Seite auswählen

Tự do báo chí : Việt Nam tụt 4 hạng trong nhóm cuối bảng, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên

03/05/2023

RFI

 Nhân ngày Tự Do Báo Chí 03/05/2023, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới (RFS) công bố bảng xếp hạng hàng năm về điều kiện hành nghề báo của 180 nước trên thế giới. Việt Nam đứng thứ 178, chỉ trước Trung Quốc và Bắc Triều Tiên. Theo RFS, ở châu Á, hoạt động báo chí bị cản trở nhiều nhất tại các nước độc đảng.

Bản đồ xếp hạng tự do báo chí tại 180 quốc gia trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới thực hiện 

Bản đồ xếp hạng tự do báo chí tại 180 quốc gia trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới thực hiện © Phóng viên không biên giới (Reporters Sans Frontiers)

QUẢNG CÁO

Theo bảng đánh giá Chỉ số Tự do Báo chí Thế Giới lần thứ 21 công bố ngày hôm nay, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới, trụ sở tại Paris, Pháp, xếp các nước Bắc Âu đứng đầu bảng, cụ thể là Na Uy (1), Irland (2), hay Đan Mạch (3). Về phía cuối bảng, bộ tam các nước châu Á là Việt Nam (178) vì đã truy quyét, săn lùng các nhà báo, nhà bình luận hoạt động độc lập, Trung Quốc (179) nơi được coi là nhà tù lớn nhất thế giới giam giữ nhà báo và cuối bảng là Bắc Triều Tiên (thứ 180).

Về bảng xếp hạng này, RFI Tiếng Việt đã phỏng vấn ông Daniel Bastard, phụ trách về khu vực châu Á-Thái Bình Dương tại tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới.

RFI xin cảm ơn ông Daniel Bastard đã dành thời gian trả lời phỏng vấn và tham gia tạp chí xã hội tuần này. Trước tiên, ông đánh giá như thế nào về thứ hạng tự do báo chí của Việt Nam, thứ 178, tức là tụt 4 hạng so với năm 2022 ?    

Daniel Bastard  : Chưa bao giờ Việt Nam được đánh giá thấp như vậy, chỉ đứng trước Trung Quốc, Bắc Triều Tiên, và đứng ngay sau Iran và Miến Điện. Phải nói rằng tình hình tại Iran vào năm ngoái, với phong trào phản kháng của quần chúng, trên thực tế đã cho phép tạo ra các cuộc tranh luận trong xã hội Iran cũng như thúc đẩy sự loan truyền thông tin. Tương tự tại Miến Điện, mặc dù chính quyền đã có nhiều hành động bạo lực với các nhà báo và phương tiện truyền thông, nhưng xã hội dân sự vẫn khá năng động và vẫn có thể tự do đăng tải thông tin trên mạng xã hội. Thêm vào đó là cỗ máy đàn áp tại Iran và Miến Điện không hiệu quả như ở Việt Nam

Tại Việt Nam, dù là công an, hay cơ quan tuyên truyền của Đảng, cả hai định chế kiểm duyệt này đều hoàn thành nhiệm vụ của mình. Chính quyền gia tăng kìm kẹp thông tin. Trong khi đó, ở Miến Điện, có nhiều khu vực đã thoát khỏi sự kiểm soát của quân đội cầm quyền, nhiều nơi có những tờ báo tự do, hay những tờ rơi truyền tải thông tin. Tất cả mọi người có thể trao đổi thông tin trên mạng xã hội. Đó là lý do tại sao Việt Nam đứng sau những nước, nghịch lý mà nói, có hành động bạo lực hơn với nhà báo, nhưng trên thực tế lại vẫn có những nhà báo tự do hoạt động còn ở Việt Nam thì khá phức tạp. Phải nói rằng, tôi đã khá ngạc nhiên khi Việt Nam đứng sau Miến Điện. Chính quyền Hà Nội đã dập tắt mọi cuộc tranh luận trong xã hội dân sự. Có những người muốn tham gia làm báo, hoặc viết blog, đã được đào tạo trong lĩnh vực đó, nhưng họ bị kìm kẹp và đột nhiên không còn dám bày tỏ ý kiến. Vì vậy, có một nỗi sợ hãi về tự do ngôn luận đã hình thành ở Việt Nam.

Bảng biểu xếp hạng tình hình tự do báo chí theo khu vực trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố ngày 03/05/2023. 

Bảng biểu xếp hạng tình hình tự do báo chí theo khu vực trên thế giới, do tổ chức Phóng viên Không biên giới công bố ngày 03/05/2023. © RSF

 

Về tình hình ở châu Á Thái Bình Dương, tổ chức Phóng Viên Không Biên Giới nêu ra tình hình ở các nước độc đảng, nơi mà các lãnh đạo siết chặt kiểm soát trong các diễn ngôn công cộng. Tình hình này được thể hiện ở Việt Nam ra sao ?  

Daniel Bastard  :Theo tôi, tự do báo chí chủ yếu liên quan đến quyền lực của tổng bí thư Đảng Nguyễn Phú Trọng. Ông Trọng đã tái đắc cử lần thứ 3, tiếp tục giữ vị trí này. Phải nói rằng ông ấy đã “quét dọn” ngay trong nội bộ Đảng, mà trước kia vẫn có những cuộc tranh luận.

Hành động của ông Nguyễn Phú Trọng cũng tương tự như những gì mà ông Tập Cận Bình đã làm. Ông ấy đã loại bỏ tất cả những bên đối lập hoặc tranh luận trong nội bộ Đảng, trong khi trước kia, từ 1975, trong Bộ Chính Trị của chính quyền Bắc Việt, vẫn được phép tranh luận, bày tỏ ý kiến đối lập và những cuộc tranh luận này được thể hiện trong các báo chính thống. Nhưng hiện giờ thì không còn như vậy nữa, báo chính thống hiện giờ tuân theo đường lối, một lãnh đạo, một Đảng một Nhà nước. Trong khi cách nay 5 năm, một số cơ quan báo chí, nhất là về luật pháp, vẫn có những cuộc tranh luận khá thú vị, nêu ra những vấn đề xã hội ở Việt Nam, còn bây giờ thì tất cả đã bị dập tắt. Chúng ta có thể thấy sức mạnh của ông Trọng vào năm ngoái khi nhiều lãnh đạo cấp cao bị thay thế, trong đó có cả chủ tịch nước Nguyễn Xuân Phúc.

Một điểm khác nữa trong đường lối của ông Nguyễn Phú Trọng, đó là làn sóng bắt giữ các nhà báo độc lập vào những năm gần đây. Nhiều blogger đã bị bắt giữ, mặc dù họ là những nhân vật lịch sử, có một vị trí nào đó trong Đảng hoặc trong quân đội, là những người từng rất được tôn trọng trong Đảng. Có những người từng là tướng lĩnh mà trước năm 1975, bị bắt giữ chỉ vì chỉ trích, đặt vấn đề, nghi ngờ đường lối của tổng bí thư, như trường hợp của ông Phạm Chí Thành (được trao Huy Chương kháng chiến hạng Nhì của Hội đồng Bộ trưởng – nay là Chính phủ – nước Cộng hòa Xã hội Chủ nghĩa Việt Nam, năm 1990).

Chúng ta có thể thấy rằng đường lối của ông Trọng đó là loại trừ tất cả những người bị cho là đối lập và cả những người chỉ muốn duy trì các cuộc tranh luận trong Đảng.   

Theo báo cáo của RSF, Việt Nam là một trong những nhà tù lớn nhất thế giới, ông có thể giải thích rõ hơn ?  

Daniel Bastard  :Hiện tại, 43 nhà báo hoặc blogger đang bị giam giữ trong tù tại Việt Nam. Điều này khiến Việt Nam trở thành 1 trong 4 nhà tù giam nhà báo lớn nhất thế giới, đứng sau Trung Quốc, Miến Điện và Iran. Đây cũng là lý do giải thích tại sao tự do báo chí ở Việt Nam lại bị xếp hạng thấp đến vậy. Song song với đó là những án tù rất nặng, tòa cũng rất nghiêm khắc đối với nhà báo. Chúng tôi đã ghi nhận những án tù rất nặng đối với cánh nhà báo và blogger. Cách nay 10 năm, một bloger bị bắt vì tội “tuyên truyền chống Nhà nước”, hoặc những tội danh tương tự được ghi trong Luật Hình Sự, thường là mơ hồ, được sử dụng để đàn áp tự do ngôn luận, thường chỉ lãnh án 2 hoặc 3 năm tù giam. Nhưng nay, họ có thể phải lãnh 9 đến 10, thậm chí là 15 năm.

Gần đây nhất, một nhà báo tự do Đường Văn Thái, vốn xin tị nạn ở Thái Lan, đã bị bắt giữ, ông đánh giá thế nào về trường hợp này ?  

Daniel Bastard  :Theo tôi, trường hợp của Đường Văn Thái là một hiện tượng cho thấy Việt Nam hoàn toàn coi thường những vấn đề liên quan đến luật pháp và chủ quyền. Bởi vì ông Thái đã xin tị nạn ở Thái Lan nhưng lại bị phía Việt Nam bắt đi. Trước tiên, điều này đặt ra câu hỏi về sự tiếp tay hay thụ động của một số quan chức Thái Lan. Đây cũng không phải là lần đầu tiên nhà báo Trung Quốc hay Việt Nam bị bắt trên lãnh thổ Thái Lan. Một vấn đề khác trong trường hợp của ông Đường Văn Thái đó là ông “chính thức” bị bắt vì đã đi vào lãnh thổ Việt Nam từ Lào, nhưng điều này là hoàn toàn vô lý. Chúng tôi thấy rằng cơ quan tuyên truyền của Việt Nam không hề có tính sáng tạo, hoặc là quá sáng tạo khi đưa ra thông tin này, có vẻ như Việt Nam muốn che đậy dấu vết của vụ bắt giữ khi đưa ra thông tin không đúng sự thật như vậy. Một điều đáng quan ngại khác đó là ông Đường Văn Thái đã bị câu lưu trong 9 ngày, nhưng cho đến nay chưa có tin tức gì mới. Thông thường, trong Luật Hình Sự Việt Nam, sau 9 ngày giam giữ sẽ hoặc là thả người, hoặc là buộc tội hay truy tố. Nhưng chúng tôi không có bất cứ thông tin gì về ông ấy cả. Công an Việt Nam vi phạm luật pháp Việt Nam. Điều này thể hiện một chút về sự độc đoán hiện đang ngự trị trong chính quyền Việt Nam.

Trái ngược với Trung Quốc, nơi mà các mạng xã hội của phương Tây như Twitter, Facebook, Instagram bị cấm, hàng triệu người dân Việt Nam vẫn có quyền truy cập vào các ứng dụng này. Tuy nhiên vào năm 2018, Luật An ninh mạng được Quốc Hội Việt Nam thông qua, nhiều chuyên gia cũng như các tổ chức nhân quyền, phi chính phủ, như RSF đã mạnh mẽ phản đối. Vậy theo ông, cho đến nay, liệu mạng xã hội có còn là nơi tranh luận, bày tỏ ý kiến tự do của người dân ?    

Daniel Bastard  : Tôi nghĩ rằng mạng xã hội, blog, hay hiện giờ là Tiktok, vẫn là nền tảng tranh luận tự do ở Việt Nam. Nhiều người đã thấy rằng các tờ báo chính thống không đáng tin hoặc đưa những tin bị kiểm duyệt và do vậy họ không quan tâm đến các tờ báo này nữa vì họ biết rằng nhiều thông tin được truyền tải bởi các cơ quan báo chí, thường là những lời bịa đặt hoặc những sự thật bị cải biên.

Internet nói chung và mạng xã hội thường là những không gian tự do ít khi có được trong các chế độ độc đảng độc tài khác. Tại Việt Nam, các trang blog vẫn khá năng động, là những nơi có các cuộc tranh luận, ngăn cản sự tuyên truyền một chiều từ đảng Cộng Sản, áp đặt tư tưởng và cho phép công dân có thể có những thông tin khác, gần với tiêu chuẩn thông tin báo chí.

 

‘Tự do báo chí là huyết mạch của nhân quyền’


Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken phát biểu tại trụ sở tờ Washington Post ở thủ đô nước Mỹ nhân Ngày Tự do Báo chí Thế giới 3/5/2023.

Tự do báo chí đang bị đe dọa hơn bao giờ hết, nhưng vẫn có lý do để hy vọng, các nhà báo tuyên bố tại một sự kiện hôm 3/5 kỷ niệm 30 năm Ngày Tự do Báo chí Thế giới.

Các phóng viên, chuyên gia về tự do báo chí và Ngoại trưởng Hoa Kỳ Antony Blinken tập trung tại trụ sở tờ Washington Post ở thủ đô nước Mỹ để thảo luận về những thách thức và mối đe dọa cấp bách nhất mà các nhà báo trên khắp thế giới phải đối mặt, từ việc bắt giữ và đưa thông tin sai lệch đến hành hung và xét xử.

Việc Nga bắt giữ phóng viên Evan Gershkovich của tờ Wall Street Journal của Mỹ vào tháng rồi với cáo buộc gián điệp vô căn cứ đã bị lên án mạnh mẽ tại sự kiện hôm nay.

Ông Blinken nói: “Chúng tôi biết rằng các nhà báo trên khắp thế giới đang ngày càng bị bao vây.” “Điều đó giờ đây một lần nữa được thể hiện rất mạnh mẽ trong việc ông Evan bị bắt và giam giữ ở Moscow.”

Ông Blinken nói: “Chúng ta thấy một nước như Nga, giống như một số quốc gia khác, đang giam giữ người dân một cách sai trái, sử dụng họ như những con tốt chính trị, sử dụng họ làm đòn bẩy trong một hành vi hoàn toàn không thể chấp nhận được”.

Vào năm 2022, ít nhất 363 phóng viên đã bị giam giữ vì tác nghiệp, đánh dấu mức cao mới trên toàn cầu và tăng 20% so với năm 2021, theo Ủy ban Bảo vệ Nhà báo.

Đoạn trao đổi giữa Ngoại trưởng Mỹ và nhà báo David Ignatius của tờ Washington Post đã bị gián đoạn một lúc khi một số người biểu tình xông lên sân khấu kêu gọi trả tự do cho ông Julian Assange, người sáng lập WikiLeaks đang bị bỏ tù, người mà Hoa Kỳ cáo buộc là gián điệp vì đã tiết lộ các tài liệu quân sự của Mỹ.

Ông Paul Beckett, trưởng văn phòng tại Washington của tờ Wall Street Journal, cho biết ông Evan “trở lại Nga trong nghĩa vụ báo chí để đưa tin về một đất nước là một phần trong con người của ông nhưng đất nước ấy cần nhiều lời giải thích cho khán giả quốc tế.”

“Có một số phóng viên nước ngoài hoạt động trong vòng các tòa đại sứ, giới ngoại giao và chính phủ. Và có một số người hoạt động tại chỗ,” ông Beckett nói. “Và ông ấy rất, rất giống một phóng viên thực địa.”

Trong một đoạn hội thảo khác, nhiều nhà báo đã thảo luận về sự quấy rối, trả thù và thời gian ngồi tù mà cá nhân họ đã trải qua do công việc của mình.

Bà Adefemi Akinsanya, phóng viên quốc tế của Arise News ở Nigeria, nhớ lại cảnh sát đã hành hung bà như thế nào vào năm 2021 khi bà đang tường trình lễ tưởng niệm một năm ngày giết hại những người biểu tình ở thành phố Lagos.

“Tôi đã bảo vệ bản thân mình. Tôi đã bảo vệ các thành viên trong nhóm của tôi. Tôi đã bảo vệ thiết bị của chúng tôi. Nhưng tôi vô tình nghĩ rằng tôi cũng đang bảo vệ tự do báo chí,” bà Akinsanya nói.

Ông Danny Fenster, một nhà báo người Mỹ bị bắt ở Myanmar vào tháng 5 năm 2021, nói rằng việc bắt giữ ông có thể nhằm mục đích đe dọa các nhà báo khác và ngăn họ đưa tin về tình hình hậu đảo chính ở nước này.

Vào thời điểm đó, ông đang là quản lý của tạp chí tin tức tiếng Anh Frontier Myanmar.

“Tôi nghĩ họ đã thấy rằng họ có thể gửi một tuyên bố tới các nhà báo quốc tế – ‘Đừng đến đây, đừng chú ý đến chuyện này’,” ông Fenster nói. “Họ cần gửi một thông điệp, thậm chí mạnh mẽ hơn, tới cộng đồng quốc tế.”

Ông Fenster được thả vào tháng 11 năm 2021.

Ông Clayton Weimers, giám đốc điều hành văn phòng tại Hoa Kỳ của Tổ chức Phóng viên Không Biên giới (RSF), thống kê số lượng nhà báo bị giam giữ và bị bắt cao nhất vào năm ngoái kể từ khi tổ chức tự do báo chí này bắt đầu lập thống kê.

Nhưng “không phải tất cả đều là sự diệt vong và u ám,” ông Weimers nói. “Chúng ta luôn luôn tiến bộ.”

Đôi khi tiến bộ đó chậm chạp. Ví dụ, Nigeria hiện được xếp hạng 123 trên thế giới về tự do báo chí. Năm ngoái nước này được xếp hạng 129.

“Điều đó được hoan nghênh, bởi vì nếu ngược lại thì chúng ta sẽ không hài lòng,” bà Akinsanya nói. Nhưng Nigeria vẫn còn một chặng đường dài phía trước, bà nói thêm.

Bà Akinsanya nói: “Ngay cả khi phải đối mặt với những khía cạnh tiêu cực của công việc mà chúng tôi làm với tư cách là nhà báo, thì việc chúng tôi tiếp tục kiên trì là niềm hy vọng đối với tôi.”

Vào ngày 2/5, một quỹ quốc tế đã được công bố nhằm mục đích hỗ trợ các phương tiện truyền thông độc lập trong bối cảnh nó đang suy giảm.

Tại Liên hiệp quốc ở New York, UNESCO đã đánh dấu ngày tự do báo chí bằng các cuộc thảo luận và hội thảo cấp cao.

Tại một cuộc hội thảo, người dẫn chương trình tiếng Ba Tư của VOA, bà Masih Alinejad, đã trình bày một dự thảo nghị quyết lên án sự đàn áp xuyên quốc gia và nhắm mục tiêu vào các nhà báo. Bà Alinejad, người bị buộc phải lưu vong khỏi Iran vào năm 2009, là mục tiêu của một vụ bắt cóc của Tehran vào năm 2021.

“Vào ngày này, chúng tôi kêu gọi tất cả các quốc gia thành viên thúc đẩy, bảo vệ và thực hiện quyền tự do quan điểm và ngôn luận,” một số nhà lãnh đạo Liên hiệp quốc nói trong một tuyên bố chung. “Sự an toàn của các nhà báo và nhân viên truyền thông phải được coi là một phần không thể thiếu của quyền tự do quan điểm và ngôn luận và là chìa khóa để chống lại thông tin sai lệch, kể cả trong bối cảnh xung đột.”

Trong một tuyên bố ngày 3/5, Tổng thư ký Liên hiệp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh tầm quan trọng của tự do báo chí và chia sẻ những lo ngại của ông về các mối đe dọa mà các nhà báo trên khắp thế giới đang phải đối mặt.

“Ngày này nhấn mạnh một sự thật cơ bản: tất cả tự do của chúng ta phụ thuộc vào tự do báo chí,” Tổng thư ký nói. “Tự do báo chí là huyết mạch của nhân quyền.”