Seite auswählen

Cộng Hoà Séc là một trong những “miền đất hứa” của người Việt Nam đi tìm cơ hội phát triển ở nước ngoài. Nhờ mối quan hệ mật thiết giữa hai quốc gia, cộng đồng người Việt hình thành và lớn mạnh theo thời gian, kéo theo các hình thức phạm tội gia tăng. Đặc điểm gây khó dễ cho chính quyền đó là tính làng xã và tính cộng đồng trong các hoạt động tội phạm có tổ chức. Đó là các hội đồng hương được thành lập để tương trợ, nhưng cũng bao che nhau phạm tội.

 

Từ lâu, tính cộng đồng và tính làng xã đã ăn sâu bám rễ vào tâm thức của người dân Việt Nam ở vùng đồng bằng Bắc Bộ. Những thành ngữ quen thuộc như “sớm lửa, tối đèn có nhau”, “bán anh em xa mua láng giềng gần”, tương thân tương ái, giúp đỡ nhau những khi cần thiết. Làng xã của người Việt xưa thường có kết cấu chặt chẽ, nghiêm ngặt thông qua các Hương ước, Hội đồng kỳ mục hay còn gọi là Hội đồng hương chính. Người dân trong cùng một làng chia sẻ những giá trị chung, gắn kết với nhau qua khu vực như ngõ, xóm; qua các hoạt động văn hoá tín ngưỡng tôn giáo, hay các mục đích kinh tế như hội cấy, hội cày, hội buôn hay phường thủ công…vv. Các hội này hoà quyện vào nhau, chồng xếp lên nhau, tạo thành những sợi dây chằng chịt, ràng buộc những người dân trong làng với nhau. “Phép vua thua lệ làng” hay “chiêng làng nào, làng đấy đánh”, đời sống làng xã Bắc Bộ cũng thể hiện tính tự trị cao và sự tự cung tự cấp, tự túc, khép kín, ít khi tiếp xúc với bên ngoài, hoạt động như một “nước riêng biệt”.   

Đến nay, một số giá trị trên vẫn được lưu giữ, thậm chí ngay cả đối với những người Việt tại hải ngoại. Hương ước đã không còn tồn tại, nhưng “Hội đồng hương” vẫn được duy trì ở nhiều nơi, và ngày nay, được hiểu là nơi hội tụ những người đến từ cùng một vùng miền, chia sẻ tương trợ lẫn nhau ở nơi “đất khách quê người”. Cộng Hoà Séc được xem là một trong những “miền đất hứa” trong mắt của nhiều người Việt. Khoảng 65000 người Việt hiện đang sinh sống và làm việc hợp pháp, là cộng đồng người Việt lớn thứ ba châu Âu, sau Pháp và Đức. Vào năm 2013, người Việt được công nhận là một dân tộc thiểu số ở quốc gia 10 triệu dân này. 

Các giá trị về tính cộng đồng được thể hiện rõ rệt trong việc hỗ trợ cùng nhau buôn bán, lập nghiệp. Tuy nhiên, như nhận định Lương Thanh Hải, nhà nghiên cứu về tội phạm học xuyên quốc gia, tại đại học RMIT ở Úc và Viện nghiên cứu về Tội phạm và An ninh Châu Á, “nếu như tính cộng đồng và các hội nhóm đồng hương mang lại nhiều lợi ích cho sự phát triển chung, thì chính đằng sau những hội nhóm này lại ẩn giấu một mạng lưới tội phạm xuyên quốc gia”. Trong những năm gần đây, các hoạt động tội phạm liên quan đến cộng đồng người Việt ở nước ngoài thường xuyên được ghi nhận, thu hút sự quan tâm của giới chuyên gia và cảnh sát quốc tế. Ông Hải cho biết thêm, dưới góc độ tội phạm học, cộng đồng hội đồng hương “là những mối liên kết lỏng lẻo, nhưng lại đóng vai trò rất quan trọng” trong mạng lưới tội phạm người Việt xuyên quốc gia, như buôn người, vận chuyển các chất cấm, rửa tiền, buôn bán vũ khí, thuốc phiện, làm giả giấy tờ khai báo hải quan.

Tại Cộng Hoà Séc, cộng đồng di dân người Việt đã xuất hiện ở đây từ những năm 1940 và vẫn tiếp tục gia tăng, theo cách hợp pháp hay bất hợp pháp, kéo theo là hình thức phạm tội mới khác nhau. Đây là một trong những lý do mà Miroslav Minoza, và Filip Kraus đã đồng nghiên cứu về nhóm tội phạm người Việt tại Cộng Hoà Séc từ năm 2016-2019. Họ đã cho xuất bản cuốn sách “Vietnamese organized crimes in Czech Republic”, tạm dịch là “Tội phạm có tổ chức người Việt ở Cộng Hoà Séc”. 

RFI Tiếng Việt đã có dịp trao đổi với hai tác giả của nghiên cứu này. Ông Miroslav Minoza hiện đang là nhà nghiên cứu tại Viện Quan hệ Quốc tế ở Praha. Ông đã làm việc trong vòng 25 năm về loại tội phạm có tổ chức từ châu Á, và bắt đầu nghiên cứu sâu về tình hình tội phạm người Việt từ năm 2007. Còn đồng tác giả, ông Filip Kraus, cựu cảnh sát chuyên điều tra về tội phạm có tổ chức người Việt và cộng đồng Việt kiều tại CH Séc và châu Âu, hiện là giảng viên khoa Nghiên cứu châu Á tại học Palacky.

Cuốn sách của hai nhà nghiên cứu được xem là bản tổng hợp chi tiết nhất về nguồn gốc, sự phát triển và cách thức hoạt động của nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam tại quốc gia châu Âu này. Và điều đáng chú ý đó là tính cộng đồng làng xã thể hiện trong các nhóm tội phạm có tổ chức. Khi nói đến tính cộng đồng, cuốn sách đề cập đề cập đến “sự đồng nhất trong các kỳ vọng xã hội”, đặc trưng hoá bởi động lực mạnh mẽ để đạt được lợi ích kinh tế, “ý thức tự giác mạnh mẽ”, tâm lý coi thường, nếu không muốn nói là bị coi thường, bởi thế giới bên ngoài, và nhấn mạnh mối quan hệ gia đình và xã hội. Người Việt Nam truyền thống coi mình không phải là một cá thể độc lập, mà là một thành phần không thể tách rời trong một hệ thống các mối quan hệ : như một thành viên của gia đình, làng xóm. Trong các tổ chức tội phạm, thì họ là một thành viên không thể tách rời của băng nhóm.   

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Mirólav Nozina và ông Filip Kraus đã cùng dành thời gian trao đổi về nghiên cứu của các ông liên quan đến tội phạm có tổ chức người Việt Nam tại CH Séc. Trước tiên, tại sao lại chọn chủ đề nghiên cứu này, nhất là nhóm tội phạm người Việt Nam, thưa ông Miroslav Nozina ? 

Kể từ sau năm 1990, sau khi chủ nghĩa cộng sản sụp đổ, trong  vòng 2 năm, nhóm tội phạm có tổ chức từ khắp nơi trên thế giới xuất hiện tại Cộng Hòa Séc. Nó phát triển rất nhanh, và tội phạm có tổ chức người Việt cũng nằm trong số đó, bởi vì một cộng đồng người Việt rất mạnh đã hình thành tại CH Séc vào thời điểm đó. Cho đến nay, cộng đồng người Việt Nam là cộng đồng lớn thứ 3 sinh sống trên lãnh thổ CH Séc, sau người Ukraina và người Slovakia. Chúng tôi thấy cần thiết để khám phá ra những gì đang diễn ra trong cộng đồng này và phát hiện ra những loại tội phạm tồn tại trong cộng đồng này. Nó hoạt động như thế nào, và cơ chế của các tội phạm chính trong cộng đồng người Việt. Vì vậy, đó là lý do chính. Tất nhiên phải mất một thời gian để đi vào cộng đồng, kết nối với lực lượng an ninh. Nguồn gốc của dự án (viết sách) bắt đầu khá muộn vào đầu thiên niên kỷ. Ban đầu, chúng tôi tập trung vào góc độ nhân loại học của vấn đề. Không chỉ với tư cách là nhà tội phạm học, mà còn là nhà nhân loại học. Để hiểu sự tương tác giữa các thành viên trong cộng đồng và các nhóm tội phạm hoạt động bên trong cộng đồng. 

RFI Tiếng Việt : Vậy điều gì riêng biệt ở nhóm tội phạm gốc Việt Nam, có điểm gì khác biệt với các nhóm tội phạm có tổ chức đến từ các quốc gia khác ? Thưa ông Miroslav Nozina. 

Tại Cộng Hòa Séc, nhóm tội phạm đến từ những môi trường văn hóa khác nhau. Với những người đến từ châu Á, tất nhiên là khác với những người đến từ Slovakia hoặc Nam Mỹ. Và bạn phải hiểu rằng văn hóa và tội phạm có liên hệ với nhau. Hành vi trong tội phạm chịu ảnh hưởng của môi trường văn hóa. Vì vậy, điều quan trọng là phải nghiên cứu những điểm đó. 

RFI Tiếng Việt : Thưa ông Filip Kraus có muốn bổ sung thêm gì hay không ?

Tôi muốn nói rằng tội phạm Việt Nam ít bạo lực hơn so với các nước khác.Tuy nhiên, họ còn chuyên nghiệp hơn nhiều, theo cách mà họ thay đổi và biến đổi nhanh chóng. Điều này thể hiện rõ trong  hành vi và hình thức phạm tội.  

RFI Tiếng Việt : Trong cuốn sách của mình, hai ông đã dành một chương để nói về tính làng xã của các nhóm tội phạm. Vậy đặc tính này được thể hiện như thế nào trong các nhóm tội phạm có tổ chức người Việt Nam ? Và tại sao đặc điểm này lại được quan tâm nhiều như vậy ? 

Miroslav Nozina : 

Tính làng xã không phải là đặc điểm duy nhất của người Việt, mà nó có mặt ở nhiều cộng đồng văn hoá trên thế giới. Nhưng chúng tôi muốn mô tả một hiện tượng mà những người muốn kết nối với nhau trong một môi trường xa lạ, như ở một nơi “đất khách”. Đối với họ, các mối quan hệ xã hội quan trọng hơn các mối quan hệ với chính quyền chẳng hạn. Điều này có nghĩa là những người này tin tưởng những người đến từ cùng một đất nước hơn bất cứ ai.  

Filip Kraus:   

Trong trường hợp về tội phạm buôn người, di dân bất hợp pháp, theo tôi tâm lý làng xã thường sao chép rất nhiều mô hình Trung Quốc. Họ có một người đứng đầu đường dây, lãnh đạo tổ chức, ở những nước phương Tây và trong Liên Âu, điều hành toàn bộ đường dây. Những người ở Việt Nam, “lôi kéo” những người muốn di cư từ chính vùng miền của họ, rồi sau đó tổ chức di cư theo con đường rất phức tạp qua Nga và châu Âu. Quá trình này được thực hiện một phần bởi người địa phương tại những nước trung chuyển, một phần khác bởi những người trong băng đảng của chính họ.

Miroslav Nozina : 

Tôi cũng muốn nói thêm rằng đường dây tội phạm này giống như đường dây bán hàng.  Nội bộ đường dây này được phân khúc và chia ra theo những người đến từ cùng một đất nước. Tâm lý cộng đồng, làng xã đóng vai vai trò quan trọng trong việc xây dựng niềm tin và giao việc trong đường dây này. Và những đường dây buôn người này thì kết nối chặt chẽ với nhau. 

RFI Tiếng Việt : Tại Cộng Hòa Séc, ngoài tính “làng xã” thì còn có đặc điểm gì đáng chú ý trong các hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt Nam ?

Miroslav Nozina : 

Có rất nhiều mối liên hệ giữa các các tổ chức tội phạm và cộng đồng người Việt ở hải ngoại. Theo tôi điều đặc biệt ở cộng đồng người Việt đó là các hoạt động phạm pháp thường xen lẫn hoặc ẩn giấu đằng sau các hoạt động hợp pháp. Có lúc hoạt động của họ hoàn toàn hợp pháp, có lúc lại chuyển sang bất hợp pháp. Đó là trường hợp của các nhà đầu tư hợp pháp của cộng đồng này, nhưng đôi khi, những người này lại cũng chính là người tham gia vào buôn bán ma tuý, trồng cần sa, và đầu tư vào dịch vụ kinh doanh bất hợp pháp. Nếu như trước kia những hoạt động tội phạm có tổ chức của người Việt ở Cộng Hoà Séc là tổ chức di cư bất hợp pháp, thì ngày nay, những gì chúng ta đang phải đối mặt là tội phạm trong cộng đồng, giống như các hình thức tội phạm mới : tội phạm ma túy, tội phạm kinh tế, v.v. Đây là vấn đề chính của chúng tôi. 

RFI Tiếng Việt : Như nói ở trên, cộng đồng người Việt không ngừng gia tăng qua các đợt di cư hợp pháp (xuất khẩu lao động) và bất hợp pháp, kéo theo sự xuất hiện của các hình thức tội phạm mới, vậy theo ông, ngày nay, liệu tính cộng đồng làng xã, đặc trưng hóa bởi các hội đồng hương có còn duy trì ?

Miroslav Nozina : 

Trong cộng đồng người Việt, hiện nay chúng tôi đang phải đối mặt với thế hệ thứ hai và thế hệ thứ ba của người Việt di cư. Thế hệ thứ hai hay thứ ba này, gồm những người sinh ra tại CH Séc hoặc đến đây từ nhỏ. Trong lĩnh vực tội phạm,  tính cộng đồng không có nhiều thay đổi. Họ xây dựng các mối quan hệ mới, niềm tin mới, thông qua những mối quan hệ mà họ đã tạo ra ở CH Séc. Xu hướng này có thể nhìn thấy rõ ràng. Tính cộng đồng và tính làng xã xuất phát từ một khu vực ở Việt Nam, khi du nhập đến CH Séc, tạo thành một mối liên hệ mới.

Filip Kraus:   

Tôi thì lại cho rằng hiện nay, mối quan hệ “đồng hương” trong cộng đồng người Việt đang dần mất đi tầm quan trọng của nó. Ở CH Séc, điều này là do các sự gia tăng và tiếp nối của các gia đình di dân. Tại đây, môi trường của cộng đồng người Việt rất đặc biệt. Các gia đình những người di cư từ một vùng quen biết lẫn nhau, thông qua các hiệp hội đồng hương từ một vùng của Việt Nam. Khi gia đình được mở rộng ra, mạng lưới gia đình dần lớn hơn mạng lưới người đồng hương. Vì vậy ảnh hưởng của tội phạm có tổ chức theo hội đồng hương giảm dần.  

RFI Tiếng Việt : Để kết thúc buổi trò chuyện hôm nay, theo ông, liệu hiện tượng tội phạm người Việt có tổ chức có ảnh hưởng gì đối với việc di cư hợp pháp của người Việt hiện nay không ? 

Filip Kraus:   

Chắc chắn là có ảnh hưởng. Tại CH Séc, vào năm 2016, chúng tôi mở lại đối thoại với Việt Nam về tuyển dụng lao động Việt Nam. Nhưng đột nhiên, cựu bộ trưởng Ngoại Giao đề cập đến việc tội phạm có tổ chức người Việt và vì thế CH Séc có thể sẽ không mở lại cánh cửa cho lao động người Việt. Dĩ nhiên, điều này là vô lý và giống như một hình thức phân biệt chủng tộc. nhưng qua ví dụ này, ta thấy sự hiện diện của tội phạm người Việt, dù cho họ có ít bạo lực hơn tội phạm người Nga hay vùng đông nam châu Âu, các chính trị gia sử dụng nó để hạn chế việc di cư của người Việt.   

Miroslav Nozina : 

Thêm vào đó, CH Séc có nhu cầu cao trong việc tuyển dụng lao động. Mặt khác, chính phủ Việt Nam cũng mong muốn điều này, vì đó là một phần của các kế hoạch phát triển 5 năm của chính phủ. Thế nên, nhìn chung thì cả hai đều có lợi. Nhưng 2 năm trước, kế hoạch này đã bị hoãn lại, do tỷ lệ tội phạm liên quan đến việc di dân bất hợp pháp. Điều này đã hạn chế khả năng xuất khẩu lao động của Việt Nam, cũng như nhu cầu du học của học sinh Việt Nam đến CH Séc. 

RFI Tiếng Việt xin cảm ơn ông Miroslav Nozina, chuyên gia nghiên cứu về tội phạm châu Á tại Viện Quan Hệ Quốc Tế Praha và ông Filip Kraus, giảng viên tại đại học.

 

Chi Phương

RFI (05.01.2022)