Seite auswählen

Sự phối hợp nhịp nhàng trong hành động trục lợi

 

 

Đỗ Ngà

5-6-2022

Một bộ test kit giá nhập chỉ 21.560 đồng/bộ nhưng bán ra gấp chục lần. Tổng giá trị nhập khẩu bộ test kit của Công ty Việt Á là 65 tỷ đồng nhưng bán ra được 4000 tỷ đồng. Có như vậy mới dám ngắt 800 tỷ đồng chỉ để … bôi trơn.

Bộ test kit này được quảng cáo là đạt kết quả chính xác gần 100%. Tuy nhiên, thực tế thì bộ kit này khi đem ra dùng cho kết quả rất thiếu chuẩn xác. Rất nhiều người được phỏng vấn lúc thì cho kết quả dương tính lúc thì cho kết quả âm tính khi xét nghiệm trên cùng một bệnh nhân.

Trong hơn 43.000 người chết vì Covid, không ai thống kê nổi có bao nhiêu người phải chết vì bộ test kit dỏm này gây ra. Sự bao trùm của loại bộ kit này trên toàn quốc đã gây ra thiệt hại không hề nhỏ. Người không bệnh nhưng test có bệnh và cho vào nhốt chung với người có bệnh rồi chết. Người có bệnh nhưng test không có bệnh, nên lây cho cộng đồng khiến nhiều người khác nhiễm bệnh chết v.v…

Những trường hợp nếu nhiễm bệnh mà không chết thì nó cũng làm tiêu hao sức lực và tiền bạc của xã hội rất lớn. Nói chung, bộ test kit dỏm nó gây thiệt hại không chỉ tiền bạc mà cả nhân mạng của dân. Ăn của người dân gần 4000 tỷ rồi còn gieo thêm cái chết và sự mất mát khác, thật sự là tột cùng của tội ác.

Trong vụ test kit dỏm của công ty Việt Á, điều đáng sợ không phải là khoản tiền trục lợi, mà sự phối hợp vô cùng nhịp nhàng giữa các ban ngành để ăn cướp tiền dân. Học viện Quân Y thì dựng lên nhóm nghiên cứu dỏm. Bộ Khoa học – Công nghệ thì thừa nhận kết quả nghiên cứu. Bộ Y tế thì thì ký quyết định sử dụng sản phẩm. Để tô thêm vẻ đẹp cho trò lừa đảo này, Ủy ban Nhân dân TP. HCM còn đề nghị tặng huân chương lao động hạng 3 cho Công ty Việt Á. Cả bộ máy chính quyền chỉ để phục vụ kế hoạch trục lợi toàn dân sao cho hoàn hảo nhất.

Trong bài “Chiêu lùa gà và con dấu mật” (*) tôi đã viết trước đó cũng đã nói lên sự phối hợp nhịp nhàng giữ các ban ngành. Trong trường hợp Mobifone mua AVG, Bộ Công an với Bộ Thông tin và Truyền thông phối hợp nhau ra văn bản trao đổi giữa Nguyễn Bắc Son và Tô Lâm để lùa thương vụ Mobifone mua AVG với giá 9.000 tỷ đồng rồi sau đó ngắt 7000 tỷ đồng tiền lời chia nhau. Nhiều cơ quan kết hợp, mục đích cũng chỉ là để moi tiền nhà nước một cách hoàn hảo nhất. Mà tiền nhà nước thì từ tiền thuế của dân mà ra.

Vụ chuyến bay giải cứu cũng vậy. Bộ Giao Thông Vận Tải ra chủ trương rồi chỉ định Vietnam Airlines thực hiện nghĩa vụ, Bộ Ngoại Giao làm nhiệm vụ “gom gà” nhét vào máy bay. Tiền vé được đẩy lên gấp 5 lần giá gốc để trấn lột. Mỗi chuyến bay kiếm khoảng 2 đến 3 tỷ, có tổng cộng 2000 chuyến bay. Vậy nhóm liên minh này kiếm từ 4000 đến 6000 tỷ đồng chia nhau. Đây lại thêm một hình ảnh nữa sự phối hợp nhịp nhàng giữa các ban ngành để trục lợi dân sao cho hoàn hảo nhất.

Chiêu trò trục lợi của chính quyền CS đã phát triển rất cao. Đây là “những bộ máy trục lợi” chứ không phải là cá nhân trục lợi. Các ban ngành khác nhau đều phối hợp rất nhịp nhàng, có phân công phân nhiệm rất chuyên nghiệp. Con người là chi tiết của bộ máy này, nếu ông Nguyễn Phú Trọng có bắt người thì bộ máy đó vẫn còn. Vì thế, ông Trọng có bắt bao nhiêu người, về bản chất vẫn không xóa được các bộ máy trục lợi này.

Tôi tự hỏi, không biết các các bộ ban ngành của Chính phủ họ đang làm gì nữa? Làm chính sách thì kém hiệu quả nhưng phối hợp nhau trục lợi thì lại vô cùng hiệu quả. Một bộ máy nhà nước như vậy thì họ làm được gì ngoài việc hại dân?

______

Tham khảo:

https://www.youtube.com/watch?v=yo4CGTsxAp8

https://www.youtube.com/watch?v=ScmW0cX6zVI

https://cafef.vn/gan-2000-chuyen-bay-giai-cuu-moi-chuyen-thu-loi-den-vai-ty-dong-20220605074815221.chn

______

(*) Chiêu “lùa gà” và con dấu “mật”

Để bắt gà, người ta sẽ bít các đường thoát và chỉ để một lối duy nhất cho gà “thoát thân”. Việc chuẩn bị xong xuôi thì tiến hành đuổi bắt, gà giáo giác tìm đường thoát. Chẳng có đường nào ngoài một lỗ duy nhất, thế là gà chui vào và bị nhốt vào lồng. Hết thoát!

Vụ án Mobifone mua AVG trước đây cũng là dạng “lùa gà” như vậy. Công ty AVG có giá trị chỉ 2000 tỷ, nhưng Mobifone muốn mua nó với giá 9000 tỷ từ tiền nhà nước để lấy 7000 tỷ chênh lệch chia nhau. Muốn mua được AVG giá cao thì phải bít hết con đường định giá thấp. Để AVG không thể rơi vào tay ai ngoài Mobifone bít đường tham gia của công ty nước ngoài.

Để lùa AVG vào tay Mobifone, Nguyễn Bắc Son lúc đó là Bộ trưởng TTTT- đơn vị chủa quản của Mobifone đã bắt tay với Tô Lâm – Thứ trưởng Bộ Công an lúc đó làm trò diễn kịch. Ngày 26/11/2014 Nguyễn Bắt Son cho Trương Minh Tuân gởi đến Tô Lâm Công văn số 200/BTTT-VP để trình bày rằng, có đơn vị “nước ngoài” muốn mua 75% cổ phần AVG. Đến ngày 8/12/2014, Tô Lâm gởi đến Nguyễn Bắc Son công văn số 4352/BCA-A81 để “khuyên” Nguyễn Bắc Son là đơn vị nước ngoài không thể sở hữu hơn 49% AVG và đưa ra ý kiến là “không để AVG rơi vào tay nước ngoài” để nhà nước không mất kiểm soát hạ tầng viễn thông. Màn đóng kịch này mục đích là lùa AVG vào tay Mobifone nhằm nhóm lợi ích trục lợi. Và đến ngày 5/3/2015, Trương Minh Tuấn thay mặt Nguyễn Bắc Son gởi công văn 44/BTTT-QLDN đến Tô Lâm báo là Mobifone đã thỏa thuận với AVG mua lại 95% cổ phần công ty này. Tất cả các công văn này đều đánh dấu “Mật”.

Xong phần lùa AVG vào tay Mobifone thì các bên liên quan tiến hành lùa AVG vào giá 9000 tỷ một cách trông có vẻ hợp lý. Để làm việc này, các bên liên quan đã “mời” 5 công ty định giá và thi nhau múa gậy: Công ty TNHH Hãng Kiểm toán AASC (AASC) thì định giá AVG là 33.299,4 tỷ đồng; Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng TMCP ngoại thương Việt Nam (VCBS) định giá AVG là 24.548,1 tỷ đồng (VCBS không có tên trong danh sách các doanh nghiệp đủ điều kiện hành nghề thẩm định giá tài sản); Công ty TNHH Định giá Hà Nội – TPHCM (Hanoi Valu) định giá AVG là 18.519,9 tỷ đồng; Công ty Thẩm định giá AMAX (Một công ty được lập ra bởi con gái ông Nguyễn Tấn Dũng – bà Nguyễn Thanh Phượng) định giá AVG là 16.565 tỷ đồng. Tất cả 5 công ty đều đẩy giá AVG lên cao, để rồi bên mua giả vờ đàm phán với bên mán mua lại AVG với giá “hời” là 9000 tỷ đồng.

Sau khi lùa con gà AVG vào tay, các bên tiến hành giao dịch thương vụ và đã ngắt 7000 tỷ ra chia chác. Hành động “lùa gà” này hiện nay được các nhóm lợi ích cấu kết với quan chức để lùa nhiều khổ chủ tiền mất tật mang. Việc Trịnh Văn Quyết bán chui cổ phiếu đánh úp nhà đầu tư chính là hành động lùa gà. Để lùa được gà (nhà đầu tư) vào chuồng, Trịnh Văn Quyết và các quan chức ngành chứng khoán đã phối hợp với nhau. Ở vụ án Mobifone mua AVG thì chính Phạm Nhật Vũ phối hợp với Nguyễn Thanh Phượng, Nguyễn Bắc Son, Trương Minh Tuấn, Tô Lâm, Lê Nam Trà để lùa tiền nhà nước vào tay bọn họ mà chia chác thì vụ án “thao túng cổ phiếu” của Trịnh Văn Quyết là sự phối hợp giữa Trịnh Văn Quyết với Lê Hải Trà và Trần Văn Dũng. Đấy đều là liên minh Gian thương – Tham quan.

Vụ án Mobifone mua AVG sau đó được ông Nguyễn Phú Trọng moi ra gần hết gồm: Nguyễn Bắc Son – Bộ trưởng bộ TTTT, Trương Minh Tuấn – thứ trưởng dưới thời Nguyễn Bắc Son, Lê Nam Trà – Tổng giám đốc Mobifone, Phạm Nhật Vũ – Tổng giám đốc AVG, Võ Văn Mạnh giám đốc AMAX. Trong đó Nguyễn Thanh Phượng lọt lưới vì Nguyễn Thanh Phượng không đứng tên thành lập AMAX mà thay vào đó là “hình nhân thế mạng” Võ Văn Mạnh. Tô Lâm vẫn an toàn thì dấu “Mật” vì tài liệu diễn kịch ấy không được phép mở.

Trong vụ án này, ngoài hành động “lùa gà” của liên minh Gian thương – Tham quan thì điều đáng nói khác nữa là, đó là con dấu “Mật” trong các thương vụ có sự tham gia của nhà nước. Trong vụ án Mobifone mua AVG thì con dấu “Mật” chính là một dạng boongke an toàn bảo vệ các quan chức. Tô Lâm đã trú ẩn trong boongke đó rất. Chính Nguyễn Phú Trọng đã không bật đèn xanh cho phía cơ quan điều tra mở dấu “Mật” đó mục đích là để bảo vệ Tô Lâm. Lúc đó ông Trọng cần Tô Lâm cho nhiều mục đích khác thiếu chân chính. Và không phụ công ơn, sau đó Tô Lâm đã giúp ông Trọng bắt cóc Trịnh Xuân Thanh, bắt cóc Vũ Nhôm, và nhúng tay vào vụ Công an TP. HN bắn chết Cụ Kình vv… Nói chung, ông Trọng cũng đang dùng chữ “Mật” để bảo vệ người phe ông ta khỏi bàn tay luật pháp. Dấu “Mật” của chế độ CS nó đã biến tướng, không phải nó được dùng để bảo vệ bí mật nhà nước mà là với mục đích như thế.

Hiện nay tài liệu truy tố ông cựu Thứ trưởng Bộ Y tế – Cao Minh Quang cũng đang vướng đến một số tài liệu có dính dấu “Mật”. Không biết dấu “Mật” này đang bảo vệ ai? Nếu nhân vật nấp sau dấu “Mật” ấy là người “phe ta” thì Nguyễn Phú Trọng sẽ không cho mở, còn nếu không thuộc thì chuyện mở dấu “Mật” là không khó. Đấy! Bản chất “đốt lò” của ông Trọng thực chất bên trong nó có lắm vấn đề để soi, nó không đẹp như báo chí tung hô.

_________