Seite auswählen

Tại sao 2 Tháng Chín không phải là Quốc khánh Việt Nam?

Đặng Đình Mạnh

Saigon Nhỏ

 

Vua Bảo Đại, người khai sinh khái niệm “Việt Nam Dân chủ Cộng hòa”, chứ không phải Hồ Chí Minh (ảnh: Reuter Raymond/Sygma/Getty Images)

Những ngày này, người dân trong nước đang chuẩn bị nghỉ “Lễ Quốc khánh” 2 Tháng Chín. Quốc khánh là dịp kỷ niệm tuyên bố sự khai sinh nền độc lập của một quốc gia. Vậy Quốc khánh 2 Tháng Chín hàng năm căn cứ vào dữ kiện lịch sử gì và tại sao ngày này thật ra không phải là Quốc khánh?

Việt Nam bước vào thế kỷ XX với tư cách là một xứ thuộc địa của Pháp. Điều ấy kéo dài cho đến giữa thập niên 1940, khi tư cách thuộc địa chấm dứt và Việt Nam trở thành một quốc gia độc lập vào ngày 11 Tháng Ba 1945, thời điểm mà Vua Bảo Đại ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”, tuyên bố hủy bỏ Hòa ước Patenôtre ký với Pháp năm 1884, khôi phục chủ quyền Việt Nam, thống nhất đất nước. Trong tuyên cáo có đoạn: “Chính phủ Việt Nam tuyên bố từ ngày này, Hòa ước Bảo hộ với nước Pháp bãi bỏ và nước Nam khôi phục quyền độc lập”.

Tuy nhiên, ngày 2 Tháng Chín 1945, sau chưa đầy sáu tháng, Hồ Chí Minh lại công bố bản “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình. Bảo Đại trước đó đã tuyên bố độc lập để khẳng định xứ sở thoát khỏi thân phận thuộc địa; vậy Hồ Chí Minh lại tuyên bố độc lập để đưa xứ sở thoát khỏi điều gì? Chẳng nhẽ thoát khỏi “ách” độc lập mà Cựu hoàng Bảo Đại đã tuyên bố từ chưa đầy sáu tháng trước?

Hãy điểm lại vài cột mốc quan trọng:

– Ngày 9 Tháng Ba 1945, chính quyền “mẫu quốc” Pháp tại Việt Nam bị Nhật đảo chính;

– Ngày 11 Tháng Ba 1945, Vua Bảo Đại ban hành Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập”;

– Ngày 15 Tháng Tám 1945, Nhật Bản tuyên bố đầu hàng quân đồng minh;

– Ngày 25 Tháng Tám 1945, Bảo Đại tuyên đọc Chiếu thoái vị tại cổng Ngọ Môn, Kinh thành Huế trước quốc dân đồng bào. Trong Chiếu, có câu nói bất hủ “Trẫm thà làm Dân một nước tự do, hơn làm Vua một nước nô lệ”;

– Ngày 28 Tháng Tám 1945, Hồ Chí Minh thành lập Chính phủ Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa sau sự kiện “Cướp chính quyền”, không thông qua bầu cử tự do;

– Ngày 2 Tháng Chín 1945, Hồ Chí Minh đọc “Tuyên ngôn độc lập” tại Quảng trường Ba Đình;

– Ngày 6 Tháng Giêng 1946, Quốc hội khóa 1 được thành lập;

Bảy cột mốc lịch sử vừa nêu cho thấy có ba lần quyền lực chính trị của quốc gia “đổi chủ”, từ người Pháp sang chính thể quân chủ và cuối cùng là chính thể cộng hòa.

Theo đó, về phương diện quốc tế công pháp, mỗi lần quyền lực quốc gia đổi chủ đều đặt ra vấn đề pháp lý kế thừa nhà nước. Trên cơ sở đó, chính quyền sau thừa kế trọn vẹn những quyền và nghĩa vụ của chính quyền trước đó, sự kế thừa không ít hơn và cũng không nhiều hơn. Thế nên, nếu chính quyền của Bảo Đại đã xác lập pháp lý về nền độc lập cho nước nhà thì chính quyền Hồ Chí Minh sau đó phải mặc nhiên kế thừa tính pháp lý của nền độc lập đó mà không cần phải “tái tuyên bố” độc lập.

Việc một quốc gia hai lần tuyên bố độc lập trong chưa đầy sáu tháng là tiền lệ chưa từng có trên thế giới, nhất là khi nền độc lập được tuyên bố lần đầu vẫn còn nguyên giá trị pháp lý và chưa từng bị xâm phạm hay được phục hồi sau khi bị xâm phạm! Nói cách khác, Hồ Chí Minh đã tuyên bố độc lập trong hoàn cảnh thực tế đất nước đang đc lp và đã được chính quyền quân chủ hợp pháp tuyên bố khẳng định nền độc lập đó bằng một văn bản pháp lý trước đó chưa đầy sáu tháng.

Điều thú vị là vào trước thời điểm ngày 28 Tháng Tám 1945, khi nước nhà chưa từng có một nền cộng hòa nào được thiết lập thì trong nội dung Chiếu thoái vị của cựu hoàng Bảo Đại tuyên đọc năm ngày trước đó đã có đoạn:

– “Trẫm yêu cầu tất cả các đảng phái, các phe nhóm, tất cả các tầng lớp xã hội cũng như toàn thể hoàng gia phải đoàn kết chặt chẽ để hậu thuẫn vô điều kiện cho CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ CỘNG HÒA, hầu củng cố nền độc lập quốc gia.

– “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA muôn năm”

Chi tiết này cho thấy, từ văn kiện pháp lý cuối cùng của nền quân chủ, chính cựu hoàng Bảo Đại mới là người đầu tiên khai sinh các khái niệm “CHÍNH PHỦ DÂN CHỦ CỘNG HÒA” hoặc “VIỆT NAM DÂN CHỦ CỘNG HÒA” một cách công khai và chính thức trên lãnh thổ Việt Nam, chứ không phải từ Chính phủ Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa của Hồ Chí Minh thành lập ngày 28 Tháng Tám 1945 hay Quốc hội khóa I thành lập ngày 6 Tháng Giêng 1946.

Thế nên, từ sự thật lịch sử cho thấy:

– Nền độc lập hợp pháp của Việt Nam phải được tính từ ngày 11 Tháng Ba 1945, theo Đạo dụ “Tuyên cáo Việt Nam độc lập” do vua Bảo Đại tuyên bố dưới chính thể quân chủ;

– Ngày 2 Tháng Chín 1945 chỉ là ngày công bố ý định thiết lập chính thể dân chủ cộng hòa tại Việt Nam; và là sự kiện kỷ niệm ngày ra mắt quốc dân đồng bào của Chính phủ Cách mạng Lâm thời Việt Nam Dân chủ Cộng Hòa (chỉ bao gồm thành viên Việt Minh).

Thế nên, đặt Quốc khánh Việt Nam vào ngày 2 Tháng Chín hoàn toàn là một sự mạo danh, thậm xưng không hơn không kém. Ngạn ngữ phương Tây có câu “Cái gì của Ceasar thì trả lại cho Ceasar”, cũng như thế, chúng ta phải trả lại sự thật vốn có của lịch sử. Không nhất thiết rằng sau khi “cướp chính quyền” thì tất cả đều có thể là thành quả của vụ “cướp”, kể cả sự thật lịch sử cũng bị “cướp” bằng sự đánh tráo, mạo nhận.

Quốc khánh

Nguyễn Thông

2-9-2023

Hôm nay 2.9, xứ này gọi là ngày Quốc Khánh, hoặc Ngày Độc Lập, Tết Độc Lập.

Các nước trên địa cầu hầu như nước nào cũng có ngày Quốc Khánh. Theo từ nguyên, “quốc” nghĩa là “nước”, “khánh” là “mừng”, vui mừng, ăn mừng (khánh tiết, khánh thành, khánh hạ, lễ mừng thọ lục tuần đại khánh…). Quốc khánh, hiểu nôm na, là ngày lễ ăn mừng, vui mừng của một quốc gia.

Xưa nay, các nước trên thế giới thường chọn ngày Quốc khánh là ngày gắn với sự kiện trọng đại, có ý nghĩa bậc nhất của nước ấy. Rồi hằng năm, cứ tới ngày tháng đó thì kỷ niệm Quốc khánh. Nước Mỹ là 4.7, Pháp chọn 14.7, Trung Quốc 1.10, Việt Nam 2.9 (lưu ý là “ngày 2.9” chứ không phải “mùng 2.9”, bởi “mùng” chỉ dùng cho âm lịch).

Hồi tôi còn bé, học cấp 1, trong sách tập đọc có bài thơ, rằng “Ngày mùng 2 tháng 9/ Ngày sinh của nước ta/ Tháng 10 ngày mùng 1/ Quốc khánh nước Trung Hoa/ Nước Việt Nam gan dạ/ Có Trung Hoa anh hùng/ Bên nhau luôn sát cánh/ Tiêu diệt kẻ thù chung/ Việt Nam có bác Hồ/ Trung Hoa có bác Mao/ Nhi đồng cả hai nước/ Yêu hai bác như nhau“.

Cùng thời điểm này, nhạc sĩ Đỗ Nhuận, cha của nhạc sĩ con Đỗ Hồng Quân có bài hát “Việt Nam – Trung Hoa” ca ngợi “đường ta đi hồng màu cờ cách mạng”.

Như đã nói, dương lịch không dùng mùng, mồng lại càng không nên, nghe sao sao í, nhưng ông bà nhà thơ (tên gì thì tôi quên rồi) cứ viết đại như thế, đã đưa vào sách giáo khoa thì đành phải học. Ca ngợi quan hệ với Tàu, bắt yêu thương bác Mao dù bác Mao giết mấy chục triệu người dân Tàu, kể cả đồng chí, đồng đội thân thiết nhất cùng vào sinh ra tử. Và bi kịch nhất, thứ mà bài thơ kiêu ngạo, tự hào, nhét vào đầu con trẻ không phải là hòa bình, tình yêu thương, mà là đánh nhau, giết chóc, diệt thứ này, giết kẻ kia, “tiêu diệt kẻ thù”.

Trẻ con thế hệ tôi bị nhét vào đầu cái máu hung hăng ấy, làm chi mà chả hở ra là đánh, tẩn, thụi, nện… người khác. Sách giáo khoa bảy tám chục năm nay luôn có vấn đề, chỉ đáng xách dép cho “Quốc văn giáo khoa thư” của các cụ Lệ Thần Trần Trọng Kim, Ôn Như Nguyễn Văn Ngọc.

Thế giới, nước người ta đều có Quốc khánh nhật, nhưng hầu hết chỉ nhắc nhớ, kỷ niệm một cách đơn giản, gọn nhẹ, hiền hòa, thậm chí lặng lẽ. Điều mà họ quan tâm là cuộc sống mỗi ngày của người dân được hạnh phúc, đầy đủ, vui vẻ, yêu thương, xã hội được an lành, trong suốt cả năm. Thế giới văn minh, hạnh phúc thực chất là vậy, không rùm beng, màu mè, hoa hòe hoa sói, cờ đèn kèn trống. Họa hoằn lắm, họ chỉ kỷ niệm Quốc khánh rầm rộ vào mốc thời gian thật đặc biệt, ví dụ 50 năm, 100 năm, mà những dịp như thế rất hiếm trong dòng thời gian.

Thói màu mè, hình thức, băng rôn cờ quạt thường chỉ thấy ở những nước cộng sản, xã hội chủ nghĩa, như Liên Xô, Trung Quốc, Việt Nam, Triều Tiên, Cuba… Thôi thì “trăm nghìn đổ một trận cười như không”, ném tiền qua cửa sổ, chỉ nhằm đạt mục đích tuyên truyền, để dân chúng giả vờ hạnh phúc, giả vờ sung sướng, tự hào.

Năm nào cũng như năm nào, bất cần năm chẵn, năm lẻ, xứ này cứ gọi là quốc khánh tung trời, đến con kiến trong lỗ cũng phải bò ra coi cờ quạt pháo hoa. Bằng chứng rõ nhất là năm nay xứ ta kỷ niệm quốc khánh lần thứ… 78, giời ạ. Cũng lễ lạt, đít cua, ông to bà nhớn làm long trọng viên, cờ quạt băng rôn đỏ rực, tivi ầm ào, báo chí sặc sỡ. Tốn vào đó không biết bao nhiêu là tiền, cho một cuộc vui che giấu thực tại.

Xứ ta còn đỡ, chứ đám cộng sản Triều Tiên mới ghê, chả đợi phải tới ngày Quốc khánh, cứ thích là nhích, duyệt binh hùng tráng, tàu bay tàu bò rầm rộ, phô trương vũ khí giết người, chẳng khác gì cảnh “Tên lửa tên tre/ Lưỡi lê lưỡi mác/ Và thuyền và xe/ Chân đi vai vác” của ta hôm nào, còn dân chúng thì khóc nức nở, mà lại chỉ làm ban đêm, đúng là quái gở.

Đến thời nay rồi mà vẫn giữ trò hình thức ấy, bày vẽ còn hơn cả phong kiến, bảo hoàng hơn vua, thật chả ra làm sao. Cần thay đổi ngay thứ tư duy cờ đèn kèn trống ấy đi, hãy tụt xuống khỏi đám mây hoang tưởng đi, để trở về thực chất. Đồng tiền muôn vạn từ mồ hôi nước mắt của dân, chi vào trò này, tôi nói thật, hãy chi thẳng cho người dân, ít nhiều cũng giúp họ thoát phần nào cái mà các ông bà gọi là “nghèo bền vững”. Đó mới là thực chất của Quốc khánh, của lễ kỷ niệm có ý nghĩa trong một xã hội văn minh.

Còn trò duyệt binh mà đám cộng sản thế giới (Liên Xô, Trung Quốc, Triều Tiên, Cuba, An Nam…) cũng rất chuộng, tôi sẽ biên vào dịp khác.

Ai đã lựa chọn con đường cho Việt Nam?

 

Nguyễn Đình Cống

Tiếng Dân

2-9-2023

Ngày 1 tháng 9, tại cuộc meeting ở Hà Nội, kỷ niệm ngày 2 tháng 9, chủ tịch Võ văn Thưởng đọc diễn văn, cho rằng: “Đảng, bác Hồ, Nhân dân Việt Nam đã lựa chọn con đường Độc lập gắn với Chủ nghĩa xã hội (CNXH)”.

Câu trên không phải do ông Thưởng nghĩ ra và nói lần đầu tiên, mà ông chỉ nhắc lại lần thứ n+1, với n rất lớn. Ông Thưởng nhắc lại một cách máy móc, hình như không hề suy nghĩ xem, nói như vậy, đúng, sai chỗ nào.

 

Thật ra, trong việc tìm con đường, nhân dân Việt Nam chẳng lựa chọn gì cả. Xin hỏi, bạn có phải là nhân dân không? Bạn đã lựa chọn con đường ở đâu, lúc nào, như thế nào?

Nhân dân Việt Nam hiện nay có gần trăm triệu người, tạm chia ra ba nhóm, có vai trò, quyền lợi và nguyện vọng cụ thể khá khác nhau.

Dân nhóm một là những người được ưu đãi, có quyền lợi gắn chặt với chế độ. Nhóm này chiếm tỷ lệ tương đối ít.

Dân nhóm hai là những người lao động bình thường, họ làm việc và đóng thuế cho nhà nước. Họ có nguyện vọng thiết tha là được sống trong hòa bình, được yên ổn làm ăn, nuôi dạy con cái. Nhóm này chiếm số đông trong xã hội, họ phục tùng bất kỳ chính quyền nào, đóng thuế cho bất kỳ nhà nước nào đang cai quản, tuân lệnh bất kỳ quan chức nhà nước nào đang thống trị, họ luôn lo sợ bị chính quyền quở trách và sẵn sàng phụ họa theo ý muốn của chính quyền.

 

Dân nhóm ba là tầng lớp trung lưu, có nhu cầu cao về tự do dân chủ để lao động sáng tạo, để phát triển kinh tế, văn hóa, giáo dục. Trong số họ có các trí thức tinh hoa, các văn nghệ sĩ ưu tú, họ có nhu cầu và thích phản biện để vạch ra những sai sót của chính quyền, làm một việc mà lãnh đạo cộng sản rất ghét, rất sợ và ra sức triệt phá.

Nếu lãnh đạo nhà nước có cách hợp lý, dân chủ thực sự, tuân thủ tính khách quan, trung thực, khoa học, để điều tra, để trưng cầu dân ý về chọn con đường, thì chắc rằng đa số dân nhóm một, một số ít dân nhóm hai chọn CNXH, còn phần rất lớn dân nhóm ba không chọn. Nhưng nếu gian lận trong điều tra thì con số chọn XHCN có thể sẽ rất cao.

Trong các phát ngôn và văn bản quan trọng (Tuyên ngôn Độc lập, Di chúc…), ông Hồ cũng chưa bao giờ nói hoặc viết rằng, mình chọn CNXH để áp đặt cho dân tộc.

Con đường CNXH, kiên trì nó, thực ra chỉ được một vài người chóp bu trong đảng lựa chọn (thậm chí chỉ do một người tự ý chọn theo sự hiểu biết sai lầm của mình) rồi áp đặt cho những người khác và dùng nguyên tắc: “Cấp dưới phải phục tùng cấp trên, cá nhân phải phục tùng tập thể”, cùng với kỷ luật đảng để buộc mọi đảng viên không được nói khác. Như vậy, thực chất Đảng cũng không lựa chọn mà bị áp đặt từ ý chí của một người.

Từ đó suy ra, câu ông Thưởng nói ở trên là một loại ngụy biện thô bạo, một loại quen nói liều, quen nói dối trước hàng chục triệu người.