Seite auswählen

„Một chính sách tối ưu cho Việt Nam đó phải là thắt chặt mối quan hệ với Mỹ và phương Tây để tranh thủ sự giúp đỡ từ kinh tế cho tới khoa học, công nghệ và quốc phòng. Không có một nước nào giàu mạnh nhờ ở việc chơi thân thiết với các thể chế độc tài như Nga và Trung cộng cả. Họ chỉ giàu mạnh khi chơi với Mỹ và phương Tây.“

Tổng bí thư CSVN Nguyễn Phú Trọng từ hào về cái gọi là “ngoại giao cây tre”. Courtesy of Zing

Ông Nguyễn Huy Vũ, nhà quan sát chính trị Việt Nam từ Na Uy, bình luận: “Chiến lược ngoại giao đu dây của Việt Nam tồn tại được trong gần ba thập kỷ của kỷ nguyên toàn cầu hóa này. Nó sống được vì như đã nói, nhờ hai nhóm thể chế dân chủ và độc tài chấp nhận sống chung với nhau.

Chính quyền CSVN đu với các thể chế độc tài để duy trì một mặt trận ngoại giao nhằm nhận hỗ trợ trên các diễn đàn quốc tế, tránh bị cô lập bởi các nhà nước dân chủ. Việc đu theo các thể chế độc tài còn giúp chính quyền cộng sản học hỏi cách cai trị và vận hành thể chế độc tài.

Ngược lại, việc thiết lập quan hệ với Mỹ và các nước phương Tây giúp Việt Nam cải thiện kinh tế, giáo dục, và mức sống nói chung. Khi duy trì một thể chế độc đoán ở Việt Nam, chính quyền CSVN biết rằng thể chế chỉ có thể tồn tại được một khi nó có thể giúp đem lại những cải thiện nào đó về mức sống cho người dân.

Thủ tướng CSVN Phạm Minh Chính đón tiếp Phó tổng thống Mỹ Kamala Harris hồi tháng 8/2021. Courtesy of Zing

 

Cuối cùng lãnh đạo CSVN sẽ chọn đứng về phía Mỹ?

Việc thiết lập mối quan hệ với Mỹ và phương Tây, cùng với việc mở cửa nền kinh tế, thúc đẩy các trao đổi về giáo dục, văn hoá, và sự dịch chuyển tự do hơn dòng vốn, giờ đây khiến Việt Nam phụ thuộc nhiều hơn vào Mỹ và phương Tây so với phụ thuộc vào Trung cộng và Nga. Giới lãnh đạo đảng cộng sản giờ đây gửi tiền bạc, đầu tư, con cái, kể cả việc chăm sóc sức khoẻ sang Mỹ và các nước đồng minh, chẳng có mấy ai gửi sang Nga hay Trung cộng.

Một sự cấm vận từ Trung cộng hoặc Nga chỉ có ảnh hưởng ngắn hạn vì Việt Nam có thể tìm những nguồn thay thế từ các nước khác. Nhưng một sự cấm vận từ Mỹ và phương Tây chắc chắn đem lại một sự đổ vỡ rất lớn cho giới lãnh đạo đảng Cộng sản và cho nền kinh tế.

Vào khi mà Mỹ và phương Tây bắt đầu đảo ngược lại các chính sách, tìm cách cô lập Trung cộng và Nga, họ sẽ vạch ra một cách rõ ràng hơn ai là đồng minh và ai là kẻ thù tiềm năng. Tổng thống Joe Biden khi trấn an Tập Cận Bình rằng việc thiết lập các đồng minh không nhằm vào Trung cộng nó cho thấy một sự thật rằng Hoa Kỳ đang tích cực hình thành một mạng lưới các đồng minh.

Giữa hai lựa chọn, đứng về phía Mỹ hoặc đứng về phía Trung cộng và Nga, như đã trình bày ở trên, cuối cùng thì những lãnh đạo đảng CSVN sẽ chọn đứng về phía Mỹ, đơn giản là vì quyền lợi cá nhân của mình.

Việc chính quyền CSVN chọn chiến lược ngoại giao đu dây vì quyền lợi của họ nhưng nó không phải là một chính sách tối ưu cho dân tộc Việt Nam, nếu không muốn nói nó là một tai hại. Một chính sách tối ưu cho Việt Nam đó phải là thắt chặt mối quan hệ với Mỹ và phương Tây để tranh thủ sự giúp đỡ từ kinh tế cho tới khoa học, công nghệ và quốc phòng. Không có một nước nào giàu mạnh nhờ ở việc chơi thân thiết với các thể chế độc tài như Nga và Trung cộng cả. Họ chỉ giàu mạnh khi chơi với Mỹ và phương Tây.

Singapore, Hàn Quốc, Đài Loan, Nhật Bản đã trở nên giàu mạnh khi chơi với Mỹ và phương Tây. Đó là một sự thật. Ngay cả Trung cộng họ lớn mạnh cũng nhờ phát triển quan hệ với Mỹ và phương Tây để giao thương và nhằm học hỏi, kể cả ăn cắp, công nghệ và khoa học.

Làm sao để Việt Nam có bầu cử tự do?

Nhiều người biện luận rằng thể chế độc tài cộng sản ngăn chặn Việt Nam thắt chặt quan hệ với Mỹ và phương Tây, nhưng đừng quên rằng các nước Đài Loan hay Hàn Quốc có những mối quan hệ khắng khít với Mỹ trong khi họ là những nền độc tài. Việc chọn một chiến lược ngoại giao thất bại đã khiến cho đất nước mất đi cơ hội phát triển mà cho đến nay, sau hơn nửa thế kỷ, Việt Nam vẫn là một trong những nước rất nghèo của thế giới.

Mỹ và phương Tây cho đến nay chưa đòi hỏi một cuộc chuyển đổi dân chủ ở Việt Nam vì giới chính trị đối lập Việt Nam chưa tập hợp thành một mặt trận thống nhất có thể đảm nhận trách nhiệm lãnh đạo quốc gia một khi đảng Cộng sản không còn lãnh đạo.

Nếu có tồn tại một mặt trận như vậy và nó nhận được một sự ủng hộ mạnh mẽ và rộng rãi của nhân dân, thậm chí ngay cả khi các lãnh đạo đã ở tù, thì dưới áp lực của Mỹ và phương Tây, giới cầm quyền của đảng Cộng sản buộc phải tiến hành một thoả hiệp và thực thi một cuộc bầu cử tự do.

Những lãnh đạo đảng Cộng sản trong tình thế đó buộc phải làm vậy nếu họ không muốn đón nhận những cấm vận như giới chính trị gia và tài phiệt Nga hiện đang hứng chịu từ Mỹ và phương Tây.

Câu chuyện còn lại là liệu giới hoạt động chính trị đối lập Việt Nam có dám đứng chung trong một mặt trận để đòi hỏi một cuộc bầu củ tự do nhằm thách thức đảng Cộng sản bằng lá phiếu của người dân hay không. Điều đó nó còn tùy thuộc vào quyết tâm của những người quan tâm đến chính trị.

Họ cần đặt câu hỏi rằng sứ mệnh của cuộc đời họ là gì và liệu rằng điều gì họ muốn thấy nhất trong cuộc đời mình. Chắc chắn đâu đó trong cộng đồng dân tộc rộng lớn này, chúng ta sẽ tìm thấy những người tin rằng sứ mệnh của cuộc đời họ là cống hiến cho quê hương và họ muốn được nhìn thấy đất nước phú cường trong một thể chế tự do.”

 

Đất Việt (28.03.2022)