Mục lục
Hội nghị cấp cao ASEAN 42: Việt Nam có thể nêu quan ngại về an ninh Biển Đông
Thủ tướng Việt Nam Phạm Minh Chính hội đàm với Quốc vương Brunei Hassanal Bolkiah hôm 10/5/2023 trong cuộc gặp song phương bên lề Hội nghị Cấp cao ASEAN tổ chức tại Labuan Bajo, tỉnh Đông Nusa Tenggara, Nam Dương. REUTERS/Willy Kurniawan/Pool
Hội nghị cấp cao ASEAN lần thứ 42 đang được tổ chức ở Labuan Bajo, Nam Dương, trong bối cảnh quốc tế và khu vực còn có nhiều căng thẳng từ an ninh, chính trị, cho đến kinh tế, thương mại.
Truyền thông Việt Nam đưa tin Thủ tướng Việt Nam ông Phạm Minh Chính, cùng ngày đã tới Nam Dương, nơi mà trong ba ngày hội nghị, sẽ dự các phiên họp toàn thể và phiên họp hẹp của ASEAN 42.
“Sáng 10/5, tại Labuan Bajo, Nam Dương, Thủ tướng Phạm Minh Chính và Trưởng đoàn các nước ASEAN tham dự lễ khai mạc và phiên toàn thể hội nghị cấp cao Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) lần thứ 42. Thủ tướng Phạm Minh Chính và lãnh đạo các nước sẽ dự phiên toàn thể và những phiên đối thoại giữa lãnh đạo các nước ASEAN và đại diện Đại hội đồng liên nghị viện ASEAN, đại diện thanh niên ASEAN, đại diện Hội đồng tư vấn kinh doanh ASEAN, Nhóm công tác cấp cao về Tầm nhìn Cộng đồng ASEAN sau năm 2025.
Các phiên họp của hội nghị cấp cao ASEAN 42 sẽ tập trung thảo luận về tiến trình xây dựng cộng đồng ASEAN, tập trung vào chủ đề ‘ASEAN tầm vóc: Tâm điểm của tăng trưởng’; trao đổi về những vấn đề quốc tế và khu vực cùng quan tâm.,” báo mạng VietnamNet, thuộc Bộ Thông tin & Truyền thông hôm thứ tư cho biết.
Đâu là nội dung chính yếu được kỳ vọng?
Nhân dịp này, từ Sài Gòn, Tiến sĩ Nguyễn Thành Trung, Giảng viên Đại học Fulbright, nhà nghiên cứu quan hệ quốc tế và khu vực và Tiến sĩ Nguyễn Khắc Giang, nhà nghiên cứu khách mời thuộc Viện ISEAS Singapore dành cho Đài Á Châu Tự Do một cuộc trao đổi xung quanh sự kiện này và những kỳ vọng đối với Việt Nam và ASEAN ở hội nghị cấp cao lần thứ 42 này.
RFA: Đâu là nội dung chính yếu được các giới quan sát, phân tích kỳ vọng và chờ đợi từ Hội nghị cấp cao ASEAN lần này đối với khối này và các nước thành viên, và các chủ thể quốc tế, khu vực có lợi ích trực tiếp liên quan, đặc biệt về hợp tác an ninh khu vực, hợp tác phát triển nói chung ở vùng này, thưa ông?
- Nguyễn Thành Trung:Tôi cho rằng đó chính là sự đồng thuận giữa những nhà lãnh đạo ASEAN về những bước cụ thể sắp tới cho Cộng đồng ASEAN. Đó chính là Kế hoạch Tổng thể 2025 cho 3 trụ cột chính trị-an ninh, kinh tế và văn hóa-xã hội.
- Nguyễn Khắc Giang:Thông thường một năm ASEAN sẽ có 2 kỳ thượng đỉnh, kỳ họp đầu tiên sẽ bàn về các vấn đề nội khối. Mỗi nước sẽ có mục tiêu riêng, nhưng chương trình nghị sự phụ thuộc vào nước chủ nhà. Theo lịch trình từ nước chủ nhà Nam Dương, các vấn đề được quan tâm bao gồm việc tăng cường các thể chế hợp tác của ASEAN từ sau tầm nhìn 2025, phục hồi kinh tế, và Myanmar. Câu chuyện được quan tâm nhất có lẽ là cuộc khủng hoảng ở Myanmar mà ASEAN vẫn chưa giải quyết được trong vài năm qua và các thảo luận về phục hồi kinh tế sau đại dịch.
RFA: Đâu là điều mà Việt Nam chờ đợi nhất có thể nhận được từ hội nghị cấp cao ASEAN lần này, so với những quan tâm được ưu tiên tại thời điểm này, cũng như hướng tới tương lai trung bình và dài hạn?
- Nguyễn Thành Trung:Đó chính là ASEAN có thể thúc đẩy được vai trò trung tâm của mình trong việc giải quyết các vấn đề khu vực. Để làm được điểu này, ASEAN phải trở thành một cộng đồng gắn kết. Đó cũng là điều mà Việt Nam mong đợi các quốc gia ASEAN có thể đạt được trong việc xây dựng một kế hoạch cụ thể cho Cộng đồng ASEAN 2025.
- Nguyễn Khắc Giang:Theo tôi, ASEAN vẫn là thể chế đa phương quan trọng bậc nhất trong chính sách đối ngoại của Việt Nam. Việc tăng cường sức mạnh nội khối ASEAN cũng sẽ là quan tâm của Hà Nội trong dài hạn, nhằm hạn chế ảnh hưởng từ diễn biến phức tạp của cạnh tranh Mỹ – Trung. Trong ngắn hạn, diễn đàn ASEAN luôn là nơi để Việt Nam nêu lên những lo ngại về an ninh, đặc biệt là biển Đông. Nam Dương không phải là một bên tranh chấp, tuy nhiên, với vai trò của mình cũng như ảnh hưởng từ tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung cộng, Việt Nam có thể kỳ vọng thúc đẩy câu chuyện an ninh biển Đông trong chương trình nghị sự và trong các phiên thảo luận liên quan của hội nghị.
Lãnh đạo của 10 nước ASEAN chụp ảnh lưu niệm hôm 10/5/2023. Ảnh: Akbar Nugroho Gumay/Pool via REUTERS
An ninh và chủ quyền trên Biển Đông của Việt Nam sẽ có tiến bộ gì?
RFA: Cụ thể hơn, một số khía cạnh như tăng cường và hợp tác an ninh ở Biển Đông Nam Á, Biển Đông sẽ có thể được Việt Nam tận dụng, khai thác ra sao ở hội nghị cấp cao này, kể cả một số vấn đề nội khối (như chẳng hạn Nam Dương có biên giới trên biển được cho là có “chồng chéo”, “chồng lấn” với Việt Nam, trong lúc họ cũng có những tranh chấp với Trung cộng ở Biển Đông)? An ninh, chủ quyền biển đảo của Việt Nam trên Biển Đông qua hội nghị cấp cao lần này có thể đạt tiến bộ gì không và ra sao?
- Nguyễn Thành Trung:Theo tôi, các vấn đề mang tính đa phương luôn sẽ giải quyết khó hơn các vấn đề song phương. Chúng ta cũng biết tháng 12/2022, Việt Nam và Nam Dương đã hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế (EEZ) chồng lấn giữa hai nước sau 12 năm. Song phương chỉ giữa hai nước mà còn tới thời gian như vậy thì tôi cho rằng không dễ dàng cho chúng ta thấy tiến bộ ở các hội nghị đa phương. Do đó, tôi không nghĩ rằng hội nghị cấp cao ASEAN 42 có thể mang lại nhiều tiến bộ và thuận lợi cho Việt Nam để đưa ra các vấn đề liên quan đến biển Đông.
- Nguyễn Khắc Giang:Việt Nam và Nam Dương hoàn tất đàm phán phân định vùng đặc quyền kinh tế vào cuối năm ngoái, tạo cơ sở để hai nước thống nhất một “mặt trận” chung đấu tranh với tuyên bố chủ quyền phi pháp của Trung cộng. Tuy nhiên, do chương trình nghị sự lần này tập trung vào vấn đề nội khối, biển Đông có lẽ sẽ không phải là chủ đề được quan tâm nhiều. Tuy vậy, Việt Nam có thể tận dụng cơ hội này để tiếp tục nêu rõ quan điểm của mình về biển Đông, đồng thời thúc đẩy một quan điểm nội khối thống nhất khi thảo luận vấn đề xây dựng Tuyên bố ứng xử các bên trên biển Đông (DOC) với Trung cộng.
RFA: Về khía cạnh hợp tác kinh tế, thương mại, đầu tư, y tế, môi trường, năng lượng, đặc biệt là hợp tác hỗ trợ tiến bộ về cải cách thể chế, nâng cao năng lực quản trị, trong đó có đẩy mạnh các tiến trình dân chủ hóa, dân chủ pháp trị hay nhà nước pháp quyền và tự do thị trường, thì cấp cao này có thể có khả năng ít nhiều đáp ứng gì về nhu cầu cho các nước thành viên, và trong đó có Việt Nam hay không?
- Nguyễn Thành Trung:Tôi cho rằng ASEAN sẽ đề cập nhiều hơn các vấn đề về hồi phục kinh tế sau đại dịch COVID-19, cũng như giảm thiểu tác động tiêu cực của chiến sự Ukraine, và căng thẳng Mỹ-Trung trong khu vực hơn là đẩy mạnh về các tiến trình dân chủ hoá. Tập trung sẽ vào việc làm thế nào để đưa Cộng đồng ASEAN gần với hiện thực hơn vào năm 2025.
- Nguyễn Khắc Giang:Nguyên tắc cơ bản của ASEAN là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau, nên những vấn đề về hợp tác hay thúc đẩy cải cách thể chế và dân chủ hóa là rất khó khăn, nếu không muốn nói là không thể. Bản thân các nước ASEAN đều gặp vấn đề riêng về dân chủ và có thể chế chính trị vô cùng đa dạng và phần lớn là phi dân chủ, nên dù ASEAN có nêu ra các vấn đề về dân chủ (như tuyên bố nhân quyền ASEAN), đây cũng không phải là ưu tiên. ASEAN không phải là một hình mẫu về liên minh dân chủ như Liên minh Châu Âu, và có lẽ sẽ không bao giờ trở thành như vậy. Ngay như cuộc khủng hoảng ở Myanmar, xuất phát từ một cuộc đảo chính quân sự lật đổ một chính quyền dân sự được bầu lên, ASEAN vẫn đang loay hoay tìm phương án giải quyết.
Có tiếp cận gì mới và kỳ vọng gì về hợp tác và cải thiện nhân quyền?
RFA: Về cải thiện nhân quyền thì có thể trông đợi gì về hợp tác, quan tâm nội khối hay không qua cấp cao này, hay phải đợi tới một vài cấp cao khác? Quan điểm riêng của ông thế nào về năng lực của ASEAN trong việc giúp các nước thành viên cải thiện và nâng cao vẫn đề đảm bảo nhân quyền, dân chủ ở nội khối này, mặc dù ASEAN có thể có quy định nội bộ nào đó mà có thể bị một số quốc gia thành viên có thể có quan ngại, mà có thể viện đến để tránh áp lực, chẳng hạn như Myanmar, Lào, Campuchia hay như một số nhà quan sát nói, đặc biệt là Việt Nam, với Việt Nam gần đây các bảng xếp hạng từ Reporters Without Border, cho tới PEN America chẳng hạn, đều cho thấy sự quan ngại về tình trạng được cho là “xấu đi” khá đáng quan ngại qua việc chính quyền được cho là tăng cường trấn áp các giới trong đó có giới phản biện độc lập, các thành viên xã hội dân sự, những người viết, các nhà báo và những nhà hoạt động ôn hòa khác? Ý kiến trên quan điểm riêng của ông về vấn đề này thế nào?
- Nguyễn Thành Trung:Tôi cho rằng ASEAN vẫn trung thành với quan điểm của họ là không can thiệp vào công việc nội bộ của nhau. Nguyên tắc này được nhiều nhà phân tích cho là điểm yếu của ASEAN, nhưng cũng có ý kiến cho rằng chính việc không can thiệp nội bộ của nhau khiến cho các quốc gia trong khối duy trì được sự đoàn kết của mình, và giữ họ ở lại trong khối. Do đó, tôi cho rằng ASEAN sẽ tránh đề cập tới vấn đề nhân quyền hay dân chủ. Ngoài ra, các quốc gia trong khối hầu như cũng đều có vấn đề này vấn đề kia nên họ không thể nào “lên giọng” với quốc gia khác được.
- Nguyễn Khắc Giang:Tương tự như trên đã đề cập, tôi không cho rằng nhân quyền là mối quan tâm chính của các nước ASEAN, vốn không phải là tập các nước dân chủ kiểu như EU và có những nguyên tắc rõ ràng về dân chủ và nhân quyền. Nguyên tắc chính của ASEAN là không can thiệp, và chúng ta thấy rõ điều này ngay cả khi xuất hiện các cuộc khủng hoảng nhân đạo ở Myanmar vào năm 2018 (khủng hoảng người Rohingya) và sau năm 2021 sau cuộc chính biến của quân đội nước này. Vì thế, sẽ khó kỳ vọng ASEAN sẽ cải thiện được gì nhiều tình hình dân chủ hay nhân quyền của các nước thành viên.
RFA: Xin chân thành cảm ơn hai ông đã trả lời cuộc phỏng vấn này.
RFA (10.05.2023)
Tàu dân quân Trung cộng vào vùng tập trận của Ấn Độ-ASEAN ở Biển Đông
Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung cộng ở Biển Đông.
Các tàu của lực lượng dân quân biển Trung cộng đã tiếp cận một khu vực mà hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN đang tập trận ở Biển Đông, hai nguồn tin Ấn Độ cho biết ngày 8/5.
Một chuyên gia độc lập tại Việt Nam cho rằng Bắc Kinh dường như đang sử dụng lực lượng dân quân để đe dọa và phá rối cuộc tập trận hải quân này.
Bắc Kinh không trả lời các câu hỏi của Reuters về vụ việc bị cáo buộc và động cơ. Chính phủ Ấn Độ và Việt Nam từ chối bình luận.
Giai đoạn hai ngày trên biển của Cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ (AIME 2023) bắt đầu hôm 7/5 với sự tham gia của các tàu hải quân và máy bay từ Ấn Độ, Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương và Brunei.
Các nguồn tin Ấn Độ cho biết họ đang ở trong Vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam thì các tàu Trung cộng di chuyển về phía họ. Tuy nhiên, các tàu dân quân và tàu hải quân đã vượt qua nhau mà không có bất kỳ sự đối đầu nào, họ nói.
Nhà chức trách Ấn Độ đang theo dõi hoạt động của ít nhất 5 tàu dân quân, theo các nguồn tin, những người không muốn tiết lộ danh tính vì họ không được phép nói chuyện với giới truyền thông.
Họ cho biết một tàu nghiên cứu của Trung cộng cũng đang đi theo những chiếc tàu này tới cùng khu vực.
Ông Ray Powell, người đứng đầu Dự án Myoushu trên Biển Đông tại Đại học Stanford, cho biết những chiếc tàu này thuộc hạm đội dân quân Qiong Sansha Yu trong khu vực.
Lực lượng dân quân như vậy bao gồm các tàu đánh cá thương mại phối hợp với chính quyền Trung cộng vì các mục tiêu chính trị ở Biển Đông. Tuy nhiên, chính phủ Trung cộng trong quá khứ đã bác bỏ sự tồn tại của bất kỳ lực lượng dân quân nào như vậy.
Bà Vân Phạm, quản lý của Sáng kiến Đại sử ký Biển Đông (SCSCI), một tổ chức phi lợi nhuận độc lập giám sát dữ liệu theo dõi tàu thuyền, cho biết đây không phải là lần đầu tiên “cái gọi là tàu cá” của Trung cộng xuất hiện và đe dọa tàu chiến của các nước khác.
“Vì vậy, có khả năng cuộc tập trận đã bị gián đoạn… mô hình đã bị phá vỡ và một số tàu phải thay đổi hướng đi”, bà nói với Reuters.
Bà Phạm cho biết tàu nghiên cứu Trung cộng Xiang Yang Hong 10 có lúc đã tiến gần đến một tàu chiến Việt Nam trong khoảng cách 10 dặm.
Đây là cuộc tập trận hàng hải ASEAN-Ấn Độ đầu tiên (AIME-2023) và được hải quân Ấn Độ và Singapore đồng tổ chức.
Một số nước láng giềng ven biển của Trung cộng đã cáo buộc nước này sử dụng các tàu công vụ và dân quân để quấy rối và đe dọa các tàu đánh cá và tàu quân sự của họ ở Biển Đông.
Trung cộng trong nhiều năm đã tuyên bố chủ quyền đối với toàn bộ Biển Đông và rất nhạy cảm với sự hiện diện của quân đội các nước khác trong khu vực.
Quan hệ giữa Ấn Độ và Trung cộng cũng xuống dốc kể từ sau cuộc đụng độ giữa quân đội của họ ở dãy Himalaya vào năm 2020 khiến 24 binh sĩ thiệt mạng.
VOA (09.05.2023)
Chiến thuật “cấm đánh cá” của Trung cộng để cưỡng chiếm biển Việt Nam
Tàu cá nằm chờ ở Hong Kong sau khi Trung cộng cấm đánh cá năm 2000. Reuters
Trung cộng hiện đang thực hiện lệnh cấm đánh cá trên một loạt vùng biển là Bột Hải, Hoàng Hải, Biển Hoa Đông và Biển Đông. Lệnh cấm này được kéo dài đến tận 16/8/2023 đối với hai vùng biển là Hoa Đông và Biển Đông. Đối với các vùng biển khác, lệnh cấm kéo dài sang tháng 9 năm 2023. Theo một số chuyên gia, lệnh cấm này là một chiến thuật “vùng xám”
Lệnh cấm mơ hồ: cấm luôn cả vùng biển của Nhật và Hàn Quốc
Trao đổi với RFA, nhà nghiên cứu Phan Văn Song, một cộng tác viên của Qũy Nghiên cứu Biển Đông, cho biết lệnh cấm này được thực hiện từ 1999 đến nay. Về phạm vi cấm, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, năm nay Trung cộng có một điểm mới là gộp chung phần phía bắc Biển Đông (12 độ vĩ bắc) với phần phía nam biển Hoa Đông (26’30 độ vĩ bắc).
Lệnh cấm này chỉ quy định vĩ độ mà không có thông tin về kinh độ, cũng không có bản đồ phạm vi cấm đi kèm. Đây là một điểm mơ hồ. Nếu không có thông tin về kinh độ thì có thể hiểu là theo chiều ngang, trên các vùng biển như Hoàng Hải, biển Hoa Đông, phạm vi cấm có thể kéo dài đến tận lãnh hải Hàn Quốc hay Nhật Bản. Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết vì điểm mơ hồ này của lệnh cấm, một số công ty tư nhân Trung cộng đã vẽ bản đồ vùng cấm đánh cá này của Trung cộng trùm lên cả vùng đặc quyền kinh tế của Nhật Bản và Hàn Quốc. Còn đối với biển Đông, do Trung cộng đã có yêu sách đường chữ U bất hợp pháp nên chiều ngang của vùng cấm được hiểu là nằm trong đường chữ U này.
Như vậy, phạm vi của lệnh cấm vi phạm chủ quyền của Việt Nam, Phi Luật Tân, và có thể của cả Nhật Bản và Hàn Quốc.
Phạm vi cấm ở Biển Đông
Đối với Biển Đông, lệnh cấm này chỉ cấm đến 12 độ vĩ bắc, tức là chừa vùng biển Trường Sa ra ngoài, chỉ cấm vùng biển Hoàng Sa và vùng biển giữa biển Đông. Ở Biển Đông, hai nước bị lệnh cấm này của Trung cộng xâm phạm nhiều nhất là Việt Nam và Phi Luật Tân. Hiếm có ngư dân Nam Dương hay Malaysia đánh cá ở khu vực bị cấm.
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song phân tích rằng đối với Biển Đông, lệnh cấm đánh cá của Trung cộng có 2 giai đoạn:
Giai đoạn đầu từ 1999 đến 2009. Trung cộng bắt đầu tuyên bố lệnh “cấm đánh cá” theo mùa ở Biển Đông từ 1999. Lúc đó họ chưa công bố đường chữ U trên biển Đông một cách chính thức. (Chính thức công bố trong công hàm gửi Ủy ban Ranh giới thềm lục địa năm 2009.) Trong khoảng 10 năm đó, do lực lượng chấp pháp trên biển của Trung cộng còn yếu và họ cũng chưa chính thức đòi hỏi đường chữ U tại Liên Hiệp Quốc, các va chạm lớn liên quan đến đường chữ U ít xảy ra hơn. Giai đoạn đó hầu như chỉ có Việt Nam phản đối còn phản ứng của quốc tế là không đáng kể.
Giai đoạn hai từ 2009 đến nay. Sau khi công bố đường chữ U trong công hàm gửi Liên Hiệp Quốc năm 2009, Trung cộng mới bắt đầu tăng cường đàn áp ngư dân Việt Nam, bao gồm cưỡng chế, bắt giữ tàu cá, tịch thu hải sản, phá hủy ngư cụ, tàu thuyền. Ở giai đoạn này, họ chủ yếu thực hiện nghiêm ngặt chế độ cấm đánh cá ở Bột Hải, Hoàng Hải và biển Hoa Đông. Còn đối với Biển Đông, họ chỉ mở rộng thực thi đến bãi cạn Scarborough của Phi Luật Tân. Năm 2013, Trung cộng thành lập chính thức lực lượng cảnh sát biển bằng cách hợp nhất các lực lượng tản mạn như ngư chính, hải giám, hải cảnh, được trang bị nhiều tàu lớn do hải quân chuyển sang. Từ 2013, họ cũng bắt đầu cải tạo đảo và xây dựng các căn cứ quân sự lớn ở Trường Sa.
Từ trước đến nay, Trung cộng vẫn luôn không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa (không cấm nam vĩ tuyến 12° N.) Trước khi xây dựng được các căn cứ quân sự trên các đảo nhân tạo ở Trường Sa, thực tế Trung cộng khó có thể kiểm soát vùng biển này. Đó có thể là lí do họ không cấm đánh cá vùng đó.
Nhưng từ khi có các căn cứ lớn ở Trường Sa trong mấy năm gần đây, rõ ràng họ đã có thể gửi lực lượng chấp pháp dọc ngang khu vực này. Họ vẫn không cấm đánh cá vùng này, một phần lớn là chừa vùng đó cho ngư dân của họ có chỗ đánh cá khi các vùng khác bị cấm.
Năm 2018 thì lực lượng cảnh sát biển này được đặt dưới sự chỉ huy trực tiếp của Quân ủy Trung ương thuộc Trung ương ĐCS Trung cộng. Theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, với mỗi một bước phát triển lực lượng như vậy, họ mỗi lúc càng hung hăng hơn.
Chiến thuật vùng xám
Một trong lý do khiến Trung cộng không cấm đánh cá ở Trường Sa ngay cả khi đã có các căn cứ lớn ở đó là họ muốn thực thi chiến thuật vùng xám.
Một phần tương đối lớn của vùng biển Trường Sa nằm trong vùng đặc quyền kinh tế của Malaysia, Brunei, Phi Luật Tân. Các hoạt động đánh cá trong vùng đặc quyền kinh tế nước khác phải được họ cho phép. Tuy nhiên, theo nhà nghiên cứu Phan Văn Song, “họ không cấm đánh cá ở vùng biển Trường Sa cũng là để cho lực lượng dân quân ngụy trang dưới dạng ngư dân đồng hành với lực lượng chấp pháp chính quy nhằm quấy phá ngư dân nước khác, cản trở các hoạt động thăm dò, khai thác dầu khí của các nước khác trong khu vực.”
Nhà nghiên cứu Phan Văn Song cho biết thực ra vào năm 2014, chính quyền Trung cộng đã để cho tỉnh Hải Nam ra quy định ngư dân phải có giấy phép mới được đánh cá trong phạm vị họ quy định. Phạm vi này kéo dài tới 4° vĩ độ bắc, tức là bao phủ toàn bộ đường chữ U, thậm chí ở phía nam, có một phần vượt ra khỏi phạm vi đường chữ U và đi vào trong vùng lãnh hải Việt Nam. Quy định này có vẻ để thăm dò phản ứng của các nước trong khu vực. Trung cộng bị Việt Nam và các nước liên quan phản đối và thực tế họ cũng chưa đủ khả năng kiểm soát toàn khu vực nên cho tới nay họ không còn nhắc lại nữa.
RFA đặt câu hỏi với nhà nghiên cứu Phan Văn Song rằng lệnh cấm đánh bắt cá của Trung cộng có phải là một chiến thuật để đòi hỏi chủ quyền đối với Biển Đông không? Nếu đúng thì chiến thuật đó là gì? Nó gây khó khăn gì cho các nước khác xung quanh Biển Đông?
Ông Phan Văn Song cho rằng, “ngoài lí do về môi trường như Trung cộng nói, chắc chắn đó cũng là một hành động thể hiện sự kiểm soát thực tế các khu vực biển này, một yếu tố rất quan trọng để chứng minh chủ quyền trước toà trong khu vực có tranh chấp. Đây là chiến thuật cài bẫy bằng sự mập mờ. Nếu các nước liên quan không phản đối, Trung cộng sẽ nói là đã ngầm thừa nhận chủ quyền của Trung cộng. Nếu các nước này phản đối, họ sẽ bị rêu rao là không hợp tác trong vấn đề bảo vệ môi trường. Ngoài ra, lệnh cấm đánh cá của Trung cộng cũng đặt ngư dân Việt Nam và các nước xung quanh Biển Đông vào tình thế có nguy cơ bị lực lượng chấp pháp của Trung cộng xâm hại, tấn công. Nguy cơ lực lượng chấp pháp của các nước xung quanh Biển Đông phải va chạm với Trung cộng cũng ngày càng tăng.”
Hiện nay, quốc tế chưa quan tâm nhiều đến những lệnh cấm đánh cá đơn phương này của Trung cộng. Có lẽ vì chưa nắm rõ chiến thuật vùng xám này của Trung cộng. Việt Nam đã chọn cách phản đối và không tuân theo lệnh cấm đó. Ngư dân Việt Nam phải liều mình vì cuộc sống cũng như để bảo vệ chủ quyền quốc gia, trong khi lực lượng chấp pháp Việt Nam chưa đủ nguồn lực để bảo vệ họ một cách đầy đủ.
Có thể coi hành vi cướp phá của dân quân biển Trung cộng là cướp biển
Trao đổi với RFA, TS Hà Hoàng Hợp cho rằng các hải đội dân quân biển của Trung cộng có thể bị coi là cướp biển, khi họ cướp phá tài sản của tàu cá Việt Nam. Tháng 2 năm 2023 một tàu cá ở Quảng Nam khi ghé vào một đảo ở Hoàng Sa tránh gió lớn, đã bị một tàu phi quân sự của Trung cộng tới cướp bóc hết hải sản và ngư cụ. TS Hà Hoàng Hợp dẫn Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về hành vi “cướp biển” và khẳng định “Việt Nam có thể hành xử với họ như là đối với cướp biển, tức là có thể trấn áp bằng vũ lực.”
Điều 101 của Luật biển Quốc tế định nghĩa về “cướp biển” như sau:
“Bất kỳ hành vi bất hợp pháp sử dùng bạo lực hay bắt giữ, hoặc bất kỳ sự cướp phá nào do thủy thủ hoặc hành khách trên một tàu tư nhân, hay một phương tiện bay tư nhân thực hiện, vì những mục đích riêng tư, và nhằm: (i) Chống lại một tàu hay một phương tiện bay khác, hay chống lại những người hay tài sản trên tàu hoặc phương tiện bay đang trên biển cả; (ii) Chống lại một tàu, phương tiện bay, người hay tài sản đang ở khu vực nằm ngoài quyền tài phán của các quốc gia;”
Một tàu cá Việt Nam bị đâm chìm năm 2014. (Ảnh: Reuters.)
- Hà Hoàng Hợp nhấn mạnh rằng hành vi của các tàu dân quân biển Trung cộng tương ứng với định nghĩa về “cướp biển” nói trên. Do đó, việc Việt Nam sử dụng lực lượng chấp pháp căn cứ theo Luật biển Quốc tế và Luật biển Việt Nam để trấn áp cướp biển, hoặc hành vi ăn cướp trên biển, để bảo vệ ngư dân Việt Nam, cũng là một cách thức hiệu quả để chống lại chiến thuật vùng xám của Trung cộng.
Tuy vậy theo nhà nghiên cứu Hà Hoàng Hợp, Việt Nam cũng có vấn đề của mình, khi họ không thể bảo vệ ngư dân Việt Nam vào các vùng biển nước khác, như Nam Dương và Malaysia, để đánh cá, dù phần lớn là do không xác định được ranh giới trên biển. Ông nói Việt Nam và Nam Dương đã ký thỏa thuận phân chia ranh giới trên biển, vì vậy có thể hy vọng sẽ không còn xảy ra việc các tàu đánh cá của Việt Nam xâm phạm biển của Nam Dương và với các nước khác cũng vậy.
Còn nhà nghiên cứu Phan Văn Song suy nghĩ về việc sử dụng công cụ pháp lý quốc tế. Ông nói:
“Tôi nghĩ chưa sâu nhưng có một vài suy nghĩ bước đầu như sau để cùng thảo luận. Về mặt câu chữ, phán quyết năm 2016 của Tòa Thường trực chỉ áp dụng cho Phi Luật Tân. Việt Nam xác định Hoàng Sa, Trường Sa là ngư trường truyền thống. Nhưng điều này chưa được công nhận như vùng biển Scarborogh của Phi Luật Tân. Do đó, Trung cộng sẽ lập luận là họ chỉ cấm trong vùng biển của mình.
Có lẽ Việt Nam nên tìm cách, tìm dịp nào đó kiện Trung cộng ra tòa quốc tế để có được một phán quyết vô hiệu hóa phạm vi của đường chữ U trong vùng đặc quyền kinh tế và thềm lục địa của phía mình, cũng như nhận được phán quyết rằng Hoàng Sa và Trường Sa là ngư trường truyền thống. Tất nhiên việc này không dễ vì Việt Nam phụ thuộc kinh tế Trung cộng khá nhiều nên có thể bị họ trả đũa ở mức vượt quá khả năng chống đỡ.”
RFA (09.05.2023)
Tổng thống Phi Luật Tân dạy CSVN bài học ‘không hèn trước Trung cộng’
Tổng thống Marcos Jr. được người đồng cấp Joe Biden tiếp đãi trang trọng tại Tòa Bạch ốc
Những ngày Tổng thống Marcos “tung hoành ngang dọc” tại Washington, ngồi ở Hà Nội nghe Trương Thị Mai “tỉ tê” với Tập Cận Bình về “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà nẫu cả diều!
Manila và Washington đã ký một thỏa thuận mới có tên gọi “Hướng dẫn phòng thủ song phương”. Văn kiện đã được công bố ngày 3/5 vừa qua nhằm xác định cụ thể hóa vai trò của Mỹ trong “Hiệp ước phòng thủ chung” (MDT) ký từ năm 1951, nhưng trong bối cảnh Phi Luật Tân muốn làm sáng rõ hơn khi liên minh đặc biệt giữa hai nước bước vào kỷ nguyên mới.
Sở dĩ Phi Luật Tân yêu cầu Mỹ phải cập nhật vào thời điểm hiện nay vì căng thẳng với Trung cộng ngày càng gia tăng gần đây. Tháng trước, Phi Luật Tân đã cáo buộc lực lượng bảo vệ bờ biển Trung cộng thực hiện “các thao tác nguy hiểm” và “chiến thuật hung hăng” cản trở cuộc tuần tra của các lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân gần Bãi Cỏ Mây – là rạn san hô do một lực lượng hải quân nhỏ của Phi Luật Tân chiếm giữ và nằm cách bờ biển Phi Luật Tân 105 hải lý (195 km).
Những thành tựu Tổng thống Marcos Jr. gặt hái được những qua trên đất Mỹ vừa tạo bước ngoặt thực chất, vừa mang ý nghĩa biểu tượng. Giới quan sát ở Việt Nam – nói một cách khách quan – nhìn mà thèm.
Tàu hải cảnh Trung cộng thường xuyên gây hấn với lực lượng bảo vệ bờ biển Phi Luật Tân
Giới cầm quyền ở cả hai xứ hẳn nhiên lúc nào cũng tuyên bố, đặt lợi ích quốc gia lên hàng đầu trong chính sách đối ngoại. Nhưng kết quả thì như đang thấy. Nhờ xã hội có đa nguyên nên Marcos Jr. lên cầm quyền đã gần như đảo ngược chính sách của người tiền nhiệm, ưu tiên đối với lợi ích quốc gia chứ không đặt bảo vệ Đảng lên đầu, nên ông đã có ngay giải pháp cho hồ sơ hóc búa liên quan đến vấn đề Biển Đông. Việt Nam trong khi đó, vẫn như “gà mắc tóc” trong vấn đề nâng cấp “đối tác chiến lược” với Hoa Kỳ.
Thông thường, không nhà cầm quyền nào ngoài miệng, không mạnh mồm nói là chống nô dịch của ngoại bang. Nhưng chống xâm lược để rồi lại đặt ách nô dịch ấy lên đầu lên cổ người dân, không cho “dân mở miệng”, khác xa với chống ngoại bang vì lợi ích quốc gia – dân tộc!
Điều ngạc nhiên là chính Tạp chí “Quốc phòng Toàn dân” ngay trước khi Marcos Jr. trúng cử đã có tiên lượng khá chính xác về các bước đi ngoạn mục trên chính trường Phi Luật Tân. Tờ báo đánh giá rằng, “trong bối cảnh Mỹ đang triển khai mạnh mẽ chiến lược “Ấn Độ Dương – Thái Bình Dương tự do và rộng mở” (FOIP) thì việc quan hệ hai nước trở lại nồng ấm như trước có ý nghĩa rất lớn…”
Lượng định này đáng quan tâm, vì giữa Phi Luật Tân và Việt Nam, mối đe dọa từ Trung cộng đối với độc lập, chủ quyền, toàn vẹn lãnh thổ đối với mỗi nước gần như giống hệt nhau. Điều khác nhau ở đây là gì? Việt Nam “ngậm bồ hòn làm ngọt” còn Phi Luật Tân thì quyết “sánh vai” cùng thời đại. Những ngày Tổng thống Marcos “tung hoành ngang dọc” tại Washington, ngồi ở Hà Nội nghe Trương Thị Mai “tỉ tê” với Tập Cận Bình về “16 chữ vàng” và “4 tốt” mà nẫu cả diều!
Trong khi đó, tại Trung tâm Nghiên cứu chiến lược và quốc tế (CSIS) ở thủ đô Washington, Tổng thống Marcos Jr. cho rằng, hiện là thời điểm để nâng cấp mối quan hệ song phương Phi Luật Tân – Hoa Kỳ nhằm góp phần ứng phó nhanh hơn với những thách thức hiện tại ngày đang nổi lên.
Ông Marcos cũng đề cập thỏa thuận mà ông ký hồi đầu năm nay cho phép quân đội Mỹ tiếp cận thêm 4 căn cứ quân sự tại Phi Luật Tân, ngoài 5 căn cứ đã được chỉ định trước đó theo “Thỏa thuận hợp tác quốc phòng tăng cường” (EDCA).
Nhà lãnh đạo Phi Luật Tân nêu rõ việc cho phép quân đội Mỹ tiếp cận nhiều căn cứ quân sự hơn ở Phi Luật Tân không nhằm mục đích sử dụng cho hành động tấn công bất kỳ quốc gia nào. Nhưng trong những ngày trên đất Mỹ, ông Marcos cũng chẳng dấu diếm, các căn cứ này sẽ hữu hiệu trong trường hợp Đài Loan bị tấn công.
Trần Đông A
VOA (09.05.2023)
Tàu dân quân biển Trung cộng vào vùng diễn tập giữa Ấn Độ và ASEAN tại Biển Đông
Minh họa: đợt diễn tập quân sự của ASEAN tại Trạm Giang, tỉnh Quảng Đông ngày 23/10/2018 Reuters
Tàu thuộc lực lượng dân quân biển Trung cộng đã vào khu vực mà Hải quân Ấn Độ và các nước ASEAN diễn tập tại Biển Đông.
Reuters loan tin ngày 8/5 dẫn hai nguồn của Ấn Độ; trong khi đó một chuyên gia độc lập Việt Nam nhận định rằng dường như Bắc Kinh đang sử dụng lực lượng dân quân biển để dọa dẫm và gây gián đoạn đợt diễn tập.
Đợt diễn tập hai ngày bắt đầu từ hôm chủ nhật 7/5 có sự tham gia của tàu và chiến đấu cơ của các nước Việt Nam, Thái Lan, Phi Luật Tân, Nam Dương, Brunei và Ấn Độ.
Vào khi chiến hạm và máy bay của các bên tham gia tại có mặt tại khu vực thuộc Vùng Đặc quyền Kinh tế của Việt Nam, tàu dân quân biển Trung cộng tiến về phía họ; cả hai phía qua mặt nhau nhưng không xảy ra đối đầu. Một tàu nghiên cứu của Trung cộng cũng tham gia theo đoàn tàu dân quân biển tiến về khu vực diễn tập.
Reuters có gửi yêu cầu bình luận về tin vừa nêu đến ba chính phủ Trung cộng, Ấn Độ và Việt Nam; nhưng chưa được nước nào trả lời.
Đây là đợt diễn tập đầu tiên giữa Ấn Độ và ASEAN (AIME-2023) do Hải quân hai nước Ấn Độ và Singapore đồng chủ trì.
Lâu nay, một số quốc gia láng giềng của Trung cộng quanh Biển Đông cáo giác Trung cộng sử dụng tàu dân quân biển cũng như tàu chính thức mang cờ Hoa Lục sách nhiễu, hăm dọa tàu đánh cá cũng như tàu quân sự của họ tại Biển Đông.
RFA (08.05.2023)
Biển Đông: Việt Nam trước áp lực của Trung cộng về đàm phán song phương
Trên chuyến bay đến Hoa Kỳ để họp thượng đỉnh với tổng thống Mỹ Joe Biden ngày 01/05/2023, tổng thống Ferdinand Marcos Jr. cho biết Trung cộng đồng ý thảo luận với Phi Luật Tân về quyền đánh cá ở Biển Đông.
Trước đó, ngày 22/04/2023, nhân chuyến viếng thăm của ngoại trưởng Tần Cương ở Manila, Phi Luật Tân và Trung cộng cũng đã cam kết “sẽ cùng nhau giải quyết các bất đồng về Biển Đông”, vùng biển mà hai nước đều có những yêu sách chủ quyền.
Thuộc quần đảo Trường Sa, Biển Đông, Đá Gạc Ma đã được Trung cộng bồi đắp thành đảo nhân tạo và quân sự hóa. Ảnh chụp ngày 20/03/2022. AP – Aaron Favila
Về phần Malaysia, quốc gia khác cũng có tranh chấp chủ quyền Biển Đông với Trung cộng, phát biểu trước Quốc Hội ngày 03/04, khi tường trình về chuyến thăm Trung cộng của ông vào cuối tháng 3, đầu tháng 4, thủ tướng Anwar Ibrahim đã tuyên bố là tập đoàn dầu khí nhà nước Petronas của Malaysia sẽ tiếp tục các hoạt động thăm dò ở Biển Đông, nhưng Malaysia “sẵn sàng thương lượng về các mối quan ngại của Trung cộng về những hoạt động này”.
Những sự kiện nói trên phải chăng cho thấy là Trung cộng đang dần dần thuyết phục được Phi Luật Tân và Malaysia chấp nhận đàm phán song phương với Trung cộng về tranh chấp Biển Đông? Riêng Việt Nam đối phó như thế nào trước áp lực đàm phán song phương của Trung cộng?
Trả lời RFI Việt ngữ ngày 19/04/2023, nhà nghiên cứu Hoàng Việt ở Việt Nam trước hết nhắc lại chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác” của Trung cộng:
“Thật ra Trung cộng đã có một chủ trương rất lâu, từ thời lãnh tụ Đặng Tiểu Bình. Năm 1990, ông đã đưa ra một chủ trương là “gác tranh chấp, cùng khai thác”, dưới vỏ bọc là “khai thác chung” ( tiếng Anh gọi là “joint development” ). Nội dung “khai thác chung” thật ra về cơ bản khác với “gác tranh chấp, cùng khai thác”: Thứ nhất là chủ quyền thuộc về Trung cộng, tức là nếu có chấp nhận khai thác chung thì mặc nhiên công nhận chủ quyền của Trung cộng. Trung cộng đã đã thúc đẩy quan điểm này, một mặt sử dụng sức mạnh để đe dọa. Trong suốt thời gian qua và cả hiện nay, các tàu của Trung cộng vẫn đang xâm phạm trái phép vùng đặc quyền kinh tế của Việt Nam, Malaysia và Phi Luật Tân, đe dọa các hoạt động thăm dò dầu khí, hoặc các hoạt động khác trên vùng đặc quyền kinh tế của các nước này.
Một mặt Trung cộng đe dọa như vậy, mặt khác, Trung cộng luôn dùng sức mạnh kinh tế của mình để kêu gọi các quốc gia khai thác chung với Trung cộng. Bốn quốc gia mà Trung cộng luôn nhắm tới đó là Brunei, Việt Nam, Malaysia, Phi Luật Tân. Trung cộng luôn luôn muốn đưa một trong các quốc gia này hoặc các quốc gia này vào kế hoạch “gác tranh chấp, cùng khai thác”. Nhưng theo nghiên cứu của tôi, trong số 4 quốc gia kể trên, chưa có quốc gia nào ký kết bất ký điều gì về khai thác chung với Trung cộng.”
Đối với Phi Luật Tân và Malaysia, Bắc Kinh đã từng tranh thủ lúc mà hai nước này có một lãnh đạo với xu hướng phần nào nghiêng về Trung cộng hơn, để cố thúc đẩy họ chấp nhận chủ trương khai thác chung. Nhà nghiên cứu Hoàng Việt điểm lại thời kỳ tổng thống Rodrigez Duterte của Phi Luật Tân trước đây và thời kỳ thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim hiện nay:
“Năm 2016, tổng thống Phi Luật Tân lúc đó là Rodriguez Duterte đã chủ trương xoay trục sang Trung cộng và quay lưng lại với Mỹ. Mục tiêu quan trọng nhất của ông là giành những lợi thế kinh tế từ Trung cộng và muốn làm như thế thì ông phải chấp nhận điều mà Trung cộng yêu cầu, đó là chủ trương khai thác chung với Trung cộng. Dưới thời ông Duterte đã có một số ồn ào liên quan đến việc hai bên đã ký một số thỏa thuận về khai thác chung. Nhưng thực ra cho đến nay chưa có một bước tiến nào.
Tân tổng thống Ferdinand Marcos Jr. đầu năm nay cũng đã có một chuyến công du Bắc Kinh. Trong chuyến đi này, ông và chủ tịch Tập Cận Bình đã có một tuyên bố chung trong đó có nhắc đến “khai thác chung”. Nhưng khi ông quay về Phi Luật Tân thì lập tức Tòa án Tối cao Phi Luật Tân ra một phán quyết rằng thỏa thuận ba bên (JSMU), ký từ rất lâu trước đó ( 2005 ), đã hết hiệu lực từ năm 2007. Mười lăm năm không ra tuyên bố, mà đến lúc ông Marcos Jr. mới đi Trung cộng về, khi hai bên ra tuyên bố chung nhắc đến “khai thác chung”, thì tòa án ra phán quyết xem thỏa thuận ba bên thăm dò địa chấn ở Biển Tây Phi Luật Tân ( Biển Đông ) là “vô hiệu”, vì nó đã “vi hiến”.
Phán quyết này được coi như là một tín hiệu đáp trả đối với quyết định “khai thác chung” của Marcos Jr. Với việc Tòa án Tối cao đã đưa ra một tiền lệ như vậy, tổng thống Marcos Jr. sẽ rất là khó mà ký các thỏa thuận “khai thác chung” với Trung cộng, vì sẽ bị xem là “vi hiến”.
Về phần thủ tướng Malaysia Anwar Ibrahim, ông muốn thay đổi chính sách, đặc biệt là trong bối cảnh kinh tế thế giới đang khó khăn, muốn xoay trục sang Trung cộng, để có thể tranh thủ các lợi ích kinh tế, nhưng việc khai thác chung cũng không phải là dễ, còn rất nhiều khó khăn.
Khai thác chung với Trung cộng thực chất là khai thác tại vùng đặc quyền kinh tế của các quốc gia khác, mà điều này, theo Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển, là đặc quyền của quốc gia ven biển đó.
Thực chất có lẽ đây là những tuyên bố mang tính chính trị để có thể giành được những lợi ích từ Trung cộng. Đương nhiên Trung cộng cũng biết điều đó và họ rất giỏi chơi bài. Cho nên, nếu những quốc gia như Malaysia hay Phi Luật Tân muốn “chơi bài” với Trung cộng, thì Trung cộng cũng sẵn sàng chơi, mà Trung cộng sẽ đạt được những mục tiêu, những lợi ích của họ.
Tổng thống Duterte của Phi Luật Tân, trước khi kết thúc nhiệm kỳ tổng thống, đã phải hủy bỏ tất cả những tuyên bố, những chính sách của ông về khai thác chung với Trung cộng. Nhiều nhà nghiên cứu của Phi Luật Tân nói rằng ông Duterte cũng đã vỡ mộng khi thấy Trung cộng hứa hẹn thì rất nhiều, hứa hẹn đầu tư hàng chục tỷ đôla vào nền kinh tế Phi Luật Tân, nhưng trên thực tế thì không có bao nhiêu cả. Đó là câu chuyện khiến nhiều quốc gia khác ở Đông Nam Á phải suy nghĩ kỹ về vấn đề này.”
Riêng đối với Việt Nam thì dĩ nhiên Bắc Kinh bao giờ cũng tìm cách gây sức ép để buộc lãnh đạo Hà Nội chấp nhận chủ trương “gác tranh chấp, cùng khai thác”, để đạt được những thỏa thuận như thỏa thuận về phân chia Vịnh Bắc Bộ. Nhưng theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, cho tới nay Việt Nam chỉ chấp nhận thương lượng dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển:
“Chắc chắn là Trung cộng sẽ gây sức ép. Vấn đề nổi cộm đầu tiên đó là Vịnh Bắc Bộ. Hai bên đã thỏa thuận thành công về Vịnh Bắc Bộ, nhưng còn về cửa Vịnh Bắc Bộ thì chưa phân định được. Hai bên cũng đã nhiều lần đàm phán để phân định, nhưng cho đến nay vẫn chưa có tiến triển, vì lập trường của hai bên quá xa nhau.
Việt Nam thì vẫn kiên trì chủ trương là phải dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển 1982, còn Trung cộng thì dựa trên “đường lưỡi bò”. Hai lập trường này quá xa nhau. Chúng ta còn nhớ là về “đường lưỡi bò”, trong phán quyết về Biển Đông 2016, Tòa Trọng Tài Thường Trực, dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển cũng đã tuyên rõ là yêu sách về quyền lịch sử đối với vùng nước và tất cả những thực thể bên trong “đường lưỡi bò” là không có cơ sở pháp lý, cho nên vô giá trị. Phán quyết này cũng nói rằng những quy định của Công ước về Luật Biển cũng sẽ cao hơn so với cái gọi là “quyền lịch sử”.
Quan điểm của Việt Nam vẫn trước sau như một, đó là phải dựa trên luật pháp quốc tế, đặc biệt là dựa trên Công ước Liên Hiệp Quốc về Luật Biển. Chính điều đó đã dẫn tới khó khăn khi Việt Nam và Trung cộng đàm phán về cửa Vịnh Bắc Bộ.
Nói thế để thấy là có rất nhiều vấn đề mà Trung cộng muốn Việt Nam tham gia vào kế hoạch “gác tranh chấp, cùng khai thác”, nhưng chắc chắn là Việt Nam sẽ không thể tham gia được, bởi vì tham gia như vậy chẳng khác gì thừa nhận chủ quyền của Trung cộng và thứ hai là cho Trung cộng khai thác trên chính vùng biển mà lẽ ra quyền khai thác là của mình, theo quy định của luật pháp quốc tế.”
Theo nhà nghiên cứu Hoàng Việt, Việt Nam cũng sẽ khó mà tham gia thỏa thuận giống như thỏa thuận ba bên giữa Phi Luật Tân, Trung cộng và Việt Nam (JSMU) năm 2005:
“Chắc chắn là khó lập lại, bởi vì câu chuyện thỏa thuận ba bên đó cũng là một câu chuyện lịch sử. Phi Luật Tân ký thỏa thuận đó vào thời tổng thống Gloria Arroyo, một lãnh đạo nổi tiếng thân Trung cộng.
Khi bà ký thỏa thuận thì ban đầu chỉ là thỏa thuận hai bên Phi Luật Tân và Trung cộng. Ngay lập tức báo chí Phi Luật Tân đã lao vào mổ xẻ, thì mới thấy là bà có rất nhiều vi phạm. Thậm chí sau này hết nhiệm kỳ tổng thống của Arroyo, người ta còn phát hiện là trước đó bà đã cử một thượng nghị sĩ sang gặp Trung cộng để bàn việc “đi đêm” trong vấn đề Biển Đông. Thậm chí sau đó tòa án còn quản thúc bà Arroyo trong một thời gian.
Vào lúc đó, khi biết được thông tin hai bên ký kết thỏa thuận thăm dò địa chấn giữa Phi Luật Tân và Trung cộng, Việt Nam đã phản đối. Phi Luật Tân và Trung cộng đã đấu dịu bằng cách mời Việt Nam tham gia. Việt Nam lúc ấy cũng muốn tham gia để nắm tình hình và không để cho vấn đề đi quá xa. Trong thời gian tới, chắc chắn là Việt Nam không thể tham gia những thỏa thuận này.”
Khi đến Bắc Kinh vào tháng 11/2022 để gặp chủ tịch Tập Cận Bình, tổng bí thư đảng Cộng Sản Việt Nam Nguyễn Phú Trọng đã cùng với đồng nhiệm Trung cộng ra tuyên bố chung, trong đó có một phần bao gồm 4 điểm liên quan đến Biển Đông.
Trong điểm thứ 3, hai ông Tập Cận Bình và Nguyễn Phú Trọng nhất trí “thúc đẩy bàn bạc về hợp tác phát triển trên biển và bàn bạc về phân định vùng biển ngoài cửa Vịnh Bắc Bộ, thúc đẩy hai việc trên sớm đạt tiến triển thực chất”.
Nhưng trong tuyên bố chung, hai lãnh đạo nhắc lại là trước mắt Việt Nam và Trung cộng sẽ chỉ nhất trí đàm phán về các biện pháp giải quyết “mang tính quá độ, tạm thời mà không ảnh hưởng đến lập trường, chủ trương của mỗi bên”, trong khi chờ tìm kiếm “giải pháp cơ bản lâu dài mà hai bên đều có thể chấp nhận được”.
RFI (08.05.2023)