Mục lục
Trung cộng tập trận ‘cả ngày lẫn đêm’ ở Biển Đông
Tàu chiến Trung cộng trong một cuộc tập trận ở Biển Đông
Một số ý kiến cho rằng Bắc Kinh đang tận dụng việc thế giới dồn sự tập trung vào tình hình ở Ukraine để tranh thủ phô trương sức mạnh ở Biển Đông.
Bắc Kinh liên tục có các đợt tập trận kéo dài ở Biển Đông gần đây. Các cuộc tập trận này chia thành hai đợt: đợt 1 từ ngày 4 đến 15/3 và đợt 2 từ ngày 19/3 đến 9/4. Khu vực tập trận trong hai đợt này nằm ở giữa tỉnh Hải Nam và Việt Nam.
Tập trận cả ngày lẫn đêm
Nhận định về các cuộc tập trận kéo dài gần đây của Trung cộng, giáo sư Carl Thayer, Học viện Quốc phòng Úc – cho rằng các cuộc tập trận phức tạp đã được lên kế hoạch từ trước và phục vụ một số mục đích như đào tạo, tích hợp các nền tảng và công nghệ mới, để liên kết giữa các lực lượng như hải quân và không quân.
Theo chuyên gia người Úc, các cuộc tập trận của hải quân và không quân Trung cộng từ ngày 4 đến 15/3 bao gồm các cuộc tập trận không quân phức tạp. Lực lượng không quân Trung cộng đã tập trận cả ngày lẫn đêm với nhiều loại máy bay chiến đấu và thực hiện nhiệm vụ từ các căn cứ không quân trong khoảng 20 giờ.
“Bức tranh toàn cảnh cho chúng ta thấy rằng Trung cộng và Mỹ là đối thủ chiến lược và đang tham gia một vòng xoáy hành động và “trả đũa” ở Biển Đông. Nói cách khác, mỗi bên phản ứng lại các hoạt động quân sự của bên kia”, giáo sư Thayer nhận định.
Ông Thayer cho rằng các cuộc tập trận quân sự được thiết kế để chứng minh khả năng cụ thể và quyết tâm chống lại sức mạnh hải quân của đối thủ. Các cuộc tập trận vào ban đêm và rạng sáng của họ là để đáp ứng thời điểm của các hoạt động không quân của đối thủ.
Theo một nhà nghiên cứu tại viện nghiên cứu khoa học và công nghệ quân sự ở Bắc Kinh, “lịch trình huấn luyện mới nhằm đáp ứng các hoạt động của máy bay và tàu chiến Mỹ, luôn diễn ra từ nửa đêm đến 2h sáng”, ông Thayer dẫn chứng.
Ngoài ra, có thể suy đoán rằng thời điểm được chọn là trước cuộc tập trận Balikatan thường niên giữa Phi Luật Tân và Mỹ – một trong những cuộc tập trận lớn nhất trong những năm gần đây, giáo sư Thayer nói.
Ngoài hai đợt tập trận nêu trên, báo South China Morning Post đưa ra số thống kê đáng chú ý: Trung cộng đã tiến hành gần 100 cuộc tập trận ban đêm trong năm 2021 so với chỉ 30 cuộc trong năm 2020.
Bộ trưởng Ngoại giao CSVN Bùi Thanh Sơn không dám đề cập các cuộc tập trận của Trung cộng ở Biển Đông khi điện đàm với người đồng cấp Vương Nghị
Bình luận về các động thái này của Trung cộng, ông Hoàng Việt, Đại học Luật TP Sài Gòn, cho rằng có thông tin cho biết Trung cộng đã liên tục đưa ra các thông báo tập trận từ ngày 19/3 tới nay là để tìm kiếm một chiếc máy bay quân sự của họ đã bị rơi ở đây trong lúc tập trận. Tuy nhiên, việc kéo dài hoạt động tập trận cho dù máy bay đã được tìm thấy cho thấy Trung cộng có thể có những ý đồ khác ở đây.
“Trước tình hình chiến sự căng thẳng ở Ukraine khiến cả thế giới tập trung vào đây, sẽ có thể dẫn đến sự lơ là ở Biển Đông. Trong bối cảnh đó, có những lo ngại rằng Trung cộng sẽ tìm cách gia tăng các vị trí và ảnh hưởng của họ ở Biển Đông”, ông Việt nhận định.
Ông Murray Hiebert, chuyên gia cao cấp tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) tại Mỹ, nhận định Trung cộng dường như muốn chứng tỏ rằng nước này không bị đe dọa bởi việc điều các tàu chiến qua lại khu vực tranh chấp ở Biển Đông của Mỹ, Nhật, Anh… cuối năm ngoái. Ngoài ra, cuộc khủng hoảng ở Ukraine có thể là một nguyên do ảnh hưởng đến quyết định của Trung cộng về thời điểm tập trận.
Nhắc đến việc Trung cộng đã điều các máy bay chiến đấu J-11B mới nhất tham gia các cuộc tập trận, chuyên gia của CSIS đánh giá động thái này được xem như nhằm phô trương các công nghệ quân sự mới của Bắc Kinh.
(Theo Tuổi Trẻ, 16.04.2022)
Trung cộng triển khai chiến đấu cơ tối tân đến Biển Đông và Biển Hoa Đông
Theo truyền thông nhà nước Trung cộng, quân đội Trung cộng đang triển khai máy bay chiến đấu J-20 tối tân nhất của mình tới các khu vực tranh chấp nóng bỏng ở Biển Đông và Biển Hoa Đông.
Theo Global Times, máy bay chiến đấu tàng hình J-20 sẽ bắt đầu triển khai trong các buổi huấn luyện sắp tới.
Một đại tá Trung cộng tuyên bố, việc triển khai đảm bảo quân đội Trung cộng “sẵn sàng và có khả năng chiến đấu”.
J-20 ban đầu sử dụng động cơ của Nga, nhưng sau đó được cải tiến và thay thế bằng động cơ sản xuất ở Trung cộng. Điều này cho phép chính quyền Bắc Kinh có thể sản xuất loại máy bay phản lực này trong nước. Chiến đấu cơ này cũng dường như được thiết kế để cạnh tranh với máy bay F-22 và F-35 của Mỹ.
Trên thực tế, không có nhiều người biết rõ loại máy bay này, thường được gọi là “Mighty Dragon”. Nó được đưa vào sử dụng năm 2017 và là một máy bay chiến đấu tàng hình giống như F-35 của Mỹ. Tuy nhiên, vẫn chưa biết Trung cộng sẽ sử dụng J-20 như thế nào, cho dù trong vai trò đa nhiệm vụ như F-35 hay trong vai trò chiếm ưu thế trên không như F-22.
Tướng Kenneth Wilsbach, Tư lệnh Lực lượng Không quân Thái Bình Dương của Mỹ, hồi tháng 3 cho hay, một máy bay F-35 của Mỹ đã chạm trán gần với J-20 trên Biển Đông vào năm ngoái, nhưng vẫn còn quá sớm để đánh giá xem nó sẽ đóng vai trò thế nào trong một cuộc xung đột quân sự quy mô lớn.
Ông lưu ý: “Gần đây chúng tôi đã [đụng độ], tôi không gọi đó là một cuộc cuộc giao tranh, nhưng những chiếc F-35 của chúng tôi ở Biển Hoa Đông đã chạm trán tương đối gần với những chiếc J-20, và chúng tôi tương đối ấn tượng với khả năng chỉ huy và điều khiển liên quan đến J-20.”
Đảng Cộng sản Trung Hoa (ĐCSTH) đã đưa ra vô số yêu sách lãnh thổ đối với nhiều vùng khác nhau trên Biển Hoa Đông và Hoa Đông, và thậm chí còn tiến xa đến việc xây dựng các đảo nhân tạo có tiền đồn quân sự để mở rộng dấu chân của mình ở Biển Đông. Do đó, việc triển khai chiến đấu cơ lần này có thể sẽ hỗ trợ cho tham vọng bành trướng của chế độ.
Một báo cáo của Bộ Ngoại giao Hoa Kỳ công bố hồi tháng 1 cho thấy, các phương pháp mà ĐCSTQ sử dụng để đẩy mạnh yêu sách lãnh thổ của mình “không có cơ sở pháp lý nhất quán” theo luật pháp hoặc quy phạm quốc tế.
Việc mở rộng lãnh thổ, và hiện giờ là triển khai máy bay chiến đấu tàng hình J-20, có thể sẽ tiếp tục làm gia tăng căng thẳng giữa Hoa Kỳ và ĐCSTQ, bởi các chuyên gia cảnh báo chế độ cộng sản là nhân tố có khả năng cao nhất khiến các lực lượng Mỹ tham gia vào một cuộc xung đột quân sự.
Việc triển khai J-20 cũng có thể được coi là một nỗ lực không ngừng của ĐCSTQ nhằm làm leo thang căng thẳng quân sự và thể hiện sức mạnh quân sự toàn cầu của chính họ. Trước đó, hồi đầu tháng Tư, chế độ ĐCSTQ đã thực hiện một nỗ lực tương tự khi chuyển giao các hệ thống tên lửa mới cho Serbia. Trong dịp đó, 6 máy bay quân sự của Trung cộng bay qua không phận NATO.
Tuy nhiên, việc ĐCSTQ đưa J-20 vào khu vực Biển Đông và Biển Hoa Đông đồng nghĩa với việc quân Trung cộng sẽ triển khai lâu hơn và có các cuộc tuần tra xa hơn. Điều này có thể khiến họ đụng độ gần hơn với quân đội Hoa Kỳ.
Ông Peter Layton, một chuyên gia tại Viện Griffith châu Á ở Úc cho biết, Mỹ, Nhật Bản và nhiều quốc gia khác sẽ giám sát chặt các chuyến bay tuần tra của Trung cộng. Các nước cũng sẽ “tích cực thu thập dữ liệu tình báo điện tử” về bất kỳ chiếc J-20 nào trong các chuyến tuần tra ven biển, với hy vọng thu thập thêm thông tin về đặc điểm tàng hình của máy bay, cũng như bất kỳ đường truyền liên kết dữ liệu và vô tuyến nào.
Minh Ngọc (Theo The Epoch Times)
Trithucvn, 16.04.2022
Thủ tướng Ấn Độ và TBT Nguyễn Phú Trọng thảo luận vấn đề Biển Đông và Ukraine
Thủ tướng Ấn Độ Narendra Modi và TBT Nguyễn Phú Trọng AP/AFP/RFA edit
Thủ tướng Ấn Độ – Narendra Modi và Tổng Bí thư Đảng Cộng sản Việt Nam – Nguyễn Phú Trọng vừa có cuộc điện đàm vào chiều ngày 15/4, thảo luận các vấn đề về hợp tác hai bên, cuộc chiến ở Ukraine và căng thẳng Biển Đông.
Theo thông cáo báo chí của Văn phòng Thủ tướng Ấn Độ, tại cuộc nói chuyện, hai bên đã ca ngợi mối quan hệ hai nước nhân kỷ niệm 50 năm thiết lập quan hệ ngoại giao (7/1/1972 – 7/1/2022) và quan hệ đối tác chiến lược toàn diện được thiết lập giữa hai bên vào năm 2016.
Ấn Độ hiện là một trong ba nước duy nhất có quan hệ đối tác chiến lược toàn diện với Việt Nam. Hai nước còn lại là Nga và Trung cộng.
Tại cuộc gặp, Thủ tướng Ấn Độ mong muốn Việt Nam mở cửa thị trường cho dược phẩm và hàng nông sản của Ấn Độ, đồng thời khẳng định Việt Nam là trụ cột quan trọng trong chính sách Hướng Đông của Ấn Độ.
Theo truyền thông Nhà nước Việt Nam, liên quan đến vấn đề Biển Đông, hai bên nhất trí về sự cần thiết của việc giữ gìn hòa bình, ổn định, hợp tác, phát triển và tôn trọng luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước năm 1982 của Liên Hợp Quốc về Luật Biển, tôn trọng chủ quyền, quyền chủ quyền của các quốc gia và quyền tự do hàng không, hàng hải.
Ấn Độ hiện là nước đang có những căng thẳng với Trung cộng liên quan tới biên giới đất liền và vùng biển Ấn Độ Dương.
Công ty dầu khí quốc gia của Ấn Độ là ONGC đang có hoạt động liên doanh với Việt Nam để tìm kiếm và khai thác dầu khí ở Biển Đông, nơi Trung cộng đòi chủ quyền phần lớn diện tích với đường đứt khúc chín đoạn.
Về tình hình Ukraine, hai bên khẳng định tầm quan trọng của việc tôn trọng luật pháp quốc tế, không sử dụng vũ lực và đe dọa sử dụng vũ lực; mong muốn các bên liên quan thúc đẩy đối thoại, đàm phán để chấm dứt chiến sự, lập lại hòa bình trên cơ sở tôn trọng lợi ích chính đáng của các bên, phù hợp với luật pháp quốc tế, đảm bảo an toàn của người dân, giải quyết các vấn đề nhân đạo.
Cả Ấn Độ và Việt Nam là hai nước giữ lập trường trung lập trong cuộc chiến xâm lược của Nga tại Ukraine. Tuy nhiên, trong cuộc bỏ phiếu loại Nga khỏi Hội đồng Nhân quyền LHQ hôm 7/4 vừa qua, Việt Nam đã bỏ phiếu chống và Ấn Độ bỏ phiếu trắng.
RFA (15.04.2022)
Việt Nam dự diễn đàn thực thi pháp luật trên biển
Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn (ảnh).
Các lãnh đạo cấp cao của các cơ quan hàng hải tới từ Việt Nam, Hoa Kỳ, Indonesia, Mã Lai, Phi Luật Tân và Thái Lan vừa có buổi họp nhằm hợp tác và mở rộng quan hệ đối tác thực thi pháp luật trên biển trong khuôn khổ Diễn đàn Tư lệnh thuộc Sáng kiến Thực thi pháp luật trên biển Đông Nam Á.
Theo đại sứ quán Mỹ ở Hà Nội hôm 14/4, phát biểu tại hội nghị, Chuẩn Đô đốc Peter Gautier, Phó Tư lệnh Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ Khu vực Thái Bình Dương nói rằng “hợp tác quốc tế và liên chính phủ đóng vai trò cốt yếu trong việc bảo vệ các vùng duyên hải và các vùng biển chung của chúng ta”.
Cơ quan đại diện ngoại giao của Mỹ cũng trích lời ông Gautier nói thêm rằng “các diễn đàn như thế này rất cần thiết trong việc nâng cao năng lực phối hợp của chúng ta để phát hiện các hành vi bất hợp pháp trên biển, thúc đẩy quản trị và thực thi pháp luật biển một cách có hiệu quả, đồng thời góp phần xây dựng năng lực và khả năng”.
Phía Hoa Kỳ cho biết rằng mục đích của diễn đàn thường niên là tăng cường ổn định khu vực bằng cách thúc đẩy an toàn hàng hải, hợp tác an ninh, điều phối và chia sẻ thông tin.
Theo Lực lượng Phòng vệ biển Hoa Kỳ Khu vực Thái Bình Dương, năm nay, diễn đàn tập trung vào vấn đề chống buôn bán ma túy, đánh bắt cá trái phép, không báo cáo và việc sử dụng các công cụ nâng cao nhận thức hàng hải một cách chiến lược để chống lại những mối đe dọa này cũng như các mối đe dọa an ninh xuyên quốc gia khác.
Tin cho hay, tại diễn đàn, đại diện của mỗi quốc gia thành viên đã chia sẻ các ưu tiên an ninh hàng hải chính của họ và nêu ra những thách thức mà họ đang phải đối mặt với buôn bán ma túy xuyên quốc gia, đánh bắt trái phép và nâng cao nhận thức về lĩnh vực hàng hải.
Như VOA tiếng Việt đã đưa tin, tháng trước, Bộ trưởng Ngoại giao Việt Nam Bùi Thanh Sơn tiếp Đại sứ Hoa Kỳ tại Việt Nam Marc Knapper để trao đổi các biện pháp thúc đẩy quan hệ song phương, và trao đổi về tình hình khu vực và quốc tế mà hai bên cùng quan tâm.
Tin cho hay, về các vấn đề khu vực, ông Sơn và ông Knapper “đề cao việc tuân thủ luật pháp quốc tế, trong đó có Công ước Liên Hợp Quốc về Luật Biển 1982” cũng như “nhất trí tiếp tục phối hợp chặt chẽ tại các khuôn khổ hợp tác khu vực, nhất là các cơ chế của ASEAN và hợp tác tiểu vùng Mekong”.
VOA (14.02.2022)
Cuộc tập trận bất ngờ của Việt Nam là nhằm “đáp trả Trung cộng”
Duyệt binh nhân kỷ niệm 60 năm chiến thắng Điện Biên Phủ hôm 7/5/2014 AFP
Quân đội Việt Nam đang thực hiện một cuộc tập trận bắn đạn thật ở tỉnh duyên hải Bình Định, theo chuyên gia thì động thái này nhằm đáp trả lại Trung cộng.
Hôm 8 tháng 4, tin về một cuộc tập trận bắn đạn thật của quân đội Việt Nam được truyền thông Nhà nước loan đi.
Thông tin này được công khai gián tiếp thông qua thông báo của Cảng hàng không Phú Cát ở Quy Nhơn và hãng hàng không Việt Nam – Vietnam Airlines – về việc điều chỉnh các chuyến bay đến và đi tại sân bay này, do bị ảnh hưởng của cuộc tập trận.
Còn báo Quân đội Nhân dân hay trang web của Bộ Quốc phòng đều không đăng tải bất cứ thông tin nào về cuộc tập trận này.
Cuộc tập trận bắn đạn thật được thông báo là sẽ diễn ra từ ngày 11 đến ngày 21 tháng 4, tức chỉ bốn ngày kể từ khi thông tin được tiết lộ, do đó làm gia tăng tính bất ngờ của hoạt động này.
Phải đến ngày 14 tháng 4 thì thông tin chi tiết về cuộc tập trận mới xuất hiện trên các mặt báo.
Theo mạng báo Zing thì trong hai ngày 12 và 13, không quân Việt Nam đã tập trận ném bom các mục tiêu mặt đất tại Trường bắn TB-2 ở tỉnh Bình Định, với sự tham gia của các máy bay chiến đấu hiện đại trong biên chế của quân đội như Su-27.
Đây được cho là một khoa mục trong chuỗi các hoạt động bắn đạn thật kéo dài đến ngày 21 tháng này.
Câu hỏi đặt ra là tại sao quân đội Việt Nam lại tổ chức một cuộc bắn đạn thật bất ngờ ở thời điểm này, và tại sao lại ở khu vực tỉnh Bình Định?
Trao đổi với đài Á châu Tự do qua email, Tiến sĩ Huỳnh Tâm Sáng – giảng viên môn quan hệ quốc tế tại trường Đại học Khoa học Xã hội và Nhân văn Thành Phố Hồ Chí Minh, lý giải những câu hỏi trên như sau:
“Cuộc tập trận hiện đang diễn ra có thể được hiểu như là một tín hiệu ngầm cho thấy quyết tâm của chính quyền Hà Nội trong việc bảo vệ chủ quyền và an ninh của mình.”
Ông Sáng cũng chỉ ra rằng động thái này diễn ra ngay sau khi Trung cộng tổ chức một cuộc tập trận bắn đạn thật bất ngờ ở trong vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam trên khu vực biển Vịnh Bắc Bộ.
Phía Việt Nam trước đó cũng lên tiếng phản đối cuộc tập trận của Trung cộng thông qua người phát ngôn Bộ Ngoại giao của mình.
Còn về vị trí của cuộc tập trận, ông Huỳnh Tâm Sáng lý giải rằng Bình Định là một vị trí chiến lược.
“Vị trí của cuộc tập trận gợi ý rằng Việt Nam nhìn nhận vấn đề nâng cao năng lực quốc phòng là vô cùng quan trọng đối với an ninh của minh. Bình Định là một tỉnh có vị trí địa chính trị quan trọng bởi vì đây là cửa ngõ thông ra biển của khu vực Tây Nguyên, miền nam Lào, và phía bắc Campuchia.”
Ngoài ra vị chuyên gia về quan hệ quốc tế này cũng cho rằng môi trường an ninh quốc tế, cụ thể là cuộc chiến tranh Nga-Ukraine cũng là tác nhân khiến cho Việt Nam phải có hành động để thể hiện năng lực tự vệ của mình, ông cho hay:
“Cuộc chiến của Nga ở Ukraine tạo ra thông điệp tối quan trọng đối với Việt Nam, rằng để đảm bảo an ninh quốc gia thì việc chuẩn bị cho các tình huống trong tương lai cần phải được ưu tiên hàng đầu.
Với việc tập trận bắn đạn thật lần này, Việt Nam muốn thể hiện rằng mình đã chuẩn bị cho bất cứ tình huống bất ngờ nào ảnh hưởng tới an ninh quốc gia, đặc biệt là các tình huống trên Biển Đông.”
Trước đó hồi tháng 3, quân đội Mỹ cho biết phía Trung cộng đã hoàn tất quân sự hoá ít nhất ba đảo nhân tạo mà họ chiếm đóng ở trên Biển Đông, nơi Trung cộng đang có tranh chấp về chủ quyền với các nước láng giềng bao gồm cả Việt Nam.
Các đảo này được trang bị những hệ thống vũ khí tối tân như hệ thống tên lửa chống hạm và phòng không, thiết bị laser và gây nhiễu, cùng máy bay chiến đấu.
RFA (14.04.2022)
CSIS: Việt Nam tiếp tục nâng cấp Trường Sa giữa tranh chấp Biển Đông
Ảnh vệ tinh của chương trình Sáng kiến Minh bạch Hàng hải châu Á của CSIS (từ trái theo chiều kim đồng hồ) cho thấy các hoạt động nâng cấp tại Đảo Phan Vinh (chụp ngày 11/2), Đảo Nam Yết (22/1) và Đảo Sơn Ca (7/3).
Một khảo sát gần đây của Sáng kiến Minh bạch Hàng hải Châu Á (AMTI), thuộc một trung tâm nghiên cứu ở Hoa Kỳ, cho thấy Việt Nam trong thời gian qua tiếp tục thực hiện việc nâng cấp trên các thực thể mà họ chiếm đóng ở quần đảo Trường Sa, nơi có tranh chấp với Trung cộng trên Biển Đông.
Khảo sát mới nhất của AMTI, thuộc Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) có trụ sở ở thủ đô Washington, nói rằng trong vòng sáu tháng, từ tháng 10/2021 đến 3/2022, Việt Nam đã tham gia vào hoạt động nạo vét và đắp nổi mới tại ba địa điểm mà họ chiếm đóng ở quần đảo này. Khảo sát được đưa ra cuối tháng trước còn cho biết Việt Nam đã tiếp tục các hoạt động nâng cấp nhẹ và xây dựng các tòa nhà mới trên một số tiền đồn tại quần đảo mà Đài Loan cũng tranh chấp chủ quyền.
Tuy nhiên việc nâng cấp và mở rộng các đảo của Việt Nam, theo CSIS, là nhỏ so với quy mô xây dựng rất lớn trên các đảo của Trung cộng từ năm 2013 đến 2016. Mặc dù vậy, khảo sát của trung tâm này đánh giá rằng những hoạt động của Việt Nam gần đây đánh dấu một sự tăng tốc nhẹ về tốc độ cải thiện đối với các cơ sở của họ ở quần đảo Trường Sa. Điều này, theo CSIS, có thể khiến Hà Nội hứng chịu những lời chỉ trích từ Bắc Kinh và các bên khác.
CSIS cho biết các khảo sát sắp tới của AMTI sẽ cho thấy Việt Nam không phải là bên tranh chấp duy nhất vẫn đang tiến hành xây dựng mới ở Trường Sa.
Ngoài Trung cộng và Đài Loan, còn có Phi Luật Tân, Mã Lai và Brunei cũng có tuyên bố chủ quyền về quần đảo Trường Sa.
Trung cộng đòi chủ quyền đối với hầu hết quần đảo này bằng đường lưỡi bò “9 đoạn” đã bị một tòa trọng tài quốc tế ở La Haye bác bỏ trong một phán quyết đưa ra hồi tháng 7/2016. Trong khi đó, Đài Loan chiếm đóng đảo Ba Bình, hòn đảo lớn nhất tại Trường Sa, và Phi Luật Tân chiếm đóng 8 đảo thuộc quần đảo này.
Mã Lai, nước có tranh chấp trên thực tế muộn nhất ở quần đảo Trường Sa, chiếm đóng 5 bãi đá và bãi cạn trong khi Brunei là quốc gia duy nhất có tuyên bố chủ quyền về quần đảo này nhưng không chiếm đóng đảo nào.
Theo khảo sát của AMTI, Việt Nam bắt đầu công việc nạo vét và đắp nổi tại ba thực thể – gồm gồm đảo Phan Vinh, đảo Nam Yết, và đảo Sơn Ca – từ tháng 10 năm ngoái. Dựa theo các hình ảnh vệ tinh mà CSIS thu được, báo cáo này cho biết hai đảo Phan Vinh và Nam Yết đã được bồi thêm khoảng 50 mẫu Anh (hơn 202.000 m2) đất mỗi đão, trong khi Đảo Sơn Ca được đắp thêm chỉ 7 mẫu Anh (hơn 28.000 m2).
Việt Nam dường như nạo vét một bến cảng nhỏ tại mỗi cơ sở này với các kênh tiếp cận cắt qua các rạn san hô ở vùng nước sâu hơn, theo khảo sát của AMTI. CSIS cũng nhận định rằng đây là kiểu nâng cấp mà Việt Nam đã thực hiện ở tất cả các tiền đồn lớn hơn của mình trong những năm gần đây.
Các khảo sát trước đây của AMTI cho rằng việc nâng cấp của Việt Nam ở Trường Sa diễn ra “chậm mà chắc”.
AMTI là một chương trình nguồn kiến thức tương tác được cập nhật thường xuyên nhằm cung cấp thông tin hướng tới mục tiêu thúc đẩy tính minh bạch trong khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để ngăn chặn hành vi gây hấn và xung đột.
Việt Nam chưa bao giờ công khai cho biết các hoạt động nâng cấp hay mở rộng trên các quần đảo có tranh chấp ở Biển Đông, nhưng theo CSIS, Việt Nam đã tiến hành cải tạo tại 10 đá ngầm và đảo nhỏ mà Việt Nam giữ quyền kiểm soát trước chiến dịch xây dựng đảo của Trung cộng.
Tổng cộng, Việt Nam đã cải tạo hơn 120 mẫu Anh (hơn 485.000 m2) đất mới tại những thực thể này. Trung tâm CSIS nhận định rằng, ngoài việc chỉ thực hiện chưa đến 4% so với quy mô hoạt động cải tạo của Bắc Kinh, các phương pháp mà Hà Nội sử dụng ít mang tính hủy hoại hơn nhiều.
VOA (13.04.2022)