Seite auswählen

Nhã Ca nói chuyện Huế Tết Mậu Thân tại Đại học Toronto, 11/03/2018

Nhã ca

Năm mươi năm sau Huế Tết Mậu Thân, tôi rất cảm kích khi biết bà con người Việt tại Đức còn nhớ “Giải Khăn Sô Cho Huế”

Lòng riêng hằng mong được bay sang cùng bà con họp mặt tưởng nhớ, nhưng tuổi 80, gặp lúc sức khỏe không cho phép bay xa. Xin nhờ Bác sĩ Hoàng thị Mỹ Lâm chuyển dùm tới quí vị đồng hương lời chào trân trọng nhất.

Và xin góp chút lòng thành hướng về quê xưa cùng nhớ Huế, thương Huế.

Huế với tôi, gần gụi nhất là con dốc Nam Giao. Bắt đầu dưới dốc là ngôi chùa Báo Quốc, đường lên dốc đầy tiếng chuông tiếng mõ hiền hòa. Ngôi chùa xa nhất là chùa Tường Vân, với mái chùa cổ kính rêu phong, nơi có vị Đại lão Hòa Thượng đức độ Thích Tịnh Khiết, Đức Tăng Thống đầu tiên của Giáo hội Phật Giáo Việt Nam Thống Nhất mà chúng tôi gọi là Ôn Tường Vân. Trong đám thiếu nhi Phật tử một thời, tôi nhớ mình là một trong mấy đứa trẻ từng được Ôn thương nhất. Chúng tôi thường hay níu áo Ôn vòi vĩnh.

Con đường Nam Giao cũng như cả thành phố, mỗi mùa Phật Đản, Lễ Vu Lan, hay các dịp Lễ Tết đều giăng đầy cờ Phật Giáo. Riêng con dốc chật ních người đi chùa. Hai bên đường, dân chúng đặt sẵn những gánh Nước Giếng lấy từ cầu Lim cho người đi lễ chùa uống khi khát. Nước trong lu đã được nấu sôi một ngày, một đêm để nguội. Tôi nhớ thời nhỏ, dù không khát cũng vẫn chờ được uống, vì… ngọt ơi là ngọt. Khi lớn khôn vào đời, tôi vẫn nhớ nước giếng cầu Lim. Nhiều lúc tưởng như mình vẫn nghe hàng trăm, hàng ngàn tiếng chuông dộng đêm ngày, nhắc nhở tâm từ cho những người con Phật.

Và rồi đêm giao thừa Tết Mậu Thân 1968, súng nổ, cộng quân vào thành phố.

Cùing với hàng ngàn dân Huế bị cộng sản tàn sát, còn có cả những nạn nhân người Pháp, người Đức.

Cũng ngay trên con dốc Nam Giao, một trận chiến ác liệt đã diễn ra. Khi buộc phải triệt thoái, công quân rút lên núi và chiếm giữ Tu viện Thiên An. Lúc đó Tu viện đang là nơi lánh nạn cho hơn 3000 người. Mặc cho các cha dòng van xin, cộng sản đã nổi lửa thiêu rụi tòa nhà chính trong vòng hai ngày.Thư viện gồm những pho thư khố và thủ bút quý thời vua chúa cũng chung số phận.

Khi rút khỏi đống gạch vụn Tu viện ngày 25.02, Cộng quân bắt theo trên 200 người, trong đó 2 linh mục người Pháp, cha Urbain, 52 tuổi, và cha Guy, 48 tuổi và một số tu sĩ linh mục, tập sinh và người giúp việc. Hầu hết sau đó đều bị xử tử, được nhận diện

trong số hơn 200 xác người tìm thấy trong những hầm chôn rải rác gần các lăng vua. Tại khu vực gần lăng Đồng Khánh có xác linh mục Urbain lấp cùng một hố với 10 người khác, tay bị trói, mình không có một vết thương, chứng tỏ có thể bị chôn sống. Thi hài cha Guy với vết đạn ở đầu và cổ, cũng được tìm thấy trong một hầm riêng ngày 27.03.68.

Trên dốc Nam Giao, ngôi chùa Tường Vân cổ kính cũng từng bị cộng quân chiếm giữ và biến thành nơi giam cầm và xử tử các Bác sĩ người Đức, giáo sư Đại Học Y Khoa Huế.

Ông Bà Bác sĩ Gunther Krainick (Freiburg) Bác sĩ Raymund Discher và Bác sĩ Alter Koster thuộc nhóm y sĩ do đại học Freiburg gửi sang giúp thành lập và giảng dạy tại trường Y Khoa Huế từ năm 1960. Bên cạnh sự tận tụy trong việc tổ chức bệnh viện cho trường y khoa Huế, Ông bà Krainick còn mở thêm một chẩn y viện miễn phí cho dân ở Đan Nghi, một vùng quê sôi đậu gần Huế và rất được dân chúng rất quí trọng.

Mặc dù vậy, các bác sĩ người Đức vẫn là một mục tiêu bắt giết của cộng sản. Năm ngày sau khi chiếm thành phố, sáng mồng 5 tháng Hai, một nhóm du kích Mặt Trận địa phương và 2 bộ đội miền Bắc tới cư xá đại học Huế bắt bốn người Đức mang đi trên một xe buýt nhỏ hiệu Volkswagen.

Mãi hai tháng sau khi cộng quân đã rút chạy, ngày 2 tháng Tư, khi khai quật một hố lấp vội trong vườn chùa Tường Vân, thấy một đầu tóc bạch kim nhô lên, xác những người Đức mới được phát hiện. Các sinh viên y khoa Huế mau chóng tới nhận xác thầy. Trong cái hố chật hẹp bên bờ tre chỉ cách sân chùa 200 mét, bốn xác người Đức bị trói bằng dây điện thoại, tay bẻ quặt ra sau lưng. Thái dương trái là lỗ đạn vào. Thái dương phải là lỗ đạn trổ ra. Mọi khuôn mặt đều bị biến dạng.

Linh cữu Ông Bà Giáo sư Krainick và hai bác sĩ Krainick và Alter Koster được quàn tại Tòa Viện trưởng. Đức Tổng Giám Mục Huế đích thân tới chủ lễ trước khi được chuyển vào Sàigòn. Ngày 13 tháng Tư 1968, hài cốt của họ từ biệt Việt Nam. Linh cữu được đưa ra phi trường trên chiếc xe do bốn ngựa kéo. Theo sau là 250 sinh viên y khoa Huế và Sài gòn mang biểu ngữ tri ân, đội đưa tang và đội quân danh dự của Quân lực Việt Nam Cộng Hoà. Các bác sĩ Đức bị cộng sản thảm sát tại Huế được báo chí Đức tôn vinh cạnh tên tuổi Bác sĩ Albert Schweitze, giải Nobel Hòa Bình năm 1952 với thành tích mở bệnh viện phục vụ dân nghèo ở Phi châu.

Trong khi ấy thì tại Việt Nam từ 1975, bia tưởng niệm các vị Giáo sư người Đức bị thảm sát trong khuôn viên Đại Học Y Khoa Huế đã bị cộng sản đập phá, vứt xuống ao rau muống.

Năm nay, tôi mong bà con ta tại Đức khi tưởng niệm 50 năm sau Huế Tết Mậu Thân, sẽ dành một phút trân trọng tưởng niệm các vị Bác sĩ của đại học Freiburg bị cộng sản thảm sát tại Huế.

*

Thưa bà con,

Là kẻ sống sót từ địa ngục Huế Tết Mậu Thân, tôi viết “Giải Khăn Sô cho Huế.” Chỉ là một bút ký chạy loạn kiểu có sao kể vậy, viết khi thấy như có tiếng kêu hay con mắt oan ức đuổi theo mình dục dã. Thêm một lần sống sót sau tù đày hậu chiến, tôi đến được miền đất tự do và sách “Giải Khăn Sô cho Huế” được tái bản tại Mỹ.

Tại Hoa Kỳ, ngay từ thời còn chiến tranh, mọi cuốn sách từ Việt Nam được phiên dịch, xuất bản cho người Mỹ đọc, đều đến từ miền Bắc Cộng sản. Tất cả sách vở miền Nam -tiếng nói của người dân miền Nam thời nam bắc phân tranh- bị dìm vào thinh lặng, chỉ vì chúng không phù hợp với cách nhìn của phong trào phản chiến tại Mỹ từ nửa thế kỷ trước.

Sách “Mourning Headband for Hue” được Đại học Indiana xuất bản năm 2014. Đây không chỉ là một cuốn sách dịch. Giáo sư Olga Dror tại Đại học A & M Texas Hoa Kỳ là nhà sử học đã thực hiện công trình nghiên cứu toàn diện về trận chiến và cuộc thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân. “Giải Khăn Sô Cho Huế” được coi là tiếng nói trung thực của người dân miền Nam về trận chiến mà bà đã nghiên cứu.

Trong lịch sử Việt cũng như Mỹ, chiến tranh Việt Nam từng được coi là cuộc chiến dài nhất, gây nhiều tranh cãi nhất. Cuộc chiến ấy có cái bóng dài hơn chính nó. Đó là trận chiến và cuộc thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân 1968. Trong năm 2015, khi cùng bà bạn Olga Dror đầu tiên mang được hình ảnh và chuyện dân Huế bị tàn sát tới với các đại học Berkeley và Cornell, tôi đã luôn nhấn mạnh điều này.

Bước sang năm 2018, đánh dấu 50 năm sau Tết Mậu Thân, mới đây, Giáo sư Olga Dror có thêm bài viết mới trên báo The New York Times, số ra ngày 20 tháng Hai. Bài viết mang tựa đề “Học hỏi từ cuộc Thảm Sát Huế / Learning from the Hue Massacre.”

Sau khi thuật lại chuyện “Giải Khăn Sô Cho Huế,” lên án việc gạt bỏ tiếng nói của dân miền Nam trong cuộc chiến, bài viết của Olga báo tin trong tiến trình hòa giải giữa Hoa Kỳ và Việt Nam, sự thay đổi đã thực sự bắt đầu tại Hoa Kỳ. Một thế hệ mới các nhà sử học của Hoa Kỳ về quan hệ Việt – Mỹ thời hiện đại đã nhận lãnh trách nhiệm. Vì sự công bằng với người dân miền Nam Việt Nam, mọi sai lầm và tội ác từ mọi phía trong

cuộc chiến đều phải được nghiên cứu, nói lên. Olga viết rõ là phía những người cộng sản dù lâu nay vẫn cố phớt lờ những sai lầm của họ trong cuộc thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân, nhưng sẽ đến lúc phải nhìn nhận sự thật.

Gần như cùng lúc với bài báo, Tháng Ba năm nay, trong khi dân Đà Nẵng chào mừng hàng không mẫu hạm Mỹ, thì tại Sài gòn, Dinh Độc Lập cũ mở cổng để triển lãm hình ảnh cuộc đời TT Ngô Đình Diệm. Cuộc triển lãm mang tên “Từ Dinh Norodom tới Dinh Độc Lập 1868-1966” đã được sửa soạn từ ba năm trước. Hình ảnh khai mạc triển lãm cho thấy, nhà sử học thuộc thế hệ mới của Hoa Kỳ là Edward Miller đang giới thiệu cả gia đình vị Tổng Thống đầu tiên của Việt Nam Cộng Hòa.

Edward Miller là tác giả cuốn sách “Liên minh Sai Lầm: Hoa Kỳ-Ngô Đình Diệm và số phận miền Nam,” xuất bản năm 2013. Cùng thể loại với cuốn “Mourning Headband for Hue” do Olga Dror thực hiện, xuất bản năm 2014.

Trong cuộc trưng bầy hình ảnh cả dòng họ Tổng Thống Ngô Đình Diệm, Edward Miller nói là ông không chỉ muốn “tái hiện” mà là muốn diễn giải lại lịch sử. Với các lãnh tụ cộng sản tại Hà Nội, việc diễn giải lịch sử về sự sai lầm của liên minh Hoa Kỳ – Ngô Đình Diệm có thể không khó chịu lắm. Trái lại, việc chờ đợi họ “học hỏi về cuộc thảm sát tại Huế” chắc khó hơn nhiều.

 

Khi giới thiệu sách “Mourning Headband for Huế”, Olga Dror từng viết “Cần đến năm mươi năm cho chính quyền Sô Viết nhận thức điều gì đã xảy ra vào năm 1940 tại Katyn Forest, khu vực rừng núi gần làng Gneizdovo ngoại ô thành phố Smolensk, nơi Stalin

ra lệnh cho Bộ Nội Vụ bắn chết và chôn hàng ngàn quân nhân và thường dân Ba Lan đã bị bỏ tù khi Liên Bang Sô Viết xâm chiếm Ba Lan vào tháng 9 năm 1939 trong liên minh với Đức Quốc Xã. Những người Sô Viết đổ tội người Đức tàn ác cho mãi đến năm 1990, sau khi tổng thống Mikhail Gorbachev thừa nhận tội lỗi của Sô Viết và, kết quả là, các tài liệu mật đã được công khai để giúp hình ảnh đầy đủ hơn về những gì đã xảy ra ở đó. Gorbachev nói rằng sự thật những gì xảy ra trong rừng Katyn là một trong những “gút thắt lịch sử” gây phức tạp các mối quan hệ giữa Sô Viết và Ba Lan.”

50 năm sau vụ thảm sát tại Huế, nhà nước cộng sản vẫn còn ăn mừng chiến thắng Tết Mậu Thân. Mấy chữ “Thảm sát tại Huế” với họ, xem ra là thứ khó nói khó nghe, khó nuốt khó tiêu, hẳn nhiên là khó dạy khó học.

Trận chiến Tết Mậu Thân cũng như cả cuộc chiến tại Việt Nam, chỉ là thứ oan nghiệt. Không cần có. Không đáng có. Càng không đáng kéo dài. Vậy mà ngay cả khi bom đạn đã im tiếng, đủ loại vết thương có thật vẫn tiếp tục bị bôi đen bịt kín. Nhưng dù có cố mấy đi nữa, vết thương cũng tới lúc phải mở ra chữa trị. Mới đây, khi trả lời cuộc phỏng vấn của Đài BBC Luân Đôn, tôi đã nói điều này.

Thưa quí vị đồng hương,

Lịch sử nhân loại cho thấy mọi cuộc chiến đều yên nghỉ khi được nhìn nhận đúng vị trí của nó, và cuộc sống tiếp tục. Tôi tin sự khôn ngoan của nhân loại. Tôi tin là dân tộc tôi từng biết thế nào là truyền thống, là văn hóa, lịch sử, sẽ đủ sức bước tới một tương lai xứng đáng.

Tưởng niệm 50 năm cuộc thảm sát tại Huế Tết Mậu Thân, xin cùng nhau giữ niềm tin và hướng về tương lai.

Kính chào quí vị,

 

Nhã C

Nguồn: lienhoivtn