Seite auswählen

Brahma Chellaney

Giống như các cường quốc đế quốc châu Âu từng sử dụng ngoại giao pháo hạm, Trung Quốc đang sử dụng các khoản nợ chính phủ để khuất phục các nước khác theo ý muốn của mình. Như việc Sri Lanka giao hải cảng chiến lược Hambantota cho thấy những nước bị vướng vào sự lệ thuộc nợ nần với đế quốc khổng lồ mới có nguy cơ mất cả tài nguyên thiên nhiên lẫn chủ quyền thực sự của mình.

BERLIN – Tháng này [tháng 12/2017], khi không thể trả được khoản nợ nặng nề mà họ đã vay từ Trung Quốc, Sri Lanka đã chính thức giao hải cảng chiến lược Hambantota của mình cho nước khổng lồ châu Á. Đây là một sự thâu tóm lớn trong Sáng kiến ​​vành đai và con đường (BRI) của Trung Quốc – mà Chủ tịch Tập Cận Bình gọi là “dự án của thế kỷ” – và là bằng chứng về mức độ hiệu quả của chính sách ngoại giao bẫy nợ của Trung Quốc.

Không giống các khoản vay từ Quỹ Tiền tệ Quốc tế và Ngân hàng Thế giới, các khoản vay của Trung Quốc được thế chấp bằng các tài nguyên thiên nhiên có tầm quan trọng chiến lược với giá trị cao mang tính lâu dài (ngay cả khi các tài nguyên đó không có giá trị thương mại trong ngắn hạn). Hambantota, ví dụ, nằm giữa các tuyến đường thương mại ở Ấn Độ Dương nối châu Âu, châu Phi và Trung Đông với châu Á. Để đổi lấy các khoản tài trợ và xây dựng cơ sở hạ tầng mà các nước nghèo hơn đang cần, Trung Quốc đòi hỏi được tiếp cận các tài nguyên thiên nhiên của họ, từ tài nguyên khoáng sản đến hải cảng, một cách thuận lợi.

Để củng cố thêm vị thế của mình, Trung Quốc đã khuyến khích các công ty của họ đấu thầu mua trọn gói các hải cảng chiến lược nếu có thể. Hải cảng Piraeus ở Địa Trung Hải, mà một công ty Trung Quốc đã mua lại từ nước Hy Lạp thiếu tiền trả nợ hồi năm ngoái với giá 436 triệu US$, sẽ được sử dụng như là “đầu rồng” của sáng kiến BRI ở châu Âu.Hơn nữa, như kinh nghiệm của Sri Lanka minh họa một cách rõ ràng, các khoản tài trợ của Trung Quốc có thể trói buộc các nước “đối tác” của mình. Thay vì cung cấp viện trợ hoặc cho vay ưu đãi, Trung Quốc cung cấp những khoản vay khổng lồ gắn với dự án theo lãi suất thị trường, thiếu tính minh bạch, và tất nhiên là không có đánh giá tác động lên môi trường hoặc xã hội. Như Ngoại trưởng Mỹ Rex Tillerson đã nói gần đây, với sáng kiến BRI, Trung Quốc đang nhắm đến việc xác định “các quy tắc và chuẩn mực riêng của họ”.

Qua cách thực thi sức mạnh tài chính theo cách này, Trung Quốc tìm cách giết hai con chim bằng một mũi tên.

Thứ nhất, họ muốn giải quyết tình trạng dư thừa công suất trong nước bằng cách đẩy mạnh xuất khẩu. Thứ hai, họ hy vọng sẽ gia tăng các lợi ích chiến lược của mình, trong đó có việc mở rộng ảnh hưởng ngoại giao, bảo đảm các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thúc đẩy quốc tế sử dụng đồng tiền của mình và giành một lợi thế tương đối so với các cường quốc khác.

Cách tiếp cận theo kiểu trấn lột của Trung Quốc – và sự hả hê của họ trước việc có được hải cảng Hambantota – là điều mỉa mai, để nói một cách nhẹ nhàng. Trong mối quan hệ với các nước nhỏ hơn như Sri Lanka, Trung Quốc đang sao chép những biện pháp được sử dụng chống lại họ trong thời kỳ là tô giới của châu Âu, bắt đầu với cuộc Chiến tranh Nha phiến năm 1839-1860 và kết thúc với sự nắm quyền của cộng sản vào năm 1949 – thời kỳ mà Trung Quốc gọi một cách cay đắng là “thế kỷ nhục nhã”.

Trung Quốc đã miêu tả việc giành lại chủ quyền đối với Hồng Kông vào năm 1997, sau hơn một thế kỷ cai trị của nước Anh, như là một sự uốn nắn lại sự bất công lịch sử. Tuy nhiên, như hải cảng Hambantota cho thấy, Trung Quốc đang thiết lập chính những dàn xếp theo kiểu thực dân mới ở Hồng Kông. Rõ ràng lời hứa của Tập Cận Bình về “công cuộc trẻ hóa vĩ đại của dân tộc Trung Quốc” là điều không thể tách khỏi sự xói mòn chủ quyền của các nước nhỏ hơn.

Giống như các cường quốc đế quốc châu Âu từng sử dụng ngoại giao pháo hạm để mở cửa các thị trường mới và các tiền đồn thuộc địa, Trung Quốc sử dụng các khoản nợ chính phủ để khuất phục các nước khác theo ý muốn của mình, mà không phải bắn một phát súng nào. Giống như thuốc phiện mà người Anh từng xuất khẩu sang Trung Quốc, các khoản vay dễ dãi của Trung Quốc cũng là chất gây nghiện. Và, do Trung Quốc chọn các dự án theo giá trị chiến lược dài hạn của họ, nên những khoản lợi nhuận ngắn hạn mà các dự án này có thể mang lại không đủ để các nước trả nợ. Điều này cho phép Trung Quốc có thêm đòn bẩy, mà họ có thể sử dụng, ví dụ, để buộc các nước vay tiền phải hoán đổi nợ bằng tài sản, qua đó mở rộng dấu chân của Trung Quốc ra toàn cầu bằng cách làm cho ngày càng có nhiều nước sập bẫy nợ nần và quy phục Trung Quốc.

Thậm chí các điều khoản của hợp đồng thuê hải cảng Hambantota trong 99 năm cũng là bản sao những điều khoản được sử dụng để buộc Trung Quốc cho các cường quốc thuộc địa phương Tây thuê các hải cảng của chính mình. Vào năm 1898, nước Anh thuê vùng Lãnh thổ mới từ Trung Quốc trong 99 năm, làm cho vùng đất Hồng Kông mở rộng ra thêm 90%. Tuy nhiên, thời hạn 99 năm được ấn định chỉ nhằm mục đích giúp triều đại Nhà Thanh của Trung Quốc không mất mặt; thực tế là tất cả các vụ thâu tóm đều được coi là mang tính vĩnh viễn.

Hiện nay, Trung Quốc đang áp dụng khái niệm cho thuê 99 năm như khi đế quốc thuê các vùng đất xa xôi. Thỏa thuận cho Trung Quốc thuê hải cảng Hambantota, được ký kết vào mùa hè năm nay [2017], có lời hứa rằng Trung Quốc sẽ cắt 1,1 tỷ US$ tiền nợ của Sri Lanka. Năm 2015, một công ty Trung Quốc đã ký hợp đồng thuê trong 99 năm cảng nước sâu Darwin của Úc – nơi có hơn 1.000 thủy quân lục chiến Mỹ – với giá 388 triệu US$.

Tương tự như vậy, sau khi cho Djibouti, đang bị mắc nợ nặng nề, vay hàng tỷ US$, Trung Quốc đã thiết lập căn cứ quân sự đầu tiên của họ ở hải ngoại trong năm nay [2017] ở đất nước nhỏ bé này nhưng có vị trí chiến lược, chỉ cách một căn cứ hải quân của Hoa Kỳ có vài cây số – cơ sở quân sự thường trực duy nhất của Mỹ ở châu Phi. Bị sập bẫy trong một cuộc khủng hoảng nợ, Djibouti không có lựa chọn nào khác ngoài việc cho Trung Quốc thuê đất với giá 20 triệu US$ mỗi năm. Trung Quốc cũng đã sử dụng đòn bẩy của mình đối với Turkmenistan để đảm bảo đường ống dẫn khí tự nhiên, chủ yếu theo các điều khoản của Trung Quốc.

Nhiều quốc gia khác, từ Argentina đến Namibia và Lào, đều bị sập bẫy nợ của Trung Quốc, buộc họ phải đối mặt với những lựa chọn đau đớn nhằm ngăn chặn tình trạng vỡ nợ. Khoản nợ khủng khiếp của Kenya đối với Trung Quốc đang đe dọa biến hải cảng nhộn nhịp Mombasa – cửa ngõ vào Đông Phi – thành một Hambantota khác.

Những kinh nghiệm này nên được coi là một lời cảnh báo rằng sáng kiến BRI về bản chất là một dự án mang tính đế quốc nhằm khai hoa kết trái huyền thoại Vương quốc Trung tâm. Những nước bị sập bẫy nợ của Trung Quốc có nguy cơ mất cả các tài nguyên thiên nhiên quý giá nhất lẫn chủ quyền thực sự của họ. Chiếc găng tay nhung của đế quốc mới khổng lồ che giấu một nắm đấm sắt – nắm đấm với sức mạnh vắt kiệt sức sống của những nước nhỏ hơn.

Brahma Chellaney, giáo sư về nghiên cứu chiến lược tại Trung tâm Nghiên cứu Chính sách có trụ sở tại New Delhi và là nghiên cứu viên của Học viện Robert Bosch ở Berlin, là tác giả của chín cuốn sách, trong đó có “Asian Juggernaut [Juggernaut (vị thần tàn phá) của Châu Á]”, “Water: Asia’s New Battleground [Nguồn nước: Chiến trường Mới của Châu Á]” và “Water, Peace, and War: Confronting the Global Water Crisis [Nguồn nước, Hòa bình và Chiến tranh: Đối đầu với cuộc Khủng hoảng Nguồn nước Toàn cầu].”

Huỳnh Thiện Quốc Việt dịch

Nguồn: China’s Creditor Imperialism, Project Syndicate, Dec 20, 2017, Phân tích kinh tế