chúa đang cường thịnh và trong bối cảnh phe dân chủ đang thoái trào.

Hai năm sau khi chém đầu Sophie Scholl, Đức Quốc xã sụp đổ, song chủ yếu không bởi sức phản kháng của người Đức, mà do thua trận trước phe Đồng minh. Còn bây giờ, lịch sử đang bỏ mặc người Việt.

Chín năm tù cho “tội” yêu nước!

 

Lâm Bình Duy Nhiên

15-12-2021

Có lẽ chẳng còn ai còn thầm hy vọng gì nữa về cái gọi là pháp luật tại nước CHXHCNVN. Hy vọng gì đối với những bản án vô nhân đạo, đậm chất tàn bạo của một chính quyền đối với những tiếng nói yêu nước, của những đòi hỏi, khát vọng, suy cho cùng, trong một xã hội tiến bộ, là những hành động bình thường, được ghi nhận trong Hiến pháp?

Bản án dành cho nhà báo Phạm Đoan Trang như một vở bi hài kịch mà người dân Việt Nam đang phải chịu đựng, bắt buộc xem. Đó không chỉ là bản án dành riêng cho một cá nhân, Phạm Đoan Trang, mà đó còn là một bản án dành cho cả một dân tộc, trong cái trại giam khổng lồ, nơi mọi sự tranh đấu đều bị khủng bố và uy hiếp một cách trơ trẽn.

Cái điểm đến của chế độ là xây dựng một xã hội vô cảm, nơi mà người ta chỉ biết nghĩ đến chính mình, chính gia đình, hay tập đoàn của mình. Hãy làm giàu, bất chấp mọi giá trị đạo đức. Hãy hưởng thụ, hãy đua đòi. Những chuyện còn lại đã có “ Đảng và nhà nước” lo.

Nhân quyền, dân chủ, tự do báo chí, tín ngưỡng,… Tất cả chỉ là thuốc phiện của thế giới tư bản bốc lột!

Hơn 90 triệu dân nhưng chỉ một số nhỏ, cực kỳ nhỏ, lội ngược dòng cản, bất chấp hiểm nguy, đối đầu với nhà cầm quyền, đã nói lên thảm trạng về tư duy của người Việt ngày nay.

Nhà nước Việt Nam có chủ đích tạo nên một xã hội với những công dân hèn nhát trước vận mệnh cấp bách của dân tộc. Nhưng cũng chính những công dân ấy lại sẵn sàng hùng hổ, phô trương chủ nghĩa dân tuý cực đoan cho những thứ phù phiếm, tẻ nhạt, nhưng lại vô cùng quan trọng dưới con mắt của chính quyền.

Chúng ta hèn nhát và cái gia tài để lại cho các thế hệ sau chính là một Việt Nam bệnh hoạn, tàn bạo.

Chúng ta câm miệng hôm nay là đồng loã và thoả hiệp với những tội ác của một chế độ độc tài toàn trị. Chính sự im lặng đáng sợ, đáng trách ấy đã duy trì sự tồn tại của một chế độ đáng bị lên án, nguyền rủa và đào thải trong lịch sử dân tộc.

Ngày Phạm Đoan Trang bị tuyên án 9 năm tù, có lẽ chẳng mấy ai buồn tình tìm hiểu. Có lẽ họ đang bị cái giải bóng đá ao làng cuốn hút. “Chính trị là điều không tốt”, có người tại Sài Gòn nói như thế với người viết!

Và họ càng không tỏ ra lo lắng cho chính số phận của họ, của gia đình họ qua những gì vẫn đang và sẽ xảy ra trong xã hội trên bình diện chính trị…

Người viết chợt nhận ra rằng hôm nay (14/12/2021), nhà hoạt động nhân quyền, blogger người Belarus, ông Sergueï Tikhanovski cũng bị tuyên án 18 năm tù. Một bản án tàn khốc, như những gì Phạm Đoan Trang đã bị Hà Nội đối xử.

Tikhanovski và vợ, bà Svetlana Tikhanovskaïa, lãnh đạo đối lập là mục tiêu cho sự trả thù của nhà độc tài Loukachenko.

Phạm Đoan Trang hay Sergueï Tikhanovski, những tiếng nói của lương tâm luôn là “kẻ thù” đáng sợ nhất của mọi chế độ độc tài toàn trị.

Nhưng đâu đó, người dân Belarus vẫn còn nhiều hy vọng vào những thay đổi và lột xác cho chính tương lai của họ. Những cuộc biểu tình rầm rộ của hàng trăm ngàn người trong thời gian qua chứng tỏ đó là một dân tộc trưởng thành, được đúc kết qua hành trình lịch sử bằng những khái niệm về dân chủ. Họ dám đương đầu với một bộ máy an ninh, khủng bố bất chấp mọi nguy hiểm.

Tiếc thay, đó lại là yếu tố không có trong xã hội Việt Nam. Cái tư duy hèn nhát, vô cảm khi chỉ biết trông chờ vào người khác, đã khiến cho mọi khát vọng dân chủ trở nên không tưởng và phi thực tế.

Tự do là phải tranh đấu, phải giành giựt, thậm chí hy sinh. Tự do không phải là món quà được Đấng Bề Trên ban tặng. Nhân loại đã phải trải qua những thời khắc đen tối để đào thải những rác rưởi từ phát xít, phân biệt chủng tộc đến chủ nghĩa cộng sản để xây dựng nên những xã hội nhân bản và dân chủ.

Những sự hy sinh, như Phạm Đoan Trang, dẫu bên lề của sự vô cảm của cộng đồng, vẫn thiết thực và quan trọng trong quá trình làm thay đổi nhận thức của cả một xã hội.

Bởi vì Freedom Isn’t Free!

Tiếng Dân

Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ

Tuấn Khanh

15-12-2021

Bản án 9 năm của nhà báo Phạm Đoan Trang không khác gì những tiếng chuông cuối, báo sự rã rời của chế độ về sự mâu thuẫn khôn cùng: sự khao khát chính danh trên trường quốc tế và cách kiểm soát quốc gia theo kiểu bàn tay sắt của thời Xô-viết cũ.

Suốt trong nhiều năm nay, Hà Nội đã làm mọi cách để chứng minh tính chính danh của mình, đặc biệt sau 1995, khi người Mỹ bỏ cấm vận. Chính danh để xoá mờ ý nghĩa khác của sự kiện thống nhất Việt Nam sau năm 1975 – mà Hà Nội gọi là “giải phóng”, còn dư luận thế giới thì gọi là “cưỡng chiếm”.

Để được tính chính danh, ung dung đối diện với thế giới, và kể cả cựu thù là nước Mỹ, nhà nước Việt Nam đã âm thầm nỗ lực rất nhiều thứ, kể cả việc nhận trả luôn 140 triệu USD phần nợ của chế độ VNCH đã mượn chính phủ Hoa Kỳ để xây dựng các hệ thống hạ tầng quốc gia. Xin tham gia vào WTO, Hà Nội đã phải bước qua các tranh cãi về tính lý thuyết của chủ nghĩa cộng sản, chấp nhận mở lại các không gian tự do tôn giáo, thả bớt tù chính trị…

Hiểu rõ chủ nghĩa cộng sản chỉ còn là tấm bình phong mong manh trước thời đại mới, và không thể cứ là phần nối dài của anh cả Trung Quốc, nhiều năm nay Việt Nam cố gắng ra mặt trong các vai trò của khối Asean, tổ chức hội nghị quốc tế, xuất hiện nhiều trong các chương trình của Liên Hiệp Quốc. Đỉnh điểm mới, là việc ứng cử vào Hội đồng nhân quyền Liên Hợp Quốc.

Nhưng với những điều luật mơ hồ và ngớ ngẩn như điều 117, 331… và vô số các chi tiết khác để kềm hãm con người và đất nước Việt Nam trong sự kiểm soát bằng công an, quân đội và hệ thống toà án giả hình, chính Hà Nội đang tự huỷ diệt tính chính danh của mình từng ngày, hay nói đúng hơn là qua các phiên toà như sân khấu hiện nay. Việc tổ chức làm khó, ngăn cản người bào chữa với thân chủ, hành hạ người bị giam giữ… và cuối cùng là tổ chức những phiên xử như phường tuồng với những mức án nặng, mỗi ngày càng làm nhơ nhuốc bộ mặt của chế độ trước quốc tế.

Hà Nội hiểu điều đó không? Chắc chắn là có, vì trong các cuộc đánh nhau ở tầng lành đạo cấp cao, tháng 3-2007, bức hình linh mục Nguyễn Văn Lý bị mật vụ thường phục bịt miệng trước toà đột ngột xuất hiện trước thế giới – điều mà không có báo nào của nhà nước Việt Nam dám đăng – từ chỗ mà không có một thường dân nào có thể giơ máy lên chụp như vậy, cho thấy chỉ có trò cố ý làm bẽ mặt nhau vào lúc chủ tịch nhà nước Việt Nam Nguyễn Minh Triểt đi công du Hoa Kỳ và đến Đại Hội đồng Liên Hiệp Quốc. Khi báo chí quốc tế nhân dịp đó, cụ thể là đài CNN, đã phỏng vấn ông Triểt về bức hình này. Sau đó, ông Triết đã tự giải thích rằng “cho rằng trong lúc xét xử ông Lý có những lời lẽ thô bạo, chửi bới chính tòa nên đã xảy ra chuyện bịt miệng nhưng hành động này là không tốt, không đúng, là sai sót của một nhân viên bình thường không phải là chủ trương của nhà nước và việc này sẽ bị xử lý”. Trong ngôn luận, có thể thấy ông Triết đang làm mọi cách để bảo vệ cho tính chính danh của Nhà nước Cộng hoà Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam đang lao ra thế giới phương Tây để tìm một chỗ đứng.

Nên nhớ, sau khi cuộc chiến kết thúc năm 1975, Hà Nội không cần thể hiện tính chính danh với phương Tây. Dựa lưng vào khối chủ nghĩa xã hội, những người cộng sản cầm súng có ngôn luận riêng của mình. Trong cuộc họp báo ở Paris cuối tháng 4 năm 1977, Khi được báo chí phỏng vấn chuyện lùa hàng trăm ngàn người của chế độ VNCH ra “học tập ngắn ngày” rồi đưa đi giam giữ không án, Thủ tướng lúc ấy là ông Phạm Văn Đồng quả quyết những trại cải tạo là “sự thể hiện cực kỳ nghiêm túc quan niệm nhân quyền” của Việt Nam và có mục đích giúp những người “phạm tội ác tày trời” trở về với cuộc sống bình thường. Chỉ tay vào giới phóng viên quốc tế, ông Phạm Văn Đồng trợn mắt, kết luận rằng “các người còn muốn gì nữa?”.

Nhưng sau 1990, mọi thứ đã khác. Tính chính danh là sự phấn đấu miệt mài của chính quyền Việt Nam, bao gồm luôn cả các quan chức cộng sản cũng tìm cách thể hiện sự gần gũi của mình với thế giới bằng cách thỉnh thoảng cho thấy việc nói đôi chút tiếng Anh, chứ không hề giới thiệu mình sành sõi tiếng Nga hoặc tiếng Trung.

Nhưng chỉ ít thời gian sau, cái gọi là “không phải chủ trương cúa nhà nước” của chủ tịch Nguyễn Minh Triết đã không còn ở tư thế bào chữa cho bộ mặt một chế độ. Căn tính độc tài cùng sự chiếm lĩnh quyền lực quốc gia của Bộ công an, được hậu thuẫn phe lý thuyết cộng sản bảo thủ, đã biến những điều như trò bịt miệng bằng luật. Mọi thứ đã tiến dần từ chuyện bảo vệ an ninh quốc gia đến bảo vệ danh tính của các nhà lãnh đạo cao, thấp.

Nhà báo Phạm Đoan Trang đã phạm những tội quốc gia lớn đến mức nào, mà phải bị biệt giam điều tra cả năm trời, không cho gặp luật sư hay người thân? Hay đó là cách luật hoá chuyện tra tấn tinh thần, cô lập và hành hạ để dẫn dắt người bị khởi tố vào chỗ dễ dàng thoả hiệp hay nhận tội? Trò biệt giam rồi bỏ mặc các tình trạng khó khăn thể chất, liệu có là một loại “luật” của nhà nước Việt Nam?

Dù có luật định là phụ nữ có con dưới 36 tháng tuổi sẽ được hoãn thi hành án hoặc không bị giam giữ điều tra, nhưng Việt Nam đã từng có cô Đoàn Thị Hồng, có con nhỏ vẫn bị biệt giam – không thông báo gì cho gia đình – cho đến ngày ra án. Mới đây, cô Huỳnh Thục Vy cũng bị ép thi hành án, dù còn đến nửa năm nữa tại ngoại theo đúng luật của chính nhà nước Việt Nam ban hành.

Nhà tranh đấu Trần Huỳnh Duy Thức tuyệt thực, chỉ đòi được trả lời việc thi hành luật đúng như đã ghi trong sách, nhưng cả một hệ thống chọn im lặng vì không đủ khả năng trả lời bằng luật. Trại giam thì tìm cách giữ lại thư gửi cho các cơ quan, như kiểu bịt miệng linh mục Nguyễn Văn Lý.

Chẳng phải những bản án quyết tuyên, và gần đây là Phạm Đoan Trang, Trịnh Bá Phương, Nguyễn Thị Tâm, Lê Trọng Hùng, Đỗ Nam Trung… là những điểm tan vỡ rất rõ của bộ mặt chính danh, mà chế độ đã và đang cố gắng nỗ lực sao? Tất cả những lời cam kết với quốc tế, tất cả những khát vọng đưa Việt Nam vào thế giới văn minh của nhiều thế hệ quan chức thầm lặng của Hà Nội đã bị phản bội không ít khi mọi thứ hôm nay hỗn loạn hơn, rừng rú hơn. Và đặc biệt khi tráo trở hơn với thế giới: lớp son phấn chính danh của một chế độ có phải đang trôi tuột?

Nói với điều tra viên, Phạm Đoan Trang nhấn mạnh từng chữ “Bắt giam một người viết đã làm một tội ác. Bắt giam một người viết tàn tật là một trọng tội”. Nhân dân như vậy đó, vẫn đứng cao hơn một bậc, vẫn cao quý hơn một chế độ, họ vẫn nói để cảnh báo về những tội ác của nhà cầm quyền, và sẳn sàng đi tù để dành thời gian chứng nghiệm sự rơi rụng của phần trang điểm chính danh và bước ra, sống mãi trong lòng dân tộc.

Dĩ nhiên, với cái cách liên tục và điên cuồng tự huỷ diệt mình như hiện nay, với các phiên toà vô nghĩa, viện kiểm sát, bộ công an toa rập với nhau, ngày tính chính danh của chế độ không còn, chắc cũng không còn xa.

 

Tại sao Đảng sợ Phạm Đoan Trang


Nhà báo Phạm Đoan Trang tại phiên xử tại tòa Hà Nội ngày 14 tháng 12, 2021.

Cô Phạm Đoan Trang, 43 tuổi, đã bị tuyên án 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước” theo luật Hình sự của đảng Cộng sản. Luật sư Đặng Đình Mạnh kể, có lúc tòa tạm ngưng, cô Đoan Trang quay lại nhìn về phía người mẹ đang ngồi phía sau khoảng 5 mét. Bà Bùi Thị Thiện Căn, hơn 80 tuổi, đã nắm tay, đưa một ngón cái lên: “Con là Số Một!”

Có 5 luật sư bào chữa cho Phạm Đoan Trang, các ông Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Lê Văn Luân, Ngô Anh Tuấn và bà Phạm Lệ Quyên. Luật sư Mạnh nhận xét, “Có lẽ, chỉ có dòng máu anh thư chảy trong huyết quản người mẹ Việt mới có thể luân chuyển, hun đúc nên tinh thần kiên cường của một Đoan Trang mà chúng tôi phải ngả mũ từ rất xa.”

Phạm Đoan Trang đã sáng lập tạp chí “Luật Khoa” giúp người Việt Nam hiểu luật pháp để tự bảo vệ quyền lợi của mình. Cô làm báo từ năm 2000 cho đến 2013, cộng tác với gần mười cơ quan báo chí trong nước, như VnExpress, Vietnamnet, báo Pháp Luật Thành Phố Hồ Chí Minh, đài truyền hình VTC, vân vân.

Năm 2014, cô qua Mỹ nhận học bổng nghiên cứu của tổ chức Villa Aurora & Thomas Mann House và thư viện Feuchtwanger tại đại học nam California (University of Southern California- USC). Năm 2015 Phạm Đoan Trang tham gia cuộc biểu tình ôn hoà “bảo vệ cây xanh” và bị công an đánh gãy cả hai chân. Cô đã xuất bản những cuốn Phản kháng phi bạo lực, Cẩm nang nuôi tù, Chính trị bình dân, tất cả hơn 10 tác phẩm tranh đấu. Cô bị bắt giam thêm nhiều lần nữa.

Tại sao sau khi công tố viên đề nghị bản án từ 7 đến 8 năm tù, quan tòa lại tăng lên thành 9 năm?

Vì Đảng Cộng sản đang sợ. Đó là nhận xét của một tờ báo ở Berlin, nước Đức, ngay lập tức khi loan tin bản án.

Ông Dương Hồng Ân ở Đức giới thiệu nhật báo TAZ tường thuật phiên tòa, dưới tiêu đề “Tự Do Báo Chí ở Việt Nam (Pressefreiheit in Vietnam). Báo này viết tựa: “Chín năm tù cho nhà báo nữ” (Neun Jahre Haft für Journalistin). TAZ giải thích, “Chế độ độc tài đưa ra bản án quá nặng, chắc vì họ sợ…” Nhờ bản tin này, độc giả được biết “Việt Nam đứng hàng thứ 175 trong số 180 quốc gia, trong bảng xếp hạng “tự do báo chí” của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới.“

Tại sao Đảng sợ Phạm Đoan Trang? TAZ viết rằng họ “sợ dân chúng các làng” sẽ tiếp tục tranh đấu mạnh hơn. Một tháng trước khi bị bắt vào năm ngoái, cô Trang cùng với Will Nguyễn (ở Mỹ) đã công bố hồ sơ về làng Đồng Tâm, ngoại ô Hà Nội, dân làng phản đối chế độ cộng sản tịch thu đất đai rồi bị đàn áp tàn nhẫn. TAZ ghi nhận “Hai người dân xã Đồng Tâm đã bị án tử hình, những người khác đã bị kết án tù nhiều năm.”

Báo TAZ cũng loan những tin mà dân Việt Nam trong nước không hề biết, vì không báo, đài nào nói đến: Ngày Thứ Hai trước phiên tòa, tổ chức quốc tế Theo dõi Nhân quyền (Human Rights Watch) đã yêu cầu Cộng sản Việt Nam trả tự do cho Phạm Đoan Trang ngay lập tức. HRW kết tội cộng sản đã vi phạm Công Ước Quốc tế về Quyền Tự do mà họ đã ký kết năm 1982. Báo TAZ còn nhắc lại, vào năm 2017 tổ chức nhân quyền “People in Need” ở Cộng Hòa Tiệp (Czech) đã tặng cô Đoan Trang giải Người Với Người (Homo-Homini Preis), và năm 2019 tổ chức Phóng viên Không Biên Giới đã trao tặng cô giải “Tự Do Báo chí.” Trung tâm PEN ở Đức tuyên dương Phạm Đoan Trang là thành viên danh dự; yêu cầu nhà nước CSVN phải trả tự do cho cô.

Giáo sư Nguyễn Quang A cho thấy một lý do khác khiến Đảng sợ Phạm Đoan Trang: Vì chính cái tội danh “chống nhà nước” họ cáo buộc cho cô đã là phi lý. Ông viết, “… xét về mặt nguyên tắc chẳng ai có thể chống lại một nhà nước cả …, nhưng ai cũng có quyền chống một chính quyền … khi chính quyền ấy làm bậy…”

Nhà báo Tuấn Khanh cũng nhìn thấy Đảng đuối lý. Vì đuối lý nên “văng tục.” Đảng sợ Phạm Đoan Trang vì cô “chủ trương đấu tranh bằng lý lẽ, chữ nghĩa.” Còn Đảng thì không nghĩ ra lý lẽ! Bí quá, Đảng phải dùng những hành động thô bạo, ngôn ngữ, hạ cấp. Tuấn Khanh kể lại năm 2017, sau khi Đoan Trang xuất bản cuốn Chính trị Bình Dân ở nước ngoài rồi bị bắt, cô được dẫn vào phòng giam. Sau khi cô hỏi đi hỏi lại tại sao lại bỏ tù cô, không ai trả lời được một câu. Thay vì nói “tôi chỉ làm theo lệnh trên,” một anh công an trẻ chỉ tay vào mặt cô, quát lên, “Địt mẹ con mặt l…!” Đó là thứ lý lẽ, chữ nghĩa quen thuộc của Đảng.

Bản án 9 năm tù chính là thứ ngôn ngữ “Đ.M.” của những kẻ vô học khi bị đuối lý. Nguyễn Quang A thấy bản án 9 năm giống như vậy: “… chỉ những kẻ yếu mới dùng đến những biện pháp đàn áp thô bạo như thế…” Nhưng ông cũng thấy hậu quả là “chỉ khiến nhiều người quyết tâm hơn!” Hơn nữa, “nhiều người nhìn thấy hành động phi pháp của chính quyền, và như thế thực sự hại cho chính quyền.”

Một ngày sau bản án cho cô ĐoanTrang, nhà phản kháng Trịnh Bá Phương và bà Nguyễn Thị Tâm đã bị kết án tù 10 năm và 6 năm. Bà Tâm góp mặt, như một phụ nữ đòi dân chủ tự do, cùng với Lê Thị Công Nhân, Tạ Phong Tần, Huỳnh Thục Vy, Nguyễn Ngọc Như Quỳnh, vân vân. Có lẽ Đảng Cộng Sản sợ các phụ nữ đấu tranh nhiều hơn nam giới. Vì khi họ lên tiếng nói ảnh hưởng sẽ mạnh hơn. Những nhà lãnh đạo đầu tiên đòi độc lập cho dân tộc Việt Nam là các Bà Trưng và Bà Triệu. Quân Hán, quân Ngô đã đánh bại các bà. Nhưng Lịch sử mãi mãi ghi danh các vị nữ anh hào.

Lời nói sau chót của Phạm ĐoanTrang nói đến một phiên tòa của lịch sử: “Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay; nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.”

Sau khi đọc tin bản án 9 năm, Phạm Thị Hoài đã nhìn lại lịch sử nước Đức, nơi cô đang sống, nhắc lại một lời tuyên án: “Không có gì ô danh một dân tộc văn hiến hơn là khoanh tay chấp nhận sự cai trị của một tập đoàn lãnh đạo vô trách nhiệm và chỉ tuân theo những bản năng tăm tối. Nếu dân tộc này đã mất hết mọi phẩm giá cá nhân và chỉ còn là một đám đông vô hồn và hèn nhát, vâng, nếu vậy thì dân tộc ấy xứng đáng diệt vong.” Đó là lời của cô sinh viên Sophie Scholl, 21 tuổi, kêu gọi người Đức chống Đức Quốc xã. Cô bị bắt và bị giết. Nhưng lời buộc tội của cô đã được lịch sử ghi nhớ.

Phạm Đoan Trang cũng tuyên án. Sau cùng, Lịch Sử sẽ phê phán. Đảng Cộng sản sẽ không thoát tội trước phiên tòa của Lịch Sử./.

Blog VOA

Sau Phạm Đoan Trang sẽ tới ai?

 

Jackhammer Nguyễn

15-12-2021

Không phải tôi hỏi rằng nhà nước cộng sản Việt Nam sẽ bắt ai nữa sau Phạm Đoan Trang, người vừa bị án tù 9 năm trong ngày 14/12/2021. Câu hỏi của tôi là, người Việt Nam nào sẽ tiếp tục làm những công việc tương tự như cô, phản bác tận gốc chế độ toàn trị Việt Nam hiện nay? Và ai nữa sẽ làm hơn những việc Đoan Trang làm?

Phạm Đoan Trang không phải là một chính trị gia, cũng không phải là một người có năng khiếu lãnh đạo bẩm sinh, những công việc cô làm là sự phản kháng của trí thức Việt chống lại sự lỗi thời và lỗi đạo của chế độ toàn trị Việt Nam, một kết quả lai căn giữa lề thói áp bức phong kiến phương Đông và mô hình xã hội phản động của chủ nghĩa cộng sản Lenin.

Một nhà nghiên cứu người Mỹ là ông Zachary Abuza nói với báo Washington Post của Mỹ vài tiếng sau khi bản án được tuyên bố, rằng nguyên nhân nhà cầm quyền Việt Nam bỏ tù Đoan Trang là cô làm cho họ bối rối, vì cô cho thiên hạ biết rằng, họ vi phạm chính luật lệ của họ.

Tôi không hoàn toàn đồng ý với ông Abuza. Hàng ngày trên mạng xã hội Việt Nam có đến hàng trăm lời bình phẩm về việc Đảng Cộng sản Việt Nam vi phạm luật lệ của họ. Nhưng Đoan Trang bị bắt và bị bỏ tù vì là sự bắt đầu cho một phản kháng trí thức, vốn thiếu vắng trong xã hội lai căn về tinh thần, về ý thức hệ, … của Việt Nam hiện nay. Cách tiếp cận vấn đề rất nồng nhiệt của Đoan Trang đánh thức lớp thanh thiếu niên Việt Nam đang thiếu hẳn một tinh thần trí thức phản biện, một khả năng phân biệt đúng sai, và sự can đảm.

Đối với Đảng cộng sản Việt Nam, cái tội lớn nhất của Đoan Trang là Nhà Xuất bản Tự do của cô và đồng sự, chứ không phải hai bài phỏng vấn với BBC và RFA Việt ngữ như nhà cầm quyền dùng làm “tang chứng” cho vụ án.

Phạm Đoan Trang là một cá nhân hiếm hoi trong số hàng trăm người (có thể là hàng ngàn) của giới bất đồng chính kiến.

Vì sự hiếm hoi đó nên phong trào đối kháng, đôi khi cũng được gọi là phong trào dân chủ Việt Nam, chỉ ồn ào mà không mạnh, và trên thực tế phong trào này đã tắt vào năm 2020, chỉ còn lại “phong trào Facebook” có vẻ còn ồn ào hơn xưa nữa, nhưng chẳng mảy may tác động đến chế độ.

Ông David Brown, cựu viên chức ngoại giao Mỹ, nói với BBC Việt ngữ sau bản án của Đoan Trang là, những nhân vật giỏi nhất của phong trào phản kháng, hoặc bị bỏ tù, hoạc lưu vong, số đông trong số còn lại đang lãng phí thời gian trong chuyện ngưỡng mộ… Donald Trump!

Quả là khôi hài, nhưng hoàn toàn có thật và đó chính là một trong những nguyên nhân làm tan rã một phong trào vốn cũng không cố kết là mấy. Bình tâm mà nhận xét: Làm sao những người tự xưng là đấu tranh cho dân chủ Việt Nam lại đi ngưỡng mộ một kẻ quái gỡ phản dân chủ, thậm chí âm mưu lật đổ cả thể chế dân chủ Mỹ?!

Rất nhiều bài viết xuất hiện sau khi Đoan Trang bị tuyên án 9 năm tù. Và cũng như những lần trước, khi có một nhân vật phản kháng nào đó bị bắt, bị kêu án, nội dung những bài viết này lại là sự khóc thương quá khứ và hiện tại cho nhân vật bị tù đày, kết án sự bạo tàn của chế độ… Và còn có cả những ước vọng nữa, như là hai cái tựa tôi gặp ở đâu đó như là: Mỗi bản án chính trị là điểm nối tan vỡ của chế độ (Chừng nào nó vỡ?) Hay là “Phạm Đoan Trang ‘dữ’ hay đảng yếu…” (Họ yếu thì làm gì họ?)

Dĩ nhiên sẽ có nhiều người Việt biết đến Phạm Đoan Trang sau sự kiện ngày 14/12 này, nhưng bao nhiêu? 60% người Việt là nông dân đang lo hạn hán, mất mùa,… có bao nhiêu người biết đến gia đình Trịnh Bá Phương, cũng là nông dân như họ, lãnh ngay những bản án nặng nề sau phiên xử Đoan Trang? Có bao nhiêu phần trăm công nhân đang vất va vất vưởng vì Covid và bị giới chủ tư bản kết hợp với Đảng bóc lột thậm tệ, biết về … Chính trị bình dân (Cuốn sách phổ cập các khái niệm về chính trị của Đoan Trang)? Gần gủi nhất với Đoan Trang là giới sinh viên, học sinh thành thị, có bao nhiêu em đọc được BBC Việt ngữ?

Các nhà “cách mạng” Việt Nam hiện đại vẫn ở trong cái phòng đồng vọng (echo chamber) do công ty Facebook lập ra, để rồi với sự trợ giúp của chính Facebook, Đảng sẽ “tính” đến họ khi cần.

Hơn 200 ủy viên Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam, đóng vai các lãnh chúa hiện đại của nước Việt Nam, vẫn kiểm soát rất chặt chẽ từng địa phương của đất nước, mặc cho các lời “tiên đoán” hào hùng từ trong nước ra đến hải ngoại là chế độ cộng sản sắp … tàn đến nơi rồi.

Mỹ, Anh, Canada và các nước khác đồng loạt phản đối bản án 9 năm tù đối với bà Phạm Đoan Trang


Nhà báo tự do Phạm Đoan Trang tại tòa ngày 14/12/2021. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.

Ngay sau khi nhà báo tự do Phạm Đoan Trang bị chính quyền Hà Nội tuyên án 9 năm tù vào ngày 14/12, Mỹ, Anh, Canada và hàng loạt các quốc gia phương Tây lên tiếng phản đối bản án này và kêu gọi chính quyền trả tự do ngay lập tức cho bà.

Hoa Kỳ

Hoa Kỳ lên án việc kết tội và tuyên phạt ký giả Phạm Đoan Trang 9 năm tù, phát ngôn nhân Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ Ned Price cho biết ngày 14/12.

Thông cáo từ Bộ Ngoại giao Mỹ nói bà Trang không làm gì ngoài bày tỏ ý kiến một cách ôn hoà và Hoa Kỳ kêu gọi chính phủ Việt Nam phóng thích bà Trang và cho phép mọi người ở Việt Nam tự do bày tỏ quan điểm mà không phải sợ bị trả thù.

Đại sứ quán Hoa Kỳ tại Việt Nam dẫn thông báo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ kêu gọi Hà Nội đảm bảo luật lệ và hành động của họ nhất quán với các điều khoản về nhân quyền trong Hiến pháp Việt Nam cũng như cam kết và nghĩa vụ của Việt Nam với quốc tế.

Anh

Bà Amanda Milling, Quốc vụ khanh Bộ Ngoại giao và Phát triển phụ trách khu vực châu Á của Bộ Ngoại giao Anh, nói trong thông cáo ngày 15/12: “Việc nhà báo Việt Nam Phạm Đoan Trang phải nhận mức án 9 năm tù là vô cùng đáng lo ngại. Bỏ tù các nhà báo chỉ vì họ bày tỏ quan điểm một cách ôn hòa gửi thông điệp sai trái tới những người ủng hộ sự phát triển của đất nước và con người Việt Nam.”

Vương quốc Anh, cùng các thành viên của cộng đồng quốc tế, đã bày tỏ quan ngại trước cách Phạm Đoan Trang bị đối xử kể từ khi bà bị bắt vào tháng 10 năm 2020, và đưa ra quan điểm của mình với Chính phủ Việt Nam, thông cáo cho biết.

“Bản án này đã gửi đi thông điệp chống lại quyền tự do ngôn luận” thông cáo viết.

Canada

Đại sứ quán Canada tại Việt Nam hôm 15/12 ra thông cáo bày tỏ sự quan ngại về bản án đối với bà Trang.

“Canada vô cùng quan ngại về việc tuyên án đối với bà Phạm Thị Đoan Trang. Chúng tôi cũng lo ngại về những nỗ lực không ngừng của các cơ quan chức năng Việt Nam nhằm hạn chế quyền tự do truyền thông, một yếu tố thiết yếu của việc bảo vệ nhân quyền và các quyền tự do cơ bản”.

Chính phủ Canada kêu gọi nhà chức trách Việt Nam cho phép các nhà báo hành nghề mà không sợ bị bắt giữ, sách nhiễu hoặc trả thù, đồng thời chấm dứt kiểm duyệt và kiểm soát rộng rãi đối với các phương tiện truyền thông và tự do ngôn luận.

“Chúng tôi khuyến khích tất cả các quốc gia tuân thủ các nghĩa vụ nhân quyền của họ theo luật pháp quốc tế, bao gồm quyền tự do quan điểm và biểu đạt” thông cáo viết.

Phiên tòa sơ thẩm xử nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.

Phiên tòa sơ thẩm xử nhà báo Phạm Đoan Trang. Photo screenshot từ ANTV via YouTube.

Đức

Đại sứ Petra Sigmund, Vụ trưởng Vụ châu Á – Thái Bình Dương của Bộ Ngoại giao Đức, viết trên Twitter hôm 14/12 bày tỏ sự bàng hoàng với bản án 9 năm đối với cựu học giả của chương trình Villa Aurora Los Angeles, nhà báo Phạm Đoan Trang.

“Bản án này phát đi tín hiệu đáng báo động về quyền tự do ngôn luận. Việt Nam cần đề cao các quyền cơ bản của con người như được bảo đảm trong hiến pháp và các cam kết quốc tế” bà viết.

Cộng hòa Czech

Bộ Ngoại giao Cộng hòa Czech hôm 15/12 viết trên Twitter rằng đại diện ngoại giao của nước này không được tham dự phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang.

“Nhiều quốc gia, trong đó có Cộng hòa Czech, đã không được phép tham gia phiên tòa xét xử Phạm Đoan Trang với tư cách quan sát viên”.

“Chúng tôi yêu cầu Việt Nam không gì khác ngoài việc tôn trọng Hiến pháp của mình và các hiệp định quốc tế mà Việt Nam tham gia, và việc trả tự do cho bà Phạm Đoan Trang.

Nhóm làm việc của Hội đồng Nhân quyền Liên Hiệp Quốc về Giam giữ Tùy tiện (UNWGAD) đã kết luận việc bắt giam bà Phạm Đoan Trang được xếp vào hành động giam giữ tùy tiện, vi phạm các cam kết và nghĩa vụ quốc tế của Việt Nam về quyền con người.

Theo ghi nhận của các nhà ngoại giao phương Tây, trong suốt hơn một năm bị tạm giam, bà Phạm Đoan Trang chỉ được gặp luật sư đúng một lần và chưa được gặp mặt gia đình.

Phản ứng của người Việt

Nhà hoạt động nhân quyền Hoa Nguyễn ở Sydney, Australia, đồng thời là một người bạn của bà Trang, nêu nhận định với VOA về bản án dành cho bà Trang: “Tôi không ngạc nhiên.”

Bà Hoa, người theo dõi các phiên tòa xét xử các nhà tranh đấu ở Việt Nam từ năm 2018 cho đến nay, cho biết: “Tôi và những người liên quan đến Phạm Đoan Trang không buồn, không trông đợi, không sốc gì cả.”

Cũng từ Australia, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn, viết trên Facebook: “Cái ‘tội’ của Đoan Trang là đi trước thời đại, vượt lên những suy nghĩ của người cầm quyền. Đó cũng là cái giá phải trả của người trí thức trong một môi trường lạc hậu và giáo điều”.

“Hết ngày này sang ngày nọ, đa số công chúng được gieo vào những niềm tin rằng nói khác với quan điểm của đảng và Nhà nước là “phản động”, mà phản động là đồng nghĩa với tù đày thì theo thời gian nó sẽ trở thành một chuẩn mực. Chuẩn mực là không được nói khác Nhà nước. Chuẩn mực là phải im lặng. Theo đó, những ai nói khác hay lên tiếng trước những bất công xã hội thì bị xem là ‘phản động’, là tội phạm”, Giáo sư Nguyễn Văn Tuấn viết.

Cựu nhà báo Trương Huy San, tác giả của ‘Bên Thắng cuộc’, ở Tp. Hồ Chí Minh, nêu nhận định trên Facebook: “Nếu chúng ta đang sống trong một xã hội có tự do, có phẩm giá, có công lý, có dân chủ thì những người như Đoan Trang sẽ có một vị trí đáng ngưỡng mộ trong xã hội.”

Như VOA đã loan tin, ngày 14/12, Tòa án Nhân dân TP.Hà Nội tuyên phạt bà Phạm Đoan Trang (tên đầy đủ là Phạm Thị Đoan Trang, 43 tuổi), 9 năm tù vì tội “Tuyên truyền chống Nhà nước Cộng hoà xã hội chủ nghĩa Việt Nam”, theo khoản 1, Điều 88 Bộ Luật hình sự năm 1999.

Truyền thông Việt Nam nói gì?

Ngoài việc trích đăng bản cáo trạng của Viện Kiểm sát Thành phố Hà Nội với những cáo buộc như “đăng tải, chia sẻ nội dung xuyên tạc đường lối, chính sách của Nhà nước”, “phỉ báng chính quyền nhân dân”… truyền thông Việt Nam còn lên án những hoạt động trước đây của nhà hoạt động Phạm Đoan Trang.

“Đi nước ngoài và bị các thế lực phản động dụ dỗ, bà Phạm Thị Đoan Trang đã thành lập, tham gia nhiều hội nhóm để phát tán các nội dung xuyên tạc, chống phá nhà nước” trang Thanh Niên viết.

Truyền thông trong nước còn cho rằng “để thực hiện hành vi phạm tội,” bà Trang “nhận tài trợ, hậu thuẫn từ các thế lực” để thành lập và tham gia điều hành nhiều hội, nhóm “bất hợp pháp”, tập hợp một số đối tượng trong giới văn nghệ sĩ, trí thức trẻ để “chống đối”.

“Bị cáo có trình độ nhận thức nhất định, hiểu và biết rõ hậu quả hành vi, song vẫn tích cực thực hiện trong thời gian dài, phạm tội nhiều lần,” trang VNExpress trích bản án cho biết.

 

Biên bản phiên tòa hình sự sơ thẩm vụ án Phạm Đoan Trang ngày 14/12/2021

Ngô Anh Tuấn

15-12-2021

Người ghi tốc ký tại phiên toà: Luật sư Ngô Anh Tuấn.

QUANG CẢNH CHUNG

– Phiên tòa được trang bị an ninh nghiêm ngặt từ nhiều vòng xung quanh tòa án;

– Mẹ bà Phạm Thị Đoan Trang được triệu tập tới tòa, được cho vào nhưng vì tuổi cao, sức yếu cần người đi cùng, ông Phạm Chính Trực, con trai bà xin vào cùng nhưng không được chấp nhận. Các luật sư cùng nêu ý kiến, thư ký tòa và nhân viên tòa án rất có trách nhiệm nên cuối cùng mẹ bà Trang cũng qua được các “ải” an ninh để vào dự phiên tòa.

Mọi người tham dự phiên tòa đều được test Covid tại chỗ rất nhanh chóng. Thủ tục an ninh nghiêm ngặt nhưng thái độ của những người làm việc có tiến bộ rõ rệt so với các phiên tòa tương tự trước đó.

Phiên toà có sự tham gia của nhiều y, bác sỹ của Bệnh viện Tim cùng xe cứu thương do bà Phạm Thị Đoan Trang có tiền sử bệnh tim.

Phiên toà có sự tham gia của các tuỳ viên chính trị, nhân viên ngoại giao của một số quốc gia như Mỹ, Canada, Đức, đại diện EU…

Thành phần HĐXX: 03 người (Đều là nữ)

Chủ tọa: Bà Chử Phương Ngọc

Hai Hội thẩm nhân dân: Bà Đỗ Thị Thái và Bùi Thị Thu Giang

Thư ký phiên toà: Ông Hoàng Nghĩa Hải

KSV: 02 người là bà Lương Thị Hương và ông Đỗ Minh Tuấn

Luật sư: 05 người, gồm các luật sư: Phạm Lệ Quyên, Đặng Đình Mạnh, Nguyễn Văn Miếng, Lê Văn Luân và Ngô Anh Tuấn

Vắng mặt 02 luật sư: Nguyễn Hà Luân và Trịnh Vĩnh Phúc

Người giám định: Vắng mặt

DIỄN BIẾN PHIÊN TÒA

KHAI MẠC PHIÊN TÒA (9h00)

Chủ tọa kiểm tra căn cước của bà Phạm Thị Đoan Trang

Chủ tọa đề nghị cảnh sát tư pháp tháo còng, bà Trang trả lời là không cần, cứ để im như vậy.

Chủ tọa hỏi: Bị cáo tên gì (giọng cứng)?

Tôi tên Phạm Thị Đoan Trang, nguyên là nhà báo của báo Vnexpress…

Chủ tọa: Bị cáo dừng lại, bị cáo trả lời từng câu hỏi của HĐXX (giọng cứng)

Tôi đề nghị Chủ tọa giữ thái độ ôn hòa cần thiết

Chủ tọa: Hộ khẩu thường trú của bị cáo?

Tôi không trả lời.

Chủ tọa: Trình độ văn hóa của bị cáo?

Tôi tốt nghiệp cử nhân kinh tế, đại học Ngoại Thương Hà Nội.

Chủ tọa: Tên bố mẹ của bị cáo?

Tôi không khai báo, ai làm người đó chịu.

Chủ tọa đọc: Bị cáo đã có tiền án, tiền sự gì không?

Tôi không. Trong một số lần công an xử phạt, họ tự ý lập biên bản, tôi không biết hay không. Công an Việt Nam bắt giữ tôi 25 lần không có lý do chính đáng; trong một lần tôi bị đánh gãy chân.

Chủ tọa đọc một số tiền sự…

Chủ tọa: Bị cáo bị bắt khi nào?

Tôi bị bắt vào 06/10/2020 vào lúc 11h30 đêm.

Chủ tọa: Bị cáo nhận được quyết định xét xử của tòa khi nào?

Tôi không nhận được. Tôi nghĩ có sự vi phạm tố tụng ở đây vì tôi không nhận đươc thông báo triệu tập của tòa ngày hôm nay.

Chủ tọa phổ biến nội quy phiên tòa cho bà Phạm Thị Đoan Trang.

Chủ tọa: Bị cáo hiểu rõ quyền và nghĩa vụ mình chưa?

Tôi nghĩ bà chủ tọa cũng nên hiểu quyền và nghĩa vụ của bị cáo.

Bị cáo có cần thay đổi ai trong những người tiến hành tố tụng hay không?

Thôi không cần (sau khi liếc quanh một vòng)

Bị cáo có tiếp tục yêu cầu các luật sư tiếp tục bào chữa cho mình không?
Không

Bị cáo có xuất trình thêm tài liệu, chứng cứ gì thêm không?

Không.

Chủ tọa: Các luật sư là những người am hiểu pháp luật nên tôi không cần phổ biến lại quyền và nghĩa vụ nữa.

Chủ tọa: Các luật sư có ý kiến gì không?

Luât sư Đặng Đình Mạnh: Đề nghị tòa trả lời yêu cầu triệu tập giám định viên và lý do tại sao không tống đạt quyết định đưa vụ án ra xét xử?

Luật sư Lê Văn Luân: Đề nghị giống luật sư Mạnh. Đề nghị triệu tập thêm.

Hai người làm chứng: Bà Lâm Thúy Hà và ông Trương Xuân Thành

Hai người dịch thuật: Bà Vũ Thị Thu Hà và ông Lương Hoài Nam

Đại diện Cục An ninh nội địa Bộ Công an

Điều tra viên Công an thành phố Hà Nội: ông Vũ Văn Bính và bà Phạm Thị Quỳnh Trang.

Chủ tọa: Đại diện Viện Kiểm sát có ý kiến gì không?

Việc vắng mặt của những người được nhắc tới không làm ảnh hưởng tới nội dung phiên tòa nên đề nghị tòa tiếp tục xét xử.

Luật sư Lê Văn Luân có ý kiến bổ sung: Đề nghị tòa cấp giấy bút cho bà Trang ghi chép nội dung để tự bào chữa; đề nghị trang bị thiết bị điện tử để trình chiếu vì trong hồ sơ vụ án có một số tài liệu là dữ liệu điện tử.

HĐXX vào hội ý, mọi người trong phòng xử án nghỉ giải lao: 9h20

HĐXX ra làm việc tiếp: 09h30

Chủ tọa trả lời các thắc mắc của bà Phạm Thị Đoan Trang và các luật sư:

– Giải thích việc bà Trang không nhận được quyết định đưa vụ án ra xét xử: Bị cáo không nhận được quyết định mở phiên tòa trước 10 ngày nhưng các luật sư đã nhận được nên không ảnh hưởng tới quyền lợi của bị cáo;

– Đề nghị trang bị thiết bị điện tử: Do điều kiện cơ sở vật chất có hạn, tòa không trang bị được các thiết bị điện tử để phục vụ việc trình chiếu theo đề nghị, mong các luật sư thông cảm;

– Yêu cầu thư ký tòa cấp giấy bút cho bị cáo nhưng đề nghị cảnh sát tư pháp giám sát kỹ để đảm bảo an toàn và đề nghị thu hồi lại giấy bút sau khi kết thúc phiên tòa;

– Đề nghị triệu tập các giám định viên: Giám định viên đã vắng mặt có lý do chính đáng, nhưng sẽ triệu tập khi cần thiết;

– Đề nghị triệu tập Điều tra viên: Không cần thiết vì họ chỉ làm theo chức trách, không liên quan tới vụ án;

– Đề nghị triệu tập người làm chứng: Đã có lời khai đầy đủ nhưng sẽ triệu tập khi cần thiết;

ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT ĐỌC BẢN CÁO TRẠNG (9h40)

Kiểm sát viên Lương Thị Hương: đọc bản cáo trạng (9h40)

Kiểm sát viên Đỗ Minh Tuấn: đọc tiếp bản cáo trạng (10h01)

Luật sư Đặng Đình Mạnh giơ tay đứng dậy: Đề nghị đại diện Viện Kiểm sát tạm ngừng đọc, đề nghị tháo còng cho bà Trang và cho bà Trang ngồi xuống vì lý do sức khỏe bà không tốt.

(10h04)

Chủ tọa: Yêu cầu luật sư Mạnh ngồi xuống.

Bà Trang cũng rời bục khai báo về ghế ngồi

Chủ tọa: Yêu cầu bà Trang đứng dậy

Bà Trang: Tôi đau chân không đứng mãi được.

Chủ tọa: Đau chân thì phải xin HĐXX.

Bà Trang được chấp thuận tiếp tục ngồi

Kiểm sát viên Lương Thị Hương: đọc tiếp bản cáo trạng (10h07)

Kiểm sát viên kết thúc đọc bản cáo trạng (10h15)

HĐXX HỎI

Chủ tọa nhắc với luật sư: Bị cáo đã từ chối tháo còng

Chủ tòa hỏi lại bà Trang: Bị cáo cần tháo còng không?

Tôi không cần tháo

Chủ tọa cho bà Trang ngồi khai báo do lý do sức khỏe

Chủ tọa: Cáo trạng truy tố bị cáo về tội gì?

Trong cáo trạng ghi rồi

Chủ tọa: Bị cáo trả lời HĐXX

Trong cáo trạng ghi rồi, không cần hỏi tôi nữa

Bị cáo có đồng ý với các trạng không?

Không có quốc gia nào quy định tội danh này, trừ Trung Quốc và Việt Nam

Ngày 17/6/2020 bị cáo có làm việc với cơ quan công an không?

Tôi bị bắt cóc 25 lần, tôi không làm việc gì cả

Ngày 22/6/2020, bị cáo có làm việc với cơ quan công an phường Hàng Bồ không?

Tôi bị bắt cóc 25 lần, tôi không làm việc gì cả…

Bị cáo bị giữ tài sản, đồ vật gì không?

Tôi bị thu giữ nhiều máy móc, tài sản, tiền bạc…

Bị cáo có bị thu giữ tài liệu gì không?

Có, nhưng tôi không ký biên bản gì

Trong các lần làm việc, có buổi làm việc nào có ghi âm, ghi hình không?

Những lần đánh tôi thì không ghi âm, ghi hình…

Bị cáo có tham gia các buổi phỏng vấn với BBC New tiếng Việt không?

Tôi là nhà báo, tham gia phỏng vấn hàng nghìn người cuộc với hàng trăm tờ báo…

Bị cáo có tham gia phỏng vấn báo BBC Tiếng Việt ngày 19/8/2018 không?

Tôi không nhớ rõ

Bị cáo thường trả lời phỏng vấn của những tờ báo nào?

Rất nhiều tờ báo

Bị cáo có trả lời tờ báo RFA không?

Tôi trả lời nhiều tờ báo, không chỉ là RFA

Trong quá trình điều tra, các điều tra viên có thông báo cho bị cáo về các kết luận giám định không?

Tôi có được đọc cho nghe

Bị cáo đã từng ký, giao nộp tài liệu không?

Tôi không đưa tài liệu nào

Bị cáo nhớ lại có lần nào không?

Tôi không đưa gì cho công an cả, tất cả là cướp

Bị cáo có ý kiến gì về các kết luật giám định hay không?

Tôi nghĩ chỉ Việt Nam và Trung Quốc mới có giám định tư tưởng. Tôi không biết họ là ai, trình độ tới đâu mà đi giám định những tài liệu như vậy…

Bị cáo có quyền đồng ý hay không đồng ý nhưng không bình luận, phần này để dành qua phần tranh luận

Tôi bật cười khi đọc kết luận giám định.

ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT

Nội dung của 03 tài liệu bằng tiếng Anh mà bị cáo bị thu giữ với mục đích gì?

Nền luật pháp Việt Nam có tồi tệ đi nữa nhưng tôi nghĩ, với những tài liệu, chứng cứ không được thu giữ hợp lệ, tôi tin nó cũng không thể là căn cứ để cáo buộc tôi hay bất kỳ ai. Những tài liệu mà cơ quan điều tra có được là bất hợp pháp và vô giá trị.

Bị cáo có ý kiến gì về kết luận giám định không?

Tôi nhận thấy có những thuật ngữ rất ngu xuẩn. Những từ ngữ kiểu như “Chiến tranh tâm lý” là không được phép có trong thuật ngữ pháp lý…

Chủ tọa nhắc: Bị cáo có quyền trả lời nhưng không có quyền đặt lại câu hỏi lại

Tôi là nhà báo, tôi thấy nhiều cáo buộc là sai, ngu xuẩn.

Kiểm sát viên: Bị cáo có làm ra 03 tài liệu đó không?

Tôi không làm ra

Tài liệu thu giữ có chữ ký xác nhận của bà trên đầu trang, bà có xác nhận điều đó là thực không?

Nếu có chữ ký của tôi thì đó là của tôi.

Chủ tọa nhắc nhở: Bị cáo xưng tôi hoặc bị cáo

Không, ngôn ngữ là do tôi kiểm soát, việc sử dụng thế nào là của tôi.

Kiểm sát viên: Bị cáo đã đăng tải các tài liệu trên lên mạng xã hội đúng không?

Đúng. Có bài tôi đăng, có bài không.

Không tờ báo nào nghĩ rằng khi phỏng vấn xong một nhà báo thì họ bị bắt cả

Động cơ của bị cáo khi phát biểu và đăng tải các thông tin lên mạng xã hội là gì?

Vậy tôi xin hỏi ngược lại, khi hỏi tôi, động cơ của bà là gì?

Chủ tọa đề nghị đại diện Viện kiểm sát dừng việc xét hỏi.

LUẬT SƯ HỎI

Luật sư Lê Văn Luân

16/11/2017, ông Trương Xuân Thành có làm việc với bà không?

Tôi không biết đó là ai. Công an họ tự gọi vào. Như ở Hỏa Lò thì…

Bà có nhận dạng được ông Thành không?

Không

Tài liệu mà bà ký ở trang đầu là tài liệu nào? Tài liệu đó là bà có được từ đâu?

Tài liệu đó là tôi tham dự cuộc họp của EU, có cái họ phát, có cái là tôi mua từ cuộc triển lãm trong cuộc họp.

Các chữ ký trên các trang tài liệu của bà?

Tôi nghi ngờ công an ngụy tạo ra, không phải của tôi

Bà có yêu cầu giám định lại không?

Tôi biết cơ quan giám định Việt Nam nên có giám định lại cũng thế mà thôi

Luật sư Đặng Đình Mạnh:

Bà có được điều tra viên thông báo kết luận giám định không?

Họ có đọc cho tôi trong trại tạm giam

Bà có yêu cầu gì về việc tiếp cận hồ sơ vu án không?

Tôi có yêu cầu biết tên, tuổi, trình độ cũng những người giám định nhưng không ai cho tôi biết

Bà có yêu cầu đọc, xem tài liệu có trong hồ sơ vụ án không?

Không

Nếu đươc cho phép, bà có yêu cầu đó không?

Chắc không cần

Luật sư Nguyễn Văn Miếng:

Khi bị bắt bà bị thu giữ gì không?

Bị bắt khi nào ạ?

16/10/2020

23h30 tôi bị bắt đi lên phường rồi khi đưa quay lại thì phòng trọ bị lục tan hoang nhưng không thu giữ tài liệu gì

Vậy những tài liệu bị thu giữ lấy từ đâu?

Tôi không rõ

Những tài liệu tiếng Anh bà dùng làm gì?

Những tài liệu này tôi không viết, không biết của ai, người dịch là của công an. Tôi dùng để tôi đọc chứ không phát tán, tuyên truyền cho ai. Người dịch và phổ biến chứ tôi không phổ biến.

Bà có nghe hết cáo trạng không?

Tôi nghe không rõ và không quan tâm nhưng thấy có nhiều sai sót.

Luật sư Ngô Anh Tuấn:

Trong quá trình điều tra, bà có yêu cầu có luật sư không?

Trong suốt quá trình điều tra, tôi luôn khẩn thiết đề nghị nhưng không bao giờ được chấp nhận. Điều tra viên đưa ra lý do đây là vụ án liên quan tới an ninh quốc gia nên tôi không được quyền có luật sư. Mãi tới ngày 19/10/2021, khi vụ án sắp được đưa ra xét xử tôi mới được gặp luật sư lần đầu tiên.

Trong quá trình điều tra bà có bị ép cung không?

Có. Trong nhiều lần bị bắt bớ trước đó, bị cáo bị đánh, ép ký văn bản nhưng không ký nên họ tự đưa người vào ký làm chứng.

Việc ăn ở trong trại giam của bị cáo thế nào?

Sau khi có ý kiến của các luật sư thì trại giam đã đáp ứng một số yêu cầu thiết yếu của tôi với tinh thần hợp tác

Từ đầu tới giờ, bà nhiều lần chỉ trích nặng lời đối với nội dung của bản kết luận giám định, các luật sư cũng đề nghị tòa triệu tập giám định viên, Chủ tọa cũng cho biết sẽ triệu tập khi cần thiết, vậy bà có thấy cần triệu tập họ tới phiên tòa này để tham gia xét hỏi hay không?

Những tài liệu không phải tôi làm ra, họ tự dịch thuật rồi tự phát tán rồi tự giám định, tôi không quan tâm lắm. Nếu họ tới để tranh luận thì tốt mà không tới cũng không sao cả.

Luật sư Lê Văn Luân:

Đề nghị HĐXX không tiếp tục trì hoãn mà cần xem xét các yêu cầu triệu tập của chúng tôi một lần nữa để làm rõ sự thật khách quan của vụ án.

Đại diện Viện Kiểm sát: Đề nghị HĐXX công bố một số bút lục liên quan tới lời khai của bị cáo, người làm chứng có trong hồ sơ vụ án.

Chủ tọa phiên tòa công bố một số lời khai của bà Phạm Thị Đoan Trang tại bút lục 221, 222; công bố lời khai của người làm chứng Trương Xuân Thành tại bút lục 509, 510.

Đại diện Viện kiểm sát đề nghị tòa công bố bút lục số 265, 266 về lời khai của bị cáo Phạm Thị Đoan Trang

Kết thúc phần xét hỏi 11h20, chuyển sang phần tranh luận

PHẦN TRANH LUẬN (11h20)

Đại diện Viện kiểm sát phát biểu quan điểm

Đề nghị HXX tuyên phạt bị cáo với mức án 7-8 năm tù về tội danh “Tuyên truyền chống nhà nước CHXHCN Việt Nam”; trả lại một số tài sản đã thu giữ của bị cáo.

HĐXX tạm nghỉ buổi sáng lúc 11h30

PHIÊN TOÀ BẮT ĐẦU LẠI (14h00)

Một nhân viên an ninh trước cổng toà không cho ông Phạm Chính Trực, anh trai của bà Phạm Đoan Trang vào cùng mẹ vì giải thích ca sáng cho vào là việc của ca sáng, ca chiều không liên quan.

Các luật sư đồng loạt đi ra ngoài cổng toà để phản đối hành vi cứng nhắc này. Sau đó, thư ký toà đề nghị luật sư đi vòng bằng cổng khác để vào toà. Trên đường đi, chúng tôi gặp một số tuỳ viên chính trị của các đại sứ quán cũng đang đi lòng vòng vì chưa vào được. Họ cười với chúng tôi và lắc đầu ngao ngán. Khi chúng tôi vào được toà, nhìn ra phía ngoài cổng, họ vẫn đang đứng ngoài…

CÁC LUẬT SƯ TRÌNH BÀY NỘI DUNG BÀO CHỮA

Luật sư Đặng Đình Mạnh

Về thủ tục tố tụng:

Các luật sư có yêu cầu triệu tập nhiều người có liên quan nhưng không có bất kỳ người nào có mặt tại tòa. Phía đại diện Viện Kiểm sát cho rằng việc họ vắng mặt không làm ảnh hưởng tới việc giải quyết vụ án. Tuy nhiên, thực tế, việc vắng mặt của họ ảnh hưởng nghiêm trọng tới việc bào chữa của luật sư, điều này thể hiện sự bất bình đẳng trong việc buộc tội và gỡ tội đối với bị cáo.

Việc tiếp cận hồ sơ vụ án của bị can, bị cáo không được tôn trọng khi cơ quan tiến hành tố tụng không chấp nhận đề nghị của bị cáo.

Việc xung đột pháp luật: Điều 25 của Hiến pháp quy định quyền tự do ngôn luận của công dân nhưng Điều 88 của Bộ luật Hình sự 1999 lại đi ngược với tinh thần của Hiến pháp nhằm bắt bớ, xử lý người thực hiện quyền tự do ngôn luận của mình. Điều 88 Bộ luật hình sự 1999 cũng mâu thuẫn với Điều 19 của Công ước về Tuyên ngôn nhân quyền 1966 mà Việt Nam tham gia ký kết. Một khi có sự mâu thuẫn giữa luật quốc nội và điều ước quốc tế thì ưu tiên áp dụng điều ước quốc tế.

Giám định tư pháp: Không thể giám định về tư tưởng, quan điểm, nhận thức chính trị, pháp luật. Các nước trên thế giới cũng không thể thực hiện hình thức này. Những phương mà các giám định viên đã sử dụng để giám định là khá phi lý: Trên cơ sở pháp lý nào mà có thể kết luận những đoạn văn, câu văn nào là phao tin bịa đặt, gây hoang mang dư luận…?

Những yếu tố cấu thành tội phạm (khách thể bị xâm phạm):

Chính quyền nhân dân là một khái niệm mơ hồ, nó là thực thể nào? Nó là một tổ chức, một cá nhân hay một thứ nào khác?…

Kết luận: Tuyên bị cáo không phạm tội.

Đề nghị HĐXX kiến nghị hủy bỏ điều luật trái với Hiến pháp và trái điều ước quốc tế

Luật sư Nguyễn Văn Miếng:

Đồng tình với quan điểm của luật sư Mạnh

Quan điểm về 07 văn bản giám định và 01 công văn trả lời

08 văn bản này đã kết tội bà Trang trước khi có phiên tòa này.

Trong hồ sơ giám định kết luận có một số chữ ký trên hồ sơ không phải là chữ ký của bà Phạm Thị Đoan Trang

Hai clip được lưu giữ trong máy, cơ quan giám định cũng trả lời chưa phát tán nên không có cơ sở để giám định

15 file tài liệu thu giữ cũng không được giám định nhưng vẫn đưa vào cáo trạng để kết tội bị cáo

Các tài liệu thu thập được trên mạng không được giám định trên bản tiếng Anh, không xác nhận nội dung của người viết ra mà giám định trên bản dịch theo chủ ý của cơ quan điều tra. Cách giám định này là không khách quan.

Căn cứ vào Điều 25 của Hiến pháp và Điều 19 của Công ước quốc tế 1966 mà Việt Nam đã tham gia thì Điều 88 của Bộ luật hình sự 1999 là vi phạm những điều luật này
Đề xuất: Tuyên thân chủ vô tội

Luật sư Lê Văn Luân:

Việc bảo vệ các nguyên tắc: Xét xử công bằng và tranh tụng

Xét xử công bằng và tranh tụng:

Một số vi phạm cơ bản không thể khắc phục

Việc triệu tập những người tham gia tố tụng đã không được thực hiện

Quyền tự bào chữa và quyền bào chữa cho bị cáo

Quyền tự bào chữa của bị cáo không chỉ bị gián đoạn mà hoàn toàn bị che mờ. Quyền được tiếp cận hồ sơ của bị cáo không được chấp nhận.

Kết luận giám định, dựa trên pháp luật hiện hành đã vi phạm nghiêm trọng:

Thẩm quyền: dùng cơ quan thông tin truyền thông thuộc UBND để kết luận an ninh thông tin là điều sai trái. Chức năng của cơ quan thông tin truyền thông là liên quan tới an toàn thông tin chứ không liên quan tới an ninh thông tin, việc giao cho họ quyền này là vượt quá khả năng của họ.

Địa phương hóa việc kết tội: Kết luân giám định được thực hiện bởi cơ quan chuyên môn cấp tỉnh.

Kết luận mặt khách quan của tội phạm: Kết luận mặt nội dung, kết luận luôn các yếu tố cấu thành tội phạm.

Trao quyền cho địa phương kết tội, bất kỳ Sở Thông tin truyền thông nào cũng có quyền kết tội một người nào mà họ thích.

Cùng một cuốn sách “Cẩm nang nuôi tù” của bà Phạm Thị Đoan Trang được hai Sở Thông tin và Truyền thông của hai tỉnh khác nhau kết luận những nội dung khác biệt nhau (so sánh với vụ án của bà Cấn Thị Thêu tại tỉnh Hòa Bình)

Về chứng cứ:

Vật chứng gốc của các USB không còn

Bản tiếng Anh được in ra trong USB hiện ở đâu? Tại sao không có trong hồ sơ vụ án
Một số tài liệu không kết luân được là chữ ký của bà Trang, vậy ai ký? Ai đã ký thay bà Trang – đó là hành vi xâm phạm hoạt động tư pháp, cần làm rõ

Không xác định được nguồn của chứng cứ: 03 tài liệu tiếng Anh và 01 tài liệu tiếng Việt, không biết tài liệu tiếng Việt thu từ nguồn nào, ở đâu ra? Không xác định nguồn chứng cứ, không xác định được người tạo ra… Tôi đề nghị trình chiếu bản ghi hình buổi hỏi cung có ghi hình vào ngày 16/11/2017.

Người chứng kiến không có mặt trong ngày 16/11/2017

Bản khai của ông Trương Xuân Thành khai ở bút lục số 51 (có bản ghi hình 00812, 00813): Trong buổi làm việc 80 phút với bà Trang chỉ có 04 người, không có mặt ông Thành. Tại phút thứ 23 của bản ghi hình 00812, có người đàn ông nói “nếu bà không ký hồ sơ thì tôi sẽ mời người chứng kiến”, nghĩa là lúc này không có người chứng kiến, trái với lời khai của nhân chứng.

Ông Trương Xuân Thành khai là bà Trang đồng ý cho người chứng kiến ký nhưng tại phút thứ 36, bà Trang phủ nhận, không chấp nhận cho người làm chứng ký

Buổi làm việc ngày 16/11/2017 bắt đầu từ 14h và kết thúc lúc 15h30 tại phường Cống Vị, tôi dùng 03 hình ảnh chụp và cắt, trên đồng hồ của cán bộ tên Hương ghi thì thời gian chênh nhau là khoảng 2 giờ, mâu thuẫn với bản làm việc. Như vậy, những bản ghi này vênh nhau, sai phạm lớn, không có giá trị làm chứng cứ. Ông Trương Xuân Thành khai có mặt toàn bộ buổi làm việc là gian dối và có thể bị khởi tố trách nhiệm hình sự về hành vi của mình, cần phải xử lý.

Đề nghị tuyên bà Trang không phạm tội. Đề nghị tòa xem xét trách nhiệm của những người gây ra những sai phạm này.

Luật sư Ngô Anh Tuấn:

Việc cơ quan điều tra đã đưa ra yêu cầu trưng cầu giám định vượt quá khả năng, thẩm quyền của cơ quan thông tin truyền thông.

Viện kiểm sát là cơ quan kiểm sát việc tuân thủ pháp luật của các cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng trong suốt quá trình điều tra, truy tố, xét xử đã không đảm bảo vai trò của mình, giờ là lúc cần xem xét lại.

Cần xem xét trách nhiệm của cơ quan điều tra, có hay không có sự ép buộc của cơ quan điều tra đối với Sở Thông tin truyền thông để họ phải thực hiện công việc vượt ngoài khả năng và trách nhiệm của họ. Hơn thế nữa, cần xem xét kỹ việc họ không có mặt tại phiên toà này và nhiều phiên toà tương tự khác có phải là họ không muốn đối đáp và “minh oan” cho mình hay do một áp lực nào khác hay không?

Việc xem xét, đánh giá một hành vi có dấu hiệu tội phạm hay không là việc của cơ quan điều tra chứ không phải là cơ quan hành chính nào đó, càng không thể là trách nhiệm của cơ quan giám định vì họ chỉ làm công tác chuyên môn đơn thuần.

Viện kiểm sát cần làm rõ khái niệm chính quyền nhân dân và nhân dân trong vụ án này để xác định rõ chủ thể bị hành vi vi phạm pháp luật (nếu có) xâm phạm tới quyền và lợi ích chính đáng của mình.

Bà Phạm Thị Đoan Trang bổ sung:

Lời cung của người làm chứng Trương Xuân Thành cần phải kiểm chứng

Chủ tọa: Bị cáo cần xưng tôi với HĐXX, và tôn trọng pháp luật.

Tôi tôn trọng các chị như những con người.

Tôi là người nhìn thấy và cầm các tài liệu từ bàn hội nghị của EU nhưng tôi không làm ra, không phát tán. Việc phát tán là của cơ quan an ninh thực hiện, không phải tôi.

Trong 25 lần tôi bị bắt giữ trái pháp luật, nhiều lần tôi bị ép cung, mướn cung, dụ dỗ tôi khai báo thì những lời tôi nhận những tài liệu là do tôi làm ra thì đó là vô giá trị. Vụ án này kết tội tôi chủ yếu dựa trên lời khai của tôi và những người khác là vi phạm pháp luật, không dựa vào các chứng cứ khách quan khác có trong hồ sơ vụ án. Trong quá trình điều tra, tôi khai nhiều lời khai có lợi cho mình nhưng chưa một lần những lời khai đó được ghi nhận. Ngay cả viêc tôi yêu cầu có luật sư cũng không được ghi nhận trong hồ sơ. Tôi bị bắt và được thả nhiều lần nhưng chưa một lần được giải thích là bắt và thả là vì lý do gì, ngay cả việc tôi bị đánh gãy chân cũng không bao giờ được nhắc tới. Trong quá trình điều tra, một số điều tra viên đã đánh đập, ép cung tôi nhưng tôi không có chứng cứ để truy cứu vấn đề này

ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT ĐỐI ĐÁP

6 nhóm vấn đề đối đáp:

– Không triệu tập các điều tra viên và những người làm chứng: Tòa đã giải thích, không đối đáp lại

– Không có luật sư trong quá trình điều tra: Bị can bị khởi tố về tội liên quan tới an ninh quốc gia nên Viện Kiểm sát không cho luật sư tham gia trong quá trình điều tra là đúng

– Khi tống đạt cáo trạng cho bị cáo, bị cáo không đề nghị tiếp cận tài liệu nên không có cơ sở để xem xét yêu cầu của bị cáo. Điều này bị cáo cũng xác nhận tại tòa rằng không có nhu cầu tiếp cận hồ sơ.

– Công tác giám định, thẩm quyền giám định:

Việc dịch tiếng Anh sang tiếng Việt là đúng quy định. Cơ quan điều tra thực hiện việc dịch thuật là đúng, đủ thẩm quyền và trình độ để thực hiện. Việc dịch thuật là đúng, đủ, trung thực nên có căn cứ để làm chứng cứ.

Thẩm quyền giám định: Đã có quyết định của cơ quan có thẩm quyền và được công bố công khai nội dung, danh sách trên Sở Tư pháp Hà Nội nên kết luận giám định là đúng pháp luật

Các tài liệu giám định khẳng định các chữ ký của bị cáo Trang có trên hồ sơ là đúng do bị cáo Trang ký.

Về nội dung cáo trạng là đúng làm luật, có căn cứ và không oan. Đề nghị của các luật sư tuyên bị cáo không có tội là không có căn cứ pháp luật.

Kiểm sát viên Lương Thị Hương đối đáp thêm:

Nguồn chứng cứ được thu thập từ các nguồn hợp pháp

ĐỐI ĐÁP TIẾP

Bà Trang:

Ngày 20/10/2021, có đề nghị tiếp cận chứng cứ, hồ sơ tài liệu và yêu cầu triệu tập điều tra viên, giám định viên và đề nghị cung cấp phương tiện để làm việc tài tòa nhưng không được chấp nhận. Việc Viện Kiểm sát nói tôi từ bỏ quyền của mình là không đúng. Hôm nay tôi từ chối tiếp cận là vì tôi đã đủ thất vọng với các vị nên không yêu cầu thêm làm gì nữa mà thôi.

Nếu các anh, chị không dịch thuật tài liệu từ tiếng Anh sang tiếng Việt rồi rêu rao đó là vi phạm pháp luật, là phao tin bịa đặt gây hoang mang dư luận thì có ai biết không? Ai mượn, ai sai khiến quý vị đi dịch thuật, lan truyền rồi lại quy trách nhiệm cho tôi?

Luật sư Đặng Đình Mạnh:

Việc có mặt của người giám định và những người có liên quan khác không được xem xét và các vị đại diện Viện Kiểm sát không tranh luận là một điều đáng tiếc

Thân chủ tôi có khai là bị đánh đập trong quá trình điều tra khiến hình ảnh của cơ quan điều tra xấu đi trong mắt nhân dân, nếu có mặt luật sư thì điều đó sẽ được giảm thiểu. Cần xem xét lại việc có mặt của luật sư trong các vụ án tương tự để tránh khả năng xảy ra oan sai.

Thẩm quyền của giám định viên: Chúng tôi phủ nhận vai trò của các giám định viên

Luật sư Nguyễn Văn Miếng:

Bản dịch được dịch qua công ty dịch thuật thiếu chuyên môn

Luật sư Lê Văn Luân:

Nhiều nội dung của tôi chưa được đối đáp

Thẩm quyền giám định

Nguồn chứng cứ được thu giữ không biết được thu giữ từ bà Trang hay được thu giữ từ một nguồn khác rồi đưa bà Trang ký? Nguồn chứng cứ không đảm bảo thì không thể làm chứng cứ để buộc tội. Cáo trạng chỉ căn cứ vào lời khai để buộc tội

Bút lục 1044, Kết luận số 2987 ghi rõ, chỉ trang đầu trong 41 trang tài liệu là chữ ký bà Trang, còn 40 chữ ký còn lại trong các trang sau không đủ cơ sở để xác định chữ ký là của ai.

Thủ tướng Phạm Minh Chính đã cam kết sẽ cải thiện vấn đề nhân quyền để thu hút đầu tư nước ngoài, vì vậy HĐXX cần phải làm rõ sự thật khách quan của vụ án để đảm bảo sự tuân thủ pháp luật và tinh thần thượng tôn pháp luật cũng như cam kết của ông Thủ tướng

Bà Trang bổ sung thêm: Ông Phạm Minh Chính là học trò của mẹ tôi

Trong việc thẩm định văn chương, nghiên cứu là vô cùng khó khăn nếu tác giả bài viết không nhận thì tôi thách cơ quan giám định, cơ quan điều tra xác định được

Chủ tọa: Tôi nhắc nhở bị cáo về cách sử dụng ngôn ngữ tại tòa

Tôi nói rằng không ai chứng minh được tác giả của bài viết nếu người viết không xác nhận. Cơ quan điều tra tự dịch tài liệu rồi phát tán rồi gán cho tôi là tác giả và quy chụp trách nhiệm cho tôi là sai trái.

Luật sư Ngô Anh Tuấn:

Chúng ta phải thừa nhận rằng, vụ án hình sự nào cũng phải có bị hại, không có bị hại thì có thể có vụ án hay không? Vụ án này bị hại là ai?

Theo hồ sơ vụ án, ta có thể hình dung ra 02 “bị hại” được nhắc tới, đó là “Chính quyền nhân dân” và “Nhân dân”. “Chính quyền nhân dân” thì bị phỉ báng, còn “Nhân dân” thì bị gây hoang mang!

Nhưng “Chính quyền nhân dân” ở đây cụ thể là ai? và họ đã bị phỉ báng thế nào, để lại hậu quả gì không, họ đã lên tiếng thế nào…?

“Nhân dân” ở đây là ai và họ đã bị gây hoang mang như thế nào, có ai lên tiếng hay không?

Một vụ án mới đây mà TAND tỉnh Hòa Bình đã xét xử, chúng tôi ghi nhận sự nổ lực của cơ quan điều tra là đã chứng minh người dân đã bị gây hoang mang, dù chỉ 02 người thôi nhưng dù sao thì đó cũng là một cơ sở để cáo buộc bị cáo, còn vụ án này, chúng tôi không thấy bất kỳ một nạn nhân hiện hữu nào! Một vụ án không có nạn nhân thì chúng ta xử tội gì với bị cáo, điều này liệu có công bằng?

Đề nghị đại diện Viện kiểm sát đối đáp lại để HĐXX có cơ sở nhận định và ra phán quyết một cách công tâm, khách quan.

Luật sư Nguyễn Văn Miếng:

Tại sao hành vi đã diễn ra từ những năm 2016 nhưng không được xử lý? Có chăng cơ quan có thẩm quyền chỉ định xử lý hành chính rồi tới lúc không thể làm gì khác lại đưa ra truy cứu trách nhiệm hình sự?

ĐỐI ĐÁP TIẾP CỦA ĐẠI DIỆN VIỆN KIỂM SÁT

Các tài liệu được thu thập bằng tiếng Anh nên được dịch qua tiếng Việt là đúng quy định của pháp luật.

Chúng tôi không chỉ căn cứ vào lời khai của bị cáo để kết tội bị cáo mà còn căn cứ vào các tài liệu, chứng cứ khác có trong hồ sơ vụ án.

Nhiều bài đăng trên Facebook của bị cáo đã phát tán trên mạng xã hội đã nhận được rất nhiều like và chia sẻ của cộng đồng mạng nên không cần thiết phải chứng minh ai hoang mang hay không.

HĐXX tuyên bố chấm dứt phần tranh luận trong khi kiểm sát viên chưa dứt nội dung tranh luận của mình, chuyển sang phần nghị án.

Kiểm sát viên và các luật sư không kịp phản ứng gì

Trước khi chuyển sang phần nghị án, Chủ tọa cho phép bị cáo nói lời nói cuối cùng
LỜI NÓI CUỐI CÙNG CỦA BÀ PHẠM THỊ ĐOAN TRANG

Tôi đề nghị các luật sư, trong phần lời nói cuối cùng của tôi, nếu bị ngắt giữa chừng thì mong các luật sư bảo vệ quyền được nói của tôi.

Bà Trang nói:

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến…

Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu cáo dừng lại!

Bà Trang tiếp tục: Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì?

Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu bị cáo dừng lại!

Bà Trang vẫn tiếp tục: Con người văn minh phải biết tôn trọng quan điểm của người khác. Tôi là nhà báo, tôi phải lên tiếng vì người yếu thế. Tôi không thể làm khác được.

Nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu bị cáo dừng lại!

Bà Trang lại tiếp tục: Ngày hôm nay các vị có thể kết án tôi với bất kỳ mức án nào và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ

Chủ toạ nhắc nhở: Yêu cầu bị cáo dừng lại…!

Hội đồng xét xử tuyên bố bị cáo dừng lại và vào phòng nghị án trong khi bà Trang đang nói.

Ông Phạm Chính Trực, anh trai bà Phạm Đoan Trang ngồi hàng ghế dự khán vỗ tay và nói lời ủng hộ, động viên em gái liền bị cảnh sát tư pháp áp giải ra khỏi phòng xử án.

HĐXX vào phòng nghị án (15h55)

TUYÊN ÁN (17h)

HĐXX tuyên phạt bà Phạm Thị Đoan Trang mức án 9 năm tù giam, cao hơn mức đề xuất của đại diện Viện Kiểm sát đề nghị.

P/s: Việc ghi chép của tôi không thể đầy đủ toàn bộ nội dung vì tôi vừa phải chuẩn bị nội dung công việc của mình đánh máy tài liệu nhưng những nội dung tôi ghi là hoàn toàn trung thực, khách quan như lâu nay tôi vẫn thường làm và như chính con người của tôi. Các luật sư đồng nghiệp sẽ bổ sung, nếu còn thiếu sót…

Lời nói sau cùng tại phiên tòa của Phạm Đoan Trang

Adm FB Phạm Đoan Trang

14-12-2021

Gia đình Đoan Trang nhận được những dòng này trước khi phiên tòa diễn ra. Đoan Trang mong muốn công bố phòng trường hợp tòa không cho phép cô nói lời sau cùng tại tòa. Dưới đây là guyên văn nội dung do gia đình cung cấp.

***

Đức Đạt Lai Lạt Ma thứ 14, lãnh tụ tinh thần của người Phật giáo Tây Tạng, từng nói một câu đại ý: chúng ta hãy thử tưởng tượng một thế giới trong đó có cả 6 tỷ người đều theo cùng một tôn giáo thì điều gì sẽ xảy ra khi đó? Chắc chắn là trước sau cũng có một nhóm người thấy rằng tôn giáo đó không còn mang lại lợi ích cho họ nữa, thế là họ tách ra và thế giới có thêm một nhóm tôn giáo khác hoặc một nhóm người không theo tôn giáo nào.

Điều Đức Đạt Lai Lạt Ma nói là để chúng ta thấy rằng bản chất của thế giới này, bản chất của cuộc sống là đa nguyên, và bản chất của con người là hướng tới sự đa nguyên. Chỉ có những kẻ ngu xuẩn mới đi tranh cãi về sự đa nguyên và phủ định sự đa nguyên. Chỉ những kẻ độc ác mới tiêu diệt sự đa nguyên. Và chỉ có những chính quyền cực kỳ độc ác và ngu xuẩn mới tiêu diệt sự đa nguyên bằng cách đàn áp, cầm tù những người bất đồng chính kiến, người viết sách, viết báo, người phản biện xã hội, người hoạt động dân chủ, nhân quyền.

Trong một xã hội dân chủ, nếu có một công dân viết sách, viết báo hoặc trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài nói lên những điều chính quyền không muốn nghe thì cách hành xử văn minh có thể là gì? Văn minh nhất là chính quyền đó không làm gì cả bởi vì con người văn minh là phải biết cách tôn trọng quan điểm và lợi ích của người khác. Trong trường hợp tệ hơn, nếu chính quyền đó có máu độc tài và thấy rằng những điều công dân đó nói là không thể chấp nhận được, thì chính quyền có thể chỉ đơn giản là viết lên những cuốn sách, những bài báo phản bác lại quan điểm của công dân đó, thậm chí mạnh dạn liên hệ trực tiếp với cơ quan báo chí nước ngoài để xin họ bố trí cho một cuộc phỏng vấn trong đó người của chính quyền có thể nói lên những quan điểm của mình, phản bác quan điểm của công dân kia. Nhưng Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã không làm như thế mà chọn một cách làm hèn hạ, ngu xuẩn và độc ác hơn rất nhiều, đó là bắt bớ cầm tù công dân của mình chỉ vì công dân đó viết sách, viết báo và trả lời phỏng vấn báo chí nước ngoài.

Ngày hôm nay, các anh, chị kết án tôi, có thể bỏ tù tôi nhiều năm nhưng không sao cả bởi vì như nhân vật Nguyễn Trãi trong vở kịch “Bí mật vườn Lệ Chi” đã nói: “Con thú có thể cắn chết con người nhưng vẫn là con thú. Con người mang trong mình lẽ phải có thể bị sát hại vì lẽ phải, nhưng bảo vệ lẽ phải mãi mãi vẫn là thiên chức của con người”.

Những bản án càng dài thì càng chứng tỏ bản chất độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ của Nhà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam. Các anh, các chị có thể bỏ tù tôi và hả hê đắc thắng vì đã xóa bỏ được một cái gai trong mắt các anh chị nhiều năm nay, nhưng mãi mãi các anh chị không xóa bỏ được tiếng xấu, độc tài, phi dân chủ, phản dân chủ. Vì con thú mãi mãi là con thú, nó không bao giờ có thể trở thành người được.