Seite auswählen

Bà Jung Pak, Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, phát biểu tại một viện nghiên cứu của Hoa Kỳ rằng có “xu hướng rõ ràng và gia tăng trong các hành động khiêu khích của Cộng hòa nhân dân Trung Hoa chống lại các bên tranh chấp Biển Đông và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực” (https://www.csis.org/events/twelfth-annual-south-china-sea-conference).

“Có một xu hướng rõ ràng và đang gia tăng về những hành động khiêu khích của Trung cộng chống lại các bên tranh chấp Biển Đông và các quốc gia khác hoạt động hợp pháp trong khu vực”, Jung Pak nói tại Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược và Quốc tế. Theo Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ, máy bay của Trung cộng tham gia ngày càng nhiều hơn vào các vụ chặn máy bay Australia trong không phận quốc tế phía trên Biển Đông.

Bà Jung Pak cũng cáo buộc, trong vài tháng qua, Bắc Kinh đã thách thức các hoạt động nghiên cứu biển và thăm dò năng lượng trong phạm vi đặc quyền kinh tế của Phi Luật Tân.

Phó trợ lý Ngoại trưởng phụ trách Đông Á tại Bộ Ngoại giao Mỹ cho rằng, việc Trung cộng tuyên bố chủ quyền gần như toàn bộ Biển Đông là bất hợp pháp. Bà nói thêm rằng “hành động khiêu khích” của Trung cộng nhằm thực hiện các yêu sách như vậy “góp phần gây bất ổn khu vực, gây thiệt hại cho nền kinh tế các quốc gia khác, phá hoại trật tự hàng hải hiện có, đe dọa quyền và lợi ích của tất cả quốc gia dựa vào hoặc hoạt động trên tuyến đường thủy quan trọng này”.

Phát biểu sau đó tại sự kiện tương tự, Ely Ratner, Trợ lý phụ trách các vấn đề an ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại Bộ Quốc phòng Mỹ, nói rằng trong nửa đầu năm đã có “hàng tá” vụ việc liên quan đến quân đội Trung cộng ở Biển Đông, vốn đang tăng mạnh trong những năm qua.

“Theo quan điểm của tôi, hành vi gây căng thẳng và vô trách nhiệm này là một trong những mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực hiện nay, bao gồm ở Biển Đông. Và nếu PLA tiếp tục hành vi này, việc xảy ra sự cố hoặc tai nạn lớn trong khu vực chỉ còn là vấn đề thời gian”, ông Ely Ratner nói và cảnh báo về Quân đội Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA).

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Triệu Lập Kiên cho biết bình luận của bà Pak là sự “đảo ngược hoàn toàn, đổi trắng thay đen” vì Trung cộng và các nước khác trong khối ASEAN cam kết duy trì hòa bình ở Biển Đông.

Ông Triệu nói tại một cuộc họp báo rằng “một số cường quốc riêng lẻ”, nhưng không nêu cụ thể nước nào, là “mối đe dọa thực sự” đối với hòa bình khu vực bằng cách cố sức duy trì “quyền bá chủ” thông qua việc xây dựng lực lượng quân sự.

Kể từ khi Tổng thống Mỹ Joe Biden nhậm chức năm ngoái, Lầu Năm Góc thường xuyên tiến hành các hoạt động tự do hàng hải trên Biển Đông, eo biển Đài Loan, thậm chí nhiều lần triển khai tàu chiến đến khu vực này bất chấp cảnh báo từ Bắc Kinh.

Mỹ nhiều lần lên tiếng phản bác các yêu sách chủ quyền phi lý của Trung cộng ở Biển Đông. Phía Mỹ tuyên bố đẩy mạnh hoạt động tự do hàng hải ở khu vực theo luật pháp quốc tế, đồng thời nhấn mạnh Bắc Kinh không có lý do gì để ngăn cản họ.

Trước đó, chính phủ nhiều nước trong khu vực như Phi Luật Tân, Australia và Malaysia cáo buộc Trung cộng có những hành vi gây hấn trên Biển Đông.

Một nguồn tin xác tín được dẫn lời của Đô đốc John Aquilino, tư lệnh Bộ Chỉ huy Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương của Mỹ (USINDOPACOM), cho biết Trung cộng dường như đã xây dựng xong kho chứa tên lửa, nhà chứa máy bay, hệ thống radar cùng các hạ tầng quân sự khác ở đá Vành Khăn, đá Subi và đá Chữ Thập, quần đảo Trường Sa thuộc chủ quyền của Việt Nam. Quan chức này nói, hiện chưa rõ liệu Trung cộng có tiếp tục ngang nhiên xây dựng các hạ tầng quân sự ở các khu vực khác trên Biển Đông hay không.

“Chức năng của các đảo đó là mở rộng khả năng tấn công của quân đội Trung cộng ra ngoài bờ biển của họ. Họ có thể triển khai máy bay chiến đấu, máy bay ném bom và các hệ thống tên lửa”, Đô đốc Aquilino nói, và cảnh báo, bất cứ máy bay dân sự nào hoạt động ở khu vực này có thể lọt vào tầm bắn của hệ thống tên lửa của Trung cộng tại đây. “Đó là lý do tại sao việc Trung cộng quân sự hóa các đảo này đáng lo ngại” – Đô đốc Aquilino nhận định.

Lynn Huỳnh

VNTB (29.07.2022)

 

 

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm quay lại Biển Đông giữa những căng thẳng về Đài Loan

Hai hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan (trước) và USS Nimitz (sau) đi cùng nhau ở Biển Đông hồi tháng 7/2020 (ảnh tư liệu). 

Một hàng không mẫu hạm Mỹ và nhóm tác chiến đi kèm vừa quay trở lại Biển Đông sau khi ghé thăm cảng ở Singapore. Nhóm tàu này triển khai ở trong khu vực có tranh chấp vào lúc căng thẳng giữa Mỹ và Trung cộng gia tăng liên quan đến khả năng Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi có thể sẽ thăm Đài Loan. 

Các quan chức thuộc Hạm đội 7 của Hải quân Hoa Kỳ xác nhận việc triển khai tàu USS Ronald Reagan đến tuyến thương mại hàng hải quan trọng, nhưng họ không bình luận khi được hỏi về những căng thẳng liên quan đến chuyến đi có thể diễn ra của bà Pelosi. 

“Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến đi cùng đang hoạt động ở Biển Đông sau cuộc ghé thăm cảng thành công ở Singapore”, Trung tá Hayley Sims cho biết trong một tuyên bố gửi đến Reuters. 

Viên sỹ quan Sims nói thêm rằng tàu Reagan “đang tiếp tục các hoạt động bình thường theo lịch trình, là một phần của cuộc tuần tra định kỳ vì một Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tự do và rộng mở”. 

Khi được đề nghị đưa ra bình luận, Bộ Ngoại giao Trung cộng nói rằng Mỹ một lần nữa “khoe cơ bắp” ở Biển Đông bằng hoạt động của tàu Reagan. 

Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung cộng Zhao Lijian (Triệu Lập Kiên) phát biểu trong một cuộc họp báo thường kỳ hôm thứ Năm 28/7 rằng: “Từ sự việc này, mọi người có thể thấy rõ ai là mới là mối đe dọa lớn nhất đối với Biển Đông cũng như hòa bình và ổn định của khu vực châu Á”. 

Tàu USS Reagan có căn cứ chính ở Nhật Bản. Tin tức về việc triển khai hàng không mẫu hạm này xuất hiện trùng vào lúc Bắc Kinh và Washington đấu khẩu ngoại giao về chuyến công du của bà Pelosi, được cho là sẽ diễn ra vào tháng tới sau khi từng bị hoãn hồi đầu năm. Bà Pelosi chưa xác nhận chắc chắn về chuyến đi. 

Bộ trưởng Quốc phòng Hoa Kỳ Lloyd Austin hôm 27/7 cho biết ông đã đàm thoại với bà Pelosi và trình bày với bà những đánh giá về an ninh, nhưng ông nói thêm rằng bất cứ bình luận gì về việc bà có thể đến thăm Đài Loan sẽ phải do văn phòng của bà đưa ra. 

Tình hình căng thẳng về đảo Đài Loan có chính quyền dân chủ dự kiến sẽ được thảo luận khi Tổng thống Mỹ Joe Biden và Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình điện đàm lần thứ năm mà có thể diễn ra sớm nhất là vào ngày 28/7.

Tin Reuters (28.07.2022)

 

 

Tại sao Campuchia nói muốn thúc đẩy COC ở Biển Đông vào lúc này?

Thủ tướng Campuchia Hun Sen tham dự Thượng đỉnh Mỹ – ASEAN ở Washington DC hôm 13/5/2022  AFP

Campuchia kêu gọi ký kết COC

Mới đây, Campuchia – nước Chủ tịch ASEAN năm nay, đồng thời là một “đồng minh thân thiết”, luôn bảo vệ cho các lợi ích của Trung cộng trong các hội nghị tại ASEAN, lại cho rằng đã đến lúc phải chuyển Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC) thành “quy tắc ứng xử” (COC) nhằm đạt được hòa bình và ổn định trong khu vực.

Trong cuộc trả lời phỏng vấn được hãng tin AKP (Hãng thông tấn quốc gia Campuchia) công bố ngày 21/7, Ngoại trưởng Campuchia Prak Sokhom cho rằng cần phải có “quy tắc ứng xử” ở Biển Đông để tránh xảy ra vi phạm và đối đầu giữa tất cả các nước liên quan, bao gồm Brunei, Trung cộng, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam (1).

DOC được ASEAN và Trung cộng ký vào tháng 11/2002, đánh dấu lần đầu tiên Trung cộng chấp nhận một thỏa thuận đa phương về vấn đề này. 

Ngoại trưởng Prak Sokhom khẳng định, trên cương vị Chủ tịch ASEAN, Campuchia cam kết giải quyết những vấn đề còn tồn đọng trong khu vực liên quan đến Biển Đông. Theo ông, năm nay đánh dấu 20 năm DOC được ký kết tại thủ đô Phnom Penh của Campuchia: “DOC này đã đủ lâu để biến thành ‘quy tắc ứng xử’ vì hòa bình và ổn định của khu vực. ‘Quy tắc ứng xử’ có thể đã được thống nhất trong những năm trước, nhưng đã bị trì hoãn vì các quốc gia đang bận rộn với cuộc chiến chống lại đại dịch COVID-19.” (2)

Campuchia có thực tâm?

Điều Ngoại trưởng Campuchia nói nghe thật nực cười, vì Campuchia – nước đã hai lần chặn các tuyên bố chung của ASEAN khi nêu ra các vấn đề bất lợi cho Trung cộng, nay lại nói về COC.

Thậm chí gần đây, sau nhiều lần phủ nhận, chính quyền Hun Sen đã chính thức thừa nhận việc quân đội Trung cộng sử dụng căn cứ hải quân Ream nằm trên Vịnh Thái Lan. 

Nhiều người đã cho rằng Campuchia đã hành động theo lệnh của Trung cộng khi nước này cản trở tuyên bố chung của ASEAN năm 2012 vì đề cập các hành động theo chủ nghĩa xét lại của Bắc Kinh ở trên biển – lần đầu tiên trong lịch sử 45 năm của ASEAN, tổ chức này đã không ra được tuyên bố chung. Xu hướng cản trở vào thời điểm quan trọng này đặt các nước ven Biển Đông của ASEAN vào thế bất lợi với Trung cộng. Bắc Kinh vốn ngay từ đầu đã tìm cách cô lập các quốc gia có yêu sách chủ quyền đối với vùng biển này trong các cuộc đàm phán song phương thay vì giao thiệp với một khối thống nhất.

Giờ đây, trong vai trò chủ tịch ASEAN lần thứ ba, Campuchia tiến tới làm phức tạp vấn đề bằng cách mở cửa cho các lực lượng Trung cộng hoạt động ngay trước cửa ngõ các quốc gia láng giềng. Mặc dù đường bờ biển ngắn của Campuchia không đem lại cho nước này khả năng tiếp cận trực tiếp với Biển Đông, nơi những đòi hỏi chủ quyền rộng lớn trên biển của Trung cộng không được công nhận theo luật pháp quốc tế và đang có tranh chấp giữa các quốc gia ven biển, nhưng vị trí của Campuchia có thể vẫn được sử dụng để hỗ trợ Hải quân Quân Giải phóng Nhân dân Trung cộng (PLA) trong các sứ mệnh của họ ở Đông Nam Á.

Mặc dù căn cứ Ream hầu như không làm thay đổi cán cân quyền lực giữa Mỹ và Trung cộng, song một điểm tựa cho hải quân Trung cộng bên trong khu vực Đông Nam Á đem lại cho Bắc Kinh lợi thế đáng kể trong việc thúc đẩy các yêu sách trên biển của Trung cộng trong khu vực. Sự hiện diện của Trung cộng gần tiền đồn của các quốc gia thành viên ASEAN ở Biển Đông – hiện được hỗ trợ bởi các căn cứ được Trung cộng xây dựng trên các bãi đá ngầm chiếm đóng trái phép ở quần đảo Trường Sa – sẽ được củng cố đáng kể bằng việc tiếp cận một cảng ven biển phát triển với các cơ sở bảo dưỡng và nguồn tiếp tế đảm bảo cho các tàu được triển khai của họ.

Mặc dù Campuchia có thể đang hành động phù hợp với lợi ích quốc gia của chính họ, điều quan trọng là phải xem những hành động của họ có thể được diễn giải như thế nào ở các quốc gia láng giềng, và tác động đối với an ninh hàng hải của khu vực có thể sẽ như thế nào nếu căn cứ này được mở cho các hoạt động của Trung cộng. Xét về bản thân ASEAN, động thái của Campuchia là một bước đi nữa trong xu hướng gây bất an. Việc nhà lãnh đạo Hun Sen xích lại gần hơn Trung cộng trong nhiều năm qua không có gì là bí mật. Gạt sang một bên những khuynh hướng độc tài của ông, Hun Sen lãnh đạo một nhà nước bị tàn phá bởi nhiều năm chiến tranh và bạo lực đòi hỏi phải có nhiều nguồn lực đầu tư và phát triển để phục hồi. Đó là lý do ông tìm kiếm sự hỗ trợ, và Bắc Kinh đã chìa tay ra. Tuy nhiên, đây là lần thứ hai Campuchia đã sử dụng năm làm chủ tịch ASEAN của mình để tiến hành một động thái đơn phương làm xói mòn lợi ích của các đối tác khu vực.

Các nhà lãnh đạo Campuchia luôn kín tiếng về việc các lực lượng Trung cộng sẽ được tiếp cận Ream như thế nào, vì vậy ở giai đoạn này, rất khó để biết được mức độ ảnh hưởng của việc này đối với các quốc gia láng giềng của Campuchia. Tuy nhiên, điều chắc chắn là Campuchia đã thiết lập một tiền lệ đáng lo ngại cho việc tạo điều kiện cho các nỗ lực của Trung cộng xâm chiếm Biển Đông. Động thái đó được Campuchia thực hiện với tư cách là Chủ tịch ASEAN có lẽ nên được các quốc gia thành viên khác của tổ chức này xem xét một cách thận trọng.

Nếu các lực lượng trên biển của Bắc Kinh tiếp cận được Ream, chính quyền Jakarta phải đề phòng sự hiện diện ngày càng mạnh mẽ của Trung cộng gần các khu vực tuyên bố chủ quyền trên biển của Indonesia ở Biển Bắc Natuna, nơi các lực lượng trên biển của Trung cộng ngăn cản một cách trắng trợn các nỗ lực thực thi pháp luật của Indonesia nhằm tuần tra khu vực này. Những thách thức tương tự có thể xảy ra ở bãi cạn Luconia do Malaysia quản lý và Bãi Tư Chính – một rạn san hô ngoài khơi bờ biển Nam Trung Bộ của Việt Nam.

Căn cứ hải quân Ream của Campuchia ở tỉnh Preah Sihanouk. Hình: AFP

Thực chất sau tuyên bố của Campuchia

Thời báo Hoàn Cầu (Trung cộng) mới đây đưa tin rằng, trong một hội nghị ngày 25/7, các quan chức Trung cộng và những nước thuộc ASEAN đã ca ngợi DOC là một văn kiện quan trọng mang tính bước ngoặt đóng vai trò to lớn trong việc duy trì hòa bình và ổn định ở Biển Đông trong 20 năm qua. Các bên đã nhất trí rằng Trung cộng và các thành viên ASEAN cần tập trung vào hợp tác, tiếp tục theo đuổi cách tiếp cận song phương trong giải quyết vấn đề Biển Đông và mong muốn sớm hoàn tất Bộ quy tắc ứng xử ở Biển Đông (COC) (3).

Tuy nhiên, Ngoại trưởng Trung cộng Vương Nghị cũng lên tiếng “nhắc nhở” các nước ASEAN chống lại sự can thiệp của các “thế lực bên ngoài” trong vấn đề tranh chấp Biển Đông. Đây là chủ trương Bắc Kinh luôn luôn đưa ra để thúc giục các nước đang có tranh chấp chủ quyền biển đảo trên Biển Đông.

Ngoại trưởng Vương Nghị đã chỉ trích một số nước lớn vì liên tục gia tăng sự can dự của họ vào khu vực Biển Đông nhằm duy trì quyền bá chủ, cố tình leo thang căng thẳng và kích động các cuộc đối đầu, đồng thời gây nguy hại cho các quyền và lợi ích hợp pháp của những quốc gia ven biển cũng như trật tự hàng hải thông thường; kêu gọi Trung cộng và các thành viên ASEAN thể hiện rõ thái độ: “Nếu bạn đến vì hòa bình và hợp tác, chúng tôi hoan nghênh bạn. Nếu bạn đến đây để gây rắc rối hoặc gây thiệt hại, xin mời rời đi!” (4)

Vương Nghị nhấn mạnh rằng Trung cộng và các thành viên ASEAN nên duy trì giới hạn chót vì hòa bình. Biển Đông không phải là một “bãi săn” cho các quốc gia bên ngoài khu vực, càng không nên trở thành một “đấu trường” cho cuộc chơi giữa các nước lớn. Cần kiên quyết phản đối bất kỳ lời nói và việc làm nào gây ra căng thẳng và kích động đối đầu trong khu vực.

Trước đó, ngày 11/7, phát biểu khi đến thủ đô Indonesia, Ngoại trưởng Vương Nghị đã thúc giục các nước ASEAN “tránh trở thành những quân cờ của các cường quốc thế giới” mà ông cáo buộc có mục đích nhằm biến đổi địa chính trị ở khu vực.

Những lời nói của ông Vương Nghị không gì khác hơn là nhắm vào quốc gia đối thủ mạnh nhất mà Trung cộng luôn e dè, đó là Hoa Kỳ.

Như vậy, tuyên bố thúc đẩy COC của Campuchia không gì khác hơn là việc quốc gia này đã “phối hợp” với Trung cộng để “diễn sâu” trong câu chuyện COC, nhưng với mục đích quan trọng là dùng COC để đẩy ảnh hưởng và vai trò của các cường quốc như Mỹ ra khỏi cuộc chơi này. 

Bill Hayton, chuyên gia về Biển Đông và Đông Nam Á tại Chatham House (Anh Quốc) trước đó đã cảnh báo: “Với việc Campuchia làm chủ tịch ASEAN vào năm 2022, lãnh đạo Trung cộng cảm nhận được cơ hội vì trong thời gian Campuchia làm chủ tịch trước đó mười năm, họ đặc biệt thân thiện với các lợi ích của Trung cộng…” (5)

Cho đến nay, sau các cuộc đàm phán, COC mới chỉ đạt được một bản dự thảo cơ bản vào năm 2019, dự kiến phải đạt được thỏa thuận cuối cùng vào cuối năm 2021, nhưng đến giờ vẫn không có. Trong khi đó, khi bị thúc giục đàm phán ký kết COC, Bắc Kinh đã hơn một lần nói sẽ ký khi tới lúc “chín muồi”, nhưng thực ra là cố tình trì hoãn để nhân cơ hội biến các bãi đá ngầm thành đảo nhân tạo và xây dựng lực lượng quân sự hùng mạnh, tân tiến.

Nguyễn Vân Anh

Tham khảo:

  1. https://theasiatoday.org/china/cambodia-calls-for-code-of-conduct-to-avoid-south-china-sea-conflict/
  2. https://theasiatoday.org/china/cambodia-calls-for-code-of-conduct-to-avoid-south-china-sea-conflict/
  3. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271383.shtml
  4. https://www.globaltimes.cn/page/202207/1271383.shtml
  5. https://www.chathamhouse.org/2022/01/new-alignments-are-looming-south-china-sea

RFA (28.07.2022)

 

 

Thái Bình Dương củng cố quan hệ quốc phòng trước một Trung cộng trỗi dậy

Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Mỹ.

Bộ trưởng quốc phòng các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương tuần này họp lại để củng cố mối quan hệ trong bối cảnh Trung cộng đang tiến hành chiến dịch mở rộng ảnh hưởng và hiện diện quân sự trong khu vực.

Đại tướng Mark Milley, Chủ tịch Hội đồng Tham mưu trưởng Liên quân Hoa Kỳ, cho biết cuộc họp của các nhà lãnh đạo quân sự trong ba ngày tại Sydney tập trung vào “toàn bộ tình hình với sự trỗi dậy của Trung cộng, một Thái Bình Dương tự do và rộng mở” và đảm bảo một vùng Ấn Độ Dương -Thái Bình Dương hòa bình và ổn định.

Các nhà lãnh đạo quân sự từ 26 quốc gia đang tham dự hội nghị, và hầu hết trong số đó là những người đứng đầu quốc phòng. Trung cộng được mời nhưng nói rằng không thể tham dự.

Trong cuộc họp báo ngày 27/7, Tướng Milley cho biết các lãnh đạo quốc phòng đã thảo luận các cuộc tập trận quân sự và về cách họ có thể hợp tác nhiều hơn và làm cho quân đội của họ có khả năng tương tác tốt hơn, bao gồm với các công nghệ tiên tiến.

Ông và Tướng Angus Campbell, Bộ trưởng Quốc phòng Úc, không đi sâu vào chi tiết. Nhưng ông Milley đã mở rộng thêm về các bình luận mà ông đưa ra vào cuối tuần trước về sự hung hăng ngày càng tăng của Trung cộng trong khu vực và nhu cầu của các quốc gia đảm bảo rằng Thái Bình Dương vẫn tự do và mở cửa cho tất cả mọi người.

Tướng Milley nói, việc Trung cộng nghênh cản máy bay của đồng minh và đối tác trong không phận quốc tế ở khu vực Thái Bình Dương đã tăng lên “gấp nhiều lần” trong 5 năm qua. Ông Milley gọi hành vi của Bắc Kinh là “đối đầu hơn nhiều” so với 5-15 năm trước.

Ông nói, hoạt động của Trung cộng “dường như ngụ ý rằng họ muốn bắt nạt hoặc thống trị, trái ngược với việc có một Thái Bình Dương tự do và rộng mở”.

Khi được hỏi liệu Mỹ có tăng cường hiện diện quân sự ở Úc hay ở các quốc gia đối tác khác hay không, ông Milley và Campbell cho biết các cuộc thảo luận đang diễn ra và chưa có quyết định nào được đưa ra. Có khoảng 2.200 thủy quân lục chiến Mỹ ở Darwin.

Trên đường đến hội nghị, ông Milley nói với các phóng viên đi cùng rằng quân đội Trung cộng đã trở nên hung hãn và nguy hiểm hơn đáng kể trong những năm gần đây.

Tổng thống Hoa Kỳ Joe Biden có kế hoạch nói chuyện với Chủ tịch Trung cộng Tập Cận Bình vào ngày 28/7, theo một quan chức Hoa Kỳ giấu tên.

Hoa Kỳ cũng đang xem xét các báo cáo rằng Chủ tịch Hạ viện Nancy Pelosi dự trù đi thăm Đài Loan – làm Trung cộng tức giận và gây ra làn sóng lo lắng trong chính quyền Biden.

Khi được hỏi về chuyến đi tiềm năng của bà Pelosi, ông Milley chỉ nói rằng thảo luận về bất kỳ chuyến đi cụ thể nào là quá sớm. Tuy nhiên, ông nói thêm, “nếu có quyết định rằng Chủ tịch Hạ viện Pelosi hoặc bất kỳ ai khác sẽ đi và yêu cầu hỗ trợ quân sự, chúng tôi sẽ làm những gì cần thiết để đảm bảo chuyến thăm của họ được tiến hành an toàn.”

Cuộc họp của lãnh đạo quốc phòng các nước khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương được tổ chức cùng lúc với cuộc tập trận hải quân quy mô Vành đai Thái Bình Dương đang diễn ra gần Hawaii. RIMPAC là cuộc tập trận hải quân lớn nhất thế giới và do Hoa Kỳ tổ chức.

Tin AP

VOA (28.07.2022)

 

 USS Ronald Reagan tiến về eo biển Đài Loan

Hàng không mẫu hạm USS Ronald Reagan

Nhóm tác chiến hàng không mẫu hạm Hoa Kỳ hướng tới Đài Loan trong bối cảnh căng thẳng về chuyến thăm khả dĩ của bà Nancy Pelosi tiếp tục gia tăng.

Hàng không mẫu hạm Mỹ USS Ronald Reagan và nhóm tác chiến, bao gồm một tàu khu trục tên lửa dẫn đường và một tàu tuần dương tên lửa dẫn đường, khởi hành từ Singapore hôm 25/7, hướng về phía Đông Bắc của Biển Đông, theo thông tin theo dõi tàu do tổ chức Sáng kiến ​​Quan sát Chiến lược Biển Đông.

Quân đội Mỹ chưa tiết lộ điểm đến cuối cùng, nhưng lộ trình sẽ đưa nhóm tàu ​​sân bay tới eo biển Đài Loan. Trong khi đó, Trung cộng cũng đang phô trương sức mạnh trên không  trong khu vực.

Bà Nancy Pelosi, Chủ tịch Hạ viện Mỹ, hiện vẫn chưa xác nhận chuyến thăm Đài Loan, nhưng nếu đến thăm, bà sẽ là chính trị gia cấp cao nhất của Mỹ đến thăm hòn đảo này kể từ năm 1997. Bắc Kinh đã cảnh báo rằng chuyến thăm “là một hành động khiêu khích nguy hiểm”.

Một phát ngôn viên của Bộ Quốc phòng Trung cộng cảnh báo rằng sẽ “thực hiện các biện pháp mạnh” nếu bà Pelosi “nhất quyết muốn đi Đài Loan”.

Giới chức Mỹ đã nói với hãng tin AP rằng nếu chuyến thăm của bà Pelosi được tiến hành, quân đội sẽ tăng cường di chuyển lực lượng và khí tài ở khu vực Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương. Họ cho biết máy bay chiến đấu, tàu, và các hệ thống quân sự khác có thể được sử dụng để cung cấp các vòng bảo vệ cho chuyến bay của bà Pelosi đến Đài Loan và khi bà đang ở hòn đảo.

Tòa Bạch Ốc nghi ngờ rằng Trung cộng sẽ có hành động phản đối bà Pelosi, không thể loại trừ việc Bắc Kinh tăng cường tuần tra ở eo biển Đài Loan – điều mà họ đã thực hiện khi một phái đoàn Quốc hội đến thăm Đài Loan vào tháng Tư – hoặc thực hiện các cuộc tập trận quanh hòn đảo.

Các hình ảnh vệ tinh gần đây cho thấy Trung cộng tăng cường triển khai sức mạnh quân sự trong khu vực, bao gồm việc mở rộng một căn cứ không quân ở Phúc Kiến, nằm bên kia eo biển từ Đài Loan.

Hình ảnh vệ tinh cho thấy hồi đầu tháng này, căn cứ không quân Longtian, nơi các chiến đấu cơ có thể đến Đài Bắc trong bảy phút, đã chật cứng các máy bay có thể là Su-27 do Nga sản xuất hoặc các biến thể của Trung cộng từ J-11 hoặc J-16, cũng như các loại drone được cải tạo từ máy bay phản lực J-6 cũ.

Đất Việt (28.07.2022)

 

 

Mỹ cam kết ‘đương đầu sự hung hăng của Trung cộng trên Biển Đông’

Tàu khu trục Úc có tên lửa được dẫn đường (trái) tham gia vào đội hàng không mẫu hạm Mỹ vào Biển Đông hồi tháng Tư năm 2020

Trước tình hình Trung cộng có hành động ngày càng bạo dạn và sẵn sàng chấp nhận rủi ro trên Biển Đông, một quan chức cấp cao Ngũ Giác Đài khẳng định quyết tâm của Washington giúp đỡ cho các nước trong khu vực đối phó với Bắc Kinh để bảo vệ trật tự dựa trên luật pháp.

Tuyên bố này được ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương, đưa ra tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7.

‘Ngày càng mạnh bạo’

Trong bài diễn văn chủ đề (keynote address) tại hội thảo, Tiến sỹ Ratner nói thẳng thừng rằng mối đe dọa đơn lẻ lớn nhất về an ninh cho khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương ‘đến từ Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa’.

“Trong những năm qua Bắc Kinh đã tăng cường nỗ lực, nhất là để khẳng định quyền kiểm soát đối với vùng biển ngoại biên và để phá hoại những yếu tố chủ chốt của trật tự dựa trên luật lệ,” ông nói. “Chúng ta đã chứng kiến Bắc Kinh kết hợp sức mạnh quân sự ngày càng tăng của họ với sự sẵn lòng chấp nhận rủi ro nhiều hơn.”

Để minh chứng, ông đã chỉ ra những sự cố liên quan đến Giải phóng quân Trung cộng (PLA) trên Biển Đông nhằm chặn tàu chiến và phi cơ của của Mỹ và của các đồng minh hoạt động trong khu vực, chẳng hạn như vụ chiến đấu cơ J-16 cắt ngang một phi cơ Úc đang có chuyến bay thường xuyên, hay một tàu hải quân Trung cộng chiếu tia laser vào tàu chiến Úc gây nguy hiểm cho các thủy thủ trên tàu, hay tiếp cận phi cơ Mỹ ở khoảng cách rất gần…

Đối với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động ‘cưỡng ép’ như đe dọa tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này hồi tháng Năm, triển khai hàng chục máy bay quân sự vào không phận của Mã Lai hay bắn vòi rồng để chặn tàu tiếp tế của Phillipines lên đường đến bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hồi năm ngoái…

“Bắc Kinh đang thử thách giới hạn lòng quyết tâm chung của chúng ta một cách có hệ thống và thúc đẩy hiện trạng mới ở Biển Đông vốn đánh thẳng vào quyết tâm của chúng ta là bảo vệ chủ quyền, tuân thủ luật pháp quốc tế và giải quyết các tranh chấp bằng biện pháp hòa bình,” ông Ratner nói.

Ông nói Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu gia tăng sự hung hăng khoảng 5 năm trước đây (tức từ năm 2017), và ông nhận định rằng ‘đó không phải là sự cố riêng lẻ hay hành động cố tình của một phi công nào đó mà là xu hướng, chính sách rõ ràng của Bắc Kinh’.

“Nếu PLA tiếp tục kiểu hành xử như thế này, thì đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi xảy ra sự cố lớn ở khu vực,” ông cảnh báo và lên án hành động của Bắc Kinh là ‘hung hăng, vô trách nhiệm’ và là ‘mối đe dọa trầm trọng cho hòa bình và ổn định khu vực’.

‘Không muốn đối đầu’

Ông nói những hành động của Trung cộng cho thấy nước này muốn xây dựng một trật tự theo ý họ là ‘cái lý trong tay kẻ mạnh’ và ‘dùng bạo lực giải quyết tranh chấp’. “Do đó, chúng tôi ở Bộ Quốc phòng cũng như trong toàn bộ chính quyền Mỹ đều ý thức về thách thức này với sự khẩn trương cao độ,” ông cho biết.

“Từ quan điểm quốc phòng, yêu cầu là chúng ta cần phải thể hiện ý chí và năng lực để làm chùn bước sự hung hăng của Trung cộng một cách đáng tin cậy,” vị quan chức này khẳng định.

Tuy nhiên, ông cũng nói rõ rằng Washington ‘không muốn đối đầu hay xung đột với Trung cộng’ mà ưu tiên trước hết của Mỹ là ‘duy trì trật tự, hòa bình của khu vực vốn trải qua hàng chục năm’ nhưng ‘sẽ sẵn sàng chiến thắng nếu xung đột xảy ra’.

“Chúng tôi đang làm việc chặt chẽ với cả đối thủ và đối tác để thiết lập những hành lang bảo vệ,” ông cho biết. “Chúng tôi cũng tích cực tìm kênh thông tin mở với Bắc Kinh và với các lãnh đạo Quốc phòng Trung cộng để đảm bảo rằng chúng tôi có thể tránh những tính toán sai.”

Ông nói trật tự quốc tế dựa trên luật pháp và giải quyết hòa bình các tranh chấp là ‘điều quan trọng cơ bản’ đối với Mỹ và đó là tầm nhìn mà Mỹ và các đồng minh trong khu vực và trên thế giới chia sẻ – tầm nhìn đó đối chọi với những gì mà Bộ trưởng Quốc phòng Trung cộng Ngụy Phượng Hòa thể hiện ở Đối thoại An ninh Shangri-La mới đây ở Singapore.

Ông đề cao nguyên tắc bảo đảm chủ quyền của các nước, bất kể nước lớn hay nước nhỏ đều có thể bảo vệ lợi ích của mình, đưa ra quyết định của mình ở một khu vực mà ‘luật lệ và các chuẩn tắc được tôn trọng hết mực’.

Mặt khác, Ely Ratner thừa nhận các nước nhỏ trong khu vực mặc dù họ lo ngại về sự ức hiếp của Bắc Kinh hay trật tự khu vực do Bắc Kinh thiết lập nhưng ‘không nước nào muốn xung đột hay đối đầu với Trung cộng hay muốn hy sinh mối quan hệ với Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa do mối quan hệ kinh tế, văn hóa và lịch sử chặt chẽ’. Điều này khác cơ bản với châu Âu nơi các nước đoàn kết đối đầu sự hung hăng của Nga trong một cấu trúc quân sự chung là NATO.

Vị quan chức quốc phòng này cho rằng Washington không tìm cách xây dựng một liên minh chống Trung cộng như mô hình NATO. “Chúng tôi không yêu cầu các nước phải chọn phe.

Chúng tôi tôn trọng quan hệ của họ với Bắc Kinh. Chúng tôi chỉ muốn làm việc với họ để nâng cao khả năng họ bảo vệ lợi ích của mình và cùng nhau xây dựng tầm nhìn chung cho khu vực,” ông nói.

Quân sự chủ động

Để làm điều này, ông Ratner nói rằng ‘củng cố năng lực phòng vệ của các nước ở Biển Đông có tầm quan trọng trước hết đối với Bộ Quốc phòng Mỹ’ và Ngũ Giác Đài đang ngày càng chủ động tìm kiếm các cách làm để thực hiện mục tiêu này.

Rút kinh nghiệm từ cuộc xung đột ở Ukraine, ông nói Mỹ không nhất thiết phải xây dựng lực lượng bằng vai phải vế với đối thủ vì ‘những nước nhỏ vẫn có thể qua mặt những kẻ xâm lược to lớn hơn thông qua đầu tư thông minh vào công nghệ phòng vệ, vũ khí chống phi cơ và các năng lực chống tiếp cận khác’.

Ông chỉ ra một lĩnh vực có tầm quan trọng đặc biệt đối với các đối tác của Mỹ trên Biển Đông là ‘chia sẻ thông tin’ mà ông cho là ‘sẽ định hình lại sân chơi Biển Đông một cách cơ bản’.

“Do đó, chúng tôi tăng cường nỗ lực xây dựng một bức tranh hoạt động chung với các đối tác để giúp họ nhận diện và đẩy lùi tốt hơn các hoạt động bất hợp pháp trong lãnh hải của họ,” ông cho biết và chỉ ra chương trình ‘Nhận dạng Vùng biển’ (Maritime Domain Awareness – tức MDA) mà Mỹ khởi động hồi tháng Năm trong khuôn khổ Bộ Tứ.

Chương trình MDA này cho phép Mỹ chia sẻ thông tin vệ tinh thời gian thực, xử lý nhanh chóng và phát tán thông tin qua các trung tâm thông tin khu vực ở Singapore, Ấn Độ Dương và các quốc đảo nam Thái Bình Dương.

Ông chỉ ra các nước trong khu vực không có năng lực MDA sẽ phải đi tuần tra vùng biển và vùng trời của họ ‘giống như xe cảnh sát đi tuần trong khu phố thay vì có thông tin trực tiếp là có tàu đánh bắt bất hợp pháp hay tàu hải cảnh bất hợp pháp đang hoạt động cùng với vị trí chính xác của nó’.

Khi công nghệ này kết hợp với trí tuệ nhân tạo thì nó sẽ ‘làm được những việc phi thường’, ông cho biết và nói thêm Mỹ sẽ trình bày về công nghệ MDA này với các đối tác trong khu vực vào tháng tới.

Bên cạnh đó, Washington cũng muốn xây dựng sự hiện diện chiến đấu chủ động đáng tin cậy trong khu vực, bao gồm tìm kiếm khu vực tiếp cận mới và cách thức hoạt động mới, trong đó xem khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương là ‘đấu trường hoạt động chính của Mỹ’.

Ông Ely Ratner cho biết Mỹ đã tăng cường mức độ phức tạp, quy mô và thời gian của các cuộc tập trận chung của Mỹ với các đối tác trong khu vực, và dẫn chứng cuộc tập trận thường niên Balikatan (tức Vai kề Vai) với Phi Luật Tân và tập trận RIMPAC với 26 nước trong năm 2022 đều được thực hiện với quy mô lớn nhất từ trước đến giờ với hàng ngàn quân nhân tham gia, và cuộc tập trận Garuda với Indonesia vào tháng tới sẽ là lần đầu tiên có thêm nhiều nước tham gia như Anh, Úc, Nhật, Canada, Mã Lai và Singapore.

“Trong khi chúng tôi củng cố vị trí của mình trong khu vực, chúng tôi sẽ không ngơi nghỉ trong cam kết sẽ tiếp tục đi vào vùng trời, vùng biển (của Biển Đông) và bất cứ nơi nào luật pháp quốc tế cho phép,” ông nhấn mạnh.

Giúp đỡ đối tác

Một trong những ưu tiên của Mỹ trong việc đối phó với Trung cộng là ‘xây dựng các liên minh và mối quan hệ đối tác có năng lực trong khu vực’. Năm đồng minh có hiệp ước với Washington trong khu vực là Thái Lan, Nhật, Hàn, Úc và Phi Luật Tân tiếp tục ‘nằm ở trung tâm cách tiếp cận của chúng tôi’, ông nói.

Đối với Phi Luật Tân, vốn ngả dần về Bắc Kinh dưới chính quyền của ông Rodrigo Duterte và vừa có chính quyền mới, ông nhấn mạnh các hiệp định về lực lượng viếng thăm (VFA) và hiệp định Tăng cường hợp tác Quốc phòng (EDCA) làm nền tảng cho hợp tác quân sự giữa hai nước.

“Để tôi lặp lại những gì mà Bộ trưởng Lloy Austin, Ngoại trưởng Anthony Blinken và các quan chức Mỹ đương nhiệm cũng như trước đây đã từng nói rằng: nếu xảy ra một cuộc tấn công vũ trang vào tàu hay máy bay của quân đội Phi Luật Tân trên Biển Đông thì nó sẽ kích hoạt cam kết phòng vệ chung trong khuôn khổ Điều 4 của Hiệp ước Phòng vệ Tương hỗ (MDT),” ông Ely Ratner khẳng định.

Ông thừa nhận những vấn đề chính trị nội bộ của Manila dưới thời ông Duterte làm xáo trộn quan hệ đồng minh giữa hai nước nhưng mối quan hệ quân sự song phương vẫn được duy trì. “Có những người thật sự ủng hộ mối quan hệ đồng minh ở Phi Luật Tân và cả ở những lãnh đạo cấp cao trong chính quyền,” ông cho biết.

Ngoài các đồng minh có hiệp ước, ông Ely Ratner chỉ ra mối quan hệ ‘ngày càng mạnh mẽ’ với các đối tác quan trọng khác trong khu vực như Singapore, Indonesia và Việt Nam.

“Chúng tôi đang tăng cường hơn nữa những nỗ lực đối phó với các hành động vùng xám (tức những hành động mơ hồ, không rõ ý định) của Bắc Kinh vốn ăn mòn những nền tảng của luật lệ và quy tắc quốc tế,” ông nói và cho biết Washington sẽ triển khai một tàu tuần duyên đến vùng biển đông nam Á và châu Đại dương để làm nhiệm vụ huấn luyện và tiếp nhận thủy thủ đoàn đa quốc gia ở khu vực.

VOA (28.07.2022)

 

 

 

 Quan chức Ngũ Giác Đài: ‘Xung đột chỉ còn là vấn đề thời gian’ nếu Trung cộng tiếp tục gây hấn trong khu vực

Theo một quan chức Ngũ Giác Đài, ĐCSTH đang thực hiện một cách có hệ thống một chiến lược trên phạm vi rộng nhằm phá hoại và cuối cùng là thay thế trật tự quốc tế dựa trên luật lệ.

Ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề An ninh Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7/2022. (Ảnh: Anna Moneymaker/Getty Images)

Tại hội thảo Biển Đông thường niên do Trung tâm Nghiên cứu Chiến lược Quốc tế (CSIS) tổ chức ở thủ đô Washington hôm 26/7, ông Ely Ratner, trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng phụ trách các vấn đề Ấn Độ – Thái Bình Dương cho biết: “Trên tất cả các chỉ số đo lường, Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương là khu vực phát triển nhanh nhất trên thế giới, đó là cơ hội to lớn cho Hoa Kỳ nhưng rõ ràng cũng đặt ra những thách thức lớn”.

Ông Ratner nói thêm: “Thách thức có hậu quả lớn nhất ở Ấn Độ Dương từ góc độ an ninh bắt nguồn từ Trung cộng”, ông Ratner nói thêm.

Ông Ratner nói rằng cánh quân của ĐCSTH, Quân đội Giải phóng Nhân dân (PLA) đã gia tăng mạnh mẽ sự gây hấn đối với các đối tác của Hoa Kỳ ở Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương trong 5 năm qua.

Ông nói, hành động gây hấn đó là một phần của “cách tiếp cận chiến lược thống nhất” rộng lớn hơn, nhằm “giải giáp cấu trúc các yếu tố cốt lõi của trật tự dựa trên quy tắc”.

Ông nói, ĐCSTH đang sử dụng PLA để “kiểm tra một cách có hệ thống các giới hạn của quyết tâm tập thể của chúng ta” và “thúc đẩy một hiện trạng mới”.

Ông Ratner đã trích dẫn sự gia tăng mạnh mẽ trong việc PLA chặn các phương tiện giao thông của các quốc gia khác không an toàn bắt đầu từ khoảng 5 năm trước. Ông cho biết, vào thời điểm đó, số lượng các cuộc diễn tập không an toàn và hung hãn do PLA tiến hành đã tăng lên theo “cấp độ lớn” mỗi năm.

Ông nói Bắc Kinh chỉ mới bắt đầu gia tăng sự hung hăng khoảng 5 năm trước đây (tức từ năm 2017). Ông nhận định rằng ‘đó không phải là sự cố đơn lẻ hay hành động cố ý của một quốc gia nào đó mà là xu hướng, chính sách rõ ràng của Bắc Kinh’.

Ông Ratner nói: “Chúng tôi thấy Bắc Kinh đang kết hợp sức mạnh quân sự ngày càng tăng của mình với sự sẵn sàng chấp nhận rủi ro hơn”.

Để minh chứng, ông đã chỉ ra những sự cố liên quan đến Giải phóng quân Trung cộng (PLA) trên Biển Đông nhằm chặn tàu chiến và máy bay của của Mỹ và của các đồng minh hoạt động trong khu vực, chẳng hạn như vụ chiến đấu cơ J-16 cắt ngang một máy bay Úc và phóng đạn vào động cơ của chiếc máy bay Úc. Phi hành đoàn Úc không bị thương nhưng buộc phải hạ cánh khẩn cấp và chấm dứt nhiệm vụ.

Một sự kiện khác là một tàu hải quân Trung cộng chiếu tia laser vào tàu chiến Úc gây nguy hiểm cho các thủy thủ trên tàu, hay tiếp cận phi cơ Mỹ ở khoảng cách rất gần…

Các vụ việc tương tự cũng được ghi nhận giữa Trung cộng và Canada. Trong mỗi trường hợp, các máy bay của đồng minh đều ở trên vùng biển quốc tế và thực hiện các sứ mệnh thay mặt Liên Hợp Quốc. Những sứ mệnh đó đáng chú ý nhất bao gồm một cuộc điều tra về các báo cáo rằng Trung cộng đã vi phạm bất hợp pháp các lệnh trừng phạt bằng cách cung cấp dầu cho Triều Tiên thông qua chuyển tàu trên biển.

Ông Ratner nói: “Tôi muốn nói rõ rằng đây không phải là những sự cố cá biệt. “Trong 5 năm qua, số vụ đánh chặn không an toàn của PLA bao gồm các đồng minh và đối tác của Mỹ… đã tăng lên đáng kể”.

“Hành vi hung hăng và vô trách nhiệm này thể hiện một trong những mối đe dọa đáng kể nhất đối với hòa bình và ổn định trong khu vực hiện nay”.

Ông Ratner nói thêm rằng hành động gây hấn của ĐCSTH còn kéo dài đến việc nhiều lần vi phạm chủ quyền của các quốc gia khác, bao gồm cả việc sử dụng PLA để rình rập và quấy rối các phương tiện trong vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia đó.

Đối với các nước có tranh chấp trên Biển Đông, Bắc Kinh tiếp tục có những hành động ‘cưỡng ép’ như đe dọa tàu thăm dò dầu khí của Việt Nam hoạt động trong vùng đặc quyền kinh tế của nước này hồi tháng Năm, triển khai hàng chục máy bay quân sự vào không phận của Mã Lai hay bắn vòi rồng để chặn tàu tiếp tế của Phillipines lên đường đến bãi Second Thomas Shoal (bãi Cỏ Mây) hồi năm ngoái…

“Nếu PLA tiếp tục kiểu hành xử như thế này, thì đó chỉ là vấn đề thời gian trước khi xảy ra sự cố lớn ở khu vực”, ông cảnh báo và lên án hành động của Bắc Kinh là ‘hung hăng, vô trách nhiệm’ và là ‘mối đe dọa trầm trọng cho hòa bình và ổn định khu vực’.

Huyền Anh

Theo The Epoch Times

NTDVN (28.07.2022)

 

 

Vương Nghị: ‘Biển Đông không phải là đấu trường sinh tử của cường quốc’

Hàng không mẫu hạm Liêu Ninh của Trung cộng được tháp tùng bởi các khinh hạm và tàu ngầm trong cuộc tập trận ở Biển Đông

Ngoại trưởng Trung cộng kêu gọi các nước Đông Nam Á chống lại sự can dự của ‘một số cường quốc bên ngoài’ vào các tranh chấp khu vực, ám chỉ CSVN liệu hồn, không được “dây dưa” với chiến hạm Mỹ ở Biển Đông.

Bắc Kinh khẳng định Biển Đông không phải là “đấu trường sinh tử” cho các trò chơi cường quốc và kêu gọi các nước Đông Nam Á cùng chống lại sự can dự của các cường quốc bên ngoài vào các tranh chấp.

Vương Nghị hôm 25/7 cho biết các vấn đề ở Biển Đông phải được các quốc gia trong khu vực xử lý đúng mức, không phải là “nơi kiếm chác” cho các quốc gia bên ngoài, ám chỉ Mỹ.

Ông Vương đưa ra bình luận trong cuộc họp video nhân 20 năm ngày ký Tuyên bố về ứng xử của các bên ở Biển Đông (DOC), một bản hướng dẫn về việc xử lý tranh chấp ở Biển Đông.

Ông Vương cáo buộc “một số cường quốc bên ngoài” đã “cố tình mở rộng xung đột và kích động căng thẳng, gây nguy hại đến quyền và lợi ích hợp pháp của các nước ven biển và trật tự bình thường của biển”.

“Vì vậy, Trung cộng và các nước ASEAN nên làm rõ lập trường: Nếu quý vị đến vì hòa bình và hợp tác, chúng tôi hoan nghênh. Nếu quý vị đến để gây rối và phá hủy, xin vui lòng rời đi!” Vương nói.

Nhận xét của ông Vương được đưa ra trong bối cảnh Biển Đông chứng kiến các hành động gây hấn của Trung cộng tại khu vực này.

Vài ngày trước, Mẫu Hạm USS Ronald Reagan chuyển hướng thăm Singapore thay vì Việt Nam, được cho là do Hà Nội không dám đón mẫu hạm này vì chịu sức ép của Trung cộng.

Bắc Kinh tuyên bố chủ quyền với hầu hết các vùng biển, trong khi Đài Bắc và các thành viên ASEAN như Brunei, Mã Lai, Phi Luật Tân và Việt Nam đều có tuyên bố chủ quyền chồng lấn.

Trung cộng đại lục đã tăng cường đáng kể quyền kiểm soát của mình đối với khu vực trong hai thập kỷ qua bất chấp phán quyết của tòa án quốc tế chống lại nó.

Đất Việt (25.07.2022)